I– Cái nhân của việc sửa lỗi
Vào thời đại Xuân Thu, các quan chức của nhiều nước chư hầu thường có sự lai vãng giao hảo, khi thấy cử chỉ, hành động, ngôn ngữ của một người nào, hoặc là lời khinh bạc, hoặc thái độ ôn hòa nhân hậu, họ có thể đàm luận về số phận của con người đó sẽ gặp họa hay phúc và lời suy đoán của họ không phải là không ứng nghiệm. Những sự tình như vậy đều có ghi rõ trong các sách sử như Tả truyện hay Quốc ngữ mà ta có thể đọc biết được.
Đại để những dự triệu biết trước các việc cát hung đã nẩy mầm ngay ở nơi tâm khi dấy khởi động niệm và phát xuất ra ngoài tứ chi, như người có cử chỉ hành động nhân hậu đạo đức thường được phúc, trái lại người có hành vi khắc bạc chỉ tham đồ cho riêng mình thường gặp họa. Người trần con mắt phàm nhãn quang bị che lấp nên không thấy được mà cho rằng họa phúc chưa nhất định hình thành thì không thể suy đoán trước được.
Một người có lòng chí cực thành thật là tương hợp với lòng trời, nên chỉ cần quan sát xem họ làm những điều thiện hay bất thiện thì đủ biết trước được là họ sẽ gặp phúc hay họa tới.
II– Nền tảng của việc sửa lỗi
1. Lòng xấu hổ
Ngày nay, muốn được phúc mà tránh xa các tai họa, chưa vội bàn tới việc làm lành, trước hãy nên cần sửa lỗi đã. Người muốn sửa lỗi, điều thứ nhất cần phải biết tri sỉ, biết tự hổ thẹn. Nên biết rằng các bậc thánh hiền xưa cũng là người như ta mà sao có thể nêu gương sáng hàng trăm đời, ta sao lại chịu thân tàn hủ bại. Đó là tự mình đắm say ngũ dục lục trần, nhiễm phải nhiều thói xấu, làm nhiều điều bất nghĩa mà cho là người đời không hay, không biết nên cao ngạo, ngang nhiên chẳng chút hổ thẹn, ngày một ngày càng sa đọa vào vòng cầm thú mà chẳng tự biết.
Ở đời chẳng có điều gì lớn hơn là biết tự sỉ, biết tự hổ thẹn. Thầy Mạnh Tử nói: Lòng biết hổ thẹn ở nơi con người là một điều lớn lao vậy, có được tâm sỉ ắt thành thánh hiền, không có tâm sỉ ắt chỉ là cầm thú, súc sanh mà thôi. Đó là chỗ căn bản quan hệ của việc sửa lỗi.
2. Lòng úy kính
Điều thứ hai là cần phải phát lòng úy kính, e dè sợ sệt. Thiên địa quỷ thần khó mà có thể khi dễ, lỗi của chúng ta tuy ẩn nhẹm, kín đáo người đời không biết mà thiên địa quỷ thần đều có thể soi xét thấu rõ, nặng ắt sẽ giáng trăm điều tai ương, nhẹ ắt sẽ giảm phúc được hưởng. Chúng ta há chẳng đáng nên sợ hay sao!
Không những chỉ có vậy, ở những nơi thanh nhàn vắng vẻ chỉ riêng có độc một thân một mình cũng đều là bị quỷ thần giám sát, che đậy thật khéo mà thần minh cũng đã sớm thấu rõ đến tận gan phổi của mình, vậy nên khó mà có thể tự lừa dối lấy mình mãi mãi được; một khi bị người đời phát hiện sự dối trá che đậy giấu nhẹm của mình thì lúc đó thân phận mình chẳng đáng giá lấy một đồng xu. Vậy há không nên e dè úy kính hay sao!
Không những chỉ như vậy, khi hãy còn một hơi thở, các tội ác đều có thể sám hối cải sửa. Người xưa một đời làm ác, lúc gần lìa đất xa trời, phát một niệm thiện, thành tâm hối lỗi, bèn được an lành từ giã cõi đời, nên nói là chỉ một niệm dũng mãnh thật chí thành đủ để tẩy sạch được trăm năm tội ác, cũng tỷ như một hang cốc tối tăm hàng ngàn năm bỗng có một ngọn đèn chiếu rọi tới thì ngàn năm tăm tối đó đều bị tiêu trừ, cho nên không cần biết là tội đã phạm từ lâu nay, hay mới phạm gần đây, chỉ có phát tâm cải sửa mới là điều quý.
Bất quá cõi trần là vô thường không nhất định, thân huyết nhục dễ bị hủy hoại , nếu cứ cho là làm lỗi có thể sửa được mà chẳng chịu sửa ngay, một khi hơi tàn thở hắt ra rồi lúc đó mới muốn sửa thì chẳng còn kịp nữa. Ở dương thế mang lấy tội danh từ trăm năm, ngàn năm trước, tuy có con hiếu cháu hiền cũng không vì mình mà rửa sạch được; ở cõi âm thì bị quả báo sa địa ngục hàng trăm ngàn kiếp, dù cho có thánh hiền, có Phật, Bồ Tát cũng không cứu giúp, dẫn độ được. Vậy há chẳng e dè sợ sệt hay sao!
3. Lòng dũng mãnh
Thứ ba, phải phát tâm dũng. Nhiều người không chịu sửa lỗi, đa số là vì phóng túng biết lỗi đấy mà bỏ đấy nên bị thoái hậu, thụt đầu lùi lại không đường tiến. Chúng ta cần phải phấn khởi, dũng mãnh dụng công cải sửa ngay lấy mình không chờ đợi, không trù trừ hoài nghi nữa.
Lỗi nhỏ ví như cái gai đâm vào thịt phải mau chóng rút bỏ ra. Lỗi lớn tựa như rắn độc cắn vào ngón tay, cần phải quyết tâm chặt bỏ ngay không chút ngần ngừ do dự. Người mà nhất quyết sửa lỗi lầm để tự canh tân thật rất hữu ích cũng như gặp được quẻ phong lôi trong Kinh Dịch, một quẻ đại cát vậy.
Có đầy đủ ba tâm, tâm tri sỉ, tâm úy kính, và tâm dũng mãnh, ắt lỗi lầm đều cải sửa được ngay cũng như băng tuyết mùa xuân gặp mặt trời, vậy há lo gì mà tội lỗi chẳng tiêu tan.
III – Phương pháp sửa lỗi
1.Theo sự tướng
Tuy nhiên tội lỗi của người ta có thể theo sự tướng mà cải sửa, hoặc theo lý hay theo tâm. Cách dụng công không giống nhau thì hiệu quả cũng không tương đồng. Như hôm trước phạm lỗi sát sinh, hôm sau giữ giới không sát sinh nữa, như hôm trước nóng giận mắng chửi, hôm nay giữ giới không nóng giận nữa. Những sự việc như thế gọi là theo sự thực xảy ra mà cải sửa vậy.
Ngày nay phạm lỗi, ngày mai cố sửa, cứ theo sự việc xảy ra ở bên ngoài mà miễn cưỡng kiềm chế lấy mình để khỏi phạm nữa, thực là trăm phần khó vì chung cục bệnh căn vẫn tồn tại, bởi nay ở bên đông hết tội, mai tội lại nẩy sinh ra ở bên tây, cứu cánh không phải là đường lối hợp đạo lý, không trừ sạch được hết tội lỗi.
2.Theo lý cải sửa
Người khéo sửa lỗi mình thì khi còn chưa phạm cấm giới, trước hết hãy nên biết rành rẽ đạo lý đã; như tội lỗi ở chỗ sát sinh thì nên tự nghĩ rằng thượng đế hiếu sinh, chúng vật đều luyến ái mạng sống, giết chúng để nuôi dưỡng thân mình thì sao ta có thể đang tâm; vả lại khi giết chúng, nào là chặt cắt, mổ xẻ cho vào chảo, vào nồi nấu nướng, chúng phải chịu bao nhiêu nỗi thống khổ đau đớn thấu nhập cốt tủy. Chúng ta sát hại chúng để nuôi dưỡng mình, để có la liệt những thứ cao lương mỹ vị miếng ngon vật quý, nhưng khi nuốt trôi khỏi cổ rồi thì giống như không, chẳng có gì nữa. Mà dùng rau đậu, canh dưa cũng đủ no đầy bụng, hà tất phải sát hại mạng sống của chúng vật mang lấy tội sát sinh làm tổn phúc của mình nữa.
Hơn nữa, những vật thuộc loại có huyết khí đều có linh tính, tri giác, mà đã có linh tính tri giác thì chúng cũng đồng một thể, cũng giống y như chúng ta; vả lại chúng ta chưa tự tu được đến mức độ đạo đức thực cao làm cho chúng thân cận ta, tôn trọng ta, há lại hàng ngày sát hại sinh mạnh chúng vật để chúng mãi mãi thù oán, cừu hận chúng ta. Nghĩ như vậy thì đối với miếng ăn thực cũng đau lòng mà khó nuốt trôi.
Như hôm trước nổi sân cáu giận, ắt nên nghĩ rằng con người không phải thánh nhân, còn có nhiều khuyết điểm lỗi lầm, theo đạo lý mà nói, thực tình đáng nên thương hại; nếu họ phạm nỗi sai quấy là do tự họ không hiểu đạo lý chẳng can dự gì đến ta, bản tâm vốn thanh tịnh không chấp trước thì hà tất phải nổi sân.
Lại nữa nên nghĩ rằng trong thiên hạ chắc không ai lại tự nhận mình là thánh hiền, hào kiệt chẳng có chỗ nào sai trái, và cũng không có cái học nào dạy ta oán ghét người, vì người có học vấn, trí thức không oán trời trách người, mình làm chưa đến nơi đến chốn, việc chưa thành tựu đều do tự mình chưa dày công tu phúc, tu đức nên chưa được cảm thông. Chúng ta nên tự phản tỉnh, tự xét lại mình, nếu có những điều phỉ báng, phê bình điều kia tiếng nọ thì nên coi đó là những lời chỉ dạy để mình rèn luyện mài dũa tâm trí, tu tập cho đạt được thành quả, nên hoan hỷ nhận, hà tất phải phát sân phát hận.
Nếu nghe những lời phỉ báng mà nổi giận tranh cãi với người, dù có muốn dùng hết sức biện bác thì trong cơn nóng giận ắt những lời biện luận chẳng được rõ ràng minh bạch, giống như con tằm về mùa xuân kéo kén tự ràng buộc lấy mình, tự làm khổ mình. Sự nóng giận chẳng những vô ích mà còn có hại nữa.
Ngoài việc sân nộ ra, tất cả những lỗi phạm khác cũng đều cứ y theo đạo lý mà xử sự như vậy. Một khi đạo lý đã sáng tỏ, lỗi phạm sẽ tự đình chỉ.
3.Theo tâm địa
Thế nào gọi là theo tâm mà sửa lỗi? Lỗi lầm có thiên hình vạn trạng, chỉ do ở nơi tâm mà tạo ra. Tâm chúng ta chẳng động niệm thì lỗi sao có thể nảy sinh. Người học sửa lỗi lầm như háo danh, háo sắc, tham tài, tham lợi, hoặc hay phát sân nộ…, có quá nhiều tội lỗi bất tất phải phân biệt từng loại một để mà sửa trị, chỉ cần một lòng một dạ thành tâm nghĩ điều lành, làm điều thiện, khi đã có chính niệm phát hiện thì tà niệm tự nhiên bị ô nhiễm rồi bị tiêu diệt. Ví như mặt trời xuất hiện ở trên không thì yêu ma, quỷ quái phải tìm đường lẩn trốn chẳng dám ló dạng. Đây là chỗ chân truyền tinh vi vậy. Tội lỗi do tâm tạo ra thì lại do tâm cải sửa, cũng như chặt một cây độc thụ ắt phải chặt ngay từ gốc rễ, há lại đi cắt từng cành, ngắt một chiếc lá một hay sao!
Nói chung thì có thể theo sự tướng, theo lý và theo tâm để tu sửa tội lỗi, nhưng phương pháp theo tâm là tốt hơn cả; tâm đã tu, đã được sửa trị thì sẽ trở thành thanh tịnh, nên mỗi khi một ý niệm ác dấy động ở nơi tâm thì tự mình liền thấy biết ngay, mà đã thấy biết tức đã tỉnh ngộ không còn mê muội thì ác niệm tội lỗi sẽ tiêu tan thành không.
Theo tâm để cải sửa là phương pháp tối thượng, nhưng giả sử chẳng theo được thì nên hiểu rằng luân thường đạo lý không cho phép chúng ta tạo tội hay làm ác; nếu chẳng làm được nữa thì nên tùy sự, tùy việc mà giữ giới cấm, cố gắng đừng phạm tội. Khi gặp sự việc dùng phương pháp trên hạ công kiêm với phương pháp hạ chẳng phải là điều thất sách; nhưng chỉ chấp phương pháp hạ mà bỏ lãng phương pháp thượng tức là vụng về vậy.
4.Hiệu nghiệm của việc sửa lỗi
Bất quá khi phát nguyện cải sửa lỗi, ở dương thế cần có bạn tốt thường nhắc nhở để tỉnh mình, ở cõi âm cần quỷ thần chứng minh tấm lòng thành của mình nhất tâm, nhất ý cầu sám hối, ngày đêm chẳng biếng nhác buông thả, như vậy trải qua một hai tuần thất, cho đến một tháng, hai, ba tháng, ắt hẳn có ứng nghiệm.
Hoặc thấy tâm thần điềm nhiên, khoan khoái, hoặc thấy trí huệ bỗng được khai mở, hoặc gặp những trường hợp rối ren phiền toái hốt nhiên xử sự giải quyết được rành rọt thông suốt, hoặc gặp kẻ cừu thù mà hồi tâm chuyển ý vui vẻ không còn oán hận nữa, hoặc mộng thấy thở ra những vật ô uế, hắc ám; hoặc mộng được các bậc thánh hiền xưa kia tiếp đón dẫn dắt, hoặc mộng thấy bay bổng lên cảnh giới hư không, hoặc mộng thấy tràng phan bảo cái, thấy những sự việc hi hữu ít có như trên, đó đều là cảnh tượng của lỗi tiêu tội diệt vậy. Nhưng đừng thấy thế mà tự kiêu tự đại là mình đã đạt tới trình độ cao để vội ngưng nghỉ làm đứt đoạn mất con đường tiến triển.
Xưa quan đại phu Cừ Bá Ngọc, người nước Vệ vào thời đại Xuân Thu, lúc hãy còn trẻ mới 20 tuổi mà đã giác ngộ rằng lỗi lầm cần phải sửa, như lỗi ngày hôm qua thì ngày hôm nay xét lại để gắng sửa cho hết. Tới năm 21 lại hiểu biết được lỗi lầm cải sửa năm trước chưa được hoàn toàn dứt bỏ hết; kịp tới năm 22 tuổi xét nghĩ lại năm 21 tuổi thì tựa như còn mơ mơ hồ hồ về những điều lầm lỗi chưa được tu sửa. Cứ năm này kiểm thảo lại năm trước, theo đó mà dần dần tiếp tục sửa đổi, đến năm 50 tuổi mà còn hay biết được lỗi của năm 49. Cái học tu sửa lỗi lầm của người xưa dụng công như vậy đó.
Bọn chúng ta đều là những kẻ phàm phu tục tử, tội ác tích tụ quá nhiều tựa như lông nhím bao bọc toàn thân nó; nếu có hồi tưởng lại những sự việc đã làm thì thường chẳng thấy có chỗ nào lầm lỗi cả, đó là vì tâm tình thô thiển, mắt bị che phủ kín tìm chẳng ra lỗi để tu sửa.
Người mà tội ác quá sâu nặng sẽ thấy chứng nghiệm ngay; hoặc là tâm tư bế tắc bất định, tinh thần hôn trầm mệt mỏi, mọi việc xảy ra chỉ trong chớp mắt liền quên không nhớ nữa, hoặc chẳng có sự gì cả mà phiền não lo lắng; hoặc gặp người chính nhân quân tử thì thường ngượng ngùng e thẹn mất tinh thần; hoặc nghe những lời luận bàn chính đáng hợp đạo lý mà chẳng hoan hỷ vui vẻ ưu nghe; hoặc làm ơn lại bị oán, hoặc ban đêm thường mộng thấy nhiều sự điên đảo, điên đảo cho đến nỗi mất trí sinh ra vọng ngôn, loạn ngữ không được bình thường; đó đều là những hình trạng của nghiệp chướng phát hiện vậy. Nếu thấy có những hiện tượng như trên thì phải tức khắc phấn khởi tinh thần dứt bỏ lỗi lầm cũ để mưu việc tự tu sửa canh tân, mong rằng đừng nên tự mình lại lừa dối mình.
PHƯƠNG PHÁP TÍCH THIỆN.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.18/3/2015.
No comments:
Post a Comment