Wednesday 26 February 2014

CHƯƠNG THỨ NHỨT
 KINH GIẢI OAN
 I.-KINH VĂN:
                 Kinh Giải Oan
                     Vòng xây chuyển vong hồn tấn hóa,
                     Nương xác thân hiệp ngả Càn khôn.
                           Bước đường sanh tử đã chồn,
                  Oan oan nghiệt nghiệt dập dồn trái căn.
                     Luật Nhơn quả để răn Thánh đức,
                     Cửa Luân hồi nhắc bực cao siêu.
                           Dầu chăng phải mực Thiên điều,
                  Cũng quyền tự chủ dắt dìu thiên lương.
                     Dòng khổ hải hễ thường chìm đắm,
                     Mùi đau thương đã thấm Chơn linh.
                           Dây oan xe chặt buộc mình,
                  Nhớp nhơ lục dục thất tình nhiễm thân.
                     Chịu ô trược Chơn thần nặng trịu,
                     Mảnh hình hài biếng hiểu lương tâm,
                           Phong trần quen thú cung âm,
                  Cảnh thăng ngơ ngẩn lạc lầm Phong đô.
                     Khối trái chủ nhẫng lo vay trả,
                     Mới gầy nên nhân quả nợ đời.
                           Rảnh mình đâu đặng thảnh thơi,
                  Thiên cung lỡ lối chơi vơi cõi trần.
                     May đặng gặp hồng ân chan rưới,
                     Giải trái oan sạch tội tiền khiên.
                           Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên,
                  Khai đường Cực lạc, dẫn miền Tây phương.
                     Nhập Thánh thể dò đường cựu vị,
                     Noi Chơn truyền khử quỉ trừ ma.
                           Huệ quang chiếu thấu chánh tà,
                  Chèo thuyền Bát Nhã Ngân hà độ sanh.
                     Cứ nương bóng CHÍ LINH soi bước,
                     Gội mê đồ tắm nước MA HA.
                           Liên đài may nở thêm hoa,
                  LÃO ĐAM cũng biết, THÍCH GIÀ cũng quen.
                                                            PHẠM HỘ PHÁP
 
II.- NGUỒN GỐC Ý NGHĨA:
          Bài kinh Giải Oan này do Đức Hộ Pháp viết ra, có cầu Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ chỉnh văn lại.
         Bài Kinh Giải Oan được đồng nhi tụng trong buổi lễ cúng Chí Tôn, trước khi vị chức sắc hành pháp giải oan cho người tín đồ.
         Chúng sanh sống trong cõi trần lao giả tạm này, vì vô minh, gây nhiều oan khiên ác nghiệt, nên bị nhiều nghiệp chướng chất chồng mà phải chịu biết bao luân hồi sinh tử, không thể nào giải thoát được.
         Do vậy, người tu hành, mặc dù trong hiện kiếp có làm phải làm lành, nhưng những hành vi hung ác trong kiếp trước đã tạo thành căn quả cho kiếp này, nên vẫn phải trả oan khiên nghiệt chướng.
         May duyên gặp được thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn mở ra một thời kỳ Đại Ân Xá cho toàn thể chúng sanh và các đẳng chơn hồn, nên những oan khiên, nghiệp báo chất chồng từ muôn đời ngàn kiếp được Chí Tôn xá tất cả những tội lỗi tiền khiên.
         Để thực hiện Đại Ân Xá kỳ ba, Ơn Trên ban cho đạo Cao Đài bí pháp Giải oan là nhằm cởi bỏ tất cả các nghiệt chướng đã gây ra trong một hay nhiều kiếp trước như lời Kinh đã viết :
Chí Tôn xá tội Giải Oan,
Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ vong.
Hoặc:
Phép Giải Oan độ hồn khỏi tội.
Hoặc:
                        May đặng gặp hồng ân chan rưới,
                        Giải trái oan sạch tội tiền khiên.
 
III.- CHÚ GIẢI:
 
Vòng xây chuyển vong hồn tiến hóa
Nương xác thân hiệp ngả Càn khôn.
         Vòng xây chuyển: Hay vòng luân chuyển, tức là vòng luân hồi chuyển kiếp của chúng sanh trong tam đồ lục đạo.
         Theo Phật, chúng sanh bị nghiệp lực cuốn hút vào vòng sinh tử, lên xuống không bao giờ ra khỏi các cõi và không bao giờ dừng nghỉ. Nghiệp là động cơ lôi chúng sanh đi trong sáu cảnh giới: Cõi người, Cõi trời, Cõi A tu la, Cõi địa ngục, Cõi ngạ quỉ và Cõi súc sanh. Tuy vậy, người tu hành phải nhờ con đường của vòng xây chuyển để được tiến hóa cho đến khi đạt giải thoát.
         Vong hồn :Hồn của người đã chết, còn được gọi là linh hồn hay chơn hồn.
         Triết lý đạo Cao Đài tin rằng con người có linh hồn và thể xác. Mỗi con người ở thế gian gồm có ba thể:
         Phàm thân : Hay nhục thể là Đệ nhứt xác thân, do cha mẹ đào tạo bằng xác thịt, Phật giáo cho là thân tứ đại, bởi đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Thể này hữu hình, trọng trược, không thường tồn, dễ bị hoại.
         Linh hồn : Hay chơn linh là một điểm Linh quang từ khối Đại Linh quang của Thượng Đế chiết ra ban cho. Thể này Thiêng liêng linh diệu trong con người, nó vốn vô vi, bất tiêu bất diệt, nên khi chết, linh hồn nhẹ nhàng sẽ trở về cõi Hằng Sống.
         Chơn thần : Hay Đệ nhị xác thân. Theo Thánh giáo đây là một xác thân Thiêng liêng do Phật Mẫu dùng nguơn khí tạo thành. Thể này thuộc khí chất, bán hữu hình, vì nó có thể thấy đặng, mà cũng không có thể thấy đặng. Khi ra khỏi xác phàm, thì chơn thần lấy hình xác phàm như khuôn in rập.
         Khi còn sống, chơn thần không thể xuất ra đặng vì bị xác phàm níu kéo, chỉ bậc chân tu mới có thể xuất chơn thần đặng.
         Tấn hóa : Hay tiến hóa. Quá trình của vạn vật theo thiên nhiên đào thải mà thay đổi tiến lên mãi. Sự thay đổi này mỗi lúc một tốt đẹp hơn, cao siêu hơn.
         Theo nhân sinh quan của đạo Cao Đài, ở cõi thế gian này, Chí Tôn chiết chơn linh để Đức Phật Mẫu tạo ra tám loại chúng sinh, gọi là bát phẩm chơn hồn: Vật chất hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Điều này Thánh giáo có dạy: “Thầy phân tánh Thầy sinh ra vạn vật là vật chất, thảo mộc, côn trùng, gọi là chúng sanh”.
         Do mỗi chơn linh đều có điểm Linh quang của Thượng Đế, gọi là thiên tánh, nên chúng sanh luôn luôn lúc nào cũng có tính hướng thượng hay cầu sự tiến hóa. Từ vật chất hồn là nấc thang cuối cùng trong vạn vật, mà tiến hóa lên đến thảo mộc, thú cầm, rồi nhơn loại. Nhơn hồn còn phải tu nhiều kiếp nữa để đạt được ngôi vị Thiêng Liêng như Thần, Thánh, Tiên, Phật, và cuối cùng phải tu nữa để trở về với Thượng Đế. Đây là vòng xây chuyển của các vong hồn tiến hóa.
         Nương xác thân: Dựa vào thể xác.
         Linh hồn là thể vô vi do Chí Tôn ban cho con người, vì nghiệp lực mà phải đầu kiếp xuống thế gian. Để hiện diện được nơi cõi hữu hình này, thì linh hồn phải nương vào thân xác phàm trần, một thân do vật chất tạo nên mới phù hợp và có thể sống ở cõi thế gian này.
         Hiệp ngả: Hợp với hướng đi, lối đi.
         Càn khôn : Quẻ Càn và quẻ Khôn trong Bát quái, tượng trưng cho Trời đất hay Âm Dương. Mà nguyên lý Âm Dương là Đạo. Như vậy, hiệp với Càn khôn là hiệp với Âm dương hay hiệp với Đạo vây. Trương Tử Dương nói về Đạo như sau:
                        Đạo thị Hư vô sanh nhứt khí,
                                
                        Tiện tòng nhứt khí sản Âm Dương.
                                 便
                        Âm Dương giả hợp thành tam thể,
                          
                        Tam Thể trùng sinh vạn vật xương.
                          
Câu 1: Nhờ sự luân chuyển mà các vong hồn được tiến hóa.
Câu 2: Chơn hồn đó phải nương dựa vào thân xác mà hướng theo con đường Đạo, lo tu luyện hầu trở về với ngôi xưa vị cũ.
 
Bước dường sanh tử đã chồn
Oan oan nghiệt nghiệt dập đồn trái căn
         Đường sanh tử: Do từ Hán Việt “sinh tử lộ ”, chỉ con đường luân hồi, tức là sinh ra rồi chết, chết rồi lại chuyển kiếp để được sinh ra...Cứ thế mà tạo thành con đường sinh tử.
         Sanh là một con đường mà người khách trần mượn để đi lên, hay nói cách khác, con người phải có kiếp sống ở thế gian này nghĩa là phải đầu thai xuống thế giới hữu hình, có xác thân để được tu tâm sửa tánh, lập công bồi đức thì chơn linh mới có thể thăng tiến lên được.
         Tử là chết. Theo quan niệm thông thường của thế nhân, chết là hết. Nhưng đối với nhân sinh quan của Cao Đài hay Phật giáo, chết chỉ là một giai đoạn hoại diệt của thân xác hữu hình hay sự đoạn lìa nghiệp trái ở cõi thế, để có một sự sống miên viễn, bất tận nơi thế giới vô vi, thanh tịnh.
         Chồn: Mỏi, chán.
         Trong bài thơ “Đèo Ba Dội” của Bà Hồ Xuân Hương có câu:
                        Hiền nhân quân tử ai mà chẳng,
                        Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.
         Oan nghiệt : Oan trái và ác nghiệp.
         Oan oan nghiệt nghiệt: Những oan trái và ác nghiệp cứ nối tiếp nhau mãi.
         Vì sự thù giận mà con người gây ra những hành vi hung dữ, rồi tạo thành những mầm ác. Những mầm ác đó mới tạo nên căn nghiệp ác mà tự thân phải đền trả ngay trong kiếp hiện tại hay kiếp lai sinh. Cứ thế, những oan nghiệt trong nhiều kiếp chồng chất lên nhau mà tạo thành những chuỗi oan oan nghiệt nghiệt.
         Dập dồn: Hay dồn dập là việc xảy ra liên tiếp.
         Trái căn : Trái là nợ, căn là gốc rễ.
         Trái căn là những món nợ có gốc rễ từ kiếp trước, gây ra tai họa cho kiếp này phải đền trả.
         Do gốc rễ đó, mà kiếp sống của con người phải thọ lãnh cái nghiệp báo: Nếu kiếp trước làm những điều thiện thì tạo căn lành cho khiếp sống hiện tại, nếu bây giờ ta gieo những việc ác, thì tạo ác căn cho kiếp lai sinh. Như vậy căn hay gốc rễ tạo thành cái nghiệp cho con người. Vì thế người ta thường gọi căn quả hay căn nghiệp.
         Thiện căn hay ác căn có khả năng ăn sâu và lớn mạnh lên vào gốc rễ mà tạo thành nghiệp báo.
Câu 3: Chịu nhiều lần sinh tử trên bước đường luân hồi, nên Chơn linh đã mòn mỏi, chán ngán.
Câu 4: Oan trái và ác nghiệp của kiếp trước liên tiếp đem tới nhiều món nợ, làm thành cái gốc rễ để kiếp này phải đền trả.
 
Luật Nhơn quả để răn Thánh đức
Cửa Luân hồi nhắc bực cao siêu
         Luật Nhơn quả: Luật về nguyên nhân và kết quả.
         Nhân : Là hạt giống, cái mầm, có năng lực tác động.
         Quả : Là trái, kết quả, là sự hình thành.
         Mỗi hiện tượng đều có nguyên nhân của nó. Hễ có nguyên nhân , tất nhiên sẽ có kết quả tương thích với nguyên nhân ấy, đó là luật nhân nào quả nấy.
         Luật nhân quả không bị hạn chế bởi thời gian, có khi nhanh, cũng có khi chậm. Có nhiều loại nhân quả:
         Nhân quả hiện tại gọi là Hiện báo : Nghiệp nhân trong đời này đưa đến quả báo ở hiện kiếp.
         Nhân quả trong hai đời gọi là Sanh báo : Đời trước tạo nhân đời nay mới thọ quả. Đời này gây nhân đời sau nhận quả.
         Nhân quả trong nhiều đời gọi là Hậu báo : Từ rất nhiều đời trước gây nhân, đời nay mới gặt quả, hoặc đời này tạo nhân nhưng mãi nhiều đời sau mới thọ quả.
         Răn: Răn dạy, ngăn cấm.
         Thánh đức : Cái đức của bậc Thánh, tức là những bậc hiền nhân có tâm hồn hy sinh để phụng sự cho nhơn loại và dẫn dắt nhơn loại vào con đường đạo đức.
         Thánh giáo Đức Chí Tôn có dạy: “Nhơn luân giữ trọn, ấy là mối đạo nhân, lo Thánh đức trau lòng là phương thoát tục”.
         Trong Chú giải Pháp Chánh Truyền có viết: “Dầu phải bị đọa trần đi nữa cũng giữ vẹn Thánh đức mà tu hành đặng đạt đến địa vị trọn lành”.
         Luân hồi : Luân là bánh xe xoay vần, Hồi là quay trọn vòng này trở lại đến vòng khác, cứ thế quay mãi.
         Sự luân chuyển của chúng sanh trong sáu cõi (Lục đạo ), sanh tử, tử sanh tiếp nối nhau không ngừng như cái bánh xe quay không có khởi điểm. Chúng sanh bị nghiệp lực cuốn hút vào vòng sống chết không bao giờ dừng nghỉ, chỉ khi nào đạt được giải thoát hay chứng quả mới thôi.
         Nhắc: Nâng lên.
         Cao siêu : Người hiền và tài giỏi vượt lên trên nhiều người khác.
Câu 5: Luật Nhân quả dùng răn chúng sanh phải biết kiêng sợ mà sửa mình để trở nên người Thánh đức.
Câu 6: Ngỏ vào vòng luân hồi là nhằm để cho chúng sanh tiến hóa, nâng mình lên phẩm vị cao siêu hơn.
         Thế gian là nơi giành giựt mồi danh bã lợi, nhứt là vào thời Hạ nguơn mạt Pháp, con người vì quyền lợi trở thành hung tàn ác ngược. Đạo Cao Đài ra đời nhằm dạy con người phải biết kiêng sợ luật nhơn quả để trau rèn nên người Thánh đức, biết thương yêu nhau, có lòng từ bi nhơn hậu. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy có nói: “Đạo lý Thánh hiền đã hết, nếu chẳng có mối Đạo để sửa tâm tánh, thì sẽ bị danh lợi giựt giành, đưa đến tận thế”.
 
Dầu chăng phải mực Thiên điều
Cũng quyền tự chủ dắt dìu thiên lương
         Dầu chăng: Là dù có thế nào đi chăng nữa.
         Phải mực: Phải ở lằn mức giới hạn.
         Thiên điều : Là những điều khoản luật pháp do các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật họp đại hội lập ra.
         Trong bài diễn văn của Đức Hộ Pháp đọc tại Tòa Thánh ngày 12/2/Mậu Thìn (1928), nói về lập luật như sau: “Hội Thánh hiệp nhau lập luật đạo thì cũng như chư Thần Thánh Tiên Phật hội lập Thiên điều. Vậy thì Hội Thánh và chư Thần Thánh Tiên Phật cũng đồng một thể”.
         Tự chủ : Tự mình làm chủ.
         Quyền tự chủ: Là quyền tự mình làm chủ lấy mình, tức là cái quyền riêng của mình để tự định đoạt lấy số phận mình.
         Thiên lương : Là cái phần tốt đẹp và thiện lành mà Trời ban cho con người. Nhờ sự hướng dẫn của thiên lương (hay lương tâm), con người hành động mới hợp theo thiên lý.
         Thiên lương chính là lương tâm của con người vậy.
         Thánh giáo Đức Chí Tôn có dạy: “Lương tâm của các con là một khiếu Thiêng Liêng của Thầy ban để sửa trị riêng các con trong đường tội lỗi và ban thưởng trong việc nhơn đức. Làm một việc phải tức là do nơi ý Trời, phạm một nét vạy tà là cãi nơi Thiên luật”.
         Trong bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp có viết: “Lương tâm là thiên lương trời mới nảy tánh, cái khôn ngoan đặc sắc của loài người đối cùng vạn vật của cơ tấn hóa. Nhờ khôn ngoan ấy mới có tư tưởng biến sanh hầu thay thế cho Trời, tô điểm vẽ vời cho đời thêm tốt đẹp. Thiên lương ấy mới thiệt là ta. Nó đã do nơi khối Chí linh của Trời mà sản xuất, thì nó là con của Trời, tức nhiên nó là Trời. Nếu do nó mà tín ngưỡng thì mình do Trời mà tín ngưỡng. Mình thờ nó tức thờ Trời. Ngoài nó ra, chẳng ai biết Trời; ngoài trời ra không ai biết nó”.
Câu 7: Dù thế nào đi nữa, cũng phải giữ chừng mực của luật Thiên điều.
Câu 8: Con người có quyền tự chủ, tự thọ lấy cuộc đời mình theo sự dẫn dắt của Thiên lương (Lương tâm).
         Lương tâm vốn tịnh là tánh Trời phú cho, để làm chủ tể của con người. Nhưng khi sống ở thế gian, thân nhiễm vật chất rồi khiến cho Tâm phải động, khi Tâm bị động thì được gọi là ý. Ý có khuynh hướng vật chất, nên sinh dục vọng, là mối loạn cho Tâm, khiến Tâm trở nên mê mờ, không làm chủ thân được.
         Muốn Thiên lương sáng suốt để dẫn dắt con người, Nho giáo dạy phải Thành ý và Chánh tâm.
         Thành ý là phải sửa ý trở nên chơn thật, tức là trừ tuyệt sự ham muốn vọng động của ý, lúc đó ý trở về với Tâm thanh tịnh.
         Chánh tâm là phép sửa đổi cho Tâm được ngay lành. Muốn vậy, bên ngoài thì phải ngăn giữ ngũ giác quan cho ngay chính, bên trong thì phải trừ tuyệt những mê chấp thâm nhập nội giới của tâm.
         Nếu Thiên lương trở về với bản thể tự nhiên thì lúc ấy nó sẽ sáng suốt dẫn dắt nhơn thân theo con đường Thiên lý. Như vậy con người tự làm chủ lấy cuộc đời của mình theo sự dìu dẫn tốt đẹp của Thiên lương.
 
Dòng khổ hải hễ thường chìm đắm,
Mùi đau thương đã thấm Chơn linh.
         Dòng khổ hải: Dòng nước trong biển khổ.
         Đạo Phật ví sự đau khổ của con người trong cõi trần gian nầy dẫy đầy như những dòng nước biển mênh mông, bát ngát, không bờ không bến, như bài Kệ chuổi viết:
                        Ái hà thiên xích lãng,
                                 愛河千尺浪
                        Khổ hải vạn trùng ba
                                 苦海萬重波
                        Dục thoát luân hồi khổ,
                                 欲脫輪回苦
                        Tảo cấp niệm Di Đà.
                                 早急念彌陀
       Nghĩa là tình ái như dòng sông ngàn thước sóng, sự khổ đau ở thế gian như muôn lượn sóng dồn dập ở biển khơi đã nhận chìm biết bao sanh linh từ muôn đời ngàn kiếp. Muốn thoát khỏi khổ luân hồi, thì mau sớm niệm danh Di Đà Phật.
         Phật cũng cho rằng: Nước mắt chúng sanh trong ba ngàn Thế giới đem chứa lại còn nhiều hơn nước ngoài bốn biển.
         Chìm đắm: Do chữ trầm luân : Tức là chìm đắm vào nơi biển khổ.
         Mùi đau thương: Mùi đau đớn, mùi khổ sở.
         Thấm: Nhiễm vào, ngấm vào.
         Chơn linh : Chơn hồn hay linh hồn.
Câu 9: Con người vì luân hồi nên bị chìm đắm mãi trong biển khổ.
Câu 10: Khiến chơn linh phải chịu nhiều nỗi đau thương.
         Đã là con người mang lấy mảnh hình hài xác thịt, lại phải lặn hụp trong biển khổ của thế gian này, nên khổ sở lo ăn, vất vã kiếm mặc, lại còn bị sự đòi hỏi của thân xác, càng ngày càng gây nhiều oan nghiệt, rồi chìm sâu trong luân hồi sanh tử, tử sanh, khiến những nỗi đau thương thấm sâu vào chơn linh, làm chơn linh ô trược nặng nề. Do vậy, con người muốn thoát khỏi oan nghiệt để lo tu hành cũng phải nhờ phép Giải Oan hầu gột rửa những oan nghiệp chất chồng đã nhiều kiếp.
 
Dây oan xe chặt buộc mình,
Nhớp nhơ lục dục thất tình nhiễm thân.
         Dây oan: Sợi dây oan nghiệt.
         Những hành động hung tàn bạo ngược và những việc làm ác đức của con người nơi thế gian này sẽ tạo thành những sợi dây oan nghiệt, có khả năng lôi kéo các chơn linh phải chìm đắm vào luân hồi sinh tử. Như vậy, tức là con người luôn tự mình xe dây để tự trói chặt vào mình mà không hay. Sợi dây oan nghiệt đó xây chuyển từ muôn đời ngàn kiếp trong cái vòng lẩn quẩn không bao giờ thoát ra nỗi. Chúng sanh may duyên gặp thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn và Phật Mẫu khai nền Đại Đạo hầu mở cơ tận độ, nên giao cho “Bí pháp giải oan” để giải thoát con người khỏi những sợi dây oan nghiệt đó.
         Xe chặt: Quấn chặt, buộc chặt.
         Buộc mình: Cột trói vào mình.
         Nhớp nhơ: Nhơ bẩn, bẩn thỉu.
         Lục dục : Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Phật giáo còn gọi là lục tặc : tức là sáu tên giặc hằng ngày theo quấy nhiểu những người tu. Đó là sáu giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu giác quan nầy tiếp xúc với ngoại cảnh gọi là sáu trần cảnh (lục trần) là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà thâm nhập vào quấy phá thân tâm, sinh ra nhiễm ái, gây ra sự tội lỗi và đau khổ.
         Thí dụ như mắt thấy sắc đẹp sinh ra mê đắm, rồi dục vọng dấy khởi, sau đó tội lỗi do đây mà hình thành. Vì vậy, người tu hành phải thường xuyên tu tập, gọi là thọ trì sáu căn.
         Thất tình : Bảy thứ tình cảm khuấy rối tâm con người, gồm có: Hỷ , nộ , ái , ố , ai , lạc , dục (Mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn).
         Ngoài ra bên Phật còn kể thất tình theo bảy thứ tình cảm như sau:
         - Hỷ , nộ , ưu , tư , bi , khủng , kinh (Mừng, giận, lo, nghĩ, buồn, sợ, hãi).
         - Hỷ , nộ , ưu , cụ , ái , tăng , dục (Mừng, giận, lo, sợ, yêu, ghét, muốn).
         Nhiễm thân : Thấm vào xác thân.
Câu 11: Những sợi dây oan nghiệt do mình tạo ra buộc chặt con người phải đền trả (tức là phải chịu luân hồi quả báo).
Câu 12: Xác thân bị nhơ nhớp vì bởi thất tình lục dục lôi cuốn con người vào vòng vật chất thấp hèn.
 
Chịu ô trược Chơn thần nặng trịu,
Mảnh hình hài biếng hiểu lương tâm,
         Ô trược : Hay ô trọc là nhơ bẩn, không sạch sẽ.
         Chơn thần : Tức là đệ nhị xác thân, hay xác thân Thiêng liêng do Phật Mẫu dùng nguyên khí tạo thành (xem chú thích phần trên).
         Nặng trịu: Nặng trằn xuống.
         Chơn thần là một xác thân Thiêng liêng do Phật Mẫu dùng nguơn khí tạo thành, nên rất nhẹ nhàng, trong sạch. Vì oan nghiệt buộc ràng, và vì vật chất lôi cuốn con người chìm đắm vào vòng tục lụy là nơi cấu trược, rồi từ đó, con người mới mải chịu xây chuyển trong luân hồi sinh tử, khiến chơn thần càng ngày càng thêm ô trược, nặng nề, làm cho đường về của nó khó khăn. Thánh giáo Chí Tôn dạy: “Cái chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch, mới nhẹ nhàng hơn không khí, ra khỏi càn khôn đặng”.
         Hình hài : Thể xác nơi thế gian.
         Đây là một thể hữu hình do tinh cha huyết mẹ tạo ra, trọng trược, dễ bị hoại mà Phật cho là thân tứ đại do: Đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành.
         Tuy là vật chất, tạm bợ, nhưng hình hài rất cần thiết cho kiếp hiện tại, nó làm phương tiện, làm vật chuyên chở cho chơn linh có phương thế để học hành đạo lý cho viên thông, để lập công bồi đức và nó còn là cái vỏ chở che linh hồn, là tài liệu học tập trong một kiếp sanh nơi cõi Ta Bà Thế giới nầy để tiến hóa. Vì thế, trong Giới Tâm Kinh có câu:
                        Dễ gì lộn kiếp đặng làm người,
                        May đặng làm người chớ dể duôi.
                        Lành dữ hai đường vừa ý chọn,
                        Lành như tòng, dữ tợ hoa tươi.
         Biếng hiểu: Không siêng năng tìm hiểu.                                                                                      
         Lương tâm : Cái thiện tâm của con người, cũng là cái Thiên lương.
         Theo Mạnh Tử , có lương tâm thì người ta mới được điều nhân điều nghĩa, lẽ phải lẽ trái. Chỉ vì đắm đuối vào đường vật chất, do thất tình lục dục xuôi khiến, cho nên cái lương tâm của con người mới mờ tối đi, thành thử không giữ được điều nhân nghĩa.
         Muốn giữ cho được cái lương tâm của mình thì phải tồn tâm, tức là giữ cho còn cái bản tâm hư linh của mình. Mạnh Tử nói: “Người Quân tử sở dĩ khác người ta là chỉ có sự giữ cho còn cái tâm mà thôi”(Quân tử sở dĩ dị ư nhân giả, dĩ kỳ tồn tâm dã , ).
         Giữ được cái tâm rồi, còn phải nuôi dưỡng cho càng ngày càng sáng suốt. Muốn vậy, con người phải quả dục , giảm bớt lòng dục, tức là ít chịu sự cám dỗ, xuối giục của thất tình lục dục. Điều này Mạnh Tử nói như sau: “Nuôi cái tâm thì không gì hay hơn quả dục” (Dưỡng tâm mạc thiện ư quả dục ).
Câu 13: Vì oan nghiệt và nặng mang phàm thể mà xu hướng theo đường vật chất, nên Chơn thần chịu ô trược nặng nề.
Câu 14: Do thất tình lục dục sai khiến vào đường vật chất, xác thân của con người không chịu sự đánh thức của lương tâm.
 
Phong trần quen thú cung âm,
Cảnh thăng ngơ ngẩn lạc lầm Phong đô.
         Phong trần : Gió và bụi. Chỉ sự chịu đựng những nỗi vất vả, gian khổ, hay từng trải.
         Quen thú: Quen với thú vui.
         Cung âm: : Cung bậc của âm nhạc.Ý chỉ sự đàn ca xướng hát, vui chơi trác táng.
         Tiếng hát lời ca tạo nên những cung âm du dương, thanh từ dâm dật, khiến cho con người bị rung cảm, lung lạc lòng ham muốn, lần hồi sinh ra mê đắm. Từ say mê đưa đến nghiệp thức, nghiệp thức lôi kéo con người vào vòng cảm thụ rồi dẫn đến mê luyến xác thân, là mầm của luân hồi sinh tử
         Cảnh thăng: Hay thăng cảnh : Cảnh của các chơn linh được siêu thăng, Cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống. Ý chỉ con đường đắc Đạo.
         Thăng và đọa là hai đường đi của các Chơn linh. Nếu lần theo thăng cảnh thì được vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, là nơi Cực Lạc, Vĩnh hằng; còn rơi vào đường đọa thì bị cõi phong đô kềm thúc:
                        Lành dữ hai đường đọa với siêu,
                        Đòn cân tội phước trả mai chiều.
                        Khôn lên bờ giác làm Tiên Phật,
                        Dại xuống mê đồ hóa quỉ yêu.
         Ngơ ngẩn: Tình trạng không còn tâm trí.
         Lạc lầm: Lầm đường lạc nẻo.
         Phong đô : Là Địa ngục, A tỳ, cõi giam cầm và trừng trị các tội hồn gây nhiều ác nghiệp lúc còn sống nơi thế gian. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát làm Giáo chủ cõi Phong đô nên Ngài được gọi là Phong Đô Đại Đế.
         Theo Phật, Địa ngục, một trong tam ác đạo, là cõi khổ não, nơi thác sinh của chúng sanh đã tạo nhiều nghiệp ác (Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh).
         Phong đô hay Địa ngục, là nơi giam giữ và trừng phạt các Chơn linh tội lỗi do lúc sinh tiền vì vô minh mà tự tạo ra bằng các hành động hung ác, tội lỗi, chứ không ai tạo ra hết. Địa ngục do mình tạo thì mình có thể giải thoát cho mình. Chỉ có trí huệ của con người chúng ta mới có thể xa rời Địa ngục, đưa con người sống an nhàn tự tại trên cõi Vĩnh hằng.
Câu 15: Thú đàn ca hát xướng đã từng trải qua, làm quen dần việc ăn chơi trác táng.
Câu 16: Đường Đạo đức, đường đưa Chơn linh siêu thoát thì ngơ ngẩn, không nghĩ tìm vào, lại phải lầm đường lạc nẻo vào cõi Phong đô.
 
Khối trái chủ nhẫng lo vay trả,
Mới gầy nên nhân quả nợ đời.
         Trái chủ : Người chủ nợ.
         Khối trái chủ: Từ chung chỉ những người chủ nợ và những người vay nợ.
         Sống ở thế gian, mọi con người đều là người cho vay và mượn nợ lẫn nhau. Có người vay từ kiếp trước, kiếp này phải trả, nhưng lại làm chủ nợ của kiếp này để người khác phải trả. Có kẻ lại là chủ nợ ở kiếp trước, kiếp này người ta trả nợ cho mà chính họ lại người vay nợ. Sự vay trả trong một kiếp hay nhiều kiếp của chúng sanh, khiến cho nợ nần chất chồng mà phải luân hồi sanh tử triền miên để đền trả lẫn nhau mãi.
         Nhẫng: Chỉ.
         Mới gầy nên: Mới tạo nên.
         Nhân quả: Xem chú thích luật nhơn quả câu trên.
         Nợ đời: Nợ ở đời, nợ thế gian. Đây là một món nợ mà con người phải trả. Vừa sinh ra thì con người phải mang lấy món nợ đời rồi.
         Con người muốn không đền trả thì kiếp này đừng vay, mà phải tự lực tự túc, tức là phải trả hết nợ cũ và không gây nợ mới, đồng thời còn phải bồi công lập đức thì mới dứt được nợ đời của bản thân.
Câu 17: Sống nơi thế gian, con người vừa là chủ nợ, vừa là con nợ, nên chỉ lo vay trả mà thôi.
Câu 18: Sự vay trả của con người đó mới gây nên cái nhơn quả và nghiệp ở cõi đời.
 
Rảnh mình đâu đặng thảnh thơi,
Thiên cung lỡ lối chơi vơi cõi trần.
         Rảnh: Không bận bịu, không vướng bận.
         Đâu đặng: Đâu có thể được.
         Thảnh thơi: Thông thả, nhàn nhã.
         Thiên cung : Chỉ cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
         Lỡ lối: Lỡ đường, lỡ bước.
         Chơi vơi: Trơ trọi một mình không chỗ bám víu.
Câu 19: Bởi vì con người sống trong vòng vay trả, nên thân mình đâu có rảnh để được nhàn hạ.
Câu 20: Cõi Thiêng Liêng bị lỡ bước, đành chịu trơ trọi nơi cõi trần, không bám víu vào đâu được.
         Con người vì bận đối phó với việc vay trả nên không được thảnh thơi để lo lập công đức, khiến cho đường về với Đức Chí Tôn (Thiên cung) bị lỡ bước mà phải lạc lối vào cõi Phong đô.
         Thực ra, đây bởi con người thiếu trí huệ, thiếu ý chí phấn đấu và nhứt là không duyên với con đường đạo, nên khiến mãi mê trong vòng lẫn quẩn, lại có khi hẹn lần hẹn lựa cho đến rốt cuộc đời mà vẫn còn trong vòng vay trả. Thánh giáo Chí Tôn dạy: “Cái xuân kia chẳng đợi người mà bước đời gay trở, lần qua thỏ lặn ác tà, bóng thiều quang nhặt thúc, con đường hy vọng chẳng biết đâu là tột cùng mà bước đời xem đà mòn mỏi, sự thác vô tình sẽ đến mà vẽ cuộc sanh ly pha màu tử biệt, làm cho sự vui vẻ giàu sang danh vọng đều thành ra một giấc huỳnh lương, rồi đây vĩnh biệt ngàn năm, tội tình muôn kiếp”.
         Sự vay trả ở đời giống như làm ăn, lập nghiệp: Không có vốn phải vay để ăn thì nợ phải trả hoài chẳng bao giờ hết nợ; còn nếu vay vốn để làm ăn thì có khi trả hết nợ mà lại còn vốn. Như vậy người tu vừa trả nợ tiền khiên vừa lập công bồi đức thì cũng có khi hết nợ mà còn thừa công đức.
 
May đăng gặp hồng ân chan rưới,
Giải trái oan sạch tội tiền khiên.
         May đặng gặp: May mắn được gặp.
         Hồng ân : Ân huệ rất to lớn. Đây chỉ ân huệ của Đức Chí Tôn.
         Chan rưới: Ban rải khắp nơi.
         Giải : Cởi bỏ ra.
         Giải trái oan : Cởi bỏ những món nợ oan khiên đã gây ra từ kiếp trước.
         Sạch tội: Sạch hết tội lỗi.
         Tiền khiên : Tội lỗi đã gây ra trong một hay nhiều kiếp trước.
Câu 21: May mắn mới gặp lúc Đức Chí Tôn ban ân huệ khắp nơi cho chúng sanh.
Câu 22: Được giải bỏ hết những nợ nần oan nghiệt và rửa sạch tội tiền khiên.
         Thật vậy, chúng sanh được sinh vào thời kỳ này là một duyên may mắn, lại gặp được nền Đại Đạo thì là một phúc đức to lớn. Khi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được khai sáng, Đức Chí Tôn mở ra thời kỳ Đại Ân Xá cho toàn thể chúng sanh và các đẳng linh hồn. Đó là một hồng ân của Đức Đại Từ Phụ chan rưới cho vạn linh chung hưởng.
         Ân xá kỳ ba là vào thời kỳ phổ độ lần thứ ba Đức Chí Tôn mở Đạo ban cho chúng sanh một ân huệ lớn lao là:
         - Đóng cửa Địa ngục, mở rộng cửa Thiên đường.
         - Những tội lỗi chất chồng từ ngàn đời muôn kiếp trước được giải bỏ hết để chúng sanh rảnh rang mà lo tu hành, lập công bồi đức.
         Thi hành Đại Ân Xá kỳ ba này, nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thực hiện những bí tích như: Phép giải oan, phép cắt dây oan nghiệt, phép độ thăng...
 
Đóng Địa ngục mở tầng Thiên,
Khai đường Cực lạc, dẫn miền Tây phương.
         Địa ngục : Nơi u tối nặng nề, khổ sở để giam cầm và trừng trị các chơn linh gây nhiều ác nghiệp khi sống nơi thế gian (Xem giải chữ Phong đô).
         Tầng Thiên: Tầng Trời, chỉ về các cõi Trời, cõi của các Chơn linh siêu thăng đắc đạo, tức là cõi của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
         Khai đường: Mở con đường, con đường mở rộng.
         Cực Lạc : Chỉ cõi Tây Phương Cực Lạc hay Cực Lạc Thế Giới, là cõi tịnh độ ở phương tây do Phật A Di Đà giáo hóa. Cõi này là nơi hoàn toàn trong sạch, đẹp đẽ, an vui ,hạnh phúc nên được gọi là cõi Cực Lạc.
         Dẫn miền: Dẫn vào miền.
         Tây phương 西 : Tức là Tây Phương Cực Lạc, hay Cực Lạc Thế Giới bởi vì cõi này ở về hướng tây.
Câu 23: Vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, Chí Tôn cho đóng cửa Địa ngục và mở các tầng Trời để đón các Chơn linh đắc đạo.
Câu 24: Mở ra con đường để dẫn các Chơn linh đạt đạo về Tây Phương Cực Lạc.
         Trong Phật Mẫu Chơn Kinh có câu:
Vô Địa ngục, vô Quỉ quan,
Chí Tôn Đại xá nhứt trường qui nguyên.
         Tức là vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, Chí Tôn khai nền Đại Đạo, đóng các cõi Địa ngục và đại ân xá cho tất cả chúng sanh được giải hết oan nghiệt để tu một kiếp mà có thể trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống đặng. Còn các vong hồn có tội tình thì vào cõi Âm quang, chờ ngày thoát hóa. Thất Nưong Diêu Trì Cung giải thích về cõi Âm quang như sau: “Âm quang là nơi Thần linh học gọi là Trường đình của chư hồn giải thể hay nhập thể. Đại Từ  Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là Tịnh Tâm Xá, nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm xét mình, coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội. Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình. Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự nhiên tránh khỏi Âm quang”.
 
Nhập Thánh thể dò đường cựu vị,
Noi Chơn truyền khử quỉ trừ ma.
         Thánh thể : Thân thể thiêng liêng, trái với phàm thể . Thánh giáo Đức Chí Tôn có nói về Thánh thể như sau: “Ôi Thầy sanh các con, Thầy yêu các con; Thầy cho các con đến thế nầy với một Thánh thể Thiêng liêng, y như hình ảnh của Thầy, không ăn mà sống; không mặc mà lành. Các con không chịu, lại nghe lời cám dỗ, luyến ái hồng trần, ăn cho bị đày; dâm cho phải bị đọa, rồi các con phải chịu dưới nạn áo cơm.
         Lợi, Thầy để dành cho các con chung hưởng, nhưng vì lòng tham, đứa giựt nhiều, đứa phải chịu kém.
         Quyền, Thầy ban cho các con, y như Thầy đã ban cho Thần, Thánh, Tiên, Phật, để cho các con có đủ phương tiện kiềm chế lẫn nhau đặng giữ vẹn Thánh thể của Thầy. Thế mà cái quyền ấy thành một món lợi khí, buộc trói các con trong vòng tội lỗi. Ôi, cái thất vọng của Thầy rất nên đau đớn”.
         Ta đã biết, phàm thể là nhục thể của con người trong cõi thế gian, vì vô minh bị nghiệp lực, thất tình lục dục xuôi khiến nên phàm thể ô trược nặng nề. Người biết tu hành chính chắn thì phàm thể sẽ dần dần trong sạch, nhẹ nhàng từ tâm thức đến thể xác, nên trở thành Thánh thể.
         Muốn đạt được một Thánh thể, chúng ta phải mượn phàm thể để tu tánh luyện mạng. Tu tánh là trau dồi tự tánh, sửa đổi nội tâm cho phù hợp với Thiên lý, thể theo đức háo sanh của Thượng Đế, yêu thương muôn loài vạn vật, tâm dứt ngoại duyên, thân không trần nhiễm. Luyện mạng là luyện Tinh, Khí, Thần cho Tam bửu hiệp nhất, tinh tấn, giao cảm cùng các Đấng Thiêng Liêng, tạo nên một Thánh thể anh linh, con người thoát tục.
         Người đạt được Thánh thể là người cư trần bất nhiễm  , có một phong nghi đạo đức, Phật tâm Thánh ý, có một đời sống thanh cao, ăn mặc thủ thường chay lạt, sắc tài danh lợi không mê luyến, lời nói việc làm thuận theo Thiên ý, đẹp dạ nhân tâm.
         Nhập Thánh thể : Rèn luyện phàm thể để trở nên Thánh thể.
         Có nhiều người hiểu nhập Thánh thể là thọ phẩm chức sắc Thiên phong để vào hàng Thánh thể Đức Chí Tôn. Theo thiển ý, nếu như một người Tu chơn, tức là tu theo con đường thứ ba Đại Đạo, không thọ phẩm tước, không vào hàng Thánh thể của chức sắc Thiên phong thì không tìm được về ngôi vị cũ sao?
         Lại nữa, Thánh giáo Đức Chí Tôn có dạy về chức sắc Thiên phong như sau: “Thầy để lời cho các con biết rằng: Nhiều Thánh, Tiên, Phật xuống phàm, nếu căn quả tiền khiên không mấy trọng hệ, nghĩa là kiếp trần duyên không chi phải nhơ bợn nhiều thì dầu không Thiên phong, hễ gắng tâm thiện niệm thì địa vị cũng đạt hồi đặng.
         Thiên phong là để cho bậc Thánh, Tiên, Phật lìa trần phải lắm dày công cùng sanh chúng mới trông mong hồi cựu phẩm đặng.
         Các con nên nhớ, Thầy lấy từ bi phong tịch, nhưng Chức sắc nếu vì áo mão hơn đạo đức thì tội chất bằng hai”.
         Trong Đại Thừa Chơn Giáo cũng có câu:
                                 Chữ Tu nó chẳng ở ngoài,
                        Tu trong tâm tánh dồi mài điểm linh.
         Dò đường: Tìm đường, dò kiếm đường.
         Cựu vị : Ngôi vị cũ nơi cõi Thiêng Liêng.
         Mỗi chúng sanh đều là một Tiểu linh quang của Đức Chí Tôn. Theo luật tiến hóa, các chơn hồn phải đầu kiếp xuống phàm trần là vật chất, từ tinh hoa của vật chất, mới tiến lên đến kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại, rồi còn phải tu nhiều kiếp nữa mới tiến lên ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật và cuối cùng trở về ngôi vị cũ là khối Đại Linh quang của Thượng Đế.
         Noi: Học tập theo.
         Chơn truyền : Giáo pháp chơn thật được kế truyền.
         Theo lời Thánh giáo Đức Chí Tôn, Giáo pháp các Đấng trong nhất và nhị kỳ phổ độ bị cải sửa, xa lần Chánh giáo, nên thất kỳ truyền. Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, chính mình Đức Chí Tôn đem nền Chơn giáo truyền lại cho toàn cả chúng sanh bằng huyền diệu cơ bút, có thể truyền đến thất ức niên (tức bảy trăm ngàn năm), nên được gọi là mối Chơn truyền.
         Khử quỉ trừ ma : Tiêu trừ ma quỉ.
         Ma quỉ có thể hiểu theo hai cách:
         - Theo thói thường, ma quỉ là những vong hồn không được siêu thoát, bởi trong kiếp sanh gây nhiều tội ác mà phải bị đọa vào cõi u minh. Lũ ma quỉ này thường hay ganh ghét người tu hành (Tà bất cảm chánh ), nên thường quấy rối, dụ dỗ người tu vào đường tà giáo.
         - Ma quỉ còn là biểu hiện cho tất cả những gì ngăn cản các thiện căn, cản trở chánh pháp như lười biếng, phiền não, nghi hoặc, bệnh tật...làm nhiễm loạn thân tâm, gây chướng ngại cho việc tu tập.
         Dù là loại ma quỉ nào đi nữa, thì nó cũng là ma chướng, là cơ thử thách cho người tu hành, vì luật công bằng Thiêng liêng buộc người tu phải chịu vậy. Quỉ ma thường bày ra giả cuộc để rù quến, dỗ dành, cản trở những người tu hành, nhưng người tu đã được hộ thân bằng bộ thiết giáp, đó là Đạo đức. Thánh giáo có dạy rằng : “Ấy vậy, Đạo đức các con là phương pháp khử trừ quỷ mị lại cũng là phương dìu dắt các con trở lại cùng Thầy. Các con không đạo, thì là tôi tớ quỷ mị. Thầy đã nói đạo đức cũng là một cái thang vô ngằn, bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao, tối trọng là ngang bực phẩm cùng Thầy, hay là Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa”.
Câu 25: Nhập Thánh thể tức là vào đường tu hành chơn chánh thì mới có thể dò tìm được con đường trở về ngôi xưa vị cũ.
Câu 26: Noi theo giáo lý chơn truyền của Đức Chí Tôn để được khử quỉ trừ ma.
 
Huệ quang chiếu thấu chánh tà,
Chèo thuyền Bát Nhã Ngân hà độ sanh.
         Huệ quang : Ánh sáng của trí huệ.
         Trí huệ là trí sáng suốt nhận biết được chân tướng của mọi sự vật, cái thấy chính xác về sự vật, hiểu biết rốt ráo đến chân lý.
         Có thể nói: Ánh sáng trí huệ là ngọn đèn, là cây đuốc soi sáng cho con người ra khỏi bóng tối của vô minh.
         Theo Đạo giáo, lúc tinh khí đầy đủ, thần cũng sung mãn thì có ánh sáng phát ra, ánh sáng này gọi là Huệ quang. Lý Tiên Ông nói:
                        Huệ quang chợt hóa lưu kim hỏa,
                        Luyện tan nỗi sầu mười tám tầng.
         Chiếu thấu : Soi rọi thấu suốt, soi rọi biết rõ.
         Chánh tà : Hai con đường mà người tu phải chọn lựa:
         Chánh là ngay thẳng, chơn thật, đúng đắn, hợp với luân lý đạo đức. Tà là cong queo, tà vạy, không hợp với luân thường đạo lý. Chánh tà luôn luôn lúc nào cũng xung khắc nhau, đối chọi nhau. Nhưng vì luật đối đải nơi thế gian hễ có chánh tự nhiên có tà, có thiện là phải có ác, cũng như có ngày thì phải có đêm. Thánh thi có bài như sau:
                        Lẽ chánh tự nhiên có lẽ tà,
                        Chánh tà hai lẽ đoán sao ra.
                        Sao ra Tiên Phật người trần tục,
                        Trần tục muốn thành phải đến Ta.
         Người tu hành muốn phân biệt được tà chánh thì phải có trí huệ. Trí huệ là cây đuốc soi rọi cho người tu lần đi theo con đường chơn chánh, bằng phẳng và ngắn nhứt.
         Thuyền Bát nhã: Hay Bát nhã thuyền : Chúng sinh vì vô minh mà phải bị chìm đắm nơi bến mê. Thuyền Bát nhã là chiếc thuyền trí huệ để đưa chúng sanh vượt sang qua bờ giác, hay bờ giải thoát.
         Ngân Hà : Theo truyền thuyết, Ngân Hà là một dòng sông chia cắt tình yêu của Ngưu Lang và Chức Nữ. Mỗi năm hai người chỉ gặp nhau một lần vào đêm thất tịch, ngày mùng 7 tháng 7 Âm lịch, nên đêm này, nước mắt của họ chứa chan tạo thành những cơn mưa ngâu, vì bởi khóc than một cách đau khổ cho cảnh biệt ly.
         Theo Đức Hộ Pháp, Ngân Hà là một nhánh của biển khổ, nên là một dòng sông chứa đầy khổ đau. Vì thế trên sông đó, có Đức Quan Âm Bồ Tát vâng mạng lệnh của Di Lặc Vương Phật chèo chiếc thuyền Bát Nhã đi độ sanh, tức là độ những người đầy đủ phước đức.
         Trong Thánh thi hiệp tuyển, sông Ngân Hà cũng được nhắc đến như:
                        Thuyền khơi đợi gió lướt dòng Ngân,
                        Dẫn khách Nam qua khỏi bến trần.
         Hoặc:
                        Cung Đẩu vít xa gươm xích quỉ,
                        Thiềm cung mở rộng cửa Hà Ngân.
Câu 27: Người tu dùng ánh sáng trí huệ để soi rọi cho thấu lẽ chánh và lẽ tà.
Câu 28: Chiếc thuyền Bát Nhã được Quan Âm Bồ Tát chèo khắp trên sông Ngân Hà để độ sanh cho những người đầy đủ phước đức.
 
Cứ nương bóng CHÍ LINH soi bước,
Gội mê đồ tắm nước MA HA.
         Nương bóng: Dựa theo ánh sáng.
         Chí Linh : Tức là chỉ Đức Chí Tôn.
         Soi bước: Rọi ánh sáng theo bước chân đi.
         Gội: Tắm gội cho sạch.
         Mê đồ : Đường mê, tức là những đường u mê, lầm lạc .
         Con người vì vô minh bị thất tình lục dục xuôi khiến nên lầm lạc mà sa vào đường mê muội, là con đường dẫn đến luân hồi sanh tử. Muốn được giải thoát thì con người phải phá bức màn vô minh, tức là kềm chế lục dục, thất tình, hầu vượt ra vòng phiền não, thoát khỏi mê đồ thì tâm tự nhiên sáng tỏ, gọi là giác ngộ.
         Nước Ma Ha: Hay Ma Ha thủy : tức là nước của sông Gange ở bên xứ Ấn Độ, gọi là sông Hằng Hà. Do tích Đức Phật Thích Ca xuống tắm và dùng nước con sông ấy để tẩy trần mà đắc thành Phật vị.
         Trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, bí pháp giải oan cũng dùng nước Ma Ha để làm phép cho người thọ giải. Theo quyển Bí Truyền Chơn Pháp của Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh, phép Giải Oan được vị chức sắc hành pháp như sau:
         Múc một tô nước để tại Thiên Bàn, người hành pháp đứng trước, định thần ngó ngay lên Thiên Nhãn, vẽ bằng con mắt chữ (.) trong con ngươi của Thiên Nhãn, rồi co chân trái lên vẽ chữ (.), đạp trên chữ (.) ấy, rút chân mặt ký chữ Đinh gọi là đạp Đinh Giáp.
         Khi hành pháp rồi, tay trái bắt ấn Hộ Pháp để ngay ngực, tay mặt cũng bắt ấn Hộ Pháp để trên tô nước, buông ấn ra, co ngón tay giữa vẽ bùa (.), đoạn ngay tay ra truyền thần xuống nước, niệm câu chú: “Ma Ha Thủy năng hủy oan nghiệt tội chướng chi đọa”, nhắm mắt định thần, đợi thấy Thiên Nhãn giáng trên mặt nước thì xả ấn.
         Cầm tô nước tay mặt, đến trước mặt người giải oan biểu cúi đầu xuống, lấy con mắt vẽ chữ (.) ngay Nê hoàn. Hễ vẽ vừa rồi liền chụp năm ngón tay trái lên mỏ ác gọi là ấn Ngũ Hành Sơn, vừa chụp vừa niệm câu chú này: Úm Ma Ni Bát Rị Hồng. Đoạn cầm tô nước đổ xuống ngay mỏ ác mà niệm: “Nam Mô Phật”, giọt thứ nhì: “Nam Mô Pháp”, rồi trút hết tô nước niệm: “Nam Mô Tăng, Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Luyện Ma Ha Thủy và Cam Lồ Thủy chỉ có các vị chức sắc từ Giáo Hữu trở lên và phải được thọ truyền bí pháp.
         Ở một số địa phương, các vị chức sắc hoặc chức việc, khi cầu giải bệnh, phát tang thường hay dùng bông nhún nước để rải lên đầu bệnh nhân hoặc tang quyến, điều này, theo thiển ý hành sái chơn pháp của Đạo, bởi vì vị chức sắc, chức việc đó chưa thọ pháp, nên không luyện được Ma Ha Thủy hay Cam Lồ Thủy.
         Thực ra, cầu giải bịnh theo Hạnh Đường (Tài liệu Huấn luyện Chức việc Bàn Trị Sự nam nữ), người chưa thọ pháp giải bịnh thì làm như sau đây:
         Khi cúng Thầy xong (chưa bãi đàn), trong gia quyến đỡ người bịnh đến trước Thiên Bàn cho bịnh nhơn lạy cầu nguyện Chí Tôn, vị chứng đàn vào quì cầu nguyện Chí Tôn thỉnh ly rượu giữa rửa mặt cho bịnh nhơn, kế thỉnh hai ly nước cầu nguyện Chí Tôn xong ký tế lại (nghĩa là kê hai miệng ly đổ thống nhứt xuống ly riêng rồi cho người bịnh niệm câu chú Thầy mà uống).
         Còn phát tang, xả tang thì cũng không dùng bông nhún nước mà rưới lên đầu người thọ tang, xả tang được.
         Quyển Hạnh Đường hướng dẫn như sau: Việc xả tang được thực hiện ở bàn thờ vong, vị Chức Việc lột tang cho một người trưởng trong tang quyến, còn bao nhiêu tự lột khăn tang trên đầu xuống và đứng dậy xá, bước ra ngoài sẽ cởi đồ tang ra đốt.
Câu 29: Cứ nương theo bóng của Chí Tôn soi rọi mà bước đi.
         Chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ gặp được một con đường do Đức Chí Tôn đã soi sáng và dìu dắt cho từng bước chân đi, là điều may mắn rất lớn, chớ người không duyên phần thì chẳng dễ gì gặp đặng. Đức Hộ Pháp có nói rằng: “Đấng Vô hình quyền năng đã tạo thế này, từ tạo Thiên lập Địa chưa có một người đặng gặp.
         Sự gặp đặng Người và chung ở cùng Người là một phần thưởng quí trọng không cùng, dầu cho các Đấng chí Tiên, chí Phật đi nữa cũng hằng ngưỡng vọng”.
Câu 30: Tắm nước Ma Ha để gội rửa những mê lầm và rửa sạch những oan khiên tội lỗi của kiếp sống.
 
Liên đài may nở thêm hoa.
Lão Đam cũng biết, Thích Già cũng quen.
         Liên Đài : Đài bằng hoa sen, tòa sen. Đây chỉ ngôi vị Phật.
         Sen là loài hoa có thân yếu mềm mà tại sao Đức Phật thường có hình ảnh ngồi trên hoa sen hay tòa sen?
         Phật giáo dùng hoa sen biểu tượng cho chân lý hiện thực trong cuộc đời đầy ưu phiền và tục lụy. Hoa sen biểu trưng cho con đường nhập thế của Phật giáo, như câu thành ngữ: “Cư trần bất nhiễm trần (Sống ở trên trần gian nhưng không bị nhiễm bởi cõi trần, tựa như hoa sen gần bùn mà không hôi mùi bùn), hay: “Phật pháp bất ly thế gian ” (Pháp của Phật không rời khỏi thế gian). Do vậy, hoa sen thường được Phật giáo biểu tượng là Tòa sen, hay ngôi vị Phật.
         May nở thêm hoa: May mắn nở thêm bông hoa. Ý chỉ có thêm một tòa sen nữa, tức có thêm người đắc đạo, thành Phật.
         Lão Đam 老聃: Là tên thụy của Đức Lão Tử.
         Theo sử ký Tư Mã Thiên, Lão Tử là người nước Sở , huyện Khổ , làng Lệ , xóm Khúc nhân , ở tỉnh Hồ Nam bây giờ.
         Ngài họ Lý , tên là Nhĩ , tự là Bá Dương , thụy là Đam . Ngài làm quan giữ Tàng thất (Kho sách) ở Kinh đô Lạc Dương của nhà Châu.
         Về gia thế thì sử sách không có nói đến, nhưng theo truyền thuyết thì nói rằng mẹ của Lão Tử mang thai Ngài có đến 80 năm mới sinh Ngài do hông bên trái dưới cội cây lý. Khi Ngài được sinh ra thì râu tóc dài và bạc trắng, mới gọi Ngài là Lão Tử. Lão Tử chỉ cây lý mà bảo rằng đó là họ của Ngài.
         Khi đến Kinh Đô nhà Châu, gặp Lão Tử hỏi lễ, lúc về Khổng Tử bảo với các đệ tử rằng : Chim ta biết nó bay như thế nào, cá ta biết nó lội làm sao, thú ta biết nó chạy cách nào. Thú chạy, thì ta có thể lưới bắt nó, cá lội, thì ta có dây câu ví nó, chim bay, thì ta có bẫy gài nó. Chí như con rồng, thì ta không biết nó theo mây theo gió mà bay luyện như thế nào. Nay ta thấy Lão Tử như con rồng ! (Ngô kim kiến Lão Tử kỳ do long da ! !).
         Ở tại Lạc Dương phía đông nhà Châu một thời gian lâu, sau thấy nhà Châu suy, nên Lão Tử cỡi trâu đi về hướng tây, khi đi đến cửa ải Hàm Cốc, quan lệnh là Doãn Hỷ . Biết Lão Tử là một Thánh nhân nên quan Doãn tôn Ngài là Thầy để xin theo học Đạo.
         Lão Tử ở lại Hàm Cốc dạy Đạo cho Doãn Hỷ và soạn ra bộ sách nói về Đạo Đức, sách phân làm hai thiên, gồm có trên 5000 chữ. Sau này, quyển sách đó được gọi là “Đạo Đức Kinh”.
         Rồi từ đó, Lão Tử cỡi trâu đi về hướng tây mất dạng, người ta không biết Ngài đi về đâu.
         Đức Lão Tử được vua Đường Cao Tông nhìn là thủy tổ, nên truy phong cho Ngài “Huyền Nguyên Hoàng Đế”.
         Lão Tử là chơn linh của Đức Thái Thượng Đạo Quân hóa sinh ra, là giáo chủ của Đạo Tiên.
         Thích Già : Hay Thích Ca.
         Chữ Hán : Đọc hai âm: Ca và Già. Trong câu kinh này thay vì đọc Thích Ca, nhưng vì luật thơ cần từ âm bình hạ (có dấu huyền), nên phải viết là Thích Già.
         Thích Già hay Thích Ca là Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, là Đấng Giáo chủ Phật giáo.
         Thích Ca Mâu Ni là một vị thái tử ở nước Ca ty la (Kapilavastu) Trung Ấn Độ, phụ hoàng tên là Tịnh Phạn, mẫu hoàng tên là Ma Da. Ngài tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha). Còn chữ Thích Ca (Sakya) là tên một chủng tộc, dịch là Năng nhơn. Mâu Ni là tiếng khen ngợi dịch là Tịch Mặc.
         Lúc nhỏ Ngài có trí sáng suốt và có tài năng phi thường. Lớn lên Ngài thấy chúng sanh khổ não, thế gian vô thường, nên Ngài quyết chí tu hành, tìm đường giải thoát cho chính bản thân mình (tự độ), và cho hầu hết chúng sanh (tha độ) lên bờ giác ngộ.
         Ngài thành Đạo dưới gốc cây bồ đề và trải 45 năm truyền pháp độ sanh, Ngài nhập Niết bàn lúc 80 tuổi.
Câu 31: Tòa sen trổ thêm hoa là có ý nói có thêm người đắc quả Phật.
Câu 32: Chơn linh Tu hành đắc quả rồi thì gặp được Đức Lão Tử và Đức Phật Thích Ca.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.26/2/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.