Tuesday 27 May 2014

NAM MO A DI DA PHAT.


HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.28/5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.


Thế Nào Là Thiện Tri Thức
Nói một cách đơn giản, Thiện-tri-thức tức là người có trí huệ, ác tri thức tức là người ngu si. Thiện-tri-thức thì có chính tri chính kiến, ác tri thức thì có tà tri tà kiến, hiểu biết sai lầm, tà vạy. Nếu điều gì hợp với Phật Pháp thì đó là chính tri chính kiến, hiểu biết chân chính. Nếu điều gì không hợp với Phật Pháp thì là tà tri tà kiến. Thiện-tri-thức là người dựa vào Phật Pháp mà tu hành, ác tri-thức thì dựa vào ma pháp để tu hành. Thiện, ác khác nhau, phân biệt là ở chỗ này.
Bậc Thiện-tri-thức thì dùng Tứ Nhiếp Pháp để giáo hóa chúng sanh. Thế nào là Tứ Nhiếp Pháp? Tức là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Bốn pháp này có thể dễ dàng hòa hợp với chúng sanh, làm cho chúng sanh đối với Phật Pháp phát tâm hứng thú, tin sâu nơi Phật Pháp.
1. Bố-thí: Muốn cho người ta tin Phật Pháp thì mình cần phải bố thí vật và giáo lý, làm cho họ đối với mình phát sanh thiện cảm.
2. Ái ngữ: Lời nói không có đi ngược lại với nhân tình, không có đi ngược lại với Phật Pháp, lời mình nói ra thì nhân từ đạo đức.
3. Lợi hành: Lời nói, hành động và suy nghĩ tùy duyên tu hành khiến chúng sanh được lợi ích.
4. Ðồng sự: Ðối với những chúng sanh đáng được độ, thì làm công việc giống như họ để giáo dục họ.
Ðó là bốn Pháp giúp mình gây thiện cảm và tín nhiệm đối với chúng sanh. Nếu lời nói mình nhất trí với hành động, vì lợi ích chung không vì riêng tư, lấy thân làm gương, gặp chuyện nghĩa thì dũng mãnh mà làm, như vậy chúng sanh tự nhiên sẽ tin ở lời nói của mình và cũng tin rằng Phật Pháp chính là con thuyền thoát khỏi biển sanh tử.
Các bạn tới đây để nghe giảng kinh thuyết pháp, mỗi vị ai cũng là bậc đại tri thức. Các bạn nên hiểu rằng Bồ-đề tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh. Xưa nay thanh tịnh nghĩa là không có tạo lập một thứ gì, cũng không bị nhiễm ô bởi một thứ gì. Bồ-đề tự tánh này chẳng cần tạo tác thêm, vốn hiện tiền như vậy, vốn đầy đủ xưa nay. Bồ-đề tự tánh này cũng chính là Phật tánh. Ðiểm này xin các bạn đặc biệt chú ý! Mỗi người cũng ai có Phật tánh giống hệt như của Phật vậy, chẳng gì khác biệt. Bất quá mình ngu si nặng nề, bị vô minh vọng tưởng che lấp, nên Phật tánh không thể hiện tiền. Nếu dùng trí huệ để xử lý mọi chuyện thì Phật tánh sẽ hiện tiền. Lúc đó bạn chính là vị Thiện-tri-thức.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.28/5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

Sunday 25 May 2014

Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

142. Kinh Phân biệt cúng dường
(Dakkhinàvibhanga sutta)


Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú giữa dòng họ Sakka (Thích-Ca), ở Kapilavatthu (Ca-ty-la-vệ), tại tinh xá Nigrodha (Ni-câu-luật Thọ Viên).
Rồi Mahapajapati Gotami (Củ đàm Nữ Ma-ha-ba-xà-bà-đề), đem theo một cặp y mới, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Mahapajapati Gotami bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, cặp y mới này do con cắt và dệt đặc biệt cho Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy nhận lấy cho con.
Khi được nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Mahapajapati Gotami:
-- Này Gotami, hãy cúng dường Tăng chúng. Bà cúng dường Tăng chúng, thời Ta sẽ được cung kính, và cả Tăng chúng cũng vậy.
Lần thứ hai, Mahapajapati Gotami bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, cặp y mới này do con cắt và dệt.. hãy nhận lấy cho con.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Mahapajapati Gotami:
-- Này Gotami, hãy cúng dường Tăng chúng.. và cả Tăng chúng cũng vậy.
Lần thứ ba, Mahapajapati Gotami bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, cặp y mới này do con cắt và dệt ... hãy nhận lấy cho con.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với Mahapajapati Gotami :
-- Này Gotami, hãy cúng dường Tăng chúng... và cả tăng chúng cũng vậy.
Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Thế Tôn hãy nhận cặp y mới cho Mahapajapati Gotami! Bạch Thế Tôn, Mahapajapati Gotami đã giúp ích nhiều cho Thế Tôn, là thúc mẫu, là dưỡng mẫu, đã nuôi dưỡng Thế Tôn, đã cho Thế Tôn bú sữa, vì rằng sau khi sanh, thân mẫu của Thế Tôn mệnh chung, chính bà đã cho Thế Tôn bú sữa. Bạch Thế Tôn, và Thế Tôn cũng giúp ích nhiều cho Mahapajapati Gotami. Bạch Thế Tôn, chính nhờ Thế Tôn, Mahapajapati Gotami đã quy y Phật, quy Pháp, quy y Tăng. Bạch Thế Tôn, chính nhờ Thế Tôn, Mahapajapati từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say các loại rượu đem lại. Bạch Thế Tôn, chính nhờ Thế Tôn, Mahapajapati Gotami có đầy đủ lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, đầy đủ lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, đầy đủ lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, đầy đủ các giới luật làm bậc Thánh hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, chính nhờ Thế Tôn, Mahapajapati Gotami không còn nghi ngờ đối với Khổ, không còn nghi ngờ đối với Khổ tập, không còn nghi ngờ đối với Khổ diệt, không còn nghi ngờ đối với Con Ðường đưa đến khổ diệt. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn cũng đã giúp ích nhiều cho Mahapajapati Gotami.
-- Thật là như vậy, này Ananda! Thật là như vậy, này Ananda! Này Ananda, nếu do nhờ một người, mà một người khác được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia về đảnh lễ, đứng đậy, chấp tay, về làm những việc thích hợp và về dâng cúng các sự cúng dường như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh.
Nếu do nhờ một người mà một người khác từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say các loại rượu men, rượu nấu, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia... dược phẩm trị bệnh.
Này Ananda, nếu do nhờ một người mà một người khác đầy đủ tịnh tín bất động đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, đầy đủ các giới luật, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia... dược phẩm trị bệnh.
Này Ananda, nếu do nhờ một người mà một người khác không có nghi ngờ đối với Khổ, không có nghi ngờ đối với Khổ tập, không có nghi ngờ đối với Khổ diệt, không có khi ngờ đối với Con Ðường đưa đến khổ diệt, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia... dược phẩm trị bệnh.
Này Ananda, có mười bốn loại cúng dường phân loại theo hạng người. Bố thí các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, là cúng dường thứ nhất, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị Ðộc Giác Phật, là cúng dường thứ hai, phân loại theo hạng người. Bố thí các bậc A-la-hán, đệ tử Như Lai, là cúng dường thứ ba, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả A-la-hán là cúng dường thứ tư, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Bất lai, là cúng dường thứ năm, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Bất lai là cúng dường thứ sáu, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Nhất lai là cúng dường thứ bảy, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Nhất lai là cúng dường thứ tám, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Dự lưu là cúng dường thứ chín, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Dự lưu là cúng dường thứ mười, phân loại theo hạng người. Bố thí những vị ngoại học (bahiraka) đã ly tham trong các dục vọng là cúng dường thứ mười một, phân loại theo hạng người. Bố thí những phàm phu gìn giữ giới luật là cúng dường thứ mười hai, phân loại theo hạng người. Bố thí những phàm phu theo ác giới là cúng dường thứ mười ba, phân loại theo hạng người. Bố thí các loại bàng sanh là cúng dường thứ mười bốn, phân loại theo hạng người.
Tại đây, này Ananda, sau khi bố thí cho các loại bàng sanh, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm phần công đức. Sau khi bố thí cho những phàm phu theo ác giới, cúng dường này có hy vọng đem lại ngàn phần công đức. Sau khi bố thí cho các phàm phu gìn giữ giới luật, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn lần công đức. Sau khi bố thí cho các người ngoại học đã ly tham trong các dục vọng, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn ức lần công đức. Sau khi bố thí cho các vị trên con đường chứng quả Dự lưu, cúng dường này có hy vọng đem lại vô số vô lượng công đức. Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Dự lưu? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Nhất lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Nhất lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Bất lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Bất lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả A-la-hán? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả A-la-hán, đệ tử Như Lai? Còn nói gì đến những vị Ðộc Giác Phật? Còn nói gì đến các Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác?
Này Ananda, có bảy loại cúng dường cho Tăng chúng. Bố thí cho cả hai Tăng chúng với đức Phật là vị cầm đầu là cúng dường Tăng chúng thứ nhất. Bố thí cho cả hai Tăng chúng, sau khi đức Phật đã nhập diệt là cúng dường Tăng chúng thứ hai. Bố thí cho chúng Tỷ-kheo Tăng là cúng dường Tăng chúng thứ ba. Bố thí cho chúng Tỷ-kheo ni là cúng dường Tăng chúng thứ tư. Bố thí và nói rằng: "Mong Tăng chúng chỉ định cho tôi một số Tỷ-kheo và Tỷ-kheo ni như vậy", là cúng dường Tăng chúng thứ năm. Bố thí và nói rằng: "Mong rằng Tăng chúng chỉ định cho tôi một số Tỷ-kheo như vậy", là cúng dường Tăng chúng thứ sáu. Bố thí và nói rằng: "Mong rằng Tăng chúng chỉ định cho một số Tỷ-kheo ni như vậy", là cúng dường Tăng chúng thứ bảy.
Nhưng này Ananda, trong thời gian tương lai sẽ có những hạng chuyển tánh (gotrabhuno), với những áo cà-sa vàng xung quanh cổ, theo ác giới, ác pháp, và cuộc bố thí đối với chúng Tăng theo ác giới. Nhưng này Ananda, khi Ta nói rằng cúng dường cho Tăng chúng là vô số và vô lượng, thời này Ananda, Ta không có muốn nói rằng bất cứ phương tiện gì, một sự bố thí phân loại theo cá nhân lại có kết quả to lớn hơn đối với cúng dường cho Tăng chúng.
Này Ananda, có bốn sự thanh tịnh của các loại cúng dường. Thế nào là bốn? Này Ananda, có loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho, nhưng không bởi người nhận. Này Ananda, có loại cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho. Này Ananda, có loại cúng dường không được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận. Này Ananda, có loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho, nhưng không bởi người nhận? Ở đây, này Ananda, người cho giữ giới, theo thiện pháp, còn những người nhận theo ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này Ananda, là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho, nhưng không bởi người nhận.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho? Ở đây, này Ananda, người cho theo ác giới, theo ác pháp, còn những người nhận giữ giới, theo thiện pháp. Như vậy, này Ananda, là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường không được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận? Ở đây, này Ananda, người cho theo ác giới, theo ác pháp, và người nhận cũng theo ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này Ananda, là sự cúng dường không được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận? Ở đây, này Ananda, người cho giữ giới, theo thiện pháp; và người nhận cũng giữ giới, theo thiện pháp. Như vậy, này Ananda, là sự cúng dường được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận.
Này Ananda, như vậy là bốn sự thanh tịnh của các loại cúng dường.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Bậc Thiện Thệ sau khi nói như vậy, bậc Ðạo sư lại nói thêm:
Ai đầy đủ giới luật,
Bố thí cho ác giới;
Vật thí được đúng pháp,
Với tâm khéo hoan hỷ,
Với lòng tin vững vàng
Vào quả lớn của nghiệp,
Sự cúng dường như vậy,
Thanh tịnh bởi người cho.

Ai không giữ giới luật,
Bố thí cho thiện giới;
Vật thí không đúng pháp,
Với tâm không hoan hỷ,
Không lòng tin vững vàng,
Vào quả lớn của nghiệp,
Sự cúng dường như vậy,
Thanh tịnh bởi người nhận.

Ai không giữ giới luật,
Bố thí cho ác giới;
Vật thí không đúng pháp,
Với tâm không hoan hỷ,
Không lòng tin vững vàng,
Vào quả lớn của nghiệp,
Sự cúng dường như vậy
Cả hai không thanh tịnh.

Ai đầy đủ giới luật,
Bố thí cho thiện giới;
Vật thí được đúng pháp,
Với tâm khéo hoan hỷ,
Với lòng tin vững vàng,
Vào quả lớn của nghiệp,
Ta nói bố thí ấy
Chắc chắn có quả lớn.

Ai xuất ly tham ái
Bố thí không tham ái,
Vật thí được đúng pháp.
Với tâm khéo hoan hỷ,
Với lòng tin vững vàng,
Vào quả lớn của nghiệp,
Ta nói bố thí ấy
Là quảng đại tài thí.
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.25/5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

Cúng dường Trai Tăng – Vấn đề người lạy người.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Hằng năm, trong khoảng từ ngày Phật Đản cho tới lễ Vu Lan, là thời gian chư Tăng Ni nhập Hạ, nghĩa là vào mùa Hạ, chư vị tu sĩ ở rải rác tại nhiều địa điểm cùng vân tập về một nơi, thường là một ngôi chùa lớn, để tích cực tu học, không bước chân ra khỏi khuôn viên nhà chùa.
Khởi đầu mỗi khóa Hạ là ngày Phật Đản, nhằm ngày Rằm tháng Tư Âm Lịch và kết thúc vào ngày lễ Vu Lan, nhằm ngày Rằm tháng Bảy Âm Lịch. Thời gian này còn gọi là mùa An Cư kiết Hạ. Tuy chỉ có ba tháng, nhưng là ba tháng tích cực tu học, cho nên nhà Phật tính ba tháng này là một tuổi Hạ.
Để rõ nghĩa vấn đề “tuổi Hạ” này, chúng tôi xin trích dẫn lời dạy của hòa thượng Thích Thiện Siêu như sau:
…”… Ngày Rằm tháng Bảy còn được gọi là ngày Tăng Thọ tuế. Thọ tuế là nhận tuổi. Theo thế gian, nếu cha mẹ sinh ra đủ năm 12 tháng thì mới gọi là tròn một tuổi. Nhưng trong luật Phật chế, hàng xuất gia thọ giới của đức Phật không tính tuổi theo năm tháng kiểu thế gian trên — mà tính tuổi theo hạ lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiết hạ được trọn vẹn thì được tính một tuổi. Thí dụ: Vị nào an cư kiết hạ từ 15 tháng Tư đến 15 tháng Bảy âm lịch là mãn hạ, như vậy được tính một năm hạ, tức một tuổi hạ. Ai đã thọ Cụ túc giới nhưng không an cư thì không tính tuổi hạ, còn ai kiết hạ an cư liên tục thì được tính nhiều tuổi hạ.
Cho nên chúng ta thường nghe ở các chùa khi đọc tiểu sử của một vị Tăng nào viên tịch, thường nhắc đến tuổi đời và hạ lạp. Thí dụ vị đó 80 tuổi đời và 60 hạ lạp, nghĩa là vị đó có tuổi cha mẹ sinh là 80 năm, còn tuổi hạ là 60 hạ lạp. Hạ lạp được tính vào ngày rằm Tự tứ, tức là rằm tháng 7, sau khi đã tu hành tròn ba tháng hạ.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp, đúng theo Luật Phật chế, 20 tuổi thì được thọ giới Tỷ-kheo, nhưng vì thiếu duyên, có vị 25 tuổi mới thọ giới Tỷ-kheo và sau khi thọ giới mỗi năm đều có kiết hạ. Nếu vị ấy viên tịch vào tuổi 70, thì vị ấy được 45 tuổi hạ và 70 tuổi đời. Nếu một vị Tỷ-kheo thọ giới rồi mà không an cư lần nào cả thì coi như vị ấy hoàn toàn không có tuổi hạ, khác với cha mẹ sinh ta ra, dù ta có làm hay không làm gì đi nữa, hoặc giả có ngủ cả năm đi nữa thì tròn một năm cũng vẫn được tính tuổi từng năm một.
Trái lại, vị Tỷ-kheo thì phải có kiết giới an cư thì mới nhận tuổi, còn không an cư, thì không tính hạ lạp, cũng gọi là giới lạp, pháp lạp…”…
Thưa quý thính giả,
Truyền thống an cư kiết hạ này bắt nguồn từ thời đức Phật tại thế. Vào thời đó, chư tăng Ni không nấu ăn, mà mỗi buổi sáng, chư vị cùng nhau ôm bình bát đi khất thực đủ cho bữa trưa, gọi là Ngọ Trai. Ngoài việc đó, tất cả thời giờ đều tận dụng vào việc hành Thiền, thanh lọc thân tâm với mục tiêu giải thoát.
Nhà Phật coi sự khất thực như thế là việc tốt cho cả giới tu sĩ và dân chúng. Đối với tu sĩ thì việc khất thực chỉ đủ ăn từng ngày sẽ khiến cho quý vị ấy xả bỏ thói quen tích lũy, nguồn gốc của tâm Tham, lại dùng được tất cả thời gian trong cuộc đời để miệt mài tu tập, không bị chia trí.
Đối với dân chúng thì sự kiện cúng dường chư Tăng Ni sẽ tạo thói quen tốt cho hạnh tu bố thí, xả bỏ.
Thế nhưng tại Ấn Độ vào mùa Hạ thì lại mưa nhiều, nên khí hậu và đất đai rất ấm thấp. Do đó, côn trùng sinh trưởng khắp mặt đất. Vì lòng từ bi tỏa rộng tới cả muôn loài chúng sinh, đức Phật muốn tránh mọi sự đau đớn, nên Ngài chế ra khoảng thời gian chuyên tâm tu học trong một địa điểm, gọi là an cư kiết Hạ,để tu sĩ không đi ra ngoài, không giẫm đạp lên các sinh vật nhỏ bé bò lê la dưới đất.
Vào thời đó, thực phẩm của chư Tăng Ni hoàn toàn trông vào sự khất thực hằng ngày. Nay vì phải ở lại trong chùa, không thể đi ra ngoài khất thực, nên dân chúng thân hành mang phẩm vật lên chùa để cúng dường chư vị Tăng Ni, trong tinh thần tứ chúng đệ tử Phật hỗ trợ lẫn nhau, chư Tăng Ni bố thí các lời dạy gọi là Pháp thí và dân chúng bố thí phẩm vật để chư vị thọ dụng gọi là Tài thí. Sự bố thí này được dùng bằng từ ngữ cung kính gọi là cúng dường.
Truyền thống đó vẫn được tứ chúng Phật tử gìn giữ và thực hành suốt chiều dài của lịch sử Phật giáo từ trên hai ngàn rưởi năm nay.
Để quý thính giả có thêm tài liệu về tinh thần liên đới trách nhiệm giữa tứ chúng đệ tử của đức Phật, là chư Tăng, chư Ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ, chúng tôi xin kính gửi tới quý vị một bài phân tích rất minh bạch của Ni Sư Thubten Chodron, trích từ cuốn Buddhism for Beginners.
Ni sư là người Hoa Kỳ, đã viết nhiều sách giảng dạy Phật pháp như Open Heart & Clear Mind, How to Free Your Mind, Taming the Monkey Mind, Cultivating a Compassionate Heart, Blossoms of the Dharma, vân vân….
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về cuốn sách này như sau:
“Cuốn Buddhism for Beginners được viết cho người muốn tìm hiểu những điều căn bản nhất của đạo Phật, và cách ứng dụng những điều căn bản đó vào đời sống hằng ngày. Nó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho độc giả”.
Câu hỏi trong cuốn sách là:
- Xin cho biết về sự liên hệ giữa chư Tăng Ni và các cư sĩ Phật giáo?
Ni Sư Thubten Chodron đáp:
- Như đức Phật đã quy định, bổn phận của chư Tăng, Ni, là giữ gìn trọn vẹn giới luật đã nguyện hứa, đồng thời học và thực hành Phật pháp, rồi đem sự hiểu biết đó hướng dẫn lại cho Phật tử tu hành.
Về phần giới cư sĩ Phật tử thì cung cấp những sự cần thiết cho đời sống của người tu sĩ, như nơi cư trú, y phục, thực phẩm và thuốc men. Sự phân nhiệm này có mục đích dành cho giới tu sĩ có nhiều thì giờ để chuyên tâm học hỏi và hành thiền, để họ mau tiến bộ trên đường tu tập, để rồi qua sự tiến bộ của họ, sự truyền dạy giáo pháp lại cho giới cư sĩ cũng đạt được nhiều hiệu quả.
Mối quan hệ này đã lưu truyền trong khắp các truyền thống Phật giáo, dù khác hình thức.
Tại các tu viện Thiền Tông ở Trung Hoa, làm lụng ngoài đồng được coi là một phần của việc tu hành, chư Tăng, Ni phải làm ruộng, học giáo lý và tu tập thiền.
Tại Thái Lan thì lại khác, vì lời hứa khi thọ giới là không cất giữ tiền bạc được thi hành triệt để, nên cư sĩ Phật tử không những chỉ cung cấp tứ sự cúng dường gồm nơi ở, y phục, thực phẩm và thuốc men, mà còn nhận lãnh luôn cả những việc lao động khác trong tu viện, để giúp chư tăng ni chuyên tâm tu hành.
Tại Châu Á, chư Tăng, Ni thường được giới cư sĩ Phật tử kính trọng và săn sóc chu đáo, vì Phật tử tại những nơi đó vốn có truyền thống tôn quý Phật pháp. Dù là vậy, tu sĩ nên tự coi mình như những người phục vụ, để không trở thành kiêu ngạo khi được Phật tử cung kính cúng dường. Nếu tu sĩ lại nổi lên tâm kiêu ngạo khi hưởng sự cung kính, thì đường tu của chính họ lại bị thoái hóa.
Tại phương Tây thì mối quan hệ giữa giới tu hành và giới cư sĩ vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng dân chủ, và ít phân chia giai cấp, vốn sẵn có trong bản chất của các xã hội Tây Phương. Như thế cũng có điều lợi, mà cũng có điều bất lợi. Thí dụ, người tu sĩ Tây Phương không luôn luôn được tu viện, hoặc nơi họ cư ngụ, cung cấp đầy đủ về mặt tài chính, cho các chi phí trong đời sống. Kết quả là có những Tăng Ni phải kiếm thêm việc làm bên ngoài, để có đủ tiền chi tiêu cho những nhu cầu cần thiết của bản thân. Có người kiếm đủ sống qua ngày, nhưng khi ốm đau, hoặc muốn đi tầm sư học đạo, hoặc tham dự những khóa thiền thất, thì họ sẽ gặp khó khăn về chuyện tiền bạc….”…
Thưa quý thính giả,
Như thế, truyền thống cúng dường vốn là một tập tục rất quan trọng và tốt đẹp của nhà Phật. Cúng dường cũng chính là bố thí, chỉ khác nhau ở danh xưng. Về sự khác trong danh xưng và ý nghĩa sâu xa của bố thí, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả một bài pháp của thượng tọa Thích Nhất Chân, phân tích rõ ràng như sau:
… »… Cúng dường và bố thí vốn cùng một nghĩa “cho“. Cái gì của mình mà có thể đem ra “cho” người khác, thì gọi là “cho“.
Cũng cùng một nghĩa, song tùy theo trường hợp hay hoàn cảnh mà nghĩa “cho” này có những tên gọi khác nhau. Thông thường thì chỉ gọi là “cho“, trường hợp khác thì gọi là “tặng“, đôi khi gọi là “biếu“. Riêng danh từ “bố thí” được dùng để chỉ trường hợp “cho” những người bần cùng nghèo khổ. Và trường hợp khi một người Phật tử đem những gì của mình ra “cho” Tam Bảo, vốn là nơi nương tựa của mình, thì gọi là “cúng dường“.
Còn nghĩa “tặng” là “cho”  giữa những người ngang hàng với nhau, “cho” để kết tình thân hay cốt để gây một ấn tượng tình cảm tốt đẹp mà thôi, thì gọi là “tặng“.
Trong thế gian không có nghĩa “cúng dường“, song có nghĩa “bố thí“. Tuy nhiên nghĩa “bố thí” trong Ðạo không giống với nghĩa “bố thí” của thế gian.
Ðạo pháp không nhìn “bố thí” theo chiều hướng “kẻ cả” hay “ra ân” mà theo một chiều hướng tâm linh rất thâm sâu, bao gồm nhiều ý nghĩa của Ðạo. Chúng ta hãy khảo sát một cách tổng quát về nghĩa Ðạo của bố thí như sau :
Bố thí gồm có ba thành phần chính : một là người cho, hai là vật để cho và ba là người nhận. Thiếu một trong ba thành phần này thì pháp bố thí sẽ không thành lập được. Trong ấy, vật để cho là mối liên kết giữa người cho và kẻ nhận. Vật này trước hết phải thuộc quyền sở hữu của người cho. Đem cho một vật không phải của mình, thì không thành nghĩa bố thí được. Sau khi cho, vật ấy thuộc về người nhận, và người cho không còn quyền hạn gì đối với vật ấy nữa.
Cho như thế có nghĩa là “xả bỏ” các sở hữu của mình, xả bỏ những gì mà mình có.
Tại sao lại phải xả bỏ các sở hữu của mình ?
Con đường giải thoát trong Ðạo Phật cho thấy rằng sự hiện hữu của mỗi hữu tình chúng ta là một sự ràng buộc trói chặt chằng chịt vào nhau.
Cái tâm thức mà là chúng ta một khi đã trói dính vào thân này, thời phải trói dính vào quần áo, nhà cửa, đồ ăn thức uống v.v… để nuôi dưỡng và duy trì thân này.
Một khi tâm thức ấy đã trói chặt vào thân ấy và cho đó là Tôi, thì nó sẽ trói chặt luôn vào vợ tôi, con tôi, nhà cửa gia sản của tôi, bạn bè thân quyến của tôi…
Khi Ðạo pháp nói rằng chúng ta bị trói dính vào luân hồi biến chuyển đau khổ, chúng ta không được giải thoát, tức có nghĩa là chúng ta, hay đúng hơn cái tâm thức mà là chúng ta, bị trói chặt vào thân này và các sở hữu khác của nó.
Thế nên giải thoát có nghĩa là cởi tâm thức ra khỏi các trói chặt của thân và các sở hữu. Tâm thức tự trói mình vào các thứ ấy bằng tâm ái luyến, nên chính tâm thức cũng phải tự cởi mình ra bằng tâm thoát ly hay tâm xả bỏ các pháp sở hữu ấy….. »…
Thưa quý thính giả,
Trong một bài trước, chúng tôi đã trình với quý vị rằng “… các vị Sư trong nhà Phật được tôn là Trưởng Tử Như Lai, là con lớn của đức Phật — với ý nghĩa về mặt tinh thần – có nhiệm vụ dìu dắt các em ra khỏi bến mê.
Trưởng Tử Như Lai là người noi theo gương giáo hóa chúng sinh của đức Phật, làm công việc đức Phật ủy thác, là Đạo Sư. Cho nên chúng tôi đã thưa rằng từ ngữ Sư trong nhà Phật rất cao quý. Sư là Thày dạy đạo, đưa chúng sinh ra khỏi biển khổ sinh tử, chấm dứt trôi nổi trong vòng luân hồi. Vì sứ mạng cao quý như thế cho nên trong đạo Phật, địa vị của Tăng Ni được coi rất trọng. Nhiệm vụ của Phật tử, gọi là cận sự, tức cư sĩ, là phải cung kính cúng dường chư Tăng Ni  4 món cần thiết trong đời sống, gọi là “Tứ sự cúng dường” gồm y phục, thực phẩm, nơi ở và thuốc men.
Tại sao lại phải đặc biệt cung kính khi cúng dường?
Đó là để tỏ rõ lòng tôn kính vị Sư, bậc Thày dẫn dắt ra khỏi bến mê, bước lên bờ giác, chấm dứt mọi nỗi đau khổ. Cho nên đôi khi chúng ta trông thấy trong những buổi lễ dâng y, hoặc trai tăng, thí chủ dâng lễ vật đồng thời còn xụp lạy những Tăng Ni thọ nhận, cũng là vì theo truyền thống cung kính cúng dường.
Chung quanh vấn đề “xụp lạy giữa người và người” này, đã nảy sinh ra một số suy nghĩ lấn cấn, có lẽ chúng ta cũng nên biết tới.
Giới chủ trương duy trì sự “người lạy người” thì cho là lạy như thế để mài tâm, xả bỏ sự kiêu ngạo, rèn luyện đức khiêm cung.
Giới không đồng ý thì cho rằng lạy trong trường hợp này là Phật tử lạy các vị Sư, cho là lạy sẽ được phước. Như thế thì không có sự “mài tâm” trong đây, mà là một dấu hiệu của tâm Tham tiềm ẩn. Sự kiện lạy một vị trung gian tâm linh, vốn là biểu tượng của thế giới huyền bí, ở một vị trí có thể ban phúc giáng họa, thì không thể làm cho người lạy trở thành khiêm cung, mà có lẽ chỉ tăng trưởng nỗi sợ sệt, hoặc lòng ham muốn được phước mà thôi.
Nhìn những cụ già mái tóc bạc phơ, quỳ ngoài sân xì xụp lạy để tác bạch lên chư Tăng Ni ngồi bên dẫy bàn ăn trong buổi lễ cúng dường Trai Tăng, người ngoài cuộc cảm thấy trong lòng sao mà bất nhẫn quá.

Những quang cảnh giống như đang sống trở lại thời phong kiến ấy liệu sẽ có ảnh hưởng vào tâm trí giới trẻ, khiến cho họ cảm thấy xa lạ với sinh hoạt của nhà chùa chăng?
 Nhân đây, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả một câu chuyện thiền nói về thái độ của kẻ cho và người nhận, trích dịch từ cuốnCollection of Stone and Sand”, do thiền sư Muju viết bằng Nhật ngữ, Paul Reps dịch sang Anh Ngữ, câu chuyện như sau:
“Vào thời đại Kiếm Thương, trong thời gian làm trụ trì tại thiền viện Engaku thuộc tỉnh Kamakura, (một trong số những thiền viện quan trọng nhất thuộc hệ thống thiền viện của Nhật Bản, nơi có quả đại hồng chung Ôgune danh tiếng cao 2 mét rưỡi), thiền sư Seisetsu yêu cầu được cung cấp một khu vực lớn hơn, vì nơi ông đang giảng dạy có quá đông người theo học nên rất chật chội.
Một thương gia ở Edo tên là Umezu Seibei quyết định cúng dường 500 đồng tiền vàng ryo để xây trường học mới rộng rãi và tiện nghi hơn. Ông ta đem số tiền vàng tới đưa cho thiền sư Seisetsu. Thiền sư thản nhiên nói gọn lỏn:
- Được rồi, tôi sẽ nhận.
Thương gia Umezu đưa ra túi tiền vàng mà trong lòng rất lấy làm bất mãn trước thái độ của thiền sư. Ông ta nghĩ thầm: ”Chỉ với 3 đồng tiền vàng này, một người có thể sống trọn một năm, thế mà một lúc đưa ra tặng tới 500 đồng mà không nhận được một lời cảm ơn”. Bực mình, ông ta lên tiếng nhắc:
- Trong cái túi có 500 đồng tiền vàng ryo đấy.
Thiền sư trả lời:
- Ông đã nói điều đó với tôi rồi mà.
Umezu nói:
- Dù tôi là một thương gia giầu có, nhưng 500 đồng ryo là một số tiền lớn.
Thiền sư Seisetsu hỏi:
- Thế ông muốn tôi cảm ơn ông hả?
Umezu trả lời:
- Đó là việc ông nên làm.
Thiền sư hỏi lại:
- Ủa, sao lại là tôi? Người đem cho phải cảm ơn chứ? “
Thưa quý thính giả,
Có câu: “Kẻ  “cho” “được hưởng ” nhiều hơn người nhận”. Đúng là như vậy. Người nhận chỉ được chút vật chất. Người cho được toàn bộ niềm vui về tinh thần, được hưởng dư âm của niềm an lạc về hành động cao quý của mình.
Thế nên, như vị thiền sư đã nói, “người đem cho” phải cảm ơn “người nhận”. Đúng vậy, vì “người nhận” đã trải phước điền, là ruộng phước, để “người đem cho” trồng cây phước.
Nhưng một sự cung kính cúi đầu, một lời cảm ơn nhau cũng tạm coi như là đủ, chúng ta thử xét lại xem có cần thiết phải xì xụp lạy như đám vua quan lễ lạy nhau trong thời buổi phong kiến lạc hậu khi xưa chăng?HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.25/5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

Wednesday 21 May 2014

GIÁO-HỘI PHẬT-GIÁO VIỆT-NAM TRÊN THẾ-GIỚI
WORLD VIETNAMESE BUDDHIST ORDER 
TỔ-ĐÌNH TỪ-QUANG
TU-QUANG BUDDHIST ORDER
2176 Rue Ontario Est, Montréal, QC. H2K-1V6, Canada. Tel : (514) 525-8122

LỜI KÊU GỌI
Văn thư số 1782/VP/TT – Ngày 12.05.2014
của
Trưởng-lão Hòa-Thượng Thích-Tâm-Châu
Thượng-Thủ Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Trên Thế-Giới
 
 Kính gửi :       Chư tôn Hòa-Thượng, chư Thượng-Tọa,
                        Đại-Đức Tăng, Ni cùng chư Đạo-hữu, Phật-tử.
                             
 
NAM MÔ BỔN-SƯ THÍCH-CA MƯU-NI PHẬT
 
Kính bạch Quý Ngài,
Kính thưa Quý vị, 
          Vào 11 giờ sáng ngày 11 tháng 5 năm 2014, tại Tổ-Đình Từ-Quang, thành phố Montreal, tỉnh bang Quebec, nước Canada, đã tổ-chức đại-lễ kỷ-niệm Phật-đản năm thứ 2638, Phật-lịch 2558. Trước Phật-điện, chư Tôn-đức Tăng, Ni cùng đại chúng Phật-tử và chúng tôi, nhất tâm truy niệm công ơn hóa độ của đức Từ-Phụ Thích-Ca Mưu-Ni Phật, cầu nguyện cho thế-giới hòa-bình, chúng-sinh an-lạc và đặc-biệt cầu nguyện cho đất nước Việt-Nam sớm thoát khỏi chế độ độc-tài Cộng-sản, để cho nhân dân có tự do, dân-chủ, dân-quyền, có tinh-thần đoàn kết, cương quyết chống đối những dã-tâm hãm hại và xâm chiếm đất liền, biển cả của Việt-Nam bởi những người lãnh-đạo Cộng-sản Trung-Hoa.
          Sự xâm chiếm đất liền, biển cả và mưu lược hãm hại nhân dân Việt-Nam bằng những vật-dụng tẩm thuốc độc, ai cũng biết và cả thế-giới đều biết. Năm 1974, Trung-cộng giết hại chiến-binh Việt-Nam Cộng-Hòa, xâm-chiếm đảo Hoàng-Sa. Mang danh nghĩa dạy cho các đồng-chí Cộng-sản Việt-Nam một bài học năm 1979, Trung-cộng chiếm bao nhiêu cây số vuông đất liền và biển cả và khai thác bao nhiêu hầm mỏ khoáng-sản và rừng già. Thời-gian thập kỷ 1980, Trung-cộng xâm-chiếm đảo Trường-sa, tạo thành quận Tam-Sa, thuộc Hải-Nam, ký mật ước sát nhập đất nước Việt-Nam vào đất nước Trung-Cộng và Việt-Nam sẽ trở thành một tỉnh của Trung-quốc, mang tên là tỉnh Âu-Lạc. Ngày nay, Trung-Cộng dạy thêm cho các đồng-chí Cộng-sản Việt-Nam bài học thứ hai, là bất thình lình, đầu tháng 5 dương-lịch 2014, Trung-cộng điều động nhiều loại máy bay, tàu chiến và dàn khoan khổng lồ chiếm cứ ngoài khơi đảo Lý-Sơn, thuộc tỉnh Quảng-Ngãi, Việt-Nam, bất chấp sự phản-đối của Việt-Nam và Quốc-tế.
          Sự thật hiển nhiên, giờ đây, những người có dòng máu Việt-Nam yêu nước, không kể chính kiến, giới-tính, đạo-giáo, chúng ta nghĩ gì ? Chắc chắn chư vị lãnh-đạo các tôn-giáo, các đoàn-thể quốc gia Việt-Nam, đã có sẵn những sách-lược, để tùy cơ thực-hiện, chúng tôi không dám lạm bàn!
Nay, đứng về Phật-giáo, chúng tôi xin ngỏ lời khẩn-thiết kêu gọi chư tôn-đức Tăng, Ni cùng chư nam, nữ Phật-tử Phật-giáo Việt-Nam trong và ngoài nước : - “Nước mất, đạo tan. Cùng dòng máu Việt”! Tất cả Tăng, Ni, Phật-tử, chúng ta phải :
1.- Muôn người như một, một lòng một dạ cùng với tất cả mọi người – không phân biệt – cương quyết cứu nguy đất nước.
2.- Tại các tự-viện, sớm hôm, tụng kinh, trì chú, cầu nguyện cho nhà cầm quyền Cộng-sản Việt-Nam tỉnh thức, hiểu rõ chính, tà, dứt khoát bỏ chủ nghĩa Cộng-sản, đoạn-tuyệt tình đồng-chí giả dối của Trung-cộng, hướng hẳn về chủ nghĩa quốc-gia, dân-tộc, cương quyết đưa vấn-đề xâm lược của Trung-Cộng ra tòa án quốc-tế và kêu gọi Liên-Hiệp-Quốc, các cường-quốc Mỹ, Anh, Pháp, các nước tự-do trên thế-giới thực tâm ủng-hộ Việt-Nam chống ngoại-xâm và đem lại tự do, dân-chủ, nhân-quyền ấm no, hạnh-phúc thực sự cho người dân.
3.- Nam, nữ Phật-tử tùy theo hoàn cảnh, khả năng, tích-cực tham-gia cùng các đoàn thể quốc-gia, thực sự chống Cộng, thực sự chống xâm-lăng, trong tinh-thần cứu nguy đất nước.
Ngưỡng nguyện Tam Bảo, hồn thiêng sông núi, chư vị linh thần, thiện-thần Việt-Nam phù-trì cho đất nước Việt-Nam được thoát nạn cộng-sản, xâm-lăng, bảo toàn lãnh thổ, lãnh-hải, an-định, phú cường và nhân dân có tự-do, dân-chủ, nhân-quyền, ấm no, hạnh-phúc.
 
                                                                                            Tâm thành kêu gọi,
(Đã ấn ký)
Trưởng-lão Hòa-Thượng Thích-Tâm-Châu





GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VĂN PHÒNG ĐIỀU HỢP LIÊN CHÂU
615 North Gilbert Road, Irving, TX 75061-6240; Tel. (972) 986-1019
____________________________
 
BẢN LÊN TIẾNG
Về Việc Trung Quốc Xâm Phạm Lãnh Hải Việt Nam Qua Việc Đưa Giàn Khoan Vào Vùng Đặc Quyền Kinh Tế Của Việt Nam
Vào ngày 01 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan gọi là giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cùng với hơn 80 tàu hộ tống gồm nhiều tàu quân sự và máy bay. Trong lúc các tàu cảnh sát biển của Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải và ngăn cản việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép thì tàu cảnh sát Trung Quốc đã dùng vòi rồng xịt nước, dùng tàu đâm vào tàu Việt Nam làm bị thương nhiều người Việt Nam. Trung Quốc còn dùng hàng chục máy bay các thứ quần thảo trên không phận thuộc lãnh hải Việt Nam để uy hiếp cảnh sát biển Việt Nam. Sau cuộc họp báo của chính quyền Việt Nam chiều ngày 07 tháng 5 năm 2014 để tố cáo Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam thì các cơ quan chức năng và truyền thông Trung Quốc tố ngược lại Việt Nam dùng tàu cảnh sát biển đụng vào tàu cảnh sát biển của họ, và đe dọa “dạy cho Việt Nam một bài học.”
Cho đến nay dù dư luận quốc tế chỉ trích Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan vào Biển Đông, gây căng thẳng trong vùng biển đảo đang có tranh chấp, và toàn khối 10 nước ASEAN ra tuyên bố ngày 11 tháng 5 năm 2014 kêu gọi các bên tôn trọng Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển Năm 1982 và Tuyên Bố Về Ứng Xử Của Các Bên Trên Biển Đông Năm 2002 mà Trung Quốc đã ký kết tham gia, Trung Quốc vẫn ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông.
Trước sự kiện nghiêm trọng trên, Văn Phòng Điều Hợp Liên Châu thuộc các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại (GHPGVNTNHN) Tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, GHPGVNTN Âu Châu, GHPGVNTN Hoa Kỳ, và GHPGVNTNHN tại Canada nhận định rằng:
1/ Lịch sử hàng ngàn năm qua cho thấy các chế độ chính trị quân chủ và cộng sản cai trị tại Trung Quốc luôn luôn có tham vọng bá quyền xâm lược đất nước Việt Nam từ thời Nhà Hán trước công nguyên đến thời Cộng Sản Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình ở thế kỷ 20. Nhưng thực tế lịch sử cũng cho thấy rằng dân tộc Việt Nam ở mọi thời đại đều quật cường bất khuất, quyết tâm chống lại các thế lực từ phương Bắc để giữ vững bờ cõi biên cương, duy trì nền độc lập tự chủ về truyền thống văn hóa và lãnh thổ nước nhà.
2/ Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 với hơn 80 tàu hộ tống các loại gồm nhiều tàu quân sự và máy bay vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vào ngày 01 tháng 5 năm 2014 vừa qua là hành động không những vi phạm luật pháp quốc tế và những cam kết với khối ASEAN mà còn là hành động xâm lăng trắng trợn đối với lãnh hải Việt Nam.
3/ Suốt dòng lịch sử hơn hai ngàn năm có mặt tại Việt Nam, Phật Giáo luôn luôn đóng góp xứng đáng sức mình vào công cuộc dựng nước, giữ nước và sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của Quốc Gia Việt Nam. Trong những lúc đất nước bị xâm lăng, đô hộ, người Phật tử Việt Nam sẵn sàng dấn mình vào việc kháng chiến giữ nước, và ngay cả các vị Thiền sư cũng không ngần ngại cởi tăng y, khoác chiến bào xông pha vào chiến trận đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc mà bao đời tiền nhân đã hy sinh gầy dựng.
Từ những nhận định trên, Văn Phòng Điều Hợp Liên Châu của bốn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, Âu Châu, Hoa Kỳ và Canada đồng thanh
 
Lên Tiếng:
 
1/ Cực lực phản đối chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và hơn 80 tàu hộ tống gồm nhiều tàu quân sự và máy bay vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và tất cả các tàu hộ tống ra khỏi hải phận Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc tôn trọng Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển Năm 1982 và Tuyên Bố Về Ứng Xử Của Các Bên Trên Biển Đông Năm 2002 mà Trung Quốc đã ký và cam kết tôn trọng.
2/ Kêu gọi Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) dù hành xử theo phương thức ngoại giao, đối thoại trong tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và hòa bình đối với Trung Quốc, cũng phải tỏ thái độ và lập trường cứng rắn, cương quyết không nhân nhượng đối với chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam; không vì lý do nào mà để mất dù là một tấc đất, một tấc biển do tiền nhân để lại. Trước sự ngoan cố của Trung Quốc không chịu rút giàn khoan Hải Dương 981 và hàng chục tàu hộ tống ra khỏi hải phận Việt Nam, chính quyền Nhà Nước CHXHCNVN cần tiến hành việc kiện Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền Việt Nam trước tòa án của Liên Hiệp Quốc.
3/ Kêu gọi Nhà Nước CHXHCHVN gấp rút thực hiện công cuộc vực dậy sức mạnh đoàn kết của đại khối dân tộc để đủ sức chống lại thế lực xâm lược của Trung Quốc bằng thiện ý và nhiều phương thức cụ thể: nghiêm túc tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân; trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm đang còn bị giam giữ chỉ vì bất đồng chính kiến, hoặc biểu thị lòng yêu nước của họ đối với hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc; không ngăn cản, bắt bớ trái phép hay đánh đập và sát hại người dân; xử trị nghiêm minh và công bằng các đảng viên và công chức tham nhũng từ thượng tầng lãnh đạo đến hạ tầng cơ sở; lắng nghe và chân thành đáp ứng nguyện vọng chung của toàn dân để trở thành một chính quyền dân chủ pháp trị vì dân vì nước thực sự.
4/ Thiết tha kêu gọi đồng bào và Phật tử Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại, dù đang ở quốc gia nào, mang quốc tịch nào, hãy tự đặt mình vào cương vị của người dân nước Việt khi đất nước lâm nguy, quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn của đất Tổ quê Cha; tùy theo khả năng và hoàn cảnh, góp tiếng nói, tài sức và sự đồng tâm của mình cho đại cuộc chống ngoại xâm, giữ gìn giang sơn xã tắc.

Phật Lịch 2558, ngày 11 tháng 5 năm 2014
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Văn Phòng Điều Hợp Liên Châu
Chánh Văn Phòng
Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa
Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hoa Kỳ
Hòa Thượng Thích Như Huệ
Hội Chủ Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi—Tân Tây Lan
Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt
Quyền Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu
Hòa Thượng Thích Bổn Đạt
Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hải Ngoại tại Canada.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.21//5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

Tuesday 20 May 2014

Chúc mừng Phật Đản thứ 2638, PL2558 của HTTT Thích Tâm Châu.
   



World Vietnamese Buddhist Order


 Vien-Quang Monastery

 Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Trên Thế-Giới

 TU VIỆN VIÊN QUANG

 1038-1044 GALWAY LANE, CLOVER, SC 29710 - USA.

 Tel: (803) 222-6629. Email : tuvienvienquang@gmail.com

 _____________________________________________________

CHÚC MỪNG PHẬT-ÐẢN NĂM THỨ 2638

 PHẬT-LỊCH 2558 - GIÁP-NGỌ – 2014 –

của

Trưởng-lão Hòa-Thượng Thích-Tâm-Châu

Thượng-Thủ  Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Trên Thế-Giới



NAM MÔ BỔN-SƯ THÍCH-CA MƯU-NI PHẬT


Kính bạch chư tôn Hòa-Thượng, chư Thượng-Tọa, Ðại-Ðức Tăng Ni.

Kính thưa chư vị nam, nữ Phật-tử.



Mùa trăng tròn tháng Tư âm-lịch năm Giáp-Ngọ (2014), Phật-lịch 2014, kỷ niệm đản-sinh năm thứ 2638 đức Từ-Phụ Thích-Ca Mưu-Ni Phật đã về với đại-gia-đình Phật tử trên thế giới.

Thay mặt Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Trên Thế-Giới, chúng tôi trân-trọng kính chúc chư tôn Hòa-Thượng, chư Thượng-Tọa, chư vị Ni-trưởng, Ni-sư, chư Ðại-Ðức Tăng, Ni nhờ dư-quang của đức Phật, đạo-tâm kiên-cố, giới-đức tăng huy, Phật-sự viên thành, Tăng-già hòa-hợp. Kính chúc chư vị nam, nữ Phật-tử, nương nhờ Phật-pháp, trí-tuệ mở mang, từ bi lan tỏa, gia-đạo thuận-hòa, thân tâm an-lạc. Cầu nguyện, thế-giới ngưng chiến tranh, nguồn thương luôn tỏa rộng, Phật-pháp trường tồn, âm dương lợi lạc.


Kính bạch quý ngài,
Kính thưa quý vị,


Nhìn lại chuỗi đời của đức Phật là cả một chuỗi đời đầy trí-tuệ và chí-khí phấn đấu phi thường đối với nội-tâm và ngoại cảnh. Thời gian trai trẻ, sống trong cung vàng, điện ngọc của Phụ-vương Tịnh-Phạn, đầy đủ tiện-nghi vật-chất và uy quyền vương-tử mà Ngài không bị đắm say, tranh chấp! Thời-gian tìm đạo, Ngài khắc-phục được nhu-cầu đòi hỏi của tâm-thức và kham-nhẫn được sự khắc nghiệt của thiên-nhiên! Thời gian hoằng đạo, Ngài giữ vững được định-khóa thiền-hành, chịu đựng sự thụ-dụng đạm bạc, hướng dẫn đủ loại sắc dân nhập đạo và bình-tĩnh trước mọi sự tranh chấp, phỉ báng, hãm hại! Sự khắc phục nội-tâm và ngoại cảnh của Ngài, kinh sách còn ghi lại sự tán thán, kính ngưỡng bất khả tư nghị của Nhân, Thiên! Hiện đại, Liên-Hiệp-Quốc đã công nhận tư tưởng cứu thế, độ sinh của Ngài. Các nhà trí-thức trên thế-giới Ðông phương và Tây phương cũng hết lời ca ngợi : “Ngài là một tinh-hoa toàn thiện. Ngài là người đã dựng nên một hệ thống tư-tưởng tôn giáo vô cùng cao thâm huyền diệu. Ngài là một trong những bậc vĩ-nhân cao thượng nhất của lịch-sử” (Gautama The Buddha by Sri Radhakrishnan). – “Ngài ban bố cho nhân loại những lời nói phổ thông. Bao nhiêu quan niệm của thế-hệ tân thời đều tương hợp với giáo-lý của Ngài” (Tree Greatest Men in History by H.G.Wells).


Ngày nay, chư Tôn-đức Tăng, Ni, chư nam, nữ Phật-tử cũng như chúng tôi, chúng ta vô cùng diễm phúc được sống trong hào quang của Ngài. Nhưng, chúng ta cũng vô cùng thẹn hổ, chưa tu học và thực hiện được chút gì xứng đáng với những lời giáo-huấn của Ngài. Gặp thời điên loạn, nội tâm chúng ta không khắc-phục được vọng niệm tham, sân, si, mạn, nghi, ác-kiến, ngã-chấp; ngoại cảnh, chúng ta không mở rộng được đức-tính từ bi hỷ xả, lục hòa, tứ nhiếp, lại còn vướng mắc vào những mưu chước xảo-quyệt của đời, để tự chúng ta chia rẽ nhau, bôi xấu Nhân mùa kỷ niệm đản-sinh đức Từ-Phụ, chư Tăng, Ni chúng ta hãy bước theo dấu chân của Ngài, làm theo lời dạy của Ngài. Nội tâm, dù thượng, trung, hạ-tọa, chúng ta cố gắng gột sạch tham, sân, si, mạn, nghi, ác-kiến, ngã-chấp. Ngoại-cảnh, chúng ta hành-xử đúng đạo, sáng suốt sự đời, mở rộng đức từ bi hỷ xả, khoan dung tất cả, bỏ những việc đã qua và hàn gắn lại những gì đã lỡ, để cho sự an bình được hiện hữu lâu dài. Ðối với chư vị nam, nữ Phật-tử từ trước tới nay, vẫn một lòng vì đạo, vì lý tưởng thoát liễu sinh tử, thì ngày kỷ-niệm này là ngày nhớ ơn sự hóa độ của đức Phật, tinh-tấn tu hành và tích-cực trợ giúp Phật-sự của Tăng-già được tốt đẹp. Ðược như vậy, chúng ta tổ chức và tham dự ngày kỷ-niệm này mới có ý nghĩa và tổ chức Phật-giáo Việt-Nam tương lai mới có nhiều hy-vọng huy hoàng.


Riêng cá-nhân chúng tôi, năm nay tuổi đã quá cao, sức khỏe đã quá yếu, không thể đi, lại và gánh vác được những Phật-sự trọng-đại. Vì thể-thống trong đạo, chúng tôi chỉ xin giữ chức “Chứng Minh Phật Sự”. Và, thương cảm nỗi niềm sơ cơ hành đạo, đối với Tăng Ðoàn Phật Giáo Việt-Nam Thống Nhất Hải Ngoại, chúng tôi cũng xin “Chứng Minh Phật Sự” tượng-trưng tinh thần mà thôi.


Ngưỡng nguyện Tam Bảo từ bi, chứng minh gia-hộ Phật-pháp trường tồn, Tăng-đoàn hòa-hợp, tứ chúng tiến tu, âm dương lợi lạc.


NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT


Trưởng-lão Thích-Tâm-Châu


HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.21//5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.