Wednesday 22 January 2014

Tu là bỏ cái giả, nhận ra cái thật .
            

Pháp của Phật dạy là tùy bệnh cho thuốc. Chúng sinh có bệnh nào Phật cho thứ thuốc ấy. Ví dụ người tham ái nhiều, Phật dạy phương thuốc quán bất tịnh

Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội bồ đề, thời gian đầu Ngài chần chờ không muốn truyền bá giáo pháp. Đến khi chư Thiên xuống đảnh lễ, cầu xin Ngài nên vì chúng sinh mà lập bày phương tiện giáo hóa. Lúc trước đọc sử tới đoạn này tôi hơi ngạc nhiên. Vì đức Phật phát thệ nguyện lớn, thị hiện nơi đời để độ chúng sinh, sao bây giờ thành Phật rồi, Ngài không chịu đi truyền bá Chính pháp, đợi năn nỉ mới chịu thuyết pháp.
Về sau nghiên cứu kỹ tôi mới thấy rõ, quả là chỗ đức Phật thấy, đức Phật không thể nói cho người thế gian hiểu. Tại sao? Bởi vì chỗ đó ngược hẳn với cái thấy của người phàm tục, nên làm sao giảng cho họ hiểu được. Vì vậy Phật không muốn nói. Khi chư Thiên nài nỉ Phật dùng phương tiện giáo hóa chúng sinh, từ từ sẽ có người hiểu; Phật xét thấy điều này hợp lý nên kể từ đó mới chuyển bánh xe Đại pháp.
Bài pháp đầu tiên ở vườn Lộc Uyển là bài Tứ đế, nói đủ là Tứ diệu đế. Lâu nay người học Phật xem đây là chân lý đầu tiên, đức Phật trình bày rất đúng, rất thật. Nhưng đó là phương tiện, chớ không phải chỗ cứu kính chân thật. Nếu quý vị có đọc kinh Kim Cang, kinh Viên Giác sẽ thấy Phật dạy rằng: Pháp của Phật như con thuyền hay chiếc bè đưa người qua sông. Khi lên bờ rồi phải bỏ chiếc bè. Kinh Viên Giác nói, ví như người muốn thấy mặt trăng ở đâu? Người bạn thấy được liền lấy tay chỉ bảo “mặt trăng ở đó”. Nương theo ngón tay người kia nhìn thấy mặt trăng. Khi thấy mặt trăng rồi ngón tay là vô nghĩa. Cũng thế, pháp của Phật dạy là phương tiện, giống như ngón tay để chỉ cho chúng ta đi tới chỗ chân thật. Chỗ chân thật ví như mặt trăng, đạt được chỗ chân thật rồi thì phương tiện phải bỏ.
Chúng ta nên biết pháp Phật là phương thuốc trị lành tâm bệnh cho chúng sanh. Bệnh lành thì thuốc phải bỏ. Giả sử bây giờ chúng ta bị sốt rét phải uống thuốc sốt rét. Khi bệnh đã lành hoàn toàn, nếu thấy thuốc hay quá tiếp tục uống nữa thì sao? Bệnh trở lại. Cho nên bệnh lành rồi phải bỏ thuốc.
Pháp của Phật dạy là tùy bệnh cho thuốc. Chúng sinh có bệnh nào Phật cho thứ thuốc ấy. Ví dụ người tham ái nhiều, Phật dạy phương thuốc quán bất tịnh. Thấy thân nhơ nhớp quá sanh gớm nên hết tham ái. Người hiếu danh nhiều Phật dạy quán vô thương, danh vọng được rồi sẽ mất, chớ không bền, nhờ quán như thế nên bớt hiếu danh. Từng phương thuốc trị từng bệnh cho chúng sanh. Nhưng tất cả đều là phương tiện chớ không phải cứu kính. Ban đầu Phật dùng phương tiện dẫn dắt chúng ta từ từ đi tới kết quả là cứu kính. Thế nên muốn đến chỗ cứu kính, trước phải qua phương tiện, nhưng đạt được cứu kính rồi thì phải bỏ phương tiện.
 Ảnh minh họa
Chúng ta ngày nay cứ đem kinh đọc cho Phật nghe hoài, cho đó là tu kỹ. Ngày nào cũng đem kinh ra đọc mà không hiểu được ý Phật dạy. Học kinh để hiểu, hiểu để tu chớ không phải đem đọc cho Phật nghe. Phật tử chẳng những đọc cho Phật nghe, mà còn tính bộ với Ngài nữa. Quả thật là một sai lầm đáng thương!
Ngài Huệ Khả trước tên Thần Quang, tu thiền cũng lâu. Khi nghe Tổ Đạt Ma sang Trung Hoa, ở chùa Thiếu Lâm ngồi xây mặt vào vách núi, mấy năm không nói chuyện với ai. Ngài tìm tới không biết làm sao thưa. Lúc ấy nhằm mùa đông tuyết xuống tới đầu gối, Ngài vẫn đứng thản nhiên từ đầu hôm đến sáng để cầu đạo. Biết được, Tổ xoay lại hỏi - Ông cầu cái gì mà chịu khổ hạnh vậy? Ngài thưa:- Cúi mong Hòa thượng từ bi mở cửa cam lồ, rộng độ chúng con. Tổ bảo: -   Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm được việc khó làm, hay nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay! Huống là dùng chút công lao nhỏ này mà cầu được pháp chân thừa ư? Nghe thế, Ngài liền đi ra phía sau, mượn cây dao chặt một cánh tay dâng lên Tổ để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Tổ Đạt Ma đồng ý và nhận làm đệ tử, đặt tên là Huệ Khả. Huệ là trí tuệ, Khả là khá. Ý Tổ khen ngài Thần Quang có trí tuệ khá lắm nên mới dám hy sinh như vậy.
Khi được nhận làm đệ tử rồi, một hôm Huệ Khả thưa với Tổ Đạt Ma: “Bạch Hòa thượng, tâm con không an, xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm”. Tổ Đạt Ma không trả lời thẳng, mà bảo: “Đem tâm ra ta an cho”. Ngài Huệ Khả xoay lại tìm một hồi, tâm bất an mất tiêu, không thấy nở đâu. Ngài liền thưa: “Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Ngay đó ngài Huệ Khả liền biết đường vào.

Phật tử có ai tập ngồi thiền rồi , mới thấy tâm mình lăng xăng lộn xộn thế nào. Cho nên ngài Huệ Khả xin pháp an tâm là điều hợp lý vô cùng. Chúng ta cũng giống hệt vậy thôi. Nhưng câu trả lời của Tổ dường như hơi ngược ngạo, dạy pháp an tâm mà lại bảo “đem tâm ra ta an cho”. Chính chỗ này ngày xưa tôi cứ ngỡ dường như Tổ đùa chơi vậy. Người ta tha thiết học hỏi, mà Tổ lại như đùa, không ngờ ngài Huệ Khả lãnh hội được. Đó là điều chúng ta thấy khó hiểu. Sau này khi nhập thất tu, đọc lại sử, tôi mới giật mình thấy cái ngu trước. Bởi vì chúng ta bị si mê nên mãi chìm trong sanh tử. Si mê cái gì? Si mê chấp thân này là tâm mình thật. Hai cái si mê này khiến chúng ta cứ tạo nghiệp, đi mãi trong sanh tử.

Hiện giờ quý vị đều thầm đồng ý thân này thật nên mới quý, mới lo đủ thứ cho nó. Ví dụ có hai người đối trước món đồ giả, một người nói thật, một người nói giả. Vậy trong hai người đó, ai ngu ai trí? Giả mà tưởng thật là ngu, còn giả biết giả là trí. Vậy tôi đặt câu hỏi lại, thân này là thật hay giả? Giả. Nếu quý vị chỉ thấy cái giả theo câu hỏi của tôi, thì khi ra khỏi giảng đường này sẽ thấy nó thật hết. Đó là chỗ mê lầm của chúng ta.
Như quý vị đang ngồi nói chuyện chơi với người thân, bất thần người ấy đứt gân máu ngã xuống tắt thờ. Khi còn nói chuyện ta gọi đó là thật, đến lúc tắt thờ mới biết nó giả. Nếu thật thì lúc nào cũng thật, trước sau cũng thật. Mọi người khi còn đi đứng, nói năng đều cho là thật, đến chừng ngã ra chết ai cũng bảo giả hết. Như vậy là sao? Chẳng lẽ nửa thật nửa giả. Thật ra trong giả có thật mà chúng ta không biết, nên lầm cho nó hoặc toàn giả hoặc toàn thật.

Chúng ta thử xét lại xem, hiện giờ mình sống đây, lỗ mũi đang thở. Hít vô là mượn không khí bên ngoài vào. Thở ra là trả không khí ra ngoài. Hít vô thả ra đều đều thì sống. Hít vô mà không trả ra được, trả ra mà không hít vô thì chết. Như vậy thật ở chỗ nào? Nếu thật thì khỏi mượn, đã mượn thì không thật. Một lát mượn tách nước, chút xíu lại trả ra. Đem vô trả ra. Đem vô được mà trả ra không được thì đi cấp cứu. Mượn trả đều đặn thì yên, không đều đặn không yên. Lâu hơn nữa thì mượn chén cơm. Mượn rồi cũng phải trả. Rõ ràng thân này sống bằng sự vay mượn liên tục. Đã vay mượn mà nói thật thì biết trí tuệ chúng ta tới cỡ nào? Chẳng lẽ mình ngu hết sao! Thế mà ra đường ai nói ngu đâu có chịu, trong khi thực sự mình ngu quá chừng? Nói thế để thấy chúng ta đang mê lầm. Từ mê lầm đuổi theo thân, lo cho nó, rốt cuộc rồi cũng mất. Như vậy có đáng thương không?

Đức Phật giác ngộ thấy thân này là giả, do đất, nước, gió, lửa hợp lại thành. Chất cứng là đất, chất ướt là nước, động là gió, ấm là lửa. Bốn thứ này đem vô trả ra. Còn mượn mà không trả ra thì chết. Như vậy ta có thân này, chẳng qua là cuộc sống vay mượn. Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, quý vị thường cho những suy nghĩ phân biệt là tâm mình. Vì thế buồn, thương, giận, ghét… đều là tâm ta. Nói “tôi buồn quá” thì buồn là tôi. Tôi vui, tôi giận, tôi ghét… tất cả là tôi hết. Cả trăm thứ, biết cái nào là tôi thật? Nên không có cái tôi thật. Như ta đang có chuyện buồn, bất thần một người bạn tri kỷ từ xa về, gặp lại nhau mình vui liền. Như vậy buồn không thật, nếu thật khi vui đến buồn đi đâu? Như vậy vui buồn không phải thật mình, chỉ là cái tạm bợ qua mất, mà ta lại chấp nó là tâm mình. Từ chấp đó, ta nghĩ việc này phải làm như thế này mới đúng, làm khác là sai. Nếu ai đề nghị khác mình, hoặc phản đối ý kiến nghĩ của mình, ta sẽ nổi nóng liền. Bởi chấp tâm  suy nghĩ là mình, nên phiền não phát sinh.

Song chúng ta thử hỏi lại, những suy nghĩ của mình có đúng trăm phần trăm không? Nếu ai cũng nghĩ đúng trăm phần trăm thì bây giờ nhà toàn cả chục tầng, chớ không phải một hai tầng. Vì khi nghĩ đúng khi nghĩ trật, nên làm ăn mới thất bại. Cuộc đời này thất bại nhiều, thành công ít, chứng tỏ con người nghĩ sai nhiều, nghĩ đúng ít. Vậy mà ai cũng cố chấp cái nghĩ của mình là đúng, rồi sanh buồn giận, thương ghét đủ thứ hết.

Lại nữa, những khi ta khởi nghĩ thì thấy có nói, nhưng khi không nghĩ nó ở đâu? Tìm không ra. Không có chỗ, không có hình tướng nên biết nó không thật. Lúc ngồi thiều, ý cứ nghĩ lăng xăng hoài, ta bực mình nói tâm bữa nay xao động quá. Như thế cho cái nghĩ lăng xăng xao động ấy là tâm mình. Phật bảo đây là kẻ mê.

Chúng ta hiện giờ đang cố chấp, đang mê trong sự sai lầm, vì vậy tu rất khó. Chấp thân thật nên gặp điều trái ý nổi giận đùng đùng. Do đó khổ cả ngày. Chừng nào thấy được thân không thật, tâm không thật chúng ta sẽ sống thảnh thơi. Mỗi người đều có quyền thấy khác mình, nên ai làm trái ý ta không giận. Hiểu như vậy là giải thoát nhiều rồi.

Phật thường dạy nếu chúng ta có nghĩ điều gì nên nói: “đây là cái nghĩ của tôi”. Đừng nói cái nghĩ của tôi đúng, thêm chữ “đúng” thì có chuyện. Bởi vì hai cái đúng ngược nhau chúng ta vẫn thấy dễ chịu, có khi còn trao đổi ý kiến để rút kinh nghiệm thêm. Sống trên tinh thần ấy thì hay quá. Nên người sáng suốt muốn tìm chân lý phải thấy rõ như vậy. Tâm không thật biết nói không thật, là người trí, người giác rồi. Thế nên biết ngồi yên tĩnh tu không làm gì hết, không phải vô ích, thật ra việc ấy có lợi ích lớn lao vô cùng.

Vì vậy chúng tôi dạy tu thiền, chỉ dẫn quý vị ngồi yên tịnh nhìn lại xem niệm khởi từ đâu. Nó vừa dấy lên, ta biết vọng tưởng hư dối không theo, cứ thế công phu. Mới nghe thấy đơn giản, không có giá trị gì, nhưng thật ra chúng ta đang làm một việc lớn, đó là phá sai lầm muôn đời của mình. Thấy rõ các tư tưởng sanh diệt liên tục, tạm bợ hư dối, không theo nó thì nó phải chịu thua mình. Đó là pháp an tâm của nhà thiền. Nói pháp nhưng thật ra không có pháp gì cả. Thiền tông chủ trương không có một pháp dạy người, chỉ dùng trí mình soi lại để thấy cái thật cái hư nơi mình. Đó là điều thiết yếu.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.23/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
Học Phật phải giữ Giới luật .
            

Học Phật nhất định phải chú trọng đến việc giữ giới. Giữ giới luật là mình luôn luôn tự xem xét lỗi lầm của chính mình, chứ không phải là để ý đến chỗ sai lầm của người khác.

Chúng ta học Phật, học cả thiên vạn kinh điển, Tam Tạng và mười hai bộ Kinh. Nhưng bất luận học bao lâu đi nữa, việc đầu tiên là chúng ta phải khống chế tình cảm mình. Khống chế tình cảm là giữ giới luật. Nếu giữ giới luật thì mình sẽ không khóc.

Bởi người giữ giới luật đối với mỗi sự việc, họ đều làm tất cả điều lành, không làm các điều ác.

Người không giữ giới luật sẽ thường hay khóc. Vì khóc cũng là một điều ác của thân chúng ta, giống như loại vũ khí của bọn thổ phỉ cướp bóc có thể giết người, đó là biểu hiện cho điều không kiết tường đấy.

Nếu trì giới thì quý vị sẽ không dễ khóc. Từ cái khóc hay không khóc, có tình cảm hay không có, nổi giận hay không nổi giận là có thể chứng minh rằng người đó có trì giới luật hay không?

Nếu hiểu giới luật thì đối với tất cả Phật pháp và quý vị đều có thể thâm nhập được. Nếu không hiểu giới luật, quý vị sẽ giống như vầng mây trên hư không, trôi nổi bồng bềnh, không có căn cơ gốc rễ gì hết.

Cho nên là người học Phật, bất luận xem một bộ kinh nào, chúng ta cũng thấy rằng tất cả kinh điển đều dạy người giữ giới luật, chớ đâu có dạy người ta làm điệu bộ giả tạo với tác phong sai lệch quá đáng, hoặc là tranh, hoặc là ngụy biện.

Quý vị thật tình giữ giới luật thì có gì mà ham tranh, có gì mà háo biện luận?
 
Nếu quý vị không chú trọng đến giới luật, đợi đến lúc xuống địa ngục rồi thì thoát ra không khỏi đâu. Quý vị dối được người nhưng không dối được chính mình. Nếu mình thật sự trì giữ giới luật thì thứ nhất là mình sẽ không khóc. Thế tức là thường hay cười phải không? Cũng không phải vậy.

Trước đây tôi đã nói qua rằng: Ngồi ở đâu cũng đừng lay động đầu gối. Đứng ở đâu cũng không rung quần. Khi mừng chớ cười to như phát cuồng. Lúc nổi giận cũng không cao giọng gào thét. Cho nên gọi là: Nghĩ trước nói sau, vui rồi thì cười, phải nghĩa mới lấy, đến đâu cũng đều nghĩ về người khác, chứ không nghĩ cho cá nhân mình.

Cho nên người học Phật, thứ nhất là phải giữ giới luật. Vì sao ai đó có thể không khóc, không cười? Không khóc, không cười tức là có định lực.

Người không có định lực mới khóc, mới cười. Quý vị có được định lực thì mới có trí tuệ. Quý vị không có định lực, tức là quý vị không có giữ giới. Quý vị nói mình có trí tuệ, nhưng lại không dùng được chút nào.

Do đó, chúng ta học Phật nhất định phải chú trọng đến việc giữ giới. Giữ giới luật là mình luôn luôn tự xem xét lỗi lầm của chính mình, chứ không phải là để ý đến chỗ sai lầm của người khác.

Vì chỉ thấy lỗi người mà chẳng chịu sửa đổi tật xấu của mình thì cũng giống như mình giặt quần áo cho người, trong khi quần áo mình vẫn còn dơ bẩn.

Hôm nay tôi nói với quý vị đều là những lời khuyên bảo tận tình, đều là dạy quý vị ly khổ đắc lạc, liễu sinh thoát tử. Nếu quý vị hiểu được tinh thần của lời tôi nói, thì quý vị mỗi người đều có phương pháp rồi. Còn như quý vị không hiểu, tôi cũng không cách gì cứu giúp quý vị cho được.

Dù cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni có đến cũng không cứu nổi quý vị, bởi vì cái tình cảm mê muội của quý vị đấy. Tôi thành thật nói ra những lời này, quý vị cũng nên thật lòng mà nghe, chứ đừng làm tài khôn như bọn quỷ quái linh tinh.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.23/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

Tuesday 21 January 2014

Theo các kinh luận Tịnh Độ tông, một người niệm Phật đạt nhất tâm bất loạn, khi lâm chung thì được Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ra tiếp dẫn sanh về Cực lạc. Điều quan trọng là ngoài các vị trong Tây phương tam thánh mà ai cũng biết là Phật A Di Đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí đến tiếp dẫn, còn có các vị Thánh chúng nhiều đến vô lượng vô biên.
 
Do đó, giờ khắc lâm chung giả như không thấy Phật A Di Đà mà chỉ thấy hai vị Đại Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí cùng Thánh chúng ở Cực lạc đến rước rồi do dự, nghi ngờ không theo thì không chừng sẽ đánh mất cơ hội vãng sanh. Nên nói rằng “khi lâm chung mà chư Phật hay Bồ-tát khác... đến đón thì không nên đi theo” là chưa đặt niềm tin trọn vẹn vào năng lực tiếp dẫn của chư Thánh chúng ở Cực lạc.
Mặt khác, cho rằng “các vị Phật hay Bồ-tát khác... thì ma quỷ đều có thể giả dạng được, riêng Phật A Di Đà thì ma quỷ không giả dạng được” là hoàn toàn không đúng với quan điểm Chánh pháp. Bởi lẽ Phật Thích Ca, Phật A Di Đà cùng chư Phật trong mười phương ba đời đều là những bậc toàn giác, phước trí vẹn toàn và đồng nhất thể, do vậy mọi phân biệt đều không đúng và không nên.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN  ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.22/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

Saturday 18 January 2014

TỪ BẢY BƯỚC CHÂN CỦA ĐỨC PHẬT NGÀY XƯA ĐẾN NHỮNG CON SỐ BẤT CẬP NGÀY NAY

Không là một đề tài nghiên cứu, biện khảo hay phát hiện mới mẽ gì trong kho tàng Tam Tạng giáo điển Phật giáo; lại không phải một ý niệm từ trong việc học và thẩm thấu được giá trị Phật học. Đây chỉ là những cảm nhận nhỏ bé mang tính chất phiếm luận mà trong một thoáng chốc một vài anh em văn nghệ sĩ Phật giáo chúng tôi chợt nhận, nắm bắt, để rồi ghi lại đôi dòng tản mạn trong bài viết này nhân ngày Đản sanh Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật. Vì vậy, những con số Phật học được đưa ra dưới đây không phải là sự tổng hợp đầy đủ, rốt ráo mà chỉ là bất chợt - ngẫu hứng với tâm hồn nghệ sĩ. Tuy nhiên qua đó, hy vọng sẽ gợi mở được ít nhiều về những suy tư, trăn trở trong tình trạng văn hóa, văn nghệ Phật Giáo hiện nay. Và bài viết xin được nói nhiều về lãnh vực Văn nghệ Phật Giáo.
Chuyện được bắt đầu từ bảy bước chân thị hiện đản sanh của Đức Phật Thích Ca. Không là sáu hoặc tám vì bởi Ngài là vị Phật thứ bảy thị hiện ở cõi này và tự nguyện trụ tại Ta-bà, đem giáo pháp chứng ngộ tế độ quần sanh (1). Rồi tiếp theo đó, con số bảy còn thể hiện chung quanh cuộc đời Ngài, đặc biệt ở những mốc quan trọng nhất trong quá trình hành đạo và chứng ngộ. Con số bảy từng được thị chứng trước đó rất xa xưa trong vô lượng tiền kiếp, khi Ngài còn là Bồ Tát Hộ Minh, đã được một tiên nữ dâng cúng bảy đóa sen như trao ước cuộc tương duyên tao ngộ, để hôm nay chính vị tiên nữ ấy lại là nàng công chúa Da Du Đà La. Vì vậy, nước mắt luyến ái, tiễn đưa hôm nay không làm nhòa đi hình ảnh và lời nguyện của nàng tiên nữ ngày trước; để nhân gian thấy được rằng con số bảy là con số có hậu một con số tròn trong Phật học và triết học Đông Phương nói chung (2). Ngay cả thần thức chúng sanh cũng qua bảy ngày luân chuyển một lần và phải đợi đến bảy lần (49 ngày) như thế mới ngã ngũ!
Cũng vậy, nhưng con số bảy của thế gian (xin tạm gọi như vậy) lại sinh lắm điều rắc rối. Cũng con số bảy ấy nhưng vì không “có hậu”, không có duyên khởi nên mới sanh chuyện, dù rằng con người đã chọn ngay với nhiều con số khác làm căn bản ngày tháng năm v.v… Do vậy, dù đã chọn nhưng con người vẫn còn băn khoăn, tạm vừa lòng với nó. Nói theo Giáo sư Trần Quốc Vượng trong buổi hội thảo vể Tết Nguyên Đán được tổ chức tại Hà Nội đầu xuân Nhâm Ngọ vừa qua thì đó là “Tương đối thôi!” và Giáo sư nhấn mạnh “Thời đại chúng ta đang sống là thời đại thuyết tương đối của nhà Bác học lừng danh Albert Einstein (1879 – 1955) …”
Khi chỉ về sự ấn định ngày tháng năm hiện hành nói riêng và các quan niệm ý thức thế gian (hay nhiều con số khác) trong Phật học và triết học Đông phương nói chung, nhưng bao hàm vẫn là sự áp đặt để định vị dựa vào quyền lực nhất tự than nó không nói lên ý nghĩa triết học hay khoa học nào hết mà chỉ là con số bảy vị thần trong tín ngưỡng La Mã, Hy Lạp cổ đại. Điều tưởng chừng như chính xác hay khoa học tiến bộ ngày nay vẫn đang đau đầu đi tìm sự … chính xác. Nếu một số tư tưởng cực đoan cho rằng ngày, tháng, năm, tuần hiện hành là sản phẩm “Chân lý” thì ngay chính sự “Chân lý” đó ngày nay gây nên biết bao điều quấy rối cuộc sống (3). Nếu cho rằng dương lịch hiện hành là khoa học chính xác thì tại sao “Bất hợp lý” vẫn còn sợ con số 29 và 30 của tháng hai (28ngày). Trong khi đó Anh chê Phương Đông (chưa kể các lịch khác của từng khu vực hay của riêng quốc gia và tôn giáo) tính theo tuần trăng thì tại sao âm lịch mỗi tháng chỉ dừng lại nếu thiếu có (29 ngày) vẫn bảo toàn được con số tròn của một tháng. Đặc biệt, âm lịch dù thiếu, nhuần…thì sao ngày trăng tròn mỗi tháng (15 – 16) vẫn chính xác, ít ra thì cũng theo ánh … tròn trăng?
Đó là chưa xét đến giữa con số không (0) và con số một (1) cái nào chính xác! Dẫn dụ: năm 2000 vừa qua người ta gọi là “Năm bản lề” của thiên niên kỷ thứ hai và năm 2001 mới là năm đầu của thiên niên kỷ! Ai đúng? Ai sai? Chưa biết nhưng rõ ràng Phật giáo Việt Nam chọn hai ngày sám hối (29 nếu gọi là thiếu) và ngày bố tát 14 mỗi tháng âm lịch hàng tháng lại (đúng vào ngày trăng tròn) rất chính xác.Do đó, xét trên lý thuyết “Tương đối” thì có một sự bù trừ thỏa đáng; Anh chê âm lịch Phương Đông không đúng và nhuần mỗi hai năm nhưng bù lại âm lịch không có ngày dư 31 và ngày thiếu (30 tháng 2) và xem ra ở Phương Đông - đặc biệt Việt Nam chúng ta, nghiên về âm lịch nhiều hơn vì phần lớn thời vụ nông nghiệp dù năm đó có nhuần hay không người nông dân vẫn chỉ tin tưởng vào âm lịch. Thậm chí nếu dựa vào cáo lễ (tang ma…) thì người Việt Nam chúng ta vẫn có cách tính đúng ngày: trong tang tính ngày - giỗ chạp thì tính tháng. Thí dụ, nếu trong ba năm tang chế, người Việt Nam vẫn tính đủ 12 tháng (365 ngày), nếu người mất vào tháng ba âm lịch nhưng tháng tư sắp đến nhuần thì năm sau sẽ cúng “Tiểu tương” vào tháng hai, đến đại tương (tức mãn tang), sau đó ra giỗ tính tháng, nếu năm đó có nhuần 2 tháng hai thì chọn tháng hai đầu. Âm lịch của nước ta hiện đang sử dụng không phải là của Trung Quốc. Âm lịch nước ta tính theo múi giờ thứ 7 của chính nước ta, còn Trung Quốc tính theo múi giờ Bắc Kinh, thứ 8. Nghị quyết Hội đồng chính phủ nước ta ngày 8/8/1967 chính thức xác nhận có âm lịch riêng tính từ ngày 01/01/1968. Đây là loại lịch có cải tiến theo quy tắc nhuận 7 năm trong 19 năm cho phù hợp với 4 mùa hơn nên nó còn được gọi ghép là âm – dương lịch. Đi sâu vào lịch sử đôi lúc chúng ta càng thú vị hơn khi đọc trong “Đại Nam Liệt Truyện Sơ Tập” bắt gặp nhân vật, tiến sĩ Trương Quốc Dụng (1797 – 1864) thời vua Tự Đức triều Nguyễn - người được xem là ông tổ trong các vị tổ khoa làm lịch Việt Nam – khi trông coi Khâm Thiên Giám, ông tham cứu sách Đại lịch tượng khảo đời Khang Hy nhà Thanh và các sách của Phương Tây. Hồi ấy các giáo sĩ Phương Tây so sánh thấy nhật nguyệt thực của ta làm ra chính xác hơn lịch Trung Quốc. Như vậy, âm lịch của chúng ta được tính trên các cơ sở khoa học tự nhiên, thiết thực phục vụ đời sống nhân dân. Trong khi đó dương lịch Thiên chúa giáo hiện đang được thế giới tạm dùng để tính ngày tháng, chúng được dựa vào xác xuất khoa học tự nhiên thì ít mà rất tùy tiện áp đặt, mang nhiều dấu ấn cảm tính cá nhân thì nhiều và rất lộ liễu. Hệ quả là hơn 2.000 năm qua nhiều cuộc cãi vã, không đồng tình xảy ra liên tục, và có nhiều phương pháp đưa ra nhằm khắc phục những yếu kém đó nhưng do “Khống chế” từ phía cực đoan nên vẫn chỉ là “Ý kiến”.
Như đã nói tháng hai là tháng “Không tốt lành” vì là tháng hành hình các tội nhân theo phong tục La Mã, do đó phải bớt đi một ngày để những tháng khác (dù 31 ngày) vẫn được “Chính xác”. Điều dễ hiểu là bởi lịch ấy do Hoàng Đế La Mã Julius Cealius Ceasar làm ra trước công nguyên 46 năm, nên còn gọi là “Lịch Julius”. Khi Giáo Hoàng Gregorios cải cách năm 1852 nên thành lịch Gregorios. Đây là loại lịch được định vị nhờ quyến lực khống chế nên mới tạm ổn, bởi lẽ cách tính xuân phân (chu kỳ 4 mùa) và 365 ngày: 28 ngày cộng với quy ước 31 ngày (1, 3, 5, 7 v.v…) và các tháng chẳn (2, 4, 6 v.v…) có 30 ngày… còn nhiều bất cập. Chưa hết, trước khi Giáo Hoàng Gregorios 3 “Cải cách” thì đã định hình tháng 7, tháng 8 liền kề nhau mà vẫn phải là 31 ngày! Lý do: do hai vị Hoàng Đế La Mã Julius Ceasar và Auguste (63-145 trước công nguyên) vốn là hai anh em và sanh kề nhau trong hai tháng đó, cho nên nếu “Tháng 7 Anh” (tiếng Anh gọi tháng bảy là July) 31 ngày thì “Tháng 8 Em” (tiếng Anh gọi tháng tám là August) cũng phải 31 cho…đề huề! Điều đáng buồn cười nhất là trước đó tất cả, loại lịch này khởi nguyên lại do nhà thiên văn học Sosigenes 3 ở thành Alexandria (Ai Cập) được Julius Ceasar mời sang “Giúp soạn thảo”! Hoàn toàn không mang một dấu ấn Kito giáo nào cả, và việc chọn dương lịch hiện hành để sử dụng chỉ nhằm mục đích thống nhất ngoại giao, do con người chỉ biết tính đến đó. Vì vậy, ngay cả khi đầu óc nô lệ “Mẫu quốc” và xem cái gì của Phương Tây cũng là “Khoa học” – “Căn bản” – “Văn minh” … chính xác hãy còn rơi rớt lại, chưa làm tỉnh táo những cơn “Run sợ” – “Chóa mắt” với Phương Tây, thì họ sẵn sàng nghiêng về đánh đố. Cũng theo giáo sư Trần Quốc Vượng trong cuộc hội thảo đã nêu trên có kể “Vài ý kiến đề nghị Cụ Hồ nên bỏ hẳn âm lịch.Cụ nói ngắn gọn rằng như thế ta bỏ luôn Tết Nguyên Đán sao?” Cụ Hồ sao mà thâm thúy và sâu xa đến vậy, cho nên cũng theo giáo sư Trần Quốc Vượng: “Ngày nay chúng ta còn được ăn Tết Nguyên Đán - Tết dân tộc là nhờ Bác”, quả thật không sai. Theo chúng tôi, cái bản lĩnh dân tộc, tài ba, lỗi lạc – đúng nhuần con Hồng, cháu Lạc dành nói về Cụ Hồ là hoàn toàn chính xác; chính xác hơn ngày tháng dương lịch con người áp đặt lại tăng bội phần ý nghĩa sâu xa. Trở lên, chúng ta thấy, những con số Phật giáo đưa ra đều có xuất xứ, ý nghĩa của nó. Không bâng quơ, huyễn hoặc, thần thánh hóa và nguy hiểm nhất là áp đặt dựa vào sự câu kết. Nếu có áp đặt câu kết thì không có một trang sử suốt gần 3.000 năm qua - kể từ 7 bước chân đầu tiên của Đức Từ Phụ Thích Ca đặt chân xuống cõi này – luôn trong sang, không một vết tỳ nhơ lịch sử nên chưa hề một lần xin lỗi với chính cái thế giới mà Ngài đã thị hiện để “Cứu độ quần sanh” - một thế giới mà (theo nghiên cứu khoa học) đã hiện hữu có tuổi thọ trên 4 tỷ rưỡi năm, và con người đã xuất hiện cách nay khoảng 1 triệu rưỡi năm.
Thế thì ai sản sinh, tạo nên? Nên triết lý Phương Đông đã trả lời thay thuyết duyên sinh của Phật giáo theo một trình tự logic khoa học mà mãi đến hôm nay có dội ngược ánh sang về Phương Tây – cái nơi mà cách nay chưa tròn thế kỷ vẫn còn mang ngọn cờ khai phong thống trị - rằng: chẳng có ai sinh ra cả! Âm dương (lưỡng nghị) sinh tứ tượng, tứ tượng sinh ngũ hành, ngũ hành sinh vạn vật v.v… Từ nơi đó, chúng ta không khỏi nghĩ đến con số bảy của phương pháp Tumo Yoga, theo đó con số bảy này là thứ tự của hệ thống tinh lực thu tóm toàn năng vũ trụ trong thân thể một con người.(4). Vâng! Một thế gian pháp - thế gian giác. Xin tạm gọi như vậy để thông cảm với những sự “Chính xác” mà tương đối. Từ những con số tương đối đó chọn con số bảy trong lĩnh vực âm nhạc, theo chúng tôi có thể là một nỗ lực vươn tới sự hoàn thiện con số bảy trong Phật học và triết học Đông Phương. Như chúng ta biết, âm nhạc Phương Tây dựa vào thang âm và định chuẩn từ bảy nốt nhạc (đô, rê, mi, fa, sol, la, si). Nó “Tương đối” bởi vì nó vẫn chưa chuẩn xác về thang âm cho nên mới có thăng (#) và giáng (b) nhưng ta ghi nhận và dừng lại ở con số bảy ấy để chấp nhận thêm thăng giáng. Còn âm nhạc Đông Phương nói chung và đặc biệt là nhạc dân tộc Việt Nam ta nói riêng dựa theo âm nhạc NGŨ CUNG (hò, xự, xang, xê, cống, lưu) những nhấn của nó bổ sung làm hoàn thiện thêm cũng như thăng- giáng, trưởng thứ của âm nhạc Phương Tây. Tự thân Ngũ Cung cũng đủ nói lên tính triết lý Phương Đông.
Riêng bảy nốt nhạc thang âm – như đã nói nếu như dựa trên nền tảng tương đối (tạm chấp nhận sự hoàn thiện tương đối) cũng lắm lúc văn nghệ sĩ Phật giáo chúng tôi tự đặt ra câu hỏi: tại sao không là 6 hoặc 8 mà bảy? (như câu hỏi bảy bước đi lúc đản sinh của Đức Phật Thích Ca). Đó không phải là đi tìm sự so sánh hay gán ghép, bởi vì như đã thưa phần trên những con số trong Phật học và thế gian là hai thái cực khác nhau cho nên sẽ khập khiễng nếu cố công; và nếu có hay không thì chính những con số thế gian phải dựa – đi tìm con số trong Phật học, có nghĩa là tính chân lý chuẩn xác đã an vị trong các con số Phật học, còn thế gian phải cộng thêm thăng – giáng hoặc nhấn nhá (tương đối cơ mà!). Cho nên tạm chấp nhận tính tương đối của những con số thế gian là để đồng cảm với những suy tư bay bổng của anh em văn nghệ sĩ – trong đó có con số bảy của âm nhạc Phương Tây (đô, rê…). Anh em cho rằng đó là bảy nốt nhạc của bảy vị Phật đã thị hiện mà ở mỗi vị đều có bảy bài thơ kệ thành đạo (thang âm) tuyệt vời cho thế gian. ất nhiên sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ còn các vị Phật khác nữa ra đời, thị hiện, cứu độ quần sanh (như Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật…), anh em cho đó là những thăng – giáng, trưởng thứ bổ sung cho một sự vươn tới ở ý nghĩa tiếp nối, chứ không ở ý nghĩa hoàn thiện vì tự thân vốn đã hoàn thiện (5). Ngược lại, với nền âm nhạc NGŨ ÂM dân tộc, con số ý nghĩa chúng tôi xin phép hẹn ở một bài viết khác, cũng với cách nhìn và suy tư của giới văn nghệ sĩ Phật giáo. Còn ở đây phần tạm kết bài viết chúng tôi muốn gợi nghĩ đến từ con số tròn – chân lý là bảy bước chân Đức Phật đến bảy vị Cổ Phật. Vì là tròn, cũng có ý nghĩa tròn trong chân lý khiến chúng ta nghĩ đến con số sáu (lục đạo). Bởi vì những con số có tính chất định lý Phật học như: Tam Giới – Tam Bảo - Tứ Diệu Đế - Bát Chánh Đạo – Thập Nhị Nhân Duyên…thì những con số Tứ Hoằng Thệ Nguyện – Ngũ Giới - Thập Trai - Thập Thiện… lại nằm ở ý nghĩa dành cho thế gian (thế gian ác). Vì thế nếu vòng luân hồi chữ số sáu (lục đạo) mà không bảy hoặc tám, có lẽ còn một hoặc vài thế giới nào nữa ma mãnh, trà trộn, giấu mình, thiên không ra thiên, người không ra người, A-tu-la - địa ngục - ngạ quỷ - súc sinh, chẳng ra làm sao và hình như cái thế giới đó nó pha trộn tất cả, làm đảo lộn mọi trình tự vốn dĩ người con Phật đều đã phân biệt được.

Chú thích:
1. Bảy vị Phật (Thất cổ Phật) đó là:
- Đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipasi)
- Đức Phật Thi Khí (Sikhi)
- Đức Phật Tỳ Xá Phù (Visabhu)
- Đức Phật Câu Lưu Tôn (Krakuechanda)
- Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni)
- Đức Phật Ca Diếp (Kasyapa)
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni)
Cần nói thêm, Đức Phật Câu Lưu Tôn chính là hiện thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (thứ 7). Từ đó trở xuống thuộc về thời Hiền Kiếp; trở lên thuộc đời quá khứ. Ý nghĩa đản sanh - bước bảy bước cho “Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc” là ở đó.
2. Ở nền triết lý đông phương con số bảy là một con số tròn theo cách nhìn: chính giữa - ở trên -ở dưới – bên phải – bên trái - trước mặt và sau lưng. Có thể gọi đó là “Không gian bảy chiều” mà ngày nay khoa học vi tính chỉ mới biết mon men đến 3 chiều (âm thanh 3 chiều – hình ảnh 3 chiều v.v…)
3. Ngay cả cách tính 12 tháng của một năm cũng vậy, đó là tháng “Của” 12 vị thần trong tín ngưỡng Hy Lạp – La Mã cổ đại, mà dựa vào đó – tháng 2 là tháng của vị thần hủy diệt – ác thần và tháng đó lại là thời gian tử tội được đem đi hành hình nhiều nhất, nên người ta “Muốn” nó qua nhanh, “Ăn gian” một ngày, còn có 28 (!). Riêng con số 365 là con số lịch. Một năm chính xác ở Á Châu, được tính từ ngày 21.03, giữa mùa xuân cho đến 21.03 là mới chỉ đầu xuân. Năm xuân phân có 365, 2422 ngày. Còn quả đất xoay quanh mặt trời (chứ không phải ngược lại lối nghĩ thiển cận thời La Mã cổ đại) 3600 so với các hành tinh khác là 366, 2422 ngày. Các nhà làm lịch thì không chấp nhận số lẻ nên chọn nguyên số 365 làm số “Tròn” và cho đó là ít sai nhất (0.2422). Sai số còn lại họ tích cóp cho đủ để làm năm nhuần. Từ đó, bước qua cách tính bảy ngày của một tuần. Tuy ở đây đã có bàn tay các nhà thiên văn can thiệp nhưng bóng dáng các vị Thần vẫn còn lảng vãng. Vào thời ấy các nhà thiên văn chỉ mới biết có nguyên tố kim loại là vàng - bạc - đồng – chì – kẻm - sắt và thủy ngân, do đó nó cũng được đưa vào bảy ngày như sau:
- Chủ nhật: ngày củ thần mặt trời-ứng với VÀNG.
- Thứ hai : ngày của thần mặt trăng, vị thần canh giấc ngủ cho mọi người-ứng với BẠC.
- Thứ ba : ngày của vị thần chiến tranh (sao Hỏa) - ứng với SẮT.
- Thứ tư : ngày của vị thần thương mại-ứng với nguyên tố THỦY NGÂN; một dạng kim loại di động-SAO THỦY.
- Thứ năm : ngày của vị thần chúa tể (thần của các vị thần) - ứng với KẺM; tượng trưng cho sức mạnh vô địch. Một kim loại không rỉ sét. Nó còn gọi là thần sấm chớp SAO MỘC.
- Thứ sáu : ngày của nữ thần tình yêu-ứng với ĐỒNG, mềm dẻo, phản xạ, lấp lánh, quyến rủ - SAO KIM. Sao này còn được dung cho ký hiệu của ĐỒNG (dung trong ứng dụng sinh học).
- Thứ bảy : ngày của vị thần gây bao đau khổ cho nhân loại - SAO THỔ. Do đó người ta cho nó ứng với kim loại độc hại là CHÌ.
(Theo các tài liệu KHKT và chương trình thiếu nhi đài TNND TP. HCM ngày 05 tháng 01 năm 2001, lúc 11h30 và phát lại lúc 16h cùng ngày).
4. Yoga xuất hiện khởi nguyên từ Ấn Độ cổ xưa trước khi có kinh Vệ Đà của Bà La Môn giáo. Yoga nghĩa đen là cái ách người nông dân thường khoác lên cổ trâu bò trong công việc đồng áng. Với người Yoga là phương thức làm chủ xác thân và tâm linh, tiến đến giác ngộ và hòa hợp vũ trụ. Tumo Yoga (Hỏa tam muội) là phương pháp được Vivekananda - một đạo sĩ Ấn Độ giáo thuộc đầu thế kỷ 20 nêu bật thêm tính năng vốn tiềm ẩn trong chính mỗi con người. Theo đó, hệ thống năm chứa bảy trung tâm tinh của vũ trụ là:
- Trung tâm thứ nhất nằm dưới cuối xương sống. (nơi đây được cho là chỗ trú của con rắn lửa).
- Trung tâm thứ hai nằm ở cuối bụng dưới.
- Trung tâm thứ ba nằm ở sau rốn.
- Trung tâm thứ tư nằm ở chỗ trái tim.
- Trung tâm thứ năm nằm ở nơi yết hầu.
- Trung tâm thứ sáu nằm ở giữa hai lông mày.
- Trung tâm thứ bảy nằm ở hai đỉnh đầu.
Phương pháp này hiện đã được các nhà nghiên cứu Phương Tây thực nghiệm - đặc biệt trạng thái sinh lý, ở một trình độ cao cấp.
5. Các bài kệ thành đạo của bảy vị Phật (như thứ tự ở phần chú thích 1 trên) như sau:
1. Thân tòng vô tướng trung thụ sinh
Do như huyễn, do chư hình tượng
Huyễn nhân tâm thức bản lai vô
Tội phúc giai không vô sở trụ
2. Khởi chư thiện pháp bản thị huyễn
Tạo chư ác nghiệp diệc thị huyễn
Thân như trụ mạt, tâm như phong
Huyễn xuất vô căn vô thực tính.
3. Giả tá tứ đại vi vi thân
Tâm bản vô sinh nhân cảnh hữu
Tiến cảnh nhược vô tâm diệc vô
Tội phúc như huyễn, khởi diệc diệt.
4. Kiến thân vô thực thị Phật thân
Liễu tâm như huyễn thị Phật huyễn
Liễu đặc thân tâm bản tính không
Tư nhân dữ Phật hà thủ biệt.
5. Phật bất kiến thân tri thị Phật
Nhược thực hữu tri, biệt vô Phật
Tri giả năng tri tội tính không
Thân nhiên bất vô ư sinh tử.
6. Nhất thiết chúng sanh tính thanh tịnh
Tòng bản vô sinh, vô khả diệt
Tức thử thân tâm thị huyễn sinh
Huyễn hóa chi trung vô tội phúc
7. Pháp bản, pháp vô pháp
Vô pháp, pháp, diệc pháp
Kim phó vô pháp thời
Pháp pháp hà đẳng pháp.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

Từ Bi Hỉ Xả Ðối Trị Tam Ðộc .
 
Tâm độc con người là do ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo thành. Ðó là vì người ta không có tâm từ bi hỷ xả. Cho nên con người bị đọa lạc đời nầy sang đời khác và tạo nghiệp ác ngày càng nhiều thêm. Các nghiệp đó tích tập lại từ ít thành nhiều, vì thế độc tố trên thân thể người ta mỗi ngày một thêm sâu đậm. Loại độc nầy không có thuốc chữa trị, rồi lâu dần sẽ biến thành rắn, rết, bò cạp v.v... Những loài động vật nầy: miệng có độc, đuôi có độc, chân có độc, thân cũng có độc. Tóm lại, có các loại độc hại như vậy, hễ nhẹ thì làm người hôn mê, còn nặng sẽ khiến cho người ta mất mạng. Quả thật đáng sợ vô cùng.
Con người nên có lòng từ bi. Ðối với người hay đối với sự việc gì, chúng ta cũng nên chung sống trong cảnh hòa bình và đối đãi với nhau bằng tấm lòng chân thật. Tất cả đều là nghĩ đến người khác, chúng ta không được dùng thủ đoạn cay độc để áp bức người. Người học Phật không được bác bỏ nhân quả, mà phải hết sức chú ý đối với chuyện nhân quả báo ứng! Giả như có người công kích quý vị một cách vô lý, hoặc họ dùng lời lẽ phỉ báng, hoặc dùng hành động hãm hại quý vị, quý vị nên xử lý với họ bằng thái độ điềm tĩnh, không chống đối. Quý vị nên dùng tâm từ bi mà cảm hóa người, gọi là: “Lấy đức báo oán,”  khiến họ hồi tâm chuyển ý, biết ăn năn sám hối. Chúng ta nên học theo tinh thần của Bồ Tát Di Lặc, tức là Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn! Như vậy thì đao thương tự nhiên sẽ biến thành gấm vóc; mưa sẽ tạnh, trời lại trong, sóng cũng yên, gió cũng lặng. Bằng không, nếu mình không có đủ định lực, không có tánh điềm đạm, chuyện nhỏ thì chửi bới, chuyện lớn thì đánh nhau. Kết quả là hai bên đều bị tổn thương, để rồi cũng như con trai, con cò tranh nhau, rốt cuộc ông câu được lợi, và bọn chúng lại trở thành sản phẩm hy sinh.
Lúc xưa có vị Phật Sống của chùa Kim Sơn vì có định lực nên chẳng sợ bất cứ loại độc hại nào. Bởi Ngài dùng lòng đại bi cảm hóa tất cả những loài động vật có độc, cho nên chúng trở thành bạn thân và tuyệt đối không phá hại Ngài. Trong phẩm Phổ Môn có nói: “Phàm hễ ai niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì có thể cảm hóa", khiến loài vật có độc cải ác hướng thiện và sẽ không nhiễu hại con người. Khi nghiên cứu Phật Pháp, chúng ta nên thông suốt các ý nghĩa và hiểu rõ lý lẽ bên trong, có vậy mới được xem là người chân chánh học tập Phật Pháp.
Nhiều người có tư tưởng ham thích những chuyện cao xa, những cái kỳ lạ, diệu huyền. Họ chuyên dụng công vào mấy thứ cảnh giới như thế. Ðó là có tư tưởng sai lầm! Chúng ta nên ở tại nơi Từ, Bi, Hỷ, Xả mà dụng công phu. Vậy dụng công phu như thế nào? Trước hết là chúng ta nên dụng công ở chỗ không tranh, không cầu, không tham, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Ðạo lý nầy tuy nông cạn, nhưng trước tiên chúng ta phải nắm chắc chỗ nông cạn đó, vì từ gần sẽ đến xa và từ cạn mới đến sâu. Chúng ta không nên bàn tán đến những chuyện huyền diệu xâu xa, hay lý luận tràng giang đại hải, để rồi không ai hiểu nỗi, vậy chẳng ích lợi chút nào.
Cho nên nói: “Nên quán tánh pháp giới, tất cả do tâm tạo.” Tâm có thể tạo thiên đường, tâm có thể tạo địa ngục. Mười Pháp Giới không ra ngoài một tâm niệm, do đây chúng ta có thể biết rằng: Tâm niệm nhất động, nghiệp ảnh tùy chi, tức là tâm niệm vừa khởi, bóng nghiệp liền theo. Người xưa có nói:
Ba chấm như chùm sao
Lưỡi câu như trăng khuyết
Mang lông từ đây ra
Thành Phật cũng từ đấy.
Ðó là diễn tả về cách cấu tạo của chữ TÂM , do vậy chúng ta có thể hiểu rõ được tâm tánh của mình. Nếu đã hiểu rõ được tâm mình rồi, thì giận hờn gì cũng không còn nữa. Tất cả những tranh giành, tham lam, tìm cầu, nhất nhất sẽ không có nữa. Lúc bấy giờ chúng ta mới tự tại thật sự, mới giải thoát thật sự, mới hiểu rõ thật sự về ý nghĩa làm người.
Con người vốn sẵn có Phật tánh, mỗi mỗi chúng ta đều có đầy đủ hết. Tuy nhiên, chúng ta lại vứt đi Phật tánh của mình, bỏ cái gần để tìm cái xa và bám níu vào cái bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm những thứ rác rưởi, rồi cho là vật quý giá và xem như bảo bối. Ðó thật là vừa tức cười, lại vừa đáng thương hại thay! Tôi hy vọng mọi người đều biết nhận thức ra điều nầy mà hạ thủ công phu, giữ lòng trong sạch, bớt ham muốn và đừng cạnh tranh với đời.
Có người nói: “Tất cả những gì trên thế giới, từ sơn hà đại địa, phòng xá nhà cửa, cho đến cây gai cỏ độc và đất, cây, cát, đá đều là do tâm tạo thành.” Nếu đã biết tất cả đều do tâm tạo, vậy tại sao chúng ta không quét sạch hết rác rến trong tâm để trang nghiêm cho thế giới ở vị lai? Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà được tạo thành, là do lúc xa xưa Ngài vì muốn cho chúng sanh thoát khổ được vui. Do Ngài đã siêng năng tu Lục Ðộ Vạn Hạnh, và hồi hướng công đức mà tạo ra thế giới Cực Lạc.
Chúng ta cũng nên tạo cho được một thế giới Cực Lạc. Vậy phải tạo như thế nào? Trước hết là chúng ta phải không có thất tình. Thất tình là gì? Ðó là hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục; tức là vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham muốn. Khi chúng ta điều phục được bảy thứ tình cảm đó, thì chúng sẽ không thể nào tạo phản dấy loạn nữa. Lúc bấy giờ tâm chúng ta sẽ thái bình vô sự, chuyện khổ sở gì cũng không còn. Vì sao có khổ sở? Vì tâm không được bình yên. Và nếu không có những chuyện khổ, chỉ toàn thọ hưởng các điều vui, như vậy là thế giới Cực Lạc của nhân gian rồi.
Một khi chưa hàng phục được thất tình, đó có thể vì chúng mạnh mẽ thái quá hay là yếu ớt bất cập, không phù hợp với trung đạo, cho nên chúng ta mới điên điên, đảo đảo. Nếu chúng ta hiểu rõ thất tình và có thể hàng phục được chúng, khiến chúng đừng gây sóng gió, tức là chúng ta đã hàng phục được tâm. Bởi thất tình từ trong tâm sanh ra, cho nên khi trong lòng hoan hỷ hay bực tức, đó đều là vì tâm đang bị xoay chuyển theo cảnh giới. Bây giờ chúng ta đã tìm ra căn gốc, vậy chúng ta sẽ không còn mê hoặc và cũng sẽ làm cho bọn thiên ma ngoại đạo phải hàng phục. Tại sao thiên ma ngoại đạo đến quấy nhiễu tâm mình? Bởi chúng ta đã dùng tâm tình cảm của mình một cách quá độ. Một khi hướng cầu bên ngoài, tâm chúng ta sẽ không an tĩnh. Do đó chúng ta đã dẫn dắt ma mị vào trong tâm mình để làm chủ nhân ông. Nếu chúng ta nghe theo mệnh lệnh và chịu sự chỉ huy của nó, vậy là chúng ta không còn quyền tự chủ và sẽ làm nô lệ cho nó thôi. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
Nhận Giả Mà Không Nhận Thật .
 
Người thế gian nói lời giả dối thì nhiều, nói lời chân thật thì ít. Cũng như có nhiều người nói dối, và ít có người nói thật. Quý vị thử nghiên cứu xem, tại sao lại có tình trạng như vậy? Tại sao người ta học tánh không thật thà? Tại sao ở đâu họ cũng muốn nói dối? Tại sao người ta thích nói láo, mà không thích nói thật? Bởi trên đời nầy, ít người chân thật, lại nhiều kẻ giả dối; kẻ đạo đức giả thì nhiều, người thành thật thì rất ít. Nếu quý vị thuận theo thế thái nhân tình nói lời tốt đẹp thì ai nấy cũng đều ưa thích, còn nếu quý vị nói câu chân thật thì không ai ưa. Tại sao vậy? Bởi người đời thường thích giả dối chứ không thích chân thật. Cho nên gọi là: Nhận giả bất nhận chân. Ðó là tâm lý của một số người, tuy biết rõ là giả dối nhưng họ vẫn tham luyến không chịu buông bỏ.
Cư sĩ Thuần Ðà là người thật thà. Tuy gia cảnh rất nghèo khổ, nhưng ông luôn nói lời chân thật. Ông không giống như ma vương Ba-tuần, chuyên nói lời tốt đẹp và bảo rằng thần chú của mình có thể cứu sống người. Ðó là những lời đường mật, hồ đồ, khiến người nghe toàn thân muốn phát lãnh nổi da gà. Ông Thuần Ðà rất là thành thật. Ông không khoe khoang là mình đã cúng dường thực phẩm với đầy đủ hương sắc vật liệu phong phú như thế nào, hay mùi vị ra sao. Lời nói của ông rất khiêm tốn như: “Nguyện Thế Tôn từ bi, thương nhận cho lần cúng dường cuối cùng của chúng con!” Giống như người Trung Hoa đãi khách, tuy rượu chè và thức ăn đầy bàn, nhưng họ vẫn khiêm tốn nói với khách: “Hôm nay xin đãi sơ sài, chẳng có món chi đặc sắc!”
Nói đến đây, tôi lại nhớ tới một câu chuyện. Ngày xưa có vị phú ông, vì sanh được con trai nên ông bèn mở đại tiệc ăn mừng. Ông mời rất đông khách, thành thử bạn bè cao sang đầy bàn, khách quý đông đảo như mây hội.”  Ông lại thỉnh ba vị Hòa Thượng đến tụng thần chú kiết tường và nói vài lời kiết tường để ca tụng chúc mừng vậy. Có người trong đám khách nói: “Con trai của ông nhất định sẽ được vinh hoa phú quý, sống trường thọ đến trăm tuổi.” Người khác lại nói: “Cháu bé sẽ có phước, có lộc, có thọ và nó sẽ ít bệnh, ít tai, ít họa.” Chủ nhân nghe những lời kiết tường nầy thì mặt mày hớn hở, thích thú không thể tả, bèn dâng rượu mời khách.
Còn về phía ba vị Hòa Thượng, có vị tụng chú kiết tường, có vị nói lời kiết tường, nhưng trong đó lại có vị nói lên lời chân thật rằng: “Trong tương lai con trai của ông nhất định sẽ phải chết.” Chủ nhân vừa nghe liền nổi trận lôi đình. - Không thể nào! Sao Thầy lại trù nó chết hả? Thế là ông đem Hòa Thượng ra đánh cho một trận. Vị Hòa Thượng đã dày công tu nhẫn nhục, thành thử lòng không oán giận. Trái lại, nét mặt ông vẫn hòa nhã mà nói với chủ nhân: “Cư sĩ! Ông đã không nhận ra chân lý, mà lại còn ưa thích nịnh hót. Thật ra, họ có thật biết tương lai con của ông là sẽ được giàu có, hay trường thọ không? Ðó chẳng qua chỉ là những từ ngữ tán thán, khen tặng mà thôi. Nay ta nói tương lai con ông sẽ chết, đó là lời chân thật. Không những chỉ có con ông sẽ chết, mà tất cả con người trên thế giới nầy, ai ai cũng đều phải chết. Có ai là không chết đâu? Tự ông đã không giác ngộ chân lý nầy, mà lại còn đánh ta, ông quả là người quá ngu si!”
Vị chủ nhân sau khi nghe xong, ông cảm thấy có đạo lý và sanh tâm sám hối. Từ đó về sau, ông kính tin Tam Bảo và ủng hộ đạo tràng. Nếu vị Hòa Thượng đó cũng nói những lời tốt lành giống như bao người khác, thì không có cách gì khiến cho phú ông cảm động mà tin nơi Phật, và tin vào đạo lý cho được.
Chúng ta chớ có thích nghe những lời tán tụng, và cũng đừng mãn nguyện say đắm về tự ngã, hay tự khoe khoang, khoác lác về mình. Chúng ta nhất định phải nên khiêm tốn và hòa ái. Ðối với người, ta không kiêu ngạo, không ngã mạn và cần có tinh thần từ bi hỉ xả, phổ độ chúng sanh. Quý vị thử nhìn xem! Tại sao Ấn Ðộ có bốn loại giai cấp? Bởi có hạng người vì lúc xa xưa đã khinh khi kẻ bần cùng, cho nên kiếp nầy họ mới sanh làm người hạ tiện. Ðó chính là tiền nhân hậu quả, thật không sai sót!
Chúng ta nên hiểu rõ về nhân quả, và tin cái đạo lý - nhân nào thời quả đó. Và dù có ở đâu đi nữa chúng ta cũng phải chân thật làm việc, không thể giả dối chút nào. Vì nếu chỉ dối trá một chút thôi, chúng ta cũng phải lãnh chịu quả báo. Cho nên nói: “Nhân địa bất chân, quả chiêu vu khúc,” tức là nhân không ngay thì quả cong quẹo.
Quý vị! Trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa, trồng lúa có lúa, gieo nếp được nếp. Ðạo lý nầy quyết không sai chạy một mảy may. Quý vị mà làm những chuyện điên điên đảo đảo, rốt cuộc cũng là tự mình gạt mình, chứ không gạt được mọi người đâu. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
Tu Ðạo Thì Không Cầu Bên Ngoài.
 
Ai có thể hàng phục được mười tám giới: sáu căn, sáu trần, và sáu thức, khiến chúng đừng tạo phản thì người đó chính là Bồ Tát. Ai có thể dọn sạch tình cảm của mình để không còn lôi thôi nữa thì người đó chính là Bồ Tát. Bồ Tát thì không cười, cũng không khóc. Dù bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, Bồ Tát cũng đều tự tại, không câu thúc, không quái ngại, không phiền không não, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm. Người học Phật nên phải dụng công phu ngay tại chỗ nầy.
Thiền Tông không lấy văn tự làm tông chỉ. Tại vì sao? Vì sợ rằng người sơ học chấp trước vào thể tướng của văn tự, rồi sanh ra pháp chấp. Phàm hễ có ngã chấp, pháp chấp thì đều không thể đạt đến tự tại. Con người vì bị phiền não, vọng tưởng áp bức thân tâm, cho nên phải nổi trôi trong dòng sanh tử, trồi lên hụp xuống trong bể khổ, vĩnh viễn không bao giờ ngưng dứt.
Quý vị nên tỉnh táo để hiểu rằng, đời người vô thường, quỷ vô thường sẽ đến tìm ta bất cứ lúc nào. Ðến lúc bấy giờ thì “Vạn bang đái bất khứ, chỉ hữu nghiệp tùy hình,” tất cả đem không được, chỉ có nghiệp theo mình. Chúng ta nên biết rằng đức Phật Thích Ca cũng phải nhập Niết Bàn, chớ đâu phải là Ngài ở đời vĩnh viễn. Huống chi phàm phu tục tử như chúng ta, lại càng phải đề cao cảnh giác! Thời gian không còn nhiều nữa, chúng ta nên mau mau nỗ lực tinh tấn, học tập Phật Pháp, như thế mới có thể thoát khỏi vòng sanh tử. Nếu như chúng ta không cố gắng dụng công, vậy chờ đến đại kiếp nào mới được thành tựu đây?
Mình nên hiểu được chút nào thì làm chút đó, đừng ham làm những chuyện xa rời thực tế. Chúng ta phải biết rằng: bánh vẽ không thể làm cho đỡ đói. Chúng ta hãy trở về bổn địa để chăm sóc ngôi nhà, kho báu vốn có của mình. Hà tất gì phải tìm kiếm ở bên ngoài? Tất cả đều là ở trong tự tánh. Nếu không phải là mất nó, thì là được nó! Không được không mất tức là tự tại. Không tăng không giảm, không đến không đi, ngay đây chính là nó. Bởi vậy chúng ta không cần phải tìm cầu ở đâu xa. Như Ðại sư Vĩnh Gia đã nói trong Chứng Ðạo Ca:
Tổn pháp tài, diệt công đức
Mạc bất do tư tâm ý thức
Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm
Ðốn nhập vô sanh tri kiến lực.
Nghĩa là:
Tốn pháp tài, dứt công đức
Không gì hơn chỉ vì vọng thức
Do vậy pháp thiền không dùng tâm
Thoắt chứng vô sanh sáng trí huệ.
Khi chúng ta không dùng tâm ý thức, tức là chúng ta đã hòa hợp với đạo thành một. Vậy còn cái gì để mà phiền phức, hãy còn vấn đề gì nữa đây! HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
Học Tập Phật Pháp - Chú Trọng Thực Hành
 
Khi nghiên cứu Phật Pháp, chúng ta nên chú trọng về việc thực hành. Nếu chỉ nói suông mà không thực hành theo, dù ta có nói hay đến nỗi mọc cành, mọc lá, đơm hoa kết trái thì đó cũng vẫn thuộc về hư vọng. Vậy cũng giống như chỉ nói về thức ăn mà không được ăn, như đếm của báu cho người, tự mình chẳng có lợi lộc gì, là tự dối mình và dối người. Chúng ta nên tự hỏi rằng: “Mình nên làm người xuất gia như thế nào? Làm người tại gia ra sao? Là người Phật tử thì nên như thế nào?” Chứ đừng chỉ lo giặt đồ cho người khác, đến nỗi tự bản thân lao nhọc xuất mồ hôi, và quần áo mình vẫn còn dơ bẩn.
Khi nghiên cứu kinh văn, chúng ta nên đem kinh văn hòa hợp vào thân, tâm, tánh mạng của chính mình và tự hỏi: “Ta có thể làm theo Đạo lý nầy không? Ta có thể tu hành bằng cái tâm ngay thẳng và cái tâm chân thật không? Phải chăng, ta chỉ là người buông thả, lãng phí thời gian trong giáo lý nhà Phật? Có phải ta là người đầu cứng như đá, là người hay nói mà chẳng bao giờ chịu làm?” Chúng ta nên hồi quang phản chiếu, xem xét lại bản thân và tự hỏi: “Rốt cuộc rồi mình muốn làm một người Phật tử như thế nào đây?” Làm người Phật tử chân chánh thì sẽ không sợ bất cứ ai nói về lỗi của mình. Khi mình có lỗi mà có ai nêu ra, chúng ta cũng nên chấp nhận. Bất kể rằng người phê phán đó có trí thức nhiều hơn hay kém hơn mình, lớn tuổi hơn hoặc nhỏ tuổi hơn mình, là nam hay nữ, chúng ta nhất nhất đều nên chấp nhận, chứ không nên cãi lý hoặc biện luận cho mình.
Biết mình sai quấy mà không chịu sửa thì đó là lầm lỗi rồi. Cho nên nói: “Có lỗi biết sửa, xem như không, nếu che giấu, tội càng tăng.” Nếu cứ biện hộ để giấu lỗi mình, như vậy chỉ làm tăng thêm nghiệp tội của mình thôi. Khi thấy người phá giới hoặc phạm pháp, các thầy Tỳ Kheo giữ giới có thể đuổi hoặc khiển trách người đó. Nhưng nếu người không có lỗi, mà quý vị cứ nói là người đó phạm lỗi, như thế cũng không đúng đâu. Hoặc ai đó vô tình phạm lỗi, quý vị cũng không nên bươi ra tật xấu của người ta. Quý vị cũng không nên trước mặt thì nói phải, nhưng sau lưng lại nói quấy; hoặc đối diện người thì nói chẳng có vấn đề gì, nhưng sau lưng họ thì tào lao nhiều chuyện. Lại có một số người không tự biết mình, cứ tưởng mình là hay lắm. Họ lại thích trổ tài để tạo danh kiếm lợi, kết bè kết đảng, giao du thân thiết với mọi người. Những hạng người như vậy sẽ không được phép ở trong Phật Giáo. 
Người tu đạo cần phải ngày ngày giữ gìn tâm đạo và tâm thực hành. Nếu lừa người, dối mình thì mình có lỗi với người, mà cũng có lỗi với chính mình và là người tạo nghiệp tội trong Phật giáo. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
Học Giới Luật Như Thế Nào?
Hỏi: Chúng con hy vọng Sư Phụ sẽ chỉ dạy chúng con làm thế nào để Chánh Pháp được trụ thế lâu dài.
Đáp: Nếu quý vị có thể không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ vậy là làm cho Chánh Pháp trụ thế đó.
Hỏi: Chúng con không biết phải học giới luật như thế nào?
Đáp: Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành là giới luật đấy. Tức là:
- Không tranh thì không phạm giới sát. Vì sao phải sát sanh? Bởi vì muốn tranh. Anh tranh tôi đoạt thì sanh ra hành vi giết người, phóng hỏa. Không tranh thì không sát, như vậy là giữ được giới không sát sanh.
- Không tham thì không phạm giới trộm cắp. Tại sao muốn trộm cắp? Thì đều bởi vì tham. Tham muốn vật của người làm của mình. Nếu không tham thì có thể giữ được giới không trộm cắp.
- Không cầu thì không phạm giới dâm. Người nam truy tìm người nữ, đó là cầu; người nữ truy tìm người nam cũng là cầu. Cầu không được thì thần hồn điên đảo, thậm chí trong giấc mộng vẫn còn truy cầu, thân tâm không yên.
- Không ích kỷ tự tư thì không phạm giới vọng ngữ. Tại sao phải vọng ngữ? Bởi vì muốn bảo vệ lợi ích riêng tư của mình, cho nên đi đến đâu thì gạt người và nói dối đến đó. Nếu mình không ích kỷ, dù ở đâu mình cũng có thể nói lời chân thật và không có chút hành vi lừa dối nào.
- Không tự lợi thì không phạm đến giới rượu. Người uống rượu cho rằng uống rượu có thể làm cho máu huyết lưu thông, có lợi cho thân thể, nhất định sẽ được mạnh khoẻ. Như người say cảm thấy nhẹ nhàng lâng lâng như đã thành thần, thành tiên. Đó đều là vọng tưởng của người uống rượu. Họ đang bị sự tự lợi tác quái đấy.
- Không vọng ngữ, trong năm điều kể trên đã bao hàm luôn cả vọng ngữ rồi. Tuy nhiên, vì để mọi người đề cao cảnh giác, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến chỗ xấu xa của vọng ngữ. Bởi vậy tôi mới nhắc nhở thêm mục nầy. 
Nếu như ai nấy đều thật sự không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ, thì xã hội nhất định sẽ được an ninh, gia đình nhất định sẽ được hạnh phúc.
Nếu người người trên thế gian chịu nghiêm chỉnh giữ gìn năm giới, không có những hành vi như: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, và nghiện rượu thì họ sẽ không có phiền não, không có lo nghĩ, ưu sầu. Cho nên nói Lục Đại Tông Chỉ nầy là pháp môn tối diệu, lại cũng có thể nói là:
“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ.
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì.
Nguyện giải tố nhân chân thật nghĩa.”
Tức là Pháp vi diệu rất sâu vô thượng. Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp. Nay con thấy nghe được thọ trì. Nguyện hiểu chân nghĩa cách làm người.

Tôi xin nói thêm một câu nữa, như thân làm Phật tử, mức độ thấp nhất là phải nghiêm giữ năm đại giới cơ bản nầy và thực hành theo một cách triệt để, như vậy chúng ta mới được an lạc và tự tại. Giả như năm giới nầy mà không giữ được, thế thời 250 giới của Tỳ Kheo, 348 giới của Tỳ Kheo Ni lại càng khó giữ hơn. Cho nên tại rừng Ta-la song thọ, lúc Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni sắp nhập Niết Bàn, Ngài đã nói với Tôn giả A Nan rằng: “Lấy giới luật làm thầy.” Do đó, chúng ta biết rằng giới luật thật là trọng yếu biết bao!HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
Thái Độ Người Học Phật.
Đạo Phật là giáo pháp xuất thế, cho nên chúng ta không phê bình tốt xấu về chuyện chánh trị, hay đảng phái nầy nọ, bởi vì Pháp là như vậy, xu hướng của thế giới là như thế. Tất cả vạn sự, vạn vật đều là đang nói Pháp. Chúng ta có thể nói rằng: Tất cả đều là “tiền nhân hậu quả” đó thôi. Từ vô lượng kiếp đến nay, nhân nầy đã được gieo xuống rồi, cho nên phải kết cái quả đó, gọi là: "như thị nhân, nhân thị quả” tức gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy là vậy, và không có một chút gì sai nhầm đâu. Nhưng theo kiến giải của phàm phu thì có cái phân biệt là đúng, hoặc là không đúng. Chúng ta đừng nên để ý đến chuyện “đúng hay không đúng,” vì đó là do con người tự sanh ra sự phân biệt thôi. Do đó, chúng ta nghiên cứu Phật Pháp hoàn toàn là vì muốn nghiên cứu đạo lý của Khổng Tử, Lão Tử và Phật Giáo. Chúng ta không bàn luận về hành động của bất cứ một đảng phái chánh trị nào, bởi vì chúng ta đâu có làm chánh trị. Chúng ta cũng không mượn Phật Pháp để phát ra những cái bất bình của mình.
Học Phật Pháp, trước hết là chúng ta phải bình lặng những cái bất bình của mình. Chúng ta không thiên tả, mà cũng không thiên hữu. Đó là tông chỉ của chúng ta khi giảng Pháp đấy.
Còn nữa, tôi không thích được người bợ đỡ, cũng không muốn ai khen tặng tôi. Tôi rất vui khi người ta phỉ báng tôi, nhưng chán ngán nhất là khi có người tán thán khen tôi trước mặt. Tôi không muốn tự thần thánh hóa mình, tôi vốn như là hư không, không hình, không tướng, không tượng, không đông tây nam bắc, không nhân, không ngã, không chúng sanh, không thọ giả. Thế thời sao lại có cái “ngã”?
Nếu có cái “ngã” tôi sẽ không đến Hoa Kỳ. Tôi đến đây không phải là để đào vàng. Ở San Francisco tuy được gọi là Cựu Kim Sơn, (núi vàng cũ) nhưng ngay cả bột vàng tôi cũng chẳng muốn. Tôi lại không biết nói tiếng Anh, một chữ a, b, c cũng không hiểu. Thế thì tôi đến đây để làm gì? Bởi tôi muốn khai khẩn vùng đất mới ở đây, ngõ hầu đem Phật Giáo truyền bá đến toàn khắp thế giới. Đó là nguyện lực của tôi.
Dù bất cứ ở đâu, tôi không muốn tự đề cao địa vị mình, tôi cũng không muốn được nổi bật. Tôi không cảm thấy rằng mình cao hơn người, giỏi hơn người, có trí tuệ hơn người. Nếu tôi nghĩ như vậy, tức là tự mãn, coi như tôi đã tiêu rồi. Bởi người tự mãn, nhất định sẽ không thành tựu được cái gì. Con người nên giống như “có cũng như không, thật cũng như hư.” Người có đạo đức nhưng giống như người không có đạo đức, có trí tuệ nhưng tợ như người không có trí tuệ, nhất là không nên tự mãn.
Một khi con người tự mãn thời sẽ tự đại, mà tự đại thì trở thành như chữ “xú” tức là hôi thúi (chữ “xú” là tiếng Hán gồm có chữ “tự” và chữ “đại” nghĩa là hôi thúi). Cho nên chúng ta ai nấy đều nên tận lực học Lục Đại Tông Chỉ: Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Chúng ta phải hết sức mình làm theo sáu nguyên tắc nầy. Nếu không thể thực hành Lục Đại Tông Chỉ nầy, dù cho quý vị có tài hoa gì đi nữa, quý vị cũng chẳng có trí huệ chân thật. Thậm chí miệng lưỡi quý vị có lưu loát như nước chảy, biện tài vô ngại, tôi cũng không có hứng thú gì đâu. Tôi là kẻ chỉ biết người thật thà, chứ không biết đến kẻ xảo trá. Về sau, bất luận là người nào cũng đều phải thật thà, đừng nghĩ rằng mình có cái gì nổi bật. Hoặc kể như là quý vị phi thường, nổi bật đi, quý vị cũng đâu cần phải phô trương, lộ bày rằng mình là nhất hạng không ai sánh kịp. Loại người như thế sẽ không thể tồn tại trong Phật Giáo, sớm tối gì cũng bị thất bại thôi. Cho nên tôi thường nói với quý vị, trong Phật Giáo muốn tạo lập công đức, nhất định là phải học tập thái độ của các vị cổ nhân đức lớn xưa nay: không tranh, không cầu, không tham, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ, như thế mới đúng với tư cách của người chân chánh học tập Phật Pháp.
Nếu không, dù quý vị có giảng hay đến mấy đi nữa, cũng không được chút ích lợi nào. Quý vị dối người chỉ có thể dối được một lúc nào đó, chứ không thể dối gạt lâu dài được. Cho nên nói: Đường dài biết sức ngựa, lâu ngày biết lòng người. Tu đạo là tu cái gì? Thì là chú trọng về đức hạnh của chính mình đó. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

Sunday 12 January 2014

Tại sao Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ lối tu khổ hạnh?
            

Thấy rằng khổ hạnh chỉ làm giảm suy trí thức và mệt mỏi tinh thần. Ngài nhận định rằng với tấm thân mòn mỏi không thể hoàn toàn sáng suốt, một sức khoẻ thích nghi rất cần thiết để thành đạt tiến bộ tinh thần, Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu ấy



Hãy cho biết ngày, tháng, năm các ngày: Đản sinh, Xuất gia, Thành đạo, Niết bàn của đức Phật?
            - Đản sinh: Ngày Rằm tháng Tư năm 624 trước TL.
            - Xuất gia: Ngày mồng Tám tháng Hai năm 605 trước TL.
            - Thành đạo: Ngày mồng Tám tháng Mười hai năm 594 trước TL.
            - Niết bàn: Ngày Rằm tháng Hai năm 544 trước TL.
 Cách tính Phật lịch? Cho ví dụ và giải thích.
- Lấy 544 cộng với năm dương lịch hiện tại:
Ví dụ: năm  2006 + 544    =   2550 (Năm 2006 thì PL là 2550)
                        2007 + 544  =   2551 (Năm 2007 thì PL là 2551 )
                        2008 + 544  =   2552 (Năm 2008 thì PL là 2552)
- Phật lịch được bắt đầu tính từ năm Phật nhập Niết bàn tức năm 544 trước TL.


Những vị thầy đầu tiên trên đường tìm đạo của Sa môn Cồ Đàm là ai?
1. Tiên Bạt già: Chuyên tu khổ hạnh để cầu sinh lên trời.
2. A la lam: Tu thiền định chứng được thiền Vô sở hữu xứ thiên.
3. Uất Đầu Lam Phất: Tu thiền định chứng được thiền Phi tưởng Phi phi tưởng xứ thiên (tầng thiền cao nhất thời bấy giờ).
(Bát định: Tám thứ định gồm 4 định cõi sắc và 4 định cõi vô sắc:
1)      Sơ thiền thiên định (Định của cõi trời Sơ thiền).
2)      Nhị thiền thiên định (Định của cõi trời Nhị thiền)
3)      Tam thiền thiên định (Định của cõi trời Tam thiền)
4)      Tứ thiền thiên định (Định của cõi trời  Tứ thiền)
5)      Không vô biên xứ thiên định. (Định của cõi trời Không vô biên xứ)
6)      Thức vô biên xứ định. (Định của cõi trời Thức vô biên xứ)
7)      Vô sở hữu xứ thiên định (Định của cõi trời Vô sở hữu xứ): Lìa Không xứ và Thức xứ nên gọi là Vô sở hữu xứ.
8)      Phi tuởng phi phi tưởng xứ thiên định. (Định của cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ): Thức xứ là hữu tưởng, vô sở hữu xứ là vô tưởng. Đến định này xả hữu tưởng gọi là Phi tưởng, xả vô tưởng gọi là Phi phi tưởng.
Thái tử tu khổ hạnh như thế nào? Trong thời gian bao lâu? Tại sao Ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh?

 - Thái Tử tu khổ hạnh bằng cách ép xác, ăn uống cực kỳ ít. Mỗi ngày chỉ uống chút ít nước rau, đậu đến nỗi toàn thân Ngài chỉ còn là một bộ xương khô. Lông tóc đều rụng hết. Da đầu Ngài như một trái mướp đắng cắt ra đem phơi khô, bàn tọa nhọn như móng con lạc đà…. Ngài tu như vậy trong suốt 6 năm.
 

- Sau 6 năm tự bản thân kinh nghiệm, Ngài  đã nhận thức chắc chắn rằng lối tu khổ hạnh không thể đem lại lợi ích, mặc dầu các triết gia và các tu sĩ thời bấy giờ quả quyết rằng đó là nếp sống tối cần thiết để đạt đến cứu cánh. Thấy rằng khổ hạnh chỉ làm giảm suy trí thức và mệt mỏi tinh thần. Ngài nhận định rằng với tấm thân mòn mỏi không thể hoàn toàn sáng suốt, một sức khoẻ thích nghi rất cần thiết để thành đạt tiến bộ tinh thần, Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu ấy, cũng như trước kia từ bỏ lối sống lợi dưỡng, và chọn con đường “Trung đạo” mà sau sẽ trở thành một trong những đặc điểm của giáo lý Ngài.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.13/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
Phật tử có được thờ ông Địa, Thần Tài?
            

Như Kinh Địa Tạng cũng có nêu ra rất nhiều vị Thần. Tuy nhiên, theo Phật giáo, Quỷ Thần cũng là một trong nhiều loài chúng sinh. Cho nên, Phật dạy người Phật tử không được quy y với các vị Quỷ Thần .




 
Có nhiều Phật tử quy y mà không quan tâm ghi nhớ những lời quý thầy giảng dạy trong khi làm lễ quy y. Khi quy y, quý thầy y theo Kinh có nêu ra và chỉ dạy rất rõ: Trong Tam quy y, quy y đầu tiên là quy y Phật. Quy y Phật, thì người Phật tử nguyện suốt đời chỉ quy y Phật thôi, tuyệt đối, không được quy y Thiên, Thần, Quỷ, Vật. Đó là lời phát nguyện của Phật tử nói trước Tam Bảo.
Thế mà, sau khi quy y rồi, có lẽ, một, là vì lu bu bận rộn lo tính toán với nhiều công việc làm ăn, nên Phật tử đó quên những gì mà mình đã phát nguyện, nay lại thỉnh ông Địa và ông Thần Tài về thờ trong nhà. Hai, là vẫn nhớ, nhưng vì không bỏ được cái tập tục thờ cúng các vị Thần này. Vì muốn thờ các vị Thần này phụ lực với Phật phù hộ thêm cho mình và gia đình luôn được bình an, mua may bán đắt, tiền vô như nước.
Nếu quả thật thờ Thần Tài mà ông hộ độ cho mình được giàu có, tiền vô trong túi ào ào, thì mấy nhà sản xuất ông Thần Tài chắc là họ phải giàu to, trên đời không ai sánh kịp. Thử hỏi mấy ông đó, có thật giàu to không? Và thật sự ông Thần Tài có phù hộ cho mấy ông không? Hay là mấy ông đó cũng phải làm ăn trối chết mới kiếm ra tiền.
Nói thế, để Phật tử thấy rằng, tuy Phật tử đó đã quy y Tam bảo, nhưng lòng tin Tam bảo và tin nhân quả không được vững chắc. Đây cũng là bệnh chung của đa số Phật tử chúng ta chưa có đủ niềm tin nơi Tam bảo và lý nhân quả nên mới có tình trạng thờ ông này ông kia.
Trở lại vấn đề, Phật tử hỏi về nguồn gốc của hai ông này, theo chỗ tìm hiểu của tôi, thì cho đến hôm nay, người ta cũng chưa khẳng quyết rõ ràng về nguyên lai của hai vị Thần này. Đại khái, có nhiều thuyết quan điểm khác nhau. Ở đây, tôi chỉ xin nêu ra một số nét chung về xuất xứ của tập tục thờ tự này. Thật ra, tập tục thờ Thần đối với người Việt Nam cũng đã có từ lâu đời. Có thể nói, từ khi có người Việt là đã có đạo thờ Thần. Cũng như các dân tộc khác, người Việt Nam quan niệm và tin tưởng mỗi một hiện tượng là có một vị Thần ngự trị cai quản. Như Thần Thổ Địa hay còn gọi là Thổ Công là vị Thần cai quản đất đai trong khu vực vườn tược nhà cửa. Trong dân gian có câu: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Ngoài Thổ Công, các vị Thần khác cũng được người ta thờ tại nhà như Thần Tài, Tiên Sư, Tiên Chủ, Đức Thánh Quan v.v…
Thổ Công là một vị Thần được dân gian thờ cúng rất quan trọng. Vì vị Thần này trông coi gia đình, dự định họa phúc. Trong gia đình muốn được bình an, và ruộng vườn muốn được sung túc, tất cả đều do Thần Thổ Công trông coi và phù hộ. Về hình tượng tôn thờ, có khi là một ông già to béo (ông Địa) bụng phệ, vẻ mặt hiền lành, miệng cười thoải mái. Có lúc, tượng Thổ Địa được thể hiện dưới hình thức râu tóc bạc phơ, mặc áo dài, đội mũ mỏ quạ, râu trắng như cước. Sở dĩ có những hình tượng sai khác như thế, là do ảnh hưởng văn hóa của từng khu vực. Đạo giáo rất coi trọng và siêng năng thờ cúng vị Thần nầy.
Còn Thần Tài, theo tập tục dân gian cho rằng, vị Thần này đem lại tài lộc cho mọi người. Thông thường những nhà kinh doanh thương mại, người ta rất quý trọng thờ vị Thần này. Đây là một tập quán tín vọng, xưa bày nay theo, cứ thế mà thờ, còn việc linh ứng có không tùy ở nơi người tin. Về bàn thờ của 2 vị Thần này, người ta chỉ thờ ở một góc khuất nào đó trong nhà hay trong shop, không cần phải bài trí ở chỗ cao ráo. Thường ở Việt Nam, có một số nơi, người ta thờ chung hai vị Thần này, chớ không thờ tách riêng, vì theo họ, tài và lợi phải đi đôi với nhau. Thổ Công thuộc về lợi, Thần Tài thuộc về tài. Khi thờ chung, chúng ta thấy có đôi câu đối dán trước bàn thờ hai ông như thế này: “Thổ năng sinh bạch ngọc, Địa khả xuất hoàng kim”. Nghĩa là : Đất thường sinh ngọc tốt, vàng ròng cũng từ đất mà ra.
Rải rác trong các Kinh điển Phật giáo, đôi khi cũng có đề cập đến các vị Thần. Như Kinh Địa Tạng cũng có nêu ra rất nhiều vị Thần. Tuy nhiên, theo Phật giáo, Quỷ Thần cũng là một trong nhiều loài chúng sinh. Cho nên, Phật dạy người Phật tử không được quy y với các vị Quỷ Thần. Người Phật tử, sau khi quy y Tam Bảo, trong nhà chỉ nên thiết lập một bàn thờ Phật và nếu có thờ thêm, thì cũng chỉ thờ tổ tiên, ông bà, hay cha mẹ mà thôi. Ngoài ra, không nên thờ bất cứ vị Thần nào khác. Vì thờ như thế, là trái với lời Phật Tổ dạy. Đã chống trái lại, tất nhiên, là mình đã có lỗi rồi. Nếu là Phật tử, thì chúng ta nên lưu tâm về vấn đề nầy. Có thế, thì chúng ta mới xứng danh mình là người Phật tử chân chính tu học Phật vậy.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.13/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.