Saturday, 11 January 2014

Bước Đầu Học Phật

  
  1. Biên-Soạn: Thích Tâm Châu

    “Sau khi Ta diệt-độ, phàm hết thảy pháp-tạng của Ta nói ra, các vị cần suy-nghĩ, vâng theo gìn-giữ, siêng làm tinh-tiến, không lâu tự mình sẽ được giải-thoát”.
    KINH ĐẠI BÁT-NIẾT-BÀN

    VÀI LỜI…

    Bắt đầu gặp nhau trong nhà Đạo, người quy-y và người hướng-dẫn biết hỏi và biết tặng món quà pháp-vị gì cho hợp?

    Thực vậy, kinh sách man-mác, giáo-lý cao-siêu, danh-từ khúc-mắc, nghi-thức tụng-niệm quá nhiều – nghiêng nặng về cầu-siêu, cầu-an – không biết xem gì, tụng gì và nhất là nhiều người không có hoàn-cảnh, thỉnh đủ.

    Giải-đáp thực-trạng phân-vân trên, giúp người Phật-tử hiểu qua những điểm chính trong giáo-lý, biết qua sự nghiệp người xưa, công việc hiện nay và biết đặt mình vào sự rèn-luyện thân-tâm trong khuôn-khổ giác-ngộ và xử-thế, tôi biên-soạn cuốn sách nhỏ này.

    Cuốn sách nhỏ này không có kỳ-vọng cao xa, nó chỉ ứng theo nhu-cầu cần-thiết, mong giúp một số vốn tối-thiểu cho người mới vào Đạo muốn tiến trên đường tu-học thực-sự.

    Viết tại Sài-thành mùa Đông năm Mậu-tuất (1958)
    Thích-Tâm-Châu

    PHẦN THỨ NHẤT

    GIÁO-LÝ

    “…Khai-thị chúng-sinh ngộ-nhập Phật-tri-kiến.”




    1.- MỤC-ĐÍCH PHẬT-HỌC và HỌC PHẬT

    PHẬT-HỌC: thông-thường gọi là học-thuyết[1] giáo-lý[2] của Phật. Nghĩa là những lời của bậc giác-ngộ[3], kết-tinh[4] thành giáo-lý, chia thành từng môn, cho người sau tu-học, giác-ngộ.

    Mục-đích[5] của Phật-học là huân-tập[6] cho con người trở thành con người có nhân-cách tương-đối, đầy-đủ ba đức tính: từ-bi, trí-tuệ, dũng-mãnh. Và, tiến lên, hướng-dẫn con người hoàn-thành nhân-cách viên-mãn; nghĩa là rèn-luyện cho con người đầy-đủ phúc-đức, trí-tuệ thành bậc giác-ngộ hoàn-toàn.

    HỌC-PHẬT là nghiên-cứu, học-hỏi, tu-học Phật-pháp (giáo-pháp của Phật).

    Mục-đích của sự học Phật là không cầu tư-lợi, không nghiên-cứu suông; chỉ mong phát trí hiểu biết, diệt-trừ khổ-não, đạt tới chỗ thành Phật và cứu-độ chúng-sinh.

    Người Phật-tử tin-nhận học-thuyết của Phật tinh-tiến tu-học giáo-lý ấy, không nhận lẫm sự vật, tiến-triển đúng đường chân-chính, phát-sinh trí-tuệ, mở lòng rộng lớn, hiện-tại thoát khổ được vui và dần dần thành bậc Đại-giác (Phật).

    2.- TAM-QUY
    (Quy-y 3 ngôi báu)

    Một người được gọi là tín-đồ Phật-giáo hay được gọi là Phật-tử, phải thụ Tam-quy trước đã.

    Tam-quy tức là quy-y Tam-bảo. Nghĩa là, quay về, nương-tựa và sống theo ba ngôi báu là Phật, Pháp và Tăng.

    Phật (Buddha) là đấng giác-ngộ hoàn-toàn.

    Pháp (Dharma) là giáo-lý, phương-pháp diệt khổ được vui.

    Tăng (Samgha) là đoàn-thể hòa-hợp, cầu đạo giác-ngộ của Phật và hành-trì[7] chính-pháp của Phật.

    Người Phật-tử quy-y Tam-bảo là người tránh xa sự tà-vạy, si-mê, nguyện trọn đời quay về và sống theo Tam-bảo, quyết không tin theo đạo-giáo khác.

    3.- TAM-BẢO
    (3 ngôi báu)

    Tam-bảo là ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng.

    Vàng bạc, châu-báu ở đời tuy rằng quý nhưng, còn trong vòng mất, còn, thay đổi. Đối với Phật, Pháp, Tăng hàm-tàng 10 ý-nghĩa cao quý: vững bền, không nhơ, cho vui, khó gặp, phá phiền-não, uy-đức, mãn-nguyện, trang-nghiêm, rất mầu-nhiệm và không chuyển-biến…đem lại cho chúng-sinh phương-pháp thoát khổ, được vui, nên tôn xưng là “Bảo”.

    Tam-bảo phân chia nhiều bậc, nhưng tóm-tắt có thể thành ba bậc như sau:

    1.- Đồng-thể Tam-bảo:[8] Còn gọi là Nhất-thể Tam-bảo, Đồng-tướng Tam-bảo: a) Phật bảo: Phật và chúng-sinh đồng một lý-thể giác-chiếu (bản-thể chân-lý hiểu biết, sáng-suốt hoàn-toàn). b) Pháp-bảo: Phật và chúng-sinh đồng một pháp-tính[9] viên-mãn, thường-trụ và bình-đẳng. c) Tăng-bảo: Phật và chúng-sinh đồng một thể-tính[10] hòa-hợp thanh-tịnh.

    2.- Biệt-thể Tam-bảo:[11] Còn gọi là Chân-thực Tam-bảo[12], Xuất-thế Tam-bảo:[13] a) Phật bảo: Pháp-thân, Báo-thân, Hóa-thân[14] của Phật, chỉ vào các đấng đã giác-ngộ hoàn-toàn như đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni. b) Pháp-bảo: Chính-Pháp của Phật như Tam-học, Tứ-đế, Lục-độ v.v…[15] c) Tăng-bảo: Các vị Thánh-tăng, Bồ-tát tăng…

    3.- Trụ-trì Tam-bảo:[16] a) Phật-bảo: Tranh, tượng Phật. b) Pháp-bảo: Kinh, Luật, Luận: Tam-tạng thánh-giáo của Phật. c) Tăng-bảo: Các vị Tăng-sĩ.

    Nếu ai quy-y Tam-bảo, nhận rõ ý-nghĩa Tam-bảo, như-thực tu-hành, thoát-ly khỏi các nơi khổ-não, được đạt tới cảnh-giới giải-thoát Niết-bàn.[17]

    4.- TAM-TẠNG
    (3 kho giáo-lý)

    Tam-tạng: Ba kho-tàng chứa đựng giáo-lý của Phật là: Kinh, Luật và Luận:

    1.- Kinh: Tiếng Phạm (Ấn-độ) gọi là Tu-đa-la (Sutra). Tàu dịch là Kinh. Kinh gọi đủ là Khế-kinh, có nghĩa là thâu-tóm những giáo-pháp hợp-lý, hợp-cơ của Phật thành một loại, hầu hướng dẫn cho sự tu-học và đem lại lợi-ích chân-thực cho chúng-sinh. Kinh có kinh Đại-thừa và kinh Tiểu-thừa.

    2.- Luật: Tiếng Phạm gọi là Tỳ ni (Vinaya). Tàu dịch là Luật. Là giới-luật của đức Phật chế cấm để dạy cho chúng đệ-tử ngăn-ngừa và diệt-trừ nghiệp ác, hầu tiến trên đường thiện-chính, làm cửa ngõ vào cảnh-giới Niết-bàn.

    3.- Luận: Tiếng Phạm gọi là A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma). Tàu dịch là “đối-pháp, vô-tỷ-pháp…” Đối-quán[18] trí-tuệ thù-thắng[19] của chân-lý là “đối-pháp”. Và, trí-tuệ thù-thắng ấy không có gì sánh kịp nên gọi là “vô-tỷ-pháp”. Theo tiếng Phạm, Luận còn có một tên riêng nữa là “Ưu-bà-đề-xá” (Upadesa), Tàu dịch là ‘Luận” và có nghĩa là hỏi, đáp, bàn-bạc về tính-tướng[20] của mọi pháp, phát-sinh trí-tuệ thù-thắng.

    Tam-tạng có chỗ thêm Bát-nhã-tạng và Đà-la-ni-tạng thành Ngũ-tạng.

    Người Phật-tử nhất tâm duy-trì[21] Tam-tạng làm cơ-sở tu-học: Giới, Định, Tuệ, sẽ đạt tới giác-ngộ và giải-thoát.

    5.- NGŨ-GIỚI
    (5 điều răn)

    Muốn con người được xứng-đáng với ý-nghĩa con người; muốn xã-hội trở thành một xã-hội an-vui, cần thực-hành năm điều răn:

    1.- Không được sát-sinh: Không được giết-hại các sinh-mệnh khác mà nó cùng có sự ham sống sợ chết như mình.

    2.- Không được trộm cắp: Tôn-trọng của người; vật gì không phải của mình không được lấy.

    3.- Không được tà-dâm: Không được ngoại-tình.

    4.- Không được nói dối: Không nói những lời sai sự thực, có hại.

    5.- Không được uống rượu: Không được say-sưa rượu-chè, có hại cho tư-cách, trí-tuệ và gia-nghiệp.

    Ngoài việc đối với tự-thân, xã-hội hiện-tại, năm điều răn còn là cửa ngõ sinh lên Nhân, Thiên và Niết-bàn.

    6.- BÁT QUAN-TRAI
    (8 pháp quan-trai)

    Nghiêm-trì giới-luật và tịnh-tâm tu-niệm là hai món tư-lương tối-yếu trên con đường giải-thoát của người Phật-tử.

    Với lòng từ-bi của Phật, người Phật-tử tại-gia vì bận việc gia-đình, xã-hội, không thể thoát-ly trọn đời để tu niệm được, Ngài chế ra tám pháp quan-trai[22], thực-hành một ngày một đêm cũng được công-đức vô-lượng. Tám pháp ấy là:

    1.- Không sát-sinh.

    2.- Không trộm-cắp.

    3.- Không dâm-dục.

    4.- Không nói dối.

    5.- Không uống rượu.

    6.- Không trang-sức các vật quí-báu và không xoa-bôi đồ thơm vào mình.

    7.- Không ca múa hát xướng, không đi xem, nghe.

    8.- Không nằm giường cao, rộng.

    Và một trai-pháp là không ăn phi-thì, nghĩa là không ăn quá giờ ngọ.

    Việc thụ-trì 8 pháp quan-trai này hoặc phải có giới-sư truyền-thụ hay là tự mình phát-nguyện thụ-trì[23] ngay ở nhà cũng được, nhưng phải làm đúng. Làm đúng, ba nghiệp[24] được thanh-tịnh, do đó thiện-nghiệp phát-triển, gieo sâu hạt-giống vô-lậu[25] giải-thoát trong tâm-điền[26], khỏi sa đường ác và sẽ sinh về nơi An-lạc.[27]

    7.- THẬP-THIỆN
    (10 nghiệp lành)

    Tiến xa, rộng hơn, người Phật-tử nên thụ-trì thập-thiện.

    Thập-thiện là mười nghiệp lành do nơi thân, miệng, ý tạo ra:

    A.- Ba nghiệp nơi thân:

    1.- Không sát-sinh, hay làm việc hộ-sinh.

    2.- Không trộm cắp, hay làm hạnh bố-thí.

    3.- Không dâm-dục, thường giữ hạnh thanh-tịnh.

    B.- Bốn nghiệp nơi miệng:

    4.- Không nói dối, nói chân-thực.

    5.- Không nói thêu-dệt, nói đúng nghĩa.

    6.- Không nói lưỡi đôi chiều, nói hòa-hợp.

    7.- Không nói thô-ác, nói dịu-dàng.

    C.- Ba nghiệp về ý:

    8.- Không tham-lam, quán bất-tịnh,[28] thực-hành thiểu-dục (ít muốn) tri-túc (biết đủ).

    9.- Không sân-hận, quán từ-bi[29], thực-hành nhẫn-nhục.

    10.- Không tà-kiến (si-mê), quán nhân-duyên[30], phát trí hiểu biết.

    Mười nghiệp lành trên đây là cả một chương-trình vĩ-đại đối với mình và người. Nếu thực-hành đúng, kết-quả cũng vĩ-đại.
    HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.11/1/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.


No comments:

Post a Comment