Cuốn 48 .DAI TRI DO LUAN.
GIẢI THÍCH: PHẨM BỔN NIỆM XỨ THỨ 19
(Kinh Ma ha Bát nhã ghi: Phẩm Quảng Thừa) (Kinh Ðại Bát nhã ghi: Phần 2, Phẩm Niệm Trú Ðẳng 17)
KINH: Phật bảo Tu bồ đề: Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát là bốn niệm xứ. Những gì là bốn? Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát nơi trong nội thân quán theo thân, cũng không có giác tướng về thân, vì không thể có được. Nơi trong ngoại thân, nội ngoại thân quán theo thân, cũng không có giác tưởng về thân, vì không thể có được, siêng tinh tấn nhất tâm, trừ sự tham ưu thế gian. Nội thọ, nội tâm, nội pháp; ngoại thọ, ngoại tâm, ngoại pháp; nội ngoại thọ, nội ngoại tâm, nội ngoại pháp, quán theo pháp, cũng không có giác tưởng về pháp, vì không thể có được, siêng tinh tấn nhất tâm, trừ sự tham ưu thế gian.
Tu bồ đề! Thế nào Bồ tát ma ha tát nơi nội thân quán theo thân? Tu bồ đề! Nếu Bồ tát ma ha tát khi đi biết đi, khi đứng biết đứng, khi ngồi biết ngồi, khi nằm biết nằm, đúng như sở hành của thân, biết như vậy. Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát như vậy nơi nội thân quán theo thân, siêng tinh tấn nhất tâm, trừ sự tham ưu thế gian.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát hoặc đến, đi, xem, ngó thường nhất tâm; eo, duỗi, cúi, ngước, mặc y Tăng già lê, cầm giữ y bát, uống ăn, nằm nghỉ, ngồi đứng, ngủ thức, nói năng, im lặng, vào thiền, ra thiền, cũng thường nhất tâm. Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát thực hành Bát nhã ba la mật nơi nội thân quán theo thân, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát khi nơi nội thân quán theo thân, nhất tâm nhớ nghĩ: Khi thở vào biết thở vào, khi thở ra biết thở ra; khi thở vào dài biết thở vào dài, khi thở ra dài biết thở ra dài; khi thở vào ngắn biết thở vào ngắn, khi thở ra ngắn biết thở ra ngắn; ví như thợ thiết hoặc học trò thợ thiết, dây dài biết dài, dây ngắn biết ngắn; Bồ tát ma ha tát cũng như vậy, nhất tâm niệm tưởng: Khi thở vào biết thở vào, khi thở ra biết thở ra; khi thở vào dài, biết thở vào dài, khi thở ra dài biết thở ra dài; khi thở vào ngắn biết thở vào ngắn, khi thở ra ngắn biết thở ra ngắn. Như vậy, Tu bồ đề! Nơi nội thân quán theo thân. Siêng tinh tấn nhất tâm, trừ tham ưu thế gian, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát quán thân tứ đại, nghĩ rằng trong thân có địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại; ví như người giết trâu hoặc học trò người giết trâu, dùng dao giết trâu chia làm bốn phần, chia bốn phần xong, hoặc đứng hoặc ngồi, nhìn xem bốn phần ấy. Bồ tát ma ha tát cũng như vậy, lúc tu Bát nhã ba la mật, quán thân bốn đại, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại. Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát, nơi nội thân quán theo thân, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát quán nội thân từ chân đến đỉnh da mỏng bọc quanh, đủ thứ bất tịnh đầy dẫy trong thân, nghĩ rằng trong thân có tóc, lông, móng, răng, da mỏng, da dầy, gân, máu, xương, tủy, lá lách, thận, tim, gan, phổi, tiểu tràng, đại tràng, dạ dầy, bóng đái, nước tiểu, phân, cấu bẩn, mồ hôi, nước mắt, nước dãi, nhổ, mủ, máu, đàm vàng trắng, mỡ não, ruột, màng mỏng; thí như trong kho của điền phu chứa đầy tạp cốc, đủ thứ lúa, mè, lúa mạch, đậu. Người mắt sáng mở kho liền biết đó là mè, là lúa mạch, lúa nếp, đậu, phân biệt rõ ràng. Bồ tát ma ha tát cũng như vậy, quán thân này từ chân đến đỉnh, da mỏng bọc quanh đủ thứ bất tịnh đầy dẫy trong thân, tóc, lông, móng, răng, cho đến não, màng mỏng. Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát quán nội thân siêng tinh tấn nhất tâm, trừ tham ưu thế gian, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát, nếu thấy thân người chết vứt bỏ, một ngày hai ngày, cho đến năm ngày, phình trướng bầm xanh, nước mủ tươm ra, tự nghĩ thân ta cũng có tướng như vậy, pháp như vậy, ta chưa thoát khỏi pháp đó. Như vậy Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát nơi nội thân quán theo thân siêng tinh tấn nhất tâm, trừ tham ưu thế gian, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát nếu thấy thân người chết bị vứt bỏ hoặc sáu ngày hoặc bảy ngày bị quả, diều, kên kên, lang, sói, chồn, chó, các loài cầm thú như vậy cấu xé dành ăn. Tự nghĩ thân ta cũng có tướng như vậy, pháp như vậy, chưa thoát khỏi pháp đó. Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát nơi nội thân quán theo thân, siêng tinh tấn nhất tâm, trừ tham ưu thế gian vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát, nếu thấy thân người chết bị vứt bỏ, cầm thú dành ăn, bất tịnh rã thúi, tự nghĩ thân ta có tướng như vậy, pháp như vậy, chưa thoát khỏi pháp đó... cho đến trừ tham ưu thế gian.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát nếu thấy thân người chết bị vứt bỏ, vòng khóa xương, máu thịt vấy nhớp, gân xương liền nhau, tự nghĩ thân ta có tướng như vậy, pháp như vậy, chưa thoát khỏi pháp đó, cho đến trừ tham ưu thế gian.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát, nếu thấy thân người chết bị vứt bỏ, vòng khóa xương máu thịt đã rã hết, gân xương liền nhau, tự nghĩ thân ta có tướng như vậy, pháp như vậy chưa thoát khỏi pháp đó, cho đến trừ tham ưu thế gian.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát nếu thấy thân người chết vứt bỏ, vòng khóa xương đã tan rã trên đất, tự nghĩ thân ta có tướng như vậy, pháp như vậy, chưa thoát khỏi pháp đó. Như vậy, Tu bồ đế! Bồ tát ma ha tát quán nội thân, cho đến trừ tham ưu thế gian.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát, nếu thấy thân người chết vứt bỏ, xương rã trên đất, xương chân một nơi; xương hông, xương gân, xương lưng, xương tay, xương đỉnh, đầu lâu mỗi thứ ở mỗi nơi; tự nghĩ thân ta có tướng như vậy, pháp như vậy, chưa thoát khỏi pháp ấy. Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát quán nội thân, cho đến trừ tham ưu thế gian.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát thấy xương người chết vứt bỏ trên đất, lâu năm gió thổi, mặt trời nóng, sắc trắng như vỏ ốc, tự nghĩ thân ta có tướng như vậy, pháp như vậy, chưa thoát khỏi pháp đó. Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát quá nội thân, cho đến trừ tham ưu thế gian, vì không thể có được.
Luận. Hỏi: Trong bốn niệm xứ có nhiều cách quán, cớ sao chỉ nói mười hai lối quán là quán hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc trong ngoài?
Lại nữa, thế nào là trong, thế nào là ngoài; quán trong và ngoài xong, cớ gì còn nói riêng trong ngoài?
Lại nữa, trong bốn niệm xứ, một niệm xứ là trong, nhiếp về pháp trong là tâm; hai niệm xứ là ngoài, nhiếp về pháp ngoài là thọ và pháp; một niệm xứ là trong ngoài nhiếp về pháp trong ngoài là thân, cớ sao nói bốn pháp đều là trong, đều là ngoài, đều là trong ngoài? Sao không chỉ nói quán thân mà nói quán theo thân? Tại sao quán thân mà không sinh giác tưởng về thân, cớ sao nói siêng tinh tấn nhất tâm? Ba mươi bảy đạo phẩm đều nên nói nhất tâm, cớ sao chỉ trong đây nói nhất tâm? Trong đây nếu khi tu hành bốn niệm xứ, hết thảy năm triền cái đều trừ, cớ sao chỉ nói trừ tham? Sự vui mừng của thế gian cũng có thể chướng ngại đạo, cớ sao chỉ nói trừ ưu? Quán thân có các tính vô thường, khổ, không, vô ngã, cớ sao nay chỉ nói quán thân bất tịnh? Nếu chỉ quán bất tịnh, cớ sao còn niệm tưởng bốn oai nghi của thân? Việc ấy dễ biết, đâu đủ để hỏi?
Ðáp: Hành giả từ mười hai lối quán ấy mà được định tâm. Từ trước lại đây ba thứ tà hạnh hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc trong ngoài, phá ba thứ tà hạnh cho nên có ba thứ chánh hạnh. Có người nhiễm đắm nội tình nhiều, nhiễm đắm ngoại tình ít, như người vì bản thân nên có thể bỏ vợ con, thân thuộc bảo vật. Có người nhiễm đắm ngoại tình nhiều, nhiễm trước nội tình ít, như người vì tham của mà tan thân, vì dục mà mất mạng. Có người nhiễm đắm nội ngoại tình nhiều, nên nói ba thứ chánh hạnh.
Lại nữa, tự thân gọi là nội thân, tha thân gọi là ngoại thân. Chín thọ nhập gọi là nội thân, chín chẳng thọ nhập gọi là ngoại thân, năm căn nhãn, nhĩ v.v... gọi là nội thân, năm trần sắc, thanh v.v... gọi là ngoại thân, phân biệt nội ngoại như vậy. Hành giả trước dùng trí tuệ quán nội thân bất tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã, tìm chẳng thấy được thân ấy tướng tốt hoặc tướng tịnh, hoặc tướng thường, hoặc lạc, hoặc ngã, hoặc thật. Nội thân đã không thể có được, lại quán ngoại thân tìm tướng tịnh, thường, ngã, lạc, thật thì cũng không thể có được. Nếu không có được bèn sinh nghi: Khi ta quán nội thời đối với ngoại hoặc lầm, khi quán ngoại đối với nội hoặc lầm, nay nội ngoại cùng quán một lần, cũng có thể có được. Lúc ấy tâm được chánh định, biết thân này bất tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã, như bệnh, như ung, như ghẻ, chín chỗ tươm chảy nhơ nhớp, đó là hầm xí, không lâu bị phá hoại, lìa tan, tận diệt, tướng chết. Thường có các khổ vây quanh như đói khát, lạnh, nóng, roi gậy, trói giam, mắng nhiếc, chê bai, già bệnh v.v... không được tự tại. Bên trong rỗng không, vô chủ, không có kẻ biết, kẻ thấy, kẻ làm, kẻ chịu; các pháp chỉ là không, do nhân duyên hòa hợp nên có, tự sinh tự diệt, không lệ thuộc đâu, giống như cây cỏ, thế nên nội ngoại cùng quán. Các nghĩa nội ngoại khác như đã nói trong chương Mười tám không.
Quán theo thân là tìm theo quán sát biết nó bất tịnh, suy già, bệnh chết, rã hoại hôi hám, xương gân mục nát, tiêu mòn trở về đất, như thân ta đây, da mỏng phủ kín, làm cho người cuồng mê lo sợ muôn mối, vì vậy nên theo dõi thân tướng trong ngoài, quán sát gốc ngọn. Lại, là như Phật nói cách quán theo thân.
Không sinh giác tưởng về thân là không thủ lấy tướng một, khác của thân mà sinh hý luận. Chúng sinh ở nơi thân khởi lên các giác tưởng, có người sinh giác tưởng cho là tịnh, có người sinh giác tưởng cho là bất tịnh, có người sinh sân giác, nhớ tội lỗi người khác. Có người quán thân này, thân là pháp gì? Bên các thân phần là một, là khác, không sinh các giác tưởng như vậy, vì sao? Vì không có lợi ích gì, chỉ làm ngăn ngại Niết bàn.
Lại nữa, kẻ phàm phu, hàng Thanh văn thủ lấy thân tướng mà quán thân, còn Bồ tát chẳng thủ lấy thân tướng mà quán thân.
Siêng tinh tấn nhất tâm là việc đời khéo léo tiện lợi, từ đời vô thỉ lại đây, thường lập thường làm, như ly biệt người thường dễ, ly biệt tri thức thì khó; ly biệt tri thức dễ, ly biệt cha con khó, ly biệt cha con dễ, tự lìa thân mình khó, tự lìa thân mình dễ, lìa tâm mình khó, tự không nhất tâm siêng tinh tấn thời việc ấy không thể làm được; ví như cưa cây lấy lửa, nhất tâm siêng năng không ngừng không nghỉ mới có thể được lửa, thế nên nói nhất tâm siêng tinh tấn.
Trừ tham ưu thế gian là lòng tham trừ thời năm triền cái sạch hết; giống như chẻ tre, mắt đầu đã chẻ thời các mắt khác đều đi suốt.
Lại nữa, hành giả xa lìa năm dục, xuất gia học đạo, đã bỏ cái vui thế gian, chưa được cái vui thiền định, hoặc thời tâm sinh niệm lo ưu, như cá ưa nước, tâm tướng như vậy, thường tìm sự vui, trở lại nhớ điều dục lạc xưa. Hành giả hay sinh hai tâm ấy cho nên Phật nói nên trừ tham ưu. Nói tham tức nói vui mừng thế gian; vì nó tương ưng.
Ban đầu quán bất tịnh là thân người bất tịnh, vì da mỏng che, nên trước sinh tưởng tịnh, sau mới sinh các tưởng điên đảo khác. Vì vậy nên đầu tiên nói quán bất tịnh. Lại nữa, chúng sinh phần nhiều đắm tham dục, thủ lấy tướng tịnh, còn sân nhuế, tà kiến thời không như vậy, nên trước trị tham dục phải quán bất tịnh.
Niệm bốn oai nghi của thân là trước muốn phá giặc thân, người được nhất tâm, mọi việc làm đều được thành tựu, vì vậy nên trước tìm tòi việc của thân làm, sở hành, đến đi, ngử thức, tọa thiền, quán việc thân làm, thường nhất tâm an tường, không lầm không loạn, quán sát bất tịnh như vậy, vì Tam muội về bất tịnh dễ được. Thân tuy an tường mà bên trong có nhiều ác giác quán, làm phá hoại rối loạn tâm kia, vì vậy nên nói niệm hơi thở ra vào mười sáu cách để trừ giác quán. Nghĩa niệm hơi thở ra vào như trước đã nói.
Thân đã an tường, tâm không lầm loạn, vậy sau tu quán bất tịnh mới an ổn bền chắc. Nếu trước tu quán bất tịnh, vì cuồng tâm rối loạn nên bất tịnh trở thành tướng tịnh. Trong Phật pháp, hai pháp này gọi là cửa cam lồ ban đầu.
Quán bất tịnh là Bồ tát ma ha tát quán thân như cây cỏ đá ngói không khác. Bốn đại ngoài thân biến làm đồ uống ăn, chứa đầy trong thân, phần cứng là đất, ướt là nước, nóng là lửa, động là gió. Bốn phần ấy vào bên trong tức là thân; trong bốn phần ấy đều không có ngã, không có ngã sở, đi theo bốn tướng vô thường sinh, già, bệnh, chết, không theo ý người. Khổ, không cũng như vậy, hoặc ngồi hoặc đứng, nằm thời biếng nhác, thân không động tâm cũng không động; đi thời tâm loạn, tâm không tịnh thân cũng không tịnh. Muốn lấy việc mắt thấy ví việc không thấy, nên nói ví dụ: Trâu ví dụ cho thân hành giả, kẻ mổ trâu ví dụ cho hành giả, dao ví dụ cho trí tuệ sắt bén, cướp mạng trâu ví dụ cho phá một tướng thân. Bốn phần ví dụ cho bốn đại. Người mổ trâu quán sát trâu bốn phần, không còn có trâu riêng, cũng chẳng phải là trâu. Hành giả quán thân do bốn đại cũng như vậy. Bốn đại ấy không gọi là thân, vì sao? Vì đại có bốn mà thân chỉ là một. Lại, bốn đại là tổng tướng, thân là biệt tướng; nếu bốn đại ở ngoài thì không gọi là thân, khi vào trong thân, giả gọi là thân. Ngã không ở trong bốn đại, bốn đại không ở trong ngã. Ngã cách bốn đại xa, chỉ vì điên đảo vọng chấp là thân. Dùng trí tuệ phân tán thành không ấy, mà phân biệt bốn đại và tạo sắc, vậy sau vào ba niệm xứ kia, được vào đạo. Lại thân này từ chân đến tóc, từ tóc đến chân, da mỏng bọc quanh; suy nghĩ ngược xuôi không có một chỗ tịnh, tóc lông cho đến não, màng, nói lược thời có 36 thứ bất tịnh, nói rộng thời rất nhiều.
Kho lúa ví dụ cho thân, nông phu ví dụ cho hành giả, ruộng gieo lúa ví dụ cho thân nghiệp nhân duyên của hành giả, gặt lúa vào kho ví dụ cho nhân duyên của hành giả thành thục thọ thân; lúa, mè, lúa tẻ, đậu ví dụ cho các thứ bất tịnh trong thân. Nông phu mở kho liền biết lúa, mè, lúa tẻ. đậu, các thứ khác nhau, cũng như vậy. Ấy là hành giả quán bất tịnh. Lấy mắt tuệ kho thân thấy biết trong thân này đầy dẫy bất tịnh; chắc chắn sẽ tan hoại do vì kẻ khác hại hoặc do tự chết, trong thân này chỉ có phân, nước dãi bất tịnh, các thứ xấu xa hiện lộ.
Ðã quán nội thân bất tịnh, nay quán ngoại thân bại hoại. Thế nên nói hai thứ bất tịnh: Một là đã hoại, hai là không hoại. Nay quán thân mình chưa hoại còn có sự hiểu biết. Nếu người kiết sử mỏng, lợi căn thời sinh tâm nhàm chán, còn người độn căn kiết sử dầy, thấy người chết đã hoại, đáng sợ đáng ghét. Nếu chết một ngày đến năm ngày, bà con còn thủ hộ, khi ấy cầm thú chưa ăn, bầm xanh sình trướng, mủ máu tươm chảy, bụng phình phá vỡ, năm tạng nát hoại, phân nước tiểu hôi thối rất đáng chán ghét. Hành giả nghĩ rằng sắc thân này trước đẹp; đi lại, nói năng đẹp lộng lẫy, dáng dấp thùy mị, mê hoặc lòng người, người dâm đãng ưa đắm. Nay xem chẳng thấy sắc đẹp ở đâu, như Phật từng dạy, thật là pháp huyễn, chỉ dối mắt người vô trí. Sự thật ngày nay lộ hiện, hành giả liền nghĩ thân ta với thân người chết kia không khác, chưa thoát khỏi nó, làm sao tự mình mê đắm và mê đắm người khác? Lại cũng tại sao trọng mình khinh người? Quán được như vậy thời tâm điều phục, có thể cầu đạo, trừ được tham ưu thế gian.
Lại suy nghĩ thây ấy khi mới chết, chim thú trông thấy bảo chẳng phải người chết, không dám đến gần, vì vậy nên nói qua sáu, bảy ngày, thân thích đã đi hết, thì loài chim, kên kên, chồn, dành đến xé ăn. Da thịt đã hết, ngày ngày đổi khác, vì vậy nên nói chỉ có người xưa. Thấy rõ như vậy, càng sinh tâm nhàm chán, nghĩ rằng tim gan, da thịt này thật không có ngã, chỉ do thân này tập hợp nhân duyên tội phước thọ khổ vô lượng. Liền tự nghĩ thân ta không bao lâu sẽ phải như vậy, chưa lìa khỏi điều đó. Hoặc có khi hành gỉả thấy xương người trên đất, nước mưa dội, ngâm nắng phơi gíó thổi, chỉ còn xương trắng; hoặc thấy xương gân lâu ngày đứt ra, đốt xương rã, phân tán mọi nơi, sắc trắng như bồ câu, hoặc mục nát tiêu hoại, đồng màu đất. Lúc đầu quán 36 vật bất tịnh, thây chết sình trướng, một ngày đến năm ngày, ấy là quán bất tịnh. Chim thú đến ăn cho đến đồng mầu đất, ấy là quán vô thường. Trong đó tìm ngã và ngã sở không thể có được, như trước nói do nhân duyên sinh, không tự tại, ấy là quán phi ngã. Quán thân tướng như thế không điều gì đáng vui, nếu đắm trước thời sinh ưu khổ, ấy là quán khổ.
Lấy bốn thánh hạnh quán bất tịnh, vô thường, vô ngã, khổ để quán ngoại thân, tự biết thân mình cũng như vậy, vậy sau quán chung cả trong ngoài. Nếu tâm toán loạn, nên nghĩ đến sự khổ già, bệnh, chết trong ba đường ác, thân mạng vô thường, Phật pháp sắp diệt. Như vậy, đánh tâm làm cho nép xuống, buộc trở lại vào trong quán bất tịnh; ấy gọi là siêng tinh tấn. Nhất tâm siêng tinh tấn nên trừ được tham ưu. Hai giặc tham ưu cướp pháp bảo của ta, hành giả nghĩ rằng thân này vô thường, bất tịnh đáng ghét, như thế cớ sao chúng sinh tham đắm thân này để khởi lên các nhân duyên tội lỗi? Suy nghĩ như vậy biết trong thân này có năm căn, ngoài có năm dục hòa hợp nên sinh cái vui điên đảo của thế gian. Tâm người tìm vui, chưa lúc nào ngưng trụ, hãy quán cái vui ấy là thật hay hư? Thân bền chắc hãy còn tan diệt, huống gì cái vui ấy? Cái vui ấy cũng không có chỗ ở, vị lai chưa có, quá khứ đã diệt, hiện tại không ngưng trụ, niệm niệm biến diệt, chỉ vì ngăn khổ nên gọi là vui, chứ không có cái vui thật. Ví như ăn uống, vì trừ khổ đói khát tạm cho là vui, ăn uống quá độ thời trở lại sinh khổ, như đã nói trong đoạn phá vui. Nên biết cái vui thế gian đều từ nhân duyên khổ sinh ra, nó cũng hay sinh ra quả khổ, gạt người giây lát, về sau khổ vô lượng; ví như đồ ăn ngon lẫn chất độc, tuy ăn ngon thơm, chất độc hại người. Cái vui thế gian cũng như vậy, vì độc phiền não dâm dục v.v... cướp mạng trí huệ nên tâm cuồng mê, bỏ lợi lấy suy thì ai thọ lãnh cái vui ấy? Chỉ có tâm thức. Quán kỹ cái tâm ấy niệm niệm sinh diệt, vì tương tục nên có thể thủ lấy tướng, như sóng nước, như ánh đèn. Tâm thọ khổ chẳng phái tâm thọ lạc, tâm thọ lạc chẳng phải tâm thọ khổ, tâm thọ chẳng khổ chẳng lạc chẳng phải tâm thọ khổ lạc; tướng thời gian khác nhau, vì vậy nên tâm vô thường, không tự tại, không tự tại nên vô ngã. Tưởng, tư, ức niệm v.v... cũng như vậy. Ba niệm xứ kia, tướng trong ngoài như trước đã nói. Thực hành bốn thánh hạnh ấy phá bốn điên đảo: Bất tịnh mà điên đảo chấp tịnh, vô thường mà điên đảo chấp thường, vô ngã mà điên đảo chấp ngã, khổ mà điên đảo chấp vui. Phá bốn điên đảo nên mở cửa thật tướng, khi mở cửa thật tướng rồi thì hổ thẹn thói cũ đã làm; giống như người ban đêm ăn đồ bất tịnh, lúc sau biết quấy nên hổ thẹn việc ấy.
Quán bốn pháp bất tịnh, vô thường v.v... ấy gọi là Khổ đế; các phiền não ái v.v... là nhân của khổ, ấy là Tập đế; phiền não ái v.v... dứt là Diệt đế; các phương tiện dứt phiền não ái v.v... là Ðạo đế. Quán bốn đế như vậy, tin đạo Niết bàn, tâm an trú khoái lạc, tương tợ như vô lậu, ấy gọi là noãn pháp, như người cọ cây lấy lửa, vừa có khí nóng; hy vọng chắc chắn được lửa. Tin pháp ấy rồi, tâm ưa vui pháp ấy của Phật như Phật từng dạy: Như uống nước hay lành bệnh, biết là thầy giỏi; các người uống thuốc lành bệnh là đệ nhất trong loài người, ấy là tin Tăng. Tin Tam bảo như vậy, noãn pháp tăng tiến, tội phước dừng lại bằng nhau, nên gọi là đảnh pháp; như người lên núi đến đỉnh, đường đi hai bên bằng nhau. Từ đỉnh pháp đến nhẫn pháp cho đến A la hán là đường một bên, từ noãn đến đỉnh là đường một bên. Trong pháp Thanh văn quán bốn niệm xứ có được quả báo như vậy. Pháp của Bồ tát ở nơi quán ấy không quên bản nguyện, không bỏ đại bi, trước dùng bất khả đắc không điều phục tâm địa, trú ở trong địa ấy, tuy có phiền não, tâm thường không đọa; như người tuy chưa giết được giặc, mà giam trói một nơi. Ðỉnh pháp của Bồ tát như đã nói ở trong pháp vị trước. Nhẫn pháp,Thế đệ nhất pháp tức là Bồ tát như thuận pháp nhẫn. Tu đà hoàn đạo cho đến A la hán, Bích chi Phật đạo là Bồ tát vô sinh pháp nhẫn. Như ở phẩm sau Phật tự nói: Tu đà hoàn hoặc trí hoặc quả đều là Bồ tát vô sinh pháp nhẫn. Bốn chánh cần, bốn như ý túc tuy mỗi mỗi vị trí khác biệt, đều ở trong bốn niệm xứ. Tuệ nhiều nên gọi là bốn niệm xứ; tinh tấn nhiều nên gọi là bốn chánh cần; định nhiều nên gọi là bốn như ý túc.
Hỏi: Nếu như vậy, cớ sao không nói trí xứ mà nói niệm xứ?
Ðáp: Khi mới tập tu, chưa kịp có trí nên niệm là cửa ban đầu; thường niệm việc ấy, trí tuệ tùy theo niệm ấy nên lấy niệm làm tên. Bốn niệm xứ thật thể là trí tuệ, vì sao? Vì quán nội ngoại thân tức là trí tuệ, niệm giữ trí tuệ ở trong duyên không để cho tán loạn nên gọi là niệm xứ. Trái với 96 thứ tà hạnh cầu đạo nên gọi là bốn chánh cần. Các ngoại đạo bỏ năm dục, tự làm khổ thân, không thể bỏ pháp ác bất thiện, không thể nhóm các pháp lành, còn Phật có hai cách dứt pháp ác bất thiện: Tà ác đã sinh dứt trừ, ác chưa sinh ngăn không cho sinh; đối với pháp lành cũng có hai cách là pháp lành chưa sinh khiến sinh, pháp lành đã sinh khiến tăng trưởng, ấy gọi là chánh cần. Lửa trí tuệ được gíó chánh cần không có gì không bị đốt cháy. Chánh cần nếu quá mức thời tâm tán loạn, lửa trí suy yếu; như lửa được gió, quá mức thời hoặc tắt hoặc yếu, không thể đốt cháy, chiếu sáng, cho nên tu định để chế bớt gió tinh tấn quá mức thời có thể đắc định.
Ðịnh có bốn thứ là dục định, tinh tấn định, tâm định, tư duy định. Chế bớt trí tuệ quá mức trong bốn niệm xứ, khi ấy định tuệ được tinh tấn nên sở dục như ý, sau được việc như ý thành biện nên gọi là như ý túc. Túc là nhân duyên như ý cũng gọi là phần. Mười hai pháp ấy ở nơi người độn căn gọi là căn; như cây có gốc mà chưa có lực, nếu ở nơi người lợi căn thời gọi là lực. Việc ấy rõ ràng có thể chóng được thành tựu công việc; như dao bén cắt cổ đồ vật, nên gọi là lực. Sự chưa thành tựu nên gọi là đạo, sự thành tựu tư duy tu hành nên gọi là giác.Luận bàn về ba mươi bảy đạo phẩm như trước đã nói.
Hỏi: Nếu Bồ tát tu ba mươi bảy đạo phẩm ấy, cớ sao không thủ chứng Niết bàn?
Ðáp: Vì bản nguyện bền chắc, vì tâm đại bi thâm nhập, vì biết rõ ràng thật tướng các pháp, vì mười phương chư Phật hộ niệm, như Kinh nói: Bồ tát đến địa vị thất trụ, ngoài quán các pháp không, trong quán vô ngã, như người trong mộng buộc cây làm thuyền qua sông, giữa dòng thức dậy, nghĩ rằng ta luống tự khổ nhọc, không sông không thuyền, ta vượt qua đâu? Bồ tát bấy giờ cũng như vậy, tâm chán nản ăn năn, ta độ cái gì, diệt cái gì? Muốn tự dứt tâm điên đảo. Bấy giờ mười phương Phật đưa tay xoa đầu nói: Lành thay, Phật tử! Chớ sinh tâm hối hận, hãy nhớ bản nguyện của ông! Ông tuy biết như thế, mà chúng sinh chưa ngộ. Ông hãy đem pháp không ấy giáo hóa chúng sinh. Ðiều ông chứng được mới là một cửa, còn chư Phật vô lượng thân, vô lượng âm thanh, vô lượng pháp môn, Nhất thiết trí tuệ v.v... ông đều chưa được. Ông quán thấy các pháp không, nên đắm trước Niết bàn. Trong các pháp không, không có chỗ diệt nên không có chỗ đắm trước. Nếu thật có diệt thì ông từ trước lại đây đã diệt. Ông chưa đầy đủ sáu Ba la mật, cho đến mười tám pháp, ông nên đầy đủ pháp ấy, ngồi đạo tràng, như phép tắc của chư Phật!
Lại nữa, ba Tam muội, mười một trí, ba căn vô lậu, Tam muội giác quán, mười niệm, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, tám bội xả, định chín thứ lớp, như trước nói.
Lại nữa, Phật mười lực, bốn không sợ, bốn trí ngại, mười tám pháp không chung, như đã nói trong phẩm đầu. Cuối các pháp ấy đều dùng vô sở đắc, vì hòa hợp với Bát nhã ba la mật nên rốt ráo không; gọi là trừ tham ưu thế gian, vì không thể có được vậy.
KINH: Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát thấy xương người chết vứt bỏ trên đất, sắc trắng như chim Bồ câu, mục nát tiêu hoại hợp cùng với đất, tự nghĩ thân ta có nghĩ như vậy, tướng như vậy, chưa thoát khỏi pháp đó. Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát nơi nội thân quán theo thân, siêng tinh tấn nhất tâm, trừ tham ưu thế gian, vì không thể có được. Quán ngoại thân, quán nội ngoại thân cũng như vậy. Thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, pháp niệm xứ, cũng nên nói rộng như vậy. Tu bồ đề! Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát.
Lại nữa, Tu Bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là bốn chánh cần. Những gì là bốn? Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát đối với các pháp ác bất thiện chưa sinh, vì không cho sinh nên muốn siêng tinh tấn nhiếp tâm hành đạo; đối với các pháp ác bất thiện đã sinh, vì dứt trừ nên muốn siêng tinh tấn nhiếp tâm hành đạo; đối với các pháp lành chưa sinh, vì sinh nên muốn siêng tinh tấn nhiếp tâm hành đạo; đối với các pháp lành đã sinh, vì an trụ không mất, tu tập đầy đủ thêm rộng, nên muốn siêng tinh tấn nhiếp tâm hành đạo, vì không thể có được. Tu bồ đề! Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là bốn như ý phần. Những gì là bốn? Dục định đoạn hành thành tựu, tu như ý phần; tâm định đoạn hành thành tựu, tu như ý phần; tinh tấn định đoạn hành thành tựu, tu như ý phần; tư duy định đoạn hành thành tựu, tu như ý phần, vì không thể có được. Tu bồ đề! Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là năm căn. Những gì là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là năm lực. Những gì là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là bảy giác phần. Những gì là bảy? Bồ tát ma ha tát tu niệm giác phần nương lìa, nương vô nhiễm, hướng đến Niết bàn; tu trạch pháp giác phần, tinh tấn giác phần, hỷ giác phần, trừ giác phần, định giác phần, xả giác phần, nương lìa, nương vô nhiễm, hướng đến Niết bàn, vì không thể có đươc. Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là tám Thánh đạo phần. Những gì là tám? Là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là ba Tam muội. Những gì là ba? Không, vô tướng, vô tác Tam muội. Không Tam muội là các pháp tự tướng không, ấy là cửa không giải thoát. Vô tướng là hoại các pháp tướng, không nhớ không nghĩ, ấy là cửa vô tướng giải thoát; vô tác là đối với các pháp không tạo tác, ấy là cửa vô tác giải thoát. Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sinh trí, pháp trí, tỷ trí, thế trí, tha tâm trí, như thật trí. Sao gọi khổ trí? Là biết chỗ không phát sinh, ấy gọi là khổ trí. Sao gọi là tập trí? Là biết tập nên dứt, ấy gọi là tập trí. Sao gọi là diệt trí? Là biết khổ diệt, ấy gọi là diệt trí. Sao gọi là đạo trí? Là biết tám Thánh đạo phần, ấy gọi là đạo trí. Sao gọi là tận trí? Là biết các pháp dâm, nộ, si diệt tận, ấy gọi là tận trí. Sao gọi là vô sinh trí? Là biết không còn sinh vào các cõi, ấy gọi là vô sinh trí. Sao gọi là pháp trí? Là biết bản tướng năm uẩn, ấy gọi là pháp trí. Sao gọi là tỷ trí? Là biết mắt vô thường, cho đến thọ do ý và xúc làm nhân duyên sinh vô thường, ấy gọi là tỷ trí. Sao gọi là thế trí? Là biết danh tự nhân duyên, ấy gọi là thế trí. Sao gọi là tha tâm trí? Là biết tâm của chúng sinh khác, ấy gọi là tha tâm trí. Sao gọi là như thật trí? Là biết nhất thiết chủng trí của chư Phật, ấy gọi là như thật trí. Tu bồ đề! Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là ba căn: Vị tri dục tri căn, tri căn, tri giả căn. Sao gọi là vị tri dục tri căn? Là năm căn tín, tấn, niệm, định, tuệ của các học nhân chưa đắc quả, gọi là vị tri dục tri căn. Sao gọi là tri căn? Là tín căn cho đến tuệ căn của các học nhân đã đắc quả, ấy gọi là tri căn. Sao gọi là tri giả căn? Là tín căn cho đến tuệ căn của các vô học nhân, hoặc A la hán, hoặc Bích chi Phật, chư Phật, ấy gọi là tri giả căn. Tu bồ đề! Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là ba Tam muội. Những gì là ba? Tam muội có giác có quán, Tam muội không giác có quán, Tam muội không giác không quán. Sao gọi là Tam muội có giác có quán? Lìa các dục, lìa pháp ác bất thiện, có giác có quán, lìa dục sinh hỷ lạc, vào Sơ thiền, ấy gọi là Tam muội có giác có quán. Sao gọi là Tam muội không giác có quán? Sơ thiền, Nhị thiền, trung gian thiền, ấy gọi là Tam muội không giác có quán. Sao gọi là Tam muội không giác không quán? Từ Nhị thiền đến phi hữu tưởng phi vô tưởng định, ấy gọi là Tam muội không giác không quán. Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không có thể được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là mười niệm. Những gì là mười? Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm xả, niệm thiên, niệm thiện, niệm hơi thở ra vào, niệm thân, niệm chết. Tu bồ đề! Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, tám bội xả, định chín thứ lớp. Tu bồ đề! Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là mười lực của Phật. Những gì là mười?
Lực một: Phật như thật biết tướng hết thảy pháp là đạo lý hay phi đạo lý.
Lực hai: Phật như thật biết các nghiệp, các lãnh thọ của chúng sinh quá khứ, vị lai, hiện tại, biết chỗ tạo nghiệp, biết nhân duyên, biết căn.
Lực ba: Phật như thật biết các thiền, giải thoát, Tam muội, định, tướng cấu nhiễm, thanh tịnh, phân biệt.
Lực bốn: Phật như thật biết tướng các căn thượng hạ của chúng sinh.
Lực năm: Phật như thật biết các chỗ ham muốn, kiến giải của chúng sinh.
Lực sáu: Phật như thật biết vô số các chủng tánh của thế gian.
Lực bảy: Phật như thật biết đạo đưa đến hết thảy chỗ.
Lực tám: Phật như thật biết các túc mạng, có tướng, có nhân duyên, một đời, hai đời cho đến trăm ngàn đời, kiếp bắt đầu, kiếp chấm dứt, ta sinh ở trongchúng sinh kia, có họ như vậy, tên như vậy, uống ăn , khổ vui; thọ mạng dài ngắn như vậy, chết nơi kia sinh nơi đây, chết nơi đây lại sinh nơi đây; sinh nơi đây có họ tên, ăn uống, khổ vui, thọ mạng dài ngắn cũng như vậy.
Lực chín: Phật có thiên nhãn thanh tịnh quá hơn các mắt chư thiên, thấy chúng sinh khi sinh khi chết, đẹp đẽ, xấu xí, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc đọa ác đạo, hoặc đọa thiện đạo, nghiệp nhân duyên thọ báo như vậy. Các chúng sinh ấy thành tựu ác thân nghiệp, thành tựu ác khẩu nghiệp, thành tựu ác ý nghiệp, hủy báng Thánh nhân; vì nghiệp nhân tiếp thụ các tà kiến, nên khi thân hoại mạng chung, sinh trong địa ngục; các chúng sinh ấy thành tựu thiện thân nghiệp, thành tựu thiện khẩu nghiệp, thành tựu thiện ý nghiệp, không hủy báng thánh nhân, vì nghiệp nhân tiếp thụ chánh kiến, nên khi thân hoại mạng chung, vào thiện đạo, sinh cõi trời.
Lực mười: Phật như thật biết các lậu đã hết nên tâm vô lậu giải thoát, tuệ vô lậu giải thoát, tự chứng tri, nhập vào pháp ấy ngay trong hiện tại biết rằng: Ta sinh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, từ đời nay không còn có đời sau. Tu bồ đề! Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là bốn không sợ. Những gì là bốn?
Vô uý một: Phật nói thành thật rằng: Ta là người Nhất thiết chánh trí, nếu có Sa môn, Bà la môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm thiên, hoặc còn các chúng khác như thật nạn rằng: Pháp ấy Như Lai không biết, thì cho đến Ta cũng không thấy mảy may dấu hiệu sợ hãi. Vì vậy Ta được an ổn, được không sợ hãi, an trú chỗ Thánh chúa, ở giữa đại chúng cất tiếng rống Sư tử, chuyển Phạm luân mà các Sa môn, Bà la môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm thiên, hoặc các chúng khác thật không thể chuyển được.
Vô uý hai: Phật nói lời thành thật rằng: Ta đã dứt sạch hết thảy lậu hoặc, nếu có Sa môn, Bà la môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm thiên, hoặc các chúng khác, như thật nạn rằng: Lậu hoặc ấy Như Lai không sạch hết, thời cho đến Ta chẳng thấy mảy may dấu hiệu sợ hãi; vì vậy Ta được an ổn, được không sợ hãi, an trú chỗ Thánh chúa, ở giữa đại chúng cất tiếng rống Sư tử, chuyển Phạm luân mà các sa môn, Bà la môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm thiên hoặc các chúng khác không thể chuyển được.
Vô uý ba: Phật nói lời thành thật rằng: Ta nói pháp chướng đạo, nếu có Sa môn, Bà la môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm thiên, hoặc còn có các chúng khác như thật nạn rằng: Lãnh thọ pháp ấy không chướng đạo, thì cho đến Ta không thấy mảy may dấu hiệu sợ hãi. Vì vậy Ta được an ổn, được không sợ hãi, an trú chỗ Thánh chúa, ở giữa đại chúng cất tiếng rống Sư tử, chuyển Phạm luân mà các Sa môn, Bà la môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm thiên, hoặc các chúng khác thật không thể chuyển được.
Vô uý bốn: Phật nói lời thành thật rằng: Thánh đạo Ta nói, có thể đưa ra khỏi thế gian, thực hành theo đó sẽ được hết khổ. Nếu có Sa môn, Bà la môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm thiên, hoặc có các chúng khác như thật nạn rằng: Ðạo ấy không thể đưa ra khỏi thế gian, không thể hết khổ, thì cho đến Ta không thấy có mảy may dấu hiệu sợ hãi; vì vậy nên ta được an ổn, được không sợ hãi, an trú chỗ Thánh chúa, ở giữa đại chúng cất tiếng rống Sư tử, chuyển Phạm luân mà các Sa môn, Bà la môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm thiên, hoặc các chúng khác thật không thể chuyển được. Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là bốn trí vô ngại. Những gì là bốn? Nghĩa vô ngại, pháp vô ngại, từ vô ngại, lạc thuyết vô ngại. Tu bồ đề! Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là mười tám pháp không chung. Những gì là mười tám? 1. Thân chư Phật không lỗi. 2. Miệng không lỗi. 3. Niệm không lỗi. 4. Không có dị tướng. 5 . Không có tâm bất định. 6. Không có tâm không biết đã bỏ. 7. Dục không giảm. 8. Tinh tấn không giảm. 9. Niệm không giảm. 10. Tuệ không giảm. 11. Giải thoát không giảm. 12. Giải thoát tri kiến không giảm. 13. Hết thảy thân nghiệp hành theo trí tuệ. 14. Hết thảy khẩu nghiệp hành theo trí tuệ. 15. Hết thảy ý nghiệp hành theo trí tuệ. 16. Trí tuệ biết thấy đời quá khứ không chướng ngại. 17. Trí tuệ biết đời vị lai không chướng ngại. 18. Trí tuệ biết thấy đời hiện tại không chướng ngại. Tu bồ đề! Ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được (Một đoạn dài gồm 1308 chữ ở trên đến đây ngưng).
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là tự đẳng, ngữ đẳng, các chữ nhập môn. Những gì là tự đẳng, ngữ đẳng, các chữ nhập môn? Môn chữ A, vì hết thảy pháp ban đầu chẳng sinh; môn chữ Ra, vì hết thảy pháp lìa cấu uế; môn chữ Ba, vì hết thảy pháp đệ nhất nghĩa; môn chữ Già, vì hết thảy pháp trọn không thể có được, hết thảy pháp không cuối hết không mới sinh; môn chữ Na, vì các pháp lìa danh, tánh tướng chẳng được chẳng mất; môn chữ La, vì các pháp vượt thế gian, cũng là nhân của thọ chi (trong 12 chi nhân duyên) diệt; môn chữ Ðà, vì các pháp thiện tâm sinh, cũng là tướng bố thí; môn chữ Bà, vì các pháp chữ Bà lìa; môn chữ Ðồ, vì các pháp chữ Ðồ thanh tịnh; môn chữ Sa, vì các pháp vương, tánh sáu tự tại thanh tịnh; môn chữ Hòa, vì đường ngữ ngôn vào các pháp dứt, môn chữ Ða, vì vào các pháp như như bất động; môn chữ Dạ, vì vào các pháp như thật bất sinh; môn chữ Tra, vì vào các pháp chế phục không thể có được; môn chữ Ca, vì vào các pháp, tác giả không thể có được; môn chữ Ta, vì lúc vào các pháp không thể có được, vì các pháp chưa chuyển vậy; môn chữ Ma, vì vào các pháp, ngã sở không thể có được; môn chữ Già, vì vào các pháp, đi không thể có được; môn chữ Tha, vì vào các pháp, xứ sở không thể có được; môn chữ Xà, vì vào các pháp, sinh không thể có được; môn chữ Bá, vì vào các pháp, chữ Bá không thể có được; môn chữ Ðà, vì vào các pháp, tánh không thể có được; môn chữ Xa, vì vào các pháp, định không thể có được; môn chữ Khư, vì vào các pháp, hư không thể có được; môn chữ Xoa, vì vào các pháp, tận diệt không thể có được; môn chữ Sĩ, vì vào các pháp, có không thể có được. Môn chữ Nhã, vì vào các pháp, trí không thể có được; môn chữ Tha, vì vào các pháp, chữ Tha không thể có được; môn chữ Bà, vì vào các pháp, phá hoại không thể có được; môn chữ Xa, vì vào các pháp, dục không thể có được, vì năm uẩn như bóng cũng không thể có được; môn chữ Ma, vì vào các pháp, chữ Ma không thể có được; môn chữ Hỏa, vì vào các pháp, kêu không thể có được; môn chữ Ta, vì vào các pháp, chữ Ta không thể có được; môn chữ Già, vì vào các pháp, hậu không thể có được; môn chữ Thá, vì vào các pháp xứ sở không thể có được; môn chữ Noa, vì vào các pháp, không đến không đi, không đứng, không ngồi, không nằm; môn chữ Phả, vì vào các pháp, biên không thể có được; môn chữ Ca, vì vào các pháp, tụ không thể có được; môn chữ Ta, vì vào các pháp, chữ Tỉnh không thể có được; môn chữ Giá, vì vào các pháp, hành không thể có được; môn chữ Trá, vì vào các pháp, khu sử không thể có được; môn chữ Ðồ, vì vào chỗ biên tế cùng cực các pháp, không cuối không sinh. Quá chữ Ðồ, không còn có chữ để có thể nói, vì sao? vì không còn chữ, các chữ vô ngại vô danh, cũng không diệt, cũng không thể nói, không thể chỉ bày, không thể thấy, không thể chép.
Tu bồ đề! Nên biết các pháp như hư không. Tu bồ đề! Ấy gọi là môn Ðà la ni, đó là nghĩa chữ A. Nếu Bồ tát ma ha tát với các tự môn ấy, ấn cái ấn chữ A, hoặc nghe, hoặc lãnh thọ, hoặc tụng, hoặc đọc, hoặc trì, hoặc vì người khác nói, biết như vậy, sẽ được hai mươi công đức. Những gì là hai mươi? Ðược biết nhớ mạnh, được tàm quí, được tâm kiên cố, được chỉ thú của Kinh, được trí tuệ, được vui nói vô ngại, dễ được các môn Ðà la ni khác, được tâm không nghi hối, được nghe lành không mừng, nghe ác không giận, được không cao không hạ, trụ tâm không thêm bớt, được khôn khéo biết ngôn ngữ của chúng sinh, được khéo phân biệt năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên, bốn duyên, bốn đế, được khéo phân biệt các căn lợi độn của chúng sinh, được khéo biết tâm người khác, được khéo phân biệt thời tiết ngày tháng năm, được khéo phân biệt thiên nhĩ thông, được khéo phân biệt túc mạng thông, được khéo phân biệt sinh tử thông, được khéo nói phải đạo lý chẳng phải đạo lý, được khéo biết thân oai nghi qua lại, ngồi dậy v.v...
Tu bồ đề! Các môn Ðà la ni, môn chữ A ấy v.v... ấy gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì không thể có được.
LUẬN: Tự đẳng, ngữ đẳng là Ðà la ni đối với các chữ bình đẳng không có yêu ghét.
Lại, các chữ ấy khi nhân duyên chưa hội hợp cũng không có, hiện tại cũng không có, chỉ ở trong tâm ta, tôi, tâm giác quán ức tưởng phân biệt nói ra, ấy là tâm tán loạn nói, không thấy sự thật; như trước bị gió làm lay động thời trông không thấy gì. Chữ đẳng là cùng với rốt ráo, Niết bàn đồng đẳng. Bồ tát dùng Ðà la ni ấy, đối với hết thảy pháp, thông đạt vô ngại; ấy gọi là tự đẳng, ngữ đẳng.
Hỏi: Nếu lược nói thời có năm trăm môn Ðà la ni, nếu nói rộng thời có vô lượng môn Ðà la ni, sao nay nói tự đẳng Ðà la ni là cửa ban đầu của các môn Ðà la ni?
Ðáp: Trước nói một đại, thời biết các đại khác đều nói. Ðây là cửa ban đầu của các Ðà la ni, nói cửa ban đầu thời các cửa khác cũng nói.
Lại nữa, các pháp Ðà la ni, đều phân biệt tự và ngữ mà sinh ra. Bốn mươi hai mẫu tự ( Dvàcatvà-Rímsád-aksaramukha, tức 42 mẫu tự tiếng Phạn) là căn bản của hết thảy chữ, nhân chữ có lời, nhân lời có danh, nhân danh có nghĩa. Bồ tát hoặc nghe chữ, nhân chữ cho đến hiểu được nghĩa nó. Chữ ấy, bắt đầu là chữ A, cuối cùng là chữ Ðồ, ở giữa có 40 chữ. Bồ tát được tự Ðà la ni ấy, nếu nghe chữ A trong hết thảy lời, liền theo nghĩa nó là hết thảy pháp từ sơ thỉ lại tướng chẳng sinh.
A đề, Trung Hoa dịch là Sơ; A nậu ba đà Trung Hoa dịch là Bất sinh, nếu nghe chữ La liền theo nghĩa biết hết thảy pháp lìa tướng cấu uế. La xà, Trung Hoa dịch là Cấu, nếu nghe chữ Ba liền biết hết thảy pháp vào trong đệ nhất nghĩa. Ba la Mạt đà, Trung Hoa dịch là Ðệ nhất nghĩa, nếu nghe chữ Giá liền biết hết thảy các hành đều chẳng phải hành. Giá lê dạ, Trung Hoa dịch là Hành, nếu nghe chữ Na, liền biết hết thảy pháp chẳng được chẳng mất; chẳng đến chẳng đi. Na, Trung Hoa dịch là Bất, nếu nghe chữ La, liền biết hết thảy pháp lìa tướng khinh trọng. La-cầu, Trung Hoa dịch là Khinh, nếu nghe chữ Ðà, liền biết hết thảy pháp tướng lành. Ðà ma Trung Hoa dịch là Thiện, nếu nghe chữ Bà, liền biết hết thảy pháp không trói không mở. Bà đà, Trung Hoa dịch là Phược, nếu nghe chữ Ðồ, liền biết hết thảy pháp tướng không nóng. Nam Thiên Trúc gọi là Ðồ xà năng, Trung Hoa dịch là Bất nhiệt, nếu nghe chữ Sa, liền biết thân người có sáu chủng tướng. Sa, Trung Hoa dịch là Lục, nếu như chữ Hòa, liền biết hết thảy pháp lìa tướng ngữ ngôn. Hòa ba-tha, Trung Hoa dịch là Ngữ ngôn, nếu nghe chữ Ða, liền biết các pháp ở trong như như bất động. Ða-tha, Trung Hoa dịch là Như, nếu nghe chữ Dạ, liền biết các pháp vào trong thật tướng bất sinh bất diệt. Dạ tha bạt, Trung Hoa dịch là Thật, nếu nghe chữ Tra, liền biết các pháp tướng không chướng ngại. Trà-bà, Trung Hoa dịch là Chướng ngại, nếu nghe chữ Ca, liền biết trong các pháp không có tác giả. Ca-la-ca, Trung Hoa dịch là Tác giả, nếu nghe chữ Bà, liền biết các pháp hết thảy chủng không thể có được. Tát-bà, Trung Hoa dịch là Nhất thiết, nếu nghe chữ Ma, liền biết các pháp lìa ngã sở. Ma ma ca la, Trung Hoa dịch là ngã sở, nếu nghe chữ Già, liền biết các pháp cùng để không thể có được. Già đà, Trung Hoa dịch là Ðể (đáy), nếu nghe chữ Tha, liền biết bốn câu “Như khứ” không thể có được. Ða tha A già đà (Tathagatha), Trung Hoa dịch là Như khứ, nếu nghe chữ Xà, liền biết các pháp sinh già không thể có được. Xà đề xà la, Trung Hoa dịch là Sinh lão, nếu nghe chữ Thấp ba, liền biết các pháp đều không thể có được. Như chữ Thấp ba không thể có được, chữ Thấp ba vô nghĩa nên không giải thích, nếu nghe chữ Ðà, liền biết các pháp, pháp tánh không thể có được. Ðà ma, Trung Hoa dịch là Pháp, nếu nghe chữ Xa, liền biết các pháp tướng tịch diệt. Xa da, Trung Hoa dịch là Tịch diệt, nếu nghe chữ Khư, liền biết các pháp hư không không thể có được. Khư già, Trung Hoa dịch là Hư không, nếu nghe chữ Xoa, liền biết các pháp tướng tận diệt không thể có được. Xoa gia, Trung Hoa dịch là Tận, nếu nghe chữ Sĩ, liền biết biên tế các pháp được lợi gì. Ca sĩ độ cầu na, Trung Hoa dịch là việc ấy được lợi gì, nếu nghe chữ Nhã, liền biết trong các pháp không có tướng Trí. Nhã-na (Prana), Trung Hoa dịch là Trí, nếu nghe chữ Tha, liền biết các pháp tướng nghĩa không thể có được. A-lợi-tha, Trung Hoa dịch là Nghĩa, nếu nghe chữ Bà, liền biết các pháp tướng không thể phá được. Bà già, Trung Hoa dịch là Phá, nếu nghe chữ Xa, liền biết các pháp không đi đâu. Già xa đề, Trung Hoa dịch là Khứ, nếu nghe chữ Thấp Ma, liền biết các pháp Kiên cố như đá Kim cương. A thấp ma, Trung Hoa dịch là Thạch, nếu nghe chữ Hỏa, liền biết các pháp không có tướng âm thanh. Hỏa bà dạ, Trung Hoa dịch là Hoán lai (kêu lại), nếu nghe chữ Ta, liền biết tướng các pháp không xan tham không thí xả. Mạt ta la, Trung Hoa dịch là Xan, nếu nghe chữ Già, liền biết các pháp không dày không mỏng. Già na, Trung Hoa dịch là Hậu (dày), nếu nghe chữ Thá, liền biết các pháp không có trú xứ. Nam Thiên Trúc gọi là Thá na, Trung Hoa dịch là Xứ, nếu nghe chữ Noa, liền biết các pháp và chúng sinh không đến không đi, không ngồi không nằm, không đứng không dậy; vì chúng sinh không, pháp không. Nam Thiên Trúc gọi là Noa, Trung Hoa dịch là Bất, nếu nghe chữ Phả, liền biết các pháp nhân quả không. Phả la, Trung Hoa dịch là Quả, nếu nghe chữ Ca, liền biết năm uẩn không thể có được. Ca đại, Trung Hoa dịch là Chúng (uẩn), nếu nghe chữ Ta, liền biết chữ Ta là không. Các pháp cũng vậy; nếu nghe chữ Giá, liền biết các pháp tướng không động. Giá la địa, Trung Hoa dịch là Ðộng, nếu nghe chữ Tra, liền biết các pháp bờ này bờ kia không thể có được. Ða la, Trung Hoa dịch là Ngạn, nếu nghe chữ Ðồ, liền biết các pháp chắc chắn không thể có được. Ba-đồ, Trung Hoa dịch là Tất (chắc chắn). Ngoài chữ Ðồ, không còn có chữ, nếu có là chi phái của 24 chữ, chữ này thường ở thế gian, vì tương tợ tương tục, vì vào hết thảy ngôn ngữ vô ngại. Như quốc thổ với quốc thổ bầt đông, không có danh xưng nhất định, nên nói là vô danh. Nghe xong liền tận diệt, nên nói là Diệt. Các pháp ở nơi pháp tánh, đều không thể có được huống gì có chữ để nói. Các pháp vì không có ức tưởng phân biệt nên không thể chỉ bày. Trước tiên ý nghiệp phân biệt nên có khẩu nghiệp, nhân khẩu nghiệp nên thân nghiệp viết thành chữ, chữ là sắc pháp, hoặc mắt thấy, hoặc tai nghe, chúng sinh cưỡng gọi là chữ. Không có nhân duyên, vì thế nên không thể thấy, không thể viết. Các pháp thường không, như tướng hư không, huống gì chữ nói xong liền mất. Văn tự Ðà la ni ấy là cửa của các Ðà la ni.
Hỏi: Biết nhân duyên của môn Ðà la ni ấy có thể được vô lượng vô biên công đức, cớ sao chỉ nói 20 công đức?
Ðáp: Phật cũng thường nói các vô lượng vô biên công đức khác, vì sợ phế bỏ việc nói Bát nhã ba la mật nên chỉ lược nói 20 công đức.
Người được thức niệm mạnh là Bồ tát được Ðà la ni ấy thường quán tướng các chữ, tu tập ức niệm nên được thức niệm mạnh.
Người được tàm quí là nhóm các pháp lành, chán các pháp ác, nên sinh đại tàm quí.
Người tâm được kiên cố là nhóm các phước đức trí tuệ nên tâm được kiên cố như Kim cương, cho đến dù ở trong địa ngục A tỳ còn không thối mất Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, huống gì gặp các khổ khác.
Người được chỉ thú của Kinh là biết Phật có năm thứ phương tiện thuyết pháp, nên gọi là được chỉ thú của Kinh. Một là Phật biết các cách thuyết pháp. Hai là Phật biết vì việc gì nên nói. Ba là Phật biết vì phương tiện nên nói. Bốn là Phật biết chỉ bày lý thú nên nói. Năm là Phật biết vì tâm đại bi nên nói.
Người được trí tuệ là Bồ tát nhân Ðà la ni ấy, phân biệt phá tán các chữ, ngôn ngữ cũng không, ngôn ngữ không nên danh cũng không, danh không nên nghĩa cũng không, được rốt ráo không tức là Bát nhã ba la mật.
Ðược trí tuệ vui nói là đã được trí tuệ rốt ráo thanh tịnh vô ngại như vậy, vì tâm đại bi và vì bản nguyện độ chúng sinh nên vui nói không ngại.
Dễ được Ðà la ni là thí như chẻ tre, mắt đầu đã chẻ thời các mắt khác đều dễ chẻ. Bồ tát cũng như vậy được văn tự Ðà la ni ấy tự nhiên được các Ðà la ni khác.
Ðược tâm không nghi hối là vào trong thật tướng các pháp, tuy chưa được Nhất thiết trí tuệ mà đối với trong hết thảy pháp thâm sâu, không nghi hối.
Ðược nghe thiện không mừng nghe ác không giận là phân biệt mỗi mỗi các thứ không tán thán, không hủy báng nên nghe thiện không mừng, nghe ác không giận.
Ðược không cao không hạ là đã dứt hết yêu ghét.
Ðược khéo léo biết ngôn ngữ chúng sinh là được Tam muội biết hết thảy ngôn ngữ của chúng sinh.
Ðược khéo léo phân biệt năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên, bốn duyên, bốn đế là nghĩa năm uẩn v.v... như trước đã nói.
Ðược khéo léo phân biệt các chúng sinh có căn lợi độn, được khéo biết tâm nười khác, thiên nhĩ, túc mạng, khéo nói có lẽ ấy, không có lẽ ấy là như trong mười lực đã nói.
Ðược khéo biết qua lại ngồi dậy v.v... là như đã nói trong đoạn A bệ bạt trí.
Ðược khéo léo phân biệt thời tiết ngày tháng năm là ngày từ sớm đến sớm, phần đầu, phần giữa, phần cuối, đêm cũng có ba phần. Một ngày một đêm có 30 giờ. Xuân phân, thu phân thì 15 giờ thuộc ngày, 15 giờ thuộc đêm. Các giờ khác thì hoặc thêm hoặc bớt. Ðến tháng 5, ngày 18 giờ, đêm 12 giớ. Ðến tháng 11, đêm 18 giờ, ngày 12 giờ. Một tháng hoặc có 30 ngày, hoặc 30 ngày rưỡi, hoặc 29 ngày, hoặc 27 ngày rưỡi. Có 4 loại tháng là tháng của mặt trời, tháng của thế gian, tháng của mặt trăng, tháng của tinh tú. Tháng của mặt trời có 30 ngày rưỡi, tháng của thế gian có 30 ngày, tháng của mặt trăng có 29 ngáy, thêm 30 của 62 phân, tháng của tinh tú là 27 ngày thêm 21 của 69 phân. Tháng nhuận là từ giữa tháng của mặt trời và tháng của thế gian xuất ra, ấy gọi là 13 tháng, hoặc 12 tháng, hoặc 13 tháng gọi là một năm. Mỗi năm có 366 ngày, giáp một vòng thì trở lại ban đầu. Bồ tát biết từng phân giờ trong mỗi ngày, phần trước đã qua, phần sau chưa sinh, phần giữa không có ngưng trụ, không có tướng để có thể thủ đắc. Nhật phần trống không, không có gì; khi đến ngày 30 thì 29 ngày đã diệt, làm sao hòa hợp thành tháng; tháng không có thì làm sao hòa hợp thành năm. Vì vậy nên Phật nói pháp thế gian như huyễn như mộng, chỉ là pháp dối tâm. Bồ tát biết được ngày tháng năm hòa hợp của thế gian, biết được phá tán không có gì, ấy gọi là khéo phân biệt.
Các thứ phân biệt như vậy, gọi là tướng Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát.
( Hết cuốn 48 theo bản Hán) .HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.1/4/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TANH.
No comments:
Post a Comment