Friday, 21 March 2014

KHÓ THAY ĐƯỢC LÀM NGƯỜI.

Đức Phật có lòng thương tưởng chúng sinh bị chìm đắm trong biển sinh tử khổ đau nên nói rõ “thân người khó được” nhằm nhắc nhỡ mọi người chúng ta phải biết quý trọng thân mạng của mình và phải biết vận dụng sự kiện may mắn được làm thân người ấy để làm thăng hoa cuộc sống của chính mình, và góp phần làm lợi ích cho cuộc đời1. Lời Phật là chân thực, xuất phát từ trí tuệ giác ngộ và tâm từ bi của bậc đại giác mong muốn cho hết thảy chúng sinh đều được an vui hạnh phúc, rời xa khổ đau, nên bất cứ người nào chịu khó lắng nghe và nỗ lực sống theo lời khuyên của Ngài thì đều nhận được lợi ích an lạc lâu dài.
Trong thế giới sinh tử luân hồi của muôn loài chúng sinh, con người là sinh vật biết phân biệt về thiện, ác. Đây là đặc điểm to lớn và may mắn nhất của thế giới loài người, một đặc điểm khiến con người được biết như một sinh vật cao cấp, và hoàn toàn khác với  các loài sinh vật khác trong vấn đề mưu cầu hạnh phúc, diệt trừ khổ đau. Hết thảy loài hữu tình, hết thảy mọi sinh vật đều có tâm lý mong sống, sợ chết, muốn an lạc, ghét khổ đau. Nhưng không phải sinh linh nào cũng nhận thức được ý nghĩa và cách thức để thỏa mãn mong ước chính đáng của mình. Chỉ có con người hay loài người mới có đủ phúc duyên và điều kiện để thực hiện ước mơ và hoài bão tốt đẹp ấy. Nói rõ hơn, chỉ có con người mới có đủ phúc duyên và điều kiện để thực hiện ước mơ vì hoài bão tốt đẹp ấy. Nói rõ hơn, chỉ có con người mới có khả năng (trí tuệ) và điều kiện (môi trường thuận lợi) để chuyển đổi vận mệnh của mình từ khổ đau sang hạnh phúc, từ ngục tù đến tự do. Phần lớn những sinh vật khác chỉ thuần sống theo bản năng hay bị trói chặt trong vòng sinh tử bất tận bởi nghiệp lực nặng nề, rất hiếm có cơ may để chuyển hóa số phận khổ đau. Đó là lý do vì sao Đức Phật dạy “khó  thay được làm người”.
Được làm  người là một phúc duyên to lớn như vậy nên Đức Phật khuyên nhắc mọi người cần phải được trân trọng và vận dụng cái phúc duyên may mắn ấy để tu tập, làm thăng tiến bản thân, đừng để đời mình (duyên may ấy)trôi đi một cách uổng phí. Nghĩa là phải biết vận động vận may làm người để thực hiện ước mơ hạnh phúc, mà nói theo ngôn ngữ Phật thì phải sống thế nào để các “bất thiện pháp ngày càng giảm thiểu, các thiện pháp ngày càng tăng trưởng” khiến cho “các pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý (nghĩa là phiền não khổ đau) bị tiêu diệt; các pháp khả ái, khả lạc, khả ý (tức hạnh phúc, an lạc) được tăng trưởng”. Nói cách khác, Phật khuyến dạy mọi người cần phải sống từ bỏ điều ác, làm các hạnh lành để giàm trừ khổ  đau và tăng trưởng hạnh phúc cho tự thân và làm lợi lạc cho cuộc đời, vì chỉ có con người mới có khả năng và điều kiện thuận lợi để làm điều đó. Được làm thân người mà không biết làm điều lành điều thiện thì thật là uổng phí, càng uổng phí và tệ hại hơn là rơi vào đường ác. Vì vậy, Phật lưu ý mọi người về lợi thế của sự kiện được làm thân người và khuyên nhắc như vầy:
Như từ một đống hoa
Nhiều tràng hoa được làm
Cũng vậy thân sanh tử
Làm được nhiều thiện sự”2
Lời Phật nhẹ nhàng mà thiết thực sâu lắng làm sao! Phật cho rằng được làm thân người là một lợi thế lớn vì con người có khả năng làm nhiều về việc tốt, việc thiện để tự mình sống an lạc và mang an lạc đến cho cuộc đời. Thân mạng con người là sinh diệt vô thường, nhưng nếu biết vận dụng cho đúng thì cái thân sanh tử ô thường ấy cũng làm được nhiều việc hữu ích. Tựa như loài hoa  sớm nở tối tàn, nhưng nếu người ta  khéo vận dụng thì có thể kết thành những tràng hoa đẹp dâng hiến cho đời. Rõ là một gợi ý khuyên nhắc hết sức ý nhị cho  cuộc hiện hữu mong manh nhưng đáng quý của mỗi người chúng ta trong thế giới loài người. Ở đây lắng nghe lời Phật dạy cũng chính là lắng nghe lòng mình. Trong sâu thẳm của tâm hồn, ai cũng biết rõ ràng đời mình rồi phải có lúc kết thúc và sự chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mặc khác, ai cũng đồng ý rằng giá trị đời người không phải là sự hiện hữu dài hay ngắn mà nằm ở chỗ con người có làm được điều gì tốt cho bản thân và cho cuộc đời. Đời người mong manh  nhưng cũng là cơ hội đáng quý như vậy thì sao ta không dốc tâm làm ngay điều gì đó tốt đẹp hơn, dù nhỏ nhiệm? Phật thấy rõ giá trị hiện hữu hết sức mong manh của kiếp người nên khuyên nhắc chúng ta cần phải gấp rút làm nhiều việc tốt việc thiện để hướng thiện cho bản thân và làm cho sự sống tăng thêm giá trị an lạc. Ngài khuyên nhắc chúng ta phải biết trân trọng và tích lũy điều lành điều thiện, không nên xem nhẹ mà bỏ qua việc thiện dù nhỏ nhiệm, vì theo tuệ giác của Ngài thì sở dĩ  người hiền trí sống an lạc và có khả năng giúp cho mọi người khác được an lạc chính là do người ấy biết trân trọng và tích lũy dần các điều lành điều thiện cho đến lúc tràn đầy:
Như nước nhỏ từng giọt,
rồi bình cũng đầy tràn
người trí chứa đầy thiện
do chất chứa dần dần”3
Tích lũy điều lành điều thiện là điều mà mỗi người có thể làm thông qua lối sống và sinh hoạt hàng ngày của mình. Trong đời sống thường nhật, mỗi người chúng ta  đều có khả năng làm điều tốt điều thiện đúng như lời Phật khuyên dạy.Chẳng hạn, chọn một suất ăn chay thay vì ăn mặn tức là chúng ta đang tích lũy một việc thiện, vì điều đó giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm từ bi và góp phần hạn chế việc sát hại sinh linh. Cư xử đúng đắn có từ tâm đối với mọi người cũng là một việc thiện, vì điều đó là biểu lộ thiện tâm, góp phần làm cho đời sống con người và xã hội trở nên hiền hòa tốt đẹp. Mỗi ngày dành 15 phút để tụng kinh hay ngồi thiền thay vì xem ca nhạc hay ngồi tán gẫu với bạn bè  tức là chúng ta đang tập cho mình  một lối sống lành mạnh sáng suốt, vừa có lợi cho sức khỏe  cơ thể vừa thư thái cho đầu óc tinh tấn. Cứ thử làm mỗi ít  công việc đơn giản như thế thì chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa và giá trị của sự sống nằm ngay trong mỗi việc làm là hiền thiện giản dị mà chúng ta thực hiện mỗi ngày. Điều đó cũng nói lên rằng lời Phật dạy là hết sức thiết thực giản dị nhưng tuyệt đối lợi lạc bổ ích cho cuộc sống hàng ngày chúng ta, nếu chúng ta biết lắng nghe và sống theo lời khuyên của Ngài.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.21/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment