Friday, 21 March 2014

HUNG THẦN PHIỀN NÃO .
Đạo Phật không phải là tôn giáo như chúng ta thường gọi bây giờ, mà là một con đường sáng để phá tan tối tăm mờ mịt, là một phương pháp giáo dục nhân cách sống đạo đức, từ bi và trí tuệ, giúp cho mọi người tự tin chính mình làm chủ bản thân, không lệ thuộc vào một đấng thần linh thượng đế.
ĐÔI LỜI TÂM SỰ
    Lịch sử nhân loại từ ngàn xưa cho đến nay cũng chưa ai xác định rõ ràng, trái đất và tất cả muôn loài muôn vật có mặt tự bao giờ. Chúng ta chỉ biết rằng khi con người dần dần được phát triển, bắt đầu dùng sức mạnh lấn áp và chiếm đoạt các tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ cho đời sống hiện tại, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, hoặc tàn nhẫn hơn nhân danh một đấng tối cao để giết hại nhiều người. Ai theo thì được bảo tồn mạng sống và hưởng vinh hoa phú quý bên đấng tối cao, ai không theo thì bị đoạ địa ngục. Chính vì vậy mà một số người lợi dụng quyền năng đó, để trục lợi cho riêng mình. Do đó có một người nói rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại, thế giới chiến tranh giết hại lẫn nhau cũng đã cho chúng ta thấy rõ ràng như vậy. Biết bao cuộc tàn sát đẩm máu cũng vì nhân danh  đấng tối cao, ngày nay thế giới loài người nhờ nghiên cứu tìm tòi quán chiếu, nên đã biết được không ai có quyền ban phước giáng hoạ mà chính con người tự tạo ra hoạ hay phúc.       
    Đạo Phật không phải là tôn giáo như chúng ta thường gọi bây giờ, mà là một con đường sáng để phá tan tối tăm mờ mịt, là một phương pháp giáo dục nhân cách sống đạo đức, từ bi và trí tuệ, giúp cho mọi người tự tin chính mình làm chủ bản thân, không lệ thuộc vào một đấng thần linh thượng đế. Có chăng chỉ là thượng đế của chính mình, mình làm lành được hưởng nhiều phước báo, mình làm ác thì phải chịu các quả khổ đau. Từ sự thương yêu luyến ái muốn bảo vệ quyền lợi riêng cho mình để hưởng thụ khoái lạc cảm giác. Vì thương yêu con mình nên cha mẹ phải lo lắng đủ cách, để bảo đảm đời sống hiện tại và tương lai của nó. Nếu sau này con cái bất hiếu, sẽ làm cho cha mẹ thất vọng và buồn khổ vô cùng.
    Ai cũng biết, đã làm người khi lớn lên cũng cần có tình yêu thương, rồi dẫn đến lập gia đình và bắt đầu từ đó phải gánh lấy nhiều trách nhiệm nặng nề, nếu không có phước báo thì sẽ chịu nhiều phiền muộn khổ đau. Như chúng ta đã biết, khi có yêu thương thì có luyến ái muốn bảo vệ cho riêng mình, từ đó phát sinh lòng ham muốn và nó không giới hạn chỉ có tình yêu thương giữa hai người, mà còn tham muốn nhiều thứ khác nữa. Tất cả những thứ yêu thương luyến ái đó, đều phát xuất từ sự ham muốn khoái lạc cho chính mình. Hình như chúng ta chỉ yêu mến người nào đem lại hạnh phúc cho chúng ta và sẽ oán hận người nào đem lại đau khổ cho mình. Và tại sao có người chết chúng ta sẽ buồn khổ bi thương, có người chết chúng ta lại dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra. Người nào chúng ta từng thương mến thì mới buồn khổ sầu muộn và ngược lại thì không buồn, không khổ.
 Cũng vậy, người không tham quyền lực, thì đâu cần địa vị cao. Người không ham giàu có, thì nghèo đâu phải là nỗi khổ. Người không yêu thương luyến ái quá mức, thì xa nhau có gì phải tiếc nuối nhớ nhung. Người không có tâm ganh ghét hận thù, thì gần nhau có gì phải bực bội phiền toái. Thấy thân này không thật do nhân duyên hoà hợp giả có, nên khi bị mạ nhục hoặc mất mát người thân, không là nỗi khổ niềm đau. Luyến ái chấp thân này là thật nên phát sinh tình ái, rồi từ đó bám víu ràng buộc lẫn nhau như tình yêu nam nữ vợ chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em cùng chung huyết thống. Các thứ tình yêu thương ấy cho dù có sâu sắc và đậm đà đến đâu, vẫn không thể bền lâu và tồn tại mãi được. Sự sống chết xa lìa là lẽ đương nhiên, ai cũng phải già bệnh chết, càng yêu thương nhiều, càng khổ đau nhiều chừng ấy, đó là một sự thật không thể chối cãi được, xin mọi người hãy nên quán chiếu soi sáng để không bị luyến ái tham đắm ràng buộc.
 Nhưng làm người không yêu thương làm sao được, con người đâu phải là vật vô tri vô giác, như gỗ đá mà không có tình cảm. Đã có tình cảm thì phải có tình yêu lứa đôi và dẫn đến tình dục ở thân thể của mỗi người và thêm phần khởi lên sự ham muốn của ý thức. Con người là một chúng hữu tình, tức là loài có tình cảm, vì có tình cảm nên con người mới luyến ái rồi sinh chấp thủ, từ đó phát sinh tư tưởng chiếm hữu muốn là của mình nên trở thành tình thương vị kỷ. Nhưng đi xa hơn có một thứ tình thương không vị kỷ, nó không giới hạn ở người thân mà vượt lên trên tất cả. Chính tình thương này đã làm cho nhân loại không còn thấy ai là kẻ thù, chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi.
 Bởi thấy biết sai lầm tưởng thân tâm này là thật, nên si mê chấp ngã thấy mình là ta, là của ta, do đó sinh luyến ái yêu thích bám giữ vì vậy sinh ra tham sân si, thành hung thần phiền não mà không hay không biết. Một thứ tình thương đích thực thường cho ra nhiều hơn mà không cần suy xét phân biệt, như có một kiếp Bồ tát thấy cọp mẹ đang đói khát nhiều ngày chuẩn bị ăn thịt cọp con, động lòng thương xót Bồ tát liền gieo mình xuống chỗ cọp mẹ nằm để cứu mấy chú cọp con. Bồ tát bố thí thân mạng vì lòng bi mẫn thương xót chúng sinh, đây gọi là bố thí ba la mật vì không còn thấy mình thí, kẻ thọ thí và vật mình thí. Đó mới chính là tình thương đích thực không còn phân biệt ta người hay chúng sinh. Đối với loài thú dữ mà Bồ tát vẫn sẵn sàng mở rộng lòng thương xót, để cho chúng được sống còn nuôi con. Do đó Bồ tát đối với con người nghĩa tình sâu sắc và mở rộng tấm lòng từ bi hỷ xả nhiều hơn nữa.
 Tình thương này vượt lên trên tất cả mọi thứ tình trên thế gian, nó cao quý và không thể nghĩ bàn. Chính tình thương này giúp cho nhân loại mở sáng mắt ra, bao nhiêu sai lầm từ nghìn xưa đến nay chỉ vì bảo vệ bản ngã độc tôn, mà con người đành lòng tàn sát giết hại lẫn nhau. Đến năm 1999 đại hội đồng liên hiệp quốc đã sáng suốt công nhận đại lễ Phật đản với tên gọi là Vesak, là lễ hội văn hoá của loài người mang tính quốc tế toàn cầu, để tôn vinh các giá trị văn hoá đạo đức, hiểu biết và yêu thương cùng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật. Đạo Phật đã mở ra trang sử mới, vén lên bức màn vô minh phá tan bao si mê tối tăm từ nhận thức sai lầm của con người với tinh thần từ bi và trí tuệ, để chuyển hoá các phiền muộn khổ đau do si mê chấp ngã mà ra.
 Đôi lời bộc bạch chân thành, mong được kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống, cùng với các bạn gần xa để quay về cội nguồn xưa nay.
                               
 
BA CON RẮN ĐỘC
             Đã làm người trong trời đất ai cũng muốn mình được sung sướng và hạnh phúc, không ai muốn mình bị khổ đau. Thế gian này ai cũng muốn được hạnh phúc, từ vua chúa quan quyền cho đến kẻ bần cố nông hạ tiện. Ấy thế mà người đời lại mâu thuẩn, một mặt chứa chấp muốn nuôi dưỡng phiền não, một mặt lại muốn tìm cầu an vui hạnh phúc. Nhưng làm sao để có hạnh phúc thật sự đây? Hạnh phúc là sao, phiền não là gì? Hạnh phúc theo người thế gian là ăn ngủ và hưởng thụ khoái lạc cảm giác cho sướng cái thân, muốn vậy thì phải làm việc kiếm tiền để nuôi thân và nuôi gia đình. Chính vì thế mà con người phải tham lam ích kỷ tìm cách gom góp chất chứa về cho mình đủ thứ, tham được thì cố tình bảo thủ gìn giữ, tham không được thì sinh ra phiền muộn khổ đau từ đó phát sinh phiền não, mà chúng tôi tạm gọi là hung thần phiền não.
 Vậy hung thần phiền não là gì, là nói đến sự ác độc của nó quá tàn bạo ai thấy nghe cũng đều kinh tâm khiếp sợ, bởi vì nó không từ bỏ một ai. Nó là nguồn đau khổ của tất cả chúng sinh, là cội rễ bất an của nhân loại. Hung là hung ác, thô bạo và dữ tợn có thái độ hành vi hại người, hại vật một cách tàn nhẫn. Theo truyền thống đa thần giáo có nhiều vị thần để quản lý về phạm vi hoạt động của mình, ví dụ như thần thiện, thần ác, thần tài, thần đất, thần núi, thần sông v.v….
    Hung thần là vị thần hung ác bạo tàn, hung dữ luôn hại người và vật. Theo từ ngữ Hán việt phiền là lửa, lửa thì nóng do đó làm cho thân thể khó chịu, những gì làm cho mình nóng giận, bực bội, cau có, tức tối và không vừa lòng toại ý gọi là phiền. Não là sự phiền muộn về tinh thần. Nói chung phiền não là sự buồn phiền sầu não, cảm thấy khó chịu, bực dọc, tức tối, về thể xác lẫn tinh thần. Tóm lại hung thần phiền não là ông thần hung dữ, ác độc, luôn làm đau khổ tất cả chúng sinh từ đời này sang kiếp khác không có ngày thôi dứt. Con người thật là oái oăm, lúc nào cũng muốn mình an vui hạnh phúc, nhưng lại thích làm cho người khác đau khổ.
     Trong kinh Phật dạy: Này các thầy Tỳ kheo, nếu trong thất các ông có ba con rắn độc chui vào, lúc đó quý thầy có ngủ được ngon hay không?
      Kính bạch đức Thế tôn, chúng con ngủ không được ngon ạ.
      Phật hỏi: Vậy làm sao quý thầy mới ngủ được ngon?
      Cả hội chúng đồng thưa:
      Chừng nào chúng con đuổi được ba con rắn độc ra khỏi nhà, chừng đó chúng con mới ngủ được ngon.
       Phật nói: Đúng vậy, chừng nào quý thầy đuổi được ba con rắn độc đó ra khỏi nhà thì mới ngủ được yên. Nhưng ba con rắn độc đó chưa độc bằng ba thứ độc, tham lam, sân giận và si mê. Rắn độc nó chỉ cắn chết thân này, còn tham, sân, si, tạo nghiệp luân hồi chịu khổ trong vô số kiếp không biết chừng nào mới hết. Vì thế, người con Phật khi phát tâm tu hành trước nhất phải loại bỏ ba thứ độc ấy là tham sân si. Chúng ta tu hành là mong muốn chuyển hóa phiền não khổ đau thành an vui và hạnh phúc, mà lại tham sân si mạn nghi ác kiến thì không thể được.
THAM MUỐN KHÁC MONG MUỐN
    Có hai loại muốn mà ai cũng có thể bị nó chi phối là tham muốn và mong muốn. Tham muốn là sao? Là nhất quyết muốn cho bằng được, nếu không được thì bất mãn, tức tối khó chịu, phiền muộn giận dỗi phát sinh tìm cách chiếm đoạt. Do đó tham muốn càng nhiều thì càng phát sinh các thứ phiền não, vì tham muốn mà không được như ý, nếu được thì tham càng thêm tham, nếu tham không được thì sinh ra giận hờn khó chịu, tìm cách trả thù. Như chúng ta đã biết, ít ai trong cuộc đời này mà không tham muốn. Có sự sống là có tham muốn, nhưng tham muốn nhiều hay ít là tùy theo sở thích của mỗi người mà thôi. Tham có nghĩa là tham lam ích kỷ, nhỏ mọn, làm cái gì cũng muốn đem về cho riêng mình, dù có của dư thà để đó mục nát, chứ không dám đem ra giúp đỡ cho ai hết.
    Mong muốn có nghĩa là mong cầu, ước mơ, nếu có cũng được, không có cũng không sao. Tham muốn và mong muốn khác nhau ở chỗ đó, một đàng muốn cho bằng được, nếu không được thì nỗi giận oán hờn tìm cách trả đủa và quyết tâm chiếm đoạt về cho mình, nên bất chấp luân thường đạo lý có khi cũng phải giết người để thỏa mãn lòng tham muốn của mình. Trong cuộc sống này chúng ta có quyền ước mơ mong muốn, chớ đừng nên tham muốn quá đáng mà làm khổ đau cho nhau.
            KẺ THAM NÊN CHẾT TRONG SI DẠI
    Như có hai người bạn thân một anh tên là Bần, một anh tên là Cùng gia cảnh rất nghèo khó, túng thiếu. Một hôm hai anh nghe người ta đồn đãi rằng Bồ tát Quán Thế Âm đang về phương Nam rất là linh ứng. Ai cầu gì muốn gì, ngài cũng đều làm cho toại nguyện hết. Mừng quá bấy lâu nay sống trong nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn, nay được Bồ tát về cứu độ, hai anh vội vã thu xếp việc nhà xong, liền cùng nhau khăn gói lên đường.
    Trên đường đi chưa đến chỗ Bồ tát, hai anh vô tình lượm được bọc hành lý của ai đánh rơi liền mở ra xem. Hết sức bất ngờ trong bọc toàn là vàng, làm cho hai anh chói cả mắt. Không ngờ Bồ tát quá linh ứng. Hai anh mới ghé lại một miếu hoang gần đó nghỉ ngơi, mới cùng bàn nhau rằng: Chúng ta lượm được vàng, là nhờ Bồ tát hiện thân chỉ cho thấy, bây giờ chúng  ta phải mua gì về để cúng tạ lễ Bồ tát, anh ở lại dọn dẹp miếu sạch sẽ, còn tôi ra chợ mua đồ tạ lễ.
    Anh Bần lãnh nhiệm vụ đi chợ mua đồ về cúng tạ lễ, anh Cùng ở lại dọn dẹp miếu sạch sẽ. Trên đường đi ra chợ anh Bần chợt khởi lên lòng tham muốn quá độ, tự nghĩ rằng xưa nay gia đình mình quá nghèo khổ, nếu chia hai số vàng thì uổng biết chừng nào vì mất đi hết một nửa. Còn nếu mình hưởng trọn hết số vàng, thì ta sẽ xây nhà cao cửa rộng lớn để cho con cháu có chỗ ở đầy đủ, sau đó mở một công ty kinh doanh chắc chắn gia đình ta sẽ giàu to trong nay mai. Nghĩ vậy xong, anh Bần đắc ý liền mua một gói thuốc độc cho vào thức ăn và rượu thịt, rồi vui vẻ quay trở về miếu.
     Không ngờ anh Cùng ở lại trong lúc quét dọn miếu, cũng nỗi lên lòng tham lam quá đáng, muốn chiếm đoạt hết cả số vàng. Nên đã chủ động tìm một khúc cây lớn, núp phía sau miếu chờ anh Bần về để đập chết. Anh Bần đâu có biết tai họa sắp đến bên mình, cứ hý ha hý hửng mừng thầm trong bụng, vừa đi vừa hát nghêu ngao. Anh Bần vừa về tới miếu chưa kịp hết mừng, đã bị mấy cây gậy từ phía sau đập tới chết liền tại chỗ. Số vàng bây giờ đã nằm hết trong tay anh Cùng, anh yên chí nghĩ rằng từ sớm đến giờ chưa ăn gì sẵn có rượu thịt ở đây, mình đánh chén no say rồi hãy về nhà sau cũng không muộn gì. Nào ngờ đâu trong rượu thịt có thuốc độc, vàng chưa lấy được đã hóa ra người thiên cổ. Hai người vì lòng tham muốn quá đáng, mà cuối cùng phải chịu chết thê thảm như vậy. Thật đáng tiếc thay! Mạng người quá mong manh, vì chút vàng bạc mà ta đành lòng chôn vùi, phẩm chất nhân cách đạo đức của mình trong si mê tối tăm. Cuối cùng hai người vì tham lam quá đáng nên đành chết chung một chỗ, mà không đem theo được gì. Từ những ý niệm suy nghĩ ban đầu, ngay nơi đó chúng ta biết cách làm chủ khi còn trong trứng nước, biết dừng ngay lúc đó thì làm gì có chuyện đáng tiếc xảy ra. Đằng này hai người khi lượm được của rơi, mỗi người một nửa cùng chia nhau sống để nuôi gia đình, vậy thì tốt đẹp biết bao. Giờ hai người vì lòng tham muốn quá đáng, nên phải mang theo nghiệp giết người cướp của, một trong hai người nếu còn sống nhẹ lắm cũng bị xử lý theo pháp luật từ hai mươi năm cho đến án tử hình. Rốt cuộc vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy xác hai người vùi sâu dưới đáy mộ tham tàn. Nhưng đâu phải chết như vậy là hết, phải chịu nhiều kiếp bị giết hại trở lại, nếu được làm người thì bị quả báo bệnh hoạn và chết yểu. Cuộc sống của người ấy sau này sẽ chịu quả báo thiếu thốn bất hạnh nghèo khổ, vì làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình người thân bị mất mát và chịu nhiều thiệt thòi do không ai nuôi dưỡng. Nếu người chết là lao động chính trong gia đình, phải nuôi vợ và con, thì quả báo cho kẻ sát nhân phải chịu nhiều kiếp sinh ra, bị bỏ rơi lang thang nghèo cùng khốn khổ. Hơn nữa giết người tức là tước đoạt mạng sống và phá huỷ đi sự nghiệp của người đó bị đổ vỡ, nên quả báo nhiều đời sau của thủ phạm thường xuyên bị thất bại. Tham lam hay ích kỷ là thói quen xấu đã ăn sâu vào trong tâm khảm của mỗi chúng sinh, ai cũng muốn nắm giữ về phần mình nên không dám đem ra chia sẻ cho người khác. Người tham lam luôn co rút lại vì tâm ích kỷ của chính mình, muốn chiếm hữu nên biểu lộ hành vi đê tiện, như trường hợp của hai kẻ nghèo kia vì tham muốn quá đáng mà cả hai đều bị mất mạng.
BÀI HỌC NHỚ ĐỜI
    Câu chuyện trên là một bài học thiết thực trong cuộc đời, may mà nó chỉ là của rơi lượm được. Tiền bạc của cải là vật vô tri nó có là do chúng ta tạo ra, con người vì lòng tham không đáy nên ham muốn đủ thứ, muốn được quyền cao chức trọng, muốn được giàu sang nhiều tài sản, muốn được vợ đẹp con ngoan, muốn được sống lâu để hưởng thụ, tất cả những cái muốn đó đều được thúc đẩy bởi tâm tham lam quá đáng. Nhưng chúng ta không biết rằng muốn được nhiều tài sản của cải, thì phải biết bố thí, cúng dường hoặc giúp đỡ chia sẻ khi gặp người bất hạnh khó khăn. Không được gian tham trộm cướp lường gạt của người khác, phải tinh cần siêng năng làm việc, phải biết tiết kiệm tiêu xài đúng chỗ. Đó là những nguyên nhân dẫn đến giàu có trong hiện tại và mai sau, nhiều người không muốn gieo nhân tốt mà đòi gặt quả tốt, thử hỏi làm sao được. Khi mong muốn được thỏa mãn thì lòng tham lại càng thêm tăng trưởng và sự kiêu căng hãnh diện càng cao, có một muốn mười, có mười muốn trăm, ít ai chịu muốn ít biết đủ. Và khi có rồi lại sợ bị mất mát nên cố gắng tìm cách cất giữ do đó luôn sống trong lo âu và sợ hãi. Nhưng khi tham muốn không được như ý thì sanh tâm tức giận, phiền não trách móc đủ thứ dẫn đến không làm chủ bản thân, nên hành động xấu ác, mắng chữi đánh đập, tìm cách mưu hại người làm trái ý mình, cuối cùng mang họa vào thân. Thế giới ngày nay sở dĩ lúc nào cũng xảy ra chiến tranh, binh đao tàn sát lẫn nhau là bởi do nhân trộm cướp và giết hại mà ra. Chiếm đoạt tài nguyên để đem về phục vụ người của mình, chiếm không được thì tìm cách sát phạt triệt tiêu bằng nhiều hình thức, cuối cùng gây thù chuốc oán không có ngày thôi dứt.
   Bởi ngu si chấp ngã thấy thân này là thật ta nên muốn sự vật phải theo ý mình, nhưng chúng ta không hiểu tất cả mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này xảy ra theo luật nhân duyên và nhân quả. Đủ nhân và duyên thì cho ra kết quả, còn thiếu nhân và duyên thì quả không thể trổ. Hiện nay đa số người nghèo vì khó khăn túng thiếu nên mong muốn được giàu có mà ham mua vé số, đánh đề, cờ bạc để mong được làm giàu, nhưng rốt cuộc nghèo lại càng nghèo thêm, vì giàu đâu chẳng thấy chỉ thấy nợ nần càng thêm chồng chất. Cuối cùng túng quẫn làm chuyện không tốt, nên rơi vào cảnh tan nhà nát cửa rồi dẫn đến tù tội. Hiện tại nghèo khó là do nhiều đời trước không biết gieo nhân bố thí cúng dường, hoặc không giúp đỡ chia sẻ khi gặp người thiếu thốn, khó khăn bất hạnh. Chúng ta không gieo nhân giàu có, mà muốn được nhiều tiền của là chuyện không thể có được trong hiện tại và mai sau.                        
  Nhưng tại sao có nhiều người đang nghèo khổ túng thiếu, vẫn trúng số độc đắc và trở nên giàu có, vậy có phải là do thần linh thượng đế ban cho hay không? Theo luật nhân quả hiện tại ai giàu có là do nhiều đời trước đã từng gieo trồng phước đức như bố thí cúng dường, hoặc giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn. Quả tốt và xấu chúng ta đã gieo, dù trăm kiếp nghìn đời vẫn không bao giờ bị mất, khi hội đủ điều kiện sẽ cho ra kết quả tùy theo duyên đến sớm hay muộn mà thôi. Ai, đời này làm gì cũng được như ý muốn hết ít bị thất bại, là do nhân tốt của quá khứ chiêu cảm khi hội đủ nhân duyên. Đời sống của chúng ta là một dòng luân hồi vô tận, không phải chết là hết mà nó chỉ thay hình đổi dạng tùy theo nghiệp nhân tốt xấu của mình. Sự thay hình đổi dạng này nó diễn ra liên tục chằng chịt từ quá khứ và sẽ tiếp tục tái diễn trong tương lai. Tham sân si được xem là ba thứ phiền não lớn nhất của một con người, vì vậy chúng ta cần phải tu tập để chuyển hóa thành an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Rắn độc chỉ cắn chết một thân này, tham sân si làm cho con người mãi chịu trầm luân trong biển khổ sông mê không có ngày thôi dứt. Chúng tôi kính cẩn khuyên nhủ mọi người hãy nên chính chắn suy tư quán chiếu, để thấy rõ sự tác hại của tham sân si mà cố gắng tu tập nhằm chuyển hóa khổ đau bất hạnh, thành an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
RẮN ĐỘC HAY VÀNG
Một hôm trên đường đi hóa duyên, Phật và ngài A Nan đi qua cánh đồng ruộng bát ngát cò bay thẳng cánh. Hai người đi đến bìa rừng gần đến chỗ bờ đất sạt lở, đức Phật dừng lại hỏi ngài A Nan con có thấy gì chăng! Dạ, con thấy có một hủ vàng. Phật nói nó là rắn độc đó. Vàng làm sao độc, kính bạch đức thế tôn. Thật vậy A Nan nó là loài rắn độc rất đáng kinh sợ, người đời vì không biết nên mới bị rắn độc cắn chết. Có anh nông dân đang nhổ cỏ gần đó nghe nói, liền tò mò tìm đến. Ô, một hủ vàng đến chói cả mắt. Vàng quý giá thế này mà hai vị sa môn kia không biết dùng, mà còn cho là rắn độc. Đúng là hai kẻ ngu si, anh ta mừng rỡ ôm trọn hủ vàng vừa đi vừa sung sướng mừng thầm, a, gia đình ta sắp giàu to rồi. Sau khi đem hủ vàng về nhà rồi, anh tự nguyện rằng mãi mãi con rắn độc này sẽ cắn lấy gia đình nhà tôi. Từ một gia đình nghèo khổ thiếu trước hụt sau, bây giờ vớ được hủ vàng anh ta hãnh diện muốn chứng tỏ đẳng cấp giàu sang của mình đối với mọi người. Nên xây dựng nhà cửa khang trang, mua ruộng vườn đất đai, sắm sửa tôi tớ trâu bò ngựa xe cực kỳ sang trọng. Làng xóm ai cũng trố mắt trầm trồ ngạc nhiên, không biết vì sao gia đình anh ta đột ngột giàu nhanh như vậy? Tiếng đồn đến tai nhà vua A xà thế, vua mới cho người tới tìm hiểu nguyên nhân, anh ta ấp úng nói đông nói tây mà không dám nói ra sự thật. Vua cho là người gian, nên truyền lệnh tịch thâu hết gia sản sau đó bắt hết gia đình chờ ngày hành quyết. Trong khi bị giam trong ngục thất anh ta buồn bã khóc lóc kêu than. Ngài A Nan ơi, đúng là rắn độc rồi. Chủ ngục nghe nói vậy liền trình lên vua biết sự việc như thế. Vua mới cho người điều tra trở lại, lúc này anh ta mới khai thiệt mình lượm hủ vàng bên bìa rừng nhờ hai vị sa môn nói là rắn độc. Vua A xà thế trước kia chưa quy y đầu Phật, đã từng bắt tay với Đề bà đạt đa cướp ngôi giết cha để thống trị thiên hạ, nhưng âm mưu hại Phật không thành. Sau nhờ Kỳ bà cận thần thân tín khuyên nhủ động viên vua đến gặp Phật thiết tha cầu sám hối và được Phật chỉ dạy tường tận nhân quả công bằng. Vua phát nguyện quy y Tam bảo hộ trì Phật pháp giúp dân chúng an cư lạc nghiệp theo tinh thần lánh ác làm lành.
NHÀ VUA PHẬT TỬ
Vua A xà thế nhờ quy y đầu Phật, nên cho thả hết gia đình anh nông dân và khuyên họ, làm phước cúng dường tu theo lời Phật dạy. Câu chuyện trên có ẩn ý bên trong người có tu có học mới thấy hết giá trị của lời Phật dạy. Tại sao khi Phật thấy hủ vàng mới chỉ cho ngài A nan, rồi nói nó là rắn độc. Đâu phải bỗng nhiên khi không mà Phật muốn nói như vậy, vì Phật biết được chuyện sắp xảy ra đối với người nông dân kia và cũng là phương tiện khéo léo để chuyển hóa lòng tham của con người. Tôi giả sử nếu như chúng ta bắt gặp hủ vàng đó, nếu là Phật tử chân chánh dù không tham lấy cho riêng mình, cũng lấy về để giúp đỡ người khác. Như vậy thì đâu có tội tình gì? Của rơi không có chủ mình lượm được đâu có ăn cắp của ai đâu, đó cũng là phước báo nhiều đời đã gieo trồng ngày nay đủ nhân duyên thì được hưởng. Ông Chú Hỏa ngày xưa nghèo rớt mồng tơi đi mua ve chai dạo, mua nhằm sợi dây xích vàng mấy chục ký trở thành triệu phú. Những việc may mắn như vậy đâu phải không có nguyên nhân, vì chúng ta nhiều đời đã từng làm phước giúp đỡ, gieo nhân tốt thì được quả tốt nó chỉ đến sớm hay muộn mà thôi. Tiền bạc vàng ròng nó là phương tiện để con người sinh sống, nếu chúng ta biết xử dụng đúng pháp thì sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người, bằng ngược sẽ làm tổn hại cho chính mình hoặc người khác. Gia đình anh nông dân kia từ xưa nay nghèo xơ, nghèo xác thiếu trước hụt sau. Đùng một cái nhà cao cửa rộng ruộng vườn tôi tớ trâu bò đầy nhà, hỏi sao nhà vua không nghi ngờ. May mà ông vua này đã quy y đầu Phật biết được đạo lý làm người nên dễ dàng thông cảm và tha thứ. Nếu gặp ông vua tham tàn, thì gia đình anh nông dân sẽ gặp họa chết người như chơi. Người xuất gia theo quan niệm ngày xưa chỉ được sử dụng ba y một bình bát, không được ở lâu một chỗ vì sợ dính mắc đắm nhiễm cho nên không được quyền giữ tiền bạc. Do đó tiền bạc đối với người xuất gia nó như loài rắn độc, chính nhờ vậy mà người tu ngày xưa tu hành mau có kết quả, chúng ta thường xuyên quán chiếu về sự chết, khi đó đâu có ai mang theo được thứ gì, vì vậy tham đắm, dính mắc làm chi để dẫn đến phiền muộn khổ đau. Thế gian ai cũng cần phải có tiền bạc để bảo đảm nhu cầu sự sống, nhưng đồng tiền làm ra phải chân chánh bằng mồ hôi nước mắt của chính mình. Gia đình anh nông dân kia đang nghèo xơ nghèo xác, bỗng dưng giàu có làm sao mà không bị nghi ngờ cho được. Thay gì anh ta khôn khéo gầy dựng từ từ, đằng này vì muốn chứng tỏ đẳng cấp giàu sang của mình với thiên hạ do đó mới gặp tai họa. Anh ta và gia đình thoát khỏi tội chết là nhờ A xà thế là ông vua Phật tử, đã có niềm tin không thối chuyển với Phật pháp. Có một điều chúng ta cần phải học hỏi ở đây là sau khi tha tội chết cho gia đình anh nông dân, sau khi trả lại hết gia sản nhà vua còn khuyên nhủ gia đình quy y Tam bảo hướng về Phật pháp, phát nguyện gìn giữ năm điều đạo đức, khích lệ cúng dường người tu hành chân chánh và thường xuyên giúp đỡ người nghèo khổ bất hạnh. Ngày nay có nhiều trẻ em chưa làm gì đã được thừa hưởng cả một gia tài kết sù, đâu có chuyện gì là bỗng nhiên khi không hoặc do đấng tối cao nào ban cho. Chính chúng ta đã gieo trồng phước đức trong nhiều kiếp về trước, cho nên bây giờ được thừa hưởng mà không cần phải làm lụng nhọc nhằn vất vả, nhân quả rất công bằng và bình đẳng khi hội đủ nhân duyên, hội đủ điều kiện. Biết vậy người con Phật cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, trong việc làm phước cúng dường hoặc mở rộng tấm lòng tùy hỷ giúp đỡ người khó khăn bất hạnh, tùy theo khả năng của mình. Tuy nhiên có phước thì đời sống vật chất sung túc đầy đủ, nhưng thiếu tu thì không có trí tuệ nên phải chịu nhiều phiền muộn khổ đau trong cuộc đời. Khổ vì người thương mất mát mà phải chịu xa lìa, khổ vì không ưa mà phải gặp nhau hoài, khổ vì mong cầu mà không được như ý muốn và còn rất nhiều nỗi khổ khác nếu ta không biết tu tập hành trì. Người Phật tử tại gia muốn quân bình phước huệ song tu không phải là chuyện đơn giản dễ dàng, vì còn phải có bổn phận trách nhiệm đối với gia đình, vuông tròn mọi việc trong xã hội và còn phải làm hậu cần để hộ trì Tam bảo quả thật là điều rất khó khăn. Phải là những vị Bồ tát luôn mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn, với tinh thần vô ngã vị tha, biết bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ, mới có thể dung hòa mọi việc một cách tốt đẹp. Thật ra trong cuộc sống này, không có việc gì mà ta không thể làm được, chỉ sợ mình không đủ ý chí nghị lực dũng mãnh, để vươn lên làm mới chính mình, làm đẹp cuộc đời.
Tóm lại câu chuyện trên Phật dạy cho chúng ta một bài học thiết thực trong cuộc đời qua mấy ý sau:
_ Đối với người xuất gia trong thời Phật còn tại thế, xã hội lúc đó chỉ chấp nhận người tu phải lìa bỏ tất cả mọi phương tiện vật chất chỉ sống tùy duyên nhờ đàn na tín thí cúng dường không được ở một chỗ quá ba ngày vì sợ đắm nhiễm dính mắc, cho nên Phật dạy người tu giữ tiền bạc như nuôi rắn độc trong nhà có ngày bị rắn cắn. Người tu cũng vậy nếu cất giữ tiền bạc khó buông xả tâm tham lam, do đó không đạt được sự giác ngộ giải thoát. Đây là nói theo quan niệm khi xưa, còn bây giờ thì sao? Người tu sĩ thời nay phải ở chùa thọ nhận sự cúng dường và cần có tiền để đi học, ngoài ra còn phải phát triển sâu rộng mở mang hoằng pháp và từ thiện cùng gánh vác và chia sẻ với xã hội phần vật chất lẫn tinh thần, nhằm đem tình thương đến với mọi người và sẵn sàng san sẻ giúp đỡ người thiếu may mắn để góp phần làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Do đó người tu sĩ trong thời hiện đại sau khi thọ giới Tỳ kheo đồng thời thọ giới Bồ tát, trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh, cũng cần phải có phước báu mới có thể giúp đỡ được nhiều người.
_ Đối với mọi người trên thế gian, Phật khuyên nhủ phải biết sử dụng đồng tiền đúng cách không quá phung phí xa xỉ. Sở dĩ đời này chúng ta giàu sang nhiều tài sản tiền bạc, là do nhiều đời biết làm phước giúp đỡ nhiều người. Cho nên làm phước thì được phước, hưởng phước thì hết phước, người khôn ngoan hãy sáng suốt chọn lựa để được phước mãi mãi. Ngược lại, Phật dạy tất cả mọi người chúng ta cũng không nên quá tham lam ích kỷ, bỏn xẻn keo kiệt để chất chứa về cho mình quá nhiều, mà không giúp đỡ được gì cho ai hết, vô tình làm cho người giàu và người nghèo càng thêm xa cách.
_ Người nông dân kia không phải bỗng dưng vô cớ mà lượm được vàng, nếu nhiều đời không gieo nhân giúp người cứu vật, thì làm sao được may mắn như thế. Nhưng do sĩ diện bản ngã muốn khoe khoang đẳng cấp giàu sang của mình, nên cả gia đình mới gặp tai nạn như thế. Nếu thật sự gia đình anh ta không gieo nhân làm phước nhiều đời, thì cả nhà anh chắc đã bị hành hình rồi, vì luật nhân quả rất công bằng và bình đẳng. Nhờ cộng duyên tốt gặp vua là đệ tử Phật và phước của anh đã gieo trồng thật sự nên không bị vua quan tước đoạt, chính vì vậy người có phước có phần không cần gì lo, là nhờ luật nhân quả luôn âm thầm tác động chi phối khi hội đủ nhân duyên. Ngược lại, của cải không do mồ hôi nước mắt mình tạo ra dù có muốn gìn giữ cách mấy cũng không thể được, nó sẽ từ từ đội nón ra đi bằng nhiều hình thức, đó là một sự thật không thể chối cãi được. Phật dạy sự sống của muôn loài muôn vật trên thế gian này đều phải nương nhờ lẫn nhau, không có sự vật nào đứng riêng một mình mà có thể bảo tồn sự sống. Ai cực nhọc cày sâu cuốc bẩm để cho ta có chén cơm ăn, ai ra công dệt vải giết hại loài tầm để chúng ta có quần áo mà mặc và còn nhiều thứ khác nối kết đan xen lẫn nhau để cùng nhau duy trì sự sống. Do đó Phật dạy, đã làm người trên thế gian này chúng ta luôn sống có trách nhiệm, bổn phận giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần biết ơn và đền ơn. Ai có suy nghĩ và thường xuyên quán chiếu như vậy, rồi đem áp dụng vào trong đời sống hằng ngày, đó mới là người Phật tử chân chính. Ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn đất nước, ơn tất cả chúng sinh và mọi vật thể trong bầu vũ trụ bao la này, cho nên chúng ta cần phải có trách nhiệm bổn phận thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, trên tinh thần tình người trong cuộc sống.   
THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI TRONG KINH DOANH
    Có một bài pháp Phật nói trong kinh do ngài Xá lợi phất thưa hỏi, nguyên nhân nào dẫn đến một người mua bán thành công và thất bại.
    Phật dạy, này Xá lợi phất ông nên biết có người cư sĩ đi đến chỗ các thầy Tỳ kheo và hứa hẹn như sau: Dạ thưa các thầy, các thầy còn thiếu nhu cầu gì con sẽ đóng góp ủng hộ cho và sau khi hứa hẹn rồi, mà không làm như lời đã hứa. Do nhân duyên đó sau này người ấy có mua bán làm ăn gì cũng đều bị thất bại hết.
    Nếu người ấy đóng góp ủng hộ như lời đã hứa, sau này nếu có mua bán làm ăn gì cũng đều thành công như ý muốn. Và người ấy đóng góp ủng hộ nhiều hơn những gì đã hứa, nếu mua bán làm ăn gì đều thành công ngoài sức tưởng tượng của mình.
 Khi ai đó được hứa hẹn giúp đỡ một điều gì, họ sẽ hy vọng trông chờ ân nhân của mình như một vị cứu tinh, bao nhiêu niềm tin họ mong đợi khắc khoải vì sắp có niềm vui từ lời hứa hẹn. Nhất là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, họ mong mỏi mừng thầm và cảm thấy hạnh phúc. Nhưng người hứa rồi không thực hiện làm cho người được hứa phải chờ đợi, thất vọng, buồn bã, khổ đau. Con người ở đời sống có nghĩa tình với nhau, thường không bao giờ thất hứa với ai một điều gì dù đó là việc nhỏ. Sự hứa hẹn là điều tự nguyện chớ không ai bắt buộc chúng ta, vì thế mỗi người hãy nên tập thói quen giữ đúng lời hứa. Không ai bắt buộc chúng ta hứa hẹn hay giúp đỡ cho ai vấn đề gì đó, nếu đã hứa rồi thì phải cố gắng làm cho vuông tròn. Bởi vì người được hứa họ đang hy vọng mong mỏi trông chờ và sẽ trở nên tuyệt vọng, khi bị người hứa không thực hiện được. Trong cuộc sống của chúng ta, hình như có nhiều chuyện rất là vô lý nhiều người làm chơi mà ăn thiệt, họ không phải nhọc nhằn ra công tốn sức nhưng hiệu quả thu về rất cao. Nhiều người cứ nghĩ rằng có sự bất công trong xã hội, thật tế mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó chứ không có chuyện ngẫu nhiên hoặc một đấng quyền năng nào đó sắp đặt. Tất cả đều do luật nhân quả tác động và âm thầm chi phối, bởi hành vi giúp đỡ kẻ khác trong quá khứ quá nhiều. Hiện tại chúng ta không biết bố thí, cúng dường, làm những đều thiện ích để giúp đỡ nhân loại tuỳ theo khả năng của mình, thì bất hạnh và khổ đau sẽ luôn có mặt trong hiện tại và mai sau. Thế giới ngày nay càng có nhiều người tin sâu nhân quả hơn, chính vì vậy họ sẽ sống đạo đức hơn, mở rộng tấm lòng từ bi hơn, họ sống đơn giản hơn, giảm bớt các nhu cầu không cần thiết để có đủ điều kiện san sẻ nhiều hơn. Lời hứa rất quan trọng, khi hứa hẹn với ai một điều gì, nhất là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Một người hàng xóm vừa bị tai nạn cháy nhà đang sống cảnh màng trời chiếu đất, chúng ta vì động lòng thương xót nên đã hứa hẹn đem số tiền dư của mình tích luỹ bấy lâu nay, để giúp cho người ấy có được mái nhà che nắng che mưa. Khi hứa với ai điều gì, gia đình họ sẽ trông chờ hy vọng vị ân nhân của mình như con trẻ chờ mẹ đi chợ về để có quà ăn. Bao nhiêu niềm tin tưởng họ chỉ trông đợi vào đấy, nếu chúng ta thất hứa sẽ làm cho họ khổ đau nhiều hơn. Cho nên trước khi hứa hẹn với ai một điều gì, chúng ta hãy nên xem xét kỹ lưỡng coi mình có đủ khả năng thực hiện lời hứa ấy hay không? Đừng hứa giựt le trước mặt mọi người làm như vẻ ta đây là người giàu có, để người được hứa họ bị thất vọng. Và chính lời hứa suông đó đã làm cho người khác mất niềm tin, đau khổ tuyệt vọng, do đó trong hiện tại và mai sau chúng ta mua bán làm ăn gì cũng đều bị thất bại.
CHỮ TÍN TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY
Ngược lại, hứa giúp người khác như đã hứa hoặc giúp nhiều hơn như đã hứa hẹn làm cho người đó vui mừng và hạnh phúc. Nhờ vậy sau này người đó biết ơn và đền ơn người bằng cách sẵn sàng giúp đỡ, san sẻ khi gặp người hoạn nạn khó khăn. Do việc làm tốt đẹp đó nên hiện đời làm ăn mua bán gì cũng đều thành công ngoài sức tưởng tượng của mình, làm chơi mà ăn thiệt. Nếu chúng ta hiện tại hay biết bố thí, cúng dường hoặc thường xuyên giúp đỡ tài vật cho người bất hạnh, để người có cái ăn cái mặc và sự hiểu biết về chân lý cuộc đời, tin sâu nhân quả. Trong tương lai người này thường xuyên gặp nhiều may mắn một cách kỳ lạ đến không thể ngờ, mà không phải hao hơi tốn sức nhiều như trúng số, kinh doanh lời quá nhiều ngoài dự tính và có thể kế thừa gia tài của người khác. Vô số trường hợp đặc biệt không làm mà vẫn hưởng các chế độ ưu đãi, là nhờ quả báo của sự biết gieo trồng phước đức giúp đỡ nhiều cho nhân loại. Còn số đông thì phải làm việc nhọc nhằn lao nhọc, mới có cái ăn cái mặc, nhưng chưa hẳn đã được cơm no áo ấm. Người thời nay sở dĩ thành công ngoài khả năng và dự tính của mình, không phải bỗng dưng, khi không mà có được hay ai đó có đủ khả năng ban phước giáng hoạ. Tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của nó, làm phước được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau và nhân quả tốt xấu khi đã gieo chỉ đến sớm hay muộn mà thôi khi đủ nhân duyên. Cúng dường hay giúp đỡ chia sẻ là một việc làm thánh thiện, chỉ có những ai có tấm lòng từ bi cao cả mới dám làm những việc lợi ích như thế.
Tóm lại, bài kinh này Phật nhắc nhỡ và khuyên nhủ mọi người chúng ta “ chữ tín ” rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Con người vì tham đắm mê muội nên mới tìm cách gian dối lường gạt để đem về lợi dưỡng cho mình, đó là tâm niệm của đa số chúng sinh. Còn chúng ta là người con Phật khi đã hứa hẹn để giúp đỡ cho ai một cái gì đó, phát xuất từ tấm lòng từ bi của chúng ta đâu có ai bắt buộc mình phải làm vậy. Nhưng khi đã hứa hẹn với ai điều gì thì người đó sẽ tin tưởng hy vọng chờ đợi mong mỏi, nhất là những người có hoàn cảnh bất hạnh khó khăn. Như gia đình anh Hai vừa bị hỏa hoạn thiêu rụi hết căn nhà, mọi người đều đang sống cảnh màn trời chiếu đất. Chúng ta vì lòng thương xót muốn giúp đỡ cho gia đình anh Hai, nên đã hứa cho mượn tiền để xây lại căn nhà. Nhưng hứa xong chúng ta không giúp như đã hứa, vì chỉ hứa suông để giựt le với mọi người, làm cho gia đình anh Hai phải thất vọng buồn phiền khổ đau, đó là nhân dẫn đến mai sau nếu chúng ta có mua bán làm ăn gì cũng đều bị thất bại hết. Ngược lại, như chúng ta đã hứa hoặc giúp nhiều hơn lời hứa làm cho mọi người được an vui hạnh phúc thì sau này chúng ta làm chơi mà ăn thiệt vì nhân quả rất công bằng đó là một sự thật, làm phước thì được phước, hưởng lộc thì hết lộc. Người khôn ngoan thì phải biết gieo trồng tích lũy phước đức mãi mãi, giống như người có tiền gửi ngân hàng, khi cần thì rút ra xài lúc nào cũng được.
VUA VÀ CON NGƯỜI
Một vị lãnh đạo đất nước muốn giúp dân chúng an cư lạc nghiệp, có được cơm no áo ấm và sống an vui hạnh phúc trên tinh thần vô ngã vị tha, phải là người có nhân cách đạo đức phẩm chất cao thượng và nhiều tình thương nhất. Tình thương là nền tảng lâu dài, là sự duy trì nòi giống của con người. Tất cả sự phát triển đổi mới nhằm phục vụ nhân loại chuyển hoá và thăng hoa đời sống. Chùa chiền, trường học, các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề nghiệp cũng chỉ để phục vụ cho con người, nâng cao hiểu biết, nâng cao đời sống vật chất nhằm để đạt được an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Phát triển quá nhanh trong khi con người chưa đủ khả năng nhận thức sáng suốt, để theo kịp cái đà tiến hoá của xã hội, do đó dễ phát sinh nhiều tệ nạn phi pháp. Mục đích giáo dục sản xuất kinh doanh nhằm để đóng góp và phục vụ cho con người, nhưng không khéo con người sẽ bị nô lệ vật chất. Chính vì thế người ta phải làm quần quật suốt ngày đêm để được hưởng thụ những nhu cầu vật chất. Cuối cùng con người phải lệ thuộc vào đời sống vật chất mà càng ngày làm mất đi tình yêu thương của nhân loại. Ông bà cha mẹ con cái người thân, không có cơ hội để ngồi lại bên nhau, cùng tâm tình, cùng trau đổi, cùng sẻ chia, cùng yêu thương, cùng hiểu biết, cùng cảm thông những nỗi khổ niềm đau. Chính vì vậy mà tình người, tình nhân loại, tình chúng sinh càng ngày càng xa cách, cả ba thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái, nó không còn là sợi dây thiêng liêng để thật sự kết nối yêu thương. Phát triển chậm chắc bền theo căn cơ nhận thức của con người và biết kết hợp thêm đời sống tâm linh, con người sẽ sống có tình thương nhiều hơn, con người sẽ cạnh tranh về trách nhiệm giáo dục với mục đích nâng cao trình độ hiểu biết chân chánh, để giúp cho con người hoàn thiện chính mình về nhân cách phẩm chất đạo đức. Kinh Phật dạy:
 Một vị lãnh đạo đất nước nếu người ấy không có nhân cách đạo đức tốt và tất cả những người phụ tá cũng lại như thế. Những người dân sống ở thành thị phố xá và các làng quê xa xôi hẽo lánh luôn gieo các nghiệp xấu ác nhiều. Thì bắt đầu mặt trời mặt trăng đi sai quỷ đạo làm thời tiết thay đổi bất thường, do đó làm xáo trộn đời sống an sinh xã hội, sự gieo trồng mùa màng bị thất bát, không đạt hiệu quả có khi bị mất trắng do hạn hán kéo dài, hoặc bị mưa gió bão bùng lũ lụt cuốn trôi. Khi ấy con người phải dùng những phương tiện thiện xão để tăng nâng suất mới đủ sức phục vụ cho nhân loại. Vì vậy con người càng ngày tuổi thọ càng ngắn hơn, dung mạo xấu xí, sức khoẻ bị giảm sút và con người nhiều bệnh tật hơn.
Ngược lại, một vị lãnh đạo cùng với tất cả mọi người có ý thức hiểu biết đúng đắn, luôn sống có nhân cách đạo đức, luôn sống có tình thương với người và vật, sống đơn giản và muốn ít biết đủ, thì tuổi thọ con người sẽ được dài lâu, hình tướng đẹp đẽ trang nghiêm, có sức mạnh sức khoẻ tốt ít não ít bệnh tật. Phật nói xong tóm lại bằng bài kệ:
 Cả đoàn người đi rừng,
 Người hướng dẫn đi lạc,
 Cả đoàn đều đi theo,
 Do không biết lối đi,
 Cũng tương tự như thế,
 Người lãnh đạo đất nước,
 
 Sống tham dục quá đáng,
 Mọi người cùng làm theo,
 Cả nước bị khổ đau.
 Người đứng đầu một nước,
 Có nhân cách đạo đức,
 Có tình thương chân thật,
 Có thương yêu hiểu biết,
 Hay khuyên nhủ mọi người,
 Cùng thực hành làm theo,
 Cả nước được an vui,
 Sống an lạc thái bình.
Đây là một bài pháp thoại Phật nói chung về nghiệp báo của một đất nước, trong đó có nghiệp chung và nghiệp riêng. Không phải khi không tự nhiên mà chúng ta được sinh ra và sống chung một đất nước để chịu chung một hoàn cảnh nào đó. Một người được làm vua hay là người lãnh đạo của một đất nước, tức đã tích luỹ quá nhiều phước báo, nên đời này mới có nhân duyên với nhiều người. Lịch sử nhân loại từ thời xa xưa cho đến nay vì quan niệm có một đấng sáng tạo, nên các vị vua theo thể chế phong kiến độc tôn, tự xưng mình là con đấng tối cao để trị vì thiên hạ. Đa số các vị vua đều hôn quân vô đạo, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều vị vua minh quân chính trực. Và đất nước đó có an lạc thái bình hay không, cũng đều ảnh hưởng đến cách thức làm việc của vua. Vua hay người lãnh đạo rất quan trọng, có thể làm cho đất nước thịnh vượng hay suy tàn. Một ông vua chỉ biết vui chơi hưởng thụ cho riêng mình, suốt ngày chỉ đam mê tửu sắc giao quyền hành hết cho các quan lại mà không kiểm tra để chúng mặc tình thao túng muốn làm gì thì làm. Người có quyền lực thì ăn trên ngồi trước thê thiếp đầy nhà sống một đời vương giả, vua quan đã vậy thì dân chúng cũng bắt chước làm theo luật pháp lỏng lẽo, con người tha hóa, suy đồi nhân cách, giết hại vô cớ, phá hủy thiên nhiên, con người sống với nhau không có tình yêu thương chân thật, không biết kính trên nhường dưới, không biết san sẽ giúp đỡ khi gặp người bất hạnh. Trên thì vơ vét bóc lột đem về cho mình, dưới thì mặc tình thao túng kích thích lòng dân vui chơi sa đọa, phá hủy thiên nhiên, làm cho đất nước bị cạn kiệt tài nguyên một cách vô lý do đó thời tiết thay đổi bất thường làm xáo trộn đời sống an sinh xã hội. Từ vua chúa quan quyền cho đến các thứ dân bần cùng đều vui chơi hưởng thụ, đây là nghiệp chung của sự suy đồi nhân cách hỏi làm sao chẳng tan thành mất nước. Do cộng nghiệp xấu này mà cả nước phải chịu nhiều bất hạnh khổ đau. Mọi hiện tượng sự vật trong bầu vũ trụ bao la này được kết hợp hài hòa do nhiều yếu tố hợp thành, theo nguyên lý duyên khởi “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”. Nhưng do sự phát triển của loài người càng ngày càng đông, việc khai thác phá hủy tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, để phục vụ cho nhu cầu sự sống của nhân loại. Chính vì thế mà thời tiết thay đổi làm ảnh hưởng xấu đến việc gieo trồng lúa, các loại hoa màu là nguồn lương thực chính để cung cấp cho con người. Sự cuồng nộ của thiên nhiên làm hạn hán kéo dài, rồi tình trạng mưa gió bão bùng dẫn đến lũ lụt cuốn trôi tàn phá xóm làng nhà cửa, làm thiệt hại con người và hoa màu các loại. Người không hiểu, không biết, thì cho rằng ông trời đang trừng phạt con người, ông trời ở đây là chỉ cho luật nhân quả luôn âm thầm chi phối tác động, từ nạn phá hủy rừng một cách bừa bãi làm cho thời tiết thay đổi bất thường. Con người vì lòng tham quá đáng nên đã tìm đủ mọi cách nâng cao đời sống cho nhân loại, chính vì thế vô tình hủy diệt muôn loài muôn vật.
Tóm lại, một đất nước được coi là văn minh tiến bộ thì con người phải có tình yêu thương chân thật, biết san sẻ và giúp đỡ lẫn nhau tùy theo khả năng, hạn chế tối đa việc giết hại, không trộm cướp lường gạt của nhau, không phá hủy hạnh phúc gia đình người khác, không nói dối hại người, không nói lời ác độc và không uống rượu say sưa hoặc dùng các chất kích thích như xì ke ma túy làm hại mình, hại người. Không khai thác phá hủy thiên nhiên một cách quá mức, bừa bãi để làm tổn hại cho muôn loài. Một người lãnh đạo hay là một người dẫn đường, phải luôn sáng suốt và thật sự có tình thương đích thực, mới có đủ năng lực điều hành xã hội. Vì thế, mỗi ngày chúng ta cần phải mở rộng tấm lòng từ bi, rải tâm tình thương và thường xuyên quán chiếu nơi thân khẩu ý của chính mình, để mọi người sống với nhau có hiểu biết và thương yêu hơn, chúng ta sống với nhau có hòa bình và thật sự có niềm vui nơi tâm mỗi người.
NGU SI CHẤP THÂN LÀM NGÃ
    Do vô minh che lấp nên ngu si mê muội chấp thân này làm ta, chấp tâm suy tư nghĩ tưởng là mình, từ đó thấy biết sai lầm mà gieo tạo các nghiệp thiện ác. Chấp thân này làm ta, là bệnh thông thường của tất cả mọi người trên thế gian. Chấp tâm này làm ta là các vị tu hành theo quan niệm thần ngã, thấy có một vị chủ tể cố định ban phước giáng họa như đa thần giáo.
    Tất cả phàm phu đều chấp thân này làm ngã nên thấy nó thật, nó lâu dài, nó cao quý, rồi đam mê đắm say tham lam vì nó, nhất là những người có quyền cao chức trọng. Từ đó, thấy mình là ta, là của ta, thấy mình là trung tâm của vũ trụ nên làm cái gì cũng vơ vét về cho ta và của ta, ai làm trái ý thì sinh thù hận tìm cách hủy diệt triệt tiêu. Thế giới Ta bà từ khi con người có mặt, bởi do lầm chấp thân này là thật, nên đã nhẫn tâm tranh giành giết hại lẫn nhau để giành quyền lợi về cho mình. Lịch sử nhân loại đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ ràng như thế. Trái đất này không của riêng ai, là cộng nghiệp chung của tất cả chúng sinh, vì thế con người cần phải ngồi lại bên nhau để tìm ra biện pháp tốt đẹp nhất, nhằm giúp cho nhân loại đoàn kết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã vị tha.
    Nếu mỗi con người thường xuyên quán niệm về thân, để biết rõ được bản chất thật hư của nó thì thế giới này sẽ không bao giờ xảy ra khủng bố chiến tranh, binh đao, sóng thần động đất, gây đau thương tang tóc cho nhiều người. Theo triết học Phật giáo, tất cả mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này đều không có một chủ thể cố định. Chỉ có cái này như thế này, thì cái kia như thế kia, nó nương tựa vào nhau theo nguyên lý duyên khởi mà thành trụ hoại không hoặc sinh trụ dị diệt. Vậy thân này có thật là ta không? Xin mời tất cả các bạn hãy cùng tôi khám phá thân này.
    Theo lời Phật dạy, phải hội đủ ba yếu tố mới có thân này. Thứ nhất là tinh cha, thứ hai là huyết mẹ, thứ ba là thần thức của một chúng sinh. Ba yếu tố này đồng thời gặp nhau cùng một lúc, khi đủ nhân duyên sẽ tạo ra một thân mới. Khi người cha giao hợp với người mẹ, tinh trùng của người cha xuất ra (dương) và hòa hợp với noãn bào của người mẹ (âm). Do âm dương hiệp nhau cùng với thần thức của một chúng sinh, tạo thành sức mạnh tác động đến chu kỳ thọ thai của người mẹ mà tạo ra thân mới. Khi còn trong bụng mẹ, thai nhi ngày càng lớn dần nhờ thức ăn uống do người mẹ đưa vào mỗi ngày, cho đến khi đủ chín tháng mười ngày thì đến ngày sinh nở. Từ khi đứa bé mở mắt chào đời, sống được là nhờ bầu vú mẹ cho con dòng sữa ngọt ngào, cho đến khi biết lật, biết trường, biết bò, biết đòi ăn, biết nói bập bẹ, biết đi rồi biết kêu cha mẹ từng tiếng đều là vay mượn và huân tập từ bên ngoài. Đã là vay mượn thì làm gì có chủ thể cố định, cái gì là thật thì trước sau như một, không thay đổi biến dạng theo thời gian vậy mà ai cũng lầm chấp thân này là ta, là của ta, từ đó sinh ra tranh chấp hơn thua giành phần thắng về mình. Thân này được sống còn là do tứ đại bên trong hòa hợp với tứ đại bên ngoài để cùng nhau nuôi dưỡng. Tứ đại gồm có đất nước gió lửa, như chất cứng trong người gọi là đất, chất lỏng gọi là nước, sự hoạt động của cơ thể gọi là gió và nhiệt độ nóng trong con người gọi là lửa. Rồi hằng ngày phải vay mượn thức ăn thức uống đưa vào, sáng đem vô chiều đưa ra cứ như thế từ ngày này qua tháng nọ, chúng ta chỉ làm một việc vay mượn liên tục đưa vô, trả ra. Nhưng nếu lỡ đưa vô mà không trả ra thì sao? Thì phải tìm cách uống thuốc cho nó tiêu hóa, bằng không thì phải giải phẩu. Thân này sống được là nhờ bốn chất tứ đại (đất, nước, gió, lửa) bên ngoài hằng ngày cũng phải đưa vào bốn chất trên, nhưng nếu đưa vào không đều thì làm cho tứ đại bất an, sinh ra đủ thứ chứng bệnh. Người hay bị cảm lạnh nhiều sinh đau nhức, là do trong người chất gió quá mạnh, gió thổi thì đất phải rung rinh. Người hay nóng sốt là trong người nhiều lửa, cho nên phải kiếm cái gì mát đưa vào cho nó quân bình lại. Cứ như thế chúng ta cứ mãi điều hòa thân tứ đại này cho nó quân bình thì không bệnh, cho đến khi trong người không còn thân nhiệt và sự hoạt động của gió, thì thân tứ đại này sẽ tan rã hay còn gọi là chết. Và chết không phải là hết, mà là một sự thay hình đổi dạng tùy theo việc làm trong hiện tại tốt hay xấu mà có thân mới tương xứng như vậy. Phật dạy có thân thì phải sinh, già, bệnh, chết cho nên con người muốn sống lâu thì phải luyện trường sinh bất tử để duy trì đời sống được dài thêm. Nhưng cuối cùng rồi ai cũng phải chết vì bệnh, từ xưa tới nay chưa ai có thân mà không chết bao giờ. Chính Phật Thích ca cũng phải xả bỏ thân này năm 80 tuổi. Cái gì thật thì trước sau như một, không biến đổi theo thời gian, dù trái đất này có hoại nhưng cái đó không hoại. Còn thân này do nhân duyên hòa hợp nên vô thường bại hoại, khi đủ duyên thì có thân này, khi hết duyên thì chuyển sang đời khác. Chúng ta thường xuyên quán chiếu thân này như thế, để không cố chấp dính mắc vào cái thấy sai lầm mà làm tổn hại tất cả chúng sinh. Cái lầm thứ nhất của phàm phu, thân này hòa hợp vay mượn không có chủ thể cố định, mà lầm nhận là ta, là mình. Cái lầm thứ hai là thân này vay mượn hằng ngày, miệng thở ra mà không thở vào coi như không còn vay mượn hơi thở nữa chỉ trong tích tắc là chết ngay, vậy mà ai cũng lầm chấp rằng mình sẽ sống lâu dài. Bởi hai cái lầm này mà con người phải chịu khổ đau luân hồi vô số kiếp không có ngày cùng. Như có ông già kia đã trên 80 tuổi rồi, Phật biết được nhân duyên tuổi thọ của ông sẽ mãn phần trong chiều hôm đó. Vì thương xót cho ông lão, nên Phật đến chỗ ông đang cất nhà và tìm cách khuyên nhủ để ông thức tỉnh hồi đầu. Nhưng ông già cứ mải mê chỉ dẫn đám thợ, mà không nghe lời khuyên của Phật. Ông lão nói rằng hôm nay tôi bận quá, phiền ngài nói tóm lại bằng bài kệ để khi nào lão không còn bận bịu công việc nhà nữa, sẽ đem ra thực hành. Đức Phật nói về bài kệ vô thường để nhắc nhỡ ông lão tỉnh giác. Ông lão miệng tuy khen bài kệ rất hay, nhưng hẹn Phật dịp khác rảnh rỗi sẽ tham khảo. Sau đó Phật trở về tịnh xá. Buổi chiều một số tịnh nhân cư sĩ đến báo với Phật rằng, ông lão đã bị cây kèo đập vào đầu chết liền tại chỗ. Bởi do lầm chấp thân này sống lâu nên các phàm phu tục tử, cứ mãi bận rộn hết chuyện này đến việc kia mà chẳng lo tu tập để chuyển hóa các phiền não khổ đau, từ chỗ lầm chấp thân này là ta, là của ta. Như ông già đó, Phật biết được nhân duyên của ông ta nên đến khuyên nhủ tìm cách giúp cho ông thức tỉnh hồi đầu, nhưng ông chẳng chịu nghe cuối cùng bị cây đập đầu chết. Chết trong tiếc nuối khi việc làm còn đang dỡ dang, như trường hợp của ông lão rất khó mà đầu thai, nhiều khi thần thức phải vất vơ, vất vưởng, quanh quẫn đâu đó vì tiếc nuối việc làm của mình chưa xong. Phật đã biết trước được việc sắp xảy ra, nhưng vẫn không cứu được ông lão. Như vậy là Phật quá dỡ hay sao? Chúng ta nên biết, Phật chỉ là vị thầy hướng dẫn còn làm được hay không là do người đó quyết định, Phật không phải là người ban phước giáng họa, chúng ta cần phải thấu đáo chỗ này kẽo nhầm lẫn với các học thuyết thần ngã. Thân vô thường bại hoại mà chúng ta cứ lầm chấp thân này là ta, là của ta, để rồi tạo nghiệp thọ khổ làm hại cho nhau.
   Hầu như tất cả mọi người trên thế gian này đều tự xưng là tôi, là ta, là mình, nhưng chẳng ai biết rõ ràng cái gì là tôi, là ta, là mình ở đâu. Nếu nói cái thân năm bảy chục ký lô này là tôi, là ta, là mình, nhưng xét cho cùng nó sống nhiều lắm là một trăm năm rồi cũng phải chết. Vậy khi đó thân xác thúi này là tôi phải không, làm sao phải được. Bởi thân này do nhân duyên hoà hợp nên nó vô thường bại hoại, đủ duyên thì có thân này hết duyên thì thay hình đổi dạng chuyển sang đời khác. Chính vì thế nên nó sinh già bệnh chết, vậy mà ai cũng lầm chấp rằng thân này là ta, là tôi, là mình để rồi làm tổn hại cho nhau.
NGU SI CHẤP TÂM LÀM NGÃ
   Chấp tâm làm ngã là căn bệnh thâm căn cố đế của mọi người, cho nên ai cũng thừa nhận cái hay suy tư, nghĩ tưởng, phân biệt, nhận thức, cảm thọ làm tâm mình. Có người nói rằng tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu, vậy những lúc không suy nghĩ là ai, chẳng lẽ mất mình hay sao? Cái hay suy tư nghĩ tưởng có cả trăm ngàn thứ, buồn thương giận ghét phải quấy tốt xấu hơn thua đúng sai thiện ác lành dữ, có những lúc hiền như Phật, có khi dữ như cọp, tâm niệm luôn dời đổi liên tục không lúc nào dừng nghỉ. Khi nghĩ thiện là tôi, vậy khi nghĩ ác là ai, không lẽ cái tôi có nhiều thứ như vậy? Mới vừa buồn giận được người xin lỗi lại hoá ra vui, vừa ghét người đó thì được năn nỉ một chút lại hoá ra thương. Tâm niệm luôn thay đổi triền miên không có lúc nào dừng nghỉ, nhưng chung quy cũng nằm trong hai tâm niệm thiện ác. Từ đó suy ra tâm niệm luôn thường xuyên thay đổi theo thói quen huân tập hằng ngày, sở dĩ con người tranh đấu giết hại lẫn nhau là do ngu si chấp ngã mà ra. Ai cũng muốn mình hơn thiên hạ và tham lam bắt mọi người phải phục vụ cho mình. Con người phục vụ cho con người vì có giai cấp chủ và tớ, theo quan niệm của đấng sáng tạo mọi thứ đều cố định cả không thể nào thay đổi được. Loài vật dùng để cúng tế thần linh và đáp ứng cái ăn cho người, ai theo truyền thống này sẽ cám ơn thượng đế đã ban tặng cho họ có sự sống. Mọi cái, mọi thứ, đều do đấng tối cao sắp đặt, phụ nữ thì có nhiệm vụ sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường lo mọi việc trong nhà, không được làm việc quan hệ bên ngoài. Giai cấp quý tộc thì được quyền ăn trên ngồi trước, bóc lột kẻ cùng đinh hạ tiện để phục vụ cho bản ngã của mình, cũng từ sự phân biệt tính toán khôn ngoan của ý thức con người.            
GIA ĐÌNH NGU SI
     Có một câu chuyện ngụ ngôn nói về sự si mê không thể tưởng tượng nỗi. Xưa có một gia đình gồm ba người, ông nội, con và cháu. Ông nội ở nhà trông chừng cháu, đứa con làm ruộng để nuôi gia đình, cuộc sống của họ cũng tạm đủ sống qua ngày tháng. Hôm đó ông nội bận việc, nên nhờ đứa cháu đi quán mua đồ dùm, ông đưa cho cháu hai đồng và hai cái tô, bảo:
       Cháu mua dùm ông một đồng tương, một đồng chao, cháu nhớ chưa.
       Dạ cháu nhớ, thưa ông ạ!  Đứa cháu cầm tiền và tô đi một lúc, rồi quay trở về hỏi:
       Dạ thưa ông nội, đồng nào mua tương, đồng nào mua chao?
       Đồng nào mua cũng được, sao cháu kém thông minh thế.
       Lần này nó đi nhanh hơn, nhưng đi được một đổi rồi quay trở về, hỏi:
       Dạ thưa ông nội, có hai cái tô, cái nào đựng chao, cái nào đựng tương?
       Ông nội tức quá lớn tiếng nói, sau cháu ngu si quá vậy? Đứa cháu nghe ông nội chữi mình ngu si, nên bực bội chữi lầm thầm trong miệng. Ông nội thấy vậy tức giận quá, mới tát cho nó mấy tát tay đau điếng, nó đau quá khóc hù hụ. Trong lúc đó cha của nó đi làm về, thấy con mình bị ông già đánh khóc bù lu, bù la, nên điên tiết nỗi cáu, nói:
       “ Ông giỏi đánh con tôi, tôi sẽ đánh con ông, cho ông biết thân ông.”
        Nói xong người con liền cầm roi quất lên mình túi bụi, vừa đánh vừa nói, ông đánh con tôi, tôi đánh con ông, coi ai ngu thì biết.
        Ông già thấy con trai ngu si đần độn tự đánh mình, nên bực mình nói:
       “ Mầy đánh con của tao, tao treo cổ cha mày, cho mầy biết tay tao.”
       Nói xong, ông liền lấy vòng tự treo cổ mình. Đúng là gia đình ngu si chưa từng thấy trên thế gian này. Đứa cháu nội vì còn quá nhỏ nên ngu thì đã đành, người cha lại càng ngu hơn và ngược lại ông nội lại quá ư là ngu si. Ngu nói cho dễ hiểu là ngu si, mê muội, nên không nhận định được đúng sai, phải quấy, tốt xấu, lành dữ hay còn gọi là vô minh có nghĩa là không sáng suốt tức là u mê tối tăm. Vì không thấy lẽ thật nên chúng ta si mê chấp thân và tâm suy tư nghĩ tưởng là vĩnh hằng, nên mặc tình gây tạo tội lỗi, làm tổn hại cho nhau. Đúng là gia đình đại ngu si, nó không phải là chuyện thật mà là câu chuyện ngụ ngôn nói về sự ngu si quá đổi của một số chúng sinh trên thế gian này. Chúng ta chắc có lẽ cũng ngu si mê muội gần như vậy. Nếu không si mê dại dột, thì làm gì có những hành động quá khờ khạo đến thế!
   Si mê còn có từ khác gọi là vô minh, có nghĩa là không sáng suốt, không hiểu biết đúng sự thật. Câu chuyện trên là một ẩn dụ cho sự vô minh mê muội của tất cả chúng sinh, để chúng ta nhận ra chân lý thực tiển của cuộc đời, làm gì có chuyện ba thế hệ con người ngu si đến thế. Triết lý Phật giáo chứa đựng, dung thông và bao hàm cả một thế giới quan về mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này. Nhìn vào rừng kinh điển Phật giáo chúng ta dễ lạc vào ngõ cụt, vì không có sự quán chiếu và trải nghiệm, cho nên dễ dẫn đến nhẹ dạ cả tin, vì không cần có sự tìm hiểu kỹ càng. Có một bà già đã hơn 80 tuổi, nhưng chỉ có đứa cháu nội duy nhất, bà ta vì thương cháu nên dành phần chăm sóc đứa bé không cho cô con dâu nuôi dưỡng. Bà ta hằng ngày mớm cơm cho cháu ăn, kết quả một thời gian sau đứa bé bị bệnh và chết một cách đột ngột. Bà lão tức tối và gào thét lên đổ thừa cho đứa con dâu không biết chăm sóc con chu đáo, nên mới xảy ra cớ sự thế này. Các bác sĩ thử làm một xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân vì sao đứa bé chết, cuối cùng phát hiện đứa bé bị lây nhiễm từ bệnh lao phổi của bà nội. Bà lão sau khi biết được lý do, buồn khổ quá nên đã thắt cổ mà chết, cô con dâu vì quá bi thương nên bị quẫn trí điên cuồng.                                    
 Vô minh là mờ tối, là mê lầm chấp thân này là thật ngã và lầm chấp tâm suy tư nghĩ tưởng là mình. Chấp thân này làm tôi là căn bệnh thâm căn cố đế của tất cả mọi người. Bởi chấp thân này là ta nên thấy nó thật, nó lâu dài, nó cao cả và quý báu rồi đam mê đắm say tham lam vì nó. Bởi do si mê chấp thân làm ngã nên sanh tham lam dính mắc, chấp trước vào mọi thứ khi có ai đụng chạm đến thân này. Đã thấy thân này là quý trọng nên quý luôn những vật thuộc về sở hữu như vợ ta, con ta, tài sản của ta. Đó là nguyên nhân dẫn đến con người tàn sát giết hại lẫn nhau. Tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sinh ra thù hằn, do đó tạo nghiệp ân oán vay trả không có ngày cùng. Đã quý thân nên nỗi lo sợ lớn nhất của con người là ham sống sợ chết, vì thế không ai dám dùng tiếng chết coi như là một điều cấm kỵ tuyệt đối. Tóm lại si mê chấp thân làm ngã là căn bệnh muôn đời của tất cả chúng sinh, do đó tạo ra nhiều thói quen không tốt luôn làm tổn hại cho nhau.
   Chấp tâm làm ngã cũng là bệnh thông thường của tất cả mọi người. Từ đó sinh ra bảo thủ chấp trước ý kiến của mình là đúng, nên tranh chấp đấu tranh biến yêu thương thành thù hận, gây đau thương tang tóc cho nhiều người. Người con Phật mục đích tu để làm gì, để xả bỏ tâm tham sân si. Sở dĩ chúng ta khổ là do tham lam quá đáng, hễ nhìn thấy người và vật mà vừa lòng thích ý thì muốn chiếm đoạt về cho mình, muốn mà không được thì sinh tâm oán hờn buồn khổ. Thường thì cuộc sống thế gian khó có ai muốn ít biết đủ, cho nên tâm tham muốn không bao giờ thỏa mãn, do đó tham nhiều càng khổ nhiều.
CHẤP LÀ NGUỒN GỐC CỦA ĐAU KHỔ
   Có người cầm cục gạch chọi con chó, con chó bị trúng gạch đau điếng nên tức quá quay sang cục gạch sủa tới tấp. Con chó không biết ai là thủ phạm, nó chỉ biết là cục gạch làm cho nó đau, nhưng nó không biết ai là thủ phạm quăng cục gạch, chính con người là thủ phạm. Cũng vậy, cái làm cho chúng ta đau khổ không phải do bên ngoài, mà chính là sự ngu si mê muội, chấp trước của mình tạo ra. Vô minh hay còn gọi là si mê, muốn định nghĩa cho mọi người thấu đáo rõ ràng không phải là chuyện dễ, chỉ khi nào chúng ta thật sự trải nghiệm trong đau khổ, mới cảm nhận được thực tướng của nó.
    Vô minh theo triết học Phật giáo là không thấu rõ luật nhân quả, lý nhân duyên và nguyên nhân của sự khổ và cách thức diệt khổ. Không thấy được thực tánh của các pháp, không thấy được sự thật của cuộc đời. Không nhận ra ông chủ hay Phật tính nơi mỗi con người và là cái thấy không sáng suốt, bị tối tăm che phủ. Vô minh là cái thấy sai lầm về thân và tâm suy tư nghĩ tưởng là thật. Nhân quả rất công bằng và sòng phẳng, khi đã gieo nhân thiện hoặc ác dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi. Người thấu rõ luật nhân quả sẽ không bao giờ dám làm các điều xấu ác ngược lại hay làm các việc tốt lành. Do si mê tham đắm chấp thân tâm làm ngã, từ đó muốn chiếm hữu về mình nên suy nghĩ hành động sai lầm thấy có ta, người và muôn loài muôn vật nên bám chấp vào đó. Ý là đầu dây mối nhợ của phiền não nó thường hay suy tư nghĩ ngợi nên gọi là ý nghĩ, nó hay nhớ nghĩ về quá khứ hoặc hiện tại gọi là ý niệm, nó hay tưởng tượng mơ mộng ảo huyền nên gọi là ý tưởng và nó có công năng phân biệt hiểu biết nên gọi là ý thức. Do phân biệt hiểu biết sai lầm nên ý thức không rõ được thực tướng của các pháp là vô ngã không chủ thể cố định, từ đó sinh ra thấy biết sai lầm mà chấp ta người chúng sinh. Nhưng bám víu vào cái ta rồi đến cái của ta như vợ ta, con ta, nhà ta, tài sản của ta, đất nước của ta, dưới cái nhìn của người thế gian như thế thì đâu có gì là sai quấy. Thế gian này nếu không bám víu vào cái ta và của ta, thì con người sẽ sống ra làm sao đây? Vì cuộc sống này nó như vậy không thể nào làm khác được, còn có sự sống là còn có tham muốn nhưng chúng ta phải tham muốn như thế nào cho phải lẽ. Ở đây Phật vì lòng từ bi chĩ cho chúng ta biết thân tâm này không thật ngã, để mọi người bớt luyến ái chấp trước mà làm khổ đau cho nhau. Thật ra đã làm người khó có ai ít muốn biết đủ, chỉ một bề mong cầu cho được nhiều không bao giờ nhàm chán. Nhưng vì tham muốn quá nhiều thì tội lỗi càng phát sinh gây ân oán hận thù cho nhau không có ngày thôi dứt. Người Phật tử chân chánh thường muốn ít biết đủ để sống cuộc đời thanh nhàn, không phải lao tâm nhọc trí và luôn lấy trí tuệ làm gốc để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Tiền của vật chất danh lợi sắc đẹp, nó chỉ là phương tiện để chúng ta vui sống dấn thân và phục vụ. Bồ tát biết được sự tác hại của nó nên không say mê đắm nhiễm, do đó cùng mọi người đồng hành để giúp họ vượt lên chính mình. Thế giới chúng ta đang sống bây giờ là cõi dục, có nghĩa là lòng tham muốn của con người không bến bờ nhất định. Người nghèo khổ thiếu trước hụt sau luôn tham cầu cho có nhiều tiền của để sống, thì chuyện đâu có gì đáng nói. Bằng ngược lại người giàu có bao nhiêu cũng không thấy vừa lòng nên cứ làm cả ngày lẫn đêm mà không biết đủ. Người muốn ít biết đủ dù có thiếu một chút cũng không sao, vì cuộc sống lúc nào cũng an vui hạnh phúc. Còn người nhiều tham muốn thì phải chịu khổ triền miên không có ngày dừng, khi chưa được thì tham cầu mong muốn cho bằng được nên phải chịu khổ, nhưng khi được rồi thì sợ bị mất mát nên cố gắng giữ gìn do đó càng khổ, rồi giữ không được bị mất mát lại càng khổ hơn, rốt cuộc khổ, khổ, khổ, có khi không muốn sống nữa.
 Vậy khổ là do ai? Có ai buộc mình khổ không? Chỉ có mình làm mình khổ. Biết được như vậy rồi thì chúng ta có nên tham muốn quá đáng hay không? Đa số người thế gian hay bám vào tiền bạc của cải vật chất mà quên đi phần tâm linh, nên sẵn sàng giết hại lẫn nhau dù đó là người thân. Từ những năm 90 trở về trước khi đất nước chúng ta chưa phát triển đất đai còn quá rẻ, nên cuộc sống của nhiều người rất là ấm êm hạnh phúc ít ai nghĩ đến phần lợi nhuận. Rồi đất nước dần chuyển mình theo năm tháng đất đai bắt đầu có giá, nhiều gia đình tiền mất tật mang vì tranh chấp kiện tụng nên người thân hóa ra kẻ thù, cuối cùng hai bên đều trắng tay nhưng tình nghĩa anh chị em, cha con chồng vợ cháu chắt trở thành người xa lạ. Kẻ chết người ngồi tù chỉ vì bờ gianh đất, con thưa cha mẹ vì chia đất không đồng đều. Gia đình anh Tám và chị Bảy từ xưa nay sống với nhau rất là thâm tình, con cháu vui vẻ tay bắt mặt mừng. Hai chị em có căn nhà chung tường đất vách lá được cha mẹ để lại. Chị Bảy vì phải nuôi mẹ nên được hưởng căn nhà đó. Còn anh Tám có vợ và có nhà riêng đời sống khấm khá hơn chị Bảy nhiều. Đùng một cái, đất đai nhà cửa bắt đầu có giá căn nhà chị Bảy bây giờ giá trị tiền tỉ. Trước kia anh Tám nói chị Bảy nuôi mẹ già cực khổ nên ưu tiên hưởng căn nhà đó. Hồi trước căn nhà giá trị hai ba chục triệu anh Tám nói có vẻ tình nghĩa lắm, bây giờ nhà lên tiền tỉ anh Tám đòi chị Bảy cưa đôi. Chị Bảy mới phân trần với anh Tám, em cũng biết chị nuôi mẹ gần hai chục năm nay giờ mới được hưởng căn nhà, em bây giờ đã có nhà riêng rồi cuộc sống đâu có thiếu thốn gì. Để chị bán nhà rồi mua lại căn khác rẻ hơn để có chỗ cho các cháu của em ở, còn lại hơn ba trăm triệu chị gởi lại cho em. Anh Tám nghe chị Bảy nói thế tức quá không chịu đòi phải chia hai, chị Bảy năn nỉ anh Tám nhiều lần nhưng không được đành phải chịu chờ tòa xử lý. Không biết anh Tám chạy chọt như thế nào, mà tòa xử phải chia đôi theo tổng giá trị căn nhà là một tỉ hai, mỗi bên được sáu trăm triệu coi như phần thắng đã nằm chắc trong tay anh Tám. Trong khi đó chị Bảy khi ở căn nhà đó là nhà lá và phải nuôi mẹ già bị bệnh gần hai chục năm. Bây giờ căn nhà được các con chị Bảy sửa lại thành nhà tường, mới có đủ chỗ cho con cháu chị Bảy ở. Tất cả bà con và lối xóm ai cũng đều biết rõ như thế, nên nhiều người đã xúi chị Bảy làm đơn khiếu nại và họ sẽ làm nhân chứng. Đợt xử lần thứ hai chị Bảy thắng kiện và chỉ chia cho anh Tám một phần năm giá trị tiền khoảng hai trăm bốn chục triệu. Anh Tám bây giờ trở nên điên cuồng không làm chủ được bản thân dẫn đến hận thù gia đình chị Bảy. Tình nghĩa chị em ruột thịt bao nhiêu năm tháng sống với nhau, giờ biến thành kẻ thù không đội trời chung. Anh Tám phát đơn khiếu nại trở lại và lần này thì anh Tám thắng, nhưng trên thực tế phần đúng phải thuộc về gia đình chị Bảy, anh Tám chỉ hưởng một phần năm là đúng. Lần này tất cả bà con lối xóm cùng họ hàng thân thuộc đồng làm đơn khiếu nại để bảo vệ chân lý cho gia đình chị Bảy, cuối cùng Phần thắng vẫn là gia đình chị Bảy. Nhưng qua bốn lần kiện tụng và kéo dài trong mấy năm, cuối cùng tiền mất tật mang anh Tám phải chi trả hơn số tiền mình được hưởng. Điều đau lòng nhất là hai gia đình chị Bảy và anh Tám bây giờ trở thành kẻ thù địch của nhau. Còn người nắm cán cân công lý khi muốn xét xử và giải quyết vấn đề gì, hãy nên căn cứ trên lý và xét trên tình, để giúp người dân không bị mất mát và thiệt hại. Đây là một câu chuyện có thật trong cuộc đời từ một gia đình của người bạn, chúng tôi kể ra đây để mọi người cùng tham khảo và học hỏi. Con người ta vì lòng tham muốn quá đáng nên bất chấp luân thường đạo lý mà làm tổn hại cho nhau. Chúng tôi còn nhớ rất rõ những thập niên 78 hoặc 79 khi kinh tế nước nhà còn khó khăn, hàng hóa không được lưu thông các tỉnh. Tôi lúc đó đang làm kiểm soát tổng hợp ở trạm Phú Cường, Dốc Mơ thấy quá rõ ràng con kiến chui qua không lọt, nhưng con voi khổng lồ vẫn hiên ngang đi qua. Tất cả mọi sự dối trá gian lận chung quy cũng từ lòng tham không đáy của con người mà ra, từ sự chấp trước bám víu vào bản ngã và muốn chiếm hữu mà nhân loại đành lòng giết hại triệt tiêu hủy diệt lẫn nhau.
SI MÊ TÌNH ÁI NÊN MẸ HẠI CON
  Vì si mê người tình trẻ nên người mẹ ấy, đành lòng bắt con mình bán dâm để đưa tiền cho mẹ nuôi tình nhân. Hơn mười năm về trước, chị Lâm Tiên là một phụ nữ hiền lành chất phát, chuyên bán hàng tạp hóa ở chợ. Chị có một mái ấm gia đình sống rất là hạnh phúc, với một người chồng hiền lành làm nghề chạy xe ôm và một đứa con gái vô cùng xinh xắn. Tưởng hạnh phúc được lâu dài, nhưng chồng chị bị tai nạn giao thông rồi qua đời. Chị ta trở thành góa phụ ở cái tuổi ba mươi, từ đó cuộc đời của chị trở nên hụt hẳn và bi quan chán nãn. Sau hơn hai năm chịu đựng trong nỗi cô đơn buồn chán, gần như không còn lối thoát. Trong cơn tuyệt vọng chị ta gặp được người tình không chân dung trẻ hơn mình sáu tuổi, tưởng cuộc đời héo tàn theo năm tháng ai ngờ hạnh phúc đã đến không thể ngờ. Từ người góa phụ cô đơn buồn tủi giờ gặp được trai tơ. Sợ người tình ruồng bỏ vì đã làm cho chị ta quá hài lòng, bằng những nghệ thuật tuyệt chiêu. Bà ta buộc phải chiều chuộng người tình hết mức từ cuộc sống và cho đến mọi nhu cầu cần thiết hằng ngày. Để đảm bảo cho mối tình của hai người được dài lâu, bằng mọi giá chị  sẵn sàng làm tất cả mọi việc, dù đó là việc ác ôn tày trời. Vì ham lợi nhuận cao chị nghe lời người tình xúi quẩy mở dịch dụ gái gọi cao cấp và nạn nhân đầu tiên chính là con gái của chị.
   Giờ đây người phụ nữ ấy đang ở trong trại giam đã hơn mười năm, vẫn không thể nào thoát ra được nỗi ám ảnh đau thương cùng cực vì những lầm lỗi quá khứ. Xưa nay hổ dữ đâu nở ăn thịt con, ấy thế mà bà mẹ đó vì si mê người tình trẻ nên đã bán con mình làm gái mải dâm để lấy tiền hưởng thụ. Đứa con gái cuối cùng bị bệnh sida và đã buồn khổ cho số phận nghiệt ngã của mình, nên cô ta đã nhảy sông tự tử. Con gái bà đã vĩnh viễn ra đi trong tủi phận ưu phiền, vì người mẹ tàn nhẫn vô lương tâm. Giờ thì nhà cửa không còn, đứa con gái không biết đi về đâu hay đang còn bơ vơ vất vưởng lang thang đâu đó để khóc hận ngàn đời. Còn bà giờ đây phải chịu cái án chung thân, ngồi gỡ từng tấm lịch nhớ về quá khứ tội lỗi, vì chút si mê tình trẻ mà giết chết đứa con gái duy nhất của mình. Cái giá phải trả của người đàn bà ấy là bản án chung thân. Nhưng cho đến bây giờ, bà luôn bị ám ảnh bởi quá khứ tội lỗi của mình. Bà ta chỉ có đứa con gái duy nhất là niềm vui sống, vậy mà vì chút si mê tình ái mà đành lòng giết chết cuộc đời của con. Đứa con vì thương mẹ nên đành chấp nhận ngậm đắng nuốt cay, để cho tấm thân ngọc ngà của mình bị dùi dập theo năm tháng, cuối cùng bị căn bệnh hiểm nghèo hoành hành. Chưa một lần nếm trải được hương vị của tình yêu, giờ phải mang căn bệnh thế kỷ, cô đơn buồn tủi trong tuyệt vọng, sống không có tình thương của gia đình thà chết còn sướng hơn. Và người con gái ấy không còn cách nào khác, đành trầm mình dưới sông mặc tình cho tiếng đời bêu rếu. Thế gian này nếu nói về những chuyện làm đau lòng nhân thế, thì hằng hà sa số nhưng xưa nay hổ dữ không nở ăn thịt con, vậy mà người mẹ ấy đành lòng giết chết đứa con gái duy nhất của mình. Tình mẹ thương con bao la như biển cả, cho nên trong các thứ tình không có tình nào thiêng liêng và cao cả bằng tình mẹ thương con, vì vậy sách sử bao giờ cũng truyền tụng và ca ngợi người mẹ như là một vị cứu tinh của nhân loại. Luôn đem niềm vui chan rải khắp muôn loài và sẵn sàng chia sẻ nỗi khổ niềm đau làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Chuyện xưa kể rằng có một chú bé vì ham chơi, ngỗ nghịch, lại bướng bĩnh khó dạy dỗ. Chú ta nhiều lần bị mẹ rầy la, nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Một hôm, chú hái trộm cây trái nhà hàng xóm, bị mẹ mắng cho một trận, giận quá chú bỏ nhà ra đi. Người mẹ vô cùng đau khổ, vì thương nhớ con nên không còn nghĩ đến việc ăn uống nữa, cứ nhìn ra trước cửa trông ngóng mỏi mòn dẫn đến kiệt sức và sau đó chết đi hoá thành một cây xanh tươi mát mẻ mọc ngay trước nhà. Đứa bé vì còn quá nhỏ, chưa đủ sức chống chọi với đời nên bị nhiều người bắt nạt, chợt nhớ thương mẹ, quay trở về nhà. Nhưng mẹ bé giờ đâu còn nữa, cảnh vật quanh nhà vẫn y như cũ chỉ thêm cây xanh nơi trước nhà. Bóng dáng mẹ hiền không còn nữa, đứa bé chạy tìm mẹ khóc đến khàn cả cổ, đói đến lã người, bổng ngã quỵ dưới gốc cây. Kỳ diệu thay, cây bắt đầu run rẩy chuyển động ra hoa rồi kết trái rớt ngay vào lòng đứa bé. Trong lúc còn bàng hoàng môi chú chạm vào trái ấy, một dòng sữa trắng trào ra, như bầu vú mẹ cho con dòng sữa ngọt ngào. Nhờ vậy đứa bé hồi tỉnh lại, nhìn lên tàn lá xum xê thấy có hai màu, một mặt màu xanh bóng như tấm lòng người mẹ luôn thương yêu, bao dung và che chở cho con. Một mặt màu đỏ thắm như mắt mẹ khóc nhớ thương con mà hai mắt đỏ que. Đứa bé giờ chỉ biết khóc một mình. Đó chính là cây vú sữa trong câu chuyện cổ tích mà tôi đã nghe đâu đó khi còn nhỏ, tình mẹ thương con như biển rộng sông dài…. Mà con nào có hay biết, đến khi lầm lạc khổ đau mới nghĩ đến tình mẹ như đứa bé kia nhưng đã quá muộn màng. Từ xưa nay chỉ có con bỏ cha mẹ, chớ mẹ nào bỏ con, vì thương con nên mới rầy la dạy dỗ để mong con sống tốt mai sau lớn lên trưởng thành sống có ích lợi cho gia đình và xã hội. Tình mẹ thương con như biển rộng sông dài, bao la như bầu trời vô tận. Xưa có người mẹ vì muốn nuôi dạy con khôn lớn và nên người, bà ta phải thay đổi chổ ở đến ba lần chấp nhận chịu gian nan vất vả nhiều phen. Mạnh Tử xưa nhà gần nghĩa địa thấy người đào, chôn, khóc lóc làm cho người lúc nào cũng bi thương sầu khổ. Ông cũng bắt chước làm theo, bà mẹ thấy vậy liền dọn nhà ra gần chợ ở. Mạnh Tử thấy người mua bán gian dối lọc lừa về nhà ông cũng bắt chước làm theo, bà mẹ thấy thế sợ con hư hỏng lớn lên dối gạt người, bèn dọn nhà ở gần trường học. Mạnh Tử ở gần trường học thấy ai cũng nô nức thi đua học tập, lễ phép cung kính thầy cô, về nhà ông ta cũng bắt chước làm theo. Bấy giờ bà mẹ mới hài lòng và yên chí nói rằng, chỗ này mới đúng là chổ ở của con ta. Nuôi dạy con như bà mẹ trên quả thật là hình ảnh hiếm có trên cuộc đời này, có nhiều bà mẹ vì thương con mà sẵn sàng làm các việc ác độc, thương con như vậy vô tình hại con, hại mình.
NHẸ DẠ CẢ TIN SI MÊ LẦM LẠC
    Thế giới loài vật cũng có sự sống sinh hoạt song hành với loài người, nên cũng bị vô minh chi phối và chúng chỉ sống theo quán tính thói quen không có sự nhận định suy xét, tìm tòi quán chiếu soi sáng như loài người bởi do nghiệp si mê chiêu cảm. Tại một khu rừng nọ, muôn loài thú đang sống bình yên với nhau. Một hôm ông thần tai họa giáng lên những tiếng sấm sét, long trời lỡ đất, báo hiệu điềm xấu sắp sửa xảy ra. Một chú thỏ đang say sưa giấc ngủ, chợt giựt mình thức giấc nữa tỉnh, nữa mê, liền ba giò bốn cẵng phóng nhanh, tìm đường thoát thân. Trên đường chú thỏ gặp hai anh chị nai vàng đang đứng ngơ ngác, thấy thỏ cắm đầu, cắm cổ, chạy thụt mạng. Hai anh chị nai hỏi, ủa có chuyện gì mà chú hoảng hốt quá vậy. Thỏ vừa chạy vừa la lớn: Trời sập, trời sập, chạy mau, kẻo chết! Hai vợ chồng nhà nai vì nhẹ dạ cả tin, nghe nói vậy sợ quá liền cắm đầu chạy theo. Thế là chú thỏ đã có bạn đồng hành, ba con chạy được một đỗi gặp ba chú ngựa vằn đang thong thả gặm cỏ non. Thấy thỏ và nai phóng chạy như bay không dám quay đầu lại, biết gặp chuyện chẳng lành nên ngựa ta hỏi lớn, có chuyện gì không may xảy ra. Ba con đồng thanh đáp: Trời sập, trời sập, chạy mau? Ngựa vằn nghe nói hốt hoảng chạy theo, cứ thế lần lượt các thú khác cũng hùa chạy theo. Các loài thú khác chẵng biết ất giáp gì, thấy thế cũng vội vàng ùa chạy mà chẳng biết nguyên nhân vì sao, mà chẳng cần tìm hiểu vì loài nào cũng tin là trời sập cả.
   Chuyện ngụ ngôn trên là ám chỉ cho sự ngu si, đần độn, vì nhẹ dạ cả tin si mê lầm lạc nên các loài thú đồng ùa nhau chạy trối chết, chẳng biết sự thực ra sao? Nhẹ dạ cả tin là căn bệnh của một số người, vì bị vô minh che mờ lý trí nên chẳng biết đúng sai thực hư thế nào, chỉ tin suông tin càn mà không tìm hiểu nguyên nhân. Trời sập hay tận thế nghe qua tưởng như là đạo đức, đó là kiểu tung tin đồn nhãm làm cho nhân loại bị mất phương hướng và niềm tin trong cuộc sống. Người ham hưởng thụ nhiều cho rằng chết là hết, không tin tội phước nhân quả nghiệp báo, họ sẽ tranh thủ tận hưởng khoái lạc trần gian bất chấp luân thường đạo lý nên cuối cùng gây nhiều tội lỗi tày trời làm băng hoại đạo đức xã hội. Người bi quan yếm thế họ sẽ chán chường chẳng muốn làm gì hết, vì nghĩ rằng có cố gắng cũng phí công vô ích thà ăn không ngồi rồi còn sướng hơn. Người mê tín khi nghe vậy họ cứ tưởng đấng sáng tạo đang trừng phạt con người, nên họ càng cầu khẩn van xin, mong chút ân huệ của người ban phước giáng hoạ, cuối cùng dẫn đến cuồng tín si mê không thể ngờ. Người ăn không ngồi rồi, người đầu trộm đuôi cướp, người si mê nghiện ngập sẽ càng sa đoạ hơn khi hay tin ấy. Họ mặc tình ngang nhiên làm điều phi pháp, vì sợ sau khi chết sẽ làm ma ngáp ruồi không hưởng thụ được. Tung tin trời sập tuyên truyền kích động ngày tận thế vô tình đưa con người ta vào ngõ cụt, làm xáo trộn an sinh xã hội gây hoang mang sợ hãi cho nhiều người. Trời sập theo quan niệm cổ xưa không có y cứ khoa học rõ ràng, vô tình huỷ hoại niềm tin sự sống của loài người. Tận thế, một quả báo chung của toàn thể con người, động vật, thực vật và các loài có sự sống. Hiện tại những quả báo chung của các loài có tình thức như thiên tai, sóng thần, động đất, lũ lụt, hoả hoạn, chiến tranh, dường như đã được sắp sẵn đang xảy ra trên thế giới này, như chúng ta được biết nhờ mạng lưới thông tin báo chí hằng ngày. Nhưng nó không đồng loạt, khi thì chỗ này, khi thì chỗ kia, từ nhân phá hoại sự sống lẫn nhau của trái đất. Con vật lớn ăn thịt con thú nhỏ, con cá lớn nuốt con cá bé, thực tế nhất là tại Thiền Viện Thường Chiếu chúng tôi tận mắt nhìn thấy rõ ràng. Một loài chim tên thường gọi là bìm bịp, là sát thủ của các loài rắn. Chúng chỉ có khoảng từ bốn con đến tám con là cùng, thời kỳ Thường Chiếu còn hoang sơ rắn nhiều vô số, ở đâu cũng có thể gặp rắn được và có những cặp rắn vô cùng lớn cở bắp chân. Ốc ma và các loài cóc nhái, sâu rầy v.v... Ấy thế mà, trong vòng mười năm các loài ấy hầu như bị tuyệt chủng bởi mấy con bìm bịp quái ác đó, chúng sơi tái tiêu diệt moi móc tận hang ổ các loài bò bay mái cựa. Chỉ có mấy con bìm bịp thôi, mà rắn, ốc, cóc, nhái và các loài sinh vật khác gần như diệt vong. Riêng con người thì thông minh hơn, hung ác hơn, vì có hiểu biết hơn, nên có thể giết hại tất cả các loài khác và đồng loại của mình. Con người phát triển và mở mang tới đâu, thì tàn hại và huỷ diệt các loài khác và thiên nhiên đến đó. Giết hại con người thì mạng đền mạng hoặc chịu tù từ mười năm cho đến chung thân trong hiện tại. Và hơn thế nữa luật nhân quả sẽ âm thầm chi phối nhiều kiếp chịu chết yểu và bệnh hoạn. Giết hại con người thì quả báo nặng hơn các loài khác, vì còn có cộng nghiệp người thân trả thù cho nên ảnh hưởng nhân quả rất lớn. Giết hại các động vật có tâm thức thì tuỳ theo mức độ có cố ý hay vô tình, thì thủ phạm sẽ chịu đền trả một mình như bị thương tật, bị chết chóc, hoặc có thể bị tai nạn chung với nhiều người như thiên tai, dịch bệnh và tai nạn giao thông. Và có một nghiệp nhân tàn hoại sự sống của trái đất, để cho mình được tồn tại, đó là phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, làm ô nhiễm môi trường, sẽ bị quả báo vô tình của thiên nhiên. Đó là một tai hoạ chung của toàn thể nhân loại là do nhân phá hủy sự sống trái đất, nhưng theo lời Phật dạy là phải trải qua ba tai nạn lớn như là lửa cháy toàn thể trái đất, nước làm chìm ngập cả trái đất và cuối cùng bị cuồng phong gió táp làm trái đất bị băng hoại. Hiện nay thế giới đang và đã bị những nạn trên, nhưng không đồng loạt thì không thể nào có ngày tận thế quá sớm như thế. Học thuyết tận thế năm 2000 đã bị mai một và không đúng thực tế, tin đồn năm 2012  tận thế không có căn cứ khoa học, chúng ta hãy nên thận trọng nếu không sẽ bị bọn xấu lợi dụng gây hoang mang làm tổn hại cho nhiều người. Có một số người nghĩ rằng sang năm tận thế nên bây giờ tổ chức tham quan du lịch vui chơi cho thỏa thích, bỏ bê công việc làm ăn hằng ngày. Ngày tận thế sẽ đến khi con người không còn tính thiện nào, ai cũng giết hại, trộm cướp, lường gạt, độc ác, si mê và không còn nhận biết được đúng sai, phải quấy, tốt xấu, nên hư, thành bại. Người con Phật với tinh thần từ bi và trí tuệ, mỗi ngày hãy nên quán sát và xem xét từng hành động lời nói và suy nghĩ của mình trong từng phút giây không lơ là giải đãi. Muốn ít biết đủ, không xan tham quá mức những nhu cầu hằng ngày con người cần phải chủ động ngồi lại thương thuyết với nhau, để cân bằng sinh thái của bầu vũ trụ bao la này. Nếu không, con người sẽ tự tiêu diệt lẫn nhau và sống trong đau thương thù hận, thế giới bây giờ đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.
SI MÊ ĐỌA LÀM HEO
     Ngày xưa có một quốc gia tên Đại Quang Minh, do nhà vua là người có đạo đức và nhân cách nên đất nước ấy giàu có sung túc mọi người đều được cơm no áo ấm, sống trong an lạc và thái bình. Nước này có nghề chính là chăn nuôi và làm ruộng, đặc biệt nuôi heo bằng loại thức ăn cao cấp bơ rang và lúa mạch do đó heo ăn nhiều mau lớn, mau cung cấp thịt cho loài người.
    Mùi vị của lúa mạch rang bơ thơm phức, làm bao tử một chú ngựa con cồn cào khó chịu. Chú tò mò đến gần xem sự thể ra sao? Loài heo đang nhốn nháo lên khi nghe thấy một con người đến, đổ thức ăn vào các máng. Chúng tranh nhau táp phầm phập trông rất ngon lành, thoáng qua một chút các máng đều sạch, sành, sanh, xong rồi chúng mỗi con tìm một chỗ, nằm phè ra ngủ ngon lành.
    Chú ngựa con nhìn thấy cảnh ấy thèm muốn chảy nước miếng, vừa buồn tủi, vừa giận trách loài người sao quá bất công, mình làm lụng vất vả cả ngày, mà chỉ toàn ăn là cỏ khô, còn loài heo kia chẳng làm gì hết lại được ăn món lúa mạch rang bơ thơm phức. Nghĩ vậy rồi chú ngựa con liền tức tối trở về nhà, tìm gặp ngựa mẹ hỏi cho ra chuyện mới được.
    Mẹ ạ! Sáng nay con vô tình đến được chuồng heo thấy chúng được ăn món thượng vị, con nào cũng mập ú ù ra vẽ oai phong lẫm liệt, chẳng phải nhọc nhằn làm việc vất vả ăn no rồi nằm phè ra ngủ, thật là sung sướng làm sao. Ước gì con cũng được như thế, mẹ nhỉ.
    Nghe con nói vậy, ngựa mẹ chẳng thèm trả lời. Bình thản gậm cỏ khô. Ngựa con ấm ức qúa, mới phân trần với ngựa mẹ.
    Mẹ à! Sao loài người quá bất công, để loài ngựa chúng ta phải nhọc nhằn gánh vác, chuyên chở hàng hóa, đưa người đón bạn, xông pha chiến trường, để bảo vệ tổ quốc vào sanh ra tử, chịu lao khổ trăm bề, vậy mà thức ăn chỉ toàn cỏ khô và nước lã, chẳng công bằng tí nào. Loài heo chúng nó thật là có phước quá, mẹ à! Chúng chỉ ăn no rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, chẳng phải làm gì cực nhọc mà thức ăn lại thơm ngon đáo để. Ngựa mẹ bảo:
    Con à, mỗi loài đều có phước báo riêng, con không nên vì thế mà than phân trách phận, hãy cứ chấp nhận cuộc sống hiện tại có gì ăn nấy miễn sao no đủ là được rồi, đừng vì muốn món ngon vật lạ mà khổ lụy cả đời. Con muốn ăn loại thức ăn đó cũng được, nhưng con hãy ráng chờ thêm vài ngày nữa, cũng không muộn màng gì đâu.
    Tuy được nghe ngựa mẹ giải thích cặn kẽ, nhưng ngựa con vẫn còn ấm ức lắm. Vài ngày sau trong đền nhà vua có khách nước ngoài đến loài heo bị trói gô lại tất cả, tiếng kêu la eng éc trong thảm não vô cùng. Chú ngựa con chạy đến xem sự thể ra sao?
    Thật là một cảnh tượng quá hãi hùng và khủng khiếp. Lúc này một người đồ tể đi đến chỗ mấy con heo, đâm thẳng vào tim chúng máu chảy ra sối sả, kèm theo những tiếng kêu la thảm thiết và đau thương. Xong chúng được người đồ tể đổ nước sôi vào khắp thân thể cạo lông nghe sồn sột, cuối cùng chúng bị chặt đầu, mổ bụng và cho lên xe chở đi.
   Ngựa con bây giờ mới tỉnh ra, nhanh chân chạy về nhà tìm mẹ! Mẹ à, giờ thì con đã hiểu ra rồi, con rất cám ơn mẹ.
   Ngựa mẹ bảo: Nghiệp duyên của chúng ta là ngựa thì con phải có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa, đưa đón con người, chuyên làm các việc nặng nhọc để tạo ra miếng ăn sự sống cho loài người, con chỉ một điều chuyên tâm làm việc nào biết việc đó. Loài ngựa chúng ta chấp nhận cuộc sống đạm bạc và rèn luyện trong gian khó, nếu sau này có sự cố gì xảy ra ta còn có đủ khả năng để vượt qua. Con không thấy loài heo đó sao, chỉ vì ham ăn ngon, ngủ kỹ nên phải chịu quả khổ như vậy. Nếu nói về nhân quả thì loài heo trước kia đã từng gieo trồng phước đức, từng bố thí các thức ăn thức uống cho nhân loại, nhưng đồng thời gieo nghiệp nhân giết hại do ngu si mê muội, nên hiện đời hưởng phước báo ăn ngon, ngủ kỹ, nhưng phải chịu đoạ làm heo để bị giết hại trở lại. Chúng ta thấy rõ ràng nhân quả rất công bằng và sòng phẳng, làm phước thì được hưởng quả báo ăn ngon và ngủ kỹ, khỏi phải làm lụng nhọc nhằn khổ sở, nhưng ngược lại vì nhân giết hại do ngu si mê muội nên bị quả báo mạng sống ngắn ngủi và bị giết hại trở lại.
   Đây là câu chuyện ngụ ngôn triết lý sâu sắc về nền tảng nhân quả, từ nghiệp nhân si mê mà bị đọa lạc vào các loài súc sinh để trả quả. Si là vô minh, là cái bất giác lầm lẫn không biết rõ sự thật, nên thành ra có tham hay ham muốn quá độ. Do đó si là cái khởi đầu bắt nhịp cầu cho anh tham lam, nóng giận bộc phát. Đúng ra si là cái ngu tối thâm căn cố đế chẳng biết thế nào là đúng sai, thật giả. Con người vì không biết rõ thực tướng của vạn vật nên si mê chấp ngã. Loài heo vì si mê tham ăn hốt uống nên mới bị đọa lạc như thế, còn loài ngựa chúng ta tuy phải nhọc nhằn, cực khổ, làm lụng vất vả, ăn uống đạm bạc nhưng nhờ rèn luyện trong gian khổ từ nhỏ đến giờ. Chúng ta gia công vận chuyển giúp đỡ cho loài người có phương tiện sinh sống, để được tồn tại trong cuộc đời. Con người nếu đã từng trải nghiệm trong khó khăn và gian khổ, dù cuộc sống có đổi thay hoặc gặp hoàn cảnh không thuận lợi. Nhưng nhờ đã rèn luyện tập tành từ thuở bé đến khi gặp trắc trở gian truân không làm cho người này bị sa đọa và mê mờ. Ngược lại nếu con người được sống trong vinh hoa phú quý khi còn nhỏ, mọi thứ đều có người sắp đặt lo lắng hết, đến khi gặp duyên xấu, không có đủ ý chí và khả năng vượt qua đành chịu chết chìm trong biển tham dục như loài heo kia chẳng hạn. Chúng được cho ăn món thượng hạng hằng ngày rồi nằm phè ra ngủ tưởng như ngon lành, không ngờ đang gần kề bên cái chết mà không hay không biết. Ăn ngon ngủ kỹ là căn bệnh trầm kha của nhiều người, đa số ai cũng thích như vậy từ chỗ tham ái chấp trước mà ra.
Tóm lại, so sánh giữa loài ngựa và loài heo đã chỉ cho chúng ta một bài học thiết thực ở đời. Loài ngựa là ẩn dụ chỉ cho hạng người thông minh trí tuệ, biết học hỏi rèn luyện chịu đựng gian khổ từ tấm bé và có cuộc sống đơn giản nhưng giàu lòng nhân ái. Khi trưởng thành luôn sống vì mọi người nhiều hơn, mà không tham cầu hưởng thụ cho riêng mình nên lúc nào cũng đem đến an vui và hạnh phúc cho nhiều người. Một con người như vậy xứng đáng được nhân loại cung kính tôn trọng và là gương sáng để cho đời nương theo. Thế gian này rất cần nhiều con người như vậy và ai cũng có khả năng sống tốt để làm đẹp cuộc đời. Loài heo là dụ cho hạng người biếng nhác thích ăn không ngồi rồi, thích ăn no ngủ kỹ, thích ăn sung mặc sướng, hạng thấp kém thì trộm cướp lường gạt của người khác hút xách đàn điếm gây ra tệ nạn xã hội làm khổ đau cho nhiều người. Kẻ có địa vị thì lợi dụng quyền cao chức trọng để được ăn trên ngồi trước, hưởng thụ xa xỉ quá đáng trong khi đó thì còn nhiều người quá thiếu thốn khó khăn. Nhân đam mê hưởng thụ quá đáng sẽ khiến cho con người ngày càng sa đọa, gieo đau khổ cho mình và người, giống như loài heo kia được ăn no ngủ kỹ rồi chờ ngày người ta phanh da xẻ thịt thật là đau khổ vô cùng. Kẻ si chỉ biết hưởng thụ đam mê nhất thời mà phải chịu khổ triền miên không có ngày thôi dứt, người trí vì lợi ích an vui lâu dài cho chính mình và tha nhân, nên luôn sống đơn giản muốn ít biết đủ để có cơ hội phục vụ và đóng góp cho nhiều người hơn.
    Tham có nghĩa là tham lam, ham muốn quá đáng như tham sống sợ chết, tham tiền tài, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn ngon ngủ kỹ.v.v….Do chấp thân là thật nên tham lam mọi nhu cầu vật chất để phục vụ cho thân này. Lòng tham con người được ví như giếng sâu không đáy, như cái hang không cùng, cho nên không biết đến đâu là đủ. Khi không có thì tham muốn cho có, khi có rồi thì tham muốn cho thật nhiều, tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sinh ra buồn phiền giận dỗi, tìm cách trả thù, dẫn đến tàn sát giết hại lẫn nhau, gây đau thương và làm tổn hại cho nhiều người. Cho nên tục ngữ có câu:
           Dò sông dò biển dễ dò
           Đố ai lấy thước mà đo lòng người.
Quả thật lòng tham con người vô cùng tận như cái túi không đáy, chúng ta có thể tìm ra đáy sông, đáy biển, nhưng không thể tìm được lòng tham của con người đến đâu, vì nó không có bến bờ nhất định.
THAM TIỀN TÀI
 Trước nhất chúng tôi nói về tham tiền tài, do con người nhẹ dạ cả tin vì ham muốn quá đáng nên dễ bị lường gạt, ham lãi suất cao, ham lời nhiều nên dễ bị người ta dụ dỗ lường gạt. Nhiều người không hiểu nghĩ rằng do bị bùa mê thuốc lú làm mờ mắt, thật ra không phải vậy. Do lòng tham con người quá mức, hám lợi nhiều nên dễ dàng bị lường gạt và dụ dỗ. Bởi vì sao? Vì nhẹ dạ cả tin! Mà không cần tìm hiểu, tin một cách mù quáng, tin càn vì nghĩ rằng cái lợi quá lớn. Bao nhiêu vụ lừa đảo xảy ra hằng ngày, nhưng kẻ trước bị lừa người sau cũng vậy. Từ chỗ nhẹ dạ cả tin bị kích thích lòng tham, nên có nhiều người không có tiền nhưng nghe nói ham quá đem giấy tờ nhà cửa, cầm cố vay mượn, để rồi cuối cùng chuốc họa vào thân. Sự nghiệp một đời chắt chiu dành dụm, giờ tan thành mây khói. Người trước bị rồi, người sau tiếp nối, cũng bổn cũ soạn lại, tuy hình thức có khác. Ham lãi suất cao, ham hốt hụi chót lời nhiều, thật ra đó là những chiêu bài lừa đảo có nghệ thuật, tinh vi dựa vào lòng tham của con người.
Có một người vì quá nghèo khổ nên chỉ ở trong căn chòi mục nát, không có tiền mua nỗi cái giường tre để nằm. Hằng ngày anh ta phải cuốn chiếc chiếu rách để ngủ tạm qua đêm. Do thiếu thốn nên anh ta rất keo kiệt và bủn xỉn. Một hôm anh ta không chịu nỗi cảnh sống đạm bạc, nên tìm đến miểu hoang cầu nguyện: xin trời Phật cho con được giàu có, thì con sẽ bỏ thói keo kiết. Thần miếu, nghe anh cầu xin như vậy mới động lòng thương xót bèn cho anh ta một cái túi đựng tiền, trong túi chứa một đồng tiền vàng nếu trút tiền ra thì một đồng khác hiện lên. Nhưng khi muốn dùng tiền đó thì phải quăng bỏ túi tiền mới xài được. Anh ta vì quá tham lam nên cứ thế lấy tiền suốt cả ngày đêm mà không biết mệt mỏi, tiền bây giờ đầy ắp cả căn chòi của anh, mỗi khi định quăng bỏ túi tiền thì anh ta lại tiếc nuối nghĩ rằng mình từ xưa nay quá thiếu thốn nên thêm chút nữa cũng không sao. Cứ thế tiền vàng tràn ngập đầy chòi thiếu đều muốn lấp anh ta luôn, nhưng lòng tham muốn quá đáng không cho phép anh dừng lại, cuối cùng anh ta bị đống tiền lấp chết tại chỗ. Đã làm người ai không tham muốn chỉ ít hay nhiều mà thôi, nhưng tham muốn phải có chừng mực vừa phải. Câu chuyện trên mặc dù nó không phải là một sự thật, chỉ mang tính cách ngụ ngôn dụ cho lòng tham không đáy của con người để chúng ta cùng học hỏi và quán chiếu, sự tác hại của tham muốn quá đáng. Không biết bao người bị tan nhà nát cửa, tiền mất tật mang, thân bại danh liệt, bị tiếng đời bêu rếu. Nhất là các ông vua thời phong kiến, làm vua thì tham muốn đủ thứ muốn mọi người phải trung thành với mình, muốn ăn ngon mặc đẹp, muốn nhiều thê thiếp, muốn phong quan tiến chức cho ai thì phong, muốn giết ai thì giết không ai có quyền ngăn cản. Chính vì độc tôn trong sự tham muốn, nên người có quyền thế sẽ lợi dụng dưới danh nghĩa của một đấng quyền năng hư ảo để bóc lột sức lao động của con người, do đó đặt ra học thuyết cố định để dễ bề cai trị con người. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại con người cần phải có tiền bạc để sống, nhưng chúng ta cũng đừng nên vì thế mà phải làm việc quần quật suốt cả ngày đêm. Nguyên nhân từ đâu con người sinh ra ham muốn quá độ, là do thấy thân này thiệt là ta, là tôi, là mình, nên cố chấp bám víu sinh luyến ái yêu thích, từ yêu thích mới sinh lo sợ bị rời xa mất mát nên tìm cách gìn giữ, giữ không được thì sinh ra buồn khổ hận thù rồi tìm cách trả đũa, cứ thế vay trả, trả vay không có ngày thôi dứt. Tiền bạc là vật vô tri là phương tiện để con người sinh sống, nó có nhiều ít là do con người tạo ra. Chúng tôi đồng ý rằng cuộc đời này cần phải có tiền để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng đồng tiền là vật vô tri vô giác do con người tạo ra, nếu chúng ta không biết gieo trồng phước đức nhiều đời, nhiều kiếp, mà quá đam mê lệ thuộc vào nó, cuối cùng bán rẻ lương tâm của chính mình mà không hay không biết. Đồng tiền tạo ra bằng sự lường gạt của người khác thường bị năm nhà cuốn trôi, nhà lũ lụt, nhà hỏa hoạn, nhà trộm cướp, nhà vua quan tịch thâu và nhà con cái bất hiếu phá sản. Ngoài ra còn bị những nạn khác như là dịch bệnh tràn lan, sóng thần động đất hủy diệt. Như có kẻ ngu kia trên đường về quê thăm nhà, bị cướp chặn lại lục soát hết tất cả trong người không thấy có gì cả. Nhưng người ấy bàn tay cứ nắm chặt mãi không chịu buông ra mặc dù bị đánh đập tàn nhẫn, cuối cùng bị đánh ngất xỉu kẻ cướp mở bàn tay ra chỉ thấy có một đồng xu. Kẻ ngu ấy vì một xu mà bị đánh đến bất tỉnh, tiền bạc mất còn có thể làm kiếm lại được. Thân này nếu lỡ bị thương tật hay bị giết chết thì thật oan uổng làm sao? Người ta có thể bỏ hết tất cả tài sản của cải, để bảo vệ thân mạng của mình và nếu có ai hỏi rằng trên đời này cái gì quý nhất, chắc hẳn ai cũng trả lời thân này. Vì một lẽ đơn giản mà ai cũng phải biết, người làm ra của chứ có bao giờ của làm ra người đâu! Do si mê tham ái luyến tiếc của cải, mà không biết bao người phải chết vì nó. Tham tiếc tiền bạc không đúng chỗ như kẻ ngu kia, nên anh ta phải gánh chịu hậu quả bị đánh đập nặng nề. Con người ta do tham muốn luyến tiếc quá đáng, nên phải chịu nhiều đau khổ trong cuộc đời.
LƯỢM CỦA RƠI TRẢ LẠI ĐƯỢC LÀM QUAN
    Thường con người chết vì tiền tài, sắc đẹp, loài chim cá chết vì mồi ngon tất cả đều do lòng tham lam mà rước lấy tai họa, dục vọng si mê tham đắm làm cho tình bạn thân thích trở thành kẻ thù địch với nhau. Có anh nông dân kia lượm được sợi dây chuyền, nhưng nghĩ đến người chủ bị mất chắc đau khổ vô cùng, nên anh ta tìm cách để trả lại cho khổ chủ cuối cùng anh ta phải ngồi lại chỗ lượm được. Chờ mãi từ sáng đến trưa không thấy ai đến tìm kiếm, nhưng anh nông dân nghĩ rằng chắc người bị mất của sẽ đau khổ lắm nếu không kiếm được. Nghĩ vậy rồi, anh chịu khó nhịn đói để chờ khổ chủ tới tìm. Thế là anh nông dân chờ mãi đến chiều tối, bổng một cô gái vừa đi vừa khóc vừa ngó đất để tìm kiếm cái gì đó. Anh nông dân mới kêu cô ta lại hỏi thăm, có chuyện gì không may mà cô phải khóc nức nở. Cô gái mới nói rằng, con vừa mới làm đám hỏi bên đàn trai có cho con một đôi bông tai và sợi dây chuyền. Sáng nay có chuyện đi ngang qua đường này, con bị rớt mất sợi dây chuyền lúc nào không hay, nếu không kiếm được chắc con phải tự tử chết quá. Người nông dân nghe nói thế mới hỏi sợi dây chuyền của con ra sao, cô gái diễn tả đúng y như sợi dây chuyền mình đã lượm. Anh nông dân liền móc trong túi ra sợi dây chuyền và trả lại cho cô gái, cô gái vô cùng mừng rỡ và cảm ơn anh nông dân rối rít. Anh nông dân cảm thấy trong lòng thanh thản nhẹ nhàng, vì mình đã làm được một việc nghĩa mà quên đi đói khát từ sáng đến giờ. Rồi thời gian cũng trôi dần theo năm tháng, anh nông dân cứ miệt mài cần cù chăm sóc đám ruộng của mình để sinh sống. Một hôm trong xã cần người hiền tài đạo đức để làm xã trưởng, anh nông dân được mọi người tín nhiệm. Từ một anh nông dân nghèo khổ thật thà chất phát nhờ tấm lòng từ bi rộng lớn, biết giúp người cứu vật không kể thân mạng mình. Dù nghèo khó nhưng vẫn sống hiền lương đạo đức, không tham lam ích kỷ, khi lượm của rơi anh luôn đắn đo suy nghĩ để tìm mọi cách trả lại cho khổ chủ. Vì anh nghĩ rằng, người bị mất của chắc họ đau khổ lắm, do nhân không tham lam tiền bạc của cải mà còn nhiệt tình chịu khó chịu khổ quên thân mình để làm sao trả cho được người bị mất. Chính tấm lòng rộng mở đó đã thay đổi nghiệp nhân nghèo khó của anh nông dân. Người có tiền dư đem ra bố thí để giúp đỡ người bất hạnh là việc làm không mấy khó khăn, nhưng vẫn có nhiều người không làm được. Còn của mình đang cần dùng mà dám đem ra chia sẻ, quả thật là việc khó làm chỉ có bậc Bồ tát vì lợi ích chúng sinh nên mới có tấm lòng từ bi như thế. Như anh nông dân kia tuy đang sống kiếp nghèo khổ, dù lượm được của rơi nhưng anh vẫn không tham lam vẫn cố tìm đủ mọi cách để trả lại cho chủ nhân. Quả thật trong cuộc đời này tìm được những người như thế không phải là chuyện dễ, anh ta nhẫn nại chờ đến chiều tối quên cả đói khát trong ngày để trả lại sợi dây chuyền. Đây là một việc làm hết sức cao thượng và có cả một tấm lòng từ bi vô hạn. Nhờ vậy cô gái thoát chết trong tầm tay không phải quyên sinh tự tử, vì sợ bên chồng nghi kỵ. Trước kia anh nông dân được ông tướng số phán cho một câu chắc nịch “ số anh nghèo ba đời ”. Nếu nói như vậy anh nông dân có cố gắng cần mẫn làm lụng vất vả cũng phí công vô ích, vì số anh đã nghèo. Thực tế trong cuộc đời đâu phải như thế, có người vừa sinh ra đã thừa hưởng cả một gia tài đồ sộ của cha mẹ nhưng cuối cùng tán gia bại sản vì không chịu tích lũy làm ăn chỉ biết trác táng vui chơi hưởng thụ. Ngược lại, có người thuở nhỏ nghèo túng khó khăn nhưng khi lớn lên do siêng năng làm việc biết tiết kiệm tiêu xài đúng mức nên trở thành giàu có. Như vậy các pháp trên thế gian này đâu có gì là cố định mãi mãi, mọi việc đều có thể thay đổi được tùy theo sự quyết tâm của mọi người. Theo quan niệm thông thường khi xưa, số mệnh là có cái gì đã định sẵn do thế lực vô hình hay một đấng tối cao nào sắp đặt con người phải chấp nhận cúi đầu gánh chịu. Nếu nói như thế thì chúng ta không thể nào tu hành cải thiện cuộc sống, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc được. Phật giáo không chấp nhận số mệnh con người do thần linh thượng đế áp đặt, mà nó sẽ tùy thuộc ở suy nghĩ hành động của người đó trong hiện tại để cho ra kết quả tốt hay xấu. Như trường hợp của anh nông dân do lòng tốt thương người mà phải chịu đói khát suốt một ngày để trả lại của cho khổ chủ nhờ vậy chuyển được nghiệp nhân nghèo khó trong hiện tại.
Như chúng ta đã biết, nếu ai hiểu rằng số mệnh là cái tốt xấu vĩnh viễn dành cho mọi người, thì kẻ giàu có sẽ ỷ lại mặc tình làm điều xấu ác cuối cùng phước hết họa đến đành chịu cảnh tan nhà nát cửa. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.21/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment