Thursday, 27 March 2014

Cuốn 7 .DAI TRI DO LUAN.                                                                 Chương 11
GIẢI THÍCH:  PHẬT THẾ GIỚI NGUYỆN
   
KINH:  Nguyện lãnh thọ vô lượng thế giới của chư Phật. LUẬN:  Các Bồ-tát thấy các thế giới của các chư Phật độ trang nghiêm vô lượng, phát các lời nguyện:  Có thế giới Phật hoàn toàn không có các khổ, cho đến không có tên ba đường ác.  Bồ-tát thấy rồi tự phát nguyện:  "Khi ta thành Phật, thế giới ta không có các khổ, cho đến không có ba đường ác, cũng sẽ như vậy".
Có thế giới Phật trang nghiêm bằng bảy báu, ngày đêm thường có ánh sáng thanh tịnh, mặc dầu không có mặt trời mặt trăng.  Bồ-tát bèn phát nguyện:  "Khi ta thành Phật, thế giới ta thường có ánh sáng thanh tịnh cũng sẽ như vậy".
Có thế giới Phật, hết thảy chúng sanh đều thực hành mười thiện, có đại trí tuệ, y phục ẩm thực nghĩ đến liền có, bèn phát nguyện:  "Khi ta thành Phật, chúng sanh trong Quốc độ ta, y phục ẩm thực cũng sẽ như vậy".
Có thế giới Phật thuần các vị Bồ-tát, sắc thân như Phật, với ba mươi hai tướng tốt quang minh chiếu suốt, cho đến không có tên Thanh-văn, Bích-chi Phật, cũng không có nữ nhân.  Hết thảy đều thực hành Phật đạo thâm diệu, du hành đến mười phương giáo hóa hết thảy, rồi phát nguyện: "Khi ta thành Phật, chúng sanh trong Quốc độ ta cũng sẽ như vậy".
Như vậy v.v… vô lượng Phật thế giới đủ thứ trang nghiêm, Bồ-tát nguyện đều được cả; vì vậy nên gọi là nguyện thọ vô lượng thế giới Phật.
Hỏi:   Các Bồ-tát hạnh nghiệp thanh tịnh, thì tự được quả báo thanh tịnh, vì sao cần phải lập nguyện rồi sau mới được?   Cũng như nhà nông được lúa, há lại chờ ước nguyện?
Đáp:  Làm phước mà không có ước nguyện  thì không có mục tiêu, vì có nguyện dẫn lối mới thành tựu được, cũng như vàng nấu chảy, tùy theo thợ làm vàng không nhất định.  Như Phật dạy:  Có một người tu được một ít phước bố thí, một ít phước trì giới, mà không biết pháp Thiền định, thế nhưng khi nghe nói trong loài người có kẻ giàu vui, tâm thường niệm tưởng, ái trước, nguyện ước không bỏ, nên sau khi mệnh chung sanh làm người giàu vui.  Lại có người tu một ít phước bố thí, một ít phước trì giới, mà không biết pháp Thiền định, thế nhưng khi nghe nói có các cõi trời:  Tứ-thiên-vương thiên, Tam-thập-tam thiên, Dạ-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa-lạc thiên, Tha-hóa-tự-tại thiên, tâm thường nguyện ước, nên khi mệnh chung, đều được sinh lên cõi ấy.   Đó là đều do nguyện lực mà được.  Bồ-tát cũng như vậy, tu theo lời nguyện "tịnh Quốc độ", vậy sau mới thành; vì vậy nên biết nhân nguyện mà được thọ quả báo thù thắng.
Lại nữa, trang nghiêm Phật độ là việc lớn, chỉ tu hành công đức không thể thành được, phải cần có nguyện lực; cũng như sức bò tuy hay kéo xe, nhưng phải có người cầm cương mới có chỗ đến.  Nguyện "thanh tịnh Quốc độ" cũng như vậy, phước như xe bò; nguyện như người cầm cương.
Hỏi:  Nếu không phát nguyện, không được phước ư?
Đáp:  Tuy được nhưng không bằng có nguyện:  Nguyện thường giúp cho phước, thường nhớ nghĩ sở hành, phước đức được tăng trưởng.
Hỏi:  Nếu phát nguyện mà được quả báo, thì như người làm mười nghiệp ác, không nguyện sanh địa ngục, chắc cũng không bị quả báo địa ngục?
Đáp:  Tội phước tuy có quả báo nhất định, nhưng người có phát nguyện , tu một ít phước mà nhờ có nguyện lực, nên được quả báo lớn.  Như trước nói, trong khi mắc quả báo khổ, mà hết thảy chúng sanh đều nguyện được vui, chứ không ai nguyện được khổ, thế nên không nguyện sanh địa ngục; vì vậy nên phước thì có vô lượng báo mà tội thì hữu lượng.
Có người nói:  "Tội lớn nhất thì đọa A-tỳ địa ngục, thọ báo một kiếp.   Phúc to nhất thì sanh lên Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ, thọ báo trong tám vạn đại kiếp.  Các Bồ-tát nguyện thanh tịnh thế giới, cũng vô lượng kiếp, nhập đạo được Niết-bàn", ấy là thường, lạc.
Hỏi:  Như trong phẩm Nê-lê (Địa ngục) nói:  Tội hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật, bị ở trong địa ngục phương này kiếp tận, lại đến trong địa ngục phương khác, thế vì sao ở đây nói đến tội to nhất thọ báo chỉ trong một kiếp?
Đáp:  Phật pháp vì chúng sanh nên có hai đạo giáo hóa:   Một là Phật đạo, hai là Thanh-văn đạo.  Trong Thanh-văn đạo, người tạo tội ngũ nghịch, Phật nói họ chịu địa ngục một kiếp; trong Bồ-tát đạo, người phá Phật pháp, thì nói họ ở phương này kiếp tận lại đến phương khác chịu vô lượng tội.  Trong pháp Thanh-văn, phước to nhất thọ báo tám vạn kiếp; trong Bồ-tát đạo, phước lớn nhất thọ báo vô lượng A-tăng-kỳ kiếp; vì vậy nên phước đức cần có nguyện.
Ấy là nguyện thọ vô lượng thế giới chư Phật.
KINH:  Niệm vô lượng Phật độ, chư Phật tam muội, thường hiện trước mặt.
LUẬN:  Vô lượng Phật độ là các Phật độ trong mười phương.  Niệm Phật tam muội là thường lấy tâm và mắt thấy mười phương ba đời các đức Phật như hiện ở trước mặt
Hỏi:  Sao gọi là niệm Phật tam muội?
Đáp:  Niệm Phật tam muội có hai:  1-  Trong pháp Thanh văn, đối với một Phật thân, tâm và mắt thấy ở khắp mười phương.  2- Trong Bồ-tát đạo, niệm ba đời Phật mười phương chư Phật ở trong vô lượng Phật độ; vì vậy nên nói niệm vô lượng Phật độ, chư Phật tam muội, thường hiện ở trước.
Hỏi:  Như Bồ-tát tam muội có chủng chủng vô lượng, sao chỉ tán thán Bồ-tát ấy được niệm Phật tam muội hiện ở trước mặt?
Đáp:  Vì Bồ-tát ấy niệm Phật nên được vào trong Phật đạo, vì vậy nên niệm Phật tam muội thường hiện ở trước.
Lại nữa, niệm Phật tam muội hay trừ các thứ phiền não và tội chướng đời trước.  Các thứ tam muội khác có thứ trừ được dâm không thể trừ được sân, có thứ trừ được sân không thể trừ được dâm, có thứ trừ được si không thể trừ được dâm, sân, có thứ trừ được ba độc không trừ được tội đời trước; còn niệm Phật tam muội này trừ được tất cả các phiền và các tội.
Lại nữa, niệm Phật tam muội có đại phúc đức, có thể độ sanh.  Các Bồ-tát ấy muốn độ chúng sanh, các tam muội khác không bằng phúc đức của niệm Phật tam muội này, có thể chóng hết các tội.  Như nói:  Xưa có năm trăm khách buôn, vào biển tìm châu báu, gặp Ngư-vương Ma-già-la hả miệng, nước biển chảy vào trong đó, thuyền đi rất mau, sắp trôi dạt vào miệng Ngư-vương; thuyền sư hỏi người ở trên lầu:  "Ngươi thấy gì?"  Đáp:  "Thấy ba mặt trời xuất hiện, núi bạc la liệt, nước chảy dồn đến như vào hang lớn".  Thuyền sư nói:  "Ngư-vương Ma-già-la ấy hả miệng, một mặt trời là thật, hai mặt trời kia là hai mắt của cá, núi bạc là răng của cá, nước chảy gấp đến là vào miệng cá.  Chúng ta thôi xong rồi!  Vậy ai nấy đều phải cầu xin các thiên thần cứu vớt".  Khi ấy mọi ngưởi đều lo cầu việc đó mà vẫn không thấy ích gì.  Bấy giờ ở đó có Ưu-bà-tắc thọ ngũ giới, nói với mọi người:  "Chúng ta hãy cùng xưng niệm "Nam Mô Phật", Phật là đấng vô thượng, hay cứu vớt khổ ách".  Tức thời ai nấy đều nhất tâm xưng "Nam Mô Phật".
Chuyện về cá ấy, đời trước nó là đệ tử phá giới của Phật, được trí túc mạng, khi nghe xưng tiếng Phật, tâm tự hối ngộ, liền ngậm miệng lại, người trên thuyền được thoát.  Chỉ nhờ niệm Phật mà trừ được trọng tội, thoát khỏi các khổ ách, huống gì niệm Phật tam muội.
Lại nữa, Phật là Pháp vương, Bồ-tát là Pháp tướng, chỉ có Phật Thế Tôn được tôn trọng, thế nên, nên thường niệm Phật.
Lại nữa, thường niệm Phật, được các thứ công đức lợi lạc, cũng như đại thần, đặc biệt mong ân sủng mà thường niệm đến chủ.  Bồ-tát cũng như vậy, biết các thứ công đức và vô lượng trí tuệ đều từ nơi Phật mà được; và biết ân Phật rất nặng nên thường niệm Phật.
Ông hỏi vì sao thường niệm Phật, mà không thực hành các tam muội khác?  Nay nói thường niệm, cũng không nói là không thực hành các tam muội khác; vì thực hành niệm Phật tam muội nhiều cho nên nói là thường niệm.
Lại nữa, trước tuy nói Không, Vô tướng, Vô tác tam muội mà chưa nói niệm Phật tam muội, cho nên nay nói.
KINH:  Hay khuyến thỉnh vô lượng chư Phật.
LUẬN:  Khuyến thỉnh có hai: Một là lúc Phật mới thành đạo, Bồ-tát ngày đêm sáu thời lễ thỉnh, bày vai áo bên phải, chấp tay nói:  "Vô lượng chư Phật trong mười phương Phật độ, lúc mới Thành đạo, chưa Chuyển pháp luân, tôi tên … kính thỉnh hết thảy chư Phật, vì chúng sanh chuyển xe pháp, độ thoát hết thảy".. Hai là lúc chư Phật muốn xả bỏ vô lượng thọ mạng để vào Niết-bàn, Bồ-tát cũng đêm ba thời, ngày ba thời, bày vai áo bên phải, chấp tay nói:  "Vô lượng chư Phật trong mười phương Phật độ, tôi tên … thỉnh Phật trụ lâu ở thế gian vô lượng số kiếp, để độ thoát hết thảy, lợi i񣨠chúng sanh", ấy gọi là thường khuyến thỉnh vô lượng chư Phật.
Hỏi:  Theo lệ của chư Phật, hẳn là phải thuyết pháp, rộng độ chúng sanh.  Lẽ ấy tự nó phải như vậy, cớ sao lại cần phải thỉnh, nếu chư Phật ở trước mặt thời có thể thỉnh được, còn nay như Phật trong mười phương vô lượng Phật độ, mắt cũng không thấy được, làm sao mà thỉnh?
Đáp:  Chư Phật tuy hẳn phải thuyết pháp không đợi người khuyến thỉnh, nhưng ai thỉnh cũng được phước, như Đại quốc vương, tuy được nhiều đồ ăn ngon, mà có người thỉnh mời chắc được ân phước, để ghi nhận tâm người kia vậy.  Lại như tâm từ niệm tưởng chúng sanh, khiến được khoái lạc, chúng sanh tuy không được gì, nhưng người niệm tưởng được phước rất lớn.  Thỉnh Phật thuyết pháp cũng như vậy.
Lại nữa, có các đức Phật, không có ai thỉnh, bèn nhập Niết-bàn mà không thuyết pháp.  Như trong kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn Đa Bảo, vì không có người thỉnh, bèn vào Niết-bàn.  Về sau, hóa thân Phật và Tháp bảy báu, vì để làm chứng việc nói kinh Pháp Hoa, mà xuất hiện cùng một lần.  Cũng như Phật Tu-phiến-đa, vì bản hạnh của đệ tử chưa thuần thục, nên bỏ mà vào Niết-bàn, lưu lại hóa Phật một kiếp để độ chúng sanh.
Nay Đức Thích-ca Văn Phật sau khi đắc đạo năm mươi bảy ngày, im lặng không thuyết pháp, tự nói:  "Pháp của Ta sâu xa khó hiểu khó biết.  Hết thảy chúng sanh bị ràng buộc theo pháp thế gian không thể hiểu được, chẳng bằng Ta im lặng vào Niết-bàn là vui".
Bấy giờ các Bồ-tát và Thích-đề-hoàn-nhơn (trời Đế-thích), Phạm-thiên vương chư thiên, chấp tay thỉnh lễ, thỉnh Phật vì chúng sanh, bắt đầu Chuyển pháp luân.  Phật im lặng nhận lời.  Sau đó Ngài đi đến trong rừng Nai thuộc thành Ba-la-nại Chuyển pháp luân.  Như vậy, sao nói thỉnh Phật không có ích chi?
Lại nữa, Phật pháp xem chúng sanh đều bình đẳng, không quý không tiện, không khinh, không trọng.  Có người thỉnh thì Ngài vì lời thỉnh ấy mà thuyết pháp cho họ.  Tuy chúng sanh không thấy Phật, mà Phật thường thấy tâm chúng sanh, cũng nghe lời họ thỉnh.  Giả sử chư Phật không nghe không thấy, người thỉnh Phật cũng có phước đức, huống gì Phật đều nghe thấy, mà thỉnh Phật lại không ích sao? 
Hỏi:  Đã biết thỉnh Phật là có ích, vì sao chỉ thỉnh có hai việc?
Đáp:  Các việc khác không cần thỉnh, hai việc này mới thiết yếu phải thỉnh, nếu không thỉnh mà Phật tự thuyết, sẽ có bọn ngoại đạo nói:  "Thể đạo thường định, cớ sao ái trước pháp, đa ngôn đa sự?"  Vì vậy nên cần có thỉnh mới thuyết.
Hoặc có người nói:  "Nếu biết các pháp tướng thì không nên ham sống, trụ lâu ở thế gian nên sớm vào Niết-bàn".  Vì vậy nên cần có thỉnh.
Hoặc không thưa thỉnh mà thuyết, người ta sẽ nói Phật ái trước pháp, muốn cho người ta biết, nên phải đợi người ta thưa thỉnh mới Chuyển pháp luân.  Các hàng ngoại đạo tự đắm trước vào pháp, hoặc thưa thỉnh, hoặc không thưa thỉnh, vẫn tự nói pháp cho người; còn Phật đối với pháp không ái trước, mà vì thương xót chúng sanh nên có thỉnh Phật thuyết, Phật mới vì họ thuyết.  Chư Phật không do không thưa thỉnh mà bắt đầu Chuyển pháp luân, như kệ nói:
"Phật nói cái gì thật,
Cái gì là bất thật,
Thật cùng với bất thật,
Cả hai đều không thật.
Chân thật tướng như vậy,
Không hý luận các pháp,
Vì thương xót chúng sanh,
Phương tiện Chuyển pháp luân".
Lại nữa, nếu không thưa thỉnh mà Phật tự thuyết pháp, ấy là tự hiển bày chỗ tự chấp trước pháp, tất phải đáp mười bốn vấn nạn.  Nay chư thiên thỉnh mà Phật thuyết pháp, chỉ vì các đoạn khổ, già, bệnh, chết, không vì hý luận cho nên Phật không đáp mười bốn vấn nạn, mà không lỗi; vì nhân duyên ấy, nên cần có thỉnh mới Chuyển pháp luân.
Lại nữa, Phật sanh ở trong loài người, dùng theo pháp của bậc đại nhân, tuy có tâm đại bi, nhưng không thỉnh thời không nói.  Nếu không thỉnh mà nói, ngoại đạo sẽ chê; vì vậy nên ban đầu cần phải có thỉnh.
Lại nữa, hàng ngoại đạo tôn thờ Phạm thiên, nay Phạm thiên  tự thỉnh Phật, thời  ngoại đạo sẽ tâm phục.
Lại nữa, phép Bồ-tát ngày ba thời, đêm ba thời, thường hành ba việc:  1- Sáng sớm bày vai áo bên phải, chắp tay lễ mười phương Phật nói:   "Tôi tên … hoặc đời nay, hoặc đời quá khứ trong vô lượng kiếp thân, khẩu, ý tạo tội ác nghiệp, xin sám hối trước Phật hiện tại trong mười phương, nguyện được diệt trừ, không làm trở lại; trưa, chiều và đêm ba thời cũng như vậy.  2-  Nghĩ đến công đức sở hành của chư Phật trong ba đời mười phương, và công đức của chúng đệ tử Phật, mà tùy hỷ khuyến trợ.  3-  Khuyến thỉnh các đức Phật hiện tại trong mười phương, bắt đầu Chuyển pháp luân và thỉnh chư Phật trụ lâu ở thế gian vô lượng kiếp, để độ thoát hết thảy.
Bồ-tát thực hành ba việc ấy, công đức vô lượng, dần dần được gần Phật; vì vậy nên cần khuyến thỉnh.
KINH:  Hay đoạn các thứ kiến, triền và các phiền não.
LUẬN:  Kiến có hai:  Một là thường, hai là đoạn.  Thường kiến là thấy năm ấm thường, tâm tin nhận, vui thích.  Đoạn kiến là thấy năm ấm đoạn, tâm tin nhận, vui thích.  Hết thảy chúng sanh, phần nhiều rơi vào trong hai kiến đó. Bồ-tát tự dứt hai kiến đó, cũng trừ hai kiến cho hết thảy chúng sanh, khiến ở vào Trung đạo.
Lại có hai kiến:  Hữu kiến và Vô kiến.
Lại có ba kiến:  Hết thảy pháp đều chấp nhận, hết thảy pháp đều không chấp nhận, hết thảy cũng chấp nhận cũng không chấp nhận.
Lại có bốn kiến là chấp thế gian thường, thế gian vô thường, thế gian cũng thường cũng vô thường, thế gian cũng phi thường cũng phi vô thường.  Hoặc chấp ngã và thế gian hữu biên, vô biên, cũng hữu biên cũng vô biên, cũng phi hữu biên cũng phi vô biên.   Hoặc chấp có kẻ sau khi chết như đi, có kẻ sau khi chết không như đi, có kẻ sau khi chết như đi không như đi, có kẻ sau khi chết cũng chẳng như đi cũng chẳng không như đi.
Lại có năm kiến là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.  Như vậy v.v… các thứ kiến chấp, cho đến sáu mươi hai kiến đều dứt hết.
Các kiến như vậy, do các thứ nhân duyên sanh, các thứ trí môn quán sát, hoặc ở bên các bậc Thầy nghe được.   Các thứ tướng như vậy, có thể làm nhân cho các kiết sử, đem đến mọ褐thứ khổ cho chúng sanh, ấy gọi là các thứ kiến.  Nghĩa chữ kiến sau sẽ nói rộng.
Triền là mười triền:  Sân, dấu tội, ngủ say, ngủ gật, giỡn cợt, giao động, không tàm, không quý, xan tham, tật đố.  Lại nữa, hết thảy phiền não trói buộc tâm, đều gọi là triền.
Phiền não là thứ có thể khiến tâm phiền muộn, vì có thể não loạn tâm nên gọi là phiền.  Phiền não có hai:  Là đắm trước ở bên trong và đắm trước ở bên ngoài.  Thứ đắm trước ở bên trong là năm kiến, nghi, mạn v.v…  Thứ đắm trước ở bên ngoài là dâm, sân v.v… vô minh chung cả trong lẫn ngoài.
Lại có năm thứ kiết, một thuộc ái và một thuộc kiến.
Lại có ba thứ, một thuộc dâm, một thuộc sân và một thuộc si, ấy gọi là phiền não.
Triền, có người nói mười triền, có người nói năm trăm triền.
Phiền não là hết thảy kiết sử.  Kiết có chín, sử có bảy, hiệp thành chín mươi tám kiết (ba mươi ở Dục giới, ba mươi mốt ở Sắc giới, ba mươi mốt ở Vô Sắc giới).  Như Ca-chiên-diên ở trong A-tỳ-đàm nghĩa thuyết:  Mười triền và chín mươi tám kiết là một trăm lẻ tám phiền não.  Trong A-tỳ-đàm của Độc tử thì số kiết sử cũng đồng, còn triền có năm trăm.
Các phiền não như vậy, Bồ-tát dùng mọi phương tiện để tự dứt, cũng có phương tiện khôn khéo dứt các phiền não cho người khác.  Như lúc Phật tại thế, có ba anh em nhà nọ nghe ở nước Tỳ-gia-ly có người kỹ nữ tên Yêm-la-bà-lở thành Xá-bà-đề có người kỹ nữ tên Tu-mạn-na, ở thành Vương-xá có người kỹ nữ tên Ưu-bát-la-ban-na.  Cả ba người sau khi nghe người ta ca ngợi ba người con gái đoan chánh không ai bằng, thì ngày đêm chuyên nhớ, tâm đắm đuối không rời, bèn ở trong mộng thấy cùng hành sự, khi thức dậy suy nghĩ:  "Người con gái kia không đến, ta cũng không đi, mà sao dâm sự được thành?"  Nhân đó mà tỉnh ngộ:  "Hết thảy các pháp đều như vậy chăng?"  Liền đi đến chỗ Bồ-tát Bạt-đà-ba-la hỏi việc ấy.  Bạt-đà-ba-la đáp:  "Các pháp thật như vậy, đều từ tâm niệm sanh".  Như vậy, các thứ, vì ba người ấy mà phương tiện khéo nói các pháp Không.  Khi ấy, ba người liền chứng được A-bệ-bạt-trí.
Các Bồ-tát ấy cũng như vậy, vì các chúng sanh mà dùng các cách khéo léo thuyết pháp, dứt các kiến, triền, phiền não cho họ.
Ấy gọi là hay đoạn các kiến, triền và các phiền não.
KINH:  Du hý và xuất sanh trăm ngàn tam muội.
LUẬN:  Các Bồ-tát tâm Thiền định điều hòa, có trí tuệ thanh tịnh và các phương tiện nên hay xuất sanh các thứ Tam muội.
Thế nào là Tam muội?  Thiện tâm trụ một chỗ không giao động, ấy gọi là Tam muội.
Lại có ba thứ Tam muội:  Có giác có quán, không giác có quán, không giác không quán.
Lại có bốn thứ Tam muội: Tam muội hệ thuộc Dục giới, Tam muội hệ thuộc Sắc giới, Tam muội hệ thuộc Sắc giới, Tam muội hệ thuộc Vô Sắc giới, Tam muội không hệ thuộc.  Trong ấy được dùng đến là Bồ-tát tam muội.   Như trước nói, đối với Phật tam muội chưa được viên mãn, phải siêng hành siêng tu, nên nói là hay phát sanh.
Hỏi:  Bồ-tát vì sao xuất sanh và dạo chơi trong năm ngàn Tam muội ấy?
Đáp:  Chúng sanh vô lượng, tâm hạnh chẳng đồng, có kẻ lợi căn có kẻ độn căn, đối với các kiết sử, có dày có mỏng.  Thế nên Bồ-tát thực hành trăm ngàn Tam muội để dứt trần lao cho họ, cũng như muốn làm cho người nghèo trở nên giàu to, thì phải chuẩn bị các thứ tài vật, tất cả được đầy đủ vậy sau mới có thể cứu vớt người nghèo.  Lại như người muốn trị bệnh cho mọi người, thì phải chuẩn bị các thứ thuốc vậy sau mới trị được.  Bồ-tát cũng như vậy, muốn rộng độ chúng sanh nên thực hành các thứ Tam muội.
Hỏi:  Chỉ nên xuất sanh các thứ Tam muội ấy, cớ gì lại dạo chơi trong đó?
Đáp:  Tâm Bồ-tát xuất sanh các Tam muội, lại vui thích ra vào tự tại nên gọi là chơi, chứ không phải lối chơi giỡn theo ái kiết.
Hý (chơi giỡn) tức là tự tại, như sư tử giữa bầy nai, tự tại không sợ nên gọi là hý.  Các Bồ-tát ấy đối với các tam muội có sức tự tại, hay ra hay vào cũng như vậy.  Các người khác đối với Tam muội, có thể tự tại vào mà không thể tự tại trú, và tự tại ra; có thể tự tại trú, không thể tự tại vào, tự tại ra; có thể tự tại ra, không thể tự tại trú, tự tại vào; có thể tự tại vào, tự tại trú, không thể tự tại ra; có thể tự tại trú, tự tại ra, không thể tự tại vào.  Bồ-tát ấy có thể tự tại đủ ba cách, nên nói là du hý và xuất sanh trăm ngàn Tam muội.
KINH:  Các Bồ-tát thành tựu vô lượng các thứ công đức như vậy.
LUẬN:  Các Bồ-tát ấy thành tựu vô lượng công đức như vậy, là các Bồ-tát cộng trú với Phật.
Muốn tán thán công đức kia, trải vô lượng ức kiếp, không thể cùng tận; vì vậy nên nói thành tựu vô lượng công đức.
KINH:  Các ngài tên là Kiền-đà-la Bồ-tát (Tàu dịch Thiện Thủ), Lạt-na-na-già-la Bồ-tát (Tàu dịch Bảo Tích),  Đạo sư Bồ-tát,  Na-la-đạt Bồ-tát, Tinh-đắc Bồ-tát, Thủy Thiên Bồ-tát, Chủ Thiên Bồ-tát, Đại-ý Bồ-tát, Ích-Ý Bồ-tát, Tăng-ý Bồ-tát, Bất-hư-kiến Bồ-tát, Thiện-tấn Bồ-tát, Thế Thắng Bồ-tát, Thường cần Bồ-tát, Bất-xả-tinh-tấn Bồ-tát, Nhật-tạng Bồ-tát, Bất-khuyến-ý Bồ-tát, Quán-Thế-Âm Bồ-tát, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát (Tàu dịch Diệu-đức), Chấp-bảo-ấn Bồ-tát, Thường-cử-thủ Bồ-tát, Di-lặc Bồ-tát … Vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha các Bồ-tát Ma-ha-tát như vậy đều là bậc bổ xứ kế thừa Tôn vị.
LUẬN:  Các Bồ-tát như vậy cùng trú với Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật thành Vương-xá. 
Hỏi: :   Các Bồ-tát như vậy rất nhiều, vì sao chỉ kể tên hai mươi hai vị Bồ-tát?
Đáp:  Các Bồ-tát có vô lượng trăm ngàn vạn ức, không thể nói hết, nếu nói hết thì văn tự không chép đủ.  Trong đây Bồ-tát có hai hạng là cư gia và xuất gia.  Mười sáu Bồ-tát như Thiện thủ v.v… là Bồ-tát cư gia.  Bạt-đà-bà-la là Bồ-tát cư gia, người cũ ở thành Vương-xá.  Bảo-tích Vương tử Bồ-tát là người nước Tỳ-xá-ly.  Tinh đắc trưởng giả tử Bồ-tát là người nước Chiêm-ba.  Đạo sư sư sĩ Bồ-tát là người Xá-bà-đề.  Từ thị, Diệu-đức Bồ-tát v.v… là Bồ-tát xuất gia.  Quán Thế Âm Bồ-tát v.v… từ Phật độ tha phương đến.  Nếu nói cư gia là đã gần hết thảy Bồ-tát cư gia.  Nói Bồ-tát xuất gia, Bồ-tát tha phương cũng như vậy. 
Hỏi:  Thiện Thủ Bồ-tát có gì thù thắng mà kể ra trước hết?  Nếu vì lớn nên kể trước, thì nên kể đến Bồ-tát Biến-cát, Quán Thế Âm, Đắc Đại Thế Chí v.v…  Nếu vì nhỏ nên kể trước, thì nên kể các Bồ-tát nhục thân sơ phát ý (tâm)?
Đáp:  Không vì lớn, không vì nhỏ, mà vì Thiện Thủ Bồ-tát là người cũ của thành Vương-xá, lớn hơn cả trong hàng Bạch y Bồ-tát.  Phật ở thành Vương-xá, muốn thuyết Bát-nhã Ba-la-mật, vì vậy nên nói đến Thiện Thủ trước hết.  Lại nữa, Thiện Thủ Bồ-tát có vô lượng các thứ công đức, như trong Ban-châu tam muội, Phật tự hiện ra ở trước tán thán công đức kia.
Hỏi:  Nếu Di-lặc Bồ-tát đáng xưng là bổ xứ, thì các Bồ-tát khác sao cũng nói là kế thừa tôn vị?
Đáp: Các Bồ-tát  ấy ở Phật độ mười phương, đều là vị Phật bổ xứ. 
Chương 12
GIẢI THÍCH: TAM MUỘI
KINH: Bấy giờ Thế Tôn tự trải tòa Sư tử, ngồi kiết-già, mình thẳng, buộc niệm ở trước, vào Tam muội vương tam muội, hết thảy Tam muội đều nhập vào trong đó.
LUẬN: 
Hỏi: Phật có thị giả và các Bồ-tát, vì sao Ngài tự trải toà Sư tử?
Đáp: Việc ấy là Phật hóa thành, muốn để cho thích hợp với đại chúng; vì vậy nên A-nan không thể được trải. 
Lại nữa, tâm Phật hóa làm cho nên nói là tự trải. 
Hỏi: Sao gọi là toà Sư tử? Ấy là Phật tự hóa làm Sư tử hay là có Sư tử thật đến, hay là vàng bạc cây đá làm Sư tử? Lại Sư tử không phải là giống thú hiền, Phật không cần đến, cũng không nhân duyên, cho nên nó không nên đến?
Đáp: Đây hiệu là Sư tử chứ không phải là thật Sư tử . Phật là Sư tử trong loài nguời, nên chỗ Phật ngồi, hoặc giường, hoặc trên đất, đều gọi là tòa Sư tử . Cũng như nay chỗ Quốc vương ngồi cũng gọi toà Sư tử. 
Lại nữa, vua gọi người dũng kiện cũng gọi là nhân Sư tử, người xưng hô Quốc vương cũng gọi là nhân Sư tử. Lại như Sư tử, giữa loài thú bốn chân, đi một mình không sợ, chiết phục được hết thảy. Phật cũng như vậy, ở trong chín mươi sáu thứ ngoại đạo, hàng phục tất cả mà không sợ sệt, nên gọi là Sư tử người.
Hỏi: Có nhiều cách ngồi, sao Phật chỉ dùng cách ngồi kiết-già?
Đáp: Trong các cách ngồi, cách ngồi kiết-già an ổn nhất, không mệt mỏi. Ấy là cách ngồi của người tọa thiền nhiếp trú tay chân, tâm cũng không tán loạn.
Lại là cách an ổn nhất trong bốn oai nghi của thân. Thiền tọa ấy là cách ngồi để thủ đạo, Ma vương trông thấy, tâm nó lo sợ. Ngồi như vậy là pháp của người xuất gia, ngồi kiết-già phu tọa dưới rừng cây, chúng nhân trông thấy đều rất hoan hỷ, cho rằng đạo nhân như vậy chắc chắn được đạo, như kệ nói:
"Nếu kiết già phu tọa,
Thân an vào Tam muội, 
Oai đức người kính ngưỡng,
Như mặt trời chiếu thiên hạ.
Trừ ngủ, biếng, che tâm,
Thân nhẹ không mệt mỏi,
Giác ngộ cũng dễ dàng,
Yên như rồng cuộn khúc,
Thấy vẻ ngồi kiết già,
Ma vuơng cũng sầu sợ,
Huống gì người nhập đạo, 
Ngồi yên không lay động".
Vì vậy nên ngồi kiết-giàphu.
Lại nữa Phật dạy đệ tử nên ngồi như thế. Có bọn ngoại đạo, hoặc thường co chân để cầu đạo, hoặc thường đứng, hoặc vác chân, điên cuồng nông nỗi như vậy, tâm chìm biển tà, tình không an ổn; vì vậy Phật dạy đệ tử kiết-giàthân ngồi thẳng. Vì sao thân thẳng? Vì tâm dễ chánh, thân ngồi thẳng thời tâm không biếng nhác, đoan tâm chánh ý, buộc niệm ở trước, nếu tâm chạy loạn, nhiếp nó trở lại; vì muốn vào Tam muội nên các niệm chạy loạn cũng đều nhiếp nó lại. Buộc niệm như vậy vào Tam muội vương tam muội.
Sao gọi là Tam muội vương tam muội? Tam muội ấy tự tại bậc nhất giữa các Tam muội, có thể duyên vô lượng các pháp tướng, như vua là bậc nhất giữa mọi người, Chuyển luân Thánh vương là bậc nhất giữa các vua, Phật là bậc nhất giữa hết thảy trên trời dưới trời. Tam muội này cũng như vậy, là bậc nhất giữa các Tam muội.
Hỏi: Nếu do Phật lực thì hết thảy Tam muội đều nên bậc nhất, cớ sao chỉ gọi Tam muội vương là bậc nhất?
Đáp: Tuy là nói do thần lực của Phật, mà các Tam muội của Phật hành trì đều bậc nhất, nhưng trong các pháp phải có sự sai khác. Như các trân bảo của Chuyển luân Thánh vương, tuy hơn châu báu của các vua, nhưng trong đó trân bảo ấy tự có sai khác, quý tiện rất khác nhau.
Tam muội vương tam muội ấy nhiếp vào định nào? Có tướng gì? Có người nói: Tam muội vương tam muội gọi là tướng tự tại, nhiếp thuộc năm uẩn hiện ở trong Thiền thứ tư, vì sao? Vì chư Phật ở trong Thiền thứ tư thực hành Kiến đế đạo, chứng được A-na-hàm, tức thời trong mười tám chi thiền tâm mà chứng được Phật đạo, ở trong Thiền thứ tư mà xả thọ mạng, và từ trong Thiền thứ tư khởi lên mà nhập Vô-dư Niết-bàn. Ở trong Thiền thứ tư có Tám sanh trú xứ, Tám bội xả, Tám thắng xứ, Mười nhất thiết nhập, phần nhiều ở trong Thiền thứ tư. Thiền thứ tư gọi là bất động, pháp thiền đị.nh không ngăn ngại. Ở trong Dục giới, các dục ngăn ngại tâm thiền định. Trong Sơ thiền, giác quán làm tâm động. Trong Nhị thiền, sự mừng lớn làm tâm động. Trong Tam thiền, sự vui lớn làm tâm động. Trong Tứ thiền thì không động. 
Lại nữa, ở Sơ thiền bị lửa đốt; ở Nhị thiền bị nước ngập; ở Tam thiền bị gió thổi; ở Tứ thiền không bị ba thứ hoạn nạn đó. Ở đây không còn hơi thở ra vào, xả niệm thanh tịnh; vì vậy nên Vương tam muội nếu ở trong Thiền thứ tư, thời như vật báu tốt cất trong kho tốt.
Lại có người nói: Tam muội của Phật, ai biết được tướng đó? Hết thảy các Phật pháp, nhất tướng vô tướng, vô lượng vô số, không thể nghĩ bàn. Các Tam muội khác còn không thể lường, không thể đếm, không thể nghĩ bàn, huống gì Tam muội vương tam muội? Tam muội như thế, duy có Phật biết được. Như thần túc, sự trì giới của Phật còn không thể biết, huống là Tam muội vương tam muội?
Lại nữa, Tam muội vương tam muội, hết thảy các Tam muội đều vào trong đó, nên gọi là Tam muội vương tam muội. Cũng như ở Diêm-phù-đề, ngàn sông muôn dòng đều chảy vào biển, cũng như tất cả nhân dân đều thuộc Quốc vương.
Hỏi: Phật có Nhất thiết trí, không gì không biết; cớ sao phải vào Tam muội vương tam muội này, vậy sau mới biết?
Đáp: Vì muốn chỉ rõ trí tuệ từ nhân duyên sanh, để ngăn bọn ngoại đạo mà nói trí tuệ của chúng ta trong tất cả thời là thường có, thường biết; vì vậy nên nói Phật nhập vào Tam muội vương tam muội thời biết, không vào thời không biết.
Hỏi: Nếu như vậy, thời Phật lực giảm yếu?
Đáp: Lúc muốn nhập Tam muội vương tam muội, không phải là khó, nghĩ đến liền được, không phải như hàng Thanh-văn, Bích-chi Phật, các tiểu Bồ-tát, gắng sức cầu nhập.
Lại nữa, nhập vào trong Tam muội vương tam muội ấy, khiến sáu thần thông thhông suốt mười phương, không hạn không lượng.
Lại nữa, Phật nhập vào Tam muội vương tam muội, thời biến hóa đủ thứ, hiện đại thần lực. Nếu không nhập vào Tam muội vương tam muội mà hiện thần lực, thời có người tâm nghĩ: "Đó là Phật dùng huyễn lực, chú thuật, hoặc là đại lực long thần, hoặc là trời chứ không phải người", vì sao? Vì thấy một thân xuất ra vô lượng thân, các thứ quang minh biến hóa nên cho là không phải người; vì để đoạn chỗ nghi đó, nên Phật nhập vào Tam muội vương tam muội.
Lại nữa, Phật nếu vào các tam muội khác thời hàng chư thiên, Thanh-văn, Bích-chi Phật có thể lường biết. Tuy nói Phật thần lực là lớn mà còn có thể biết, thời tâm cung kính không nặng, vì vậy nên vào trong Tam muội vương tam muội, để hết thảy chúng Thánh, cho đến Thập trụ Bồ-tát không thể lường biết, không biết tâm Phật nương ở đâu, duyên ở đâu; vì vậy nên Phật nhập vào Tam muội vương tam muội.
Lại nữa, Phật có khi phóng ánh sáng lớn, hiện thần lực lớn, như khi sanh, khi đắc đạo, khi bắt đầu Chuyển pháp luân, khi chư thiên, Thánh nhân hòa hiệp tập hội lớn, hoặc khi tồi phá mgoại đạo đều phóng hào quang lớn. Nay muốn hiện sự thù thắng đó nên phóng ánh sáng lớn, khiến mười phương hết thảy trời, người, chúng sanh, và các A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát đều được thấy, biết; vì vậy nên Phật nhập vào Tam muội vương tam muội.
Lai nữa, ánh sáng, thần lực có hạ, trung, thượng. Chú thuật, huyễn thuật làm ra ánh quang, biến hóa là hạ. Chư thiên, Long thần được quả báo có ánh sáng, thần lực là trung. Vào các tam muội, do tâm lực và công đức đời nay, mà phóng ánh sáng lớn, hiện thần lực lớn là thượng; vì vậy nên Phật vào Tam muội vương tam muội.
Hỏi: Như các Tam muội có mỗi mỗi tướng, thế nào hết thảy tam muội đều vào trong đó?
Đáp: Khi được Tam muội vương tam muội, thì hết thảy Tam muội đều được, nên nói đều vào trong đó. Do sức của Tam muội ấy, mà hết thảy các Tam muội đều được, vô lượng vô số, không thể nghĩ bàn, vì vậy gọi là vào.
Lại nữa, vào trong Tam muội vương tam muội ấy, thời hết thảy Tam muội, hễ muốn vào liền vào.
Lại nữa, vào trong Tam muội vương tam muội ấy thời có thể quán hết thảy tướng Tam muội, như ở trên núi nhìn xuống.
Lại nữa, Phật vào trong Tam muội vương tam muội ấy, thời có thể quán hết thảy mười phương thế giới, cũng có thể quán hết thảy chúng sanh; vì vậy nên Phật vào Tam muội vương tam muội.
KINH: Bấy giờ, Thế Tôn từ Tam muội an lành mà khởi, dùng Thiên nhãn quán xem thế giới, toàn thân mỉm cười.
LUẬN:
Hỏi: Sao Thế Tôn vào Tam muội vương tam muội, không thi tác gì, mà từ định khởi dậy, quán xem thế giới?
Đáp: Phật vào Tam muội vương tam muội thời hết thảy Phật pháp bảo tạng đều khai mở, đều xem thấy. Ở trong Tam muội vương tam muội ấy xem xong, tự nghĩ "Pháp tạng này của ta vô lượng vô số, không thể nghĩ bàn", vậy sau mới từ Tam muội an tường mà khởi, dùng Thiên nhãn quán xem chúng sanh, biết chúng sanh nghèo khổ, Pháp tạng này từ nhân duyên mà được, hếy thảy chúng sanh cũng đều có thể được, chỉ vì ở trong si mê, không biết cầu tìm; vì vậy nên toàn thân mỉm cười.
Hỏi: Phật có Phật nhãn, Huệ nhãn, Pháp nhãn hơn Thiên nhãn, sao lại dùng Thiên nhãn quán xem thế giới?
Đáp: Vì Nhục nhãn thì thấy không khắp. Tuệ nhãn thì biết thật tướng của các pháp, 
Pháp nhãn thì thấy người ấy dùng phương tiện gì, hành pháp gì mà đắc đạo. Phật nhãn thì hết thảy pháp hiện tiền đều biết rõ ràng; còn Thiên nhãn thì thấy thế giới và chúng sanh không bị chướng ngại, các nhãn khác không như vậy. Tuệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn tuy thắng song không phải để thấy chúng sanh. Muốn thấy chúng sanh, chỉ dùng hai nhãn là Nhục nhãn và Thiên nhãn; vì Nhục nhãn thấy không khắp bởi có chướng ngại, nên dùng Thiên nhãn mà xem.
Hỏi: Nay mắt ấy ở nơi Phật, sao gọi là Thiên nhãn?
Đáp: Mắt ấy phần nhiều ở chư Thiên. Thiên nhãn trông thấy không bị chướng ngại núi vách, cây cối. Nếu người do sức tu hành tinh tấn, trì giới, thiền định mà có được, không phải phần có được từ khi sanh ra; vì vậy nên gọi là Thiên nhãn.
Lại nữa, người phần nhiều tôn quí trời, lấy trời làm chúa. Phật theo lòng người; vì vậy nên gọi là thiên nhãn.
Lại nữa, trời có ba thứ là: Danh thiên, Sanh thiên, Tịnh-thiên. Danh thiên (Trời trên danh xưng) như Thiên vương, Thiên tử. Sanh thiên (Trời theo nơi sanh) là Đế thích, Phạm vương, chư Thiên. Tịnh-thiên (Trời theo nghĩa có đức thanh tịnh) là Phật, Bích-chi Phật, A-la-hán. Tôn quý nhất trong hàng Tịnh-thiên là Phật, nên nay nói Thiên nhãn, cũng không lỗi.
Thiên nhãn quán xem thế giới là, vì chúng sanh thường cầu an vui mà lại bị khổ, tâm đắm trước tự ngã mà tâm ấy thật không tự ngã. Chúng sanh thường sợ khổ mà thường hành khổ, như người mù tìm con đường tốt lại bị sa hố sâu. Quán các thứ như vậy song, toàn thân mỉm cười.
Hỏi: Cười từ miệng phát ra, hoặc là con mắt cười, nay cớ sao nói toàn thân cười?
Đáp: Phật là bậc tôn quí tự tại trong thế giới, có thể khiến toàn thân như miệng, như mắt, cho nên đều có thể cười. 
Lại nữa, hết thảy lỗ chân lông đều mở ra, cho nên gọi là cười. Do miệng cười hoan hỷ nên tất cả lỗ chân lông đều mở ra.
Hỏi: Phật là đấng chí tôn chí trọng, vì sao lại cười?
Đáp: Như đại địa, không vì vô sự và tiểu nhân duyên mà rung động. Phật cũng như vậy, nếu vô sự và tiểu nhân duyên thời không cười. Nay vì đại nhân duyên nên toàn thân cười. Thế nào là đại? Phật muốn thuyết Đại Bát-nhã Ba-la-mật, vô ương vô số chúng sanh sẽ nối giống Phật, ấy là đại nhân duyên.
Lại nữa, Phật nói: "Ta đời đời từng làm tiểu trùng, ác nhân, dần dần nhóm các thiện căn, được đại trí tuệ, nay tự thành Phật, thần lực vô lượng, tối thượng tối đại. Hết thảy chúng sanh cũng có thể được như vậy, tại sao luống chịu khổ nhọc mà lại đọa chỗ nhỏ?"; vì vậy nên cười.
Lại nữa, có nhân nhỏ mà quả to, duyên ít mà báo lớn như cầu Phật đạo, chỉ tán thán một bài kệ, một lần xưng Nam Mô Phật, đốt một nén hương, mà chắc chắn được làm Phật, huống gì nghe hiểu các pháp thật bất sanh bất diệt, không bất sanh bất diệt, mà nhân duyên hành nghiệp cũng không mất; vì việc ấy nên cười.
Lại nữa, tướng Bát-nhã Ba-la-mật thanh tịnh như hư không, không thể cho, không thể lấy, Phật dùng các phương tiện quang minh thần đức, để giáo hóa hết thảy chúng sanh, khiến tâm điều nhu, vậy sau mới có thể tín thọ Bát-nhã Ba-la-mật; vì vậy, nên nhân đó mà cười và phóng quang.
Cười có các nhân duyên: Có người hoan hỷ mà cười, có người sân nhuế mà cười, có người khinh người mà cười, có người thấy sự lạ mà cười, có người thấy việc đáng hổ thẹn mà cười, có người thấy phương khác phong tục lạ mà cười, có người thấy việc hy hữu khó được mà cười. Nay là việc hy hữu khó nhất: Các pháp tướng vốn bất sanh bất diệt, chơn không vô tự vô danh, vô ngôn vô thuyết, mà muốn tác danh lập tự để nói cho chúng sanh, khiến được giải thoát, ấy là sự khó nhất. Cũng như đống lửa lớn trăm do tuần, có người đội cỏ khô, đi qua trong lửa mà không bị cháy một ngọn lá, ấy là rất khó. Chư Phật cũng như vậy, mang các cổ danh tự của vạn pháp, vào trong thật tướng các pháp mà không bị ngọn lửa nhiễm trước bốc cháy, đi thẳng qua vô ngại; ấy là rất khó. Vì việc khó ấy nên cười. Như vậy, các việc khó hy hữu, cho nên toàn thân mỉm cười. 
 

Chương 13
GIẢI THÍCH:  PHÓNG QUANG
KINH:  Từ trong tướng bánh xe ngàn căm dưới bàn chân, phóng ra sáu trăm vạn ức ánh sáng.
LUẬN:  Hỏi:  Phật vì sao trước tiên phóng ánh sáng nơi thân?
Đáp:  Đã đáp ở trong đoạn nói về nhân duyên cười trên kia, nay sẽ nói thêm:  Có người thấy Phật vô lượng thân phóng ánh sáng lớn, sanh lòng thanh tịnh cung kính, biết đó không phải là người thường.
Lại nữa, Phật muốn hiện tướng bắt đầu của ánh sáng trí tuệ nên trước tiên phóng ra thân quang, chúng sanh biết Phật thân quang đã hiện, thì trí tuệ quang cũng sẽ xuất hiện.
Lại nữa, hết thảy chúng sanh thường đắm trước dục lạc, trong ngũ dục, sắc là đầu tiên.  Khi thấy ánh sáng nhiệm màu nầy, tâm chắc ưa thích, mà xả bỏ các vui cũ, khiến tâm dần dần ly dục, vậy sau nói trí tuệ cho.
Hỏi:  Các thiên nhân khác cũng có thể phóng quang, vậy Phật phóng quang có gì sai khác?
Đáp:  Các thiên nhân tuy có thể phóng quang, nhưng có hạn lượng. Mặt trời mặt trăng chỉ chiếu trong tứ thiên hạ; còn Phật phóng quang chiếu khắp Tam thiên đại thiên thế giới, từ Tam thiên đại thiên thế giới xuất ra chiếu khắp đến hạ phương.   Ánh sáng của người khác chỉ làm cho người hoan hỷ mà thôi, còn Phật phóng quang, có thể khiến hết thảy người nghe pháp đắc độ; vì thế cho nên khác.
Hỏi:  Như trong một thân, đầu ở trên hết, sao lại trước tiên từ dưới chân phóng quang?
Đáp:  Thân được trụ đều do chân.  Lại nữa, trong một thân, tuy đầu quý mà chân tiện, Phật không tự quý ánh sáng, không vì lợi dưỡng, vì thế nên ở chỗ tiện phóng quang.
Lại nữa, các Rồng, Rắn lớn, Quỷ thần từ trong miệng tuôn ánh sáng, độc hại vật trước mặt.  Nếu Phật từ miệng phóng ánh sáng, chúng sanh sẽ sợ hãi:  Ánh sáng lớn gì thế, lại sợ bị hại?  Cho nên Phật từ dưới chân phóng quang.
Hỏi:  Dưới chân có sáu trăm vạn ức ánh sáng, cho đến nhục kế, là đều đếm được, còn không thể chiếu khắp Tam thiên đại thiên thế giới, huống gì mười phương?
Đáp:  Thân quang ấy là gốc của các ánh sáng, từ gốc ra chi lưu vô lượng vô số.  Cũng như con trùng Ca-la-cầu-la, thân nó bé tí, song gặp gió thì to dần, cho đến có thể nuốt hết tất cả.  Ánh sáng cũng như vậy, có thể độ được chúng sanh, càng tăng đến vô hạn.
KINH:  Mươì ngón chân, hai mắt cá, hai bắp chân, hai đầu gối, hai bắp vế, lưng, xương sống, bụng, lỗ rốn, tim, chữ vạn ở ngực, vai, cánh tay, mười ngón tay, cổ, miệng, bốn mươi cái răng, hai lỗ mũi, hai mắt, hai tai, tướng lông trắng, nhục kế, mỗi mỗi phóng ra sáu trăm vạn ức ánh sáng.
LUẬN: Hỏi:  Ánh sáng dưới chân có thể chiếu đến Tam thiên đại thiên vàmười phương thế giới, thì mỗi mỗi thân phần có phóng ra sáu trăm vạn ức ánh sáng nữa để làm gì?
Đáp:  Trước tôi đã nói ánh sáng dưới chân chỉ chiếu hạ phương, các phương khác không chiếu, thế nên lại phóng ánh sáng nơi mỗi thân phần.  Có người nói:  Trong hết thảy thân phần, chân là chỗ đứng, cho nên rất lớn, các phần khác không được vậy, thế nên Phật trước tiên từ dưới chân phóng sáu trăm vạn ức ánh sáng để khai thị cho chúng sanh.  Như trong ba mươi hai tướng, đầu tiên gieo trồng dưới chân để được an trú, thì hết thảy thân phần đều có thần lực.
Hỏi:  Nương Tam muội gì, nương thần thông gì, nương thiền định gì mà phóng ra ánh sáng ấy?
Đáp: Nương trong Tam muội vương tam muội, phóng ra ánh sáng ấy, nương Như ý thông trong Lục thông, và đệ Tứ thiền trong Tứ thiền mà phóng ra ánh sáng ấy.  Trong đệ Tứ thiền, từ Hỏa thắng xứ , Hỏa nhất thiết xứ phóng ra ánh sáng.
Lại nữa, lúc Phật mới sinh, lúc mới thành Phật, lúc bắt đầu Chuyển pháp luân, đều phóng ra vô lượng quang minh chiếu khắp mười phương, huống gì lúc thuyết Đại Bát-nhã Ba-la-mật mà không phóng quang?  Cũng như châu báu của Chuyển luân Thánh vương, thường có ánh sáng chiếu quân binh của vua, bốn bên đều một do tuần.  Phật cũng như vậy, vì có duyên của chúng sanh, nếu không vào Tam muội, thì hằng phóng ánh sáng thường, vì sao?  Vì các pháp bảo của Phật thành tựu vậy.
KINH:  Từ các ánh sáng ấy, xuất ra ánh sáng lớn, chiếu khắp Tam thiên đại thiên thế giới.  Từ Tam thiên đại thiên thế giới, chiếu khắp các thế giới nhiều như cát sông Hằng ở phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng trên dưới cũng như vậy.  Nếu có chúng sanh gặp ánh sáng ấy, ắt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề.   Ánh sáng phóng ra quá hằng hà sa thế giới phương Đông, cho đến mười phương cũng như vậy.
LUẬN:  Hỏi:  Như tướng lửa cháy bốc lên, tướng nước thấm xuống, tướng gió đi ngang, ánh sáng ấy thuộc hơi lửa nên đi lên, làm sao biến khắp Tam thiên đại thiên thế giới vàmười phương thế giới?
Đáp:  Ánh sáng có hai thứ:  Một thuộc hơi lửa, một thuộc hơi nước.  Ánh sáng mặt trời thuộc hơi lửa, ánh sáng mặt trăng thuộc hơi nước.  Tướng của lửa tuy cháy bốc lên, nhưng lửa trong thân người, trên dưới biến khắp.  Lửa mặt trời cũng thế, cho nên tháng mùa hạ cả đất và nước đều nóng; vì vậy, nên biết lửa không phải đều bốc lên. 
Lại nữa, ánh sáng ấy là Phật lực nên biến khắp mười phương.  Cũng như chiếc cung mạnh điều khiển mũi tên, tùy nơi nhắm tới.
Hỏi:  Vì sao trước tiên chiếu phương Đông, rồi sau mới chiếu phương Nam, Tây, Bắc?
Đáp:  Vì mặt trời mọc phương Đông trước tiên, nên Phật theo ý của chúng sanh, trước tiên chiếu ở phương Đông.
Lại nữa, cùng một nghi nạn như nhau.  Nếu trước tiên chiếu phương Nam, thì sẽ hỏi tại sao trước tiên không chiếu phương Đông, Tây, Bắc?   Nếu trước tiên chiếu phương Tây, Bắc cũng thế thôi.
Hỏi:  Ánh sáng bao lâu sẽ diệt?
Đáp:  Phật dùng thần lực, muốn còn thì còn, xả thần lực thì diệt.  Phật quang như ngọn đèn, thần lực như dầu, nếu Phật không xả thần lực thì ánh sáng không diệt.
Hỏi:  Thế nào là Tam thiên đại thiên thế giới?
Đáp:  Trong kinh Tạp A-hàm, Phật phân biệt nói:  Ngàn mặt trời, ngàn mặt trăng, ngàn Diêm-phù-đề, ngàn Cù-đà-ni, ngàn Uất-đan-la-việt, ngàn Phất-bà-đề, ngàn Tu-di-sơn, ngàn Tứ-thiên-vương thiên, ngàn Tam-thập-tam thiên, ngàn Dạ-ma thiên, ngàn Đâu-suất-đà thiên, ngàn Hóa-tự-tại thiên, ngàn Tha-hóa-tự-tại thiên, ngàn Phạm-thiên, ngàn Đại Phạm thiên.  Ấy gọi là Tiểu thiên thế giới, tên là Châu lspan style="mso-spacerun: yes">  Châu lồm ngàn thế giới làm một Tiểu thiên thế giới.  Từ một kể đến ngàn, gọi là hai ngàn Trung thiên thế giới.  Lấy hai ngàn Trung thiên thế giới làm một, từ một kể đến ngàn, gọi là ba ngàn Đại thiên thế giới.  Ngàn đầu là Tiểu thiên, ngàn thứ hai là Trung thiên, ngàn thứ ba là đại thiên.  Số ngàn ngàn chồng lên, nên gọi là Đại thiên.  Quá hai ngàn lại thêm ngàn, nên gọi là Tam thiên, ấy là danh từ tập hợp.  Trăm ức nhật nguyệt cho đến trăm ức Đại Phạm thiên, gọi là Tam thiên đại thiên thế giới, một lần sanh, một lần diệt.
Có người nói:  Thời gian trụ là một kiếp, thời gian diệt là một kiếp, trở lại thời gian sanh là một kiếp, ấy là Tam thiên đại thiên thế giới.  Đại kiếp cũng có ba thứ phá hoại (đại tam tai) là nước, lửa, gió.  Tiểu kiếp cũng có ba thứ phá hoại (tiểu tam tai) là đao, binh, ôn dịch, cơ cẩn.
Tam thiên đại thiên thế giới ấy ở giữa hư không, trên gió là nước, trên nước là đất, trên đất là người.
Núi Tu-di có hai nơi:  Nơi Tứ-thiên-vương ở và nơi Tam-thập-tam thiên ở, thừa ra là nơi trời Dạ-ma v.v… ở.  Do nhân duyên phước đức, đất toàn bảy báu, gió nổi giữa không, cho đến trời Đại Phạm, đều là đất bảy báu, đều ở trên gió.
Ánh sáng chiếu khắp Tam thiên đại thiên thế giới ấy.  Ánh sáng quá thừa ra, chiếu đến hằng sa thế giới phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc; bốn hướng trên, dưới cũng như vậy.
Hỏi:  Ánh sáng ấy chiếu khắp, tại sao không diệt?
Đáp:  Ánh sáng lấy thần lực của Phật làm gốc, gốc còn cho nên không diệt.  Cũng như suối Rồng, do sức Rồng mà nước không khô.  Các ánh sáng ấy do tâm lực của Phật nên chiếu khắp mười phương, trung gian không diệt.
Hỏi:  Như các sông lớn trong Diêm-phù-đề cũng có sông lớn quá hơn sông Hằng, vì sao thường chỉ nói Hằng hà sa?
Đáp:  Cát ở sông Hằng nhiều, sông khác không bằng.   Lại nữa, sông Hằng là nơi Phật sanh, nơi Phật du hành, các đệ tử tận mắt thấy nên lấy làm ví dụ.
Lại nữa, Phật ra đời tại Diêm-phù-đề, Diêm-phù-đề có bốn sông lớn, phát xuất ở phía Bắc, chảy vào trong bốn phương đại hải.  Trong núi tuyết phía Bắc có ao A-na-bà-bạt-đa, có hoa sen bảy báu sắc kim, lớn như tàng xe.  Long vương A- bà-bạt-đa chính là đại Bồ-tát ở đệ thất trụ.   Bốn bên áo ấy, có bốn dòng nước.  Đông phương hình đầu voi, Nam phương hình đầu trâu, Tây phương hình đầu ngựa, Bắc phương hình đầu sư tử.  Đông phương hình đầu voi, phát xuất sông Hằng, đáy sông có cát vàng.  Nam phương hình đầu trâu, phát xuất sông Tân-đầu; đáy sông cũng có cát vàng.  Tây phương hình đầu ngựa, phát xuất sông Bà-xoa; đáy sông cũng có cát vàng.   Bắc phương hình đầu sư tử, phát xuất sông Tư-đà; đáy sông cũng có cát vàng.
Bốn sông ấy đều phát xuất ở Bắc sơn.  Sông Hằng phát xuất ở Bắc sơn chảy vào biển Đông.  Sông Tân-đầu phát xuất ở Bắc sơn chảy vào biển Nam.   Sông Bà-xoa phát xuất ở Bắc sơn chảy vào biển Tây.  Sông Tư-đà phát xuất ở Bắc sơn chảy vào biển Bắc.  Trong bốn sông ấy, sông Hằng lớn nhất.  Kinh thư của các người ở bốn phương xa đều cho sông Hằng là sông phước đức tốt lành, nếu ai vào đó tắm rửa thì các ác tội cấu đều trừ sạch, vì người ta kính thờ sông ấy, ai nấy đều biết, cho nên Phật lấy sông Hằng làm thí dụ.
Lại nữa, tên của các sông khác ưa thay đổi, tên của sông Hằng đời đời không thay đổi; vì vậy nên lấy cát sông Hằng làm thí dụ, không lấy các sông khác.
Hỏi:  Cát trong sông Hằng có bao nhiêu?
Đáp:  Hết thảy toán số không thể biết được, chỉ có Phật và pháp thân Bồ-tát mới biết được số đó. Phật và pháp thân Bồ-tát, hết thảy vi trần trong Diêm-phù-đề sanh, diệt, nhiều, ít, đều có thể đếm biết, huống gì là cát sông Hằng?  Như lần Phật ngồi dưới gốc cây trong vườn phía ngoài tinh xá Kỳ-Hoàn, có một Bà-la-môn đi đến chỗ Phật hỏi:  "Rừng cây này có bao nhiêu lá?"  Phật tức thời đáp lại:  "Có bấy nhiêu lá".  Bà-la-môn sanh tâm nghi:  "Lấy ai làm chứng?" Bà-la-môn đi đến bên gốc cây, lấy một ít lá trên cây rồi dấu kỹ đi trở lại hỏi Phật:  " Rừng cây này có bao nhiêu lá nhất định?"   Phật liền đáp:  "Nay thiếu mất bấy nhiêu lá".  Phật đã đúng như số lá của Bà-la-môn đã lấy mà trả lời.  Bà-la-môn biết rồi, tâm rất kính tín, cầu xin Phật cho xuất gia, về sau được chứng quảA-la-hán, vì vậy, nên biết Phật có thể biết số cát sông Hằng.
Hỏi:  Có bao nhiêu người gặp ánh sáng của Phật, ắt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề?  Nếu gặp ánh sáng bèn đắc đạo, Phật có tâm đại từ, sao không thường phóng ánh sáng để cho tất cả đắc đạo, cần gì phải trì giới, thiền định, trí tuệ, vậy sau mới đắc đạo?
Đáp:  Chúng sanh do nhiều nhân duyên đắc độ chẳng đồng, có người do thiền định mà đắc độ, có người do trì giới thuyết pháp mà đắc độ, có người do ánh sáng chạm thân mà đắc độ.  Cũng như thành có nhiều cửa vào, mà nơi đi đến của mỗi cửa không khác.   Có người do ánh sáng chạm thân mà đắc độ, nhưng cũng có người thấy ánh sáng hoặc chạm thân mà không đắc độ.
KINH:  Bấy giờ, từ lỗ chân lông trên toàn thân của Thế Tôn cũng đều mỉm cười mà phóng ra các ánh sáng, chiếu khắp Tam thiên đại thiên thế giới, lại chiếu đến hằng hà sa thế giới khắp mười phương, nếu có chúng sanh gặp ánh sáng ấy, ắt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề.
LUẬN:  Hỏi:  Trên kia, đã nói toàn thân mỉm cười; nay vì sao lại nói hết thảy lỗ chân lông đều cười?
Đáp:  Toàn thân mỉm cười là phần thô, nay hết thảy lỗ chân lông đều cười là phần tế.
Lại nữa, trước toàn cả thân mỉm cười, ánh sáng có số lượng, nay hết thảy lỗ chân lông đều cười thì ánh sáng vô lượng.
Lại nữa, trước gặp ánh sáng của toàn thân mà chưa đắc độ, thì nay gặp ánh sáng của lỗ chân lông liền đắc độ.  Cũng như rung cây lấy quả, quả chín rụng trước, nếu chưa rụng, lại rung tiếp lần sau.  Lại như bắt cá, lưới trước chưa bắt hết, lưới sau sẽ bắt.  Nhân duyên cười như trên đã nói. 
(Hết cuốn 7 theo bản Hán) .HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.28/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment