Sunday, 30 March 2014

Tập 3 
Cuốn 42.DAI TRI DO LUAN.
Kinh: Lại nữa, bạch Thế Tôn! Bồ tát ma ha tát muốn tu hành Bát nhã ba la mật, nên suy nghĩ như vầy: Thế nào là Bát nhãn ba la mật? Vì sao gọi là Bát nhã ba la mật? Bát nhã ba la mật của ai? Nếu Bồ tát ma ha tát tu hành Bát nhã ba la mật suy niệm như vầy: Nếu pháp không có gì, không thể có được, ấy là Bát nhã ba la mật.
Bấy giờ, Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Những pháp gì không có gì, không thể có được?
Tu bồ đề nói: Bát nhã ba la mật là pháp không có gì, không thể có được; Thiền ba la mật, Tấn ba la mật, Nhẫn ba la mật, Giới ba la mật, Thí ba la mật, pháp ấy không có gì, không thể có được, vì trong không, ngoài không, trong ngoài không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, rốt ráo không, vô thỉ không, tán không, tánh không, tự tướng không, các pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không vậy.
Này Xá lợi phất! Sắc pháp không có gì, không thể có được; thọ tưởng hành thức pháp không có gì, không thể có được; pháp trong không, không có gì, không thể có được; cho đến pháp vô pháp hữu pháp không, không có gì, không thể có được.
Này Xá lợi phất! Pháp bốn niệm xứ không có gì, không thể có được, cho đến mười tám pháp không chung không có gì, không thể có được.
Này Xá lợi phất! Các pháp thần thông không có gì, không thể có được. Pháp như như không có gì, không thể có được. Pháp tánh, pháp tướng, pháp trụ, pháp vị, pháp thật tế không có gì, không thể có được.
Này Xá lợi phất! Phật không có gì, không thể có được. Pháp Tát bà nhã không có gì, không thể có được. Trí nhất thiết chủng không có gì, không thể có được, vì trong không cho đến vô pháp hữu pháp không vậy.
Này Xá lợi phất! Nếu Bồ tát ma ha tát khi suy nghĩ như vậy, quán như vậy tâm không chìm đắm, không hối, không kinh, không hãi, không sợ, nên biết Bồ tát ấy không lìa hạnh Bát nhã ba la mật.
Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Do nhân duyên gì nên biết Bồ tát không lìa hạnh Bát nhã ba la mật?
Tu bồ đề nói: Sắc, lìa sắc tánh, thọ tưởng hành, thức lìa thức tánh, sáu Ba la mật lìa sáu Ba la mật lìa sáu Ba la mật tánh, cho đến thật tế lìa thật tế tánh.
Xá lợi phất lại hỏi Tu bồ đề: Thế nào là sắc tánh, thế nào là thọ tưởng hành thức tánh, cho đến thế nào là thật tế tánh?
Tu bồ đề nói: Không có gì là sắc tánh; không có gì là thọ tưởng hành thức tánh, cho đến không có gì là thật tế tánh. Này Xá lợi phất! Do nhân duyên ấy nên biết sắc lìa sắc tánh, thọ tưởng hành thức lìa thức tánh, cho đến thật tế lìa thật tế tánh.
Này Xá lợi phất! Sắc cũng lìa sắc tướng, thọ tưởng hành thức cũng lìa thức tướng, cho đến thật tế cũng lìa thật tế tướng. Tướng cũng lìa tướng, tánh cũng lìa tánh.
Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Bồ tát ma ha tát nếu học như vậy, được thành tựu Tát bà nhã ư?
Tu bồ đề nói: Như vậy, như vậy! Xá lợi phất! Nếu Bồ tát ma ha tát học như vậy, được thành tựu Tát bà nhã, vì sao? Vì các pháp chẳng sinh, chẳng thành tựu vậy,
Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Do nhân duyên gì các pháp chẳng sinh, chẳng thành tựu?
Tu bồ đề nói: Sắc, sắc không nên sắc ấy sinh, thành tựu không thể có được; thọ tưởng hành thức, thức không nên thức ấy sinh, thành tựu không thể có được; cho đến thật tế, thật tế không, nên thật tế ấy sinh, thành tựu không thể có được.
Này Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát học như vậy, dần dần gần Tát bà nhã; dần dần được thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh, tướng thanh tịnh; dần dần được thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh, tướng thanh tịnh, nên Bồ tát ấy không sinh tâm ô nhiễm, không sinh tâm giận, không sinh tâm si, không sinh tâm kiêu mạn, không sinh tâm xan tham, không sinh tâm tà kiến. Bồ tát ấy không sinh tâm ô nhiễm, cho đến không sinh tâm tà kiến, nên trọn không sinh trong bụng mẹ, thường được hóa sinh, từ một nước Phật đến một nước Phật, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, cho đến chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trọn không lìa chư Phật.
Này Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát nên tu hành Bát nhã ba la mật như vậy, hãy học Bát nhã ba la mật như vậy.
Luận: Hỏi: Từ trước đến nay đã nói rộng Bát nhã ba la mật, sao nay Tu bồ đề còn nói rằng, Bồ tát ma ha tát nên suy nghĩ như vậy: Thế nào là Bát nhã ba la mật?
Ðáp: Tu bồ đề trước đây theo môn “ khiêm nhượng” nói, còn nay theo môn “không trụ” nói. Nay nói rõ thể Bát nhã ba la mật.
Thế nào là Bát nhã ba la mật? Bát nhã ba la mật là thật tướng hết thảy pháp, không thể phá, không thể hoại, hoặc có Phật, hoặc không có Phật, thường trú các pháp tướng, pháp vị, chẳng phải Phật, chẳng phải Bích chi Phật, chẳng phải Bồ tát, chẳng phải Thanh văn, chẳng phải trời người làm được, huống gì các chúng sanh nhỏ khác.
Lại nữa, thường còn là một bên, đoạn diệt là một bên, lìa hai bên ấy, hành theo trung đạo, ấy là Bát nhã ba la mật.
Lại nữa, thường, vô thường, khổ, vui, không, thật, ngã, vô ngã v.v... cũng như vậy. Sắc pháp là một bên, vô sắc pháp là một bên, pháp có thể thấy, pháp không thể thấy, có đối ngại, không đối ngại, hữu vi vô vi, hữu lậu vô lậu, thế gian, xuất thế gian v.v... hai pháp cũng như vậy.
Lại nữa, vô minh là một bên, vô minh hết là một bên, cho đến già chết là một bên, già chết hết là một bên, các pháp có là một bên, các pháp không có là một bên, lìa hai bên ấy, hành theo trung đạo, ấy là Bát nhãba la mật.
Lược nói: Sáu căn trong là một bên, sáu trần ngoài là một bên; lìa hai bên ấy, hành theo trung đạo, ấy là Bát nhã ba la mật.
Ðây Bát nhã ba la mật là một bên, đây chẳng phải Bát nhã ba la mật là một bên, lìa hai bên ấy, hành theo trung đạo, ấy là Bát nhã ba la mật. Có hai môn như vậy nên nói rộng vô lượng tướng Bát nhã ba la mật.
Lại nữa, lìa có, lìa không, lìa chẳng có chẳng không, không rơi vào ngu si mà có thể tu hành thiện đạo, ấy là tướng Bát nhã ba la mật. Có ba môn như vậy, là tướng Bát nhã ba la mật. 
Lại nữa, Tu bồ đề nói trong đây: Pháp ấy không có gì, không thể có được. Vì Bát nhã ba la mật ấy không nên không có gì; vì các lối quán thường, vô thường v.v... tìm cầu không có tướng nhất định nên không thể có được.
Lại nữa, không có gì trong đây Tu bồ đề tự nói: Bát nhã ba la mật cho đến năm Ba la mật kia không có gì, không thể thủ, không thể thọ, không thể đắm trước.
Lại nữa, vì mười tám không, nên sáu Ba la mật không có gì, không thể có được; thí như gíó lớn phá tan đám mây, cũng như lửa lớn đốt cháy cỏ khô, cũng như Kim cang báu tồi phá núi lớn; các Không cũng như vậy, hay phá các pháp.
Sao gọi là Bát nhã ba la mật? Bát nhã, Trung Hoa dịch là trí tuệ. Ðệ nhất trong hết thảy trí tuệ, không trên, không gì bằng, lại không gì hơn, cùng tận bờ mé như giữa hết thảy chúng sanh, Phật là đệ nhất; giữa hết thảy pháp Niết bàn là đệ nhất; giữa hết thảy chúng Tăng, Tỳ kheo Tăng là đệ nhất.
Hỏi: Trước ông nói thật tướng các pháp là Bát nhã ba la mật, đó là pháp vị, pháp trụ, dù có Phật không Phật, vẫn thường trú không khác, sao nay nói giữa các trí tuệ, Bát nhã ba la mật là đệ nhất; ví như giữa các pháp, Niết bàn là đệ nhất?
Ðáp: Pháp thế gian, hoặc có khi trong nhân nói quả, có khi trong quả nói nhân, không lỗi. Như nói người ăn ngày hết vài xấp vải, vải không thể ăn, nhưng nhân vải mà được ăn ấy gọi là trong nhân nói quả. Và như thấy bức vẽ đẹp nói khéo tay, ấy gọi là trong quả nói nhân. Thật tướng các pháp sinh trí tuệ, ấy là trong quả nói nhân.
Lại nữa, Bồ tát ấy vào pháp môn bất nhị, khi ấy có thể tu hành đầy đủ Bát nhã ba la mật,  không phân biệt là nhân là quả, là duyên là trí, là trong là ngoài, là đây là kia v.v... nghĩa là nhất tướng vô tướng. Vì vậy nên không nên vấn nạn.
Lại nữa, có ba thứ trí tuệ thế gian: 1. Sự xảo diệu thế tục, hiểu rộng văn nghệ, nhân, trí, lễ kính v.v... 2. Trí tuệ lìa dục sinh, nghĩa là lìa cõi Dục cho đến vô sở hữu xứ. 3. Trí tuệ xuất thế gian, đó là trí tuệ của hàng Thanh văn, Bích chi Phật, lìa ngã, ngã sở, các lậu hoặc sạch hết. Bát nhã ba la mật là tối thù thắng, rốt ráo thanh tịnh, vì không nhiễm trước, vì lợi ích hết thảy chúng sanh. Trí tuệ Thanh văn, Bích chi Phật tuy sạch hết lậu hoặc nên được thanh tịnh, nhưng không có tâm đại từ bi, không thể lợi ích hết thảy chúng sanh, nên không bằng, huống gì trí tuệ thế tục cấu, bất tịnh, giả dối? Ba thứ trí tuệ trên không bằng trí tuệ này, gọi là Bát nhã ba la mật.
Lại nữa, trí tuệ này vì độ chúng sanh, vì cầu Phật đạo; thọ, tưởng, hành, thức tương ưng với trí tuệ này, và thân nghiệp khẩu nghiệp từ trí tuệ khởi lên, và các tâm bất tương ưng hành như sinh, trụ v.v... các pháp ấy hòa hợp, gọi là Ba la mật. Trong các Ba la mật ấy, phần trí tuệ nhiều nên gọi là Bát nhã ba la mật, phần niệm định nhiều nên gọi là Thiền ba la mật, nghĩa các Ba la mật khác cũng như vậy.
Có vô lượng nhân duyên như vậy nên gọi là Bát nhã ba la mật.
Bát nhã ba la mật ấy là của ai? Trong đệ nhất nghĩa (nghĩa tuyệt đối) không có kẻ biết, kẻ thấy, kẻ được; hết thảy pháp không ta, không của ta, các pháp chỉ là không, do nhân duyên hòa hợp tương tục phát sinh, nếu như vậy thời Bát nhã thuộc về ai?
Phật pháp có hai thứ: 1. Thế đế. 2. Ðệ nhất nghĩa đế. Theo thế đế thì Bát nhã ba la mật thuộc Bồ tát, người phàm phu có nhiều tội lỗi, không thanh tịnh nên Bát nhã không thuộc phàm phu. Bát nhã ba la mật rốt ráo thanh tịnh, phàm phu không ưa, như ruồi ưa ở chỗ nhơ nhớp, không ưa hoa sen. Người phàm phu tuy có lìa dục, song vì tâm chấp tôi, ta, đắm theo pháp lìa dục nên không ưa Bát nhã ba la mật. Thanh văn, Bích chi Phật tuy ưa thích Bát nhã ba la mật song không có tâm từ bi sâu xa, rất chán thế gian, một lòng hướng thẳng Niết bàn, cho nên không thể đầy đủ được Bát nhã ba la mật .
Bát nhã ba la mật này, khi Bồ tát thành Phật, đổi gọi là Trí nhất thiết chủng (hoặc Nhất thiết trí trí – ND). Vì vậy nên Bát nhã không thuộc Phật, không thuộc Thanh văn, Bích chi Phật, không thuộc phàm phu, chỉ thuộc Bồ tát.
Hỏi: Trong kinh này thường nói năm uẩn trước, nói Trí nhất thiết chủng sau, sao nay trước nói đến sáu Ba la mật?
Ðáp: Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề nghĩa không có gì. Năm uẩn dùng các nhân duyên quán, cưỡng làm cho nó không có gì, khó hiểu; Bát nhã ba la mật tức là không có gì, dễ hiểu. Thí như mặt trăng trong nước dễ rõ nó là không, còn mặt trăng trên trời khó làm cho nó không có gì. Năm Ba la mật cùng Bát nhã ba la mật đồng tên đồng sự, cho nên tiếp tục nói năm Ba la mật, vậy sau tiếp tục nói năm uẩn, cho đến Trí nhất thiết chủng không có gì, không thể có được. Bồ tát vào môn này, quán thật tướng các pháp mà không hãi không sợ, nên biết Bồ tát không lìa Bát nhã ba la mật.
Không lìa là thường tập hành Bát nhã ba la mật không hư luống, chắc chắn có quả báo. Trong đây Tu bồ đề tự nói nhân duyên không lìa, đó là sắc lìa tánh sắc, trong sắc không có tướng sắc, hư dối, không có gì. Bồ tát biết được như vậy, không lìa trí tuệ thật, cho đến Thật tế cũng như vậy. Bồ tát hành được đạo không chướng ngại ấy, được đến Trí nhất thiết chủng, vì hết thảy pháp không sinh không xuất vậy.
Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Thế nào là hết thảy pháp không sinh?
Tu bồ đề đáp: Sắc, tướng sắc không, cho nên sắc không sinh không thành tựu, cho đến Thật tế cũng như vậy. Nếu Bồ tát hành được như vậy là thanh tịnh đệ nhất, không trên, không gì so sánh, tạm gần Trí nhất thiết chủng. Tạm gần Trí nhất thiết chủng nên tâm không sinh ta kiến phiền não hý luận, liền được tâm thanh tịnh. Quả báo tâm thanh tịnh nên được thân thanh tịnh, 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình, trang nghiêm thân. Ðược ba thứ thanh tịnh nên phá các pháp chấp thủ tướng hư dối, thọ pháp tánh sanh thân, tức là thường được hóa sinh, không ở bào thai.
Hỏi: Nếu có sức như thế, thì cần gì hóa sinh, tham trước thân mà không thủ chứng Niết bàn?
Ðáp: Có hai nhân duyên nên chư Phật là báu ở giữa chúng sanh, vì chúng sanh muốn cúng dường không chán; vì bản nguyện độ sinh, tịnh Phật độ chưa tròn.
Bồ tát ấy do lực phương tiện, phước đức nên thường không xa lìa chư Phật.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.31/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment