Thursday, 27 March 2014

Cuốn 6 .DAI TRI DO LUAN.                                                                     Chương 10
GIẢI THÍCH:  "MƯỜI DỤ"
   
KINH:  Hiểu rõ các Pháp như huyễn, như sóng nắng, như trăng dưới nước, như hư không, như thành Càn-thát-bà, như mộng, như ảnh, như tiếng vang, như bóng trong gương, như hóa. LUẬN:  Ấy là mười thí dụ để giải thích pháp Không.  
1- Như huyễn. Hỏi:  Nếu tất cả pháp Không ví như huyễn thuật, vì sao các pháp lại có thể thấy, có thể nghe, có thể ngửi, có thể nếm, có thể xúc, có thể biết?  Nếu thật không có thì không có thể thấy cho đến có thể biết?  Lại nữa, nếu không mà vọng kiến là có, thế vì sao không thấy tiếng, nghe sắc?  Nếu hết thẩy đều không có gì, thế vì sao có cái thấy được, có cái không thấy được?  Như một ngón tay, móng thứ nhất không, móng thứ hai cũng không, thế tại sao không thấy móng thứ hai mà chỉ thấy móng thứ nhất?  Vậy cho biết móng thứ nhất thật có nên có thể thấy, móng thứ hai thật không nên không thể thấy?
Đáp:  Các pháp tướng tuy không, cũng có phân biệt có thể thấy và không thể thấy.  Ví như Voi, Ngựa huyễn hóa và các thứ khác tuy biết nó không thật, nhưng sắc có thể thấy, tiếng có thể nghe, đối với sáu căn không tạp loạn.  Các pháp cũng như vậy, tuy không mà có thể thấy, có thể nghe, không tạp loạn.  Như kinh Đức Nữ (Therisutra) thuyết:  "Đức Nữ bạch Phật rằng:  "Bạch đức Thế Tôn, như Vô minh có ở bên trong chăng?"
Phật nói "Không phải".
-     Bạch, có ở bên ngoài chăng?
-          Không.
-     Bạch, có ở bên trong bên ngoài chăng?
-           Không.
-           Bạch Thế Tôn, Vô minh ấy từ đời trước mà đến chăng?
Phật nói "Không".
-          Bạch, từ đời này đến đời sau chăng?
-           Không.
-           Bạch, Vô minh ấy có sanh có diệt chăng?
-           Không.
-           Bạch Thế Tôn, có một pháp nhất định có thật tánh gọi là Vô minh chăng?
-           Không.
Bấy giờ Đức Nữ lại bạch Phật:  "Bạch đức Thế Tôn, nếu Vô minh không ở trong không ở ngoài; cũng không ở trong ở ngoài; không từ đời trước đến đời nay, từ đời nay đến đời sau; cũng không có tánh chơn thật; vậy sao nói từ Vô minh làm duyên mà có Hành cho đến các khổ tập?  Bạch Thế Tôn, ví như có cây, nếu không có gốc làm sao sanh cọng, đốt, cành, lá, hoa, quả được?"
Phật nói:  "Các pháp tướng tuy không, nhưng vì kẻ phàm phu vô văn vô trí đối với các pháp sanh đủ thứ phiền não, do phiền não làm nhân duyên tạo nghiệp thân khẩu ý, do nghiệp làm nhân tác thành thân đời sau, do thân làm nhân duyên mà thọ khổ thọ vui.  Ở trong đó, không có phiền não tạo tác thật sự, cũng không có thân khẩu ý nghiệp, cũng không có kẻ thọ khổ thọ vui, ví như huyễn sư huyễn làm ra các vật, ý ngươi nghĩ sao?  Các vật huyễn ấy có ở bên trong chăng?"
-          Bạch Thế Tôn, không phải.
-          Có ở bên ngoài chăng?
-          Bạch Thế Tôn, không.
-          Có ở bên trong bên ngoài chăng?
-          Bạch, không.
-          Từ đời trước đến đời nay, từ đời nay đến đời sau chăng?
-          Bạch, không.
-          Các vật huyễn có sanh có diệt chăng?
-          Bạch, không.
-          Thật có một pháp gọi là vật huyễn chăng?
-          Bạch, không.
Phật nói:  "Ngươi có thấy có nghe kỹ nhạc do huyễn thuật làm ra chăng?"
-          Bạch, con cũng có nghe có thấy.
Phật hỏi Đức Nữ:  "Nếu huyễn thuật không, dối trá, không thật; làm sao từ huyễn thuật làm ra kỹ nhạc?" 
Đức Nữ bạch Phật:  "Bạch Thế Tôn, huyễn tướng ấy là như vậy, tuy vốn không có căn bản, mà vẫn có thể nghe, thấy".  Phật nói:  "Vô minh cũng như vậy, tuy không có ở bên trong, không ở bên ngoài, không có ở bên trong bên ngoài, không từ đời trước đến đời nay, từ đời nay đến đời sau, không có thật tánh, không có sanh diệt, nhưng Vô minh làm nhân duyên mà có các Hành sanh, cho đến các khổ tập hợp.  Như khi huyễn dứt thì vật huyễn cũng dứt.  Vô minh cũng vậy, Vô minh hết thì Hành cũng hết, cho đến các Khổ và Tập cũng hết".
Lại nữa, thí dụ về huyễn là chỉ cho chúng sanh hay rằng hết thảy pháp Hữu vi là trống không không bền chắc.   Như nói:  các Hành như huyễn, dối gạt trẻ con, hệ thuộc vào nhân duyên, không tự tại, không trụ lâu.  Thế cho nên nói các Bồ-tát biết các pháp như huyễn.
1- Như ráng nắng. Ráng nắng là khi mặt trời chiếu vào bụi trần do gió thổi động, thấy như Ngựa chạy giữa đồng hoang, người vô trí trông thấy bảo đó là nước, tướng nam tướng nữ cũng vậy.   Ánh mặt trời của kiết sử phiền não chiếu vào bụi trần các Hành do gió tà ức niệm thổi lên, xoay chuyển trong đồng hoang sanh tử.  Người không có trí tuệ cho đó là một tướng, là nam, là nữ.   Thế gọi là như ráng nắng.
Lại nữa, nếu ở xa trông thấy ráng nắng tưởng là nước, đến gần không có tướng nước.  Người vô trí cũng như thế.  Nếu xa rời Thánh pháp, không biết lý Vô ngã, không biết các pháp không, thời với pháp ấm, giới, nhập tánh không, sanh ra tướng người, tướng nam, tướng nữ.  Nếu gần gũi Thánh pháp thời biết thật tướng các pháp, bấy giờ các thứ vọng tưởng hư cuống trừ sạch.  Thế nên nói các Bồ-tát biết các pháp như ráng nắng.
2- Như trăng dưới nước:  Thí như trăng thật ở giữa hư không mà ảnh  hiện dưới nước.  Trăng thật pháp tướng ở giữa hư không của như pháp tánh, thật tế, mà trong nước tâm của người phàm lại hiện ra tướng ngã, ngã sở.   Thế nên gọi là như trăng dưới nước.
Lại nữa, như trẻ con thấy trăng dưới nước, vui mừng muốn nắm lấy, người lớn thấy vậy thì cười.  Người vô trí cũng như thế, do thân kiến mà thấy có tự ngã, do không có thật trí mà thấy đủ thứ pháp, thấy rồi hoan hỷ muốn nắm lấy các tướng:  Tướng nam, tướng nữ v.v…  Các Thánh nhân đắc đạo thì cười, như kệ nói:
"Như trăng dưới nước, nước trong nắng.
Trong mộng được tiền, chết cầu sống.
Nếu ai thật muốn được như vậy,
Là kẻ ngu si bị Thánh cười".
Lại nữa, như trong nước đứng lặng trông thấy bóng trăng, khuấy nước lên thời không thấy nữa.  Trong nước tâm vô minh, đứng lặng thấy có bóng tự ngã và các kiết sử kiêu mạn.  Dùng gậy trí tuệ chơn thật khuấy nước tâm lên thời không còn thấy bóng các kiết sử, tự ngã nữa.  Vì thế nên nói các Bồ-tát biết các pháp như trăng dưới nước.
3- Như hư không:  Chỉ có danh mà không có thật pháp, hư  không chẳng phải là pháp có thể thấy, nhìn ở xa, do nhãn quan mà thấy thành màu xanh bạc.  Các pháp cũng như thế, rỗng không, không có gì, do xa rời thật trí tuệ vô lậu, bỏ thật tướng nên thấy bỉ, ngã, nam, nữ, ốc xá, thành quách, các thứ tạp vật, tâm đắm vào, như trẻ con ngửa xem trời xanh, cho là có sắc thật, có người bay lên thật xa thì hoàn toàn không thấy gì, chỉ vì nhìn xa, bảo là sắc xanh.  Các pháp cũng như thế, vì thế nên nói là như hư không.
Lại nữa, như hư không tánh thường thanh tịnh nhưng vì khí u ám mà cho là bất tịnh.  Các pháp cũng như thế, tánh thường thanh tịnh, vì dâm dục, sân nhuế che ám mà cho là bất tịnh, như kệ nói:
"Như trời mùa hạ, sấm chớp mưa,
Mây mờ che khuất không trong sáng.
Phàm phu vô trí cũng như thế,
Các thứ phiền não thường che tâm.
Như mặt trời mọc về mùa đông,
Thường bị hôn khí, tuyết che ám.
Tuy được Sơ quả và Nhị quả.
Còn bị dục nhiễm làm che lấp.
Hoặc như mặt trời mọc mùa xuân,
Thường bị bóng mây làm u ám,
Tuy lìa dục nhiễm được Tam quả,
Si, mạn dư tàn còn che tâm.
Hoặc như mặt trời thu không mây,
Cũng như biển cả nước thanh tịnh,
Việc làm đã xong tâm vô lậu,
La-hán được thanh tịnh như vậy".
Lại nữa, hư không không có đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối; các pháp cũng như vậy.
Lại nữa, như trong kinh Đại thừa, Phật nói với Tu-bồ-đề: Hư không không đời trước, cũng không đời giữa, cũng không đời sau; các pháp cũng như vậy.  Kinh kia, được nói rộng  trong đó.  Thế nên nói các pháp như hư không.
Hỏi:  Hư không thật có pháp, vì sao?  Vì nếu hư không không thật pháp thì các động tác đưa lên, hạ xuống, đến, đi, co duỗi, ra, vào v.v… cũng không có, vì không có chỗ để chuyển động?
Đáp:  Nếu pháp hư không thật có, thời hư không phải có chỗ trú, vì sao?  Vì không có chỗ trú thì không có pháp.  Nếu hư không trú trong lỗ trống, ấy là hư không trú trong hư không, vì vậy không phải trú trong lỗ trống.  Nếu ở trong vật đặc, mà vật đặc chẳng phải làhư không, thì không thể trú được, vì nó không dung nạp.
Lại nữa, ông nói chỗ trú là hư không, như trong vách đá đặc không có chỗ trú.  Nếu không có chỗ trú thì không có hư không.  Vì hư không không có chỗ trú, cho nên không có hư không.  Vì vô tướng nên không có hư không.  Các pháp mỗi mỗi đều có tướng, vì tướng có nên biết có pháp; như tướng cứng của đất, tướng ướt của nước, tướng nóng của lửa, tướng động của gió, tướng biết của thức, tướng hiểu của tuệ, tướng sanh tử của thế gian, tướng vĩnh diệt của Niết-bàn; còn hư không không có tướng cho nên không.
Hỏi:  Hư không có tướng, ông không biết nên nói là không.  Chỗ không có sắc tướng ấy là tướng của hư không.
Đáp:  Không phải!  Không sắc tướng, ấy gọi là phá trừ sắc, không còn pháp gì khác, như đèn tắt; vì thế nên không có tướng hư không.
Lại nữa, pháp hư không ấy không có, vì sao?   Vì ông nhân nơi sắc mà nói chỗ không sắc tướng là tướng hư không.  Nếu vậy khi sắc tướng chưa sanh thời không có tướng hư không.
Lại nữa, ông cho sắc là pháp vô thường, hư không là pháp thường, vậy khi sắc tướng chưa sanh phải trước có pháp hư không, vì là thường có.  Nếu sắc tướng chưa có, thời không có chỗ vô sắc; nếu không có chỗ vô sắc, thời không có tướng hư không.  Nếu không có tướng thời không pháp, vì vậy nên hư không chỉ có danh mà không có thật.  Các pháp cũng như thế, chỉ có giả danh mà không thật.   Vì thế nên  nói các Bồ-tát biết các pháp như hư không.
5- Như tiếng vang:  Ở trong núi sâu, hang hẹp, khe cùng, mà có tiếng nói, tiếng đánh đập, từ tiếng đó mà có tiếng dội lại, gọi là tiếng vang.  Kẻ vô trí cho là có tiếng người nói, người trí thì suy nghĩ tiếng đó không phải là tiếng người phát ra mà chỉ do tiếng xúc chạm nên có vang dội lại.  Tiếng vang không thật mà có thể lừa dối lỗ tai.   Như người khi sắp muốn nói thì trong miệng có gió tên là Ưu-đà-na, nó trở vào đến rún, xúc chạm rún có tiếng vang phát ra, khi tiếng vang phát ra xúc chạm bảy chỗ rồi lui lại, ấy là ngôn ngữ, như kệ nói:
"Gió tên Ưu-đà-na
Chạm rún rồi đi lên, 
Gió ấy chạm bảy chỗ:
Gáy, lợi răng, răng môi.
Lưỡi, cổ họng và ngực,
Trong ấy phát lời nói,
Người ngu không hiểu thế,
Mê đắm khởi sân si.
Người bậc trung có trí,
Không sân cũng không đắm,
Cũng lại không ngu si,
Chỉ tùy các pháp tướng.
Cong, thẳng và co duỗi
Đi, lại hiện ngữ ngôn,
Đều không có tác giả,
Việc ấy là huyễn ư?
Hay là người gỗ máy,
Hay là việc trong mộng,
Hay bị bệnh nóng buồn,
Có hay là không có?
Việc ấy ai biết được?
Người xương ấy gân buộc,
Mà phát ra tiếng nói,
Như vàng chảy xuống nước".
Vì thế nên  nói các Bồ-tát biết các pháp như tiếng vang.
5- Như thành Càn-thát-bà:    Khi mặt trời mới mọc, thấy các cửa thành, lầu gác, cung điện có người đi ra đi vào, mặt trời càng lên cao nó càng mất.  Thành ấy chỉ có thể mắt trông thấy mà không có thật, ấy gọi là thành Càn-thát-bà.  Có người từ trước chưa thấy thành Càn-thát-bà, sáng sớm nhìn hướng Đông thấy nó, ý cho là thật vui, chạy mau đến đó, càng gần càng mất, mặt trời càng lên cao nó càng mất .  Lúc rất đói khát sầu muộn, thấy khí nóng bốc lên chạy nhảy như ngựa hoang, cho đó là nước, chạy mau đến đó càng gần càng mất, mệt nhọc cùng cực, khi đi đến trong hang hẹp núi cùng, cả kêu than khóc, nghe có tiếng dội lại cho là có cư dân, tìm kiếm hết sức mệt mà không thấy, suy nghĩ rồi tự ngộ, thời tâm mong ước thèm khát liền lặng dứt.  Người vô trí cũng như thế, ở trong ấm, giới, nhập, không thật mà thấy tự ngã và các pháp, tâm đắm trước tham dâm, sân hận, chạy cuồng khắp nơi cầu vui tự mãn, điên đảo dối trá, cùng cực áo não.  Nếu lấy trí tuệ biết không thật ngã không thật pháp, bấy giờ điên đảo mơ ước chấm dứt.
Lại nữa, thành Càn-thát-bà chẳng phải thành, tâm người tưởng là thành.  Phàm phu cũng như vậy, chẳng phải thân tưởng là thân, chẳng phải tâm tưởng là tâm.
Hỏi:  Một việc cũng đủ biết, sao dùng nhiều ví dụ làm gì?
Đáp:  Trước tôi đã đáp, pháp Ma-ha-diễn như nước trong biển cả, nhiếp hết tất cả các pháp.  Ma-ha-diễn có nhiều nhân duyên nên nêu nhiều ví dụ, không lỗi gì.
Lại nữa, Bồ-tát vì lợi trí sâu xa, đủ các pháp môn, các nhân duyên, các thí dụ, hoại diệt các pháp, vì người mà giả thuyết nên cần nhiều thí dụ.
Lại nữa, trong hết thảy pháp Thanh-văn, không có thí dụ thành Càn-thát-bà, chỉ có các thí dụ về vô thường như:  Sắc như bọt nước, thọ như bóng nước, tưởng như ngựa đồng, hành như cây chuổi, thức như huyễn và thí dụ về Không trong kinh HuyềnVõng; vì thí dụ về thành Càn-thát-bà có khác nên nói trong đây.
Hỏi:  Trong pháp Thanh-văn lấy thành thí dụ thân, sao trong đây nói thí dụ thành Càn-thát-bà?
Đáp:  Trong pháp Thanh-văn, thành là để thí dụ cho các duyên là thật có, chỉ thành là giả danh; còn thành Càn-thát-bà, chính các duyên cũng không có, như vòng lửa quay chỉ mê hoặc mắt người.  Trong pháp Thanh-văn, vì để phá vô ngã nên lấy thành thí dụ.  Còn trong đây Bồ-tát lợi căn thâm nhập trong các pháp Không, nên lấy thành Càn-thát-bà để thí dụ; vì vậy nên nói như thành Càn-thát-bà.
7-  Như mộng:  Như trong mộng không có sự thật mà thấy có thật, khi thức dậy mới biết không, trở lại tự cười mình.  Người cũng như vậy, ở trong sức ngủ của các kiết sử, thật không có mà vẫn ái trước, khi được đạo giác ngộ, mới biết là không thật, cũng lại tự cười mình; vì vậy nên nói như mộng.
Lại nữa, mộng là do sức ngủ, không có pháp mà thấy là có.  Người cũng như vậy, do sức ngủ của vô minh, các thứ không có mà thấy có, nào là ngã, ngã sở, nam nữ v.v…
Lại nữa, trong mộng không có việc vui mừng mà mừng, không có việc giận mà giận, không có việc sợ mà sợ.   Chúng sanh trong ba cõi cũng như vậy, vì sức ngủ của vô minh nên không đáng giận mà giận, không đáng mừng mà mừng, không đáng sợ mà sợ.
Lại nữa, mộng có năm thứ:  Trong thân không điều hòa, hoặc nhiệt khí nhiều, thời phần nhiều mộng thấy lửa, thấy sắc vàng, đỏ; hoặc lãnh khí nhiều, thời phần nhiều mộng thấy nước, thấy sắc trắng; hoặc phong khí nhiều, thời phần nhiều mộng thấy bay, thấy sắc đen; hoặc thường nhớ tưởng suy nghĩ những việc từng nghe thấy, thời hay mộng thấy việc ấy; hoặc do thiên Đế-thích muốn làm cho mộng để được khiến thấy việc vị lai.   Năm thứ mộng ấy đều không có thật mà vọng thấy có.  Người cũng như vậy, chúng sanh trong năm đường, vì nhân duyên của lực thân kiến nên thấy bốn thứ ngã:  Sắc ấm là ngã, sắc là ngã sở, sắc ở trong ngã, ngã ở trong sắc.  Giống như sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.  Bốn nhân năm thành hai mươi cách chấp ngã.  Khi đắc đạo thật tri tuệ giác ngộ rồi, thời biết không thật.
Hỏi:  Không nên nói mộng không có thật, vì sao?  Thức tâm có đủ nhân duyên mới sanh, tâm thức trong mộng có các thứ duyên, nếu không có duyên ấy thì làm sao sanh thức?
Đáp:  Không phải!  Không thể thấy mà thấy; như trong mộng thấy người trên đầu có sừng, hoặc mộng thấy thân mình bay giữa hư không, nhưng người thật không có sừng, cũng không bay; thế nên không thật.
Hỏi:  Thật có đầu người, ở nơi khác cũng thật có sừng, vì tâm mê lầm mà thấy trên đầu người có sừng.  Thật có hư không, cũng thật có vật bay, vì tâm mê lầm mà tự thấy thân mình bay, chứ chẳng phải không thật?
Đáp:  Tuy thật có người có đầu, tuy thật có sừng, nhưng thấy người trên đầu có mọc sừng, đó là vọng kiến.
Hỏi:  Thế giới rộng lớn do nhân duyên đời trước mà có nhiều loại bất đồng, hoặc có thế giới khác, có người đầu mọc sừng, hoặc một tay một chân, có người cao một thước, có người cao chín thước, vậy người có sừng, có gì là kỳ quái?
Đáp:  Nếu ở thế giới khác mà có sừng, có thể vậy, nhưng mộng thấy những người được biết ở thế giới này có sừng, thời không thể được.
Lại nữa, nếu có người mộng thấy ranh giới của hư không, của phương hướng, của thời gian; các việc ấy làm sao có thật?  Vì chỗ nào lại không có hư không, không có phương hướng, không có thời gian?  Vì vậy trong mộng không mà thấy có.
Trên kia ông vừa nói không có duyên làm sao sanh thức?  Tuy không có duyên của năm trần, nhưng do niệm lực tư duy chuyển thành pháp duyên sanh.  Hoặc người nghe nói có hai đầu, do lời nói đó mà sanh tưởng tượng.  Trong mộng không mà thấy có cũng như thế.  Các pháp cũng vậy, các pháp tuy không mà có thể thấy, có thể nghe, có thể biết, như kệ nói:
"Như mộng, như huyễn,
Như Càn-thát-bà,
Tất cả các pháp,
Cũng lại như thế".
Vì vậy nên  nói các Bồ-tát biết các pháp như mộng.
8-  Như ảnh:  Ảnh chỉ có thể thấy mà không thể nắm bắt.   Các pháp cũng như vậy, nhãn căn v.v… thấy, nghe, giác tri, nhưng thật không có, như kệ nói:
"Ấy thật trí tuệ,
Khắp nơi chẳng nắm,
Như đống lửa lớn,
Cũng không thể đụng,
Pháp không thể thọ.
Cũng không nên thọ".
Lại nữa, như ảnh, khi có ánh sáng dọi thời hiện, không dọi thời không có.  Các phiền não kiết sử ngăn ánh sáng chánh kiến, thời có ảnh ngã tướng, pháp tướng hiện ra.
Lại nữa, như ảnh, người đi thời đi, người động thời động, người ở thời ở.   Ảnh nghiệp thiện ác cũng như vậy, khi đời sau đi cũng đi, khi đời này ở cũng ở, quả báo không dứt; khi tội hay phước chín muồi thời hiện ra, như kệ nói:
"Giữa không cũng đi theo,
Trong núi đá cũng theo,
Dưới lòng đất cũng theo,
Trong biển nước cũng vào,
Nơi nơi thường theo dõi,
Nghiệp ảnh không lìa nhau".
Vì vậy nên nói các pháp như ảnh.
Lại nữa, như ảnh không thật mà tìm cầu thật, không được.  Hết thảy pháp cũng như vậy, không, không thật có.
Hỏi:  Ảnh không, không có thật, việc ấy không phải vậy, vì sao?  Vì A-tỳ-đàm nói:  "Thế nào gọi là sắc nhập?  Xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, xanh nhạt, tía, quang, minh, ảnh v.v… và ba thứ tác sắc nơi thân nghiệp; ấy gọi là sắc nhập có thể thấy", vì sao ông nói không?
Lại nữa, thật có ảnh, vì có nhân duyên.  Nhân là cây, duyên là ánh sáng, hai việc ấy họp lại có ảnh hiện ra, sao nói là không được?  Nếu không có ảnh, các pháp do nhân duyên mà có cũng đều nên là không.
Lại nữa, ảnh ấy, sắc có thể thấy:  dài, ngắn, lớn, nhỏ, thô, tế, cong, thẳng, hình động ảnh cũng động, sự ấy đều thấy rõ; vì thế cho nên có ảnh?
Đáp:   Ảnh thật không, không có, ông cho rằng trong A-tỳ-đàm nói có, đó là người giải thích nghĩa A-tỳ-đàm nói như vậy; thuyết một thứ pháp môn, mà người không thể hội được ý ấy, nên chấp cho là thật.  Như trong Tỳ-bà-sa có thuyết nói vi trần rất nhỏ, không thể phá, không thể đốt, ấy thời thường có.  Lại có thuyết nói thật có pháp ở trong ba đời, từ trong vị lai ra đến hiện tại, từ hiện tại vào quákhứ, không bị mất, ấy thời là thường.  Lại có thuyết nói các pháp hữu vi, sanh diệt đổi mới mãi không ngừng.  Nếu như vậy, thời là tướng của đoạn diệt, vì sao?  Vì trước có nay không.  Như vậy đủ các thứ dị thuyết, trái ngược lời Phật, không thể dẫn lời ấy làm chứng.
Nay ảnh khác với sắc pháp, sắc pháp sanh ra tất cả hương, vị, xúc v.v… ảnh thời không vậy; ấy là chẳng phải có.   Như bình, do hai căn biết được, là nhãn căn và thân căn; ảnh nếu có cũng phải do hai căn biết, nhưng mà không có chuyện đó.  Vì thế ảnh chẳng phải là thật vậy, chỉ là pháp lừa dối con mắt.  Như cầm que lửa quay nhanh thành vòng, vòng ấy chẳng phải thật.  Nếu ảnh là vật có thật, thì lý đáng có thể phá, có thể diệt, nhưng nếu hình không diệt thì ảnh không bao giờ diệt, vì thế nên không.
Lại nữa, ảnh lệ thuộc hình, không tự tại nên không, tuy không mà tâm sanh mắt thấy; vì vậy nên nói các pháp như ảnh.
9-  Như bóng trong gương: Như bóng trong gương, chẳng phải do gương làm ra, chẳng phải do mặt làm ra, chẳng phải do người cầm gương làm ra, cũng chẳng phải tự nhiên làm ra, cũng chẳng phải không nhân duyên.
Vì sao không phải do gương làm ra?  Nếu mặt chưa soi đến, gương không có bóng; vì vậy nên không phải do gương làm ra.
Sao không phải do mặt làm ra?  Vì không gương thời không có bóng.
Sao không phải do người cầm gương làm ra? Vì không gương, không mặt thời không có bóng.
Sao không phải tự nhiên làm ra?  Nếu chưa có gương, chưa có mặt thời không có bóng, bóng phải đợi gương đợi mặt mới có, nên chẳng phải do tự nhiên làm ra.
Sao không phải không nhân duyên? Nếu không do nhân duyên thời phải thường có, nếu thường có, thì hoặc trừ gương trừ mặt ra, lý đáng có mặt xuất hiện; vì vậy nên chẳng phải không nhân duyên.
Các pháp cũng như vậy, chẳng phải tự nhiên tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải cọng  tác, chẳng phải không nhân duyên.
Thế nào là chẳng phải tự tác?  Vì ngã là bất khả đắc, vì hết thảy pháp do nhân duyên sanh, không được tự tại; vì các pháp đều thuộc nhân duyên nên chẳng phải tự tác.
Sao chẳng phải là tha tác?  Vì tự đã không có thì tha cũng không, nếu là tha tác thời mất hiệu lực của tội phước.  Tha tác có hai thứ, hoặc thiện hoặc bất thiện.  Nếu thiện thì lẽ nên cho tất cả đều vui, nếu bất thiện thì lẽ nên cho tất cả đều khổ; nếu khổ lạc lẫn lộn, thì vì nhân duyên gì mà cho lạc, vì nhân duyên gì mà cho khổ.  Nếu cả hai cùng tạo thì có hai lỗi là tự và tha.  Nếu không có nhân duyên sanh khổ vui, thì người lẽ nên thường vui, lìa hết thảy khổ.  Nếu không có nhân duyên thì người không nên tạo nhân vui, trừ nhân khổ.   Hết thảy các pháp quyết chắc có nhân duyên, vì ngu si nên không biết.  Ví như người từ nơi cây tìm lửa, từ nơi đất tìm nước, từ nơi quạt tìm gió, các loại như vậy đều có nhân duyên.  Khổ lạc ấy do nhân duyên hòa hợp sanh.  Nghiệp đời trước là nhân, đời nay hành động tốt, hoặc hành động tà vạy là duyên, từ đó mà có khổ vui.   Các nhân duyên khổ lạc ấy, muốn tìm cái thật, thì không có người làm, không có người chịu.   Là không, nhưng năm ấm làm ra, là không, nhưng năm ấm chịu.  Người vô trí được vui thì tâm tham dâm, ái trước, bị khổ thì sanh sân nhuế.  Khi vui ấy diệt, lại muốn tìm cho được.  Như trẻ con thấy bóng trong gương, tâm vui mừng ái trước, bóng mất thì đập gương mà tìm; người trí chê cười.  Mất vui lại cầu, cũng như vậy, cũng bị Thánh nhân đắc đạo chê cười; vì vậy nên nói các pháp như bóng trong gương.
Lại nữa, bóng trong gương thật không, không sanh không diệt, lừa dối mắt người.  Hết thảy các pháp cũng như vậy, là không, không thật, không sanh không diệt, lừa dối con mắt kẻ phàm phu.
Hỏi:  Bóng trong gương từ nhân duyên mà có:  Có mặt, có gương, có người cầm gương, có ánh sáng, các sự ấy hòa hợp mà có bóng.  Nhân bóng ấy mà sanh lo, mừng, cũng làm nhân, cũng làm quả rõ ràng, cớ sao nói thật không, không sanh không diệt?
Đáp:  Pháp từ nhân duyên sanh, không được tự tại, nên không.  Nếu pháp thật có thì không nên từ nhân duyên sanh, vì sao?  Nếu trong nhân duyên, trước đã có pháp, thì nhân duyên thành vô dụng, nếu trong nhân duyên, trước không có pháp, thì nhân duyên cũng thành vô dụng.  Thí như trong sữa, nếu trước đã có lạc (kem) thì sữa không phải là nhân duyên của lạc, vì lạc đã có trước.  Nếu trước không có lạc, như trong nước không có lạc, thì sữa ấy cũng không phải là nhân của lạc.  Nếu không nhân mà có lạc, sao trong nước không sanh lạc?  Nếu sữa là nhân duyên của lạc, sữa cũng không tự tại, nó cũng từ nhân duyên sanh.  Sữa từ bò mà có, bò từ cỏ, nước mà có, như thế, không có giới hạn, đều có nhân duyên.  Vì vậy, quả của trong nhân duyên không được nói là có, không được nói là không, không được nói là vừa có vừa không, không được nói là chẳng có chẳng không.  Các pháp từ nhân duyên sanh, không tự tánh, như bóng trong gương, như kệ nói:
"Nếu pháp nhân duyên sanh,
Pháp ấy, tánh thật không,
Nếu pháp ấy chẳng không,
Không từ nhân duyên có.
Thí như bóng trong gương,
Chẳng gương cũng chẳng mặt,
Cũng chẳng người cầm gương,
Chẳng tư, chẳng vô nhân.
Chẳng có cũng chẳng không,
Cũng lại chẳng có không.
Lời ấy cũng không nhận,
Như vậy là Trung đạo.
Vì vậy nên nói các pháp như bóng trong gương.
10-  Như hóa:  Mười bốn tâm biến hóa:  Sơ thiền có hai là Dục giới và Sơ thiền; Nhị thiền có ba là Dục giới,  Sơ thiền và Nhị thiền;  Tam thiền có bốn là Dục giới,  Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền; Tứ thiền có năm là Dục giới,  Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.  Ấy là mười bốn tâm biến hóa làm thành tám thứ biến hóa:   1-  Có thể làm nhỏ cho đến vi trần; 2- Có thể làm lớn cho đến khắp đầy hư không; 3- Có thể làm nhẹ cho đến như lông hồng; 4- Có thể tự tại, lớn làm nhỏ, dài làm ngắn, đủ thứ như vậy; 5-   Có chủ lực; 6-  Có thể đi đến xa; 7- Có thể chuyển động đất; 8-  Tùy ý muốn đều làm được, một thân có thể thành nhiều thân, nhiều thân có thể làm một, đi qua vách đá, đi trên nước, đạp hư không, tay rờ mặt trăng mặt trời; có thể chuyển tứ đại, đất thành nước, nước thành đất, lửa thành gió, gió thành lửa, đá thành vàng, vàng thành đá.
Sự biến hóa ấy lại có bốn thứ:  1- Các cây thuốc, bảo vật ở dục giới do huyễn thuật có thể biến hóa ra các vật.  2-  Các người có thần thông có thể biến hóa ra các vật.  3-Trời, rồng, quỷ thần được năng lực của sanh báo có thể biến hóa ra các vật.  4-  Sanh báo ở cõi Sắc, do năng lực tu định có thể biến hóa ra các vật.
Như người biến hóa, không có sanh, già, bệnh, chết, không khổ, không vui, khác với người thường vì vậy nên không, không thật.   Hết thảy pháp cũng như vậy, đều không sanh, trụ, diệt; vì vậy nên nói các pháp như biến hóa.
Lại nữa, vật biến hóa trước không có nhất định, chỉ do tâm sanh, bèn có tạo tác, đều không có thật.  Nhân thân cũng như vậy, vốn không sở nhân, chỉ từ tâm đời trước sanh thân đời nay, đều không có thật; vì vậy nên nói các pháp như biến hóa.  Nếu như tâm biến hóa diệt, thời vật biến hóa cũng diệt.  Các pháp cũng như vậy, nhân duyên diệt thời quả cũng diệt, không tự tại.
Như sự biến hóa, tuy thật không mà có thể khiến chúng sanh sanh ưu khổ, sân nhuế, hỷ lạc, si hoặc.  Các pháp cũng như vậy, tuy không, không thật, vẫn có thể khiến chúng sanh khởi tâm hoan hỷ, sân nhuế, ưu khổ v.v… vì vậy nên nói các pháp như biến hóa.
Lại nữa, như pháp từ  biến hóa sanh, không đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối.  Các pháp cũng như vậy, như biến hóa, khi sanh không từ đâu đến, khi diệt không đi về đâu;  các pháp cũng như vậy.
Lại nữa, như tướng biến hóa, thanh tịnh như hư không, không bị nhiễm trước, không bị tội phước làm bẩn.  Các pháp cũng như vậy, như pháp tánh như như, như thật tế, tự nhiên thường tịnh, thí như bốn sông lớn của Diêm-phù-đề, một sông có năm trăm sông nhỏ phụ thuộc, nước trong ấy đủ thứ bất tịnh, nhưng khi chảy vào biển, tất cả đều thanh tịnh.
Hỏi:  Không thể nói sự biến hóa là không, vì sao?  Tâm biến hóa cũng từ tư định mà đắc, từ tâm ấy làm ra các biến hóa, hoặc người hoặc pháp.  Sự biến hóa đó có nhân có quả, tại sao không?
Đáp:  Như đã đáp ở đoạn nói về ảnh, đây sẽ đáp thêm.  Nhân duyên ấy, tuy có mà quả biến hóa thì không, như  miệng nói "không có gì cả", tuy có tâm sanh miệng nói, song không thể vì có tâm có miệng mà câu nói "không có gì cả" bèn là có.  Hoặc nói có đầu thứ hai, tay thứ ba, tuy từ tâm sanh miệng nói, song không thể vì thế mà nói có đầu, có tay ấy thật.  Như Phật  thuyết:  "Quán vô sanh, từ hữu sanh mà được giải thoát, nương vô vi, từ hữu vi mà được giải thoát".  Tuy quán pháp vô sanh là không, nhưng nó có thể làm nhân duyên, vô vi cũng vậy.  Biến hóa tuy không, cũng có thể làm nhân duyên mà sanh tâm.  Cũng như huyễn, ráng nắng v.v… chín thí dụ tuy không mà có thể sanh các tâm.
Lại nữa, sự biến hóa không thể tìm thấy trong sáu nhân bốn duyên.  Không tương ứng với trong sáu nhân bốn duyên ấy nên không.
Lại nữa, không, không phải vì không thấy nên không, mà vì nó không có thật dụng nên nói không.   Vì vậy nên nói các pháp như biến hóa.
Hỏi:  Nếu các pháp đều không như mười thí dụ, vì sao chỉ lấy mười sự làm thí dụ, không lấy núi, sông, vách, đá làm thí dụ?
Đáp:  Các pháp tuy không mà có phân biệt.  Có thứ không khó hiểu, có thứ không dễ hiểu.  Nay lấy thứ không dễ hiểu để thí dụ cho thứ không khó hiểu.
Lại nữa, các pháp có hai thứ:  Có chỗ tâm đắm trước, có chỗ tâm không đắm trước.  Nay lấy chỗ tâm không đắm trước để giải chỗ tâm đắm trước.
Hỏi:  Sao mười thí dụ ấy là chỗ tâm không đắm trước?
Đáp:  Mười thí dụ ấy không trường cửu, dễ sanh dễ diệt; vì vậy là chỗ tâm không đắm trước.
Lại nữa, có người chỉ biết mười thí dụ, là pháp lừa dối tai mắt mà không biết các pháp đều không, nên lấy nó để làm thí dụ các pháp.  Nếu có người đối với mười thí dụ sanh tâm đắm trước, không hiểu rõ các thứ nạn luận, cho đó là có, thời mười thí dụ ấy thành vô dụng, tất lại phải nói các pháp môn khác.
Hỏi:  Nếu các pháp đều không, chẳng sanh chẳng diệt, mười thí dụ ấy v.v… và các thí dụ, các nhân duyên, luận nghị, tôi đều đã biết là không.  Nếu các pháp đều không, thì không nên nói thí dụ; nếu nói thí dụ, ấy chẳng là không?
Đáp:  Tôi nói không là để phá các pháp hữu.  Nay những lời ấy nói ra ấy nếu rằng có, thì trước đây đã phá; nếu là không, thì không nên nạn.  Cũng như vị Tỳ-kheo chấp sự đưa tay lên xướng:   "Đại chúng tất cả im lặng".  Ấy là dùng lấy tiếng ngăn tiếng, chẳng phải tìm tiếng.  Vì vậy, tuy nói các pháp không, chẳng sanh chẳng diệt, là vì thương xót chúng sanh, tuy nói, mà chẳng phải có; vì vậy nên nói các pháp như biến hóa.
KINH:  Được vô ngại, không sợ hãi.
LUẬN:  Trong các nhân duyên, năm ấm, mười tám giới, mười hai nhập, tâm vô ngại, vô tận, vô diệt, ấy là vô ngại không sợ hãi.
Hỏi:  Như trước nói các Bồ-tát ở giữa vô lượng chúng không sợ hãi, nay vì sao lại nói vô ngại không sợ hãi?
Đáp:  Trước nói nhân duyên không sợ hãi, nay nói quả không sợ hãi.  Ở giữa đại chúng cho đến chúng Bồ-tát nói pháp không cùng tận, luận nghị không dứt, tâm không nghi nan; vì đã được vô ngại, không sợ hãi.
Lại nữa, như trước nói ở giữa vô lượng chúng không sợ hãi, mà không biết do lực gì nên không sợ hãi; vì vậy nên lại nói tiếp không sợ hãi là do được lực vô ngại.
Hỏi:  Nếu các Bồ-tát cũng có vô ngại, không sợ hãi, vậy Phật với Bồ-tát có gì khác?
Đáp:  Như tôi nói ở trước, các Bồ-tát tự có lực không sợ hãi, nên ở giữa các pháp không sợ hãi, chứ không phải ở giữa Phật không sợ hãi.
Lại nữa, pháp vô ngại có hai thứ:  Một là khắp mọi nơi, hai là không khắp mọi nơi.   Như vào một kinh thư cho đến vào trăm ngàn kinh thư vô ngại, hoặc vào trong một chúng, hoặc vào trong trăm ngàn chúng không sợ hãi.  Các Bồ-tát cũng như vậy, ở trong trí tuệ vô ngại, chứ không phải ở trong trí tuệ Phật.  Như lúc Phật quăng chiếc bát giữa hư không, năm trăm ngàn A-la-hán và Di-lặc các Bồ-tát đều không lấy được.  Các Bồ-tát cũng như vậy,  trong tự lực thì vô ngại, mà trong trí tuệ của Phật thì có ngại, vì vậy nên nói các Bồ-tát được vô ngại, không sợ hãi.
KINH:  Khắp biết tâm hành chúng sanh đi về đâu, dùng trí vi diệu mà độ thoát.
LUẬN:  Hỏi:  Thế nào khắp biết tâm hành chúng sanh?
Đáp:  Biết tâm chúng sanh đi đến nơi nào trong các pháp, như ánh sáng mặt trời khắp chiếu, Bồ-tát khắp biết chỗ xu hướng của tâm hành chúng sanh mà giáo hoá, rằng hết thảy chúng sanh xu hướng có hai, một là tâm thường đi tìm vui, hai là trí tuệ phân biệt, biết được tốt xấu.  Ngươi chớ đi theo tâm ái trước, mà nên đi theo trí tuệ, nên tự trách tâm mình:  "Ngươi vô số kiếp lại đây, nhóm các nghiệp tạp nhiễm, không biết nhàm đủ, mà chỉ dong ruổi theo khoái lạc thế gian, không biết là khổ.  Ngươi không thấy thế gian khoái lạc mà gây ra hoạnh khổ, thọ sanh trong năm đường, đều do tâm tạo, đâu phải ai khiến vậy.  Ngươi như Voi cuồng, dẫm đạp tàn hại, không bị câu chế, ai điều phục ngươi.  Nếu được điều phục hay, thời xa lìa hoạnh khổ ở đời.  Nên biết ở trong thai bất tịnh, khổ ách giống như địa ngục.  Đã sanh ra ở đời, già, bệnh, chết, khổ, ưu bi muôn mối.  Nếu sanh lên trời, sẽ bị đọa lạc trở lại.  Ba cõi không an, ngươi vì sao mà vui đắm?"   Qưở trách tâm mình như thế, thề không chạy theo ngươi, ấy là Bồ-tát biết tâm hành của chúng sanh.
Hỏi:  Thế nào gọi là dùng trí tuệ vi diệu mà độ thoát?  Trong đây thế nào gọi là trí tuệ vi diệu? Thế nào gọi trí tuệ thô thiển?
Đáp:   Xảo tuệ của thế gian, ấy gọi là trí tuệ thô thiển.  Thực hành bố thí, trí giới, thiền định, gọi là trí tuệ vi diệu.
Lại nữa, trí của thi và giới là trí tuệ thô thiển; trí của thiền định gọi là trí tuệ vi diệu.  Lại nữa, trí của thiền định là trí tuệ thô thiển; trí của thiền không y ỷ gọi là trí tuệ vi diệu.  Lại nữa, thủ của các pháp tướng là trí tuệ thô thiển; đối với các pháp tướng không thủ không xả, gọi là trí tuệ vi diệu.  Lại nữa, phá vô minh các phiền não, được các pháp tướng, ấy là trí tuệ thô thiển; nhập vào như pháp tướng, cũng như chơn kim không tổn không mất, cũng như  Kim-cương không phá không hoại, lại như hư không không nhiễm không trước, ấy gọi là trí tuệ vi diệu.  Vô lượng trí tuệ như vậy, các Bồ-tát tự được, lại giáo hoá chúng sanh; vì vậy nên nói các Bồ-tát biết chỗ đến của tâm hành chúng sanh, dùng trí tuệ vi diệu mà độ thoát.
KINH:  Ý không quái ngại.
LUẬN: Thế nào là ý không quái ngại?  Bồ-tát đối tất cả người oán, thân, phi oán phi thân, tâm bình đẳng không ngăn ngại.
Lại nữa, hết thảy chúng sanh trong thế giới nếu đến xâm hại, tâm không oán hận, hoặc cung kính đủ thứ, cũng không vui mừng, như kệ nói:
"Đối Phật Bồ-tát,
Tâm không ái trước,
Ngoại đạo, ác nhân,
Tâm không ghét, giận".
Tâm thanh tịnh như vậy, gọi là ý không quái ngại. Lại nữa, tâm đối với các pháp vô ngại.
Hỏi:  Bồ-tát ấy chưa được Phật đạo, chưa được Nhất thiết trí, sao đối với các pháp tâm vô ngại?
Đáp:  Vì Bồ-tát được vô lượng trí tuệ thanh tịnh nên đối với các pháp, tâm vô ngại.
Hỏi:  Chư Bồ-tát vì chưa được Phật đạo không nên có vô lượng trí; vì còn kiết sử dư tàn không nên có thanh tịnh trí?
Đáp:  Các Bồ-tát ấy không phải là nhục thân kiết nghiệp trong tam giới, mà đều là được pháp thân tự tại, qua khỏi già, bệnh, chết; vì thương chúng sanh nên Bồ-tát đi trong tam giới; vì trang nghiêm Phật độ, giáo hoá chúng sanh, đã được tự tại, muốn thành Phật thì được thành.
Hỏi:  Như pháp thân Bồ-tát thì cùng với Phật không khác, thế sao còn gọi là Bồ-tát, sao còn lễ Phật nghe Pháp?  Nếu cùng với Phật có khác, sao lại có vô lượng thanh tịnh trí?
Đáp:  Bồ-tát ấy tuy pháp thân không già, bệnh, chết; hơi khác với Phật.  Cũng như trăng mười bốn, mọi người sanh nghi cho hoặc tròn hoặc không tròn.  Bồ-tát cũng như vậy, tuy có thể thành Phật, có thể thuyết pháp, nhưng chưa thật thành Phật; Phật như trăng rằm tròn đầy, chắc chắn không nghi.
Lại nữa, vô lượng thanh tịnh có hai:   Một là thật có lượng nhưng đối với người vì không thể lường được, mà gọi là vô lượng; cũng như nước biển, như cát sông Hằng v.v… Vì người không thể lượng được, mà gọi là vô lượng, chứ đối với chư Phật Bồ-tát thì chẳng phải vô lượng.  Vô lượng thanh tịnh trí của Bồ-tát cũng lại như vậy, đối với hàng trời, người, Thanh-văn và Bích-chi Phật, vì họ không thể lường được, mà gọi là vô lượng trí.  Lúc Bồ-tát được Vô sanh trí, đoạn hết các kiết sử, được trí thanh tịnh.
Hỏi:   Nếu bấy giờ đã đoạn hết các kiết sử , thì khi thành Phật còn đoạn gì?
Đáp:  Thanh tịnh ấy có hai:  Một là lúc thànhh Phật, các kiết sử sạch hết, được thanh tịnh thật.  Hai là lúc Bồ-tát xả nhục thân pháp thân, đoạn các kiết sử được thanh tịnh.  Cũng như một ngọn đèn có thể trừ được bóng tối, được có các sự làm lụng; lại có ngọn đèn lớn hơn, càng sáng tỏ gấp bội.  Phật và Bồ-tát đoạn các kiết sử cũng như vậy.  Kiết sử được đoạn của Bồ-tát tuy được gọi là đã đoạn, nhưng so với kiết sử được đoạn của Phật, còn chưa sạch hết.
Ấy gọi là do được vô lượng thanh tịnh trí nên đối với các pháp ý không quái ngại.
KINH:  Thành tựu đại nhẫn.
LUẬN: Hỏi:  Trước đã nói đẳng nhẫn, pháp nhẫn, nay sao lại nói thành tựu đại nhẫn?
Đáp:  Hai nhẫn ấy tăng trưởng gọi là đại nhẫn .
Lại nữa, đẳng nhẫn ở giữa chúng sanh hết thảy đều nhẫn được, còn nhu thuận pháp nhẫn, là đối với pháp thâm diệu nhẫn được.  Hai nhẫn này tăng trưởng, tác chứng được vô sanh nhẫn.   Nhục thân tối hậu thấy được khắp mười phương chư Phật đang hóa hiện ở trước mắt, hoặc đang ngồi giữa hư không, ấy gọi là thành tựu đại nhẫn.  Cũng như trong pháp Thanh-văn, Noản pháp tăng trưởng gọi là Đảnh pháp; Đảnh pháp tăng trưởng gọi là Nhẫn pháp, mà không phải còn có pháp khác tăng trưởng làm khác đi.  Đẳng nhẫn, Đại nhẫn cũng như vậy.
Lại nữa, có hai thứ nhẫn là:  Sanh nhẫn, Pháp nhẫn.  Sanh nhẫn là nhẫn đối với chúng sanh, như hằng hà sa khắp chúng sanh đem đủ thứ ác gia hại mà tâm không sân hận; dù cung kính cúng dường đủ thứ mà tâm cũng không hoan hỷ.
Lại nữa, quán chúng sanh không có ban đầu.  Nếu có ban đầu thời không có nhân duyên, nếu có nhân duyên thời không có ban đầu.  Nếu không ban đầu thời cũng nên không có sau rốt, vì sao?  Vì ban đầu và rốt sau đối đãi. Nếu không ban đầu, không rốt sau thì cũng không chặng giữa.  Lúc quán như vậy, không rơi vào nhị biên đoạn thường.  Dùng đạo an ổn quán chúng sanh, không sanh tà kiến, ấy gọi là Sanh nhẫn.  Trong pháp thậm thâm, tâm không quán ngại, ấy gọi là Pháp nhẫn.
Hỏi:  Thế nào là Pháp thậm thâm?
Đáp:  Như trước đã nói trong mục thậm thâm Pháp nhẫn.
Lại nữa, Pháp thậm thâm là trong Mười hai nhân duyên triển chuyển sanh quả, trong nhân không phải có quả, cũng không phải không quả.  Từ trong ấy mà ra gọi là Pháp thậm thâm.
Lại nữa, vào ba môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô tác, thời được Niết-bàn thường lạc, nên gọi là Pháp thậm thâm.
Lại nữa, quán hết thảy pháp phi không bất không, phi hữu tướng, phi vô tướng , phi hữu tác, phi vô tác.  Trong khi quán như vậy, tâm cũng không dính, ấy gọi là Pháp thậm thâm, như kệ nói: 
"Pháp nhân duyên sanh,
Gọi là Không tướng,
Cũng gọi giả danh,
Cũng gọi Trung đạo.
Nếu pháp thật có, 
Không thể lại không.
Trước có nay không,
Ấy gọi là đoạn.
Chẳng thường, chẳng đoạn,
Cũng chẳng có không,
Tâm thức đều diệt,
Ngôn ngữ cũng dứt".
Đối với pháp sâu xa ấy, tín tâm vô ngại, không hối không mất, ấy gọi là thành tựu Đại nhẫn.
KINH:  Như thật khéo độ.
LUẬN:  Có pháp ngoại đạo, tuy độ chúng sanh nhưng không phải là như thật độ, vì sao?   Vì còn các thứ tà kiến kiết sử.  Nhị thừa tuy có chở độ, nhưng không đúng như chỗ nên độ, vì sao?  Vì không có Nhất thiết trí, tâm phương tiện mỏng, chỉ có Bồ-tát mới như thật khéo độ.  Cũng như người khéo đưa qua sông:  Với người này thì dùng phao nổi, bè cỏ đưa qua; với người kia thì dùng thuyền vuông đưa qua.  Cả hai cách cùng đưa qua mà khác biệt.  Bồ-tát khéo độ chúng sanh cũng như vậy.
Lại nữa, thí như trị bệnh, thuốc đắng, chích đốt mà bệnh được lành; còn như có thứ thuốc thần diệu tên là Tô-đà-phiến-đà, mắt người bệnh trông thấy thì các bệnh tật đều lành.  Hai cách trị bệnh đồng nhau, mà phương pháp hơn kém khác nhau.  Thanh-văn và Bồ-tát giáo hóa độ người cũng như vậy, khổ hạnh đầu đà, đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm, tâm siêng tọa thiền, quán khổ mà đắc đạo, đó là lối giáo hóa của Thanh-văn; còn các pháp tướng không trói không mở, tâm được thanh tịnh, đó là lối giáo hóa của Bồ-tát.
Như trong Văn-thù-sư-lợi Bản duyên (Manj𦣲50;sryavadana), Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:  "Bạch Đại đức Thế Tôn! Xưa con trong đời trước đã trải qua vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, bấy giờ có Phật hiệu là Sư-tử-âm-vương, Phật và chúng sanh sống lâu mười vạn ức na-do-tha tuổi, Phật đem Tam thừa giáo mà độ chúng sanh.  Nước tên là Thiên-quang-minh, các cây trong nước ấy đều do bảy báu tạo thành.  Cây phát ra vô lượng pháp âm thanh tịnh, là pháp âm Không, Vô tướng, Vô tác, bất sanh, bất diệt, vô sở hữu.  Chúng sanh nghe được, thời tâm bừng sáng, đắc đạo.  Bấy giờ đức Phật Sư-tử-âm-vương trong hội thuyết pháp đầu, có chín mươi chín ức người đắc A-la-hán đạo, chúng Bồ-tát cũng như vậy.   Các Bồ-tát ấy, tất cả đều được Vô sanh Pháp nhẫn, vào chủng chủng pháp môn, thấy vô lượng chư  Phật, cung kính cúng dường và độ vô lượng vô số chúng sanh, được vô lượng Đà-la-ni môn, vô lượng chủng chủng tam muội.  Còn hàng Bồ-tát sơ phát tâm mới vào đạo số không kể xiết.  Quốc độ của đức Phật ấy trang nghiêm vô lượng, không thể nói hết.  Lúc Phật giáo hóa đã xong, thời vào Vô-dư Niết-bàn.  Chánh pháp trụ sáu vạn năm.  Pháp âm của các cây cũng không còn phát ra lại.  Bấy giờ có hai Tỷ-kheo Bồ-tát, một vị tên là Hỷ-căn (Prasannendriya), và  một vị tên là Thắng-ý (Agramati)".
Hỷ-căn Pháp sư ấy, dung nghi chất trực, không bỏ thế pháp, cũng không phân biệt thiện ác.  Đệ tử của Hỷ-căn thông minh ưa pháp, ưa nghe thâm nghĩa.   Pháp sư ấy không khen ngợi thiểu dục tri túc, không khen ngợi giới hạnh đầu đà, chỉ thuyết thật tướng thanh tịnh của các pháp.  Ngài bảo các đệ tử:  "Hết thảy các pháp, tướng dâm dục, tướng sân nhuế, tướng ngu si, các pháp tướng ấy tức là thật tướng các pháp, không bị ngăn ngại".  Dùng phương tiện ấy, dạy các đệ tử nhập vào "Nhất thiết trí".
Lúc ấy các đệ tử, đối với mọi người không sân không hối, tâm không hối tiếc nên được sanh nhẫn, được sanh nhẫn nên được pháp nhẫn.  Ở trong thật pháp, tâm như núi Tu-di không lay động.
Thắng-ý Pháp sư, giữ giới thanh tịnh, thực hành hai hạnh đầu đà, được bốn Thiền và bốn Vô sắc định.  Các đệ tử của Thắng-ý, căn ám độn, nhiều tham cầu, vì phân biệt tịnh và bất tịnh, tâm luôn động chuyển.
Một lúc nọ, Thắng-ý đi vào làng, đến nhà đệ tử của Hỷ-căn, ngồi vào chỗ ngồi, khen ngợi sự trì giới, thiểu dục, tri túc, thực hành hạnh đầu đà, Thiền định ở chỗ vắng, rồi chê bai Hỷ-căn rằng:  "Người ấy thuyết pháp dạy người đi vào tà kiến, nói rằng dâm dục, sân nhuế, ngu si là tướng không ngăn ngại, ấy là người tu hành hỗn tạp, chẳng phải thuần thanh tịnh".  Đệ tử của Hỷ-căn là người lợi căn đắc Pháp nhẫn, hỏi lại Thắng-ý rằng:  "Thưa Đại đức, pháp dâm dục ấy là tướng gì?"
-  Dâm dục là tướng phiền não.
-  Dâm dục phiền não ở trong hay ở ngoài?
-  Dâm dục phiền não không ở trong không ở ngoài; vì nếu ở trong thì không cần đợi nhân duyên bên ngoài mới sinh, nếu ở ngoài thì đối với ta vô sự, không làm não ta được.
Cư sĩ nói:  Nếu dâm dục phiền não chẳng phải ở trong chẳng phải ở ngoài; chẳng phải từ Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn hướng, trên, dưới đến; tìm khắp không thấy thật tướng của nó, pháp ấy tức bất sanh bất diệt, nếu không sanh diệt, không, không có gì, làm sao gây ra phiền não được?
Thắng-ý nghe lời ấy tâm không vui, không đáp lại được, từ chỗ ngồi đứng dậy, nói như vầy:  "Hỷ-căn phần nhiều dối gạt mọi người đắm trong đường tà".
Thắng-ý Bồ-tát ấy chưa học âm thanh Đà-la-ni, nghe Phật thuyết thì hoan hỷ, nghe ngoại đạo thuyết thì sân hận, nghe ba bất thiện căn thời không vui vẻ, nghe ba thiện căn thời rất hoan hỷ, nghe nói sanh tử thời lo, nghe nói Niết-bàn thời mừng. Rồi từ nhà cư sĩ, Thắng-ý đi đến rừng cây, vào trong tinh xá, nói với các Tỳ-kheo:  "Nên biết Hỷ-căn Bồ-tát hư dối, phần nhiều khiến người ta vào trong tà ác, vì sao?  Vì kia nói tướng dâm, nộ, si và hết thảy các pháp đều là tướng vô ngại".
Khi ấy, Hỷ-căn suy nghĩ:  "Người này quá sân, vì ác nghiệp che lấp, sẽ đọa tội lớn.  Ta nay sẽ vì ông ấy nói pháp sâu xa, dẫu đời nay không được gì, cũng làm nhân duyên cho Phật đạo ở đời sau".
Khi ấy, Hỷ-căn họp Tăng, nhất tâm nói kệ:
"Dâm dục tức là đạo,
Sân si cũng như vậy,
Trong ba sự như thế,
Vô lượng chư Phật đạo.
Nếu có người phân biệt,
Dâm, nộ, si là đạo,
Người ấy cách xa Phật,
Thí như Trời với đất.
Đạo và dâm, nộ, si.
Là một pháp bình đẳng,
Nếu ai nghe sợ hãi,
Các Phật đạo rất xa.
Dâm pháp bất sinh diệt,
Không thể khiến tâm não,
Nếu ai chấp tự ngã,
Dâm đưa vào ác đạo.
Thấy pháp có khác không,
Là chẳng lìa có, không.
Nếu rõ có là không,
Siêu thắng thành Phật đạo".
Lúc nói hơn bảy mươi bài kệ như vậy, ba vạn Thiên tử được Vô sanh Pháp nhẫn, một vạn tám ngàn Thanh-văn, không ái trước hết thảy các pháp đều được giải thoát.
Khi ấy, Thắng-ý Bồ-tát, thân liền rơi vào địc ngục, thọ khổ vô lượng ngàn vạn ức năm, khi được ra khỏi địa ngục sanh trong loài người, bị bài báng bảy mươi bốn vạn năm, trải qua trong vô lượng kiếp không nghe đuợc tiếng Phật.   Và khi tội ấy mỏng dần, vị ấy dẫu nghe được Phật pháp, dẫu có nghe được Phật pháp, xuất gia học đạo vẫn trở lại xả giới, thường xả giới như vậy sáu vạn hai ngàn đời, được làm Sa-môn trong vô lượng đời, tuy không xả giới nhưng các căn ám độn.
Hỷ-căn Bồ-tát hiện làm Phật ở quá mười vạn ức Phật độ về phía Đông, Quốc độ kia hiệu là Bảo Nghiêm, Phật hiệu là Quang Du Phật Minh Vương.  Thắng-ý Tỳ-kheo lúc ấy là thân con hôm nay.  Con quán sát bấy giờ phải thọ vô lượng khổ ấy".   Văn-thù-sư-lợi lại bạch Phật:  "Nếu có người cầu Tam thừa đạo, không muốn thọ các khổ, thì không nên phá các pháp tướng mà ôm lòng sân nhuế".  Phật hỏi Văn-thù:  "Ông nghe các bài kệ được lợi ích gì?"  Đáp: "Con nghe các bài kệ, được dứt hết các khổ, đời đời được lợi căn trí tuệ, hiểu pháp sâu xa, khéo thuyết nghĩa sâu xa, là bậc nhất ở giữa chư Bồ-tát".
Như vậy, gọi là khéo thuyết các pháp tướng, ấy gọi là như thật khéo nói.
 
(Hết cuốn 6 theo bản Hán).HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.27/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment