Monday, 31 March 2014

Tập 3 
Cuốn 50.DAI TRI DO LUAN.
KINH: Vì sao Bồ tát không chấp trước ngã? Vì rốt ráo vô ngã. 
Vì sao Bồ tát không chấp trước chúng sinh, không chấp trước mạng sống, khơng chấp trước chúng số, cho đến kẻ biết, kẻ thấy? Vì các pháp rốt ráo không thể có được. 
Vì sao Bồ tát không chấp trước đoạn kiến? Không có pháp đoạn, vì các pháp rốt ráo không sinh. 
Vì sao Bồ tát không chấp trước thường kiến? Vì nếu pháp không sinh là không có thường. 
Vì sao Bồ tát không nên thủ tướng? Vì không có các phiền não. 
Vì sao Bồ tát không nên chấp tác nhân? Vì các kiến chấp không thể có được. 
Vì sao Bồ tát không chấp trước danh sắc? Vì tướng chỗ danh sắc không có. 
Vì sao Bồ tát không chấp trước năm uẩn, không chấp trưóc mười hai nhập, không chấp trước mười tám giới? Vì tánh các pháp không có. 
Vì sao Bồ tát không chấp trước ba cõi? Vì tánh ba cõi không có. 
Vì sao Bồ tát không nên khởi tâm chấp trước? Vì sao Bồ tát không nên khởi tâm nguyện? Vì sao Bồ tát không nên khởi tâm nương tựa? Vì các pháp ấy tánh không có. 
Vì sao Bồ tát không chấp trước nơi ý kiến nương Phật? Vì khởi ý kiến nương thì không thấy Phật. 
Vì sao Bồ tát không chấp trước ý kiến nương Pháp? Vì Pháp không thể thấy. 
Vì sao Bồ tát không chấp trước ý kiến nương Tăng? Vì Tăng tướng vô vi không thể nương. 
Vì sao Bồ tát không chấp trước ý kiến nương Giới? Vì tội vô tội đều không thể chấp trước. 
Ấy là Bồ tát an trụ trong địa thứ bảy có hai mươi pháp không nên chấp trước. 
Vì sao Bồ tát nên đầy đủ Không?  Vì đầy đủ các pháp tự tướng không. 
Vì sao Bồ tát chứng Vô tướng? Vì không niệm các tướng. 
Vì sao Bồ tát biết vô tác?  Vì đối với ba cõi không có tạo tác. 
Vì sao Bồ tát ba phần thanh tịnh?  Vì đầy đủ mười thiện đạo. 
Vì sao Bồ tát đối với hết thảy chúng sinh, trí tuệ và từ bi đầy đủ? Vì được tâm đại từ bi. 
Vì sao Bồ tát không niệm hết thảy chúng sinh? Vì thế giới thanh tịnh đầy đủ. 
Vì sao Bồ tát bình đẳng quán hết thảy pháp? Vì đối với các pháp không tổn giảm và tăng ích. 
Vì sao Bồ tát biết các pháp thật tướng? Vì thật tướng các pháp vô tri. 
Vì sao Bồ tát được vô sinh pháp nhẫn? Vì các pháp không sinh không diệt, không khởi nhẫn. 
Vì sao Bồ tát được vô sinh trí? Vì biết danh và sắc chẳng sinh. 
Vì sao Bồ tát nói các pháp nhất tướng? Vì nhất tâm không hành theo hai tướng. 
Vì sao Bồ tát phá tướng phân biệt? Vì hết thảy pháp không phân biệt. 
Vì sao Bồ tát chuyển ức tưởng? Vì vô tưởng lớn nhỏ đều chuyển vậy. 
Vì sao Bồ tát chuyển thấy? Vì cái thấy đối với Thanh văn, Bích chi Phật chuyển. 
Vì sao Bồ tát chuyển phiền não? Vì dứt các phiền não. 
Vì sao Bồ tát được địa vị định tuệ bình đẳng? Vì được Trí nhất thiết chủng. 
Vì sao Bồ tát điều phục ý? Vì đối với ba cõi không lay động. 
Vì sao Bồ tát tâm tịch diệt? Vì chế phục sáu căn. 
Vì sao Bồ tát được trí vô ngại? Vì được Phật nhãn. 
Vì sao Bồ tát không nhiễm ái? Vì bỏ sáu trần. 
Ấy là Bồ tát trú trong địa thứ bảy đầy đủ hai mươi pháp. 
Thế nào là Bồ tát thuận vào tâm chúng sinh? Là Bồ tát lấy nhất tâm biết hết thảy tâm tâm số pháp của chúng sinh. 
Thế nào là Bồ tát dạo chơi các thần thông? Là dùng thần thông ấy đi từ một cõi Phật đến một cõi Phật, cũng không khởi tưởng cõi Phật. 
Thế nào là Bồ tát quán các cõi Phật? Là tự ở cõi mình thấy vô lượng cõi Phật, cũng không có tưởng cõi Phật. 
Thế nào là Bồ tát như cõi Phật đã được thấy? Là tự trang nghiêm cõi mình, ở địa vị Chuyển luân Thánh vương, đi khắp ba ngàn đại thiên thế giới để tự trang nghiêm. 
Thế nào là Bồ tát như thật quán thân Phật? Là như thật quán pháp thân. 
Ấy là Bồ tát trú ở địa thứ tám đầy đủ năm pháp. 
Thế nào là Bồ tát biết các căn cao thấp? Bồ tát trú ở mười lực của Phật, biết cao thấp hạ của tất cả chúng sinh. 
Thế nào là Bồ tát làm thanh tịnh thế giới Phật? Là làm thanh tịnh chúng sinh vậy. 
Thế nào là Bồ tát như huyễn Tam muội?Là trú ở Tam muội ấy, thành biện được hết mọi sự, cũng không sinh tâm tướng. 
Thế nào là Bồ tát thường vào Tam muội? Là Bồ tát được Tam muội quả báo sinh. 
Thế nào là Bồ tát theo thiện căn  thích ứng của chúng sinh mà thọ thân? Là Bồ tát biềt chúng sinh có thiện căn được sinh phát mà vì họ thọ thân, để thành tựu chúng sinh. 
Ấy là Bồ tát trú ở địa thứ tám đầy đủ năm pháp. 
Thế nào là Bồ tát thọ lãnh phần độ chúng sinh trong vô biên thế giới? Là Bồ tát độ thoát chúng sinh đáng được độ trong mười phương vô lượng thế giới như pháp của chư Phật. 
Thế nào là Bồ tát được như sở nguyện? Là sáu Ba la mật đầy đủ. 
Thế nào là Bồ tát biết ngôn ngữ của các trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà? Là do sức từ vô ngại biện. 
Thế nào là Bồ tát thành tựu thai sinh? Là Bồ tát đời đời thường hóa sinh. 
Thế nào là Bồ tát thành tựu gia đình?Là Thường sinh vào đại gia. 
Thế nào là Bồ tát thành tựu nơi sinh? Là Hoặc sinh vào nhà Sát lợi, hoặc sinh vào nhà Bà la môn. 
Thế nào là Bồ tát thành tựu dòng họ? Là Bồ tát sinh theo dòng họ đã sinh ra trong quá khứ. 
Thế nào là Bồ tát thành tựu quyến thuộc? Quyến thuộc thuần là các Ðại Bồ tát. 
Thế nào là Bồ tát thành tựu khi sinh ra? Là khi sinh ra có ánh sáng chiếu khắp vô lượng vô biên thế gìới, cũng không chấp thủ tướng ấy. 
Thế nào là Bồ tát thành tựu xuất gia? Là khi xuất gia có vô lượng trăm ngàn ức chư thiên theo hầu xuất gia, các chúng sinh ấy chắc chắn đến Tam thừa. 
Thế nào là Bồ tát thành tựu cây Phật trang nghiêm? Là cây Bồ đề ấy lấy vàng ròng làm gốc, bảy báu làm thân cây, thớ, cành, lá; ánh sáng của thân cây, thớ, cành, lá chiếu khắp mười phương vô số ba ngàn đại thiên thế giới. 
Thế nào là Bồ tát thành tựu đầy đủ hết thảy công đức thiện căn? Là Bồ tát được chúng sinh thanh tịnh, cõi Phật cũng tịnh. 
Ấy là Bồ tát trú ở địa thứ chín đầy đủ mười hai pháp. 
Thế nào là Bồ tát trú ở địa thứ mười, nên biết Bồ tát ấy như Phật? Nếu Bồ tát ma ha tát đầy đủ sáu Ba la mật, bốn chỗ quán niệm, cho đến mười tám pháp không chung, Trí nhất thiết chủng đầy đủ viên mãn, dứt hết thảy phiền não và tập khí, ấy là Bồ tát ma ha tát trú ở địa thứ mười, nên biết Bồ tát ấy như Phật.
Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong mười địa ấy, do sức phương tiện (vô sở đắc – ND) nên hành sáu Ba la mật, bốn chỗ quán niệm cho đến mười tám pháp không chung, trải qua Càn tuệ địa, Tánh địa, Bát nhẫn địa, Kiến địa, Bạt địa, Ly dục địa, Dĩ tác địa, Bích chi Phật địa, Bồ tát địa; qua khỏi chín địa ấy, trú ở Phật địa, ấy là Bồ tát mười địa của Bồ tát. 
Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát phát tâm thú hướng Ðại thừa. 
LUẬN: Luận giả nói: Ngã v.v... hai mươi pháp không thể có được nên không chấp trước. Lý do không thể có được như trước đã mỗi mỗi nói. 
Chấp ngã cho đến kẻ biết kẻ thấy, chấp Phật, chấp tăng là nhiếp vào chúng sinh, các kiến chấp ấy không nên chấp trước. Còn chấp đoạn, chấp thường cho đến chấp giới, là nhiếp vào pháp không nên không nên chấp trước. 
Hỏi: Các kiến chấp khác có thể biết, còn kiến chấp về nhân thế nào? 
Ðáp: Hết thảy pháp hữu vi, triển chuyển làm nhân làm quả. Ðối với pháp ấy tâm đắm trước thử tướng sinh chấp kiến, ấy gọi là kiến chấp về nhân. Ðó là chẳng phải nhân mà nói nhân; hoặc chấp nhân và quả là một, là khác v.v... 
Ðầy đủ không là, nếu Bồ tát tu hành đủ mười tám không ấy gọi là đầy đủ không. 
Lại nữa, tu hành hai không là chúng sinh không và pháp không, ấy gọi là đầy đủ không. 
Lại nữa, nếu Bồ tát tu được rốt ráo không mà không đắm trước rốt ráo không ấy, gọi là đầy đủ không. 
Hỏi: Nếu như vậy, cớ sao trong Kinh trên đây Phật chỉ nói tự tướng không? 
Ðáp: Ba thứ không là chúng sinh không, pháp không, rốt ráo không, đều là tự tướng không. Vì Bồ tát trú ở địa thứ sáu có phước đức nên lợi căn, lợi căn nên phân biệt thủ tướng các pháp. Vì vậy, ở trong địa thứ bảy lấy tự tướng không làm đầy đủ không. 
Phật hoặc có khi nói hữu vi không, vô vi không, gọi là đầy đủ không. 
Hoặc có khi nói “ bất khả đắc không” là đầy đủ không. 
Chứng vô tướng là vô tướng tức Niết bàn, có thể chứng không thể tu; không thể tu nên không được nói là biết, vì vô lượng vô biên không thể phân biệt nên không thể là đầy đủ. 
Biết vô tác là ba việc không, vô tướng, vô tác, tuy đều chung là biết, song hai việc là không, vô tướng thay đổi nghĩa mà lập tên là tu không, chứng vô tướng, còn vô tác thời chỉ có biết tên thôi. 
Ba phần thanh tịnh là mười thiện đạo gồm thân ba, miệng bốn, ý ba, ấy gọi là ba phần. Giải thoát môn, trên đã nói nên ở đây không nói lại. 
Ba phần thanh tịnh là hoặc có người nghiệp thân thanh tịnh, nghiệp miệng không thanh tịnh; nghiệp miệng thanh tịnh, nghiệp thân không thanh tịnh; hoặc nghiệp thân miệng thanh tịnh, nghiệp ý không thanh tịnh. Hoặc có thế gian ba nghiệp đều thanh tịnh mà chưa thể xa lìa chấp trước, còn Bồ tát ấy ba nghiệp thanh tịnh lại xa lìa chấp trước, ấy gọi là ba phần thanh tịnh. 
Ðầy đủ trí từ bi đối với chúng sinh là, từ bi có ba là sinh duyên, pháp duyên, vô duyên. Trong đây nói vô duyên đại bi gọi là đầy đủ. Nghĩa là pháp không cho đến thật tướng cũng không, ấy gọi là vô duyên đại bi. Bồ tát sâu vào thật tướng, vậy sau thương nghĩ đến chúng sinh; thí như người có một người con, được vật báu tốt, tâm rất thương tưởng, muốn lấy đem cho. 
Không nghĩ đến hết thảy chúng sinh là vì đầy đủ thế giới thanh tịnh. 
Hỏi: Nếu không nghĩ đến chúng sinh làm sao có thể làm thanh tịnh cõi Phật? 
Ðáp: Bồ tát khiến chúng sinh trú ở mười thiện đạo, là trang nghiêm cõi Phật. Tuy trang nghiêm mà chưa được vô ngại trang nghiêm. Nay Bồ tát giáo hóa chúng sinh mà không thủ tướng chúng sinh nên các thiện căn phước đức thanh tịnh, các thiện căn phước đức thanh tịnh ấy là vô ngại trang nghiêm. 
Bình đẳng quán hết thảy pháp là như đã nói trong phẩm Pháp đẳng nhẫn. Trong đây Phật tự nói đối với các pháp không thấy thêm bớt. 
Biết thật tướng các pháp là như trước đã nhiều cách nói rộng. 
Vô sinh pháp nhẫn là đối với thật tướng các pháp không sinh không diệt, tin thọ thông suốt vô ngại không thối chuyển, ấy gọi là Vô sinh nhẫn. 
Vô sinh trí là dầu nhẫn sau trí; thô là nhẫn, tế là trí. Ở đây Phật tự nói trí biết danh và sắc bất sinh. 
Nói các pháp một tướng là Bồ tát biết trong ngoài mười hai nhập đều là lưới ma, hư dối không thật, sáu thức sinh từ trong đó cũng là lưới ma, hư dối. Thế nào là thật? duy pháp không hai, không mắt, không sắc, cho đến không ý không pháp v.v... ấy gọi là thật. Khiến chúng sinh xa lìa mười hai nhập nên thường dùng nhiều nhân duyên nói pháp không hai ấy. 
Phá tướng phân biệt là Bồ tát trú ở trong pháp không hai ấy, phá các pháp sở duyên phân biệt trai gái, dài ngắn, lớn nhỏ v.v... 
Chuyển ức tưởng là phá nội tâm ức tưởng phân biệt các pháp. 
Chuyển kiến là Bồ tát trước chuyển các tà kiến, ngã kiến, biên kiến v.v... vậy sau mới vào đạo. Nay chuyển pháp kiến, Niết bàn kiến, vì các pháp không có tướng nhất định. 
Chuyển Niết bàn là chuyển Thanh văn, Bích chi Phật kiến mà thẳng đến Phật đạo. 
Chuyển phiền não là Bồ tát lấy lực phước đức, trì giới, chiết phục phiền não thô, an ổn hành đạo, chỉ còn có ái, kiến, mạn vi tế, nay cũng xa lìa phiền não vi tế. 
Lại nữa, Bồ tát dùng trí tuệ thật quán phiền não ấy tức là thật tướng; ví như người có thần thông, hay chuyển bất tịnh thành tịnh. 
Ðịa vị định tuệ bình đẳng là Bồ tát ở ba địa đầu tuệ nhiều định ít, chưa thể nhiếp tâm; ba địa kế tiếp định nhiều tuệ ít, vì vậy nên không vào được Bồ tát vị. Nay chúng sinh không, pháp không, định tuệ bình đẳng nên có thể an ổn hành Bồ tát đạo, từ địa vị bất thối dần dần đến được địa vị Trí nhất thiết chủng. 
Ðiều ý là Bồ tát trước ức niệm già, bệnh, chết, ba ác đạo, thương xót chúng sinh nên điều phục tâm ý, khiến biết thật tướng các pháp, không đắm trước ba cõi, không đắm trước ba cõi nên tâm ý điều phục. 
Tâm tịch diệt là Bồ tát vì Niết bàn nên đối với năm dục chiết phục năm thức. Vì ý thức khó chiết phục, nên nay trú ở địa thứ bảy, ý thức tịch diệt. 
Trí vô ngại là Bồ tát được Bát nhã ba la mật, đối với các pháp thật chẳng thật, được vô ngại. Ðược đạo tuệ ấy, đưa hết thảy chúng sinh khiến vào thật pháp, được giải thoát vô ngại, được Phật nhãn, đối với hết thảy pháp vô ngại. 
Hỏi: Trong địa thứ bảy cớ sao nói được Phật nhãn? 
Ðáp: Trong ấy hãy học Phật nhãn đối với các pháp vô ngại, giống như Phật nhãn. 
Chẳng nhiễm ái là Bồ tát tuy trú ở địa thứ bảy được lực trí tuệ, song còn có nhân duyên đời trước, nên có nhục thân này. Khi vào thiền định thời không nhiễm đắm, khi ra thiền định thời có tập khí nhiễm đắm, tùy theo mắt thịt trông thấy, thấyngười đẹp thì thân ái; hoặc ái trước tuệ thật pháp của địa thứ bảy, cho nên Phật dạy hành tâm xả đối với sáu trần, không thủ lấy tướng tốt xấu (xong Ðịa thứ bảy). 
Thuận vào tâm chúng sinh là Bồ tát ở trong địa thứ tám, quán thuận theo chỗ tâm xu hướng của chúng sinh, phát động tư duy, niệm sâu quán thuận, dùng trí tuệ phân biệt biết chúng sinh ấy vĩnh viễn không có nhân duyên đắc độ, chúng sinh ấy trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp, sau mới đắc độ, chúnh sinh ấy trải qua một kiếp, hai kiếp, cho đến muôn kiếp mới đắc độ; chúng sinh ấy trải một đời, hai đời, cho đến đắc độ ngay trong đời này; chúng sinh ấy hoặc tức thời đắc độ, là thuần thục là chưa thuần thục; người ấy có thể dùng Thanh văn thừa mà độ thoát, người ấy có thể dùng Bích chi Phật thừa mà độ thoát. Thí như lương y thăm bệnh, biết sắp lành hoặc có thể trị hoặc không thể trị. 
Xem các nước Phật là có Bồ tát dùng sức thần thông bay đến mười phương, xem các thế giới thanh tịnh, thử lấy tướng ấy muốn tự trang nghiêm nước mình; có  Bồ tát được Phật đem đến mười phương chỉ cho thế giới thanh tịnh, thủ lấy tướng thế giới thanh tịnh, tự phát nguyện tu hành, như đức Phật Thế Tự Tại Vương đem Tỳ kheo Pháp Tích đến mười phương chỉ có thế giới thanh tịnh; hoặc có Bồ tát tự ở nước mình, dùng thiên nhãn thấy thế giới thanh tịnh ở mười phương, lúc đầu thủ lấy tướng tịnh, lúc sau được tâm không nhiễm trước, nên trở lại bỏ. Tự trang nghiêm nước mình như nước Phật đã được trông thấy như trước đã nói. 
Ðịa thứ tám này gọi là Chuyển luân địa, giống như Chuyển luân thánh vương cưỡi xe báu đi đến đâu cũng bị chướng ngại, không có oán địch, Bồ tát ở trong địa 
 này, hay mưa pháp bảo làm mãn nguyện chúng sinh, không có chướng ngại, cũng hay thủ lấy tướng nước Phật mà tự trang nghiêm nước mình. 
Như thật quán thân Phật là quán thân chư Phật như huyễn như hóa, chẳng nhiếp thuộc năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc ngần ấy sắc theo chỗ thấy của chúng sinh bởi nghiệp nhân duyên đời trước. Trong đây Phật tự nói, thấy Pháp thân ấy là thấy Phật. Pháp thân là pháp bất khả đắc không; pháp bất khả đắc không là các pháp sinh ra theo bên nhân duyên, không có tự tánh. 
Biết các căn cao thấp là như đã nói trong đoạn mười lực. Bồ tát trước biết tâm sở hành của hết thảy chúng sinh, ai thuần thục, ai lanh lợi, ai bố thí nhiều, ai trí tuệ nhiều, nhân người có nhiều mà độ thoát. 
Tịnh thế giới Phật là, có hai thứ tịnh: Một là Bồ tát tự tịnh thân mình, hai là tịnh tâm chúng sinh, khiến tu đạo thanh tịnh. Do nhân duyên kia với ta thanh tịnh nên theo sở nguyện mà được thế giới thanh tịnh. 
Vào Tam muội như huyễn là như người huyễn thuật ở một chỗ mà làm, các việc huyễn đầy khắp thế giới, nào bốn thứ binh chủng, cung điện thành quách, uống ăn ca múa giết chết, sống, ưu, khổ v.v... Bồ tát cũng như vậy, ở trong Tam muội này có thể biến hóa ở mười phương thế giới; đầy khắp trong đó, trước làm bố thí no đủ cho chúng sinh, sau thuyết pháp giáo hóa; phá hoại ba đường ác, sau mới an lập chúng sinh nơi ba thừa, tất cả việc có thể lợi ích không việc gì không thành tựu. Tâm Bồ tát ấy không động, cũng không thủ lấy tướng của tâm. 
Thường vào Tam muội là Bồ tát được Tam muội như huyễn v.v... Tâm làm lụng tạo tác nên nay chuyển thân được Báo sinh Tam muội (Tam muội phát sinh theo quả báo chứ không phải theo sự tu tập hiện tại – ND); như người thấy sắc, không dùng tâm lực. Ở trong Tam muội này, độ chúng sinh an ồn, hơn Tam muội như huyễn, tự nhiên thành việc, không cần làm lụng, như người cầu tài có khi do sức làm lụng mà được, có khi tự nhiên được. 
Tùy theo thiện căn thích ứng của chúng sinh mà thọ thân là Bồ tát được hai thứ Tam muội, hai thứ thần thông, do tu hành được và do quả báo được, biết dùng thân gì, ngôn ngữ gì, nhân duyên gì, việc gì, đạo gì, phương tiện gì, để mà thọ thân, cho đến thọ thân súc sinh để mà hoá độ (xong Ðịa thứ tám). 
Thọ lãnh phần độ chúng sinh trong vô biên thế giới là sáu nẻo chúng sinh trong vô lượng vô số mười phương thế giới, là phần đáng độ mà Bồ tát giáo hóa để độ. Thế giới có ba loại là tịnh, bất tịnh, lẫn lộn. Chúng sinh trong ba loại thế giới ấy, hạng đáng được độ có lợi ích, thời đều thu nhiếp hết. Ví như đốt đèn là vì người có mắt, chứ không vì người mù. Bồ tát cũng như vậy, hoặc người trước đã có nhân duyên, hoặc người mới làm nhân duyên. 
Lại nữa, ba ngàn đại thiên thế giới, gọi là một thế giới, một thời sinh khởi, một thời hoại diệt. Mười phương thế giới như hằng hà sa như vậy là một Phật thế giới. Phật thế giới như vậy, số như hằng hà sa thế giới, là một biển thế giới Phật. Biển thế giới Phật như vậy, số như hằng hà sa thế giới mười phương là một Phật thế giới chủng. Thế giới chủng như vậy, mười phương vô lượng, ấy gọi là một thế giới Phật. Ðối với hết thảy thế giới thủ lấy phần như vậy, ấy gọi là phần chúng sinh được độ của một đức Phật. 
Ðược như sở nguyện là Bồ tát phước đức trí tuệ đầy đủ, nên không ước nguyện gì không được.Người nghe nói phần chúng sinh được độ trong vô lượng vô biên thế giới nghi không thể làm được, thế nên tiềp nói sở nguyện được như ý. Trong đây Phật tự nói sáu Ba la mật đầy đủ, năm độ thời phước đức đầy đủ, Bát nhã thời trí tuệ đầy đủ. 
Biết ngôn ngữ các trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà là như tôi ở trên kia nói, phước đức trí tuệ đầy đủ, sở nguyện được như ý. Biết ngôn ngữ của kẻ khác tức là việc ước nguyện. 
Lại nữa, Bồ tát được trí túc mạng thanh tịnh nên biết được hết thảy ngôn ngữ ở những nơi sinh ra. 
Lại nữa, dược nguyện trí nên biết tâm của người lập danh, cưỡng lập danh tự ngữ ngôn. 
Lại nữa, Bồ tát được Tam muội biết ngôn ngữ chúng sinh nên thông suốt hết thảy ngôn ngữ không trở ngại. 
Lại nữa, tự được bốn trí vô ngại, còn học bốn trí vô ngại của Phật, vì vậy nên biết ngôn ngữ âm thanh của chúng sinh. 
Ở thai thành tựu là có người nói Bồ tát cưỡi voi trắng, có vô lượng chư thiên Ðâu suất vây quanh cung kính cúng dường, hầu hạ vào thai mẹ; có người nói mẹ Bồ tát được lực Tam muội như huyễn nên làm cho bụng lớn rộng vô lượng, hết thảy ba ngàn đại thiên thế giới Bồ tát, trời, rồng, quỷ, thần đều được vào trong thai. Do nhân duyên nghiệp phước đức của Bồ tát chiêu cảm nên đã sẵn có cung điện đài quán, giường tọa trang nghiêm, treo màn rũ phan, rải hoa đốt hương, vậy sau Bồ tát hạ đến ở đó. Cũng do lực Tam muội nên xuống vào thai mẹ mà ở trên trời Ðâu suất vẫn như cũ. 
Sinh thành tựu là Bồ tát khi sắp sinh, chư thiên, rồng, quỉ, thần, trang nghiêm ba ngàn đại thiên thế giới, lúc ấy có tòa hoa sen bảy báu, tự nhiên hiện ra. Từ trong thai mẹ có vô lượng Bồ tát ra trước, ngồi trên hoa sen chấp tay tán thán, chờ đợi Bồ tát và các trời, rồng, quỷ, thần, thánh, ngọc nữ v.v... đều chấp tay một lòng mong thấy Bồ tát sinh, vậy sau Bồ tát mới từ hông bên phải của mẹ sinh ra, như trăng tròn từ trong mây xuất hiện, phóng hào quang lớn chiếu vô lượng thế giới. Lúc ấy có tiếng lớn, vang khắp mười phương thế giới, xướng rằng: Vị Bồ tát ở nước ấy sinh thân cuối cùng. Hoặc có Bồ tát hóa sinh trong hoa sen. Trong bốn cách sinh, Bồ tát hoặc thai sinh hoặc hóa sinh; trong bốn chủng người, Bồ tát sinh vào hai chủng tánh Sát lợi hoặc Bà la môn, vì sinh vào hai chủng tánh này thì được mọi người yêu quý. 
Nhà thành tựu là nhà Bà la môn có trí tuệ, nhà Sát lợi có thế lực. Bà la môn lợi ích đòi sau, Sát lợi lợi ích đời này. Hai chủng tánh có ích ở đời nên Bồ tát sinh ở trong đó. 
Lại nữa, nhà có các pháp công đức, nghĩa là không thối chuyển, sinh, ấy gọi là gia sinh thành tựu. 
Dòng họ thành tựu là Bồ tát ở trên trời Ðâu suất xem thế gian dòng họ nào quý, có thể thu nhiếp chúng sinh, tức sinh vào nơi dòng họ đó. Như trong bảy đức Phật, ba đức Phật đầu Tỳ bà thi, Thi khí, Tỳ xá phù sinh trong dòng họ Kiều trần như; ba đức Phật kế tiếp Câu lưu tôn, Câu na hàm Mâu ni, Ca diếp sinh trong dòng họ Ca diếp. Còn đức Phật Thích ca Mâu ni sinh trong dòng họ Kiều đàm. 
Lại nữa, Bồ tát ban đầu tâm sâu xa bền chắc, ấy gọi là dòng họ của chư Phật. Có người nói: Ðược vô sinh pháp nhẫn, ầy là dòng họ của chư Phật; lúc ấy được khí phần Trí nhất thiết chủng của Phật, như hạng người tánh địa trong pháp Thanh văn. 
Quyến thuộc thành tựu là đều thuần người trí, người lành, đời đời nhóm công đức. Trong đây Phật tự nói thuần lấy Bồ tát làm quyến thuộc, như trong Kinh Bất khả tư nghì nói Cù tỳ gia là đại Bồ tát. Tất cả quyến thuộc đều là Bồ tát ở địa vị bất thối chuyển. Dùng lực Tam muội phương tiện biến hóa làm nam làm nữ, chung làm quyến thuộc. Như Cư sĩ bảo của Chuyển luân Thánh vương, là những Dạ xoa, quỷ thần hiện làm thân người, cọng sự với người. 
Xuất gia thành tựu là như Bồ tát Thích ca Văn đang đêm ở cung điện thấy các thể nữ, đều giống như chết; chư thiên quỷ thần mười phương, cầm đồ phan hoa cúng dường, phụng rước Bồ tát đi ra. Lúc ấy, tuy Xa nặc trước lãnh sắc lệnh vua Tịnh phạn, nhưng lại theo ý Bồ tát, tự dắt ngựa đến, sứ giả bốn thiên vương tiếp đỡ chân ngựa, vượt thành đi ra, vì để phá các phiền não, ma nhân nên chỉ cho mọi người thấy sự uế tạp tại gia rằng: Hạng người đại công đức quí trọng như thế mà còn xuất gia, huống gì hạng người phàm tiểu. Có các nhân duyên như vậy gọi là xuất gia thành tựu. 
Trang nghiêm cây Phật thành tựu là trang nghiêm cây Bồ đề như trước nói. Trong đây Phật tự nói, cây Bồ đề ấy lấy huỳnh kim làm gốc, bảy báu làm thân, thớ, cành, lá; ánh sáng của thân cây, thớ, cành. lá chiếu khắp mười phương vô lượng vô số thế giới Phật. Hoặc có đức Phật, lấy bảy báu của Bồ tát trang nghiêm cây Phật, hoặc cò vị không như vậy, vì cớ sao? Vì thần lực của chư Phật không thể nghĩ bàn; vì chúng sinh nên hiện các thứ trang nghiêm. 
Hết thảy các thiện căn công đức đầy đủ là Bồ tát ở trong địa thứ bảy phá các phiền não, lợi mình đầy đủ, vào ở địa thứ tám, địa thứ chín, lợi ích người khác, nghĩa là giáo hóa chúng sinh, thanh tịnh cõi Phật. Lợi mình lợi người sâu xa rộng lớn, nên hết thảy công đức đầy đủ; như A la hán, Bích chi Phật nặng về tự lợi, nhẹ về lợi tha nên không gọi là đầy đủ. Chư thiên và tiểu Bồ tát tuy có thể làm lợi ích mà tự mình chưa trừ hết phiền não, nên cũng không đầỳ đủ. Ấy gọi là công đức đầy đủ (xong Ðịa thứ chín). 
Nên biết Bồ tát ấy như Phật là Bồ tát ngồi dưới cội cây như vậy, là vào địa thứ mười, gọi là Pháp vân địa. Ví như đám mây lớn trút mưa liên tục không nghỉ, tâm tự nhiên sinh vô lượng vô biên các Phật pháp thanh tịnh, niệm niệm vô lượng. Bấy giờ Bồ tát nghĩ rằng: Tâm bọn Ma vương cõi Dục chưa hàng phục, nên phóng hào quang giữa hai chân mày, khiến trăm ức cung điện ma tối tăm không hiện, ma liền sân não, tập hợp binh chủng của nó đi đến bức não Bồ tát. Bồ tát hàng phục ma xong, mười phương chư Phật mừng công huân ấy, đều phóng hào quang giữa hai chân mày, chiếu vào đỉnh Bồ tát. Lúc ấy, công đức của địa thứ mười có được, biến làm Phật pháp, dứt hết thảy tập khí phiền não, được giải thoát vô ngại, đủ mười lực, bốn việc không sợ, bốn trí vô ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi v.v... vô lượng vô biên Phật pháp. 
Lúc ấy đất chấn động sáu cách, trời mưa hoa hương, các Bồ tát trời, người đều chấp tay tán thán. 
Lúc ấy Phật phóng hào quang lớn chiếu khắp mười phương vô lượng thế giới, mười phương chư Phật, các Bồ tát, trời, người lớn tiếng xướng rằng: Phương ấy, nước ấy, Bồ tát ấy, ngồi ở đạo tràng thành tựu Phật sự, là hào quang ấy. Ấy gọi là Bồ tát ở địa thứ mười như Phật. 
Lại nữa, trong đây Phật còn nói tướng trạng địa thứ mười, là Bồ tát hành sáu Ba la mật do lực phương tiện nên trải qua Càn tuệ địa cho đến Bồ tát địa, trú ở Phật địa. Phật địa tức là địa thứ mười. 
Bồ tát tu mười địa như vậy, gọi là Phát thú Ðại thừa. 
 
 
GIẢI THÍCH: PHẨM XUẤT ÐÁO THÚ 21 
(Kinh Ðại Bát nhã ghi: Phần hai, Phẩm Xuất Trú thứ 19) 
 
 
KINH: Phật bảo Tu bồ đề: Ông hỏi Ðại thừa như vậy từ chỗ nào xuất sinh và đến trú chỗ nào? Phật dạy: Ðại thừa ấy từ trong ba cõi xuất sinh đi đến trú trong Trí nhất thiết chủng, vì không hai pháp vậy, vì cớ sao? Vì Ðại thừa và Trí nhất thiết chủng là hai pháp cùng chung, chẳng hợp, chẳng tán, không sắc, không hình, không đối đãi, chỉ nhất tướng gọi là vô tướng. Nếu người muốn khiến thật tế xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh; nếu người muốn khiến như như, pháp tánh, bất khả tư nghì tánh xuất sinh; là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, nếu người muốn khiến “sắc không” xuấtsinh là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh; nếu người muốn khiến “thọ, tưởng, hành, thức không” xuất sinh; là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, vì cớ sao? Tu bồ đề! Vì tướng “sắc không” không xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng; “thọ, tưởng, hành, thức không” không xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng, vì sao? Vì sắc, sắc tướng không; thọ, tưởng, hành, thức không. 
Nếu người muốn khiến “nhãn không” xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh; nếu người muốn “nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý không” xuất sinh; là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh; nếu người muốn khiến cho đến “thọ do ý và xúc làm nhân duyên sinh không xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, vì cớ sao? Tu bồ đề! Vì “nhãn không” không xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng, cho đến “thọ do ý và xúc làm nhân duyên sinh không” xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng, vì cớ sao? Vì tướng “nhãn không” cho đến thọ do ý và xúc làm nhân duyên sinh, thọ do ý và xúc làm nhân duyên sinh tướng không. 
Nếu người muốn khiến mộng xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh; nếu người muốn khiến huyễn, sóng nắng, tiếng vang, bóng, biến hóa xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, vì cớ sao? Tu bồ đề! Vì tướng mộng không xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng; tướng huyễn, sóng nắng, tiếng vang, bóng, biến hóa cũng không xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng. 
Tu bồ đề! Nếu người muốn khiến Thí ba la mật xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh; nếu người muốn khiến Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật,Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, vì sao? Vì tướng Thí ba la mật không xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng; tướng Giới ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật không xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng, vì cớ sao? Vì Thí ba la mật, Thí ba la mật tướng không; Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật, Bát nhã ba la mật tướng không. 
Nếu người muốn khiến “nội không” xuất sinh; cho đến “vô pháp hữu pháp không” xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, vì cớ sao? Tu bồ đề! Tướng nội không cho đến tướng vô pháp hữu pháp không, không xuất sinh từ ba cõi cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng, vì cớ sao? Vì “nội không”, nội không tánh không cho đến vô pháp hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không tánh không. 
Nếu người muốn khiến bốn niệm xứ xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, vì sao? Vì tánh bốn niệm xứ không xuất sinh từ ba cõi cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng, vì cớ sao? Vì tánh bốn niệm xứ, tánh bốn niệm xứ không.
 
Nếu có người muốn khiến bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực bảy giác phần, tám Thánh đạo phần xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, vì cớ sao? Vì tánh tám Thánh đạo phần không xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng, vì cớ sao? Vì tánh tám Thánh đạo phần, tánh tám Thánh đạo phần không; cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy. 
Tu bồ đề! Nếu người muốn khiến A la hán có chỗ xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh; nếu người muốn khiến Bích chi Phật có chỗ xuất sinh, là người ấy muốn pháp vô tướng xuất sinh; nếu người muốn khiến Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri có chỗ xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, vì cớ sao? Tu bồ đề! Tánh A la hán, tánh Bích chi Phật, tánh Phật không xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng, vì cớ sao? Vì tánh A la hán, tánh A la hán không; tánh bích chi Phật, tánh Bích chi Phật không, tánh Phật, tánh Phật không. 
Nếu người muốn khiến quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, đạo Bích chi Phật, Phật đạo, Trí nhất thiết chủng xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh nói như trên (Kinh Ðại Bát nhã ghi:Những người muốn khiến pháp vô tướng có sinh có trụ, thời là muốn khiến các bậc Dự lưu có sinh vào đường ác, các bậc Nhất lai có sinh lại nhiều lần, các bậc Bất hoàn có sinh lại cõi Dục, các bậc đại Bồ tát có sinh tâm tự lợi, các bậc A la hán, Ðộc giác, Như Lai có sinh lại đời sau. Nhưng không có việc ấy, vì sao?Vì các bậc Dự lưu v.v... sinh vào đường ác là không thể có được – ND). 
Nếu người muốn khiến danh tự là tướng giả danh bày đặt, chỉ có ngôn ngữ xuất sinh, là người muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, vì sao? Vì danh tự không, không xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng, vì cớ sao? Vì tướng danh tự, tướng danh tự không, cho đến bày đặt cũng như vậy. 
Nếu người muốn khiến pháp bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, vô tác xuất sinh, là người muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, vì sao? Vì tánh pháp bất sinh cho đến vô tác không xuất sinh từ ba cõi, cũng không trú trong Trí nhất thiết chủng, vì cớ sao? Vì tánh bất sinh cho đến vô tác, tánh vô tác không. 
Tu bồ đề! Do các nhân duyên ấy, Ðại thừa từ trong ba cõi xuất sinh, trú không lay động trong Trí nhất thiết chủng.
LUẬN. Hỏi: Phật đã biết điều Tu bồ đề hỏi, sao nay còn nêu trở lại mà đáp? 
Ðáp: Ðại Bát nhã ba la mật có mười vạn bài kệ, ba trăm hai mươi vạn lời, cùng bốn bộ A hàm v.v... chẳng phải trong một lần ngồi mà nói hết. Lại điều Tu bồ đề hỏi trên kia, đã đáp hai việc, vì qua ngày khác nên nêu câu hỏi thứ ba mà đáp. 
Lại nữa, có người nói trong pháp Thanh văn không có việc không thể nghĩ bàn, chẳng được trong một ngày một lần ngồi nói hết. Phật giải thoát vô ngại, Bồ tát cũng có Tam muội không thể nghĩ bàn, có thể làm cho thời gian nhiều thành thời gian ít, thời gian ít thành thời gian nhiều, cũng có thể lấy sắc lớn làm sắc nhỏ, sắc nhỏ làm sắc lớn. Lại như trong 60 tiểu kiếp nói kinh Pháp Hoa, có người cho đó là từ sáng đến bữa ăn. 
Hỏi: Sắc hữu hình có thể thấy, thời gian vô hình chỉ có tên, làm sao lấy gần làm xa, lấy xa làm gần được? 
Ðáp: Vì vậy nên nói lực thần thông không thể nghĩ bàn, như người trong mộng, mộng thấy mọi việc, tự cho là thức tỉnh thấy; trong mộng lại mộng, triển chuyển như vậy, vẫn là một đêm. Vì vậy nên nêu trở lại câu hỏi mà đáp: Ðại thừa ấy xuất sinh từ chỗ nào, chỗ nào đến trú? Phật đáp: Ðại thừa ấy từ trong ba cõi xuất sinh, đến trú trong Trí nhất thiết chủng.
 
Hỏi: Ðại thừa ấy là Phật pháp hay Bồ tát pháp? Nếu là Phật pháp cớ sao từ ba cõi xuất sinh; nếu Bồ tát pháp cớ sao trú trong Trí nhất thiết chùng? 
Ðáp: Ðại thừa ấy là Bồ tát pháp, cho đến Kim cang Tam muội các công đức thanh tịnh thời biến làm Phật pháp. Ðại thừa ấy có sức lớn, có khả năng đi đến Phật, không còn chỗ hơn để đi đến nữa, nên nói là trú. Thí như lúc kiếp tận lửa đốt ba ngàn thế giới, thế lực lớn, không còn gì để đốt, nên liền tự tắt. Ðại thừa cũng như vậy, dứt hết thảy phiền não, chứa nhóm các công đức, cùng tận ngần mé, không còn gì để đoạn, không còn gì để biết, không còn gì để chứa nhóm, liền tự quy về tịch diệt. 
Pháp không hai là vì để dứt chấp trước của các Bồ tát nên nói. trong đây Phật tự nói Ðại thừa và Trí nhất thiết chủng là hai pháp, vì chẳng một nên không hợp, vì chẳng khác nên không tán, chỗ sáu thức biết điều hư vọng nên không sắc, không hình, không đối, là nhất tướng. 
Hỏi: Trước nói chẳng một nên không hợp, nay cớ sao nói một tướng? 
Ðáp: Trong đây nói một tướng đó tức là vô tướng. Không có tướng thời không có từ phát xuất, đi đến Phật đạo, mà vì dẫn dắt hàng phàm phu nên nói một tướng. 
Thật tế là thật tướng sau cùng của các pháp, không ra không vào. Nếu có người cuồng muốn khiến thật tế có sinh ra và đi đến Phật đạo, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng sinh ra. Như như, pháp tánh, pháp tướng, nói như trước. 
Tánh không thể nghĩ bàn là, có người nói tức là như như, pháp tánh, thật tế, vô lượng vô biên. Tâm tâm số pháp diệt nên nói là không thể nghĩ bàn. Lại có người nói: Quá thật tế, Niết bàn, lại còn cầu tìm các pháp thật, hoặc có hoặc không, ấy gọi là không thể nghĩ bàn. 
Lại nữa, hết thảy các Phật pháp không thể suy nghĩ trù lượng, nên gọi là không thể nghĩ bàn. 
Lại có người nói: Hết thảy các pháp phân biệt suy nghĩ đều đồng tướng Niết bàn, ấy là không thể nghĩ bàn. Nếu người muốn khiến từ trong không xuất sinh, là người ấy muốn khiến trong pháp vô tướng xuất sinh. Trong đây Phật tự nói, tướng năm uẩn không, không thể xuất sinh từ ba cõi, không thể đi đến Trí nhất thiết chủng. Vì trong năm uẩn, tướng năm uẩn không. Mười hai nhập cho đến ý và xúc làm nhân duyên sinh thọ không cũng như vậy. Các thí dụ mộng không v.v... cũng như vậy, vì tự tướng không có nên không xuất sinh, không có đi đến. 
Nếu người muốn khiến sáu Ba la mật xuất sinh, là người ấy muốn khiến pháp vô tướng xuất sinh, vì cớ sao? Vì sáu Ba la mật do nhân duyên hòa hợp nên không có tự tánh. Tự tánh không có nên không. Vì hàng Bồ tát chấp trước sáu Ba la mật bị đọa vào tà kiến, nên vì họ mà nói không, mười tám không cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy. 
Hỏi: Sáu Ba la mật có đạo, có tục, có thể chấp trước nên có thể nói không, còn sáu Ba la mật xuất thế gian, ba mươi bảy phẩm cho đến mười tám pháp không chung, không chấp trước cớ sao nói không? 
Ðáp: Các Bồ tát chưa dứt hết lậu hoặc, do lực phước đức và trí tuệ nên thực hành pháp ấy, hoặc còn thủ tướng mà ái trước, còn pháp phàm phu hư vọng điên đảo, pháp ấy từ pháp phàm phu sinh, làm sao vậy? Vì vậy nên Phật nói pháp ấy cũng không, để ví dụ pháp vô tướng. Ðại thừa đây tức là vô tướng, vô tướng làm sao có ra có đến. 
Các pháp đều không, chỉ có tướng nên gọi, giả danh ngũ ngôn, nay tên gọi cũng không, để ví dụ trong vô tướng đệ nhất nghĩa không, không thể có được, còn trong pháp thế tục thì có tướng. Tướng và nghĩa của tên gọi v.v... giả danh như trước nói. Dùng pháp như vậy, từ ba cõi xuất sinh, đến trú trong Trí nhất thiết chủng, chẳng phải là thật pháp, cũng không lay động. 
KINH: Tu bồ đề! Ông vừa hỏi Ðại thừa ấy trú chỗ nào? Tu bồ đề! Ðại thừa ấy không chỗ trú, vì sao? Vì hết thảy pháp không có tướng trú. Ðại thừa nếu trú, không trú pháp trú. Tu bồ đề! Thí như pháp tánh chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, không khởi không làm, chẳng phải trú chẳng phải không trú. Tu bồ đề! Ðại thừa ấy cũng như vậy, chẳng phải trú chẳng phải chẳng trú, vì cớ sao? Vì tướng pháp tánh chẳng phải trú chẳng phải chẳng trú, vì cớ sao? Vì tướng pháp tánh, tánh không, cho đến tánh vô tác, tánh vô tác tánh không. Các pháp khác cũng như vậy. 
Tu bồ đề! Do các nhân duyên ấy, Ðại thừa không có chỗ trú, vì pháp chẳng trú, pháp chẳng động vậy.
 
LUẬN. Hỏi: Trước nói Ðại thừa ấy đến trú Trí nhất thiết chủng, không còn pháp hơn có thể đi đến, sao nay lại nói Ðại thừa ấy không có chỗ trú? 
Ðáp: Trước nói là do pháp Không bất nhị nên nói trú, như huyễn, như mộng, tuy có ngồi nằm đi ở, mà chẳng phải thật là ở. Bồ tát cũng như vậy, tuy nói đến trú trong Trí nhất thiết chủng cũng không có trú nhất định. Trong đây Phật tự nói hết thảy pháp từ xưa nay không có tướng trú, làm sao riêng Ðại thừa có trú. Nếu có trú là trú ở pháp rốt ráo không. Thí dụ: như như, pháp tánh, pháp tướng, thật tế, chẳng phải trú, chẳng phải chẳng trú, chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng khởi chẳng làm. 
Chẳng trú là chẳng trú nơi tự tướng; chẳng phải chẳng trú là chẳng trú nơi dị tướng. Chẳng trú là nói không để phá có; chẳng phải chẳng trú là nói theo lẽ thế tục phương tiện có trú. Chẳng trú là nói vô thường để phá tướng thường; chẳng phải chẳng trú là phá tướng đoạn diệt. 
Trong đây Phật tự nói pháp tánh, pháp tánh tướng không, vì sao? Vì tự tướng không cho đến không khởi không làm các pháp khác cũng như vậy. 
KINH: Tu bồ đề! Ông hỏi ai sẽ cưỡi Ðại thừa ấy ra đi? Không có người cưỡi Ðại thừa ấy ra đi, vì sao? Vì Ðại thừa và người đi ra, pháp sở dụng và lúc đi ra, hết thảy pháp ấy đều không có. Nếu hết thảy pháp không có thời dùng pháp gì đi ra, vì sao? Vì ta không thể có được, cho đến kẻ biết, kẻ thấy không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. Tánh không thể nghĩ bàn không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. Năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. Thí Ba la mật không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh, cho đến Bát nhã ba la mật không thể có được vì rốt ráo thanh tịnh. 
Nội không không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh, cho đến vô pháp hữu pháp không, không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. 
Bốn niệm xứ không thể có được, cho đến mười tám pháp không chung không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. 
Tu đà hoàn không thể có được, cho đến A la hán, Bích chi Phật, Bồ tát, Phật không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. 
Tu đà hoàn quả cho đến A la hán quả, Bích chi Phật đạo, Phật đạo, Trí nhất thiết chủng không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. 
Chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, không khởi không tác không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. 
Ðời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại, sinh, trụ, diệt không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. 
Tăng giảm không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. 
Pháp gì không thể có được nên không thể có được? Pháp tánh không thể có được, nên không thể có được; như như, thật tế, vì tánh không thể nghĩ bàn; pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, Thí Ba la mật không thể có được nên không thể có được; cho đến Bát nhã ba la mật không thể có được nên không thể có được. 
Nội không không thể có được nên không thể có được, cho đến vô pháp hữu pháp không, không thể có được, nên không thể có được. 
Bốn niệm xứ không thể có được, nên không thể có được, cho đến mười tám pháp không chung không thể có được nên không thể có được. 
Tu đà hoàn không thể có được nên không thể có được, cho đến Phật không thể có được nên không thể có được. 
Tu đà hoàn quả không thể có được nên không thể có được, cho đến Phật đạo không thể có được nên không thể có được. 
Chẳng sinh chẳng diệt, cho đến chẳng khởi chẳng làm không thể có được nên không thể có được. 
Lại nữa, Tu bồ đề! Sơ địa không thể có được, nên không thể có được, cho đến địa thứ mười không thể có được, nên không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. Thế nào là Sơ địa cho đến địa thứ mười? Ðó là Càn tuệ địa, Tánh địa, Bát nhân địa, Kiến địa, Bạt địa, Ly dục địa, Dĩ tác địa, Bích chi Phật địa, Bồ tát địa, Phật địa. 
Trong nội không, Sơ địa không thể có được, cho đến trong vô pháp hữu pháp không, Sơ địa không thể có được. 
Trong nội không cho đến trong vô pháp hữu pháp không, địa thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm. thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười không thể có được, vì sao? Tu bồ đề! Sơ địa chẳng phải được chẳng phải chẳng được, cho đến địa thứ mười chẳng phải được chẳng phải chẳng được, vì rốt ráo thanh tịnh. 
Trong nội khôngcho đến trong vô pháp hữu pháp không, thành tựu chúng sinh không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. 
Trong nội không cho đến trong vô pháp hữu pháp không, tịnh Phật độ không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. 
Trong nội không cho đến trong vô pháp hữu pháp không, năm mắt không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. 
Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát do hết thảy các pháp không thể có được nên cưỡi Ðại thừa đi ra đến trú Trí nhất thiết chủng.
LUẬN: Luận giả nói: Thực hành Ðại thừa ấy đến bên Phật đạo xuất sinh. Lại do thành tựu nên gọi là xuất sinh. Lấy Ðại thừa ấy thành tựu Trí nhất thiết chủng, ấy gọi là xuất sinh. Trong đây Phật tự nói nhân duyên của Không. 
Thừa là sở dụng của sáu Ba la mật. 
Pháp là các pháp từ bi phương tiện v.v... không nhiếp vào sáu Ba la mật. 
Người xuất là Bồ tát. Ba pháp ấy đều không. 
Trong đây Phật lại nói nhân duyên: Ngã không thể có được cho đến kẻ biết kẻ thấy không thể có được, vì rốt ráo không. 
Năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới, Thí ba la mật cho đến mười tám pháp không chung; Tu đà hoàn cho đến Trí nhất thiết chủng chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch cho đến ba đời, ba tướng, tăng giảm v.v... ấy gọi là pháp không. 
Ngã cho đến kẻ biết kẻ thấy; Tu đà hoàn cho đến Phật ấy gọi là chúng sinh không. 
Hỏi: Có hai thứ không thể có được: Một là có pháp, và trí tuệ ít nên không thể có được. Hai là có trí tuệ lớn suy tìn không thể có được, đây chỉ thứ không thể có được nào? 
Ðáp: Vì pháp không có nên không thể có được (tức thì không có được thứ hai – ND). 
Hỏi: Hết thảy pháp gốc ngọn không thể có được, thì có lợi ích gì với ngưòi? 
Ðáp: Trong đây Phật tự nói rốt ráo thanh tịnh. Rốt ráo là nếu hành giả nương không mà phá có, đối với có được thanh tịnh, đối với không chưa thanh tịnh, vì có nương dựa. Trong đây Phật tự nói: Nhân duyên không thể có được, chúng sinh không thể có được, hết thảy pháp không thể có được, thí như: như như, pháp tánh, thật tế v.v...cho đến chẳng khởi, chẳng làm không thể có được. 
Lại nữa vì mười tám không nên pháp tánh không thể có được, cho đến chẳng khởi chẳng làm. Trong mười tám không, không có Sơ địa cho đến địa thứ mười, không có thành tựu chúng sinh, không có tịnh Phật quốc độ, không có năm mắt, vì mười tám không nên không, vì rốt ráo thanh tịnh nên không thể có được. Bồ tát dùng pháp không thể có được làm phương tiện mà cưỡi Ðại thừa đi ra đến trú trong Trí nhất thiết chủng. 
(Hết cuốn 50 theo bản Hán) .HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.1/4/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
Tập 3 
Cuốn 49 .DAI TRI DO LUAN.
GIẢI THÍCH: PHẨM PHÁT THÚ THỨ 20 
(Kinh Ðại Bát nhã ghi: Phần 2, Phẩm Tu Trị Ðịa thứ 18) 
KINH: Phật bảo Tu bồ đề: Ông hỏi thế nào là Bồ tát ma ha tát thú hướng Ðại thừa ư? 
Tu bồ đề! Nếu Bồ tát ma ha tát khi tu hành sáu Ba la mật, từ một địa vị đến một địa vị, ấy gọi là Bồ tát ma ha tát thú hướng Ðại thừa. 
Tu bồ đề bạch Phật: Bạch đức Thế tôn! Thế nào là Bồ tát ma ha tát từ một địa vị đến một địa vị? 
Phật bảo: Bồ tát ma ha tát biết hết thảy pháp không có tướng đến đi, cũng không có pháp hoặc đến hoặc đi, hoặc đến hoặc không đến, vì tướng các pháp chẳng diệt.  Bồ tát ma ha tát ở các địa vị không niệm không suy nghĩ mà tu trị địa nghiệp, cũng không thấy địa. 
Thế nào là Bồ tát ma ha tát trị địa nghiệp? Bồ tát ma ha tát lúc trú ở Sơ địa tu mười việc: 1. Thâm tâm kiên cố, vì là không thể có được. 2. Tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh, vì tướng chúng sinh không thể có được. 3. Tâm xả, vì người cho người nhận không thể có được. 4. Thân cận thiện tri thức, cũng chẳng tự cao. 5. Cầu pháp, vì hết thảy pháp không thể có được. 6. Thường xuất gia, vì nhà không thể có được. 7. Thọ vui thân Phật, vì tướng hảo không thể có được. 8. Diễn xuất pháp giáo, vì các pháp phân biệt không thể có được. 9. Phá kiêu mạn, vì sinh tuệ không thể có được. 10. Thật ngữ, vì các ngôn ngữ không thể có được. Bồ tát ma ha tát trú ở trong Sơ địa như vậy, tu sửa mười việc trị địa nghiệp. 
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú ở trong địa thứ hai, thường niệm tám pháp: 1. Giới thanh tịnh. 2. Biết ân, báo ân. 3. Trú lực nhẫn nhục. 4. Thọ hoan hỷ. 5. Không bỏ hết thảy chúng sinh. 6. Vào tâm đại bi. 7. Tin thầy,cung kính hỏi han, lãnh thọ. 8. Siêng cầu các Ba la mật. Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát trú ở địa thứ hai phải đầy đủ tám pháp. 
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú ở địa thứ ba tu năm pháp: 1. Học hỏi nhiều, không chán đủ. 2. Thí pháp thanh tịnh, cũng không tự cao. 3. Trang nghiêm Phật quốc độ, cũng không tự cao. 4. Chịu vô lượng cần khổ ở thế gian không lấy làm chán. 5. Ở chỗ tàm quý. Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ ba phải đầy đủ năm pháp. 
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ tư phải thọ hành không bỏ mười pháp: 1. Không bỏ trú xứ A lan nhã (chỗ tịch tịnh) 2. Ít muốn. 3. Biết đủ. 4. Không bỏ công đức tu hạnh đầu đà. 5. Không bỏ giới. 6. Gớm ghét các dục. 7. Nhàm chám tâm thế gian. 8. Bỏ tất cả sở hữu. 9. Tâm không hư mất. 10. Không tiếc hết thảy tài vật. Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát trú ở địa thứ tư không bỏ mười pháp. 
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú ở địa thứ năm, xa lìa mười hai pháp: 1. Xa lìa kẻ bạch y thân thuộc. 2. Xa lìa Tỳ kheo ni. 3. Xa lìa sự xan tiếc nhà người khác. 4. Xa lìa đàm thuyết vô ích. 5. Xa lìa giận hờn. 6. Xa lìa tự đại. 7. Xa lìa miệt thị người. 8. Xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện. 9. Xa lìa đại kiêu mạn. 10. Xa lìa tự ý thọ dụng. 11. Xa lìa điên đảo. 12. Xa lìa dâm nộ si. Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ năm xa lìa mười hai việc. Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ sáu nên đầy đủ sáu pháp Ba la mật, lại có sáu pháp không nên làm: 1. Không khởi ý làm Thanh văn, Bích chi Phật. 2. Bố thí không nên sinh tâm ưu lo. 3. Thấy có người đến xin tâm không thối mất. 4, Vật sở hữu đem bố thí. 5. Sau khi bố thí tâm không ăn năn. 6. Không nghi pháp thâm sâu. Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ 6 nên đầy đủ sáu pháp, xa lìa sáu pháp.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ bảy không chấp trước 20 pháp: 1. Không chấp trước ngã. 2. Không chấp trước chúng sinh. 3. Không chấp trước mạng sống. 4. Không chấp trước chúng số, cho đến không chấp trước kẻ biết, kẻ thấy. 5. Không chấp trước đoạn kiến. 6. Không chấp trước thường kiến. 7. Không nên làm tướng vẽ. 8. Không nên chấp tác nhân. 9. Không chấp trước danh sắc. 10. Không chấp trước năm uẩn. 11. Không chấp trước mười tám giới. 12. Không chấp trước mười hai nhập. 13. Không chấp trước ba cõi. 14. Không làm chỗ chấp trước. 15. Không làm chỗ kỳ hạn. 16. Không làm chỗ dựa nương. 17. Không chấp trước ý kiến nương Phật. 18. Không chấp trước ý kiến nương Pháp. 19. Không chấp trước ý kiến nương Tăng. 20. Không chấp trước ý kiến nương Giới; ấy là hai mươi pháp không nên chấp trước. (Hai mươi thứ không chấp trước này, ở Kinh Ðại Bát nhã ghi: 1. Xa lìa chấp ngã cho đến chấp kẻ thấy. 2. Xa lìa chấp đoạn. 3. Xa lìa chấp thường. 4. Xa lìa chấp tướng. 5. Xa lìa chấp kiến. 6. Xa lìa chấp danh sắc. 7. Xa lìa chấp uẩn. 8. Xa lìa chấp xứ. 9. Xa lìa chấp giới. 10. Xa lìa chấp bốn đế. 11. Xa lìa chấp duyên khởi. 12. Xa lìa chấp trú trước ba cõi. 13. Xa lìa chấp hết thảy pháp. 14. Xa lìa chấp tất cả pháp như lý, không như lý. 15. Xa lìa chấp nương Phật kiến. 16. Xa lía chấp nương pháp kiến. 17. Xa lìa chấp nương tăng kiến. 18. Xa lìa chấp nương giới kiến. 19. Xa lìa chấp nương không kiến. 20. Xa lìa chấp sự chán sợ không tánh – ND).
Lại có 20 pháp nên đầy đủ: 1. Ðầy đủ không. 2. Chứng vô tướng. 3. Biết vô tác. 4. Ba phần thanh tịnh. 5. Ðầy đủ trí từ bi đối với hết thảy chúng sinh. 6. Không niệm hết thảy chúng sinh. 7. Bình đẳng quán hết thảy pháp cũng không đắm trong đó. 8. Biết thật tướng các pháp, việc ấy cũng không nghĩ. 9. Pháp vô sinh nhẫn. 10. Trí vô sinh. 11. Nói các pháp một tướng. 12. Phá tướng phân biệt. 13. Chuyển ức tưởng. 14. Chuyển kiến. 15. Chuyển phiền não. 16. Ðịa bình đẳng định tuệ. 17. Ðiều ý. 18. Tâm tịch diệt. 19. Trí thông suốt. 20. Không nhiễm ái. Tu bồ đế! ấy gọi là Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ bảy nên đầy đủ 20 pháp.
 
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ tám nên đầy đủ năm pháp, là thuận nhập vào tâm chúng sinh, dạo chơi các thần thông; xem các nước Phật; như nước Phật được trông thấy mà tự trang nghiêm nước mình; như thật quán Phật thân mà tự trang nghiêm Phật thân, ấy gọi là đầy đủ năm pháp. 
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ tám còn phải đầy đủ năm pháp là biết các căn cao thấp; làm thanh tịnh nước Phật; vào Tam muội như huyễn, thường vào Tam muội, theo thiện căn ứng hợp của chúng sinh mà thọ thân; Tu bồ đề, ấy gọi là Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ tám đầy đủ năm pháp. 
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ chín nên đầy đủ mười hai pháp, là lãnh thọ phần hóa độ trong vô biên thế giới, Bồ tát có được nguyện như vậy thời biết tiếng nói của trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà mà vì họ thuyết pháp, ở trong thai thành tựu; sinh thành tựu; nhà thành tựu; họ thành tựu; quyến thuộc thành tựu; xuất sinh thành tựu; xuất gia thành tựu; trang nghiêm cây Phật (cây giác ngộ) thành tựu; hết thảy các công đức lành đầy đủ thành tựu. Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ chín, nên đầy đủ mười hai pháp. 
Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong địa thứ mười, nên biết giống như Phật. 
Bấy giờ Tuệ mạng Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch Ðức Thế Tôn! Thế nào là Bồ tát ma ha tát tâm sâu xa tu trị địa nghiệp? 
Phật dạy: Bồ tát ma ha tát tâm tương ưng với nhất thiết chúng trí, nhóm các căn lành, ấy gọi là Bồ tát ma ha tát tâm sâu xa tu trị địa nghiệp. 
Thế nào là Bồ tát có tâm bình đẳng đối với chúng sinh? 
Phật dạy: Nếu Bồ tát ma ha tát tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, phát sinh bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỷ, xả, ấy gọi là Bồ tát tâm bình đẳng đối với chúng sinh. 
Thế  nào  là  Bồ  tát  tu  bố  thí? 
Phật dạy: Bồ tát thí cho hết thảy chúng sinh không phân biệt, ấy gọi là tu bố thí. 
Thế nào là Bồ tát thân cận thiện tri thức? 
Phật dạy: Thường dạy trú vào trong Nhất thiết chủng trí, thiện tri thức như vậy, nên thân cận hỏi han lãnh thọ, cung kính cúng dường, ấy gọi là thân cận thiện tri thức. 
Thế  nào  là  Bồ  tát  cầu  pháp? 
Phật dạy: Nếu Bồ tát tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng mà cầu pháp, không rơi vào địa vị Thanh văn, Bích chi Phật, ấy gọi là cầu pháp. 
Thế  nào  là  Bồ  tát  thường  xuất  gia  trị  địa  nghiệp? 
Phật dạy: Bồ tát đời đời không có tâm hỗn tạp xuất gia trong Phật pháp, không ai làm chướng ngại được, ấy gọi là thường xuất gia trị địa nghiệp. 
Thế nào là Bồ tát ưa vui thân Phật trị địa nghiệp? 
Phật dạy: Nếu Bồ tát thấy thân tướng của Phật cho đến khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trọn không lìa niệm Phật, ấy gọi là Bồ tát ưa vui thân Phật trị địa nghiệp. 
Thế nào là Bồ tát diễn xuất giáo pháp trị địa nghiệp? 
Phật dạy: Bồ tát hoặc lúc Phật còn tại thế, hoặc sau khi diệt độ, vì chúng sinh thuyết pháp, đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối đều lành, diệu nghĩa khéo nói, thanh tịnh thuần nhất, đầy đủ đó là Khế kinh cho đến Luận nghị, ấy gọi là diễn xuất giáo pháp trị địa nghiệp. 
Thế nào là Bồ tát phá kiêu mạn trị địa nghiệp? 
Phật dạy: Bồ tát do phá kiêu mạn nên không sinh vào nhà hạ tiện, ấy gọi là Bồ tát phá kiêu mạn trị địa nghiệp. 
Thế nào là Bồ tát thật ngữ trị địa nghiệp? 
Phật dạy: Bồ tát làm đúng như nói, ấy gọi là Bồ tát thật ngữ trị địa nghiệp. 
Ấy là Bồ tát ma ha tát trú trong Sơ địa tu hành mười việc trị địa nghiệp.
LUẬN: Luận giả nói: Tu bồ đề trên kia hỏi Ðại thừa, Phật mỗi mỗi đáp rõ tướng Ðại thừa, trên lại hỏi phát thú Ðại thừa, nay đây đáp tướng phát thú Ðại thừa. Bồ tát ma ha tát nương Ðại thừa ấy, biết hết thảy pháp từ xưa lại đây chẳng đến chẳng đi, không động không phát, vì pháp tánh thường trú. Lại vì tâm đại bi, vì Tinh tấn ba la mật, vì lực phương tiện nên lại tu các pháp lành, lại cầu chỗ cao thắng mà không chấp thủ tướng địa vị, cũng không thấy địa vị ấy. 
Hỏi: Nên đáp về phát thú Ðại thừa, cớ sao nói phát thú địa. 
Ðáp: Ðại thừa tức là địa, địa có mười phần. Từ Sơ địa đến Nhị địa gọi là phát thú; ví như cưỡi ngựa đi đến voi, bỏ ngựa cưỡi voi, cưỡi voi đi đến rồng, bỏ voi cưỡi rồng (phát thú nghĩa là phát xuất và đi đến- ND). 
Hỏi: Trong đây là mười địa nào? 
Ðáp: Ðịa có hai thứ: 1. Chỉ địa vị Bồ tát. 2. Ðịa vị chung, địa vị chung là từ Càn tuệ địa cho đến Phật địa. Chỉ riêng địa vị Bồ tát là Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Hữu quang địa, Tăng diệu địa, Nan thắng địa, Hiện tại địa, Thâm nhập địa, Bất động địa, Thiện tướng địa, Pháp vân địa (Có chỗ ghi: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa,Diệm huệ địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn ly địa, Bất động địa, Thiện tuệ địa, Pháp vân địa – ND). Tướng mười địa này như trong kinh Thập địa nói rộng. 
Bồ tát vào Sơ địa nên làm mười pháp, từ thâm tâm cho đến thật ngữ. Tu bồ đề, tuy biết mà vì dứt cái nghi của chúng sinh nên hỏi Thế Tôn: Thế nào là thâm tâm? Phật đáp: Tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, nhóm các căn lành. 
Tâm Trí nhất thiết chủng là Bồ tát ma ha tát ban đầu phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nguyện Ta trong đời vị lai sẽ làm Phật, tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ấy tức là tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng. 
Tương ưng là buộc tâm, nguyện ta sẽ làm Phật. Nếu Bồ tát lợi căn, nhóm nhiều phước đức, các phiền não mỏng, tội nghiệp quá khứ ít. Phát tâm tức thâm tâm. Thâm tâm vui sâu Phật đạo, đời đời tâm thế gian mỏng, ấy gọi là tâm tương ưng Trí nhất thiết chủng, làm hết thảy công đức, hoặc bố thí, hoặc trì giới, hoặc tu định v.v... không cầu phước lạc đời này đời sau, sống lâu an ổn, chỉ vì Trí nhất thiết chủng; ví như người xan tham, không có nhân duyên, cho đến một tiền cũng không thí, tham tiếc tích tụ, chỉ mong tăng trưởng. Bồ tát cũng như vậy, phước đức hoặc nhiều hoặc ít, không hướng đến việc khác, chỉ tham tiếc tích tụ, hướng đến Trí nhất thiết chủng. 
Hỏi: Bồ tát ấy chưa biết Trí nhất thiết chủng, không được mùi vị của nó, làm sao có thể có được thâm tâm cầu Trí nhất thiết chủng? 
Ðáp: Tôi trước đã nói. Người ấy nếu lợi căn, các phiền não mỏng, phước đức thuần hậu, không ưa vui vẻ thế gian, tuy chưa nghe tán thán Ðại thừa, còn không ưa vui thế gian huống gì đã nghe. Như Ma ha Ca diếp cưới gái Kim sắc làm vợ, tâm chẳng ưa vui, xả bỏ xuất gia. Lại như con trưởng giả Gia xá, nửa đêm trông thấy bọn thể nữ đều giống như chết, liền bỏ của báu trị giá mười vạn lượng vàng, đi chân đến bên bờ sông, vượt qua thẳng đến chồ Phật. Các quốc vương, quý nhân như vậy, người chán bỏ ngũ dục vô số, huống gì Bồ tát nghe nói mỗi mỗi nhân duyên công đức Phật đạo, mà không tức thời phát tâm thâm nhập? Như trong phẩm Tát đà ba luân ở sau, con gái Trưởng giả nghe tán thán công đức Phật, liền bỏ nhà đi đến chỗ Ðàm vô kiệt. 
Lại nữa, năm căn tín, tấn v.v... thành tựu thuần thục nên có thể được thâm tâm ấy, ví như tiểu nhi, năm thức nhãn nhĩ v.v... vì căn chưa thành tựu nên không phân biệt được năm trần, không biết tốt xấu. Năm căn tín, tấn v.v... chưa thành tựu cũng như vậy. Không rõ thiện ác, không biết trói mở, ưa vui năm dục, chìm trong tà kiến. Năm căn tín tấn v.v... thành thục thời có thể phân biệt thiện ác. Còn ưa vui mười thiện đạo, pháp Thanh văn, huống gì đạo Vô thượng mà không tưởng niệm sâu xa. Bắt đầu phát tâm vô thượng đạo đã tối thượng ở trong thế gian huống gì khi đã thành tựu. 
Lại nữa, Bồ tát bắt đầu được mùi vị Bát nhã ba la mật nên có thể phát sinh thâm tâm; như người bị nhốt ở chỗ tối, qua khe nhỏ thấy ánh sáng, thời tâm sung sướng nhẩy nhót, nghĩ rằng: Tất cả mọi người đều chỉ cần thấy được ánh sáng. Như vậy, hân hoan ưa vui, liền sinh thâm tâm nhớ tới ánh sáng ấy, tìm cách thoát ra Bồ tát cũng như vậy, vì nhân duyên nghiệp trước mà bị nhốt trong ngục, mười hai nhập vô minh tối tăm, có thấy biết gì đều là hư vọng. Khi nghe Bát nhã ba la mật, được chút mùi vị, nhớ sâu Trí nhất thiết chủng, rằng ta sẽ làm sao ra khỏi cái ngục sáu thức này, được giống như Phật, thánh nhân. 
Lại nữa, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu hành theo nguyện, vì  vậy nên sinh thâm tâm. 
Thâm tâm là ưa các pháp không bằng ưa Trí nhất thiết chủng, yêu hết thảy chúng sinh không bằng yêu Phật. Lại sâu vào tâm bi, lợi ích chúng sinh, như vậy gọi là tướng thâm tâm. Sơ địa Bồ tát nên thường tu hành tâm ấy.
 
Tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh là Bồ tát được thâm tâm ấy rồi, tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh, chúng sinh thường tình ưa cái mình thân, ghét cái mình ghét. Bồ tát được thâm tâm nên người oán kẻ thân bình đẳng, xem đó không hai. Trong đây Phật tự nói: Ðẳng tâm là bốn tâm vô lượng. Bồ tát thấy chúng sinh thọ vui, thời sinh tâm từ, tâm hỷ, nguyện rằng Ta sẽ làm cho hết thảy chúng sinh đều được cái vui của Phật. Nếu thấy chúng sinh thọ khổ thời sinh tâm bi thương xót, nguyện rằng Ta sẽ cứu chúng sinh ra khỏi khổ; nếu thấy chúng sinh thọ không khổ không vui, thời sinh tâm xả, nguyện rằng Ta sẽ làm cho chúng sinh bỏ tâm thương ghét. Các nghĩa khác về bốn tâm vô lượng như trước nói. 
Tâm xả là xả có hai thứ: 1. Xả của, tu bố thí. 2. Xả kiết sử, đắc đạo. Ðây lấy việc trừ xan lẫn làm xả, làm nhân duyên cho xả kiết sử, đến địa thứ bảy mới có thể xả kiết sử. 
Hỏi: Tướng xả có các thứ trong ngoài, nhẹ nặng, tài thí, pháp thí, thế gian , xuất thế gian v.v... cớ sao Phật chỉ nói bố thí xuất thế gian không có phân biệt ức tưởng? 
Ðáp: Bố thí tuy có các tướng, nhưng đây chỉ nói đại bố thí không chấp thủ tướng. 
Lại nữa, Phật không đắm trước hết thảy pháp, cũng lấy đó dạy Bồ tát bố thí, khiến như Phật pháp không đắm trước. Trong đây nên nói rộng bố thí không phân biệt, các tướng bố thí khác đã phân biệt nói ở nhiều nơi. 
Nghĩa  thân  cận  thiện  tri  thức  như  trước  đã  nói. 
Cầu pháp là pháp có ba: 1. Pháp vô thượng trong các pháp, đó là Niết bàn. 2. Pháp phương tiện được Niết bàn, đó là tám Thánh đạo. 3. Tất cả lời nói lành, lời nói chân thật, giúp tám Thánh đạo là 84.000 pháp tụ, 12 bộ Kinh. Bố tạng là A hàm, A tỳ đàm, Tỳ ni, Tạp tạng. Các kinh Ðại thừa như đại Bát nhã ba la mật v.v... đều gọi là pháp. Trong đây, cầu pháp là viết chép, đọc tụng, ức niệm đúng đắn, như vậy, vì trị bệnh chúng sinh nhóm các pháp được, không tiếc thân mạng. Như đức Phật Thích ca Văn, lúc xưa làm Bồ tát, tên là Lạc Pháp, đời ấy không có Phật, không được nghe lời nói lành, đi bốn phương cầu pháp, siêng năng không biếng nhác, trọn không chứng được, khi ấy ma biến làm người Bà la môn, nói với Bồ tát rằng: Ta có bài kệ của Phật, ông có thể lấy da làm giấy, lấy xương làm bút, lấy máu làm mực, ghi chép kệ ấy, ta sẽ nói cho ông. 
Bồ tát liền tự nghĩ: Ta đời đời nát thân vô số mà không được lợi này, liền tự lột da phơi khô, để chép kệ ấy. Ma liền biến mất. Khi ấy Phật biết tâm chí thành của Bồ tát liền từ phương dưới vọt lên, thuyết cho pháp thâm sâu, Bồ tát liền được vô sinh pháp nhẫn. Lại như Bồ tát Tát đà ba luân (Thường đề Bồ tát) khổ hạnh cầu pháp, như Bồ tát Thích ca Văn, trăm cái đinh đóng vào thân, vì tâm cầu pháp. Lại như vua Kim Kiên khoét thân năm trăm chỗ làm tim đèn, gieo từ núi cao vào lửa. Như vậy các cách khổ hạnh khó làm, vì chúng sinh mà cầu pháp. 
Lại nữa, Phật tự nói tướng cầu pháp, vì Trí nhất thiết chủng, chứ không vì địa vị Thanh văn, Bích chi Phật. 
Thường xuất gia là Bồ tát tại gia có các nhân duyên gây tội, nếu Ta ở nhà thì tự mình không thể tu hạng thanh tịnh, làm sao khiến người khác được hạnh thanh tịnh? Nếu theo phép tại gia thời có những roi gậy làm khổ não chúng sinh, nếu làm theo pháp lành thời phá phép tại gia. Trù lượng hai việc, ta nay không xuất gia, thì khi chết cũng phải bỏ hết, xa lìa bây giờ, phước đức rất lớn. 
Lại nữa, Bồ tát nghĩ rằng hết thảy quốc vương, quí nhân thế lực như trời, cầu vui chưa thôi thì cái chết đến cướp ngang! Ta nay vì chúng sinh nên bỏ nhà, giữ giới thanh tịnh, cầu Phật đạo, đầy đủ nhân duyên Giới ba la mật. Trong đây Phật tự nói, Bồ tát đời đời không tạp tâm xuất gia. Không tạp tâm là không xuất gia trong 96 phái ngoại đạo, chỉ xuất gia trong Phật đạo, vì sao? Vì trong Phật đạo có hai thứ chánh kiến là thế gian chánh kiến và xuất thế gian chánh kiến. 
Ưa vui thân Phật là nghe lời tán thán Phật có các công đức mười lực, bốn điều không sợ, đại từ đại bi, hết thảy trí tuệ. Lại thấy thân Phật có 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình, phóng hào quang lớn, trời người cúng dường, không biết chán đủ, tự biết ta trong đời sau cũng sẽ được như vậy. Giả sử không có được nhân duyên làm Phật mà còn ưa vui, huống sẽ được mà không ưa vui. Có được thâm tâm ưa vui Phật ấy nên đời đời thường được gặp Phật. 
Diễn xuất giáo pháp là Bồ tát cầu pháp như trên rồi, vì chúng sinh mà diễn nói. 
Bồ tát tại gia là phần nhiều đem của bố thí, còn xuất gia thời tâm ưa Phật nặng nên thường lấy pháp bố thí. Hoặc Phật ở đời, hoặc không ở đời, khéo tu trì giới, không cầu danh lợi, tâm bình đẳng vì hết thẩy chúng sinh mà thuyết pháp, tán thán nghĩa bố thí, gọi là sơ thiện phân biệt; tán thán trì giới, gọi là trung thiện. Quả báo của hai việc này là hoặc được sinh vào nước chư Phật hoặc làm trời lớn, gọi là hậu  thiện. 
Lại nữa, thấy chịu thân năm thọ uẩn ở trong ba cõi nhiều khổ não, thời sinh tâm nhàm chán, gọi là sơ thiện, bỏ nhà xuất gia, vì thân xa lìa nên gọi là trung thiện; vì tâm xa lìa phiền não, nên gọi là hậu thiện. 
Giải nói Thanh văn thừa, gọi là sơ thiện; giải thuyết Bích chi Phật thừa, gọi là trung thiện; tuyên dương Ðại thừa, gọi là hậu thiện. 
Diệu nghĩa diệu ngữ là ba loại ngôn ngữ, tuy lời diệu mà nghĩa cạn cợt, hoặc tuy lý thâm diệu mà lời không đầy đủ, vì vậy nên nói diệu nghĩa diệu ngữ. Lìa ba độc cầu chỉ nói chánh pháp, không tạp phi pháp, ấy gọi là thanh tịnh. Ðầy đủ tám Thánh đạo, sáu Ba la mật nên gọi là đầy đủ. 
Tu  đa  la,  mười  hai  bộ  Kinh  như  trước  đã  nói. 
Phá kiêu mạn là Bồ tát ấy xuất gia, giữ giới, thuyết pháp dứt nghi cho chúng, hoặc có khi tự thị mà sinh kiêu mạn. Lúc ấy nên nghĩ rằng, ta cạo tóc mặc Ca sa, bưng bát khất thực, ấy là phương pháp phá kiêu mạn, tại sao ở đây ta sinh kiêu mạn? 
Lại, kiêu mạn ấy ở trong tâm người thời che mất công đức, người ta không ưa, tiếng xấu lan truyền, thân sau thường sinh  vào trong loài súc sinh tệ ác, hoặc sinh trong loài người quê mùa hà tiện. Biết kiêu mạn có vô lượng tội lỗi như vậy, phá kiêu mạn ấy vì cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; như người cầu tài vật còn phải khiêm tốn hạ mình, huống gì cầu đạo Vô thượng. Do phá kiêu mạn mà thường sinh chỗ tôn quí, trọn không sinh vào nhà hà tiện. 
Thật ngữ là gốc của các điều lành, là nhân duyên được sinh cõi trời, được người tín thọ. Người tu hành thật ngữ, không cần bố thí, trì giới, học vấn, chỉ tu thật ngữ, được phước vô lượng. Thật ngữ là làm đúng như nói. 
Hỏi: Khẩu nghiệp có bốn thứ, cớ sao chỉ nói thật ngữ? 
Ðáp: Trong Phật pháp quí sự thật, nên nói thật là thu nhiếp các điều khác. Bốn đế thật nên được Niết bàn. 
Lại nữa, Bồ tát với chúng sinh cọng sự, nói dữ, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, hoặc có khi có thể có, còn vọng ngữ tội nặng nên ở Sơ địa phải bỏ. Bồ tát ấy tu hành Sơ địa, chưa thể đầy đủ tu cả bốn nghiệp miệng, nên chỉ nói thật ngữ. Trong địa thứ hai thời có thể đầy đủ. 
Hỏi: Trong  Sơ  địa  cớ  sao  chỉ  nói  mười  việc? 
Ðáp: Phải là vua pháp, tự tại giữa các pháp, biết mười pháp ấy thành được Sơ địa; ví như lương y biết rõ dược thảo số lượng hoặc năm hoặc mười đủ để trừ bệnh, trong đây không nên nạn hỏi nhiều ít. 
KINH: Thế nào là Bồ tát giới thanh tịnh? Nếu Bồ tát ma ha tát không có tâm niệm đến Thanh văn, Bích chi Phật và các sự phá giới chướng Phật đạo pháp, gọi là giới thanh tịnh.
 
Thế nào là Bồ tát biết ân, báo ân? Nếu Bồ tát ma ha tát hành đạo Bồ tát cho đến ân nhỏ còn không quên huống gì ân nhiều, ấy gọi là Bồ tát biết ân, báo ân. 
Thế nào là Bồ tát trụ ở lực nhẫn nhục? Nếu Bồ tát không sân không não đối với hết thảy chúng sinh, ấy gọi là trú ở lực nhẫn nhục. 
Thế nào là Bồ tát thọ hoan hỷ? Thành tựu cho chúng sinh, lấy đó làm mừng, ấy gọi là thọ hoan hỷ. 
Thế nào là Bồ tát không bỏ hết thảy chúng sinh? Nếu Bồ tát có tâm niệm muốn giáo hóa tất cả chúng sinh, ấy gọi là không bỏ hết thảy chúng sinh. 
Thế nào là Bồ tát vào tâm đại bi? Nếu Bồ tát nghĩ như vầy: Ta vì mỗi mỗi chúng sinh chịu cần khổ trong địa ngục trải qua nhiều kiếp như cát sông Hằng, cho đến mỗi chúng sinh ấy được Phật đạo vào Niết bàn, như vậy gọi là vì mười phương hết thảy chúng sinh nhẫn chịu thống khổ, ấy gọi là vào tâm đại bi.
Bồ tát tin thầy, cung kỉnh, hỏi han, lãnh thọ thế nào? Nếu Bồ tát đối với các thầy tưởng như là Thế Tôn, ấy gọi là tin thầy, cung kính, hỏi han, lãnh thọ.
Thế nào là Bồ tát siêng cầu các Ba la mật? Nếu Bồ tát nhất tâm cầu các Ba la mật không cầu việc khác, ấy gọi là siêng cầu các Ba la mật; ấy là Bồ tát ma ha tát trú ở địa thứ hai đầy đủ tám pháp.
Thế nào là Bồ tát  ma ha tát học vấn nhiều không nhàm đủ? Pháp của chư Phật nói, hoặc nói ở trong thế giới này, hoặc chư Phật trong mười phương thế giới nói, đều muốn nghe và thọ trì, ấy gọi là học vấn nhiều không nhàm đủ.
Thế nào là Bồ tát pháp thí thanh tịnh? Có bố thí pháp cho đến không cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, huống gì cầu việc khác, ấy gọi là thí pháp không cầu danh lợi.
Thế nào là Bồ tát tịnh thế giới Phật? Ðem các căn lành hồi hướng, tịnh thế giới Phật, ấy gọi là tịnh thế giới Phật.
Thế nào là Bồ tát chịu vô lượng cần khổ của thế gian không lấy làm chán? Nhờ đầy đủ các căn lành nên có thể thành tựu chúng sinh, cũng trang nghiêm Phật độ, cho đến khi đầy đủ Trí nhất thiết chủng trọn không mệt chán, ấy gọi là chịu vô lượng cần khổ không lấy làm chán.
Thế nào là Bồ tát trú ở chỗ tàm quí? Hổ thẹn ý nghĩ Thanh văn, Bích chi Phật, ấy gọi là trú ở chỗ tàm quí; ấy gọi là Bồ tát ma ha tát trú ở trong địa thứ ba đầy đủ năm pháp.
Thế nào là Bồ tát không bỏ trú xứ A lan nhã? Hay vượt quá địa vị Thanh văn, Bích chi Phật, ấy gọi là  không bỏ trú xứ A lan nhã.
Thế nào là Bồ tát ít muốn? Bồ tát ít muốn là cho đến đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác còn không muốn, huống gì thứ khác, ấy gọi là ít muốn.
Thế nào là Bồ tát biết đủ? Ðược Trí nhất thiết chủng, ấy gọi là biết đủ.
Thế nào là Bồ tát không bỏ công đức đầu đa? Quán các pháp nhẫn thâm sâu, ấy gọi là không bỏ công đức đầu đà.
Thế nào là Bồ tát không bỏ gìới? Không chấp thủ gìới tướng, ấy gọi là không bỏ giới. 
Thế nào là Bồ tát gớm ghét các dục? Tâm dục không sinh, ấy gọi là gớm ghét các dục. 
Thế nào là Bồ tát tâm chán thế gian? Biết hết thảy pháp chẳng tạo tác, ấy gọi là chán thế gian. 
Thế nào là Bồ tát bỏ tất cả sở hữu? Không tiếc các pháp trong ngoài, ấy gọi là bỏ tất cả sở hữu. 
Thế nào gọi là Bồ tát tâm không ẩn mất? Hai thứ thức xứ tâm không sinh, ấy gọi là tâm không ẩn mất. 
Thế nào là Bồ tát không tiếc hết thảy vật? Ðối với hết thảy vật không đắm không nhớ, ấy gọi là không tiếc hết thảy vật; ấy là Bồ tát ở trong địa thứ tư không bỏ mười pháp. 
Vì sao Bồ tát xa lìa hàng bạch y thân thích? Vì Bồ tát tùy chỗ sinh ra đều muốn xuất gia, từ một cõi Phật đến một cõi Phật, thường xuất gia, cạo tóc, mặc pháp y, ấy gọi là xa lìa hàng bạch y thân thích. 
Vì sao Bồ tát xa lìa Tỳ kheo ni? Không ở chung với Tỳ kheo ni, dù cho trong khoảng khắc cũng không sinh niệm, ấy gọi là xa lìa Tỳ kheo ni. 
Vì sao Bồ tát xa lìa lẫn tiếc nhà người khác? Bồ tát suy nghĩ như vầy: Ta nên làm an lạc chúng sinh, nay kia giúp ta an lạc, cớ sao ta sinh lẫn tiếc? Ấy gọi là xa lìa lẫn tiếc nhà người khác. 
Vì sao Bồ tát xa kìa đàm thuyết vô ích? Vì nếu có đàm thuyết thì hoặc sinh tâm Thanh văn, Bích chi Phật, ta nên xa lìa; ấy gọi là đàm thuyết vô ích. 
Vì sao Bồ tát xa lìa sân hận? Vì Không để cho tâm sân, tâm não hại, tâm đấu tranh xen vào, ấy gọi là xa lìa sân hận. 
Vì sao Bồ tát xa kìa tự đại (Ðại Bát nhã ghi: Khen mình chê người – ND) ? Vì không thấy pháp trong, ấy gọi là xa lìa tự đại. 
Vì sao Bồ tát xa lìa miệt thị người? Vì không thấy pháp ngoài, ấy gọi là xa lìa miệt thị người. 
Vì sao Bồ tát xa lìa mười bất thiện đạo? Vì mười bất thiện đạo ấy hay chướng ngại tám Thánh đạo, huống gì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ấy gọi là xa lìa mười bất thiện đạo. 
Vì sao Bồ tát xa lìa đại nạn? Vì Bồ tát không thấy pháp có thể khởi lên đại nạn (tăng thượng mạn), ấy gọi là xa lìa đại nạn. 
Vì sao Bồ tát xa kìa tự dụng? Vì Bồ tát không thấy pháp có thể khởi lên tự dụng, ấy gọi là xa lìa tự dụng (Ðại Bát nhã ghi: Do dự- ND). 
Vì sao Bồ tát xa lìa điên đảo? Vì chỗ điên đảo không thể có được, ấy gọi là xa lìa điên đảo. 
Vì sao Bồ tát xa lìa dâm, nộ, si? Vì chỗ dâm, nộ, si không thể thấy được, ấy gọi là xa lìa dâm, nộ, si; ấy là trú địa thứ năm xa lìa mười hai pháp. 
Bồ tát trú trong địa thứ sáu đầy đủ sáu pháp đó là sáu Ba la mật. Chư Phật và Thanh văn, Bích chi Phật trú trong sáu Ba la mật, có thể qua bờ kia, ấy gọi là đầy đủ sáu pháp. 
Vì sao Bồ tát không tác ý Thanh văn, Bích chi Phật? Vì nghĩ rằng ý Thanh văn, Bích chi Phật chẳng phải đạo Vô thượng Chánh đẳng C hánh giác. 
Vì sao Bồ tát bố thí không sinh tâm ưu? Vì nghĩ rằng tâm ấy chẳng phải đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. 
Vì sao Bồ tát thấy có người đến xin, tâm không thối mất? Vì nghĩ rằng tâm ấy chẳng phải đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. 
Thế nào là Bồ tát bố thí vật sở hữu? Bồ tát khi mới phát tâm bố thí, không nói rằng người ấy đáng cho, người ấy không đáng cho. 
Vì sao Bồ tát sau khi bố thí không hối tiếc? Vì lực từ bi. 
Vì sao Bồ tát không nghi pháp sâu xa? Vì lực công đức của lòng tin; ấy là Bồ tát trú trong địa thứ sáu xa lìa sáu pháp. 
LUẬN: Luận giả nói:Giới Sơ địa là ở Sơ địa phần nhiều bố thí, thứ đến biết trì giới hơn bố thí, vì sao? Vì trì giới thời thu nhiếp hết thảy chúng sinh, bố thí thời không thể trùm khắp hết thảy, còn trì giới biến khắp vô lượng; như giới không sát sinh thời là bố thí mạng cho hết thảy chúng sinh; như chúng sinh vô lượng vô biên thời phước đức cũng vô lượng vô biên. Lược nói các việc làm phá hoại Phật đạo, trong đây đều gọi là phá giới. Lìa sự ô cấu phá giới ấy, gọi là thanh tịnh; cho đến tâm cầu Thanh văn, Bích chi Phật còn gọi là giới cấu, huống gì các việc ác khác. 
Biết ân báo ân là, có người nói, ta đời trước có nhân duyên phước đức nên được, hoặc nói ta tự nhiên tôn quí, ông có ân gì? Rơi vào tà kiến như vậy, nên Phật nói Bồ tát nên biết ân. Chúng sinh tuy có nhân vui của đời trước, song đời nay việc không hòa hợp thời do đâu được vui; ví như lúa gieo ở đất, không mưa thời không mọc, không thể vì đất có thể mọc lúa mà nói mưa không có ân; tuy vật được thọ dụng là đã gieo đời trước, mà người cung phụng với tâm tốt kính ái, há lại chẳng phải ân sao? 
Lại nữa, biết ân là gốc đại bi, mở cửa ban đầu thiện nghiệp, được người ái kính, danh dự truyền xa, chết được sinh cõi trời, cuối cùng thành Phật đạo. Người không biết ân thì tệ hơn súc sinh. Như Phật nói kinh Bổn sinh rằng: Có người vào núi đốn cây, mê tối lạc đường, khi ấy gặp mưa bão, trời tối đói rét, ác trùng thú độc muốn đến xâm hại. Người ấy đi vào một cái hang đá, trong hang có một con gấu lớn, người ấy trông thấy khiếp sợ đi ra. Gấu nói: Ngươi chớ khiếp sợ, nhà này ấm nóng, có thể ở đêm. Thời gian mưa suốt bảy ngày, gấu thường lấy trái ngọt nước ngon, cung cấp cho người ấy; bảy ngày ngưng mưa, gấu đưa người ấy chỉ cho đường đi. Gấu nói với người: Ta mang thân tội, có nhiều kẻ oan gia, nếu có ai hỏi, chớ nói thấy ta. Người đáp: Vâng. Người ấy đi tới, gặp các người thợ săn, thợ săn hỏi: Ông từ đâu đến? Thấy có bầy thú chăng? Ðáp: Ta thấy một con gấu lớn; gấu ấy có ân với ta, không được chỉ cho ông. Thợ săn nói: Ông là người, nên vì cùng loài người thân nhau, cớ sao lại tiếc thương con gấu. Nay một lần lạc đường, lúc nào trở lại? Ông chỉ cho tôi, tôi sẽ cho ông nhiều phần! Người ấy đổi tâm, liền đem thợ săn chỉ chỗ gấu ở. Thợ săn giết gấu, liền lấy nhiều phần đưa cho. Người ấy ngả tay lấy thịt, hai khuỷu tay đều bị sa xuống. Thợ săn nói: Ông có tội gì? Ðáp: Gấu ấy xem ta như cha với con, ta nay bội ân, mắc phải tội ấy. Thợ săn khiếp sợ, không dám ăn thịt, đem thí chúng Tăng, bấy giờ vị Thượng tọa là A la hán đủ sáu thần thông nói với các vị hạ tọa: Ðây là vị Bồ tát sẽ thành Phật trong đời vị lai, chớ ăn thịt ấy. Liền dựng tháp cúng dường. 
Vua nghe việc ấy, sắc xuống trong nước: Người không biết ân, không cho ở đây. Lại dùng các nhân duyên tán thán người biết ân. Cái nghĩa lý biết ân, ban khắp cõi Diêm phù đề, người đều tin làm. 
Lại nữa, Bồ tát nghĩ rằng: Nếu người có việc ác đối với ta, ta còn nên hóa độ, huống gì người đối với ta có ân. 
Lực an trú nhẫn nhục như đã nói rộng trong đoạn Nhẫn ba la mật. 
Hỏi: Tướng nhẫn nhục có nhiều nhân duyên, sao trong đây chỉ nói không giận, không não?
 
Ðáp: Ðây là thể nhẫn nhục. Trước khởi tâm giận vậy sau thân miệng mới xúc não người khác. Bồ tát ấy mới bắt đầu tu nên chỉ nói chúng sinh nhẫn (nhẫn đối chúng sinh) không nói pháp thân nhân (nhẫn đối với pháp). 
Thọ hoan hỷ là Bồ tát thấy việc trì giới ấy nên thân miệng thanh tịnh; biết ân và nhẫn nhục nên tâm thanh tịnh; ba nghiệp thanh tịnh thời tự nhiên sinh hoan hỷ. Ví như người tắm nước nấu hương thơm, mặc áo mới đẹp, trang nghiêm anh lạc, tự soi gương, tâm sinh hoan hỷ, Bồ tát cũng như vậy, được thiện pháp ấy tự trang nghiêm. Giới là căn bản của thiền định trí tuệ, ta nay được gìới thanh tịnh nên vô lượng vô biên phước đức đều dễ được, vì vậy tự mình vui mừng. Bồ tát an trú trong tịnh giới và nhẫn nhục, giáo hóa chúng sinh, khiến được sinh ở trước Phật nơi phương khác, lại sinh vào cõi trời cõi người thọ vui, hoặc khiến Thanh văn, Bích chi Phật thừa. Phật thừa là xem thấy chúng sinh ưa đắm; như Trưởng giả xem thấy con dại vui đùa với nhau, cũng cùng vui đùa với nó, rồi lấy một ít vật lạ cho nó, khiến nó bỏ các thứ ưa đắm. Bồ tát cũng như vậy, giáo hóa chúng sinh khiến được phước lạc cõi trời người, dần dần dụ dỗ tiến tới, khiến được ba thừa. Vì vậy nói là thọ hoan hỷ. 
Không bỏ hết thảy chúng sinh là khéo tu tập tâm đại bi, thệ độ chúng sinh, phát tâm kiên cố, không bị chư Phật Thánh hiền khinh cười và sợ phụ lòng chúng sinh nên không bỏ; ví như trước hứa cho người vật gì, sau nếu không cho, tức là người có tội dối trá. Vì nhân duyên ấy nên không bỏ chúng sinh. 
Vào tâm đại bi là như trước nói. Trong đây Phật tự nói: Bản nguyện đại tâm vì chúng sinh, nghĩa là vì mỗi mỗi người nên ở trong vô lượng kiếp chịu thay sự khổ địa ngục, cho đến khiến người ta tập tu công đức để làm Phật, vào vô dư Niết bàn. 
Hỏi: Không có việc chịu tội thay, cớ sao phát nguyện ấy? 
Ðáp: Ðó là tâm rộng lớn của Bồ tát thương chúng sinh sâu xa, nếu có lý lẽ thay được thì chịu thay không nghi nan. 
Lại nữa, Bồ tát thấy nhân gian có miếu thờ trời, dùng máu thịt ngũ tạng của người để tế quỉ thần La sát, có người chịu thay thế thời được. Bồ tát nghĩ rằng trong địa ngục, nếu có lẽ thay thế như vậy, thì ta sẽ thay thế. Chúng sinh nghe Bồ tát có tâm lớn như vậy, thời quí kính tôn trọng, vì sao? Vì Bồ tát sâu nghĩ đến chúng sinh hơn mẹ lành. 
Tin thầy, cung kính, hỏi han, lãnh thọ là Bồ tát nhân nơi thầy mà chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao không tin kính, cúng dường. Thầy tuy trí tuệ cao minh, nếu không cung kính, cúng dường thời không được lợi lớn; ví như nước ngon dưới giếng sâu, nếu không có dây gầu thời do đâu múc được nước? Nếu dẹp bỏ tâm cống cao kiêu mạn mà tôn trọng kính phục, thời lợi ích lớn, công đức qui tụ về; ví như mưa xuống, chẳng ở đỉnh núi mà chắc chắn qui về chỗ thấp. Nếu người có tâm kiêu mạn tự cao thời nước pháp không vào, nếu cung kính thầy lành, thời công đức qui tụ về. 
Lại nữa, Phật dạy nương dựa thầy lành thời việc trì giới, thiền định, trí tuệ, giải thoát đều được tăng trưởng; ví như cây cỏ nương nơi núi tuyết thời gốc, cành, nhánh, lá, hoa, quả đều được tươi tốt. Vì vậy Phật dạy đối với bậc tôn sư hãy kính như kính Phật. 
Hỏi: Ác sư làm sao được cúng dường tín thọ? Thiện sư không thể xem như Phật, huống gì ác sư? Cớ sao ở trong đây Phật dạy đối với các tôn sư hãy tưởng như Phật? 
Ðáp: Bồ tát không nên thuận theo pháp thế gian. Thuận theo pháp thế gian là đối với người thiện tâm ưa đắm, đối với người ác xa lìa, Bồ tát thời không như vậy. Nếu có ai mở bày giải thích nghĩa lý thâm sâu, phá tan nghi kiết, đối với ta có ích, thời tận tâm cung kính, không nhớ các ác khác, như đãy rách đựng đồ báu, không được vì đãy nhơ mà không lấy đồ báu kia. lại như đêm đi đường hiểm, người tồi tệ cầm đưốc, không được vì người tồi tệ mà không dùng ánh sáng đó. Bồ tát cũng như vậy, nơi thầy được trí tuệ sáng suốt, không kể thầy tệ ác. 
Lại nữa, đệ tử nên nghĩ rằng: Bồ tát hành Bát nhã ba la mật, có vô lượng lực phương tiện, không biết cớ sao lại có việc tệ ác ấy? Như Bồ tát Thường đế (Tát đà ba luân) nghe trong hư không mười phương Phật dạy rằng: Ngươi đối với Pháp sư, chớ nên nhớ đến điều thiếu kém của pháp sư, mà thường nên sinh tâm kính sợ. 
Lại nữa, Bồ tát nghĩ rằng: Pháp sư hay dở, chẳng phải việc của ta, điều ta cầu là chỉ muốn nghe pháp để tự lợi ích. Như tượng gỗ, tượng đất, không có công đức thật, nhưng nhờ nơi tượng mà phát sinh tâm tưởng Phật, được công đức vô lượng, huống gì người ấy có trí tuệ và phương tiện có thể vì người giảng nói. Vì vậy, pháp sư có lỗi, đối với ta không lỗi. 
Tưởng như Thế Tôn là tôi trước nói Bồ tát khác với người đời; người đời phân biệt tốt xấu, đối với người tốt thì ưa đắm, mà còn không tưởng họ như Phật; huống nữa là đối với người xấu thì càng kiêu mạn, không coi họ ra gì. Bồ tát thời không như vậy, quán các pháp rốt ráo không, từ xưa lại đây, giống như tướng vô dư Niết bàn, quán hết thảy chúng sinh xem đó như Phật, huống gì pháp sư có trí tuệ lợi ích, vì hay làm Phật sự nên xem như Phật. 
Siêng cầu các Ba la mật là Bồ tát nghĩ rằng: Sáu Ba la mật ấy là nhân duyên của đạo chánh chơn vô thượng, ta hãy nhất tâm hành nhân duyên ấy, thí như người đi buôn, người làm ruộng, tùy theo quốc độ thích ứng, cần thiết vật gì và đất thích hợp giống cây gì, mà siêng năng tìm tòi cho đạt được, thì không việc gì không thành. Lại như đời nay thực hành bố thí sau được giàu to, giữ giới sau được tôn quí, tu thiền định trí tuệ thì đắc đạo. Bồ tát cũng như vậy, tu sáu Ba la mật thời được thành Phật. 
Siêng cầu là thường nhất tâm siêng cầu sáu Ba la mật, vì cớ sao? Vì nếu tâm mềm tiến chậm thời bị phiền não che lấp, ma phá hoại, vì vậy nên Phật dạy ở trong địa thứ hai siêng cầu chớ giải đãi. 
Học vấn nhiều, không chán đủ là Bồ tát biết học vấn nhiều là nhân duyên sinh trí tuệ, được trí tuệ thời có thể phân biệt hành đạo; như người có mắt, đi đến nơi không ngăn ngại. Thế nên Bồ tát nguyện rằng: Mười phương chư Phật có nói pháp tôi đều thọ trì, nhờ có Văn trì Ðà la ni, có lực thiên nhĩ thanh tịnh, có được Ðà la ni không quên, ví như biển lớn, tiếp thụ giữ gìn được nước của mười phương dồn lại, Bồ tát cũng như vậy, tiếp thụ giữ gìn pháp của mười phương Phật nói ra. 
Pháp thí thanh tịnh là như cỏ sinh giữa lúa, trừ cỏ rát thời lúa tốt. Bồ tát cũng như vậy, lúc thí pháp không cầu danh lợi, đời sau được quả báo, cho đến vì chúng sinh mà không cầu Niết bàn Tiểu thừa, chỉ lấy tâm đại bi đối với chúng sinh, theo Phật chuyển pháp luân. Tướng thí pháp, tướng trang nghiêm Phật quốc, mà chịu vô lượng cần khổ giữa thế gian, trú ở chỗ tàm quí, không bỏ chỗ A lan nhã (nơi nhàn tịnh) ít muốn, biết đủ, tất cả điều như trước nói. 
Hỏi: Có nhiều nhân duyên ở trong sinh tử không chán, cớ sao trong đây chỉ nói do hai nhân duyên không chán? 
Ðáp: Vì đầy đủ căn lành nên ở trong sinh tử mà khổ não mỏng ít, ví như người bị mụn ghẻ, được lương y xức thuốc, bệnh thuyên giảm. Bồ tát được căn lành thanh tịnh nên đời nay tâm ưu sầu, tật đố, hung ác đều ngưng dứt; nếu lại thọ thân, được quả báo của căn lành, tự thọ hưởng phước lạc và các nhân duyên lợi ích chúng sinh, tùy sở nguyện của họ, tự thanh tịnh cõi nước, cõi nước trang nghiêm thanh tịnh hơn cả cung trời, trông không biết chán, làm vui thích tâm vị đại Bồ tát, huống chi người phàm. Vì vậy nên tuy có nhiềiu nhân duyên chỉ nói hai việc không chán. 
Tàm quí tuy có nhiều thứ, ở đây nói thứ lớn là tâm cầu Thanh văn, Bích chi Phật. Bồ tát phát tâm muốn rộng độ hết thảy chúng sinh, gặp chút ít khổ não, liền muốn thủ chứng Niết bàn riêng mình là điều đáng tàm quý; ví như có người dọn nhiều đồ ăn ngon, mời gọi mọi người, song tâm xen lẫn khởi lên, liền tự ăn một mình, thật đáng tàm quí. 
Không bỏ trú xứ A lan nhã là lìa chúng ở riêng, hoặc vượt quá tâm Thanh văn, Bích chi Phật gọi là lìa chúng, vì hết thảy pháp không, không có sở đắc, không có chấp thủ, không có đắm tướng, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng không chấp thủ, vì tâm không có đắm trước. Bồ tát thường nhóm các công đức không chán đủ, được đạo Vô thượng mới đủ, vì không còn có pháp gì cao hơn. 
Ăn uống, y phục, ngọa cụ biết đủ là nhân duyên của pháp lành, không cho là trọng yếu, nên không nói. 
Không bỏ công đức hạng đầu đà là như trong phẩm Giác Ma sau đây nói: Vô sinh pháp nhẫn, trong đây lấy vô sinh pháp nhẫn làm hạnh đầu đà. Bồ tát trú ở thuận nhẫn, quán vô sinh nhẫn. Mười hai hạnh đầu đà vì trì giới thanh tịnh, trì giới thanh tịnh vì thiền định, thiền định vì trí tuệ; vô sinh pháp nhẫn tức là chân trí tuệ, vô sinh pháp nhẫn là quả báo của hạnh đầu đà, vì trong quả nói nhân. 
Không xả giới, không thủ giới tướng là Bồ tát biết thật tướng các pháp, còn không thấy trì giới, huống gì phá giới. Có các nhân duyên không phá giới, đây là tối đại vì vào không giải thoát môn. 
Gớm ghét các dục là như trước nói. Trong đây Phật nói biết rõ tâm tướng hư vọng không thật, nên cho đến không sinh tâm dục huống gì thọ dục. 
Tâm chán thế gian là như đã nói ở trong mục Thế gian không thể có lạc tưởng. Trong đây Phật nói quả báo của tâm nhàm chán, đó là vô tác giải thoát môn. 
Bỏ  hết  thảy  sở  hữu  là  như  trước  nói. 
Tâm không thối mất là trước nói nhiều nhân duyên các việc, Bồ tát đối với các việc ấy mà không có tướng thối mất, sợ hãi. 
Không sinh nơi hai thức là, nơi nhãn và sắc không sinh nhãn thức, cho đến nơi ý và pháp không sinh ý thức. Bồ tát an trù nơi môn không hai ấy, quán các điều sáu thức biết điều là hư vọng không thật. Phát thệ nguyện lớn khiến tất cả chúng sinh trú nơi pháp không hai, lìa sáu thức ấy. 
Không tiếc tất cả vật là trong tất cả vật không tiếc, tuy có nhiều nhân duyên, mà nhân duyên này rất lớn. Ðó là Bồ tát biết tất cả pháp rốt ráo không, không ức niệm dứt hết thảy tướng chấp thủ. Vì vậy nên không cầu ân huệ nơi người thọ nhận bố thí, trong khi bố thí tâm không tự cao; như vậy đầy đủ bố Thí ba la mật thanh tịnh. 
Xa lìa hàng bạch y thân thích là hành giả vì sợ làm chướng ngại đạo nên xuất gia, nếu lại tập gần gũi bạch y thời không khác gì ở nhà, vì vậy nên hành giả trước cầu độ mình, vậy sau độ người. Nếu chưa thể độ mình mà muốn độ người, thì giống như người không , biềt bơi mà muốn cứu kẻ bị chìm, cả hai đều chìm. Bồ tát xa kìa kẻ bạch y thân thích thời có thể nhóm các công đức thanh tịnh, sâu niệm Phật nên biến thân đi đến nước Phật. 
Xuất gia cạo tóc mặc pháp y, vì sao? Vì thường ưa pháp xuất gia, không ưa tập gần gũi bạch y. 
Xa lìa Tỳ kheo ni là như trong phẩm đầu đà nói. 
Hỏi: Bồ tát tâm bình đẳng xem tất cả chúng sinh, cớ sao không được ở chung? 
Ðáp: Bồ tát chưa được địa vị bất thối, chưa dứt các lậu hoặc, nhóm các công đức nên được người ưa đắm, vì vậy nên không được ở chung. Lại vì xa lìa sự phỉ báng của người, nếu phỉ báng thời bị đọa địa ngục. 
Xa lìa lẫn tiếc nhà người khác là Bồ tát nghĩ rằng: Ta tự bỏ nhà còn không tham không tiếc, cớ sao tham tiếc nhà người khác. Phép của Bồ tát là muốn khiến hết thảy chúng sinh được vui, người kia giúp cho ta và chúng sinh vui, cớ sao ta lẫn tiếc. Chúng sinh nhờ phước đức đời trước, đời nay có ít nhiều công phu nên được cúng dường, cớ sao lẫn tiếc, ganh tị.
 
Xa lìa sự đàm thuyết vô ích là đây tức là nói thêu dệt, vì việc giải sầu cho tâm mình tâm người, nói việc phép vua, việc giặc, biển lớn, núi rừng, cỏ thuốc, bảo vật, quốc độ các phương, những việc như vậy, không có ích gì cho phước, cho đạo, Bồ tát nên nghĩ đến hết thảy chúng sinh chìm đắm trong lửa khổ vô thường, ta hãy cứu vớt, cớ sao ngồi yên nói suông những điều vô ích; như người bị lửa cháy nổi dậy bốn phía, làm sao ngồi yên trong đó nói chuyện đâu đâu. Trong đây Phật dạy, nếu nói Thanh văn, Bích chi Phật còn cho là nói vô ích, huống gì nói chuyện khác. 
Xa lìa giận hờn là trong tâm mới đầu sinh gọi là giận, vì chưa quyết định. Tâm giận tăng trưởng, sự việc quyết định, đánh, chặt, giết hại, đây gọi là tâm não; ác khẩu chê bai, đây gọi là tâm tranh tụng; nếu giết hại đánh trói v.v... đây gọi là chiến đấu. Bồ tát vì đại từ bi nên không sinh các tâm ấy; thường đề phòng các ác tâm ấy không cho xen vào. 
Xa lìa tự đại khinh miệt người là không thấy pháp trong ngoài, nghĩa là không thấy năm uẩn chấp thọ, năm uẩn không chấp thọ. 
Xa lìa mười bất thiện đạo là, Bồ tát quán mười bất thiện đạo là nhân duyên của các tội lỗi, như trước nói. Trong đây Phật dạy mười bất thiện đạo còn phá Tiểu thừa, huống gì Ðại thừa. 
Xa lìa đại mạn là Bồ tát hành mười tám không, không thấy các pháp có tướng lớn nhỏ nhất định. 
Xa lìa tự dụng là nhổ bảy thứ gốc rễ kiêu mạn, lại sâu vui thiện pháp. 
Xa lìa điên đảo là trong hết thảy pháp tướng thường, lạc, ngã, tịnh không thể có được. 
Xa lìa ba độc là, ba độc nghĩa như trước nói: Lại. sở duyên của ba độc không có tướng nhất định. 
Sáu Ba la mật là như trước nói: Trong đây Phật dạy hàng tam thừa đều do sáu Ba la mật này mà đến được bờ kia. 
Hỏi: Ðây là ở địa vị Bồ tát, cớ sao nói Thanh văn, Bích chi Phật do sáu Ba la mật đến được bờ kia? 
Ðáp: Nay Phật nói sáu Ba la mật, có nhiều công năng trong pháp Ðại thừa, thời hàm thụ cả Tiểu thừa, Tiểu thừa thời không thể. Bồ tát trú trong địa thứ sáu đầy đủ sáu Ba la mật, quán hết thảy các pháp không, chưa được lực phương tiện, sợ đọa vào địa vị Thanh văn, Bích chi Phật, Phật thủ hộ nên nói không nên sinh tâm Thanh văn, Bích chi Phật. Bồ tát vì sâu nghĩ đến chúng sinh, vì tâm đại bi, vì hết thảy các pháp rốt ráo không, nên khi bố thí không tiếc gì, thấy người đến xin không giận không lo, sau khi bố thí tâm cũng không hối tiếc; phước đức lớn nên đức tin cũng lớn, tin kính chư Phật một cách thâm sâu thanh tịnh, đầy đủ sáu Ba la mật, tuy chưa có lực phương tiện, vô sinh pháp nhẫn, Ban châu Tam muội, mà đối với pháp thâm sâu cũng không nghi. Nghĩ rằng: Hết thảy luận nghị đều có lỗi lầm, chỉ trí tuệ Phật mới diệt các hý luận. Không có khuyến mất; mà hay dùng phương tiện tu các pháp lành, thế nên không nghi. 
(Hết cuốn 49 theo bản Hán) .HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.1/4/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.