Người niệm Phật là người cất bước trên con
đường về Cực Lạc. Không luận là niệm nhiều hay ít, tán tâm hay nhất tâm. Hễ có
niệm Phật là có chủng tử Phật, không sớm thì muộn cũng về đất Phật. Tuy nhiên
điều quan trọng nhất của niệm Phật là có lòng tin. Tin Phật Thích Ca không bao
giờ nói dối. Tin Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn và tin mình sẽ được vãng sanh. Chỉ cần
đủ niềm tin như vậy một cách vững vàng kiên cố thì bước đi đến Cực Lạc chắc chắn
phải tới.
Niệm là cất bước đi, tin là phương tiện
giúp cho việc đi mau tới. Riêng về tán tâm niệm Phật cũng đừng lo ngại chi cả,
vì có ai lại biết được là mình nhất tâm, nếu biết mình đang nhất tâm niệm Phật
thì cái biết này đã là tán tâm rồi. Cho nên có thể hiểu nhất tâm niệm Phật là
giờ phút chót của đoạn đường đến Cực Lạc.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là ta không
có được giây phút nhất tâm nào lúc đang niệm Phật. Dĩ nhiên là phải có, mà có
đây cũng được xem như không, vì đã nói khi biết được nhất tâm là đã có sự động
(biết) trong khi niệm Phật rồi. Thành ra có nhất tâm hay không điều này ta đừng
lo ngại.
Cái lo ngại nhất của người niệm Phật là
quên niệm Phật. Khi ta quên niệm Phật thì ngay lúc đó ta đã dừng lại bước đi tới
hướng về Cực Lạc, mà đứng lại cũng còn may mắn chỉ sợ ta bị đẩy lùi nữa là khác.
Người ta thường nói không tiến ắt phải lùi nghĩa là vậy. Những hình ảnh tư tưởng
tham vọng, sân hận là sức đẩy xô ta lùi lại sau. Sức đẩy của chúng có thể mạnh
hơn câu niệm Phật nếu ta niệm lơ là biếng trễ.
Chúng ta cũng đừng lo ngại rằng niệm Phật
xen vào công việc giao tế sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh là bất kính. Trong hoàn
cảnh vậy, đây mới là sự niệm Phật chí thành tinh tấn, bởi đó chứng tỏ định lực
nhớ ghi của ta đã vững vàng. Hơn nữa niệm Phật là niệm cái tánh giác Phật tánh
của mình thì việc khắc ghi mãi tánh giác ấy vẫn hợp với Phật pháp. Và hẳn nhiên
trong tình huống như thế không thể nào niệm ra tiếng được, mà chỉ nhớ ghi thôi.
Nhớ rằng ta đang biết câu niệm Phật trong đầu đang tuôn chảy. Do vậy nếu có lo
ngại là lo ta có thường nhớ câu niệm Phật hay không?
Với công việc lao động bằng tay chân thì
còn dễ niệm, chớ việc làm tính toán nghĩ suy bằng trí óc hay vào những lúc hầu
chuyện với người làm sao niệm được! Trường hợp như thế ta phải giải quyết hoàn
tất công việc đó, nhưng cố gắng làm sao trở về với câu niệm Phật được lúc nào
hay lúc đó. Đây không phải là điều gượng gạo phân tâm, khó xử mà là phương tiện
luyện tâm niệm Phật vậy.
Trong cuộc sống hằng ngày tâm niệm của ta
thường lăng xăng chạy theo muôn chuyện, đầu óc chẳng bao giờ muốn ngừng nghỉ,
bởi vậy mỗi câu niệm Phật hay bị xen vào những tạp niệm. Nhưng thử nghĩ nếu ta
không niệm ngay lúc này mà đợi đúng giờ đúng khắc trì kinh mới niệm thì làm sao
định lực niệm Phật có đủ sức để trừ khử tạp niệm ngày càng dung dưỡng trong ta.
Chẳng nói gì ngoài giờ tụng kinh lễ Phật mà ngay luôn giờ phút trang nghiêm
thanh tịnh trước bàn Phật tạp niệm vẫn tấn công vào. Việc này cho ta thấy, là ta
đã quá xem thường tạp niệm, nên dễ duôi, tự do cho nó vào ra thoải mái. Hay đúng
hơn là ta đã không thực tập niệm Phật ngay trong tạp niệm. Nếu ta thực sự không
ngại gì niệm Phật trong lúc bận bịu, rộn ràng, lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống,
làm việc, tiếp chuyện v.v… mỗi mỗi giây phút niệm Phật, có mặt trong giờ phút
vừa thức dậy đi vào cuộc sống, cho đến đặt lưng xuống ngủ, kể cả đến lúc nhắm
mắt ngủ quên mới thôi, thì ta có lo gì tạp niệm nổi lên trong giờ phút trì kinh
trước điện Phật.
Hay dù cho tạp niệm có móng lên trong lúc
trang nghiêm đó, thì cũng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc rồi sẽ biến mất đi. Bởi
đó là do ta có thực tập, sẵn sàng ứng phó với tạp niệm, và vậy không còn lo
lắng. Thế là ta trở về với lời kinh tiếng kệ một cách dễ dàng.
Chúng ta có thể đồng ý rằng còn sống là
còn có tạp niệm. Vì tạp niệm là do duyên căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp
xúc với cảnh trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) tạo ra bao hành động của
thân và tâm. Bằng hình thức này, mức độ kia bất cứ người nào trong xã hội vẫn
không trốn chạy được tạp niệm, tuy vậy chúng ta cũng thấy có tạp niệm con người
mới có phân biệt điều tốt việc xấu, và như không có phân biệt, thì làm sao con
người phát triển được những tư duy.
Các vị Thánh, Tổ ban sơ cũng từ tạp niệm
mà cuối cùng đi dần đến nhất niệm, cũng như mượn phương tiện trở về cứu cánh.
Vậy thì niệm Phật trong tạp niệm vẫn là một việc rất quý, khó hành, huống chi
muốn có nhất niệm phải từ tạp niệm mà ra, chỉ sợ là, ta có niệm được trong lúc
tạp niệm hay không! Hay suốt đời sống chìm trong tạp niệm.
Nói rõ lại con đường đi đến Cực Lạc trước
sau gì cũng hiển lộ rõ ràng trước mắt người niệm Phật. Và phương tiện để đưa
hành giả niệm Phật đến đích mau hay chậm, chắc chắn hay không là do sức niệm
Phật của hành giả. Cuối cùng thì niệm Phật muốn được nhất tâm thì phải niệm ngay
trong tạp niệm.
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.24/7/2014.
|
No comments:
Post a Comment