Sunday, 25 January 2015

Đức tin của người Phật tử

Saddhà trong Phật giáo hay niềm tin tưởng nơi Phật, nơi Pháp, nơi Tăng là một năng lực hùng mạnh. Saddhà là tia lửa nhỏ mà nếu ta biết thận trọng giữ gìn, một ngày kia sẽ trở thành một thứ lửa có thể thiêu đốt tất cả những gì nhơ bẩn trong tâm, tất cả phiền não.
Chữ " Ðức Tin" thường được dùng để dịch danh từ "Saddhà" trong tiếng Phạn.
Saddhà là một Phạn ngữ rất khó phiên dịch qua một từ ngữ khác. Danh từ "Ðức tin" mà ta thuờng dùng không bộc lộ hết ý nghĩa của chữ "Saddhà". Vậy nơi đây chúng ta hãy giữ nguyên vẹn danh từ Saddhà. Saddhà là gì?
2675538019_2289aae340_o

Một em bé đứng thành kính lễ đức Phật xuyên qua những thánh tích như Xá lợi Phật, như cây Bồ Ðề mà xưa kia đã đỡ nắng che mưa cho Ngài, như những tượng đá, tượng đất, tượng giấy, mà người nghệ sĩ tận lực đem hết tâm trí hình dung đức Phật theo sự tưởng tượng của mình. Ðó là hình thức giản dị nhất của Saddhà.
Niềm tin tưởng mà em bé trọn vẹn đặt nơi Tam Bảo là tất cả sự tín nhiệm mà cha mẹ đã tạo nên trong tâm em. Sự tín nhiệm ấy sẽ dẫn dắt em trải qua quãng đường dài của đời sống một cách châu toàn. Sự tín nhiệm ấy cũng tương tợ như "Ðức tin" mà người đời đặt vào những việc như sao Bắc đẩu, như thuyết đìện tử, hay thuyết quantum, chắc chắn người ấy không có cơ hội để chứng nghiệm thuyết quantum, hay những thuyết điện tử v.v...
Saddhà của người Phật tử đứng tuổi có phần tế nhị và cao thượng hơn. Saddhà là đặc tính chính yếu của người Phật tử trong sự thờ phụng cúng dường đức Phật. Trong những xứ Phật giáo, đến ngày lễ Phật Ðản người Phật tử hết lòng thành kính đi từ chùa này đến chùa khác để chiêm bái đức Thế Tôn, khách phương xa đến viếng chùa Lanka trong dịp lễ Phật Ðản chắc không khỏi ngạc nhiên tự hỏi "Phật giáo dã phủ nhận một thần linh tạo hóa dụng lên muôn loài vật; đức Phật đã dạy phải luôn luôn bình tĩnh dùng lý trí suy đoán và quan sát tận tường mọi việc. Tại sao người Phật tử cũng đến chùa tôn sùng kính bái những pho tượng như người thờ thần linh?"
Vậy lòng tôn kính sùng bái kim thân đức Phật có ý nghĩa gì? Sự tôn sùng ấy chắc chắn phát sanh do Saddhà?
Chúng ta có thể phân tích Saddhà của người Phật tử không? - Có.
Và cái động lực hùng mạnh nhất trong Saddhà là sự kính mến thiết tha lẫn lộn với lòng tri ân ấy làm cho Saddhà cao thượng thanh khiết, không chút vụ lợi, không mảy may vị kỷ. Khi quỳ lạy kính bái đức Thế Tôn, người Phật trử không cầu mong gì ở Ngài, vì họ biết chắc chắn rằng đức Phật đã siêu thế thì không còn trực tiếp giúp đỡ ai trong vũ trụ này nữa.
Ngừơi Phật tử cũng không lễ bái cúng dường đức Thế Tôn vì sợ sệt như người ta sợ sệt thần linh, cũng không khấn vái cầu xin đìều chi. Chỉ có sự kính mến, kính mến tri ân, kính mến nhiệt thành, không vụ lợi, không vị kỷ.
Kính mến là yếu tố quan trọng của Saddhà. Môt đặc tính chính yếu khác của Saddhà là tín nhiệm. Sự tin tưởng mỗi ngày mỗi tăng trưởng thêm lên khi người Phật tử mỗi ngày mỗi tiến bộ thêm trong pháp học, pháp hành, và trong sự thành tựu đạo quả. Trong mỗi bước tiến thì Saddhà tăng trưởng, mãi cho đến khi đắc quả A-La-Hán
Sự kính mến và niềm tin tưởng nơi Tam Bảo là hai yếu tố cấu thành Saddhà. Cả hai đều cao quý và đáng trau giồi.
Saddhà trong Phật giáo hay niềm tin tưởng nơi Phật, nơi Pháp, nơi Tăng là một năng lực hùng mạnh. Saddhà là tia lửa nhỏ mà nếu ta biết thận trọng giữ gìn, một ngày kia sẽ trở thành một thứ lửa có thể thiêu đốt tất cả những gì nhơ bẩn trong tâm, tất cả phiền não. Saddhà là tín nhiệm ta đặt nơi một con người, và nơi giáo pháp của người ấy, không phải nơi một thần linh. Ta tín nhiệm một người, bằng thịt bằng xương như chúng ta nhưng là môt người có tâm từ vô lượng, tâm từ bi bao la, bao trùm tất cả những chúng sanh đau khổ. Lòng từ bi ấy thúc đẩy Ngài luôn luôn tiến bước trên đường phục vụ, hy sinh tất cả những gì mà chúng ta cố giữ, cố bám, hy sinh đến cả thân mạng. Tu kiếp này đến kiếp khác, trong vô số châu kỳ, mỗi ngày mỗi hoàn toàn hơn, cho đến một ngày kia, dưới cội Bồ Ðề tại Uruvela, với một ý chí sắt đá Ngài cương quyết chiến đấu tới cùng:
"Dầu máu có cạn dần, thịt có mòn dần và tan rã, dầu chỉ còn xương bọc da, ta sẽ không rời bỏ chỗ ngồi này trước khi thành công"
Ngài đã chiến thắng. Ánh sáng chân lý đã bật soi cho Ngài những bí ẩn của đời sống. Cuc chiến thắng vẻ vang này đã biến thái tử Sĩ Ðạt Ta (Siddhatha) ra một vị Phật, đức Phật Cồ Ðàm (Gotama), đức Chánh biến tri, đức Thế Tôn, Toàn Năng, Vô Thượng. Ðức Phật dạy:
"Này các Tỳ Khưu, chính Như Lai cũng đã chịu cảnh sanh, lão, bịnh, tử, phiền não và bợn nhơ. Nhưng Như Lai đã sớm nhận thấy đặc tính vô thường của vạn pháp, tất cả đều phải chung chịu cảnh sanh, lão, bịnh, tử, phiền não và bợn nhơ. Vì nhận thấy như vậy Như Lai đi tìm cảnh tuyệt đối an toàn của Niết Bàn, trạng thái vô sanh bất diệt, không bịnh, không lão, không phiền não, không bợn nhơ. Và Như Lai đã thành tựu đạo qủa Niết bàn, không sanh, không tử, không lão, không bịnh, không phiền não, không bợn nhơ. Như Lai đã thấy và đã chứng nghiệm, Như Lai đã hoàn toàn giải thoát. Ðây là kiếp sống cuối cùng của Như Lai và khi nhập diệt rồi Như Lai không còn trở lại nữa".
Trong bốm mươi lăm năm trường sau khi thành đạo, với lòng từ bi vô hạn, không hề biết mệt, luôn luôn nhẫn nại, Ngài châu du truyền bá đạo mầu cho những ai có tai muốn nghe, những ai đạt niềm tin tưởng nơi Ngài, và nơi Giáo Pháp của Ngài.
Lời di huấn tối hậu của Ngài là:
"Hỡi này các Tỳ khưu! Như Lai thiết tha nhắc nhở các con rằng vạn pháp là vô thường. Các con hãy cố gắng tu tập, cố gắng tinh tấn mãi mãi, cho đến ngày thành công".
Ðức Phật là tinh hoa của Nhân loại. Chúng ta là những người tình nguyện bước theo dấu chân Ngài. Trước kim thân Ngài chúng ta kính cẩn khấu đầu đảnh lễ. Ðó là hình thức tôn sùng cửa người Phật tử. Ðó chắc chắn không phải là "Ðức tin", như đức tin mù quáng mà người đời thường hiểu, cũng không phải là một đức tin không căn cứ trên sự suy luận, trên thực tế của đời sống. Saddhà trái lại là tình thương, và tín nhiệm, là sự tôn sùng thành kính, phát sinh từ thâm tâm xuyên qua trí thức, khi ta hiểu biết được phần nào giá trị của sự tự chế ngự, tự kiểm soát, của sự hy sinh cao cả, khi ta thoáng thấy được phần nào tâm từ mà đức Phật rải đến cho tất cả chúng sanh và khi ta nhận thức được chân giá trị của phần di sản quý báu mà đức Phật để lại cho ta, môt bảo vật vô giá, Giáo Pháp của Ngài.
Do đó chúng ta góp nhặt bông hoa đủ màu sắc, đủ vị hương, nến hương đủ loại, rồi đến quỳ dưới chân Ngài, và cố để hết tâm trí vào câu kinh ta đọc: "Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa" (Tôi hướng tâm - Tassa, đảnh lễ - Namo, Ðức Bhagava - Ðấng siêu xuất khỏi tam giới, Ðức Araham - Ðấng Trọn Lành, Ðấng Tự Giác Viên Minh - Samma Sambuddho) hay: "Tôi hướng tâm đảnh lễ Ðức Thế Tôn, Ðức ứng Cúng, Ðức Chánh Biến Tri ".
Ngày nào còn bị cái "Ta" ngự trị trong tâm, ta khó nổi kính bái một người nào, dầu người ấy là một nhân vật vĩ đại nhất trên thế gian này và trong các cõi Trời. Ngày nào còn thấy cái "Ta" lớn lao, quan trọng, thì dầu có ai kia đã hy sinh trọn đời sống mình, tất cả bao nhiêu kiếp sống của mình, để giúp ta tìm ra cảnh giới tuyệt đối an toàn, chúng ta vẫn coi thường. Nhưng chúng ta được hiểu biết rằng tham dục là nguồn gốc của phiền não phát sanh từ ý niệm "Ta" và "của Ta", chúng ta cũng được hiểu biết rằng từ khước tất cả là khó dường nào, thì chúng ta đã bắt đầu ý niệm được phần nào giá trị của đức Phật. Khi đã nhận được bao nhiêu công phu sưu tầm tu tập để tìm ra một Giáo Pháp vĩnh viễn trường tồn của một bậc vĩ nhân đệ nhất hoàn toàn trên thế gian, ta sẽ lấy làm hổ thẹn nhìn lại bao nhiêu cố gắng của ta mà ta tưởng là quan trọng.
Ta đã đứng trong vị trí thực tế của ta đối với tấm gương đức hạnh cao cả, lòng vị tha, và đạo quả mà đức Phật đã thành đạt. Lòng kính mộ và cảm mến bắt đầu tràn ngập tâm ta. Và một cách hồn nhiên, tự đáy lòng, phát sinh ra những ý tưởng sùng kính tất cả chư Phật trong tam thế, rồi vui thích bái niệm:
"Con hết lòng sùng kính chư Phật trong quá khứ.
Con hết lòng sùng kính chư Phật trong vị lai.
Con hết lòng sùng kính đức Phật hiện tại."
(Ye ca buddha atita ca, ye ca buddha anagata, paccuppanna ca ye buddha, aham vandani sabbada)
Hay: "chư Phật đã thành Chánh Gíác trong kiếp quá khứ, chư Phật sẽ thành Chánh Gíác trong kiếp vị lai, chư Phật đang thành Chánh Giác trong kiếp hiện tại này, con đem hết lòng thành kính mà làm lễ chu Phật trong Tam Thế ấy".
Ðó là Saddhà. Một sự tôn kính, một tình thương và một niềm tin tưởng. Không có Saddhà,ta sẽ không có nhiệt tâm, nhiệt lực và tinh thần, ba yếu tố cần thiết để thành tựu mục tiêu. Cái "Ta" dần dần rời bỏ ta và Ánh Sáng Chân Lý dần dần đến với ta. "Khi một vị Bồ Tát đắc quả Phật, ánh sáng rực rỡ và vẻ vang của Ngài phá tan sự tối tăm mù mịt đang tràn ngập biển trầm luân của đời sống, và vạch ra 'con đường' cho mỗi người mạnh tiến đến trạng thái an vui hạnh phúc".
Khi đã thấu triệt Giáo Pháp của đức Phật, tức nhiên ta có thể lái con thuyền của ta ngay đường thẳng lối sang bên kia bờ. Nhưng nguyên động lực thúc đẩy chiếc thuyền là phát sanh từ Saddhà. Như vậy không phải chỉ trẻ con mới cần phải quỳ lạy trước kim thân đức Thế Tôn để dâng lên Ngài những bó hoa hay những nén hương, mà tất cả chúng ta đều phải cúng dường đức Phật, bởi vì chỉ năng lực tinh thần mới có thể giúp ta, bởi vì chúng ta chưa diệt được ngã chấp, và Saddhà là món tiên dược để tiêu trừ những chất độc của cái "Ta".
Chúng ta cũng phải tỏ lòng thành kính... mặc dù chúng ta không thành kính tôn sùng một nhân vật, vì đúng ra nhân vật nào cũng chỉ là sự kết hợp của những hiện tượng luôn luôn biến đổi... chúng ta chỉ hướng lòng thành kính đến một lý tưởng. Khi thành kính chiêm bái, ta tìm thấy nơi kim thân đức Phật một nguồn sinh lực dồi dào, ta xây dựng trong tâm một nơi tôn thờ trang nghiêm, ta cố dọn lòng trong sạch để xứng đáng đó rước hình ảnh của Ngài và tôn trí hình ảnh ấy vào đền thờ nội tâm đầy sự kính mến, tiềm tàng trong lòng ta.
Trước bàn thờ ấy, hàng ngày chúng ta dâng lên đức Thế Tôn những lễ vật... không phải những ngọn nến phải tiêu mòn, hay những đóa hoa phải tàn héo, mà là những hành động từ ái, những thái độ hy sinh cao cả, những công trình phục vụ hoàn toàn vị tha. Ðó là lễ vật mà người Phật Tử hằng ngày phải dâng đến đức Phật.
Chúng ta hãy cố gắng để xứng đáng là người đi theo dấu chân đức Phật, không phải vì danh nghĩa suông. Chúng ta phải chứng minh bằng tấm lòng và nếp sống hàng ngày rằng lý tưởng của chúng ta vẫn còn hiệu lực để kêu gọi và dẫn dắt ta.
Năng lực của niềm tin tưởng (Saddhà) tinh khiết nơi Tam Bảo, chắc chắn sẽ đem ta đến mục tiêu đức Phật đã chứng tỏ điều ấy. Trong một thời Pháp thuyết giảng tại Kỳ Viên Tịnh Xá (Jetavana) xứ Xá Vệ, trước các Tỳ khưu, đức Phật dạy:
"Này chư Tỳ khưu, trong Giáo Pháp mà Như Lai đã truyền dạy, dẫn giải và chỉ rõ, các con đã am hiểu tận tường, không còn điều chi mập mờ, vị Tỳ khưu nào thực hành đúng theo Giáo Pháp ấy với một niềm tin (Saddhà) vững chắc, vị ấy sẽ trở thành bậc Toàn Giác..."
Và đức Phật dạy tiếp theo:
"Này chư Tỳ khưu, trong Giáo Pháp mà Như Lai đã truyền dạy, dẫn giải và chỉ rõ, các con đã am hiểu tận tường, không còn đìều chi mập mờ, vị Tỳ khưu nào chỉ tưởng nhớ đến Như Lai với niềm tin tưởng và lòng thành kính, vị ấy sẽ tái sanh vào cõi trời".HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.25/1/2015.

No comments:

Post a Comment