Saturday, 31 January 2015

Tâm như một dòng chảy .

tam nhu mot dong chay
Tâm như một dòng chảy

Trong việc tu hành, mình không nên đặt nặng vấn đề nghiên cứu kinh điển quá mức. Kiến thức có thể gây trở ngại hơn là hỗ trợ. Đôi khi mình hoang mang, không biết đi theo hướng nào. Kiến thức trong mình rất nhiều mà sự thực hành chẳng bao nhiêu thì làm sao biết được cái kiến thức đó đúng hay là sai. Lý thuyết mà người ta viết cho mình đọc là do công phu tu tập từ bản thân họ và từ những trải nghiệm trong cuộc sống mà họ đúc kết ra.  Mình nương theo đó để hành trì.
Nếu nói màu sắc của chiếc lá là màu xanh cho một người mù biết thì người mù cũng chỉ biết chiếc lá có màu xanh thôi chứ họ đâu biết màu xanh là màu như thế nào. Lúc này trong tâm trí họ có thể nghĩ rằng màu xanh là màu đỏ, màu vàng thậm chí là màu đen vì họ đâu thể nào nhìn thấy được mà chỉ tưởng tượng ra trong đầu. Có một câu chuyện kể rằng: “Ngày xưa có bảy người mù chưa bao giờ nhìn thấy con voi, chỉ nghe người khác kể lại và càng không biết voi giống như cái gì. Một hôm họ, có cơ hội gặp được một con voi, mọi người vội vã dùng tay để chạm tường tận hơn. Người thì nói con voi giống như một cây cột, người nói con voi giống như một đoạn dây thần, người nói con giống như một bức tường thì đúng hơn, người nói con voi giống như một chiếc quạt lớn, người nói con voi giống như một ống nước, người nói con voi giống như một cây gậy, người nói con voi giống như một cục đá lớn, người nói con voi giống như một cây cột. Sau một hồi họ cãi vãi với nhau thì  con voi mới cười và nói rằng ta không giống cây cột, cây gậy, cục đá, cái quạt, ống nước gì cả, voi chính là voi. Mấy ông đều đứng ở góc độ phiến diện để nhìn voi thì làm sao nhìn thấy voi cho được.
Cũng vậy, có người nói tu theo pháp môn Tịnh Độ thì sẽ được vãng sanh vào cõi tây phương cực lạc hay tu thiền mới được giải thoát. Tất cả những gì mà ta nghe, ta đọc chỉ lý thuyết , chỉ là phương tiện giúp ta thực tập. Nếu bản thân mình không có thực tập, chỉ đọc, chỉ nghe thôi thì làm sao được vãng sanh, làm sao được được giải thoát.
Muốn biết tâm mình, không nên kiếm tìm cái bên ngoài mà hãy nhìn vào cái bên trong. Tốt nhất nên lấy những lời dạy giản dị, dễ hiểu mà đức Phật đã chỉ dạy làm căn bản và hãy thực hành theo lời dạy đó. Một người thành công không phải là một người có kiến thức rộng lớn mà là một người có sự thực hành và lúc nào mình cũng phải quan sát tâm ý bên trong mình chứ đừng để tâm phải tìm kiếm cái bên ngoài hay nương nhờ vào ai hết.  Mỗi lúc ta thực tập thiền, suy nghĩ điều thiện lành là tâm ta đã có được sự an lành, tâm ta là Niết Bàn ngay trong giây phút hiện tại, chứ đâu cần phải sanh về tây phương cực lạc. Tại tâm mình lúc nào cũng thích rong ruổi dạo chơi, dựa dẫm vào người khác mà không chịu nhìn lại chính mình thì làm sao cảm nhận được điều đó. Chỉ cần ngồi xuống một nơi yên tĩnh theo dõi hơi thở, theo dõi sự phồng xọp của bụng và tâm đặt nơi đan điền, không một chút lo lắng buồn phiền gì, là lúc đó mình thấy được sự bình yên lan tỏa, thấy được cõi cực lạc đang hiện ra trong tâm rồi. Mình được sống ở nơi không có chiến tranh, bạo động, thiên tai bệnh tật và có được một thân thể khỏe mạnh hơn bao người là mình cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy an lạc và lúc nào mình cũng rải năng lượng hòa bình đến tất cả mọi  người để được hòa nhịp cùng niềm vui, niềm an lạc đó. Cho nên muốn kiếp sau có được sanh vào cõi an lạc hay hạnh phúc thì trước tiên trong phút giây hiện tại này hãy làm cho mình có được sự an lạc và hạnh phúc trước rồi mới tính tiếp. Trong giây phút này, tâm mình còn khổ đau, còn tham, sân, si đủ thứ thì làm sao mà sanh vào cõi cực lạc hay hạnh phúc cho được.
Cái đó là do mình thôi. Dù thầy hay bạn đồng tu có khuyên mình cách mấy, mình cũng đâu có nghe, mình cứ ôm khư khư cái bao tải của tham, sân, si và cả sự hoài nghi nặng như thế mà bơi qua sông thì chừng nào mới tới được bờ bên kia. Mình đang là người trong cuộc, đang chịu cảnh khổ đau vì vô minh mà mình không thấy được cái khổ của mình, vì cái nghiệp mình đã tạo nên bây giờ mình phải trả cái quả khổ đau như vậy. Còn người khác đứng bên ngoài, họ sáng suốt hơn mình, họ đang gỡ rối, đang chỉ mình đi đúng đường thì lại không nghe, nhiều khi còn bị ghét, bị chỉ trích lại. Cho nên vì thương mà mình im lặng và chỉ còn cách rải tâm từ hồi hướng công đức và mong rằng họ sẽ có đủ thuận duyên để tu tập đến ngày thành tựu đạo quả.
Bản thân mình lúc nào cũng phải tự soi xét, tránh sự ngã mạn, dễ duôi với thân này quá mức. Thường xuyên làm việc thiện lành, nghĩ lợi cho người, mang tâm hòa bình đến cho muôn loài, chuyên cần thực tập chánh niệm, tham thiền tụng kinh, gìn giữ giới luật thì không cần mình phải đắc thần thông để biết sau khi chết mình sẽ sinh về đâu, tự mình cũng có thể soi xét mà biết được mình sinh về đâu qua sự tu tập của mình. Có thể tôi đọc một đoạn kinh gần cả chục lần mà vẫn không hiểu ý đoạn kinh đó nói gì nhưng mãi đến khoảng thời gian sau tôi thực tập thì tự nhiên cái hiểu nó hiển lộ ra trong tâm trí của tôi. Trí tuệ và tri kiến sẽ tự tìm đến, không cần phải cố công chạy đi kiếm tìm xem là nguyên nhân đó từ đâu ra, tại sao nó phải như thế này mà không phải như thế kia. Mình hay bị kẹt vào văn tự, đủ duyên, đủ phước thì quả thiện lành sẽ trổ ra, cho mình những vị ngọt của sự an lạc và hạnh phúc đích thực.
Ở đời này có những người lại không thích ngồi yên một chỗ hay nhìn lại chính mình mà chỉ thích bươi móc, soi mói người khác. Theo dõi tâm mình đã mệt lắm rồi, tại sao lại để ý đến người khác làm gì cho tâm sanh phiền muộn. Thấy người ta đẹp hơn mình, giàu có hơn mình thì tâm hơn thua đố kỵ khởi lên, tìm mọi cách để hãm hại đến khi nào mà người kia tơi bời hoa lá mới thôi. Nếu soi xét kỹ càng, tâm con người là độc hơn cả loài rắn độc. Nó có thể giết chết một người mà không cần dùng đến vũ lực hay là ra mặt. Nhiều khi mình tu, ngồi yên một chỗ như cục bột còn bị người ta ghét, người ta phá nữa huống chi là người có chức vị, giàu sang đẹp đẽ. Họ thấy mình được nhiều người thương, được nhiều người chú ý, còn họ thì không ai nhìn đến họ nên họ sanh tâm ganh tị và hãm hại mình.
Vài ngày gần đây tôi có đọc được một câu status của một người bạn trên facebook: “Cuộc sống đúng quá nhọ, ngoài mặt thì chị chị, em em, cười cười, nói nói, nhưng trong bụng toàn dao găm và thuốc súng. Sẵn sàng chơi nhau khi cần thiết, xong việc thì lại cười, nói như chưa có chuyện gì xảy ra.” Đọc xong câu này tôi thấy lòng dạ con người quả thật đáng sợ thiệt, xấu tốt hơn thua cũng xuất phát từ tâm mà ra cả. Nếu ta biết giữ cho tâm tĩnh lặng, ở trạng thái hòa bình thì khi tâm động, ý tưởng nảy sinh dù là thiện lành hay không thiện lành, mình hãy nhận biết và buông xả.
Để tâm  được hòa bình và tĩnh lặng, mình phải biết cách huấn luyện. Lúc nào mình cũng phải đem tâm ra mà chỉ dạy cho nó, giải thích cho nó biết cái nào xấu cái nào tốt, chỉ cho nó biết luật nhân quả, cho nó thấy rằng bất cứ thứ gì nó nắm giữ sẽ đem đến những kết quả không tốt cho đến khi tâm chấp nhận và chịu buông bỏ mới thôi. Với cách huấn luyện như vậy,  tâm dần dần trở nên tĩnh lặng, mỗi khi phát khởi một ý niệm gì mình cũng phải nhận biết không để cho nó sai sử mình. Một người tâm lúc nào cũng bất an, lo sợ hay nóng giận thì sẽ không đủ sáng suốt để làm việc. Khi đó thân tâm không còn là một thể tánh đồng nhất mà bị chia rẽ bởi rào cản từ những tâm bất thiện khác khởi lên. Biết rằng ngồi thiền sẽ bị phóng tâm, bị ngứa, cảm thọ khó chịu và khi đó mình càng phấn đấu với những tư tưởng của mình chừng nào thì nó càng trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu như niệm mà nó không hết thì lúc này mình có thể mặc nhiên không để ý đến nó nữa mà quán chiếu bản chất vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Tâm mình như một dòng chảy, không cố định, thay đổi liên tục không ngừng nghỉ một phút giây nào. Suy nghĩ  hay yên tĩnh, đau khổ hay hạnh phúc cũng thế. Muốn tự nhiên cho tâm không suy nghĩ mà tâm nó cứ suy nghĩ không thôi, hay khổ đau hiện diện mà mình trốn tránh khổ đau, mong cho được hạnh phúc thì không thể nào.
Khổ đau hay hạnh phúc chỉ là ý niệm. Hết vui rồi lại buồn, hết buồn rồi lại vui, có lúc yên tĩnh thì cũng có lúc phải suy nghĩ. Mình phải nhận ra rằng cả hai đều vô thường. Phiền não, giận hờn, ghen ghét đâu có tội mà do tâm mình không chịu buông bỏ ra, chỉ lo dính mắc vào thôi. Đức phât dạy, lúc đầu chúng ta nhìn vào tâm mình, xem thử lúc đầu có cái gì. Thật ra, không có gì cả. Tâm rỗng không này không sinh không diệt theo hiện tượng. Có thể ngay phút giây này tâm mình rất siêng năng và hành trì chánh pháp không mệt mỏi nhưng khoảng vài tiếng sao tâm mình dễ duôi, không còn kiên nhẫn để thực tập tiếp hoặc nghi nghờ về sự tu tập mặc dù trước đó tâm mình quyết chí tu tập rất mạnh mẽ. Tâm thanh tịnh nhận rõ điều này, biết rằng chúng không thực chất, đừng sa đà vào lý thuyết, hãy tu hành để nhận biết tâm mình. Khi quan sát tâm mình sẽ biết cách hành động và sẽ biết cách chấm dứt sự dính mắc và phiền muộn. Cho nên mình phải thực tập thiền suốt ngày để tỉnh thức và nhận biết những dòng tư tưởng khi nó tiếp xúc với lục trần và khi nó rời khỏi lục trần. Sự tỉnh thức và nhận biết đó gọi là chánh niệm. Tiếp tục duy trì chánh niệm như vậy thì trí tuệ sẽ phát sinh.
Tôi đã quen thực tập chánh niệm và im lặng trong khi ăn nhưng khi về thăm nhà thì mọi người lại ồn ào bàn chuyện này chuyện kia không có tập trung trong lúc ăn. Lúc này tâm mình cảm thấy hơi bực bội trong người vì những tiếng ồn của người thân trong lúc ăn. Mình hãy niệm là nghe à, nghe à , bực à, bực à chứ mình không có tham gia vô đề tài hay bàn tán trong khi ăn mà hãy giữ chánh niệm trong khi ăn bằng cách không nói chuyện, ý thức đang nhai thức ăn, đang cảm nhận được vị mặn, chua cay của thức ăn và mình có được một cái phước rất lớn để thọ hưởng thức ăn này. Trong lúc đi trên xe ô tô mình cũng phải giữ chánh niệm, không để tâm bị phóng dật, không có khơi gợi câu chuyện cho người khác phải bàn tán hay bàn tán chuyện thiên hạ.
Đặc biệt là hai đứa em gái tôi nói chuyện rất nhiều, nào là bên tây, bên tàu, hoa hậu này hoa hậu nọ phẫu thuật thẩm mỹ… Mình bàn tán mấy chuyện đó đâu có ích lợi gì, nhiều khi không đúng sự thật thì lại mang khẩu nghiệp, cho nên hãy im lặng thực tập chánh niệm trong từng phút giây. Như mẹ tôi thực tập đã lâu nhưng tâm hờn ghen vẫn còn, lúc nào nó cũng có thể bộc phát và khi có ai đó bắt chuyện mà đúng tâm trạng của mẹ nữa thì thôi mẹ tôi sẽ nói hoài không thôi và uổng công mình mất đi chánh niệm cả ngày hôm đó.
Tâm mình nhiều lúc cũng rất giả tạo và ngụy biện cho những hành vi của bản thân. Đa phần là mình lừa dối nhau để mà sống, để thỏa mãn những ham muốn nhất thời. Không ai chấp nhận là mình sai kể cả một tên cướp bị cảnh sát bắt giam còn nói “tôi không phải là cướp, tôi không có tội” huống gì tâm mình đã luồng lách lèo lái suốt bao năm trời. Nhưng mình đâu biết chính vì những cái tâm sống giả tạo và ngụy biện đó vô hình chung nó khiến mình tạo những nghiệp bất thiện hồi nào không hay. Tốt nhất là nên sống thật với bản thân của mình. Thời buổi bây giờ mà nghe ai nói một câu thật lòng, không chút lừa dối thì lòng tôi cảm thấy sung sướng và hạnh phúc vô cùng, hạnh phúc hơn cả một  tháng lương tôi làm anh thợ tiện.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.1/2/2015.

No comments:

Post a Comment