Saturday 31 January 2015

Hạt sương trên ngọn cỏ .

hat suong
Hạt sương trên ngọn cỏ

Quán vô thường
Cuộc đời phù du như một hạt sương trên đầu ngọn cỏ. Cái chết có thể đánh xuống bất kỳ lúc nào mà không báo trước. Một số người chết trẻ, một số người chết già, một số chết vì bệnh, một số chết trong chiến tranh hay vì một tai nạn dữ dội bất ngờ như bị rơi xuống vách núi. Một số người chết khi ngủ, một số chết khi đang đi, một số chết lúc đang ăn. Một số người chết thanh thản, một số tan nát bởi sự bám luyến đối với những người thân và của cải của họ. Những người thân và bằng hữu sẽ chẳng có ích lợi gì vào lúc chết, của cải và thực phẩm sẽ vô ích, và thân thể của ta sẽ trở nên vô dụng.
Không có gì được gọi là trường tồn và mãi mãi với tất cả chúng ta. Ngọn cây cọng cỏ cũng phải khô héo và chết đi cho những cây con đâm chồi lớn lên. Chiếc máy vi tính mà ta đang xài cũng trở nên chậm chạp và cũ kỹ theo năm tháng, ngôi nhà ta đang ở cũng sẽ mục nát theo thời gian. Tất cả những gì ta thấy, sinh – diệt hay hợp – tan đều bị chi phối bởi vô thường. Mình thử nhìn xem bốn mùa trong năm thay đổi như thế nào? Vào mùa hạ những tán lá xanh tươi xem lẫn những cành hoa phượng vĩ đỏ thơm ngát tràn ngập khắp nơi. Vào mùa thu, cỏ cây khô héo và úa vàng, những bông hoa biến thành trái quả và cây cối bắt đầu thay lá. Sang mùa đông, miền đất có thể bị tuyết trắng phủ kín và tuyết tan đi khi hơi ấm của mùa xuân xuất hiện. Bầu trời có thể bị mây che phủ vào buổi sáng, và buổi chiều thì trở nên trong trẻo; những con sông có thể dâng tràn hay khô cạn; mặt đất rắn chắc có thể lay động và rung chuyển thật rõ ràng và một vùng đất có thể bị truồi đi và trượt mất. Thời gian trôi qua như thế nào, thì mọi vật cũng trôi qua như thế ấy. Ở khắp mọi nơi trong thế giới bên ngoài, ta không thể tìm được duy nhất một hiện tượng nào là vững chắc.
Nhìn vào thân thể ta mà thấy rằng ta không phải là thân thể này, thân thể này không phải là ta. Nó chỉ là một túi da hôi thối chứa đựng những thứ bất tịnh, là sự vay mượn của tứ đại, đến lúc nào đó ta cũng phải trả cái thân này lại cho tứ đại. Một khi tâm thức không còn biểu hiện, thân này không còn hơi thở, tim ngừng đập thì cơ thể sẽ bị những vi khuẩn ăn từ trong ra, trương sình lên và hôi thối. Nếu như thần thức của người đó có thể nhìn thấy được thân xác của mình thì sẽ ghê tởm thân giả tạm này hơn bao giờ hết. Thân này có gì là của ta đâu mà phải chiều chuộng nó đến thế. Có người cho rằng thân này là của mình nên lúc nào cũng chăm mẫm cái thân này dữ dội lắm, sợ cái thân này xấu hay già đi. Nhìn trên gương mà thấy có vài vết chân chim, tí nếp nhăn trên mặt là lập tức đi thẩm mỹ viện kéo căng da, xóa mờ vết thâm. Hay khi thân này muốn ăn ngon, mặc đẹp thì bắt ta phải đi kiếm cho bằng được thức ăn, phải làm việc vất vả để mua cho được cái áo hợp thời trang. Và nó thích những nơi náo nhiệt ồn ào chứ không chịu ngồi yên một chỗ hay những nơi yên tĩnh.
Thân năm trước không phải thân năm nay, thân ban mai không phải thân buổi chiều, mỗi phút giây trong thân đều có sanh và có chết. Thân ta đã không biết bao lần thay đổi; và cái xác khi người ta đặt vào quan tài, thật không còn gì giống với cái thân khi mới sơ sinh. Nếu ta nói thân thể này là thường còn, là mãi mãi thì làm gì có chuyện đứa nhỏ lớn lên và già nua theo năm tháng. Thân này là vô thường, có lúc khỏe mạnh thì đến lúc nào đó  cũng phải bệnh đau. Hôm nay ta là một đứa trẻ chỉ biết vui chơi ca hát học hành, không lo không nghĩ nhưng chẳng mấy chốc ta lại già đi, ăn nói chậm chập và cử chỉ cũng không còn linh hoạt như xưa. Thử hỏi thân giờ phút này đây còn trẻ, còn đủ sức khỏe, ta phải làm gì để khi già không phải hối tiếc? Có người dùng thân này làm những việc như   hại người hại vật, tạo ra không biết bao nhiêu tội lỗi đến khi quả bất thiện trổ ra họ sẽ đau đớn không chịu nổi. Nhưng có những người dùng thân này tạo phước, giúp đỡ người, chuyên cần thực tập chánh niệm, gìn gữi giới luật suốt ngày đêm thì nếu như trong lúc đó lỡ như người này có mất đi cũng được sanh vào cõi thiện lành.
Tâm trí ta cũng vô thường. Những suy nghĩ lăng xăng hay lộn xộn mà ta cho là tâm mình thực ra chỉ là tâm hư vọng, không phải là tâm chân thật. Tâm niệm của chúng ta thay đổi trong từng phút giây, theo với ngoại cảnh. Chúng ta buồn đó rồi vui đó, thương đó rồi giận đó. Phút trước ta nhớ chuyện này, phút sau đã quay sang chuyện khác. Có lúc mình thiền rất tốt, có lúc thì không. Nhưng đừng bận tâm về việc này. Cứ tiếp tục. Nếu tâm khởi niệm nghi ngờ, hãy nhận biết rằng chúng, cũng như mọi thứ khác trong tâm, đều vô thường cả.
Biết vô thường, con người  giữ được bình tĩnh, thản nhiên trước cảnh đổi thay bất ngờ và không đau khổ trước cảnh ân ái chia ly. Biết vô thường, con người dám hy sinh tài sản, sanh mạng để làm việc nghĩa. Biết vô thường, con người mới chán ngán những thú vui tạm bợ, giả trá, và sáng suốt đi tìm những cái vui chân thật. Vì thật ra, cái vui chân thật thường còn, cái tánh chân thường vẫn có, nhưng nó nằm bên trong cái lớp giả dối tạm bợ; vô thường của cõi đời này, nên chúng ta không thể thấy được. Khi chúng ta đã cương quyết gạt bỏ cái vỏ giả dối ấy, thì tất nhiên cái giá trị chơn thật, cái hạnh phúc chơn chính, cái Phật tánh sáng suốt, chắc thật muôn đời sẽ hiện ra.
Quán tự tính tam bảo
Con có khả năng giác ngộ, đó là Phật tính trong con.
Con có khả năng hành trì chánh pháp không mệt mỏi, đó là Pháp tính trong con.
Con có khả năng tạo ra phước điền cho bản thân và cho chúng sinh để đạt được quả vị giải thoát ngay trong phút giây hiện tại như là đức Phật, như là chánh pháp, như là các đệ tử Phật.
Chúng ta ai cũng có khả năng giác ngộ thành Phật nhưng quan trọng là mình có dụng công tu tập hay không. Đức Phật đã từng nói: “Phật nay đã thành, chúng sanh rồi cũng sẽ thành Phật”. Phật lúc chưa thành cũng là người bình thường như tất cả chúng sinh, phải tu tập nhiều kiếp mới có thể thành Phật. Chúng ta chỉ mới tu tập sơ sài có vài tháng thì làm sao có đủ duyên đủ phước để thành Phật.
Đi chỉ để đi thôi, tu chỉ để tu thôi. Trong khi đi mà mong đi cho lẹ cho mau tới thì nhiều khi bị vấp ngã, tu mà mong thấy cái này thấy cái kia mau chóng thành Phật thì cái mong cầu đó không được tọai nguyện, mất niềm tin, chán nản, bỏ cuộc giữa chừng. Hay mình có cái suy nghĩ rằng kiếp này mình tu tới cuối đời chắc không giải thoát thành Phật nổi đâu, cứ tu thảnh thơi đi có gì kiếp sau mình tu tiếp. Suy nghĩ tu thảnh thơi là suy nghĩ của ma. Đã bao nhiêu kiếp tu thảnh thơi rồi, kiếp này mình tiếp tục tu thảnh thơi nữa thì tới bao giờ mình mới giải thoát.
Trong tâm có tâm thiện và tâm ác. Phàm làm những việc gì trong tâm suy nghĩ thiện lành, có lợi cho người khác là thiện. Phàm làm những việc gì trong tâm suy nghĩ hơn thua hại người hại vật, có lợi cho bản thân là ác. Nếu như mình đã thấy được sự thiện lành trong tâm thì hãy cố gắng mà phát huy tâm thiện lành đó đừng để cho tâm ác có cơ hội phát huy. Cũng vậy, pháp cũng có chánh và tà nếu chúng ta đã lựa chọn cho mình con đường chánh pháp thì hãy tu tập một cách miên mật không mệt mỏi thì đến lúc nào đó chúng ta cũng sẽ thành tựu đạo quả.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.1/2/2015.

No comments:

Post a Comment