A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ LUẬN .
阿 毗 達 磨 俱 舍 論
ABHIDHARMAKOŚABHĀŚYĀM
TIẾT 3 : ĐẶC TÍNH SAI BIỆT CỦA CÁC PHÁP
A. TỤNG VĂN.
Hán văn.
一 有 見 謂 色 十 有 色 有 對
此 除 色 聲 八 無 記 餘 三 種
欲 界 繋 十 八 色 界 繋 十 四
除 香 味 二 識 無 色 繋 後 三
意 法 意 識 通 所 餘 唯 有 漏
五 識 唯 尋 伺 後 三 三 餘 無
說 五 無 分 別 由 計 度 隨 念
以 意 地 散 慧 意 諸 念 為 體
七 心 法 界 半 有 所 緣 餘 無
前 八 界 及 聲 無 執 受 餘 二
觸 界 中 有 二 餘 九 色 所 造
法 一 分 亦 然 十 色 可 積 集
謂 唯 外 四 界 能 斫 及 所 斫
亦 所 燒 能 稱 能 燒 所 稱 諍
內 五 有 熟 養 聲 無 異 熟 生
八 無 礙 等 流 亦 異 熟 生 性
餘 三 實 唯 法 殺 那 唯 後 三
眼 與 眼 識 界 獨 俱 得 非 等
Phiên âm.
Nhất hữu kiến vị sắc Thập hữu sắc hữu đối
Thử trừ sắc thanh bát Vô ký dư tam chủng
Dục giới hệ thập bát Sắc giới hệ thập tứ
Trừ hương vị nhị thức Vô sắc hệ hậu tam
Ý pháp ý thức thông Sở dư duy hữu lậu
Ngũ thức duy tầm tứ Hậu tam tam dư vô
Thuyết ngũ vô phân biệt Do kế đạt tuỳ niệm
Dĩ ý địa tán huệ Ý chư niệm vi thể
Thất tâm pháp giới bán Hữu sở duyên dư vô
Tiền bát giới cập thanh Vô chấp thọ dư nhị
Xúc giới trung hữu nhị Dư cửu sắc sở tạo
Pháp nhất phần diệc nhiên Thập sắc khả tích tập
Vị duy ngoại tứ giới Năng chước cập sở chước
Diệc sở thiêu năng xưng Năng thiêu sở xưng tránh
Nội ngũ hữu thục dưỡng Thanh vô dị thục sanh
Bát vô ngại đẳng lưu Diệc dị thục sanh tánh
Dư tam thật duy pháp Sát na duy hậu tam
Nhãn dữ nhãn thức giới Độc câu đắc phi đẳng
Việt dịch.
Một hữu kiến là sắc Mười sắc là hữu đối
Trừ sắc thanh còn tám vô ký; còn lại ba /29/
Mười tám thuộc Dục giới. Mười bốn thuộc Sắc giới,
Trừ hương vị, hai thức. Ba sau thuộc Vô sắc /30/
Ý, pháp, ý thức thông Còn lại là hữu lậu
Năm thức có tầm tứ. Ba sau ba. Còn không /31/
Năm thức không phân biệt Do kế đạt tuỳ niệm
Vì ý địa tán huệ Ý, các niệm là thể /32/
Bảy tâm, phần pháp giới hữu sở duyên; còn không.
Tám giới trước và thanh vô chấp thọ. Còn hai. /33/
Trong xúc giới có hai chín sắc kia sở tạo.
Pháp, một phần cũng vậy. Mười sắc thuộc tích tập./34/
Chỉ có bốn giới ngoài là năng chước, sở chước;
Là sở thiêu, năng xưng. Năng thiêu, sở xưng tránh./35/
Năm trong là thục, dưỡng. Thanh không thuộc dị thục.
Tám vô ngại, đẳng lưu cũng là dị thục sanh./36/
Còn lại thông cả ba. Thật, pháp. Sát na ba loại sau.
Nhãn và nhãn thức giới độc câu đắc phi đẳng./37/
B. LUẬN THÍCH.
1. KIẾN – VÔ KIẾN
Lại nữa, trong 18 giới được nói ở trước,
/29a/ Một, hữu kiến là sắc.
Trong 18 giới, chỉ riêng sắc giới thuộc hữu kiến vì nó có thể hiển thị nơi nầy hoặc nơi kia khác nhau. Căn cứ vào nghĩa nầy mà nói về vô kiến. Như vậy, hữu kiến và vô kiến chỉ nhiếp thuộc sắc uẩn.
2. HỮU ĐỐI – VÔ ĐỐI.
Đối[6] có nghĩa là cản trở[7]; được chia làm ba loại: cản trở bằng sự ngăn che, cản trở bởi hoạt trường và cản trở bởi đối tượng.
a. Cản trở bằng sự ngăn che[8] : nghĩa là trong 10 sắc giới, mỗi một giới bị cản trở, không thể sanh khởi ở nơi giới khác[9] được. Như cánh tay bị cản trở bởi cánh tay, hòn đá bị cản trở bởi hòn đá, hoặc cả hai thứ cản trở lẫn nhau.
b. Cản trở bởi hoạt trường[10] : nghĩa là 12 giới và một phần pháp giới, các pháp hữu cảnh nầy, bị cản trở tức bị giới hạn trong hoạt trường sắc, thanh v.v... của nó. Do đó, luận Thi Thiết[11] nói rằng, có loại mắt bị giới hạn ở trong nước chứ không phải trên đất, như mắt cá chẳng hạn; có loại mắt bị giới hạn ở trên đất chứ không phải trong nước; đây chỉ cho hầu hết các loại mắt, như mắt người v.v... ; có loại mắt bị giới hạn ở cả hai nơi, như mắt của loài quỷ ăn huyết nhục[12], mắt cá sấu[13], mắt người bắt cá, mắt ểnh ương v.v... ; có loại mắt không bị giới hạn ở cả hai nơi ấy, đó là trừ các loại mắt đã nêu trên. Lại có loại mắt bị giới hạn vào ban đêm, chứ không phải ban ngày, như các loại mắt dơi, mắt cú mèo v.v... ; có loại mắt bị giới vào ban ngày, chẳng phải ban đêm, đó là đa số các loại mắt, như mắt người v.v... ; có loại mắt bị giới hạn bởi cả hai, như các loại mắt chó, dã can, ngựa, báo, sài lang, miêu ly v.v... ; có loại mắt không bị giới hạn bởi cả hai, đó là trừ các loại mắt đã nêu trên. Tất cả đều gọi là cản trở bởi hoạt trường.
c. Cản trở bởi đối tượng[14] : nghĩa là các Tâm, Tâm sở bị cản trở, trói buộc bởi chính sở duyên của nó.
Lại nữa, sự khác biệt giữa hoạt trường (viṣaya) và đối tượng (ālambana) như thế nào? -Đối với một pháp, pháp nầy có công năng thì nói rằng, pháp kia là hoạt trường của pháp nầy. Tâm, tâm sở duyên vào các trần cảnh mà hiện khởi; do vậy, trần cảnh được gọi là đối tượng của tâm, tâm sở.
Nhãn thức giới v.v... , khi vận hành trong hoạt trường cũng như khi bám vào đối tượng của nó mà bị cản trở là thế nào?. Nghĩa là ra ngoài phạm vi của nó, đến một hoạt trường hoặc đối tượng khác, nó không hoạt động được. Hoặc, cản trở có nghĩa hoà hội[15], nghĩa là các pháp nhãn v.v... chỉ hoà hiệp vận hành trong hoạt trường và đối tượng của nó mà thôi.
Nên biết rằng, ở đây, căn cứ vào sự cản trở bằng ngăn che, do vậy, nói 10 sắc hữu đối ngăn che lẩn nhau. Dựa vào nghĩa hữu đối nầy để nói về nghĩa vô đối.
Những pháp cản trở bởi hoạt trường đồng thời cũng là pháp cản trở bởi sự ngăn che? Có bốn trường hợp phân biệt. Thứ nhất[16], thất tâm giới, một phần pháp giới tức những gì tương ưng với tâm. Thứ hai[17], năm cảnh vực, sắc v.v... . Thứ ba[18], năm căn nhãn v.v... . Thứ tư[19], một phần pháp giới tức những gì không tương ưng với tâm.
Những pháp cản trở bởi hoạt trường đồng thời là pháp cản trở bởi đối tượng chăng? Đó là trường hợp sau. Nghĩa là, pháp cản trở bởi đối tượng cũng chính là pháp cản trở bởi hoạt trường. Cũng có trường hợp, pháp cản trở bởi hoạt trường không phải là pháp cản trở bởi đối tượng. Đó là năm căn nhãn v.v... .
Đại đức Cưu ma la đa[20] nói: “Ở nơi pháp nào tâm muốn khởi, nhưng bị cản trở bởi pháp khác không khởi lên được, nên biết, đó là pháp hữu đối. Vô đối, thì ngược lại.”
Như vậy, đã nói xong về hữu đối, vô đối.
3. Thiện-Bất thiện-Vô ký.
- Bao nhiêu giới thiện (kuśala), bao nhiêu giới bất thiện (akuśala) và bao nhiêu giới vô ký (avyākṛta) ?
a. Vô ký.
/29c-d/ Trừ sắc, thanh, còn tám (là) vô ký.
Trong 10 sắc giới nầy, trừ hai giới sắc và thanh, tám giới còn lại thuộc vô ký. Đó là năm sắc căn và ba trần cảnh hương, vị, xúc. Tám giới nầy không xác định được thiện hay bất thiện nên gọi là vô ký. Thuyết khác nói, không xác định được quả dị thục nên gọi là vô ký. (Phản nạn) Nếu vậy thì, trong vô lậu chỉ là vô ký?
b. Thông cả ba.
/29d/ Còn lại ba.
Mười giới còn lại thông cả ba tánh thiện v.v... . Đó là, bảy tâm giới (tâm giới, cittadhātavaḥ), khi tương ưng với vô tham v.v[21]... , là thiện; khi tương ưng với tham v.v... , là bất thiện; ngoài ra là vô ký.
Pháp giới, nếu nguyên khởi tương ưng với tự tính vô tham v.v... , với trạch diệt là thiện; nguyên khởi tương ưng với tự tính tham, v.v... , là bất thiện; ngoài ra là vô ký.
Hai giới sắc, thanh, khi kết hợp với thân biểu và ngữ biểu, có nguyên khởi từ tâm thiện hoặc bất thiện thì chúng sẽ là thiện hoặc bất thiện; ngoài ra là vô ký.
4. GIỚI HỆ.
Trong mười tám giới, bao nhiêu giới hệ thuộc Dục giới; bao nhiêu giới hệ thuộc Sắc giới; và bao nhiêu giới hệ thuộc Vô sắc giới ?
a. Dục giới (kāmadhātu).
/30a/ Mười tám thuộc Dục giới.
Hệ là hệ thuộc, có nghĩa bị trói buộc. Hệ thuộc Dục giới có cả mười tám giới.
b. Sắc giới (rūpadhātu).
/30b-c/ Mười bốn thuộc Sắc giới, trừ hương, vi, hai thức.
Hệ thuộc Sắc giới, có mười bốn giới.
Trong Sắc giới, không có hai cảnh hương, vị và hai thức tỷ, thiệt. Không có hai cảnh hương vị vì chúng thuộc loại đoạn thực[22], trong khi sanh về cõi nầy chỉ những ai đã xa lìa loại thực phẩm đoạn thực. Trừ hai thức tỷ, thiệt bởi lẽ chúng không còn có đối tượng.
Phản nạn, như vậy trong cõi nầy, xúc giới cũng không tồn tại như hai trần cảnh hương vị, vì cũng thuộc loại đoạn thực ?
(Không phải vậy) ở cõi Sắc, có loại xúc không có tánh đoạn thực.
Phản nạn, nếu vậy hương vị cũng như thế ?
(Không phải như thế) hương và vị, ngoài tính cách làm thức ăn, không còn có công dụng nào khác; trong khi Xúc còn có công dụng làm sở y của căn, duy trì sinh mạng và y phục. Ở cõi kia không còn nhu cầu thực phẩm đoạn thực nên hương vị không có; vẫn còn căn và y phục nên xúc không thể không.
Luận sư khác[23] nói, ở Dục giới, tu tập các thiền (dhyāna) và định (samāpatti) của Sắc giới có thể thấy sắc, nghe thanh và xúc đặc biệt lợi ích cho thân cùng khởi lên với khinh an (praśrabdhi). Do vậy, ba giới sắc, thanh và xúc theo nhau phát sanh với sự sanh khởi của thiền. Hương vị thì không, cho nên không có ở cõi kia.
Phản nạn, nếu vậy ở cõi kia, hai căn tỷ, thiệt cũng không nên có như hai trần cảnh hương vị, vì chúng không có công dụng ?
(Không phải vậy) Hai căn tỷ thiệt ở cõi kia vẫn có công dụng. Đó là phát khởi ngôn thuyết và trang nghiêm thân thể.
Nếu với công dụng phát khởi ngôn thuyết và trang nghiêm thân thể, chỉ cần y xứ (adhiṣṭhāna); cần gì đến hai căn ?
Không có nam căn thì y xứ cũng không; cũng vậy không có hai căn nầy thì y xứ của chúng cũng không. Ở Sắc giới, không có y xứ của nam căn vì không có công dụng. Y xứ của tỷ thiệt có công dụng nên không căn nó vẫn có.
Mặc dù[24] không có công dụng, căn vẫn sinh khởi; như đối với những cái chết nhất định trong bào thai. Có tuy vô dụng nhưng không phải không có nguyên nhơn. Vậy, từ nguyên nhơn nào mà căn sinh khởi ? Nghiệp đặc biệt do khát ái liên hệ đến căn nầy. Nếu lìa khát ái đối với cảnh thời nhất định cũng chấm dứt khát ái đối với căn.
Ở Sắc giới, ly dục đối với cảnh nên hai căn tỷ thiệt lẽ ra không phát sinh.
Hoặc, nơi đó nam căn cũng sinh khởi[25]. Nếu bảo rằng, không sinh do vì xấu xí thì sự ẩn kín của âm mã tàng[26] có gì là xấu[27]. Vã lại, sự sinh khởi của căn không chỉ vì có công dụng; nếu có năng lực của tác nhân thì không có công dụng, căn vẫn sinh khởi. Nam căn, ở cõi kia tuy xấu xí nhưng nếu có nguyên nhân thì có sự sinh khởi. Nam căn đã không có, tỷ thiệt cũng nên không.
Nếu vậy, ắt trái ngược với những gì Khế kinh[28] đã nói, ở cõi kia, các chi không khuyết, các căn không thiểu giảm. Tuỳ (các tầng trời ở) cõi đó mà các căn hiện hữu đầy đủ nên nói là không thiểu giảm; có gì trái nhau. Nếu không chấp nhận như vậy thì nam căn cũng phải có.
Nhưng Kinh ấy nói như vậy[29]. Ở cõi kia, hai căn tỷ thiệt hiện hữu, chỉ không tồn tại hai giới hương vị. Do vì, do thông qua tự thể nội thân (ātmabhāva), chứ không phải thông qua cảnh vực, mà khát ái phát sinh nơi sáu xứ (āyatana). Trong khi đó, thông qua xúc dâm dục (maithunasparśa), ái phát sinh nơi căn. Ở cõi đó, dâm xúc không có nên năm căn cũng không. Do vậy, hệ thuộc Sắc giới, chỉ có 14 giới.
c. Vô sắc giới (arūpadhātu).
/30d/ Ba sau thuộc Vô sắc
Hệ thuộc Vô sắc giới chỉ có ba giới sau cùng. Đó là ý giới, pháp giới và ý thức giới. Cần phải xa lìa sắc dục mới sanh Vô sắc giới. Do vậy, ở cõi nầy không có 10 sắc giới; và vì duyên sở y không có nên năm thức cũng không.
5. Hữu lậu – Vô lậu.
Trong 18 giới, có bao nhiêu giới thuộc hữu lậu (sāsrava), bao nhiêu giới thuộc vô lậu (anāsrava) ?
a. Cả hai.
/31a/ Ý pháp ý thức thông
Ý và ý thức giới nhiếp thuộc đạo đế (mārgasatya) gọi là vô lậu; ngoài ra là hữu lậu. Pháp giới nếu nhiếp thuộc đạo đế, vô vi (asaṃskṛta) gọi là vô lậu. Ngoài ra là hữu lậu.
b. Hữu lậu.
/31b/ Còn lại là hữu lậu.
Mười lăm giới còn lại thuộc hữu lậu.
6. Tầm -Tứ.
Trong 18 giới, có bao nhiêu giới có tầm (savitarka) có tứ[30] (savicāra) ? bao nhiêu giới không tầm chỉ có tứ ? bao nhiêu giới không tầm không tứ ?
a. Năm thức thân
/31c/ Năm thức có tầm tứ
Năm thức nhãn nhĩ v.v... có tầm, có tứ do bởi luôn luôn tương ưng với chúng; lại nữa, do hành tướng thô và hoạt động hướng ra bên ngoài. Để diễn tả nghĩa quyết định nên dùng chữ “duy, (hi)[31]”.
b. Ba giới cuối.
/31d/ Ba sau ba.
Ba giới sau cùng chỉ cho ý giới, pháp giới và ý thức giới; trong căn, cảnh, thức, các giới nầy đều nằm sau cùng. Chúng có đủ cả ba trạng thái (prakāra)[32].
Ý giới, ý thức giới và phần pháp giới tương ưng với tâm (saṃprayukta) trừ tầm và tứ,
ở Dục giới, Sơ thiền, có tầm có tứ.
Ở Thiền trung gian (dhyānāntara), không có tầm, chỉ có tứ.
Từ Nhị thiền lên đến Hữu đảnh (bhāvagra), không có tầm, không có tứ. Phần pháp giới không tương ưng với tầm và tứ trong Thiền trung gian, cũng như vậy.
Lại nữa, tầm luôn luôn không có tầm mà chỉ có tứ vì không có hai tầm cùng một lúc. Ở Dục giới và Sơ thiền, tứ không có ba trạng thái nầy thì nên gọi là gì ? Nói rằng, không có tứ, chỉ có tầm vì không có hai tứ cùng một lúc. Do đó nói rằng, trong các địa (bhūmi) có tầm có tứ, các pháp có bốn trạng thái –1.Có tầm có tứ; đó là các pháp tương ưng với tâm trừ tầm và tứ. 2.Không có tầm, chỉ có tứ; đó là tầm. 3.Không có tầm, không có tứ; đó là các pháp không tương ưng với tâm. 4.Không có tứ, chỉ có tầm ; đó là tứ.
c. Các giới còn lại.
/31d/ Còn không
Mười sắc giới còn lại, không có tầm và tứ vì không tương ưng với tầm tứ.
Năm thức thân (vijñānakāya) có tầm có tứ, tại sao lại nói là không có tính phân biệt (avikalpa) ?
/32a-b/ Năm thức không phân biệt / do thẩm sát, hồi ức.
Truyền thuyết[33], phân biệt có ba loại -phân biệt do tự tánh[34], phân biệt bằng thẩm sát[35] và phân biệt bằng hồi ức[36]. Năm thức thân tuy có tự tánh phân biệt nhưng không có hai loại phân biệt kia, nên nói là không có tính phân biệt. Cũng như, con ngựa một chân thì gọi là ngựa không chân vậy. Thể của phân biệt do tự tánh là tầm; điều nầy sẽ được đề cập đến trong phần tâm sở ở sau.
d. Ý phân biệt
Tự tánh của hai loại phần biệt kia là gì ? Nói theo thứ tự,
/32c-d/ Do ý địa tán huệ Ý, các niệm là thể.
Ý địa[37] tương ưng với huệ không tập trung và với các niệm là thể.Tán là không tập trung; ý thức tương ưng với huệ không tập trung gọi là phân biệt bằng thẩm sát. Ý thức tương ưng với các niệm, hoặc trong trạng thái tập trung hay trong trạng thái không tập trung gọi là phân biệt bằng hồi ức.
Như vậy là đã nói xong về việc có tầm, có tứ.
7. SỞ DUYÊN
a. Bảy tâm giới.
/33a-b/ Bảy tâm, phần pháp giới có đối tượng;
Sáu thức, ý giới và một phần pháp giới tương ưng với tâm có đối tượng vì chúng có công năng nắm bắt cảnh vực.
b. Các giới khác.
/33b/ còn không.
Mười sắc giới còn lại và phần pháp giới không tương ưng với tâm là không có đối tượng.
8. CHẤP THỌ.
a. Không chấp thọ
/33c-d/ Tám giới trước và thanh không chấp thọ.
Có chín giới không được chấp thọ; đó là bảy tâm giới, toàn bộ pháp giới ; tám giới nầy cùng với thanh giới không được chấp thọ.
b. Cả hai.
/33d/ Còn hai.
Chín giới còn lại vừa là chấp thọ vừa không chấp thọ. Năm căn nhãn v.v.. , ở trong hiện tại là chấp thọ; trong vị lai, quá khứ là không được chấp thọ. Hương, vị, xúc, ở trong hiện tại, không lìa năm căn, là được chấp thọ; nếu trong hiện tại lìa năm căn, hoặc ở vị lai hay quá khứ là không được chấp thọ. Chẳng hạn như, trong thân, trừ các thứ hiệp với căn, còn lại tóc lông, móng tay, răng, đại tiểu tiện lợi, mũi, đàm, huyết v.v... và các thứ ngoài thân như sở tạo sắc -sắc, hương, vị, xúc, tuy ở trong hiện tại nhưng không được chấp thọ.
Chấp thọ ở đây nói theo nghĩa nào ? –Pháp mà tâm, tâm sở đều cùng nắm bắt, đều lấy làm chỗ nương tựa và sự lợi ích hay tổn hại của chúng xoay vần tuỳ thuộc lẩn nhau được gọi là chấp thọ. Đó là điều mà thế gian nói là có cảm giác[40]; các cảm giác vui buồn do tiếp xúc với các duyên vậy.
Ngược lại với chấp thọ là không chấp thọ.
9. ĐẠI CHỦNG.
Trong 18 giới, bao nhiêu giới có tự tính là đại chủng[41], bao nhiêu giới có tự tính là sở tạo[42] ?
/34a/ Trong xúc giới có hai.
Xúc giới có cả hai tính chất -đại chủng và đại chủng sở tạo. Đại chủng có 4 loại : tánh cứng v.v... . đại chủng sở tạo có 7 loại : tánh trơn v.v... ; từ đại chủng sinh ra gọi là đại chủng sở tạo.
/34b/ Chín sắc kia sở tạo.
Chín sắc giới còn lại chỉ là đại chủng sở tạo. Chín sắc giới đó là năm sắc căn và bốn cảnh vực (viṣaya) -sắc v.v...
/34c/ Pháp, một phần cũng vậy.
Vô biểu sắc tức một phần của pháp giới, cũng chỉ là đại chủng sở tạo.
Còn lại bảy tâm giới và một phần pháp giới trừ vô biểu sắc đều không thuộc cả hai.
i.Tôn giả Giác Thiên (Budhadeva) nói : “Mười loại sắc xứ chỉ là đại chủng”. Điều đó không đúng, vì trong Kinh nói, bốn tính chất cứng, mềm, ấm, động là đại chủng. Bốn đại chủng nầy nhiếp thuộc xúc giới. Chúng không phải là đối tượng được nắm bắt bởi con mắt .v.v... ; ngược lại, sắc, thanh v.v... không phải là đối tượng được xúc giác bởi thân căn. Do vậy, điều mà Tôn giả nói là không hợp lý.
Khế Kinh lại nói, con mắt là nội xứ, tịnh thể của bốn đại chủng sở tạo, là cái có sắc, là cái không thể thấy, là cái có tính chất cản ngại. Cho đến thân xứ, cũng nói như vậy. Bí sô nên biết, sắc là ngoại xứ, do bốn đại chủng tạo nên, là cái có sắc, có thể thấy được, có tính chất cản ngại. Thanh là ngoại xứ, do bốn đại chủng tạo nên, là cái có sắc, không thể thấy được, có tính chất cản ngại. Hai xứ hương, vị cũng nói như vậy. Xúc là ngoại xứ, là bốn đại chủng đồng thời được tạo nên bởi bốn đại chủng sở tạo, là cái có sắc, không thể thấy được, có tính chất cản ngại. Như vậy rõ ràng[43], trong Kinh chỉ nói, xúc xứ nhiếp thâu bốn đại chủng.Các sắc xứ còn lại đều chẳng phải là đại chủng.
ii.Nếu vậy, tại sao Kinh lại nói rằng trong con mắt, trong khối thịt đều có tính cứng[44], thuộc loại thể rắn[45] v.v... Cho đến nói rộng ra. Kinh ấy nói , không thể lìa con mắt mà khối thịt có tính cứng .v.v... được; điều đó không có gì trái nhau.
Trong Kinh Nhập thai[46] nói, sáu giới là con người[47]; ý nghĩa là nêu rõ thực thể căn bản[48] tạo nên con người, chẳng phải sáu giới là con người. Lại nữa, Kinh cũng nói, có sáu xúc xứ. Vả lại, tâm sở lẽ ra nên không có; cũng không nên chấp tâm sở cũng chính là tâm vì Khế Kinh nói rằng, các pháp tâm sở như thọ, tưởng v.v... đều y chỉ vào tâm vậy. Cũng như Kinh nói tâm có tham[49] v.v... vậy. Do đó, như trước đã nói, các giới là đại chủng, do đại chủng tạo nên khác nhau đã được thành lập.
10. KHẢ TÍCH TẬP.
/34d/ Mười sắc thuộc tích tập.
Mười sắc giới gồm năm căn và năm cảnh là khả tích tập vì chúng do cực vi tạo nên. Căn cứ vào nghĩa nầy, tám giới còn lại là phi tích tập vì không phải do cực vi tạo nên.
11. NĂNG CHƯỚC.
/35a-b/ Chỉ có bốn giới ngoài / là năng chước, sở chước.
Sắc, hương, vị và xúc khi trở thành hoặc búa hoặc củi thì gọi là năng chước, sở chước.
Pháp gì gọi là chước ? –Các tụ sắc như củi v.v... khi bị tương bức vẫn tiếp tục tồn tại; khi bị búa, rìu cắt đứt chúng vẫn tiếp tục tồn tại riêng biệt. Những pháp đó gọi là chước. Các sắc căn như thân không thể gọi là sở chước vì khi bị cắt lìa không thể tồn tại thành hai phần riêng biệt. Thân căn v.v.. không thể thành hai phần vì các chi phần khi bị cắt đứt khỏi thân thì không thể tồn tại như căn được. Thân căn v.v.. cũng không thể là năng chước; vì trong suốt[52] như ánh sáng của minh châu.
12. TRỌNG LỰC.
/35c-d/ Là sở thiêu, năng xứng / Năng thiêu, sở xưng tránh.
Cũng như năng chước, sở chước, thể của sở thiêu, năng xưng[54] là bốn giới bên ngoài; nghĩa là bốn giới bên ngoài gọi là sở thiêu, năng xưng. Các sắc căn như thân v.v... cũng chẳng phải là hai loại đó; vì trong suốt như ánh sáng của minh châu. Thanh giới hoàn toàn không phải là chước, thiêu và xưng; vì nó không có tính chất gián đoạn.
Với năng thiêu, sở xưng còn có những quan điểm khác nhau – có quan điểm cho rằng, thể của sở thiêu, năng xưng cũng giống như trước đã nói;đó là bốn giới bên ngoài. Có quan điểm cho rằng, hoả giới mới gọi là năng thiêu; và trọng lực mới gọi là sở xưng.
13. HẬU QUẢ - PHÁT TRIỂN.
Trong 18 giới, có bao nhiêu giới là Dị thục sanh[55], bao nhiêu giới là Sở trưởng dưỡng[56] và bao nhiêu giới là Đẳng lưu tánh ?
/36a/ Năm trong là thục, dưỡng.
Năm trong tức là năm giới nhãn, v.v... thuộc dị thục sanh và sở trưởng dưỡng. Chúng không thuộc Đẳng lưu vì lìa dị thục và sở trưởng dưỡng, chúng không còn có một tính chất nào khác. Từ dị thục nhơn sinh ra nên gọi là dị thục sanh. Như chiếc xe được kéo bởi con bò nên nói là xe bò. Do lược bỏ mầy chữ ở giữa ( sở giá) nên nói như vậy. Hoặc gọi là dị thục khi nghiệp sở tạo đã dẫn đến kết quả. Tức là, nghiệp đã được nấu chín. Quả từ đó sanh ra nên gọi là dị thục sanh. Quả với nhơn là khác loại nhưng đã chín muồi từ nhơn nên gọi là dị thục. Hoặc trong nhơn của quả, giả thuyết là quả; hoặc trong quả giả thuyết là nhơn. Kinh nói “ Sáu xúc xứ trong hiện tại, nên biết, đó chính là nghiệp đã tạo trong quá khứ.”
Sở trưởng dưỡng là những cái được tích luỹ từ thực phẩm, từ sự trang sức, từ ngủ nghỉ và từ định. Có vị nói, phạm hạnh cũng có khả năng trưởng dưỡng. Thật ra, phạm hạnh chỉ không gây nên tổn hại chứ không có một lợi ích nào khác. Tính liên tục[57] của sở trưởng dưỡng bảo vệ tính liên tục của dị thục. Giống như ngoại quách giữ gìn bảo vệ nội thành vậy.
/37b/ Thanh không thuộc dị thục.
Thanh giới thuộc đẳng lưu, sở trưởng dưỡng[58], không thuộc dị thục. Vì sao ? bởi vì nó hoạt động theo ý muốn[59]. Nếu vậy, lẽ ra luận Thi thiết (Prajñapti) không nên nói, âm thanh tướng của đại nhân thành tựu từ sự tu tập, tránh xa lời nói thô ác[60]. Các vị khác nói, tuy do nghiệp sanh nhưng chẳng phải là dị thục bởi vì Thanh khởi sinh từ khâu thứ ba[61]. Đó là, từ nghiệp sanh đại chủng; từ đại chủng sanh thanh. Hoặc các vị khác lại nói, tuy do nghiệp sanh nhưng chẳng phải là dị thục bởi vì Thanh khởi sinh từ khâu thứ năm[62]. Đó là, từ nghiệp sanh dị thục đại chủng; từ dị thục đại chủng sanh trưởng dưỡng đại chủng; từ trưởng dưỡng đại chủng sanh đẳng lưu đại chủng; từ đẳng lưu đại chủng sanh thanh. Như vậy thì, cảm thọ nơi thân vốn phát sinh từ đại chủng do nghiệp sanh, không thể là dị thục. Nếu nói thọ giống như thanh[63] thì không phù hợp với luận Chánh lý.
14. ĐẲNG LƯU.
/37c-d/ Tám vô ngại, đẳng lưu cũng là dị thục sanh.
Tám vô ngại là bảy tâm giới và pháp giới. Tám giới nầy có tính chất đẳng lưu[64] và dị thục. Được sinh ra từ đồng loại biến hành nhơn[65] là đẳng lưu tánh. Các pháp vô ngại không do tích tập nên không phải là sở trưởng dưỡng. Được sinh ra từ nhơn dị thục gọi là dị thục sanh.
/38a/ Còn lại thông cả ba.
Chữ còn lại chỉ cho bốn giới -sắc, hương, vị, xúc. Bốn giới nầy có cả ba tính chất là dị thục sanh, sở trưởng dưỡng và đẳng lưu tánh.
15. THỰC CHẤT.
/38a-b/ Thật, pháp.
Pháp có thực chất[66] duy chỉ pháp giới. Ở đây, thật là vô vi vì nó có tính kiên thật. Do vậy, trong 18 giới, chỉ có pháp giới là thật hữu.
16. SÁT NA.
/37b/ Sát na, ba loại sau.
Ý giới, ý thức giới và pháp giới là ba loại sau. Ba giới nầy, trong ba cụm sáu ( sáu căn, sáu trần và sáu thức), đều được xếp ở sau cùng vậy. Chỉ có ba giới nầy là nhất sát na bởi vì chúng ở trong phẩm loại vô lậu tối sơ[67] của khổ pháp trí nhẫn chứ không ở trong đẳng lưu[68]. Ở đây, nói cứu cánh chẳng phải là đẳng lưu. Nên nhớ rằng, ngoài ra, không có pháp hữu vi nào (đã sinh khởi) mà không phải đẳng lưu. Tâm tương ưng với khổ pháp nhẫn là ý giới và ý thức giới. Những pháp còn lại cùng khởi lên với tâm nầy là pháp giới.
Như vậy, đã nói xong về Dị thục sanh v.v...
Tiếp đến, cần nghiệm xét vấn đề - Hoặc khi thành tựu nhãn giới mà trước đây vốn chưa thành tựu[69], có thành tựu nhãn thức giới không? Hoặc khi thành tựu nhãn thức giới trước đây vốn chưa thành tựu, có thành tựu nhãn giới không ?
17. THÀNH TỰU.
(37c-d)Nhãn và nhãn thức giới độc câu đắc phi đẳng
Độc: độc đắc, ý nghĩa thế nào? –Đó là, (a).Hoặc chỉ thành tựu nhãn giới vốn chưa thành tựu, không thành tựu nhãn thức giới. Trường hợp, nhãn căn dần dần thành tựu ở Dục giới; và khi ở Vô sắc, chết, tái sanh vào các cõi thiền thứ hai, ba, tư[70]. (b).Hoặc chỉ thành tựu nhãn thức giới vốn chưa thành tựu, không thành tựu nhãn giới. Trường hợp, nhãn thức giới hiện khởi[71] khi sanh vào các cõi thiền thứ hai, ba, bốn; hoặc từ đó chết, tái sanh vào các cõi dưới.
Câu đắc: Hoặc thành tựu cả hai giới (nhãn giới và nhãn thức giới), trước đây vốn chưa thành tựu. Trường hợp, từ Vô sắc chết, sanh vào Dục giới và Phạm thế.
Phi: câu phi (cả hai giới đều không thành tựu). Đó là trừ các tướng (trường hợp) ở trước.
Đẳng: đó là, hoặc thành tựu nhãn giới, đồng thời thành tựu nhãn thức giới chăng? Có bốn trường hợp:
Thứ nhất, sanh vào các cõi thiền thứ hai, ba, bốn, khi nhãn thức không hiện khởi..
Thứ hai, sanh vào Dục giới, khi nhãn căn chưa thành tựu, hoặc đã thành tựu rồi mà bị mất.
Thứ ba, sanh vào Dục giới, khi nhãn căn đã thành tựu, không mất; hoặc sanh vào Phạm thế, hoặc sanh các cõi thiền thứ hai, ba, bốn, khi đang thấy sắc.
Thứ tư, trừ các trường hợp trên.
Cũng như vậy, sở đắc và thành tựu nhãn giới và sắc giới; nhãn thức giới và sắc giới ... cứ theo lý đó mà suy ra.
Chữ “đẳng” trong bài tụng nầy được dùng để chỉ cho những trường hợp chưa được đề cập đến. (Đó là, xả, bất thành tựu.). HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.30/1/2015.
No comments:
Post a Comment