Tuesday, 10 May 2016

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP V: ĐẠI PHẨM
CHƯƠNG MỘT: TƯƠNG ƯNG ĐẠO
I. PHẨM VÔ MINH
1.I. VÔ MINH (S.v, 1)
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Thắng lâm, trong vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. – “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3) – Khi nào vô minh dẫn đầu, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thành tựu các pháp bất thiện, thời vô tàm, vô quý nối tiếp theo. Với kẻ bị vô minh chi phối, vô trí, này các Tỷ-kheo, tà kiến sanh. Đối với kẻ có tà kiến, tà tư duy sanh. Đối với kẻ có tà tư duy, tà ngữ sanh. Đối với kẻ có tà ngữ, tà nghiệp sanh. Đối với kẻ có tà nghiệp, tà mạng sanh. Đối với kẻ có tà mạng, tà tinh tấn sanh. Đối với kẻ có tà tinh tấn, tà niệm sanh. Đối với kẻ có tà niệm, tà định sanh.
4) Khi nào minh dẫn đầu, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thành tựu các thiện pháp, thời tàm và quý nối tiếp theo. Với kẻ được minh chi phối, có trí, này các Tỷ-kheo, chánh kiến sanh. Đối với vị chánh kiến, chánh tư duy sanh. Đối với vị chánh tư duy, chánh ngữ sanh. Đối với vị chánh ngữ, chánh nghiệp sanh. Đối với vị chánh nghiệp, chánh mạng sanh. Đối với vị chánh mạng, chánh tinh tấn sanh. Đối với vị chánh tinh tấn, chánh niệm sanh. Đối với vị chánh niệm, chánh định sanh.
2.II. MỘT NỬA (Upaddham) (S.v, 1)
1) Một thời, Thế Tôn trú giữa các dân chúng Sakka, tại thị trấn của dân chúng Sakka tên là Sakkara.
2) Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
– Một nửa Phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, là thiện bạn hữu (kalyàsamittatà), thiện bạn đảng (kalyànasahàyatà), thiện thân tình (kalyàsam-pavankatà).
3) – Chớ có nói vậy, này Ànanda! Chớ có nói vậy, này Ànanda! Toàn bộ Phạm hạnh này, này Ànanda, là thiện bạn hữu, thiện bạn đảng, thiện thân tình. Với Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đảng, thiện thân tình, này Ànanda, thời được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành được làm cho viên mãn.
4) Và này Ànanda, thế nào là Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập và làm cho viên mãn Thánh đạo Tám ngành? Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỷ-kheo tu tập chánh tư duy... tu tập chánh ngữ... tu tập chánh nghiệp... tu tập chánh mạng... tu tập chánh tinh tấn... tu tập chánh niệm... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này Ànanda, là Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
5) Này Ànanda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Do Ta lấy thiện làm bạn hữu, này Ànanda, nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Chính với pháp môn này, này Ànanda, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình.
3.III. SÀRIPUTTA (S.v, 3)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
– Toàn bộ Phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, chính là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình này.
3) – Lành thay, này Sàriputta! Lành thay, này Sàriputta! Chính toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình này. Này Sàriputta, với Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, được chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, sẽ được làm cho viên mãn.
4-5) (Như đoạn số 4, số 5 của kinh trên, chỉ khác: đây là Tôn giả Sàriputta chớ không phải Tôn giả Ànanda)
4.IV. BÀ-LA-MÔN (S.iv, 4)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Tôn giả Ànanda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực.
3) Rồi Tôn giả Ànanda thấy Bà-la-môn Jànussoni đi xe ra khỏi Sàvatthi, cỗ xe toàn ngựa trắng kéo. Trắng là những con ngựa kéo xe. Trắng là những đồ trang sức. Trắng là cỗ xe. Trắng là những bộ phận tùy thuộc (parivàro). Trắng là những sợi dây cương. Trắng là cây gậy thúc ngựa. Trắng là cái lọng. Trắng là cái khăn đội. Trắng là những quần áo. Trắng là giày mang. Và được quạt với cái quạt trắng. Quần chúng thấy vậy, liền nói: “Thật là cỗ xe thù thắng. Thật là cỗ xe thù thắng về dung sắc!”
4) Rồi Tôn giả Ànanda đi khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát và đi vào Sàvatthi để khất thực. Bạch Thế Tôn, con thấy Bà-la-môn Jànussoni đi xe ra khỏi Sàvatthi, cỗ xe toàn ngựa trắng kéo. Trắng là những con ngựa kéo xe... Thật là cỗ xe thù thắng về dung sắc! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể nói lên cỗ xe thù thắng trong Pháp và Luật này?
Thế Tôn nói:
– Có thể được, này Ànanda. Thánh đạo Tám ngành này, này Ànanda, là đồng nghĩa với cỗ xe thù thắng, cỗ xe pháp này. Vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận.
5) Chánh tri kiến, này Ànanda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si. Chánh tư duy, này Ànanda, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si. Chánh ngữ... Chánh nghiệp... Chánh mạng... Chánh tinh tấn... Chánh niệm... Chánh định, này Ànanda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si.
Này Ànanda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu như thế này: “Cỗ xe thù thắng, cỗ xe pháp, vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận, là đồng nghĩa với Thánh đạo Tám ngành này”.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Đạo sư lại nói thêm:
Ai được tín, trí tuệ,
Thường xuyên liên kết lại,
Lấy hổ thẹn làm cán,
Lấy ý làm ách xe.
Niệm là người đánh xe,
Biết hộ trì, phòng hộ,
Cỗ xe lấy giới luật
Làm vật dụng cho xe.
Thiền là trục bánh xe,
Tinh tấn là bánh xe,
Xả là định thường hằng,
Vô dục là nệm xe.
Vô sân và vô hại,
Viễn ly là binh khí,
Nhẫn nhục là áo giáp,
An ổn khỏi khổ ách,
Làm mục đích đạt đến,
Cỗ xe được chuyển vận.
Pháp này tự ngã làm,
Trở thành thuộc tự ngã.
Là cỗ xe thù thắng,
Vô thượng, không sánh bằng.
Ngồi trên cỗ xe ấy,
Bậc Trí thoát ly đời,
Chắc chắn, không sai chạy,
Họ đạt được chiến thắng.
5.V. VỚI MỤC ĐÍCH GÌ? (S.v, 6)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi rất nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo đến hỏi chúng con: “Này chư Hiền, vì mục đích gì, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?” Được hỏi vậy, bạch Thế Tôn, chúng con trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Này chư Hiền, với mục đích liễu tri đau khổ, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama”. Được hỏi như vậy và trả lời như vậy, bạch Thế Tôn, có phải chúng con trả lời đúng với lời nói Thế Tôn, chúng con không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, chúng con trả lời đúng pháp và thuận pháp, và những ai là vị đồng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích?
4) – Này các Tỷ-kheo, các Ông được hỏi như vậy và trả lời như vậy là các Ông trả lời đúng với lời của Ta, các Ông không xuyên tạc Ta với điều không thật, các Ông trả lời đúng pháp và thuận pháp, và những ai là vị đồng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích. Này các Tỷ-kheo, do mục đích liễu tri đau khổ mà Phạm hạnh được sống dưới Ta. Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông: “Này Hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến liễu tri đau khổ này?” Được hỏi vậy, thời các Ông hãy trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Này chư Hiền, có con đường, có đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ này”.
5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ? Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến liễu tri sự đau khổ này.
6) Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.
6.VI. MỘT TỶ-KHEO KHÁC (1) (S.iv, 7)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo khác đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– “Phạm hạnh, Phạm hạnh”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?
– Này Tỷ-kheo, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này Tỷ-kheo, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây là cứu cánh Phạm hạnh.
7.VII. MỘT TỶ-KHEO KHÁC (2) (S.iv, 8)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến...
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
–“Nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Đồng nghĩa với gì, bạch Thế Tôn, là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si?
– Đồng nghĩa với Niết-bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc.
4) Khi được nói vậy, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– “Bất tử, bất tử”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Thế nào là bất tử, bạch Thế Tôn? Thế nào là con đường đưa đến bất tử?
– Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỷ-kheo, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là chánh tri kiến... chánh định.
8.VIII. PHÂN TÍCH (S.iv, 8)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng và phân tích Thánh đạo Tám ngành này. Hãy lắng nghe và khéo tác ý. Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3) – Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến... chánh định.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tri kiến? Này các Tỷ-kheo, chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tri kiến.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tư duy? Này các Tỷ-kheo, chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tư duy.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh ngữ.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh nghiệp? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ phi Phạm hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh nghiệp.
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh mạng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh mạng.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tinh tấn.
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh niệm.
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh, nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh định.
9.IX. SÙKA (Râu lúa mì) (S.iv, 10)
1-2) Tại Sàvatthi...
– Này các Tỷ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch đặt hướng sai lạc, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu bị đặt hướng sai lạc. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kiến bị đặt hướng sai lạc, con đường tu tập bị đặt hướng sai lạc, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể đạt Niết-bàn; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì kiến bị đặt hướng sai lạc.
3) Này các Tỷ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt hướng chân chánh, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu được đặt hướng chân chánh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kiến được đặt hướng chân chánh, con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì kiến được đặt hướng chân chánh.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo có kiến được đặt hướng chân chánh, con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng đạt Niết-bàn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy do kiến được đặt hướng chân chánh, do con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, nên đâm thủng vô minh, minh được sanh khởi, chứng được Niết-bàn.
10.X. NANDIYA (S.iv, 11)
1) Tại Sàvatthi.
2) Rồi du sĩ Nandiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Nandiya bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, có bao nhiêu pháp được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn?
4) – Có tám pháp này, này Nandiya, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Có tám pháp này, này Nandiya, được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn.
5) Khi được nói vậy, du sĩ Nandiya bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống... từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
II. PHẨM TRÚ
11.I. TRÚ (1) (S.v, 12)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) – Này các Tỷ-kheo, Ta muốn sống Thiền định trong nửa tháng, không có ai đến yết kiến Ta, trừ độc nhất người mang đồ ăn khất thực.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến yết kiến Thế Tôn, trừ một người người mang đồ ăn khất thực lại.
3) Rồi Thế Tôn sau nửa tháng, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy và gọi các Tỷ-kheo:
– Với sự an trú, Ta đã trú khi Ta mới chứng Chánh đẳng Chánh giác, nhưng Ta chỉ trú một phần thôi.
4) Như vậy, Ta rõ biết những gì được cảm thọ do duyên tà kiến, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến... những gì được cảm thọ do duyên tà định, những gì được cảm thọ do duyên chánh định, những gì được cảm thọ do duyên ước muốn (chanda), những gì được cảm thọ do duyên tầm (vitakka), những gì được cảm thọ do duyên tưởng (sannà).
5) Khi ước muốn không tịnh chỉ, thời tầm không tịnh chỉ, tưởng không tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, nhưng tầm chưa được tịnh chỉ, tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, nhưng tưởng chưa được tịnh chỉ, do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, tưởng được tịnh chỉ, do duyên như vậy, có được những cảm thọ.
6) Đối với người chưa chứng đạt, cần phải tinh tấn để được chứng đạt. Trong trường hợp đã được chứng đạt; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.
12.II. TRÚ (2) (S.v, 13)
1-2) Ở Sàvatthi...
– Này các Tỷ-kheo, Ta muốn sống Thiền tịnh trong ba tháng...
3) Sau ba tháng, Thế Tôn từ Thiền tịnh đứng dậy, gọi các Tỷ-kheo:
– Với sự an trú, Ta đã trú khi Ta mới chứng Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng Ta chỉ trú một phần thôi.
4) Như vậy, Ta rõ biết (pajànàmi) những gì được cảm thọ do duyên tà kiến, những gì được cảm thọ do duyên tà kiến được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tà định, những gì được cảm thọ do duyên tà định được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên chánh định, những gì được cảm thọ do duyên chánh định được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên ước muốn (chanda), những gì được cảm thọ do duyên ước muốn được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tầm, những gì được cảm thọ do duyên tầm được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tưởng, những gì được cảm thọ do duyên tưởng được tịnh chỉ.
5) Khi ước muốn không tịnh chỉ, tầm không tịnh chỉ, tưởng không tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, nhưng tầm chưa được tịnh chỉ, tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, nhưng tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, tưởng được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.
6) Đối với người chưa chứng đạt, cần phải tinh tấn để chứng đạt. Trong trường hợp đã được chứng đạt; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.
13.III. HỮU HỌC (S.v, 14)
1) Ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– “Hữu học, hữu học”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là bậc hữu học?
4) – Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ chánh kiến của bậc hữu học... đầy đủ chánh định của bậc hữu học. Cho đến như vậy, Tỷ-kheo ấy được gọi là bậc hữu học.
14.IV. SANH KHỞI (1)
1) Ở Sàvatthi...
2) – Có tám pháp này được tu tập, được làm cho viên mãn, chưa được sanh khởi, có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện.
3) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, chưa được sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện.
15.V. SANH KHỞI (2) (S.v, 14)
1) Ở Sàvatthi...
2) – Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.
3) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, nếu chưa được sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.
16.VI. THANH TỊNH (1) (S.v, 15)
1-2) Tại Sàvatthi...
Thế Tôn nói như sau:
3) – Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện.
4) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không có cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác xuất hiện.
17.VII. THANH TỊNH (2) (S.v, 15)
1-2) Tại Sàvatthi...
Thế Tôn nói như sau:
3) – Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng... có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.
4) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không có cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.
18.VIII. VƯỜN GÀ (1) (Kukkutàràma) (S.v, 15)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Ànanda, Tôn giả Bhadda trú tại Vườn Gà, tại Pàtaliputta.
2) Rồi Tôn giả Bhadda, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Ànanda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ànanda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, Tôn giả Bhadda nói với Tôn giả Ànanda:
– “Phi Phạm hạnh, phi Phạm hạnh”, này Hiền giả Ànanda, được nói đến như vậy. Thế nào, thưa Hiền giả, là phi Phạm hạnh?
– Lành thay, lành thay, Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm (ummagga) của Hiền giả! Hiền thiện thay, là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!
4) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: “Phi Phạm hạnh, phi Phạm hạnh, này Hiền giả Ànanda, được nói đến như vậy. Thế nào, thưa Hiền giả, là phi Phạm hạnh?” chăng?
– Thưa vâng, Hiền giả.
5) – Này Hiền giả, con đường tà đạo tám ngành này là phi Phạm hạnh. Tức là tà tri kiến... tà định.
19.IX. VƯỜN GÀ (2) (S.v, 16)
1-2) Nhân duyên ở Pàtaliputta...
3)– “Phạm hạnh, Phạm hạnh”, này Hiền giả Ànanda, được nói đến như vậy. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh, thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?
– Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm của Hiền giả! Hiền thiện thay, là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!
4) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: “Phạm hạnh, Phạm hạnh, này Hiền giả Ànanda, như vậy được nói đến. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh, thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?” chăng?
– Thưa phải, Hiền giả.
5) – Này Hiền giả, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si là cứu cánh Phạm hạnh này.
20.X. VƯỜN GÀ (3) (S.v, 16)
1-2) Nhân duyên tại Pàtaliputta...
3)– “Phạm hạnh, Phạm hạnh”, thưa Hiền giả, như vậy được nói đến. Thưa Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là người hành Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?
4) – Lành thay, lành thay, Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm của Hiền giả! Hiền thiện thay là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!
5) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: “Phạm hạnh, Phạm hạnh, này Hiền giả Ànanda, như vậy được nói đến. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là người hành Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?” chăng?
– Thưa phải, Hiền giả.
6) – Này Hiền giả, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này Hiền giả, ai đầy đủ Thánh đạo Tám ngành này, người ấy được gọi là người hành Phạm hạnh. Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây là cứu cánh Phạm hạnh.
III. PHẨM TÀ TÁNH
21.I. TÀ TÁNH (S.v, 17)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về tà tánh và chánh tánh. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà tánh? Tức là tà tri kiến... tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà tánh.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tánh? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tánh.
22.II. PHÁP BẤT THIỆN (S.v, 18)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi.
Thế Tôn nói như sau:
3) – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về bất thiện pháp và thiện pháp. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bất thiện pháp? Tức là tà tri kiến... tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bất thiện pháp.
5) Thế nào là thiện pháp? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Đây gọi là thiện pháp.
23.III. ĐẠO LỘ (S.v, 18)
1-2) Sàvatthi.
Thế Tôn nói như sau:
3) – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về tà đạo lộ và chánh đạo lộ. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà đạo lộ? Tức là tà tri kiến... tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà đạo lộ.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh đạo lộ? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh đạo lộ.
24.IV. ĐẠO LỘ (2) (S.v, 18)
1-2) Sàvatthi.
Thế Tôn nói như sau:
3) – Này các Tỷ-kheo, với người tại gia hay với người xuất gia, Ta không tán thán tà đạo lộ.
4) Người tại gia hay người xuất gia, theo tà hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì tà hạnh và nhân tà hạnh, vị ấy không phải là người phát huy (àràdhaka) chánh lý (nàyam), pháp (dhammam), và thiện (kusatam). Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà đạo lộ? Tức là tà tri kiến... tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà đạo lộ. Đối với người tại gia hay người xuất gia, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán tà đạo lộ.
5) Người tại gia hay người xuất gia theo tà hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì tà hạnh và nhân tà hạnh, vị ấy không phải là người phát huy chánh lý, pháp và thiện.
6) Và này các Tỷ-kheo, với người tại gia hay với người xuất gia, Ta tán thán chánh đạo lộ.
7) Người tại gia hay người xuất gia theo chánh hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì chánh hạnh và nhân chánh hạnh, vị ấy là người phát triển chánh lý, pháp và thiện. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh đạo lộ? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh đạo lộ. Và này với người tại gia hay người xuất gia, Ta tán thán chánh đạo lộ.
8) Người tại gia, hay người xuất gia, theo chánh hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì chánh hạnh và do nhân chánh hạnh, vị ấy trở thành người phát huy chánh lý, pháp và thiện.
25.V. KHÔNG PHẢI CHÂN NHÂN (1) (Asappurisa) (S.v, 19)
1-2) Ở Sàvatthi...
Thế Tôn nói như sau:
3) – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về phi chân nhân và chân nhân. Hãy lắng nghe.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi chân nhân.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến, theo chánh tư duy, theo chánh ngữ, theo chánh nghiệp, theo chánh mạng, theo chánh tinh tấn, theo chánh niệm, theo chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chân nhân.
26.VI. KHÔNG PHẢI CHÂN NHÂN (2) (S.v, 20)
1-2) Ở Sàvatthi...
Ở đấy, Thế Tôn nói như sau:
3) – Ta sẽ giảng cho các Ông, này các Tỷ-kheo, về phi chân nhân và tệ hơn phi chân nhân. Ta sẽ giảng cho các Ông, này các Tỷ-kheo, về chân nhân và tốt hơn chân nhân. Hãy lắng nghe...
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà kiến... theo tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi chân nhân.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi chân nhân còn tệ hơn phi chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà kiến... theo tà định, theo tà trí, theo tà giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi chân nhân còn tệ hơn phi chân nhân.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến... theo chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chân nhân.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc chân nhân còn tốt đẹp hơn bậc chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến... theo chánh định, theo chánh trí, theo chánh giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bậc chân nhân còn tốt đẹp hơn các bậc chân nhân.
27.VII. CÁI BÌNH (S.v, 20)
1-2) Ở Sàvatthi...
3)– Này các Tỷ-kheo, ví như một cái bình, nếu không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó nghiêng ngã. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu tâm không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó nghiêng ngã.
4) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là giá chống đỡ cho tâm? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến... chánh định. Đây gọi là cái giá chống đỡ tâm.
5) Này các Tỷ-kheo, ví như cái bình không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó bị nghiêng ngã. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu tâm không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó bị nghiêng ngã.
28.VIII. ĐỊNH (S.v, 21)
1-2) Ở Sàvatthi...
Rồi Thế Tôn nói như sau:
3) – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về chánh định với sở y (saupanisam), với tư lường (saparikkhàram). Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định với sở y, với tư lường? Tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm.
5) Nhứt tâm, này các Tỷ-kheo, có bảy chi phần này làm tư lường. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh chánh định với sở y, với tư lường.
29.IX. THỌ (S.v, 21)
1-2) Ở Sàvatthi...
Thế Tôn nói như sau:
3) – Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây là ba thọ này.
4) Muốn liễu tri ba thọ này cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định. Muốn liễu tri thọ này cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành.
30.X. UTTIYA hay UTTIKA (S.v, 22)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Rồi Tôn giả Uttiya đi đến Thế Tôn...
4) Ngồi một bên, Tôn giả Uttiya bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con độc cư Thiền tịnh, tư tưởng như sau được khởi lên: “Năm dục công đức được Thế Tôn nói đến, và năm dục công đức được Thế Tôn nói đến là gì?”
5) – Lành thay, lành thay, này Uttiya! Năm dục công đức này được Ta nói đến, này Uttiya. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận nhận thức... các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Năm dục công đức này, này Uttiya, được Ta nói đến.
6) Muốn đoạn tận năm dục công đức này, này Uttiya, cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Muốn đoạn tận năm dục công đức này, này Uttiya, cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành này.
IV. PHẨM VỀ HẠNH (Patipattivagga)
31.I. HẠNH (Patipatti) (S.v, 23)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
Thế Tôn nói như sau:
3) – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về tà hạnh và về chánh hạnh. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà hạnh? Tức là tà tri kiến... tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà hạnh.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh hạnh? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh hạnh.
32.II. NGƯỜI HÀNH TRÌ (S.v, 23)
1-2) Ở Sàvatthi...
Ở đây, Thế Tôn nói như sau:
3) – Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về người tà hạnh và người chánh hạnh. Hãy lắng nghe.
4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là người tà hạnh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà kiến... theo tà định. Đây gọi là người tà hạnh.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người chánh hạnh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là người chánh hạnh.
33.III. THỐI THẤT (Viraddha) (S.v, 23)
1-2) Tại Sàvatthi...
3) – Với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành bị thối thất, đối với họ, bị thối thất là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau. Với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành được thực hiện (àraddho), đối với họ, được thực hiện là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Đối với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành bị thối thất, bị thối thất là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau. Với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành được thực hiện, đối với họ, được thực hiện là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau.
34.IV. ĐẾN BỜ BÊN KIA (S.v, 25)
1-2) Tại Sàvatthi...
3) – Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia (apàràpa ramgamanàya). Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia.
4) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong, bậc Đạo sư lại nói thêm:
1) Ít thay là những người,
Đạt đến bờ bên kia.
Phần lớn quần chúng khác,
Chạy qua lại bờ này.
2) Những ai theo thuyết giảng,
Chánh pháp khéo tuyên thuyết,
Họ đến bờ bên kia,
Khéo vượt cảnh giới Ma.
3) Đoạn tận các hắc pháp,
Bậc trí tu bạch pháp,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Trong độc cư, khó lạc.
4) Ở đây, muốn hưởng lạc,
Hãy bỏ mọi dục vọng,
Bậc trí tự thanh lọc,
Tự tâm khỏi phiền não.
5) Những ai khéo tu tập,
Chánh tâm trong giác chi,
Từ bỏ các chấp trước,
Hoan hỷ không chấp thủ,
Lậu hoặc tận, chói sáng,
Đạt tịch tịnh ở đời.
35.V. SA-MÔN HẠNH (1) (S.v, 25)
1-2) Tại Sàvatthi...
3) – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về Sa-môn hạnh và quả Sa-môn hạnh. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn hạnh? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Sa-môn hạnh.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quả Sa-môn hạnh? Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả, A-la-hán quả. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là quả Sa-môn hạnh.
36.VI. SA-MÔN HẠNH (2) (S.v, 25)
1-2) Ở Sàvatthi...
3) – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về Sa-môn hạnh và mục đích Sa-môn hạnh. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn hạnh? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Sa-môn hạnh.
5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là mục đích Sa-môn hạnh? Này các Tỷ-kheo, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si. Đây gọi là mục đích Sa-môn hạnh (sàmannattho).
37-38.VII-VIII. BÀ-LA-MÔN HẠNH (1-2) (S.v, 25-26)
 (Giống như 35-36, chỉ khác: các kinh trước nói đến Sa-môn hạnh, các kinh này nói đến Bà-la-môn hạnh)
39-40.IX-X. PHẠM HẠNH (1-2) (S.v, 26)
 (Giống như kinh 35-36, chỉ khác: các kinh trước nói đến Sa-môn hạnh, các kinh này nói đến Phạm hạnh)
V. NGOẠI ĐẠO TRUNG LƯỢC
41.I. LY THAM. (S.v, 27)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) Rồi nhiều Tỷ-kheo... bạch Thế Tôn.
3) – Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Vì mục đích gì, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?” Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Do mục đích đoạn tận tham, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama”.
4) Này các Tỷ-kheo, nhưng nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Có con đường nào, có đạo lộ nào, này chư Hiền, đưa đến đoạn tận tham?” Được hỏi như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Có con đường, có đạo lộ đưa đến đoạn tận tham”.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham. Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời như vậy cho các du sĩ ngoại đạo ấy.
42.II. KIẾT SỬ (Samyojanam) (S.v, 28)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Vì mục đích gì, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?” Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Vì mục đích đoạn tận các kiết sử, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama...”
43.III. TÙY MIÊN (S.v, 28)
1)...
2) “... Vì mục đích nhổ sạch lên các tùy miên, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn...”
44.IV. HÀNH LỘ (Addhànam) (S.v, 28)
1)...
2) “... Vì mục đích liễu tri hành lộ, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn...”
45.V. ĐOẠN TẬN CÁC LẬU HOẶC (S.v, 28)
1)...
2) “... Vì mục đích đoạn tận các lậu hoặc, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn...”
46.VI. ĐƯỢC GIẢI THOÁT NHỜ MINH (Vijjàvimutti) (S.v, 28)
1)...
2) “... Vì mục đích chứng ngộ được quả giải thoát nhờ minh, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn...”
47.VII. TRÍ (S.v, 28)
1)...
2) “... Vì mục đích tự kiến, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn...”
48.VIII. KHÔNG CHẤP THỦ (S.v, 29)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Vì mục đích gì, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?” Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại ấy như sau: “Vì mục đích hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn”.
3) Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Có con đường nào, này chư Hiền, có đạo lộ nào đưa đến hoàn toàn tịch tịnh không có chấp thủ?” Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Có con đường, này chư Hiền, có đạo lộ đưa đến hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ”.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến tịch tịnh hoàn toàn không có chấp thủ? Chính Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ. Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.
VI. MẶT TRỜI LƯỢC THUYẾT (Suriyassa peyyàlam)
Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.
I. LIÊN HỆ ĐẾN VIỄN LY.
49.I. THIỆN HỮU (1) (S.v, 29)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông (arunuggam); cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước sự sanh khởi của Thánh đạo Tám ngành, chính là bạn hữu với thiện.
3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định... hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
50.II. GIỚI HẠNH (2) (S.v, 30)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái đi trước và điềm báo trước Thánh đạo Tám ngành sanh khởi chính là sự thành tựu giới hạnh.
3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu giới hạnh, thời chờ đợi rằng... (như kinh trên, với những thay đổi cần thiết).
51.III. ƯỚC MUỐN (1) (Chanda) (S.v, 30)
1-2)... Tức là sự đầy đủ ước muốn (chanda-sampadà)... (như kinh trên, với những thay đổi cần thiết).
52-54.IV.VI. NGÃ, KIẾN, KHÔNG PHÓNG DẬT. (1) (S.v, 30)
 (Đầy đủ ngã... đầy đủ kiến... đầy đủ không phóng dật, với những thay đổi cần thiết)...
55.VII. NHƯ LÝ (1) (Yoniso). (S.v, 31)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước Thánh đạo Tám ngành sanh khởi chính là đầy đủ như lý tác ý (yonisomana-sikàrasampadà).
3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý này, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
 II. NHIẾP PHỤC THAM (Ràgavinaya).
56.VIII. BẠN HỮU VỚI THIỆN (2) (S.v, 31)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc... chính là bạn hữu với thiện.
3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si... tu tập chánh định, với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
57.IX. GIỚI HẠNH (2) (S.v, 31)
1-2)– Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước... chính là sự thành tựu giới hạnh... (như trên).
58.X. ƯỚC MUỐN (2) (Chanda) (S.v, 32)
1-2) – Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước... chính là sự đầy đủ ước muốn... (như trên)...
59.XI. NGà(2) (S.v, 32)
1-2) – Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước... chính là sự đầy đủ ngã... (như trên)...
60.XII. KIẾN (2) (S.v, 32)
1-2) – Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước... chính là sự đầy đủ kiến... (như trên)...
61.XIII. KHÔNG PHÓNG DẬT (2) (S.v, 32)
1-2)... chính là sự đầy đủ không phóng dật... (như trên)...
62.XIV. NHƯ LÝ (2) (S.v, 32)
1)...
2) – ... Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước... chính là sự đầy đủ như lý tác ý.
3) Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý này, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý... tu tập chánh định với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si... Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
VII. MỘT PHÁP TRUNG LƯỢC I
Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.
 I. LIÊN HỆ ĐẾN VIỄN LY
63.I. BẠN HỮU VỚI THIỆN (1) (S.v, 32)
1)...
2) – Có một pháp, này các Tỷ-kheo, lợi ích nhiều cho Thánh đạo Tám ngành được sanh khởi. Thế nào là một pháp? Chính là bạn hữu với thiện.
3) Với Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, sẽ được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
64.II. GIỚI HẠNH (1) (S.v, 33)
1)...
2) – Có một pháp, này các Tỷ-kheo, lợi ích nhiều cho Thánh đạo Tám ngành sanh khởi. Và thế nào là một pháp lợi ích nhiều cho Thánh đạo Tám ngành sanh khởi?... (như trên)...
65.III. ƯỚC MUỐN (1) (S.v, 33)
1-2)... tức là đầy đủ ước muốn...
66.IV. NGà(1) (S.v, 33)
1-2)... tức là đầy đủ ngã...
67.V. KIẾN (1) (S.v, 33)
1-2)... tức là đầy đủ kiến...
68.VI. KHÔNG PHÓNG DẬT (1) (S.v, 33)
1-2)... tức là đầy đủ không phóng dật...
69.VII. NHƯ LÝ (1) (S.v, 33)
1-2)... tức là đầy đủ như lý tác ý...
3) Với các Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, được chờ đợi là Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
 II. NHIẾP PHỤC THAM
70.VIII. BẠN HỮU VỚI THIỆN (2). Cho đến 76.XVI. NHƯ LÝ (2) (S.v, 34-35)
1) Ở Sàvatthi...
 (Hoàn toàn giống như từ số 63 đến số 69).
VIII. MỘT PHÁP TRUNG LƯỢC II
Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi...
 I. LIÊN HỆ ĐẾN VIỄN LY
77.I. BẠN HỮU VỚI THIỆN (1) (S.v, 35)
1)...
2) – Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, Thánh đạo Tám ngành chưa khởi lên được sanh khởi, hay Thánh đạo Tám ngành khởi lên rồi được đi đến tu tập sung mãn. Pháp ấy tức là bạn hữu với thiện.
3) Với Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, này các Tỷ-kheo, thời được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
78-83.II-VII. (S.v, 36)
 (Như các đoạn trước với những thay đổi cần thiết).
 II. NHIẾP PHỤC THAM
84.VIII. BẠN HỮU VỚI THIỆN (2) (S.v, 37)
1)...
2) – Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, Thánh đạo Tám ngành được tu tập, được làm cho sung mãn. Chính là bạn hữu với thiện.
3) Với Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si... tu tập chánh định với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
85-90.II-VII. (S.v, 37)
 (Như những đoạn trước với những thay đổi cần thiết).
IX. HẰNG HÀ LƯỢC THUYẾT
Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi...
 I. LIÊN HỆ ĐẾN VIỄN LY
91.I. PHƯƠNG ĐÔNG (1) (S.v, 38)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về hướng Đông, hướng về hướng Đông, xuôi về hướng Đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
92-96.II-VI. HƯỚNG ĐÔNG (2-6) (S.v, 38-39)
 (Như kinh 91, chỉ khác tên các con sông Yamunà, Acìravatì, Sarabù, Mahì, các sông lớn như các sông Hằng, Yamunà, Acìravattì, Sarabhù, Mahì...)
97-102.VII-XII. BIỂN (1-6) (S.v, 39-40)
 (Như các kinh 91-96, chỉ khác, ở đây là hướng về biển, không phải hướng về hướng Đông).
 II. NHIẾP PHỤC THAM
103-108.I-VI. HƯỚNG ĐÔNG (1-6) (S.v, 40)
109-114.VII-XII. BIỂN (1-6) (S.v, 40)
1-2)...
3) – Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si... (như trên với những thay đổi cần thiết)...
 III. NHẬP VÀO BẤT TỬ (Amatogadha)
115-120.I-VI. HƯỚNG ĐÔNG (1-6) (S.v, 41)
121-126.VII-XII. BIỂN (1-6) (S.v, 41)
1-2)...
3) – Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, nhập vào bất tử, hướng về bất tử, cứu cánh là bất tử.
 IV. THIÊN VỀ NIẾT-BÀN
127-132.I-VI. HƯỚNG ĐÔNG (1-6) (S.v, 41)
133-138.VII-XII. BIỂN (1-6) (S.v, 41)
1-2)...
3) – Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành... thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
V. PHẨM KHÔNG PHÓNG DẬT
139.I. NHƯ LAI (S.v, 41)
 I. VIỄN LY
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) – Cũng như, này các Tỷ-kheo, đối với tất cả loại hữu tình không chân, hai chân bốn chân, hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay không có tưởng và không không có tưởng; Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, được gọi là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có thiện pháp gì, tất cả đều lấy không phóng dật làm căn bản, đều lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ. Không phóng dật được gọi là tối thượng đối với tất cả pháp ấy.
3) Với Tỷ-kheo không phóng dật, này các Tỷ-kheo, chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo tám ngành được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành. (Ba kinh khác về viễn ly, cũng được thuyết tương tự).
 II. NHIẾP PHỤC THAM
1-2-3)...
4) – Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, lấy nhiếp phục tham làm cứu cánh, lấy nhiếp phục sân làm cứu cánh, lấy nhiếp phục si làm cứu cánh... tu tập chánh định, lấy nhiếp phục tham làm cứu cánh, lấy nhiếp phục sân làm cứu cánh, lấy nhiếp phục si làm cứu cánh...
 III. BẤT TỬ.
1-2-3)...
4) – Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, lấy bất tử làm chỗ hội nhập, lấy bất tử làm mục đích, lất bất tử làm cứu cánh... tu tập chánh định, lấy bất tử làm chỗ hội nhập, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh.
 IV. NIẾT-BÀN
1-2-3)...
4) – Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn... tu tập chánh định thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn...
140.II. DẤU CHÂN (I-IV) (S.v, 43)
1) Ở Sàvatthi...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những dấu chân của các loại chúng sanh bộ hành nào, tất cả đều hội tập (samodhànam gachanti) trong chân con voi, vì chân con voi được gọi là tối thượng trong tất cả loại chân, tức là về phần to lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào, tất cả đều lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật được gọi là tối thượng trong tất cả thiện pháp.
3) Với Tỷ-kheo không phóng dật, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn.
141.III. CHÓP MÁI (I-IV) (S.v, 43)
1) Ở Sàvatthi...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, các đòn tay nào của một ngôi nhà có mái nhọn, tất cả đều đi đến mái nhọn, hướng đến mái nhọn, quy tụ vào mái nhọn. Mái nhọn đối với chúng được gọi là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... (như kinh trên)
142.IV. GỐC RỄ (I-IV) (S.v, 44)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những loại rễ hương nào, loại chiên-đàn đen (kàlànu-sàriyam) được gọi là tối thượng. Cũng vậy... (như trên)...
143.V. LÕI HƯƠNG (I-IV) (S.v, 44)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những loại lõi hương nào, loại chiên-đàn đỏ (lohitacandanam) được gọi là tối thượng. Cũng vậy... (như trên)...
144.VI. HẠ SANH HOA (Bông huệ: vassikam?) (I-IV) (S.v, 44)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những loại hoa hương nào, hoa huệ được gọi là tối thượng. Cũng vậy... (như trên)...
145. VII. VUA (I-IV) (S.v, 44)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những tiểu vương nào (kuttaràjàno), tất cả đều tùy thuộc Chuyển luân vương. Vua Chuyển luân đối với họ được gọi là tối thượng. Cũng vậy... (như trên)...
146.VIII. MẶT TRĂNG (I-IV) (S.v, 44)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm ánh sáng của bất cứ loại sao nào, tất cả đều không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng mặt trăng đối với chúng được gọi là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... (như trên)...
147.IX. MẶT TRỜI (I-IV) (S.v, 44)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, vào mùa thu, khi hư không mở rộng không có mây mù, mặt trời vươn thẳng lên hư không, quét sạch mọi tối tăm trên trời, chói sáng, bừng sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... (như trên)...
148.X. VẢI (I-IV) (S.v, 45)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có vải gì được dệt, vải dệt ở Ba-la-nại được gọi là tối thượng... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào, tất cả đều lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật được gọi là tối thượng trong tất cả thiện pháp.
3) Với Tỷ-kheo không phóng dật, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.
5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
VI. PHẨM VIỆC LÀM CẦN SỨC MẠNH.
Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.
149. I. SỨC LỰC (S.v, 45)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những hành động gì muốn làm cần phải có sức lực, tất cả những hành động ấy đều y cứ vào đất, đều an trú vào đất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
 (Đoạn này giống với đoạn Hằng hà lược thuyết, được thuyết rộng thêm).
150.II. CÁC HỘT GIỐNG (1) (S.v, 46)
1)...
2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những hột giống nào, những cây mạ nào (bhùtagàmà) tăng trưởng, lớn mạnh, quảng đại, tất cả đều y cứ vào đất, đều an trú vào đất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được tăng trưởng, lớn mạnh và quảng đại trong các pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được tăng trưởng, lớn mạnh, quảng đại trong các pháp?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành và đạt đến tăng trưởng, lớn mạnh và quảng đại trong các pháp.
151.III. CON RẮN (Nàga) (S.v, 47)
1)...
2) – Y cứ vào vua núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh. Ở đấy, khi chúng tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống các hồ nhỏ; sau khi xuống các hồ nhỏ, chúng đi xuống các hồ lớn, chúng đi xuống các sông nhỏ; sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn; sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, ra đại dương. Tại đấy thân của chúng được to lớn và quảng đại hơn.
3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các thiện pháp.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt đến sự to lớn, sự quảng đại trong các thiện pháp?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt đến sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp...
152.IV. CÂY (S.v, 47)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, có cây thiên về hướng Đông, hướng về hướng Đông, xuôi về hướng Đông, khi bị chặt từ gốc, cây ấy sẽ rơi về hướng nào?
– Bạch Thế Tôn, về phía nó thiên về, về phía nó hướng về, về phía nó xuôi về.
3) – Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
153.V. CÁI GHÈ (S.v, 48)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè, nếu bị nghiêng đổ, nước đã bị đổ ra không thể đổ vào lại được. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các bất thiện pháp đã được đổ ra, không thể đổ vào lại được. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp đã được đổ ra, không thể đổ vào lại được?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly,... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các bất thiện pháp đã được đổ ra, không có thể đổ vào lại được.
154.VI. RÂU LÚA MÌ (Sukiya) (S.v, 48)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, sợi râu lúa mì, hay sợi râu lúa mạch được đặt hướng chân chánh, khi bị tay chân đè vào, có thể đâm thủng tay chân, hay có thể làm đổ máu. Sự tình này có xảy ra. Vì sao? Vì sợi râu được đặt hướng chân chánh.
3) Cũng vậy, Tỷ-kheo nhờ đặt hướng chân chánh, tu tập con đường chơn chánh, thời vô minh được cắt đoạn, minh sẽ được khởi lên, Niết-bàn sẽ được chứng đắc. Sự kiện như vậy có xảy ra. Vì sao? Vì tri kiến được đặt hướng một cách chân chánh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo nhờ chân chánh đặt hướng tri kiến, nhờ chân chánh đặt hướng con đường tu tập nên đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng ngộ được Niết-bàn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chân chánh đặt hướng tri kiến, chân chánh đặt hướng con đường tu tập, đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng ngộ được Niết-bàn.
155.VII. HƯ KHÔNG (S.v, 49)
1)...
2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, trên không trung, có nhiều loại gió thổi, gió từ phương Đông thổi, gió từ phương Tây thổi, gió từ phương Bắc thổi, gió từ phương Nam thổi, gió có bụi thổi, gió không bụi thổi, gió lạnh thổi, gió nóng thổi, gió nhỏ thổi, gió thật lớn thổi.
3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thời bốn niệm xứ được tu tập, đi đến viên mãn, bốn chánh cần... bốn như ý túc... năm căn... năm lực... bảy giác chi được tu tập đi đến viên mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, bốn niệm xứ được tu tập đi đến viên mãn... bốn chánh cần... bốn như ý túc... năm căn... năm lực... bảy giác chi được tu tập đi đến viên mãn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, bốn niệm xứ được tu tập đi đến viên mãn, bốn chánh cần... bốn như ý túc... năm căn... năm lực... bảy giác chi được tu tập đi đến sung mãn.
156.VIII. MÂY MƯA (1) (S.v, 50)
1)...
2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, vào cuối tháng mùa hạ, bụi mù bay lên, rồi có đám mây lớn trái mùa thình lình làm chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh thình lình (thànase?) làm chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh lập tức làm cho chúng tiêu tan và tịnh chỉ?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh (uppannuppanne) lập tức làm cho chúng tiêu tan và tịnh chỉ.
157.IX. MÂY MƯA (2) (S.v, 50)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngọn gió lớn thỉnh thoảng làm cho đám mây mưa lớn khởi lên bị tiêu tan, tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi, khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định... hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ.
158.X. CHIẾC THUYỀN (S.v, 51)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, một chiếc thuyền đi biển, đầy đủ cột buồm, và dây buồm (vettabandhanabandhàya), và bị mắc cạn trên bờ, trong sáu tháng bị nước làm cho hao mòn. Còn trong mùa khô, các dây buồm bị gió và mặt trời làm cho hư hại. Rồi trong mùa mưa, bị thấm ướt (abhippavutthàni) bởi cơn mưa giông, rất dễ (appakasiraneva) bị yếu, hư và mục nát. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly... hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát.
159.XI. CÁC KHÁCH (S.v, 51)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, có một nhà khách, ở đấy có người từ phương Đông tới ở, có người từ phương Tây tới ở, có người từ phương Bắc tới ở, có người từ phương Nam tới ở, có người Sát-đế-lỵ tới ở, có người Bà-la-môn tới ở, có người Phệ-xá tới ở, có người Thủ-đà tới ở. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, với các pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí, họ nhờ thắng trí liễu tri các pháp ấy; với các pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, họ đoạn tận các pháp ấy nhờ thắng trí; với các pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, họ chứng ngộ các pháp ấy nhờ thắng trí; với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, họ tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí? Cần phải được trả lời là năm thủ uẩn. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là những pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí? Vô minh, hữu và ái (bhavatanhà), những pháp này cần phải đoạn tận nhờ thắng trí.
5) Và này các Tỷ-kheo, những pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí? Minh và giải thoát, này các Tỷ-kheo, những pháp này cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí.
6) Và này các Tỷ-kheo, những pháp nào cần phải tu tập nhờ thắng trí? Chỉ và quán, này các Tỷ-kheo, những pháp này cần phải tu tập nhờ thắng trí.
7) Và thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành; đối với các pháp cần phải liễu tri, họ liễu tri được các pháp ấy nhờ thắng trí; đối với các pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, họ đoạn tận các pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, họ chứng ngộ những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, họ tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí?
8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành; đối với các pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí, vị ấy liễu tri những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, vị ấy đoạn tận những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy chứng ngộ những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, vị ấy tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí.
160.XII. CON SÔNG (S.v, 53)
1)...
2) – Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về hướng Đông, hướng về hướng Đông, xuôi về hướng Đông. Rồi có một quần chúng lớn đến cầm cuốc và giỏ nói rằng: “Chúng ta sẽ làm cho sông Hằng này thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây”. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, quần chúng lớn ấy có thể làm cho sông Hằng thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Vì sao? Vì rằng sông Hằng thiên về hướng Đông, hướng về hướng Đông, xuôi về hướng Đông, không dễ gì có thể làm sông Hằng thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây. Quần chúng lớn ấy chỉ phải khổ nhọc, phiền não mà thôi.
3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thời các vua, đại thần của vua, bằng hữu, đồng nghiệp, thân thích hay quyến thuộc cùng một huyết thống, đem tài sản đến mời mọc: “Hãy đến, này Bạn! Sao để những cà-sa này làm phiền não Bạn? Sao lại bộ hành với đầu trọc và y bát? Hãy hoàn tục, hưởng các tài sản và làm các công đức”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành từ bỏ học pháp và hoàn tục; sự kiện như vậy không xảy ra. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, tâm của vị ấy đã lâu ngày thiên về viễn ly, hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly, không thể nào có thể trở lại hoàn tục; sự kiện như vậy không xảy ra. Và thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
VII. PHẨM TẦM CẦU (Esanavaggo)
1) Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.
 I. THẮNG TRÍ
161.I. TẦM CẦU (S.v, 54)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, có ba loại tầm cầu. Thế nào là ba? Tầm cầu về dục, tầm cầu về hữu, tầm cầu về Phạm hạnh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba tầm cầu. Chính do thắng tri ba tầm cầu này mà Thánh đạo tám ngành này được tu tập. Thế nào là Thánh đạo tám ngành được tu tập?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chính do thắng tri ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành này được tu tập.
4-5)... Tu tập chánh định, với cứu cánh là đoạn tận tham, với cứu cánh là đoạn tận sân, với cứu cánh là đoạn tận si.
6-7)... Tu tập chánh định, thể nhập vào bất tử, với mục đích là bất tử, với cứu cánh là bất tử.
8-9)... Tu tập chánh định, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
 II. LIỄU TRI: Parinnà
10-17) – Này các Tỷ-kheo, có ba loại tầm cầu. Thế nào là ba? Tầm cầu về dục, tầm cầu về hữu, tầm cầu về Phạm hạnh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba tầm cầu. Chính vì liễu tri ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập.
 III. ĐOẠN DIỆT: Parikkaya.
18-25) – Này các Tỷ-kheo, có ba loại tầm cầu. Thế nào là ba? Tầm cầu dục, tầm cầu hữu, tầm cầu Phạm hạnh. Chính vì mục đích đoạn tận ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập.
 IV. ĐOẠN TẬN: Pahàna
26-33) – Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này. Thế nào là ba? Tầm cầu dục, tầm cầu hữu, tầm cầu Phạm hạnh. Chính vì mục đích đoạn tận ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập.
162.II. KIÊU MẠN (Vidhà) (I-IV) (S.v, 56)
1)... Sàvatthi...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có ba kiêu mạn. Thế nào là ba? Kiêu mạn: “Tôi hơn”; kiêu mạn: “Tôi bằng”; kiêu mạn: “Tôi thua”. Này các Tỷ-kheo, đó là ba kiêu mạn này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba kiêu mạn này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành được tu tập?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba kiêu mạn này mà Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
163.III. LẬU HOẶC (I-IV) (S.v, 56)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, đó là ba lậu hoặc này. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba lậu hoặc này mà Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
164.IV. HỮU (I-IV) (S.v, 56)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có ba hữu này. Thế nào là ba? Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba hữu này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
165.V. KHỔ TÁNH (Dukkhatà) (I-IV) (S.v, 56)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có ba khổ tánh này. Thế nào là ba? Khổ khổ tánh, hành khổ tánh, hoại khổ tánh. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba khổ tánh này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
166.VI. HOANG VU (Khilà) (I-IV) (S.v, 57)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có ba hoang vu này. Thế nào là ba? Tham hoang vu, sân hoang vu, si hoang vu. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba hoang vu này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
167.VII. CẤU NHIỄM (Malam) (I-IV) (S.v, 57)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có ba cấu nhiễm này. Thế nào là ba? Tham cấu nhiễm, sân cấu nhiễm, si cấu nhiễm. Này các Tỷ-kheo, đó là ba cấu nhiễm này. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba cấu nhiễm này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
168.VIII. DAO ĐỘNG (I-IV) (S.v, 57)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có ba dao động này. Thế nào là ba? Tham giao động, sân dao động, si dao động. Này các Tỷ-kheo, đó là ba dao động này. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba dao động này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
169.IX. THỌ (I-IV) (Ss.v, 57)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đó là ba thọ này. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba thọ này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
170a.X. KHÁT ÁI (Tanhà) (I-IV) (S.v, 57)
1)...
2-3) – Này các Tỷ-kheo, có ba khát ái này. Thế nào là ba? Dục khát ái, hữu khát ái, phi hữu khát ái. Này các Tỷ-kheo, đó là ba khát ái này. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba khát ái này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành cần phải tu tập?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, liên hệ đến đoạn tận, hướng đến từ bỏ.
Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba khát ái này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
170b.XI. KHÁT ÁI (Tasinà hay Tanhà) 2-4 (I-IV) (S.v, 58)
1-2-3)...
4-33) – Có ba khát ái này, này các Tỷ-kheo... Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba khát ái này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham... liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định với cứu cánh là đoạn tận tham, với cứu cánh là đoạn tận sân, với cứu cánh là đoạn tận si... tu tập chánh định với mục đích là thể nhập bất tử, với mục đích là bất tử, với cứu cánh là bất tử... tu tập chánh định thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn... Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba khát ái này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
VIII. PHẨM BỘC LƯU
1) Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi...
171.I. BỘC LƯU (Ogha). (S.v, 59)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, có bốn bộc lưu này. Thế nào là bốn? Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn bộc lưu này. Chính vì mục đích muốn thắng tri, muốn liễu tri, muốn đoạn diệt, muốn đoạn tận bốn bộc lưu này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
3-33) (Như đoạn về Tầm cầu...)
172.II. ÁCH PHƯỢC (Yogo) (S.v, 59)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có bốn ách phược này. Thế nào là bốn? Dục ách phược, hữu ách phược, kiến ách phược, vô minh ách phược. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn ách phược này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bốn ách phược này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
173.III. CHẤP THỦ (S.v, 59)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có bốn chấp thủ. Thế nào là bốn? Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn chấp thủ này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bốn chấp thủ này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
174.IV. HỆ PHƯỢC (Ganthà) (S.v, 59)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có bốn hệ phược này. Thế nào là bốn? Tham thân hệ phược, sân thân hệ phược, giới cấm thủ thân hệ phược, chấp đây là sự thực thân hệ phược. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn hệ phược này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bốn hệ phược này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo tám ngành này cần phải tu tập.
175.V. TÙY MIÊN (S.v, 60)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có bảy tùy miên này. Thế nào là bảy? Dục tham tùy miên (kàmaràgànusaya), hận tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên (bhavaràgànusaya), vô minh tùy miên. Này các Tỷ-kheo, đó là bảy tùy miên này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bảy tùy miên này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
176.VI. DỤC CÔNG ĐỨC (S.v, 60)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này các Tỷ-kheo, đó là năm dục công đức này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm dục công đức này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này phải được tu tập.
177.VII. CÁC TRIỀN CÁI (S.v, 60)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có năm triền cái này. Thế nào là năm? Dục tham triền cái (kàmacchandanìvaranà), sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái. Này các Tỷ-kheo, đó là năm triền cái này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
178.VIII. UẨN (S.v, 60)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.
Này các Tỷ-kheo, đó là năm thủ uẩn này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thủ uẩn này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
179.IX. HẠ PHẦN KIẾT SỬ (S.v, 61)
1)...
2-33) – Này các Tỷ-kheo, có năm hạ phần kiết sử này. Thế nào là năm? Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Này các Tỷ-kheo, đó là năm hạ phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm hạ phần kiết sử này, Thánh đạo tám ngành này cần phải tu tập.
180.X.THƯỢNG PHẦN KIẾT SỬ (S.v, 61)
1)...
2) – Có năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, đó là năm thượng phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành cần phải tu tập?
3-17) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
Ví như, này các Tỷ-kheo, con sông Hằng...
18) Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, đó là năm thượng phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành cần phải tu tập?
19-33) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến... tu tập chánh định với cứu cánh là đoạn tận tham, với cứu cánh là đoạn tận sân, với cứu cánh là đoạn tận si... thể nhập vào bất tử, hướng đến bất tử, với cứu cánh là bất tử... thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT .( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.11/5/2016.MHDT.

No comments:

Post a Comment