Tuesday, 3 May 2016

150. KINH NÓI CHO DÂN CHÚNG NAGARAVINDA

(Nagaravindeyyasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Môt thời Thế Tôn du hành giữa dân chúng Kosala, cùng với Đại chúng Tỷ-kheo và đi đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Nagaravinda. Các Bà-la-môn gia chủ ở Nagaravinda được nghe như sau: “Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ gia tộc Sakka (Thích-ca), đang du hành giữa dân chúng Kosala, cùng với Đại chúng Tỷ-kheo và đã đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Nagaravinda. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: “Ngài là Đấng Thế Tôn, bậc A-la-hán... được yết kiến một A-la-hán như vậy”. Rồi các vị Bà-la-môn gia chủ ở Nagaravinda đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, một số người nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên; một số người chấp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số người nói lên tên họ trước Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số người im lặng ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với những Bà-la-môn gia chủ ở Nagaravinda đang ngồi một bên:
– Này Gia chủ, nếu những du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Này Gia chủ, hạng Sa-môn, Bà-la-môn nào không đáng tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường? Được hỏi vậy này các Gia chủ, các du sĩ ngoại đạo ấy cần được trả lời như sau: “Những Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với các sắc do mắt nhận thức, không ly tham, không ly sân, không ly si, nội tâm không tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp khi thăng bằng, khi không thăng bằng. Những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy không đáng cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường. Vì sao vậy? Chúng tôi đối với các sắc do mắt nhận thức, không ly tham, không ly sân, không ly si, nội tâm không tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp khi thăng bằng, khi không thăng bằng, nhưng chúng tôi không thấy các vị ấy hơn sở hành thăng bằng của chúng tôi. Do vậy các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không đáng được tôn trọng, cung kính, lễ bái, cúng dường. Những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với các tiếng do tai nhận thức, đối với các hương do mũi nhận thức, đối với các vị do lưỡi nhận thức, đối với các xúc do thân nhận thức, đối với các pháp do ý nhận thức, không ly tham, không ly sân, không ly si, nội tâm không tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp khi thăng bằng, khi không thăng bằng, các Sa-môn, Bà-la-môn ấy không đáng được tôn trọng, cung kính, lễ bái, cúng dường. Vì cớ sao? Chúng tôi đối với các pháp do ý nhận thức, không ly tham, không ly sân, không ly si, nội tâm không tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp khi thăng bằng, khi không thăng bằng; nhưng chúng tôi không thấy các vị ấy hơn sở hành thăng bằng của chúng tôi. Do vậy, các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy không đáng được tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường”. Được hỏi như vậy, này các Gia chủ, các Ông cần phải trả lời như vậy cho các du sĩ ngoại đạo ấy.
Nhưng này các Gia chủ, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Này các Gia chủ, hạng Sa-môn, Bà-la-môn nào đáng tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường?”Khi được hỏi vậy, này các Gia chủ, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Những Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với các sắc do mắt nhận thức, ly tham, ly sân, ly si, nội tâm tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp được thăng bằng. Các Sa-môn, Bà-la-môn như vậy đáng được tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường. Vì sao vậy? Chúng tôi đối với các sắc do mắt nhận thức, không ly tham, không ly sân, không ly si, nội tâm không tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp khi thì thăng bằng, khi không thăng bằng; nhưng chúng tôi có thấy các vị ấy hơn sở hành thăng bằng của chúng tôi. Do vậy, các Sa-môn, Bà-la-môn ấy đáng được tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với các tiếng do tai nhận thức, đối với các hương do mũi nhận thức, đối với các vị do lưỡi nhận thức, đối với các xúc do thân nhận thức, đối với các pháp do ý nhận thức, ly tham, ly sân, ly si, nội tâm tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp được thăng bằng, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đáng được tôn trọng, cung kính, lễ bái, cúng dường. Vì sao vậy? chúng tôi đối với các pháp do ý nhận thức, không ly tham, không ly sân, không ly si, nội tâm không tịch tĩnh, sở hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, khi thăng bằng, khi không thăng bằng, nhưng chúng tôi có thấy các vị ấy hơn sở hành thăng bằng của chúng tôi. Do vậy, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đáng được tôn trọng, cung kính, lễ bái, cúng dường.” Khi được hỏi vậy, này các Gia chủ, các Ông hãy trả lời như vậy cho các vị du sĩ ngoại đạo ấy.
Này các Gia chủ, nhưng nếu du sĩ ngoại đạo ấy hỏi các Ông như sau: “Do căn cứ gì về các Tôn giả (ấy), do truyền thống gì, các vị nói về các Tôn giả ấy như sau: Chắc chắn các Tôn giả ấy là ly tham, hay đang đi trên con đường điều phục tham, hay ly sân, hay đang đi trên con đường điều phục sân, hay ly si, hay đang đi trên con đường điều phục si?”Khi được hỏi vậy, này các Gia chủ, các Ông hãy trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Các Tôn giả ấy sống tại các trú xứ xa vắng trong các khu rừng nhàn tịnh. Nhưng tại các chỗ như vậy, không có các sắc do mắt nhận thức để họ có thể thấy, và sau khi thấy có lòng thích thú; nhưng tại các chỗ như vậy, không có các tiếng do tai nhận thức để họ có thể nghe, và sau khi nghe, có lòng thích thú; nhưng tại các chỗ như vậy, không có hương do mũi nhận thức, để họ có thể ngửi và sau khi ngửi, có lòng thích thú; nhưng tại các chỗ ấy như vậy không có các vị do lưỡi nhận thức, để họ có thể nếm, và sau khi nếm, có lòng thích thú; nhưng tại các chỗ như vậy, không có các xúc do thân nhận thức, để họ có thể cảm giác, và sau khi cảm giác, có lòng thích thú. Chư Hiền giả, do căn cứ này, do những truyền thống này, mà chúng tôi nói về các Tôn giả (ấy) như sau: “Thật vậy, chư Tôn giả ấy ly tham hay đang đi trên con đường nhiếp phục tham, hay ly sân, hay đang đi trên con đường nhiếp phục sân, hay ly si, hay đang đi trên con đường nhiếp phục si”. Khi được hỏi vậy, này các Gia chủ, các Ông hãy trả lời các du sĩ ngoại đạo như vậy.
Khi nghe nói vậy, các Bà-la-môn gia chủ ở Nagaravinda nói với Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Ví như, Tôn giả Gotama... mong Tôn giả Gotama hãy nhận chúng con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con sẽ trọn đời quy ngưỡng.
KINH NAGARAVINDEYYA, THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI HẾT.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.4/5/2016.MHDT.

No comments:

Post a Comment