Wednesday, 11 May 2016

CHƯƠNG BA: BA PHÁP
I. PHẨM NGƯỜI NGU
§ 1-10. NGƯỜI NGU
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
 - Này các Tỷ-kheo.
 - Thưa vâng. Bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
 - Phàm có sự sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ-kheo, tất cả sự sợ hãi ấy khơi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.
Ví như, này các Tỷ-kheo, ngọn lửa từ nhà bằng cỏ lau, hay từ nhà bằng cỏ, thiêu đốt các ngôi nhà có nóc nhọn, các ngôi nhà có trét trong và trét ngoài, ngăn chận được gió, các ngôi nhà có chốt cửa đóng chặt, có các cửa đóng kín. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sự sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ-kheo, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi, người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm, người ngu có tai họa, người trí không có tai họa, này các Tỷ-kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí.
Do vậy, ở đây, cần phải học tập như sau: Thành tựu với ba pháp nào, một người ngu được biết là như vậy, hãy từ bỏ ba pháp ấy. Thành tựu với ba pháp nào, một người trí được biết là như vậy, hãy chấp nhận ba pháp ấy và thực hành chúng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập.
2. Này các Tỷ-kheo, tướng của người ngu ở trong hành động (của mình); tướng của người trí ở trong hành động (của mình). Trí tuệ chói sáng trong nếp sống (của mình)
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Này các Tỷ-kheo, thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Này các Tỷ-kheo, thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người trí được biết đến.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: Thành tựu với ba pháp nào, người ngu được biết đến, hãy từ bỏ ba pháp ấy; thành tựu với ba pháp nào, người trí được biết đến; hãy chấp nhận ba pháp ấy, và thực hành chúng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập.
3. Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tính của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu suy nghĩ ác, nói ác và làm ác. Nếu người ngu này, này các Tỷ-kheo, không suy nghĩ ác, không nói ác và không làm ác, thời lấy gì người hiền trí biết được: “Người này là kẻ ngu, không phải là bậc Chân nhân”? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, người ngu suy nghĩ ác, nói ác và làm ác, nên các người hiền trí biết được: “Người này là kẻ ngu, không phải là bậc Chân nhân”. Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tánh của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu.
Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tính của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện. Nếu người hiền trí này, này các Tỷ-kheo, không suy nghĩ thiện, không nói thiện và không làm thiện, thời lấy gì người hiền trí biết được: “Người này là người hiền trí, bậc Chân nhân”? Vì rằng, này các Tỷ-kheo người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện, nên các người hiền trí biết được: “Người này là người Hiền trí, là bậc Chân nhân”. Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tánh của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí.
4. Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Phạm tội, không thấy là có phạm tội; phạm tội sau khi thấy là có phạm tội, không như pháp sám hối; được người khác phát lộ có tội, không như pháp chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
 Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Phạm tội, thấy là có phạm tội; phạm tội, sau khi thấy là có phạm tội, như pháp sám hối; được người khác phát lộ có tội, như pháp chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
5. Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Không như lý suy tư, đặt câu hỏi: không như lý suy tư, trả lời câu hỏi: khi người khác như lý trả lời câu hỏi với những câu, những chữ vuông tròn, với những hành văn trơn tru chải chuốt, không có chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Như lý suy tư, đặt câu hỏi: như lý suy tư, trả lời câu hỏi: khi người khác như lý trả lời câu hỏi với những câu, những chữ vuông tròn, với những hành văn trơn tru chải chuốt, liền chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
6. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm bất thiện, miệng nói bất thiện, ý nghĩ bất thiện. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
7. Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm có tội, miệng nói có tội, ý nghĩ có tội. Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm không có tội, miệng nói không có tội, ý nghĩ không có tội. Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
8. Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm có não hại, miệng nói có não hại, ý nghĩ có não hại. … (như trên)
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm không có não hại, miệng nói không có não hại, ý nghĩ không có não hại. … (như trên)
9. Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu vụng về, không phải bậc Chân nhân, tự mình xử sự như một kẻ mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều điều vô phước. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác (như trên) …
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người hiền trí không vụng về, là bậc Chân nhân, tự mình xử sự không như một vật mất gốc, không bị thương tích, không phạm tội, không bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều phước đức … (như trên) …
10. Do thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba cấu uế, tương xứng như vậy, bị quăng vào địa ngục. Thế nào là ba? Ác giới và cấu uế của ác giới không được đoạn tận; tật đố và cấu uế của tật đố không được đoạn tận; xan tham và cấu uế của xan tham không được đoạn tận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba cấu uế này, như vậy bị quăng vào địa ngục tương xứng.
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy được sinh lên cõi Trời. Thế nào là ba? Có giữ giới và cấu uế của các giới được đoạn tận; không có tật đố và cấu uế của tật đố được đoạn tận; không có xan tham và cấu uế của xan tham được đoạn tận. Thành tựu với ba pháp này, đoạn tận ba cấu uế này, tương xứng như vậy được sanh lên cõi Trời.
II. PHẨM NGƯỜI ĐÓNG XE
§ 11. BA PHÁP
 - Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng, sống đem lại bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba? Khuyến khích các thân nghiệp không tùy thuận; khuyến khích các ngữ nghiệp không tùy thuận; khuyến khích các pháp không tùy thuận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng sống … cho chư Thiên và loài Người.
 - Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng, sống đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba? Khuyến khích các thân nghiệp tùy thuận; khuyến khích các ngữ nghiệp tùy thuận; khuyến khích các pháp tùy thuận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng, sống đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.
§ 12. BA CHỖ
 - Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ. Thế nào là ba?
Tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh được sanh ra; đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ được làm lễ quán đảnh, đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ nào, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh sau khi chiến thắng một trận, tại chỗ vị ấy chiếm như là cầm đầu trong cuộc chiến thắng; đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba pháp này, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ. Thế nào là ba?
Tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa; xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ nào, Tỷ-kheo như thật rõ biết: “Đây là Khổ”, như thật rõ biết: “Đây là Khổ tập”, như thật rõ biết: “Đây là Khổ diệt”, như thật rõ biết: “Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt”; đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ nào, một Tỷ-kheo, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
§ 13. BA HẠNG NGƯỜI
 - Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Không hy vọng, có hy vọng, ly hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng?, Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được sanh trong một gia đình thấp kém, gia đình một người đổ phân, hay gia đình một người thợ săn hay gia đình người đan tre, hay gia đình người đóng xe, hay gia đình người quét rác, hay trong gia đình một người nghèo khổ, khó tìm được đồ ăn uống để sống, khó tìm cho được đồ ăn đồ mặc … Và người ấy xấu xí, khó ngó, lùn, thấp, nhiều bệnh hoạn, đui một mắt, còm, què, hay đi khập khễnh, không có được đồ ăn, đồ uống đồ mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ ở hay đèn. Người ấy nghe nói như sau: “Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy đã được các Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ”. Người ấy không nghĩ như sau: “Không biết khi nào các Sát-đế-lỵ mới làm lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ?”. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người có hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, trưởng nam của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, xứng đáng để được làm lễ quán đảnh, nhưng chưa làm lễ quán đảnh và đạt đến địa vị bất động, (đã đến tuổi thành niên) Người ấy nghe nói như sau: “Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy đã được các Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ”. Người ấy suy nghĩ như sau: “Không biết khi nào các Sát-đế-lỵ mới làm lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ?”. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người có hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người ly hy vọng? Ở đây này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh. Vị ấy nghe nói như sau: “Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy đã được các Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ”. Người ấy không nghĩ như sau: “Không biết khi nào các Sát-đế-lỵ mới làm lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của Sát-đế-lỵ?” Vì cớ sao? Sự hy vọng được làm lễ quán đảnh trước khi chưa làm lễ quán đảnh, hy vọng ấy đã được hoàn toàn chấm dứt. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người đã ly hy vọng.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, xuất hiện, có mặt ở đời. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba hạng người xuất hiện, có mặt giữa các Tỷ-kheo. Thế nào là ba? Không hy vọng, có hy vọng, ly hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người ác giới, tánh tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng hiện tướng là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Người này nghe: “Tỷ-kheo có tên như vậy, do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Người ấy không suy nghĩ như sau: “Đến khi nào, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, ta sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người có hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo giữ giới, tánh tình hiền thiện. Vị ấy nghe: “Tỷ-kheo có tên như vậy, đã đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Người ấy suy nghĩ như sau: “Đến khi nào, do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, ta sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người có hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người ly hy vọng? Ở đây này các Tỷ-kheo, một vị A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc. Vị này nghe: “Tỷ-kheo có tên như vậy … tuệ giải thoát”. Vị ấy không suy nghĩ như sau: “Đến khi nào, do đoạn tận … tuệ giải thoát”. Vì cớ sao? Hy vọng được giải thoát trước khi chưa giải thoát, này các Tỷ-kheo, hy vọng ấy đã được hoàn toàn chấm dứt. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, là người ly hy vọng.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, xuất hiện, có mặt giữa các vị Tỷ-kheo.
§ 14. PHÁP
 - Phàm vua Chuyển Luân nào, đúng pháp, pháp vương, vị ấy cũng chuyển bánh xe (cai trị), không phải không có vua.
Được nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
 - Bạch Thế Tôn, ai là vua cho vua Chuyển Luân đúng pháp, pháp vương?
 - Đó là pháp, này Tỷ-kheo.
Thế Tôn nói:
 - Ở đây, này Tỷ-kheo, vị Chuyển Luân, đúng pháp, pháp vương, y cứ pháp, cung kính pháp, kính trọng pháp, tôn kính pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm cờ xí, lấy pháp làm tối thắng, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với quần chúng.
Lại nữa, này Tỷ-kheo, vua Chuyển Luân, đúng pháp, pháp vương … ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với các Sát-đế-lỵ, đối với các tùy tùng, đối với quân đội, đối với các Bà-la-môn và Gia chủ, đối với các thị trấn và quốc độ, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn, đối với các loài thú và các loài chim.
Vua Chuyển Luân ấy, này các Tỷ-kheo, đúng pháp… sau khi ra lệnh hộ trì, che chở… đối với các loài thú và các loài chim, chuyển bánh xe đúng pháp. Bánh xe ấy không bị ngăn cản sự chuyển vận, bởi bất cứ người nào, hay bởi loài hữu tình thù nghịch nào.
Cũng vậy, này Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, đúng pháp, vị Pháp Vương, y cứ pháp, cung kính pháp, kính trọng pháp, tôn kính pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm cờ xí, lấy pháp làm tối thắng, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với thân nghiệp, nghĩ rằng: “Thân nghiệp như vậy cần phải hành trì, thân nghiệp như vậy không được hành trì”.
Lại nữa, này Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán … ủng hộ đúng pháp đối với khẩu nghiệp, nghĩ rằng: “Khẩu nghiệp như vậy cần phải hành trì, Khẩu nghiệp như vậy không được hành trì, đối với ý nghiệp”, nghĩ rằng “Ý nghiệp như vậy cần phải hành trì, ý nghiệp như vậy không được hành trì”.
Như Lai ấy, này Tỷ-kheo, bậc A-la-hán … đúng pháp… sau khi ra lệnh hộ trì, che chở … đối với thân nghiệp … đối với khẩu nghiệp … đối với ý nghiệp … chuyển bánh xe đúng pháp. Bánh xe ấy không bị ngăn cản sự chuyển vận, bởi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ác ma, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời.
§ 15. NGƯỜI ĐÓNG XE HAY PACETANA.
1. Một thời Thế Tôn ở tại Bàranàsi, Isipatana, chỗ Vườn Nai. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
 - Này các Tỷ-kheo.
 - Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
 - Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị vua tên là Pacetana. Rồi, này các Tỷ-kheo, vua Pacetana cho gọi người thợ đóng xe:
 - “Này Người đóng xe, sau sáu tháng, sẽ có trận chiến. Này Người đóng xe, ông có thể làm cho ta một cặp bánh xe mới được không?”
 - “Thưa Đại vương, có thể được”.
Người đóng xe trả lời cho vua Pacetana.
Rồi này các Tỷ-kheo, Người đóng xe, sau sáu tháng trừ sáu ngày, làm xong một bánh xe. Rồi vua Pacetana bảo người đóng xe:
 - “Sau sáu ngày, này người đóng xe, sẽ có trận chiến. Đôi bánh xe mới có thể làm xong được không?”
 - “Thưa Đại vương, sau sáu tháng trừ sáu ngày, một bánh xe đã làm xong”.
 - “Này Người đóng xe, Ông có thể, với sáu ngày (còn lại) này, làm xong bánh xe thứ hai?”
 - “Thưa Đại vương, con có thể làm được”.
Người đóng xe trả lời cho vua Pacetana.
2. Rồi này các Tỷ-kheo, người đóng xe trong sáu ngày, sau khi làm xong bánh xe thứ hai, cầm cặp bánh xe mới, đi đến vua Pacetana; sau khi đến, thưa với vua Pacetana:
 - “Thưa Đại vương, cặp bánh xe mới này đã làm xong cho Ngài”.
 - “Này Người đóng xe, cái bánh xe này làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày và cái bánh xe này làm xong trong sáu ngày, có cái gì sai khác giữa hai cái này, ta không thấy có các gì sai khác hết”.
 - “Có sự sai khác giữa hai cái này, thưa Đại vương. Thưa Đại vương, hãy nhìn sự sai khác”.
Rồi, này các Tỷ-kheo, người đóng xe đẩy cho chạy bánh xe được làm xong trong sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Rồi nó đẩy cho chạy bánh xe được làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi nó đứng lại như đang mắc vào trong trục xe.
3. - “Do nhân gì, này Người đóng xe, do duyên gì cái bánh xe được làm trong sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Do nhân gì, này Người đóng xe, do duyên gì cái bánh xe được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi nó đứng lại như mắc vào trục xe?”
 - “Thưa Đại vương, cái bánh xe này được làm xong sau sáu ngày, vành xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm, trục xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm. Vì rằng vành xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; vì rằng các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; vì rằng trục xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm, nên bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Còn bánh kia, thưa Đại vương, được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày, vành xe ấy không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; các căm xe không cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; trục xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm. Vì rằng vành xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; vì rằng các căm xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm, vì rằng trục xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm nên bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, nó đứng lại như đang mắc vào ở trong trục xe.
4. Rất có thể, này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ rằng trong thời ấy, người đóng xe ấy là một người khác. Này các Tỷ-kheo, chớ có nghĩ như vậy. Trong thời ấy, ta chính là người đóng xe. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, ta khéo léo về chỗ cong của gỗ, về chỗ hỏng của gỗ, về khuyết điểm của gỗ. Nay, này các Tỷ-kheo, ta là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, khéo léo về chỗ cong của thân, về chỗ hỏng của thân, về khuyết điểm của thân; khéo léo về chỗ cong của lời nói, về chỗ hỏng của lời nói, về khuyết điểm của lời nói: khéo léo về chỗ cong của ý, về chỗ hỏng của ý, về khuyết điểm của ý.
5. Đối với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, thân cong không có đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm (không có đoạn tận), lời nói cong không có đoạn tận, lời nói hư hỏng, lời nói khuyết điểm (không có đoạn tận), ý cong không có đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết điểm (không có đoạn tận), như vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy rời khỏi Pháp Luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong trong sáu ngày.
Đối với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, thân cong được đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm (được đoạn tận), lời nói cong … ý cong được đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết điểm (được đoạn tận), như vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy vững an trú trong Pháp Luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: “Chúng tôi sẽ đoạn tận thân cong, thân hư hỏng, thân khuyết điểm, chúng tôi sẽ đoạn tận lời nói cong, lời nói hư hỏng, lời nói khuyết điểm, chúng tôi sẽ đoạn tận ý cong, ý hư hỏng, ý khuyết điểm”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
§ 16. CON ĐƯỜNG KHÔNG CÓ LỖI LẦM
 - Thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường không có lỗi lầm, và có những căn bản thắng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm cảnh giác.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ nhãn căn, thật hành phòng hộ nhãn căn. Khi tai nghe tiếng … mũi ngửi hương … lưỡi nếm vị … thân cảm xúc … ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ ý căn, thật hành phòng hộ ý căn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo hộ trì các căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như lý giác sát thọ dụng các món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hộ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh giữa, nằm xuống như con sư tử về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng thức dậy, ban đêm trong canh cuối, sau khi thức dậy trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác.
Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường không có lỗi lầm, và có những căn bản thẳng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc.
§ 17. BA PHÁP
 - Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai.
Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai.
§ 18. THIÊN GIỚI
 - Nếu các Du sĩ ngoại đạo hỏi các Thầy như sau: “Chư Hiền, có phải Sa-môn Gotama sống Phạm hạnh để được sanh lên cõi Trời?” Này các Tỷ-kheo, được hỏi vậy, các Thầy có bực phiền, tủi nhục, chán ngấy hay không?
  • Thưa có, bạch Thế Tôn.
 - Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy đối với thiên thọ mạng; các Thầy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy đối với thiên sắc, thiên lạc, thiên danh vọng, thiên thù thắng, còn nói gì, này các Tỷ-kheo, đối với thân làm ác, các Thầy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy như thế nào, đối với miệng nói ác … đối với ý nghĩ ác, các Thầy cảm thấy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy như thế nào.
§ 19. NGƯỜI BUÔN BÁN
 - Thành tựu ba chi phần, này các Tỷ-kheo, một người buôn bán không thâu nhận được tài sản chưa thâu nhận và không tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán, vào buổi sáng không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi trưa, không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi chiều, không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc. Thành tựu với ba chi phần này, này các Tỷ-kheo, một người buôn bán không thâu nhận được tài sản chưa được thâu nhận và không tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo thành tựu ba chi phần, không thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, và không tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vào buổi sáng, không có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi trưa, không có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi chiều, không có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng. Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo không thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, và không tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận.
Thành tựu ba chi phần, này các Tỷ-kheo, người buôn bán thâu nhận được tài sản chưa được thâu nhận, tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán, vào buổi sáng, có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi trưa... vào buổi chiều có nhiệt tâm chăm chú vào công việc. Thành tựu ba chi phần này, này các Tỷ-kheo, người buôn bán thâu nhận được tài sản chưa được thâu nhận, và tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu ba pháp, Tỷ-kheo thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, và tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vào buổi sáng nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi trưa... vào buổi chiều nhiệt tâm chăm chú vào định tướng. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, và tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận.
§ 20. NGƯỜI BUÔN BÁN
 - Thành tựu với ba chi phần, này các Tỷ-kheo, người buôn bán không bao lâu đạt được về tài sản lớn mạnh và rộng lớn. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán có mắt, khéo phấn đấu xây dựng được cơ bản.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người buôn bán có mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán biết các thương phẩm. Vật này, mua như vậy, bán như vậy, sẽ đưa lại tiền như vậy, tiền lời như vậy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán có mắt.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán khéo phấn đấu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người thương gia khéo léo mua và bán các thương phẩm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán khéo phấn đấu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người thương gia xây dựng được căn bản? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán được các Gia chủ hay con các Gia chủ, được các nhà giàu, có tiền bạc lớn, có tài sản lớn biết đến như sau: “Người buôn bán này là người có mắt, khéo phấn đấu, có đủ sức cấp dưỡng vợ con, và thường thường trả tiền lời cho chúng ta. Chúng ta trao hàng hóa cho người này: Này Bạn thương gia, hãy lấy tiền này, xây dựng tài sản để nuôi dưỡng vợ con và thường thường trả tiền lời cho chúng tôi”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán xây dựng được cơ bản.
Thành tựu với ba chi phần này, này các Tỷ-kheo, người buôn bán, không bao lâu đạt đến tài sản lớn mạnh và rộng lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu với ba pháp, vị Tỷ-kheo không bao lâu, đạt đến lớn mạnh và rộng lớn về các thiện pháp. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có mắt khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo có mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật rõ biết: “Đây là Khổ”… như thật rõ biết: “Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo có mắt.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo khéo phấn đấu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tinh cần tinh tấn, đoạn tận các pháp bất thiện, làm cho sanh khởi các pháp thiện, dõng mãnh, kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo khéo phấn đấu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo xây dựng được cơ bản? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều, thông hiểu các tập Àgàma (A - hàm) bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu, thường thường đến yết kiến, phỏng vấn, đặt các câu hỏi: “Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Pháp này ý nghĩa gì?” Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày những gì chưa được phơi bày, và đối với những đoạn sai khác còn có chỗ nghi ngờ, các vị ấy giải thích các sự nghi ngờ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo xây dựng được cơ bản.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu, đạt đến sự lớn mạnh và rộng lớn về các thiện pháp.
III. PHẨM NGƯỜI
§ 21-30. CHỨNG THỰC VỚI THÂN
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jetanava, vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Savittha, Tôn giả Mahàkotthita đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả những lời chào đón hỏi thăm … Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Savittha đang ngồi xuống một bên:
 - Có ba hạng người này, này Hiền giả Savittha, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, này Hiền giả hạng người nào Hiền giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn?
 - Có ba hạng người này, này Hiền giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người tín giải, hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ sao? Vì rằng, thưa Hiền giả, với hạng người này, tín căn được tăng thượng.
Rồi Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Mahàkotthita:
 - Có ba hạng người này, này Hiền giả Kotthita, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, hạng người nào, Hiền giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn?
 - Có ba hạng người này, này Hiền giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người thân chứng, hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ sao? Vì rằng, thưa Hiền giả, với hạng người này, định căn được tăng thượng.
Rồi Tôn giả Mahàkotthita thưa với Tôn giả Sàriputta:
 - Có ba hạng người này, này Hiền giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng… Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người nào, Hiền giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn?
 - Có ba hạng người này, thưa Hiền giả Kotthita… Thế nào là ba? Thân chứng… Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người kiến chí, hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ sao? Vì rằng thưa Hiền giả, với hạng người này, tuệ căn được tăng thượng.
Rồi Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita như sau:
 - Thưa các Hiền giả, tất cả chúng ta đã trả lời, tùy theo biện tài của mình. Thưa các Hiền giả, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, chúng ta sẽ hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời chúng ta như thế nào, chúng ta hãy như vậy thọ trì.
 - Vâng, thưa Hiền giả.
Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Rồi Tôn giả Sàriputta, Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống, một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta thuật lại với Thế Tôn tất cả câu chuyện đã xảy ra với Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita.
 - Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù diệu hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là hạng người tín giải là hạng người đang hướng đến A-la-hán, hạng người thân chứng này là hạng người Nhất lai hay Bất lai, hạng người kiến chí này là hạng người Nhất lai hay Bất lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù diệu hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là hạng người thân chứng này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, là hạng người tín giải này là hạng người Nhất lai hay Bất lai, hạng người kiến chí này là hạng người Nhất lai hay Bất lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù diệu hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là hạng người kiến chí này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, còn hạng người tín giải này là hạng người Nhất lai hay Bất lai, và hạng người thân chứng này là hạng người Nhất lai hay Bất lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều rằng hạng người này là hy hữu hơn và thù diệu hơn trong ba hạng người kia.
§ 22. NGƯỜI BỆNH
 - Có ba hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, một hạng người bệnh, dầu có được các món ăn thích hợp hay không được các món ăn thích hợp, dầu có được các thuốc men thích hợp hay không được các thuốc men thích hợp, dầu có được sự chăm sóc thích đáng hay không được sự chăm sóc thích đáng, không được bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người bệnh, dầu có được ăn các món thích hợp, hay không được các món ăn thích hợp, dầu có được các thuốc men thích hợp hay không được các thuốc men thích hợp, dầu có được sự chăm sóc thích đáng hay không được sự chăm sóc thích đáng, được bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người bệnh, có được các món ăn thích hợp, không phải không được, có được các thuốc men thích hợp, không phải không được, có được sự chăm sóc thích đáng, không phải không được, được bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người bệnh này, có được các món ăn thích hợp, không phải không được, có được các thuốc men thích hợp, không phải không được, có được sự chăm sóc thích đáng, không phải không được, được bình phục khỏi chứng bệnh ấy. Chính do duyên với hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, các món ăn thích hợp với người bệnh đã được chấp thuận, các thuốc men thích hợp với người bệnh đã được chấp thuận, sự chăm sóc thích đáng với người bệnh đã được chấp thuận. Chính do duyên với hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, các người bệnh khác cần phải được chăm sóc như vậy.
Ba hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba hạng người này, có mặt, xuất hiện ở đời, có thể so sánh với ba hạng người bệnh này. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được thấy Như Lai hay không được thấy Như Lai, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, hay không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, không có đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không được thấy Như Lai, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, hay không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được thấy Như Lai, không phải không được thấy, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, không phải không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người được thấy Như Lai, không phải không được thấy, được nghe Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, không phải không được nghe, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các thiện pháp. Chính do duyên hạng người này, này các Tỷ-kheo, thuyết pháp được chấp nhận, và chính do duyên hạng người này, này các Tỷ-kheo, pháp được thuyết giảng cho các người khác.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời được ví dụ với ba hạng người bệnh.
§ 23. CHẤT CHỨA
 - Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chất chứa các thân hành có não hại, chất chứa các khẩu hành có não hại, chất chứa các ý hành có não hại. Sau khi chất chứa thân hành có não hại, chất chứa khẩu hành có não hại, chất chứa ý hành có não hại, người ấy sanh trong thế giới có não hại. Vì phải sanh trong thế giới có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc có não hại. Người ấy, vì cảm giác các cảm xúc có não hại, nên cảm giác các cảm thọ có não hại, nhất hướng đau khổ, như các chúng sanh ở trong địa ngục.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chất chứa thân hành không có não hại… chất chứa ý hành không có não hại. Sau khi chất chứa thân hành không có não hại … chất chứa ý hành không có não hại, người ấy được sanh trong thế giới không có não hại. Được sanh trong thế giới không có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc không có não hại. Do cảm giác các cảm xúc không có não hại, người ấy cảm giác các cảm thọ không có não hại, nhất hướng lạc, như chư Thiên ở Biến tịnh thiên.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chất chứa thân hành có não hại và không có não hại … chất chứa ý hành có não hại và không có não hại. Sau khi chất chứa thân hành có não hại và không có não hại …, sau khi chất chứa ý hành có não hại và không có não hại, được sanh vào thế giới có não hại và không não hại. Được sanh vào thế giới có não hại và không có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc có não hại và không có não hại. Do cảm giác các cảm xúc có não hại và không có não hại, người ấy cảm giác các cảm thọ có não hại và không có não hại xen lẫn lạc và khổ, ví như loài Người, một loại chư Thiên và một loại sanh trong đọa xứ.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
§ 24. NHIỀU LỢI ÍCH
 - Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, làm nhiều lợi ích cho người khác. Thế nào là ba?
Do người nào, này các Tỷ-kheo, có người được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, người ấy là hạng người làm lợi ích nhiều cho người kia. Đây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do người nào, người khác rõ biết: “Đây là Khổ”, … rõ biết: “Đây là con đường đưa đến Khổ diệt”, người ấy là hạng người làm lợi ích nhiều cho người kia. Đây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do người nào, người khác đoạn trừ các lậu hoặc ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát. Tuệ giải thoát. Đây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, làm lợi ích nhiều cho người khác. Ta nói rằng, không có một người nào khác làm lợi ích nhiều hơn cho người bằng ba hạng người này. Ta nói rằng người này không thể khéo trả ơn cho ba hạng người kia, như đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, hành động thân thiện, bố thí các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh v. v…
§ 25. VẾT THƯƠNG LÀM MỦ
 - Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với tâm ví dụ như vết thương, với tâm ví dụ như chớp sáng, với tâm ví dụ như kim cang.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người với tâm ví dụ như vết thương? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít, cũng tức tối phẫn nộ, sân hận, sừng sộ, biểu lộ sự phẫn nộ, sân hận, và bực tức. Ví như một vết thương đang làm mủ, nếu bị cây gậy hay một miếng sành đánh phải, liền chảy mủ nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người phẩn nộ... và bực tức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người được ví dụ với vết thương đang làm mủ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng với tâm người được ví dụ như chớp sáng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người như thật rõ biết: “Đây là Khổ”,.. như thật rõ biết “Đây là con đường đưa đến Khổ diệt”. Ví như một người có mắt, thấy các sắc trong đêm tối mù mịt, khi có chớp sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người như thật rõ biết: “Đây là Khổ”, … như thật rõ biết: “Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với tâm được ví dụ như chớp sáng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người với tâm được ví dụ như kim cang? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người, nhờ đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người, với tâm được ví dụ như kim cang.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
§ 26. CẦN PHẢI THÂN CẬN
 - Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Có hạng người, này các Tỷ-kheo, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, nên thân cận gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thấp kém về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường, trừ khi vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đồng đẳng § (Với mình) về giới định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: “(Cả hai) thiện xảo về giới, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về giới, được diễn tiến (lợi ích) cho cả hai chúng ta, và sẽ làm cho hai chúng ta được an lạc. (Cả hai) là thiện xảo về định… (Cả hai) là thiện xảo về tuệ, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về tuệ, được diễn tiến (lợi ích) cho cả hai chúng ta, và sẽ làm cho hai chúng ta được an lạc”. Cho nên, người như vậy nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường? Thế nào là hạng người, này các Tỷ-kheo, sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thù thắng về giới, định và tuệ. Hạng người ấy, này các Tỷ-kheo, sau khi cung kính, tôn trọng, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: “Như vậy, nếu giới chưa đầy đủ, ta sẽ làm đầy đủ; hay nếu giới được đầy đủ, ta sẽ hỗ trợ thêm cho chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Hay nếu định chưa đầy đủ, ta sẽ làm cho đầy đủ; hay nếu định được đầy đủ, ta sẽ hỗ trợ thêm cho chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Hay nếu tuệ chưa đầy đủ, ta sẽ làm cho đầy đủ, hay nếu tuệ được đầy đủ, ta sẽ hỗ trợ thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Cho nên, với hạng người như vậy, sau khi cung kính tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Người gần kẻ hạ liệt,
Rồi cũng bị hạ liệt,
Thân cận người đồng đẳng,
Được khỏi bị thối đọa,
Ai gần bậc thù thắng,
Mau chóng được thăng tiến,
Do vậy hãy sống chung,
Bậc ưu thắng hơn mình!
§ 27. ĐÁNG GHÊ TỞM
 - Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Có hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, cần phải nhìn một cách thản nhiên, không cần gần gũi, không cần phải hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi… không cần phải hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, tánh tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, đầy những tham dục, tánh tình bất tịnh. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi… không cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì rằng, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng xấu được đồn xa về người ấy là có bạn ác, có bằng hữu ác, tôn sùng kẻ ác. Ví như, này các Tỷ-kheo, một con rắn đi vào trong đống phân, dầu nó không cắn ai, nhưng cũng bị (đống phân) làm cho ô uế. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy … là tôn sùng kẻ ác. Cho nên, hạng người như vậy đáng ghê tởm, không nên gần gũi... không nên hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi… không nên hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít, cũng tức tối, phẫn nộ, sân hận, sừng sộ, hiện rõ phẫn nộ, sân hận và bực tức. Ví như, này các Tỷ-kheo, một vết thương làm mủ, nếu bị cây gậy hay miếng sành đánh phải, thời chảy mủ ra nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ… và bực tức. Ví như, này các Tỷ-kheo, một que lửa bằng gỗ tindukà, nếu bị cây gậy hay miếng sành đánh phải, thời xịt (lửa) xịt (khói) ra nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo … Ví như, này các Tỷ-kheo, một hố phân được cây gậy hay miếng sành quậy vào, thời mùi hôi thúi lại càng nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ… và bực tức. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải nhìn với cặp mắt thản nhiên, không nên gần gũi… không nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì nghĩ rằng: “Người ấy có thể nhục mạ ta. Người ấy có thể chửi mắng ta. Người ấy có thể làm hại ta.” Cho nên, hạng người như vậy cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên hầu hạ cúng dường.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người cần phải gần gũi… cần phải hầu hạ cúng dường?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người giữ giới, tánh tình hiền thiện. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải gần gũi… cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì rằng, dầu không thuận theo chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng tốt được đồn xa về người ấy là có bạn lành, là có bằng hữu lành, là tôn sùng kẻ lành. Cho nên, hạng người như vậy cần phải gần gũi… cần phải hầu hạ cúng dường.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Người gần kẻ hạ liệt,
Rồi cũng bị hạ liệt,
Thân cận người đồng đẳng,
Được khỏi bị thối đọa,
Ai gần bậc thù thắng,
Mau chóng được thăng tấn,
Do vậy hãy sống chung,
Bậc ưu thắng hơn mình!
§ 28. NÓI NHƯ HOA
 - Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người nói như phân, hạng người nói như hoa, hạng người nói như mật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như phân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người khi đi vào hội trường, hay đi vào hội chúng, hay khi đi đến giữa các người bà con, hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến giữa cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: “Ngươi biết gì, hãy nói lên”. Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi có biết”; có biết, nói rằng: “Tôi không biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi có thấy”; có thấy, nói rằng: “Tôi không thấy”. Do vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ, đã cố ý mà nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như phân.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người nói như hoa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người khi đi đến hội trường, hay khi đi vào hội chúng, hay khi đi đến giữa các người bà con, hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: “Ngươi biết gì, hãy nói lên”. Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi không biết”; có biết, nói rằng: “Tôi có biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi không thấy”; có thấy, nói rằng: “Tôi có thấy” không vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nho, cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như hoa.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như mật? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đoạn tận ác ngữ, từ bỏ lời nói ác ngữ. Lời nói của người ấy không hại, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người thích ý, người ấy nói những lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người nói như mật.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
§ 29. MÙ LÒA
 - Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Người mù, người một mắt, người có hai mắt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người mù? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người mù.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có một mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch, hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch, nhưng không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và bất thiện… pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người một mắt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có hai mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch, hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; và có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và bất thiện... pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có hai mắt.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Kẻ mù mắt bị hư,
Cả hai đều bất hạnh,
Vừa công đức không làm,
Vừa không được tài sản,
Thứ đến là hạng người,
Được gọi là một mắt,
Liên hệ pháp phi pháp,
Tầm cầu các tài sản,
Với trộm và man trá,
Cùng với cả nói láo,
Vừa khéo góp tài sản,
Vừa giỏi hưởng dục lạc,
Từ đây đến địa ngục,
Người một mắt bị hại,
Còn vị có hai mắt,
Được gọi người tối thượng,
Thâu hoạch các tài sản,
Một cách đúng Chánh pháp,
Các tài sản đã có,
Tăng trưởng đúng Chánh pháp,
Bố thí, ý tốt đẹp,
Không phân vân ngập ngừng,
Được sanh chỗ hiền thiện,
Đi chỗ ấy không sầu.
Vậy hãy tránh thật xa,
Người mù, người một mắt,
Thân cận bậc hai mắt,
Bậc tối thắng trượng phu!
§ 30. LỘN NGƯỢC
 - Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, hạng người với trí tuệ rộng lớn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ lộn ngược? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (Tinh xá) thường thường nghe pháp từ các Tỷ-kheo. Các vị Tỷ-kheo thuyết pháp cho người ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè bị lộn ngược, nước chứa trong ấy tuôn chảy, không có dừng lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn … không có tác ý đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên … không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ lộn ngược.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ bắp vế? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (Tinh xá)… Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu, có tác ý đến đoạn giữa, có tác ý đến đoạn cuối. Nhưng khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng dậy, đối với bài thuyết giảng ấy, không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên bắp vế của một người, các loại đồ ăn được chồng lên như hột mè, hột gạo, các loại kẹo và trái táo. Khi từ chỗ ngồi đứng dậy, vì vô ý, người ấy làm đổ vãi tất cả. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người đi đến khu vườn (Tinh xá)… Người ấy, tại chỗ ngồi ấy … có tác ý đến đoạn cuối. Nhưng khi người ấy, tại chỗ ngồi ấy đứng dậy … không có tác ý đến đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người có trí tuệ bắp vế.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có trí tuệ rộng lớn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đi đến khu vườn (Tinh xá) … trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè được dựng đứng, nước chứa trong ấy được giữ lại, không có chảy đi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn (Tinh xá) … trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có trí tuệ rộng lớn.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
 
Hạng trí tuệ lộn ngược,
Không thông minh, không mắt,
Họ thường thường đi đến,
Đến gần các Tỷ-kheo,
Đoạn đầu của bài giảng,
Đoạn giữa và đoạn cuối,
Họ không học được gì,
Họ không có trí tuệ.
Hạng trí tuệ bắp vế,
Được gọi là tốt hơn,
Họ thường thường đi đến,
Đến gần các Tỷ-kheo,
Đoạn đầu của bài giảng,
Đoạn giữa và đoạn cuối,
Ngồi trên chỗ mình ngồi,
Nắm giữ được lời văn,
Đứng dậy không hiểu rõ,
Quên mất điều đã nắm,
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Được gọi tốt hơn cả,
Họ thường thường đi đến,
Đến gần các Tỷ-kheo,
Đoạn đầu của bài giảng,
Đoạn giữa và đoạn cuối,
Ngồi trên chỗ mình ngồi,
Nắm giữ được lời văn,
Thọ trì điều được nghe,
Suy tư điều tối thắng,
Với ý không dao động,
Là hạng người như vậy,
Thực hành pháp, tùy pháp,
Có thể đoạn khổ đau.
IV. PHẨM SỨ GIẢ CỦA TRỜI
§ 31. NGANG BẰNG VỚI PHẠM THIÊN
 - Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.
Phạm thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các Đạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với me chạ. Đáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là me chạ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời.
Mẹ cha gọi Phạm thiên,
Bậc Đạo sư thời trước,
Xứng đáng được cúng dường,
Vì thương đến con cháu,
Do vậy, bậc Hiền triết,
Đảnh lễ và tôn trọng,
Dâng đồ ăn đồ uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp (cả thân mình)
Tắm rửa cả chân tay,
Với sở hành như vậy,
Đối với mẹ và cha,
Đời này người Hiền khen,
Đời sau hưởng Thiên lạc.
§ 32. ÀNANDA
1. Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên; ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
 - Rất có thể, bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo được định như vậy, trong cái thân có thức này, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; vị ấy có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.
 - Rất có thể, này Ànanda, một Tỷ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.
 - Như thế nào, bạch Thế Tôn, rất có thể, một Tỷ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy?
 - Ở đây, này Ànanda, vị Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Đây là an tịnh, đây là thù diệu, tức là chỉ tức tất cả hành, từ bỏ tất cả sanh y, đoạn tận tham, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Ànanda, rất có thể Tỷ-kheo được định như vậy… có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Lại nữa, này Ànanda, liên hệ đến vấn đề này, Ta đã nói như sau trong kinh tên là “Những Câu Hỏi Của Punnaka”, chương về Pàràyana.
Do phân tích ở đời
Những vật cao và thấp
Với vị không dao động
Bởi vật gì ở đời,
An tịnh, không tối mù,
Không phiền muộn, không cầu
Ta nói người như vậy,
Đã vượt khỏi sanh già.
SÀRIPUTTA
2. Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:
 - Này Sàriputta, Ta có thể thuyết pháp một cách tóm lược. Này Sàriputta, Ta có thể thuyết pháp một cách rộng rãi. Này Sàriputta, Ta có thể thuyết pháp một cách tóm lược và rộng rãi. Và những người hiểu được thật là khó tìm!
 - Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn, nay đã đến thời, bạch Thế Tôn, để Thế Tôn thuyết pháp một cách tóm lược, thuyết pháp một cách rộng rãi, và thuyết pháp một cách tóm lược và rộng rãi. Sẽ có những người có thể hiểu rõ Chánh pháp.
 - Vậy này Sàriputta, hãy học tập như sau: “Trong cái thân có thức này, sẽ không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, sẽ không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, chúng tôi sẽ chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy!” Như vậy, này Sàriputta, các Ông cần phải học tập. Khi nào Tỷ-kheo đối với thân có thức này, không có ngả kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; đối với tất cả các tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; vị ấy chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy. Người như vậy, này Sàriputta, được gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã cởi mở kiết sử, với chơn chánh hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.
 Lại nữa, này Sàriputta, liên hệ đến vấn đề này, ta đã nói như sau trong kinh tên là “Những Câu Hỏi Của Udaya” trong chương Pàràyana.
Đoạn tận cả hai pháp,
Dục tham và sân hận,
Và từ bỏ hôn trầm,
Chận đứng mọi trạo hối,
Với xả niệm thanh tịnh,
Chạy trước pháp tư duy?
Ta nói trí giải thoát,
Vô minh được phá tận.
§ 33. CÁC NGUYÊN NHÂN
1. - Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba? Tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
Phàm nghiệp nào được làm vì tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ tham, duyên khởi từ tham, tập khởi từ tham, tại chỗ nào tư ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục. Chỗ nào nghiệp ấy được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong hiện tại, hay trong đời sống kế tiếp, hay trong một đời sau nữa.
Phàm nghiệp nào được làm vì sân, này các Tỷ-kheo, sanh ra vì sân … Phàm nghiệp nào được làm từ si, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ si … tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục … hay trong một đời sau nữa.
Ví dụ, này các Tỷ-kheo, các hạt giống không bị bể vụn, không bị hư thối, không bị gió và nắng làm hư, còn tươi tốt được khéo gieo vào một đồng ruộng tốt, được trồng vào đất khéo sửa soạn, và được trời mưa xuống đều đặn; các hột giống ấy, này các Tỷ-kheo, được lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm nghiệp nào được làm vì tham … hay trong một đời sau nữa. Phàm nghiệp nào được làm từ sân … hay trong một đời sau nữa. Phàm nghiệp nào được làm vì si … hay trong một đời sau nữa.
Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp.
2. Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba? Không tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Không sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Không si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
Phàm nghiệp nào được làm vì không tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không tham, duyên khởi từ không tham, tập khởi từ không tham. Vì rằng tham được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây Ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Phàm nghiệp nào được làm vì không sân … Phàm nghiệp nào được làm vì không si, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không si … Vì rằng si được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây Ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Ví như này các Tỷ-kheo, các hạt giống không thể bị bể vụn, không bị hư thối, không bị gió và nắng làm hư, còn được tươi tốt, được khéo gieo. Và một người lấy lửa đốt chúng, sau khi lấy lửa đốt, làm cho chúng thành tro, sau khi làm thành tro, quạt chúng trong gió lớn, hay cho vào dòng nước sông chảy nhanh mang cuốn đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hạt giống ất được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây Ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm nghiệp nào được làm từ không tham … không thể sanh khởi trong tương lai. Phàm nghiệp nào được làm từ không sân … không thể sanh khởi trong tương lai. Phàm nghiệp nào được làm từ không si … không thể sanh khởi trong tương lai.
Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp:
Phàm có hạnh nghiệp nào,
Sanh từ tham, sân, si,
Do kẻ vô trí làm,
Dầu có ít hay nhiều,
Tại đây được cảm thọ,
Không phải tại chỗ khác,
Do vậy vị Tỷ-kheo,
Từ bỏ tham, sân, si,
Làm khởi lên minh trí,
Từ bỏ mọi ác thú.
§ 34. VỀ ÀLAVÌ
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Àlavì, tại Gomagga, trong rừng Simsapà, trên chỗ có trải lá.
Rồi Hatthaka, người Àlavì, đang đi bộ hành du ngoạn, thấy Thế Tôn ngồi trên chỗ có trải lá trong rừng Simsapà ở Gomagga, thấy vậy, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống mộ bên. Ngồi xuống một bên, Hatthaka người Àlavì bạch Thế Tôn:
 - Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống có an lạc không?
 - Phải, này Hoàng tử, ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy.
 - Bạch Thế Tôn, lạnh là đêm mùa đông, thời gian giữa những ngày tám (trước và sau ngày rằm) là thời gian tuyết rơi, cứng rắn là đất do trâu bò dẫm đạp, mỏng manh là nệm làm bằng lá, lưa thưa là những lá của cây, lạnh là tấm vải càsa, và lạnh là làn gió thổi.
Rồi Thế Tôn nói như sau:
 - Dẫu vậy, này Hoàng tử, Ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy. Vậy nay, này Hoàng tử, ở đây ta sẽ hỏi Hoàng tử, nếu có thể kham nhẫn, Hoàng tử hãy trả lời. Hoàng tử nghĩ thế nào, này Hoàng tử? Ở đây, người Gia chủ hay con người Gia chủ có nhà có nóc nhọn, với các tường trét trong trét ngoài, che chở khỏi gió, chốt cửa được khóa chặt, các cửa sổ được đóng kín. Trong ấy, có một chỗ nằm có trãi tấm thảm len với lông dài, với tấm vải giường bằng len trắng, chăn len thêu bông, nệm bằng da quý con sơn dương kadaki, tấm thảm có tàn che phía trên và gối nệm đỏ cả hai đầu, có đèn thắp đỏ và bốn bà vợ đẹp hầu hạ. Này Hoàng tử, Hoàng tử nghĩ thế nào, người ấy nằm ngủ có an lạc không? Hay Hoàng tử nghĩ thế nào?
 - Bạch Thế Tôn, người ấy nằm ngủ an lạc. Nếu có những người cảm thấy an lạc ở đời, người ấy là một trong những người ấy.
 - Hoàng tử nghĩ thế nào, này Hoàng tử, với người Gia chủ hay con người Gia chủ ấy, khởi lên những nhiệt não về thân hay về tâm, do tham ái sanh. Bị nung đốt bởi những nhiệt não do tham ái sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?
 - Thưa có, bạch Thế Tôn.
 - Người Gia chủ hay con của người Gia chủ ấy, này Hoàng tử, bị nung đốt bởi những nhiệt não do tham ái sanh, cảm thấy đau khổ. Tham ái ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy ta cảm thấy an lạc.
Hoàng tử nghĩ thế nào, này Hoàng tử, với người Gia chủ hay con người Gia chủ ấy, khởi lên những nhiệt não về thân hay tâm do sân sanh… do si sanh. Bị nung đốt bởi những nhiệt não do si sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?
 - Thưa có, bạch Thế Tôn.
 - Người Gia chủ hay con người Gia chủ ấy, này Hoàng tử, bị nung đốt bởi những nhiệt não do si sanh, cảm thấy đau khổ. Si ấy, Như Lai đã đoạn tận, Do vậy, Ta cảm thấy an lạc.
Luôn luôn được an lạc,
Vi Phạm chí tịch tịnh,
Không bị dục uế nhiễm,
Trong mát, không sanh y,
Mọi tham trước dứt đoạn,
Nhiếp phục tâm sầu khổ,
An tịnh, cảm thọ lạc,
Với tâm đạt an tịnh.
§ 35. DIÊM VƯƠNG
1-6.
1. - Có ba Thiên sứ này, này các Tỷ-kheo, thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Sau khi thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Rồi này các Tỷ-kheo, những người lính địa ngục, với hai cánh tay bắt người ấy dẫn đến Vua Yama (Diêm vương) và thưa:
 - “Thưa Đại vương, người này không kính mẹ, không kính cha, không kính Sa-môn, không kính Bà-la-môn, không tôn kính các bậc lớn tuổi trong gia đình, Đại vương hãy hình phạt nó.”
Rồi vua Yama chất vấn người ấy, cật vấn, nạn vấn người ấy về người Thiên sứ thứ nhất:
 - “Này người kia, Người có thấy vị Thiên sứ thứ nhất hiện ra giữa loài người không?”
Người ấy trả lời:
 - “Con không thấy, thưa Ngài.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
 - “Này Người kia, Ngươi có bao giờ thấy giữa loài người, một người đàn bà hay người đàn ông 80 tuổi, hay 90 tuổi, hay 100 tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, bệnh hoạn, tuổi trẻ đã tận, răng rụng, tóc bạc hư rụng, sói đầu, da nhăn, đầu rung, tay chân da mồi, khô đét?”
Người ấy nói như sau:
 - “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
 - “Này Người kia, với Ngươi là người có trí, và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị già, ta không vượt qua tuổi già. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
 - “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
 - “Này Người kia, chính vì do phóng dật, Ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia, chúng sẽ làm cho ngươi, đúng theo sự phóng dật của Ngươi. Ác nghiệp ấy của ngươi, không phải mẹ làm, không phải cha làm, không phải anh làm, không phải chị làm, không phải bạn bè thân hữu làm, không phải bà con huyết thống làm, không phải chư Thiên làm, không phải Sa-môn làm, Bà-la-môn làm. Ác nghiệp ấy, chính do Ngươi làm và Ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của ác nghiệp ấy.
2. Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ nhất, liền chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ hai:
 - “Này Người kia, Người có thấy vị Thiên sứ thứ hai hiện ra giữa loài người không?”
Người ấy trả lời;
 - “Con không thấy, thưa Ngài.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
 - “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa loài Người, một người đàn bà hay người đàn ông, bệnh hoạn, khổ não, nguy kịch, rơi nằm trong tiểu tiện, đại tiện của mình, cần người khác nâng dậy, cần người khác dìu nằm xuống?”
Người ấy nói như sau:
 - “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
 - “Này Người kia, với Người là người có trí và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị bệnh, ta không vượt qua bệnh hoạn. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
 - “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
 - “Này Người kia, chính vì do phóng dật, Người đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này Người kia … Và Người sẽ thọ lãnh quả dị thục của các nghiệp ấy. “
3. Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ hai, liền chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ ba:
 - “Này Người kia, Ngươi có thấy vị Thiên sứ thứ ba hiện ra giữa loài Người không?”
Người ấy trả lời:
 - “Con không thấy, thưa Ngài.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
 - “Này Người kia, Ngươi có bao giờ thấy giữa loài Người, một người đàn bà hay một người đàn ông, chết đã được một ngày, hay chết được hai ngày, hay chết đã được ba ngày, sưng phù lên, xanh xám lại và rữa nát ra?”
Người ấy nói như sau:
 - “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
 - “Này người kia, với ngươi là người có trí, và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị chết, ta không thể vượt qua sự chết. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
 - “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật” và … Ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của các nghiệp ấy.”
4. Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ ba, rồi giữ im lặng.
Rồi này các Tỷ-kheo, những người lính địa ngục, bắt người ấy chịu hình phạt gọi là năm cọc. Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn tay, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn tay thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào giữa ngực. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, rồi các người lính địa ngục bắt người ấy nằm xuống và lấy cái rìu chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, rồi các người lính địa ngục dựng ngược người ấy, chân trên đầu dưới và lấy dao sắc chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các người lính địa ngục, cột người ấy vào một chiếc xe, kéo người ấy chạy tới, kéo người ấy chạy lui, trên đất được đốt cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, các người lính địa ngục đẩy người ấy lên, kéo người ấy xuống trên một sườn núi đầy than hừng, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực, người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, các người lính địa ngục nắm ngược người ấy, chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực, Người ấy ở đây, bị nấu với bọt nước sôi sùng sục, Ở đây bị nấu với bọt nước sôi sùng sục, khi thì trôi nổi lên trên, khi thì chìm xuống đáy, khi thì trôi dạt ngang. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, những người lính địa ngục quăng người ấy vào Đại địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Đại địa ngục ấy:
Có bốn góc, bốn cửa,
Chia thành phần bằng nhau,
Xung quanh có tường sắt,
Mái sắt lợp lên trên,
Nền địa ngục bằng sắt,
Nung đỏ cháy, đỏ rực,
Đứng thẳng luôn có mặt,
Rộng một trăm do tuần,
5. Một thời xưa lắm, này các Tỷ-kheo, vua Yama suy nghĩ như sau: “Những ai làm ác nghiệp ở đời, phải thọ lãnh những hình phạt sai khác như vậy. Mong rằng ta được làm người, và Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời, ta có thể hầu hạ Thế Tôn, Thế Tôn thuyết pháp cho ta, và ta có thể thông hiểu pháp do Thế Tôn thuyết giảng”.
Này các Tỷ-kheo, điều Ta đang nói, không phải Ta nghe từ một Sa-môn hay một Bà-la-môn nào khác; những điều Ta đang nói chỉ được ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ được ta hiểu mà thôi.
6. Dầu Thiên sứ báo động,
Thanh niên vẫn phóng dật
Họ ưu buồn lâu dài,
Sanh làm người hạ liệt.
Ở đây, bậc Chân nhân,
Được Thiên sứ báo động,
Không bao giờ phóng dật,
Trong diệu pháp bậc Thánh,
Thấy sợ trong chấp thủ,
Trong hiện hữu sanh tử,
Được giải thoát, không thủ,
Sanh tử được đoan trừ,
Được yên ổn không lạc,
Ngay hiện tại tịch tịnh,
Mọi oán hận sợ hãi,
Các vị ấy vượt qua,
Mọi đau đớn, khổ sầu,
Thảy đều được siêu thoát.
§ 36. BỐN BẬC ĐẠI VƯƠNG
 - Này các Tỷ-kheo, trong ngày thứ tám của nửa tháng, các vị Đại thần cố vấn cho bốn Đại vương, đi du hành trong thế giới này để xem trong loài Người, có nhiều người có hiếu với mẹ, có hiếu với cha, có kính các Sa-môn, Bà-la-môn, có tôn trọng các vị gia trưởng, có làm lễ Uposatha, có đề cao cảnh giác, có làm các công đức.
Này các Tỷ-kheo, trong ngày 14 của nửa tháng, các Hoàng tử của bốn Thiên vương, đi du hành trong thế giới này để xem trong loài Người, có nhiều người có hiếu với mẹ … có làm các công đức.
Này các Tỷ-kheo, trong ngày rằm lễ Uposatha, bốn vị Thiên vương tự mình đi du hành trong thế giới này để xem trong loài Người… có làm các công đức.
Nếu chỉ có ít người giữa loài Người, này các Tỷ-kheo, có hiếu với mẹ … làm các công đức, thời này các Tỷ-kheo, bốn vị Đại vương liền báo với chư Thiên ở cõi trời thứ Ba mươi ba, đang ngồi tụ họp tại hội trường Sudhammà:
 - “Thưa chư vị, có ít người giữa loài Người có hiếu với mẹ … có làm các công đức”.
Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba không hoan hỷ nói:
 - “Thật vậy, Thiên chúng sẽ bị tổn giảm và Asura chúng (A-tu-la) sẽ được sung mãn.”
Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu có nhiều người giữa loài Người, có hiếu với mẹ … có làm các công đức, thời này các Tỷ-kheo, bốn vị Đại vương liền báo với chư Thiên ở cõi trời thứ Ba mươi ba, đang ngồi tụ họp tại hội trường Sudhammà:
 - “Thưa chư Vị, có nhiều người giữa loài Người, có hiếu với mẹ … có làm các công đức”.
Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi trời thứ Ba mươi ba hoan hỷ nói:
 - “Thật vậy, Thiên chúng sẽ được sung mãn, còn các Asura chúng sẽ bị tổn giảm.
§ 37. SAKKA
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đang thuyết giảng cho chư Thiên ở cõi Trời thứ Ba mươi ba, trong khi ấy, nói lên bài kệ như sau:
Ngày mười bốn, ngày rằm,
Ngày tám trong nửa tháng,
Kể cả phần đặc biệt,
Khéo đầy đủ cả tám,
Theo làm lễ Bố-tát,
Vị ấy giống như Ta,.
Bài kệ ấy, này các Tỷ-kheo, đã bị Thiên chủ Sakka hát sai, không hát đúng, nói sai không nói đúng. Vì cớ sao? Thiên chủ Sakka, này các Tỷ-kheo, chưa ly tham, chưa ly sân, chưa ly si. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí giải thoát. Với vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, lời nói này mới là thích đáng.
Ngày mười bốn, ngày rằm,
Ngày tám trong nửa tháng,
Kể cả phần đặc biệt,
Khéo đầy đủ cả tám,
Theo làm lễ Bố-tát,
Vị ấy giống như Ta.
Vì cớ sao? Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, đã ly tham, đã ly sân, đã ly si.
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đang thuyết giảng cho chư Thiên ở cõi Trời thứ Ba mươi ba, trong khi ấy, nói lên bài kệ như sau:
Ngày mười bốn, ngày rằm,
Ngày tám trong nửa tháng,
Kể cả phần đặc biệt,
Khéo đầy đủ cả tám,
Theo làm lễ Bố-tát,
Vị ấy giống như Ta.
Bài kệ ấy, này các Tỷ-kheo, đã bị Thiên chủ Sakka hát sai, không hát đúng … Vì cớ sao? Ta nói rằng Thiên chủ Sakka, này các Tỷ-kheo, chưa giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán … chánh trí giải thoát. Với vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, lời nói này mới là thích đáng:
Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như Ta.
Vì cớ sao? Ta nói rằng, vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, đã thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, giải thoát khỏi khổ đau.
§ 38. ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG TẾ NHỊ
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng nuôi dưỡng tế nhị, cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị. Này các Tỷ-kheo, trong nhà Phụ vương Ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả phục vụ cho Ta. Không một hương chiên đàn nào Ta dùng, này các Tỷ-kheo, là không từ Kàsi đến. Bằng vải Kàsi là khăn của ta, này các Tỷ-kheo. Bằng vải kàsi là áo cánh, bằng vải kàsi là nội y, bằng vải kàsi là thượng y. Đêm và ngày, một lọng trắng được che cho Ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay sương. Này các Tỷ-kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa. Và Ta, này các Tỷ-kheo, tại lâu đài mùa mưa, trong bốn tháng mưa, được những nữ nhạc công đoanh vây, Ta không có xuống dưới lầu. Trong các nhà của người khác, các người đầy tớ, làm công được cho ăn cơm tấm và cháo chua; trong nhà của phụ vương Ta, các người đầy tớ, làm công được cho ăn gạo thịt gà và cơm nấu.
2. Với Ta, này các Tỷ-kheo, được đầy đủ với sự giàu sang như vậy, được cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị như vậy, Ta suy nghĩ rằng: “Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị già, không vượt qua khỏi già, sau khi thấy người khác già, ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho Ta”. Sau khi quan sát về Ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ được đoạn trừ hoàn toàn.
“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị bệnh, không vượt khỏi bệnh, thấy người khác bị bệnh, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh, sau khi thấy người khác bị bệnh, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho Ta”. Sau khi quán sát về Ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh được đoạn trừ hoàn toàn.
“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị chết, không vượt khỏi chết, khi thấy người khác bị chết, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị chết, không vượt qua khỏi chết, sau khi thấy người khác chết, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho Ta”. Sau khi quán sát về ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của sự sống trong sự sống được đoạn trừ hoàn toàn.
§ 39. KIÊU MẠN
1. - Có ba kiêu mạn này, này các Tỷ-kheo, Thế nào là ba? Kiêu mạn của tuổi trẻ, kiêu mạn của không bệnh, kiêu mạn của sự sống.
Say sưa trong kiêu mạn của tuổi trẻ, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý. Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Say sưa trong kiêu mạn của không bệnh, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân… về ý. Do làm các ác hành về thân, sau khi thân hoại mạng chung... địa ngục. Say sưa trong kiêu mạn của sự sống, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân... về ý. Do làm các ác hành về thân... về ý, sau khi thân hoại mạng chung... địa ngục.
Say sưa trong kiêu mạn của tuổi trẻ, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ Học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Say sưa trong kiêu mạn của không bệnh, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ Học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Say sưa trong kiêu mạn của đời sống, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ Học pháp, trở lui lại đời sống thế tục
2. Bị bệnh và bị già,
Lại còn phải bị chết,
Kẻ phàm phu ghê tởm,
Người khác bị như vậy,
Nếu ta cũng ghê tởm,
Chúng sanh bị như vậy,
Không xứng đáng cho Ta,
Với Ta được sống vậy,
Nên Ta sống như thật,
Biết pháp không sanh y,
Sự say sưa không bệnh,
Tuổi trẻ và sự sống,
Tất cả Ta nhiếp phục,
Thấy xuất ly an ổn,
Nơi ta khởi tinh tấn,
Vì ta thấy Niết-bàn,
Ta không còn có the,
Thọ hưởng các dục vọng,
Ta sẽ không trở lui,
Đích Phạm hạnh Ta đến,
§ 40. TĂNG THƯỢNG
1-4. - Này các Tỷ-kheo, có ba tăng thượng này. Thế nào là ba? Ngã tăng thượng, thế giới tăng thượng, pháp tăng thượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ngã tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quan sát như sau: “Không phải vì y áo, ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không phải vì món ăn khất thực, không phải vì sàng tọa, không phải vì nhân có mặt hay không có mặt ở đây mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, (nhưng với ý nghĩ như sau): “Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, rơi vào khổ, bị khổ chi phối. Có thể do làm như vậy, sự đoạn tận tất cả các khổ uẩn này được hiện khởi lên (cho ta). Và ta đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sau khi đã đoạn tận các dục vọng như vậy, lại còn đeo đuổi các dục vọng như kia hay còn ác tệ hơn. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”.
Vị ấy lại quán sát như sau: “Thắng tấn là tinh tấn của ta, không có thụ động; an trú là niệm của ta, không có thất niệm; khinh an là thân của ta, không có dao động; định tĩnh là tâm của ta, được nhứt tâm”. Vị ấy làm cho tăng thượng tự ngã, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ cho tự ngã được thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tự ngã tăng thượng.
2. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là thế giới tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, rồi thẩm sát như sau: “Không phải vì y áo … (như trên) có thể làm như vậy, đoạn tận của tất cả khổ uẩn này được hiện khởi lên cho ta. Và ta đã xuất gia như vậy, lại có thể suy nghĩ về dục tầm, hay có thể suy nghĩ về sân tầm, hay có thể suy nghĩ về hại tầm. To lớn là đại chúng này sống ở trong đời. Trong đại chúng sống ở đời, có các vị Sa-môn, Bà-la-môn có thần thông, có thiên nhãn, có tha tâm thông. Các vị này có thể thấy từ xa, tuy ở gần nhưng không thể thấy chúng được, và chúng có thể biết tâm ta với tâm của chúng. Chúng biết về ta như sau: “Hãy xem Thiện nam tử này, tuy vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng sống xen lẫn với các pháp ác, bất thiện”. Lại có các chư Thiên có thần thông, có thiên nhãn, có tha tâm thông. Các vị này có thể thấy từ xa, tuy ở gần nhưng không thấy chúng được, và chúng có thể biết tâm ta với tâm của chúng. Các vị ấy có thể biết về ta như sau: “Các Tôn giả Hãy xem Thiện nam tử này, tuy vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng sống xen lẫn với pháp ác và bất thiện.”
Vị ấy lại quan sát như sau: “Thắng tấn là tinh tấn của ta … được nhứt tâm. Vị ấy làm cho tăng thượng thế giới, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, giữ gìn cho tự ngã được thanh tịnh”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thế giới tăng thượng.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng “…, … có thể do làm như vậy, đoạn tận tất cả khổ uẩn này được hiện khởi lên cho ta. Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có kết quả ngay tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí có thể tự mình giác hiểu. Nay ta có những người đồng Phạm hạnh, chúng sống biết và thấy. Ta đã được xuất gia trong Pháp và Luật khéo giảng như vậy, không lẽ ta lại có thể sống biếng nhác phóng dật. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”. Vị ấy lại quán sát như sau: “Thắng tấn là sự tinh tấn của ta… được nhứt tâm. Vị ấy làm cho tăng thượng pháp, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, giữ gìn cho tự ngã được thanh tịnh”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là pháp tăng thượng. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp tăng thượng này.
4. Trên đời không giấu được,
Ác nghiệt tự mình làm,
Ngã của ngươi, ta biết,
Là thật hay là giả,
Ngươi thật khinh thiện ngã,
Mặt giáp mặt chứng kiến,
Muốn che giấu tự ngã,
Điều ác tự ngã làm,
Chư Thiên và Như Lai,
Thấy rõ ở trong đời,
Sở hành của kẻ ngu,
Làm các hạnh tà vạy,
Vậy vị ngã tăng thượng,
Sở hành phải chánh niệm,
Vị thế giới tăng thương,
Hãy khôn khéo, Thiền tịnh,
Với vị pháp tăng thượng,
Hãy sống theo tùy pháp,
Đạo sĩ không thối thất,
Tinh cần theo chân lý,
Nhiếp phục được ma quân,
Chiến thắng được tử thần,
Với tinh cần tinh tấn,
Sanh đã được đoạn tận.
Bậc đạo sĩ như vậy,
Hiểu thế gian diệu trí,
Đối với tất cả pháp,
Không có gì xúc chạm.
V. PHẨM NHỎ
§ 41. SỰ CÓ MẶT
 - Do sự có mặt của ba pháp, này các Tỷ-kheo, một Thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước. Thế nào là ba?
Do sự có mặt của lòng tin, này các Tỷ-kheo, một Thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước. Do sự có mặt của vật bố thí, này các Tỷ-kheo… tạo ra nhiều phước. Do sự có mặt của các vị xứng đáng cúng dường, này các Tỷ-kheo, một Thiện nam tử có lòng tin tạo ra nhiều phước.
Do sự có mặt của ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Thiện nam tử có lòng tin, tạo ra nhiều phước.
§ 42. SỰ KIỆN
 - Do ba sự kiện, này các Tỷ-kheo, một người được biết là có lòng tin. Thế nào là ba?
Ưa thấy người có giới hạnh, ưa nghe diệu pháp, với tâm lý cấu uế của xan tham, sống trong nhà, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, thích phân phát vật bố thí. Do ba sự kiện này, này các Tỷ-kheo, một người được biết là có lòng tin.
Thích thấy người giới hạnh,
Muốn được nghe diệu pháp,
Nhiếp phục uế xan tham,
Vị ấy gọi có tin.
§ 43. BA LỢI ÍCH
 - Thấy rõ ba lợi ích này (lý do, lợi ích) là cần thiết cho một người thuyết pháp cho người khác. Thế nào là ba?
Ai thuyết pháp cần phải liễu giải nghĩa, và cần phải liễu giải pháp. Ai nghe pháp cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp. Người thuyết pháp và cả người nghe pháp cần phải liễu giải nghĩa, và cần phải liễu giải pháp. Thấy rõ ba lợi ích này, này các Tỷ-kheo, là cần thiết cho một người thuyết pháp cho người khác.
§ 44. TRƯỜNG HỢP
 - Có ba trường hợp, này các Tỷ-kheo, cuộc pháp thoại được diễn tiến có lợi ích. Thế nào là ba?
Ai thuyết pháp cần phải liễu giải nghĩa, và cần phải liễu giải pháp. Ai nghe pháp … liễu giải pháp. Ai thuyết pháp và ai nghe pháp, cả hai cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp. Có ba trường hợp này, này các Tỷ-kheo, là cuộc pháp thoại được diễn tiến có lợi ích.
§ 45. BỔN PHẬN
 - Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố. Thế nào là ba?
Bố thí, này các Tỷ-kheo, được người Hiền trí tuyên bố tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố. Xuất gia, này các Tỷ-kheo, được … tuyên bố. Hầu hạ cha mẹ, này các Tỷ-kheo, được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố.
Biết bố thí thiện sĩ,
Bất hại, chế ngự căn,
Tự điều, hầu cha mẹ,
Các vị sống Phạm hạnh,
Bổn phận kẻ thiện khen,
Người Hiền thực hiện chúng,
Bậc Thánh thấy rõ vậy,
Đạt được đời an lạc.
§ 46. BẬC GIỚI HẠNH
 - Gần làng hay thị trấn nào, này các Tỷ-kheo, các bậc xuất gia có giới hạnh trú ở, tại chỗ ấy, các người nhờ ba sự kiện được gặt nhiều công đức. Thế nào là ba? Bởi thân, bởi lời nói, bởi ý.
Gần làng hay thị trấn nào, này các Tỷ-kheo, các bậc xuất gia có giới hạnh trú ở, tại chỗ ấy, các người nhờ ba sự kiện được gặt nhiều công đức.
§ 47. HỮU VI
 - Có ba tướng hữu vi này, này các Tỷ-kheo, cho các pháp hữu vi. Thế nào là ba?
Sanh được trình bày rõ, diệt được trình bày rõ, sự biến dị khi đang trú được trình bày rõ. Có ba tướng hữu vi này, này các Tỷ-kheo, cho các pháp hữu vi.
- Có ba tướng vô vi này, này các Tỷ-kheo, cho các pháp vô vi. Thế nào là ba?
Sanh không được trình bày rõ, diệt không được trình bày rõ, sự biến dị khi đang trú, không được trình bày rõ. Có ba tướng vô vi này, này các Tỷ-kheo, cho các pháp vô vi.
§ 48. NÚI
 - Dựa vào vua núi Tuyết Sơn, này các Tỷ-kheo, các cây sàlà to lớn được lớn lên ba sự tăng trưởng. Thế nào là ba?
Chúng lớn lên về cành, về lá, về toàn bộ lá cây, chúng lớn lên về vỏ trong và vỏ ngoài hay mầm non, chúng lớn lên về giác cây và lõi cây. Dựa vào vua núi Tuyết Sơn, này các Tỷ-kheo, các cây sàlà to lớn được lớn lên ba sự tăng trưởng này.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, dựa vào Thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên ba sự tăng trưởng. Thế nào là ba?
Tăng trưởng về lòng tin, tăng trưởng về giới, tăng trưởng về trí tuệ. Dựa vào Thiện nam tử có lòng tin, này các Tỷ-kheo, các người trong gia đình được lớn lên ba sự tăng trưởng này.
Như núi đá sừng sựng,
Trong rừng sâu, rừng rậm,
Các cây lớn dựa vào,
Lớn lên những thần rừng,
Cũng vậy, Thiện nam tử,
Có lòng tin giới đức,
Vợ con và gia quyến,
Dựa vào để lớn mạnh,
Với tùy tùng bà con,
Nhờ cậy để sinh sống,
Thấy vị giới hạnh làm,
Giới, bố thí, thiện hành,
Nếu chúng có mắt sáng,
Chúng làm theo vị ấy,
Ở đây, làm đúng pháp,
Con đường đến cõi lành,
Trong Thiên giới hỷ lạc,
Ước muốn được hoan hỷ.
§ 49. NHIỆT TÌNH TINH TẤN
 - Có ba trường hợp, này các Tỷ-kheo, nhiệt tình cần phải làm mạnh. Thế nào là ba?
Các ác bất thiện pháp chưa sanh, cần nhiệt tình làm mạnh đừng cho sanh. Các thiện pháp chưa sanh, cần nhiệt tình làm mạnh để cho sanh. Để chịu đựng các thân thọ khổ đã sanh, nhói đau, da diết đau, gay gắt đau, không thích thú, không thích ý, đoạt mạng sống, cần nhiệt tình làm mạnh. Có ba trường hợp này, này các Tỷ-kheo, cần phải nhiệt tình làm mạnh.
Khi nào Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp ác, bất thiện chưa sanh, nhiệt tình làm mạnh đừng để cho sanh, đối với các pháp thiện chưa sanh, nhiệt tình làm mạnh để cho sanh khởi. Để chịu các thân thọ đã sanh khổ đau, nhói đau, da diết đau, gay gắt đau, không thích thú, không thích ý, đoạt mạng sống, nhiệt tình làm mạnh. Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị có nhiệt tình, thận trọng, chánh niệm để chơn chánh đoạn tận khổ đau.
§ 50. GIẶC CƯỚP
 - Do đầy đủ ba điều kiện, này các Tỷ-kheo, một tên cướp lớn có thể chặt được khóa cửa, mang đi được đồ ăn trộm, làm kẻ cướp trộm một nhà, làm kẻ đứng đường chận cướp. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào quanh co hiểm trở, dựa vào rừng rậm, dựa vào kẻ có quyền lực.
Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là tên cướp lớn dựa vào quanh co hiểm trở? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào con sông khó lội qua, hay sự quanh co hiểm trở của núi non. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là tên cướp lớn dựa vào quanh co hiểm trở.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tên cướp lớn dựa vào rừng rậm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào rừng rậm cỏ, hay rừng rậm cây hay khóm rừng, hay đám rừng lớn rậm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào rừng rậm.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tên cướp lớn dựa vào kẻ có quyền lực? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào vua hay các vị đại thần của vua và nghĩ như sau: “Nếu có ai kết tội ta, các vua ấy hay các đại thần của vua ấy sẽ giải thích, cứu thoát ta”. Và sự thực là như vậy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào kẻ có quyền lực.
Do đầy đủ ba điều kiện này, này các Tỷ-kheo, một tên cướp lớn có thể chặt được khóa cửa, mang đi được đồ ăn trộm, làm kẻ cướp trộm một nhà, làm kẻ đứng đường chận cướp.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ác Tỷ-kheo đầy đủ ba pháp, tự mình sử sự như một vật mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách, và tạo nên nhiều điều vô phước. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo dựa vào quanh co hiểm trở, dựa vào rừng rậm và dựa vào kẻ có quyền lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào sự hiểm trở? Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo đầy đủ với thân hành quanh co hiểm trở, với ngữ hành quanh co hiểm trở, với ý hành quanh co hiểm trở. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo dựa vào quanh co hiểm trở.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào rừng rậm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo có tà kiến, đầy đủ những tri kiến đi đến cực đoan. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo dựa vào rừng rậm.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào kẻ có quyền lực? Ở đây, này các Tỷ-kheo, dựa vào các vua hay các đại thần của vua, ác Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Nếu có ai kết tội ta, các vua ấy, hay các đại thần của vua ấy sẽ giải thích, cứu thoát ta”. Và sự thực là như vậy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo dựa vào kẻ có quyền lực.
Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo tự mình xử sự như một vật mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách, và tạo nên nhiều điều vô phước.
VI. PHẨM CÁC BÀ-LA-MÔN
§ 51. (a) HAI NGƯỜI
Có hai vị Bà-la-môn già yếu, Trưởng lão, tuổi lớn… cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, đi đến Thế Tôn … ngồi xuống một bên. Những Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
Tôn giả Gotama, chúng tôi là những Bà-la-môn già yếu, Trưởng lão, tuổi lớn, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng chúng tôi không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi Tôn giả Gotama hãy răn dạy chúng tôi, Tôn giả Gotama hãy giảng dạy chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
 - Thật vậy, các Ông là những Bà-la-môn già yếu, … đã 120 tuổi, nhưng các Ông không làm điều lành… không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Thật vậy, này các Bà-la-môn, thế giới đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn. Thế giới này đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn như vậy, này các Bà-la-môn, thời chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý trong đời này, đối với kẻ đã đi đến cõi chết, phải là chỗ nương tựa, là hang trú ẩn, là hòn cù lao (hay ngọn đèn), là chỗ quy y và là đích xứ nó đến.
Đời sống bị dắt dẫn,
Mạng sống chẳng là bao,
Bị già kéo dẫn đi,
Không có nơi nương tựa,
Hãy luôn luôn quán tưởng,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy làm các công đức,
Đưa đến chơn an lạc.
Ở đây chế ngự thân,
Chế ngự lời và ý,
Kẻ ấy dầu có chết,
Cũng được hưởng an lạc,
Vì khi còn đang sống,
Đã làm các công đức.
               § 52. (b) HAI NGƯỜI
Rồi Bà-la-môn già yếu, Trưởng lão, tuổi lớn … đi đến Thế Tôn... bạch Thế Tôn:
Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi là những Bà-la-môn già yếu, Trưởng lão, tuổi lớn, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng chúng tôi không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Tôn giả Gotama hãy răn dạy chúng tôi. Tôn giả Gotama hãy giảng dạy chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
 - Thật vậy, các ông là những Bà-la-môn già yếu, … đã 120 tuổi, nhưng các Ông không làm điều lành… là chỗ quy y và là đích xứ nó đến.
Trong ngôi nhà bị cháy,
Đồ đạc được đem ra,
Đồ ấy lợi cho nó,
Không phải đồ bị cháy,
Cũng vậy đời bị cháy,
Do già chết thiêu đốt,
Nhờ bố thí tự cứu,
Khéo cứu đồ bố thí,
Ở đây, chế ngự thân,
Chế ngự lời và ý,
Kẻ ấy dầu có chết,
Cũng được hưởng an lạc,
Vì khi còn đang sống
Đã làm các công đức.
§ 53. VỊ BÀ-LA-MÔN
Rồi một Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm … Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
 - Pháp là thiết thực hiện tại, thưa Tôn giả Gotama, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu?
 - Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ, tâm ưu. Tham ái được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ, tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Bị sân làm uế nhiễm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, … tâm khổ, tâm ưu. Sân được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại… không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại… tự mình giác hiểu.
Bị si làm cho mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, … tâm khổ, tâm ưu. Si được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại… không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại… tự mình giác hiểu.
 - Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Xin Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
§ 54. BÀ-LA-MÔN CƯ SĨ
Rồi một Bà-la-môn Du sĩ đi đến; Thế Tôn, sau khi đến … ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Du sĩ bạch Thế Tôn:
 - Pháp là thiết thực hiện tại, thưa Tôn giả Gotama, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu?
 - Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm… cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Tham ái được đoạn trừ … không cảm thọ tâm khổ, tâm ưu.
Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, vị ấy làm ác hạnh về thân … ác hạnh về lời nói … ác hạnh về ý. Tham ái được đoạn trừ, vị ấy không làm ác hạnh về thân … ác hạnh về lời nói … ác hạnh về ý.
Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, vị ấy không như thật rõ biết lợi ích của mình, không như thật rõ biết lợi ích của người, không như thật rõ biết lợi ích của cả hai. Tham ái được đoạn trừ, vị ấy như thật rõ biết lợi ích của mình, như thật rõ biết lợi ích của người, như thật rõ biết lợi ích của cả hai
Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Bị sân làm uế nhiễm, này Bà-la-môn …
Bị si làm mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ đến hại mình … nên suy nghĩ đến hại cả hai, cảm thọ tâm khổ, tâm ưu. Si được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại … không cảm thọ tâm khổ tâm ưu.
Bị si làm cho mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên làm ác hạnh về thân … ác hạnh về lời nói, ác hạnh về ý. Si được đoạn trừ, thời không làm ác hạnh về thân … không làm ác hạnh về ý.
Bị si làm cho mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên không như thật rõ biết lợi ích cho mình, không như thật rõ biết lợi ích cho người, không như thật rõ biết lợi ích cho cả hai. Si được đoạn trừ, thời như thật rõ biết lợi ích cho mình… như thật rõ biết lợi ích của cả hai.
Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
               § 55. NIẾT BÀN
Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn … ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:
 - Thiết thực hiện tại là Niết-bàn, thưa Tôn giả Gotama, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, Niết-bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu? Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình … cảm thọ tâm khổ, tâm ưu. Tham ái được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết-bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Bị sân làm uế nhiễm, này Bà-la-môn …
Bị si làm mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ đến hại mình … nên suy nghĩ đến hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Si được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại … không cảm thọ tâm khổ tâm ưu.
Như vậy, này Bà-la-môn, Niết-bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Khi vị ấy, này Bà-la-môn, cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ sân được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ si được đoạn tận, không có dư tàn. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết-bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, … được người trí tự mình giác hiểu.
Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama… mong Tôn giả Gotama nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
§ 56. NGƯỜI GIÀU CÓ
Rồi một Bà-la-môn giàu có lớn đi đến Thế Tôn … ngồi xuống một bên, Bà-la-môn giàu có lớn bạch Thế Tôn:
 - Con có nghe, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn thuở xưa, các Trưởng lão tuổi lớn, bậc Thầy của các bậc Thầy nói rằng: “Thuở xưa, thế giới này quá sung mãn, với người - người ta nghĩ như một vực sâu không có sóng, các làng, các thị trấn, các kinh thành quá gần để một con gà trống có thể bước từ chỗ này qua chỗ kia.”
Do nhân gì, thưa Tôn giả Gotama, do duyên gì, ngày nay loài Người lại bị tiêu diệt, bị giảm thiểu trông rõ như thế, các làng trở thành không phải làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, các thành phố trở thành không thành phố, các quốc độ trở thành không quốc độ?
 - Ngày nay, này Bà-la-môn, loài Người bị tham ái phi pháp làm cho say đắm và bị ác tham chinh phục, bị tà kiến chi phối. Vì bị tham ái phi pháp làm cho say đắm, vì bị ác tham chinh phục, vì bị tà kiến chi phối, chúng cầm gươm sắc bén sát hại lẫn nhau. Do vậy, nhiều người mạng chung. Đây là nhân, này Bà-la-môn, đây là duyên, ngày nay loài Người bị tiêu diệt, bị giảm thiểu trông rõ như thế … các quốc độ trở thành không quốc độ.
Lại nữa, này Bà-la-môn, ngày nay, các loài Người bị tham ái phi pháp làm cho say đắm … bị các tà kiến chi phối. Vì bị tham ái phi pháp làm cho say đắm … vì bị tà kiến chi phối, trời không mưa xuống đều đặn. Vì vậy, bữa ăn khó tìm, mùa màng hư mất, trắng xóa với côn trùng, chỉ còn lại cọng dẹp. Do vậy, nhiều người mạng chung. Đây là nhân, này Bà-la-môn, đây là duyên, vì sao ngày nay loài Người bị tiêu diệt, bị giảm thiểu trông rõ như thế … các quốc độ trở thành không quốc độ.
Lại nữa, này Bà-la-môn, ngày nay, các loài người bị tham ái phi pháp làm cho say đắm … bị các tà kiến chi phối. Vì bị tham ái phi pháp làm cho say đắm … vì bị các tà kiến chi phối, các loài Yakkha (Dạ-xoa) thả ra các loài phi nhân dữ tợn. Vì vậy, nhiều người mệnh chung. Đây là nhân, Này Bà-la-môn, đây là duyên, ngày nay loài người bị tiêu diệt, bị giảm thiểu trông rõ như thế … các quốc độ trở thành không quốc độ.
 - Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! … Tôn giả Gotama hãy nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
§ 57. VACCHAGOTTA
Rồi Du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn … ngồi xuống một bên, Du sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn:
 - Tôi có được nghe, thưa Tôn giả Gotama, Sa-môn Gotama nói như sau: “Cần phải bố thí cho Ta, không cần bố thí cho người khác. Cần phải bố thí cho đệ tử của Ta, không cần phải bố thí cho đệ tử những người khác. Bố thí cho Ta có quả lớn, bố thí cho người khác không có quả lớn. Bố thí cho các đệ tử của Ta có quả lớn, bố thí cho đệ tử của người khác không có quả lớn!” Thưa Tôn giả Gotama, những ai nói rằng Sa-môn Gotama nói như sau: “Cần phải bố thí cho Ta … không có được quả lớn!” Những người nói như vậy, có phải nói đúng lời nói của Tôn giả Gotama, không có xuyên tạc Tôn giả Gotama với điều không thật? Có phải họ nói như vậy là đúng pháp và thuận pháp, và những ai là người đồng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích? Họ không muốn xuyên tạc Tôn giả Gotama?
 - Này Vaccha, những ai nói rằng Sa-môn Gotama nói như sau: “Cần phải bố thí cho Ta … có được quả lớn!”, những người ấy không nói đúng với lời nói của Ta, họ đã xuyên tạc Ta với điều không thật, họ đã nói láo. Này Vaccha, ai ngăn chận người khác bố thí, người ấy tạo ra ba chướng ngại pháp và đánh cắp mất ba vật. Thế nào là ba?
Người ấy làm chướng ngại người cho không được công đức, người ấy ngăn chặn người nhận không được bố thí, và tự ngã người ấy trước đã mất gốc, lại càng bị thương tổn hơn. Này Vaccha, ai ngăn chận người cho không bố thí người khác, tạo ra ba chướng ngại như vậy, và đánh cắp mất ba vật. Này Vaccha, ta nói như sau: “Những ai đổ đồ phế thải trên mâm bàn, hay đồ rửa chén bát vào hố phân hay hố rác rưởi § (Với ý nghĩ) để các loài hữu tình trong ấy nhờ đấy được ăn để sống”. Do nhân duyên ấy, này Vaccha, ta nói có đem lại công đức, còn nói gì đối với loài Người.
Lại nữa, này Vaccha, Ta tuyên bố rằng, cho người có giới hạnh được quả lớn, cho người ác giới, không phải như vậy. Người có giới hạnh là người đã đoạn tận năm pháp và đã đầy đủ năm pháp.
Thế nào là năm pháp đã được đoạn tận? Dục tham đã được đoạn tận, sân đã được đoạn tận, hôm trầm thùy miên đã được đoạn tận, trạo hối đã được đoạn tận, nghi đã được đoạn tận, năm pháp này đã được đoạn tận.
Năm pháp nào đã được đầy đủ?
Đầy đủ Vô học giới uẩn, đầy đủ Vô học định uẩn, đầy đủ Vô học tuệ uẩn, đầy đủ Vô học giải thoát uẩn, đầy đủ Vô học giải thoát tri kiến uẩn. Vị ấy được đầy đủ năm pháp này. Ở đây, Ta tuyên bố rằng, bố thí cho người đủ đoạn tận năm pháp, đầy đủ năm pháp có quả lớn.
Như trong một đàn bò,
Có con đen, trắng, đỏ,
Màu hung hay có đốm,
Có con màu bồ câu,
Dầu con bò màu gì,
Kiếm được con bò thuần,
Con vật kéo sức mạnh,
Đẹp, lanh và hăng hái,
Mặc kệ nó màu gì,
Liền mắc vào gánh nặng,
Cũng vậy, giữa loài người,
Dầu có sinh chỗ nào,
Hoàng tộc, Bà-la-môn,
Thương gia hay nô bộc,
Kẻ không có giai cấp,
Hay hạ cấp đổ phân,
Giữa những người như vậy.
Ai điều phục thuần thục,
Ngay thẳng, đủ giới đức
Nói thực, biết tàm quý,
Sanh tử đã đoạn tận,
Phạm hạnh được vẹn toàn
Gánh nặng đã hạ xuống,
Không còn bị trói buộc,
Việc cần làm đã làm,
Không còn bị lậu hoặc,
Đã đến bờ bên kia,
Không chấp pháp, tịch tịnh,
Phước điền ấy vô cấu.
Quả lớn đáng cúng dường;
Như kẻ ngu không biết,
Thiếu trí, ít nghe nhiều,
Chỉ bố thí bên ngoài,
Không đến gần kẻ thiện,
Những ai gần kẻ thiện,
Có tuệ, tôn bực hiền
Họ tin bậc Thiện Thệ,
An trú tận gốc rễ.
Sanh Thiên hay ở đây
Được sanh gia đình tốt
Bậc trí tuần tự tiến
Chứng được cảnh Niết-bàn.
§ 58. TIKANNA
1-6
1. Rồi Bà-la-môn Tikanna đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn … ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Tikanna, trước mặt Thế Tôn, tán thán các bậc Bà-la-môn có đầy đủ ba minh.
 - Phải, này Bà-la-môn, họ là bậc có ba minh. Phải, các Bà-la-môn có ba minh. Cho đến như thế nào, này Bà-la-môn, các Bà-la-môn diễn tả ba minh của các Bà-la-môn?
 - Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, vị Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh, cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh, nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Veda với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và các cổ truyện là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế (tự nhiên học) và tướng của vị đại nhân. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các vị Bà-la-môn diễn tả ba minh của các vị Bà-la-môn.
 - Thật là khác, này Bà-la-môn, các Bà-la-môn diễn tả ba minh của các Bà-la-môn. Thật là khác ba minh trong Luật của bậc Thánh.
 - Như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, là ba minh trong giới Luật của bậc Thánh? Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho chúng tôi về ba minh trong Luật của bậc Thánh.
 - Vậy Bà-la-môn hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
2. Thưa vâng, Tôn giả.
Bà-la-môn Tikanna vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
 - Ở đây, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly dục, ly các pháp ác, bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm với tứ, vị ấy chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, vị ấy chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, vị ấy chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
3 - Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ thổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ thổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây.” Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Đây là minh thứ nhất đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy, với Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
Các chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, ngữ, ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, ngữ, ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Đây là minh thứ hai đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
5. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Đây là Khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của Khổ”, biết như thật: “Đây là Khổ diệt”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến Khổ diệt” biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”. Đây là minh thứ ba đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
6. Giới hạnh không cao thấp,
Khôn khéo và Thiền tịnh,
Với tâm được chinh phục,
Nhứt tâm, khéo định tĩnh,
Bậc trí đoạn mê ám,
Ba minh, diệt tử thần,
Vị ấy được tôn xưng,
Đại hạnh cho Trời Người,
Bậc “Đoạn tận tất cả”,
Đầy đủ cả ba minh,
An trú không mê vọng,
Đức Phật, bậc Giác Ngộ,
Bậc chứng thân tối hậu,
Chúng lễ Gotama
Ai biết được đời trước,
Thấy Thiên giới, đọa giới,
Vị ấy là đạo sĩ,
Đoạn sanh, đạt thắng trí
Vị Bà-la-môn nào,
Chứng được ba minh này,
Ta gọi là ba minh,
Không như thường được gọi.
Như vậy, này Bà-la-môn, là ba minh trong Luật của bậc Thánh.
 - Thật khác, thưa Tôn giả Gotama, là ba minh của các Bà-la-môn! Thật khác là ba minh trong Luật của bậc Thánh! Và thưa Tôn giả Gotama, người có được ba minh của các Bà-la-môn không sánh bằng một phần mười sáu của vị chứng ba minh trong Luật của bậc Thánh.
§ 59. JÀNUSSONI
1-4
1. Rồi có Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn; sau khi đến … ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:
 - Ai làm lễ tế đàn, thưa Tôn giả Gotama, hay ai làm lễ cúng linh, hay ai có bố thí, cần phải bố thí các vật ấy cho các vị Bà-la-môn có ba minh.
Cho đến như thế nào, này Bà-la-môn, các vị Bà-la-môn diễn tả một Bà-la-môn có ba minh?
Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, vị Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh, nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải, và các cổ truyện là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế (tự nhiên học) và tướng của vị Đại nhân. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn diễn tả ba minh của các Bà-la-môn.
 - Thật là khác, này Bà-la-môn, các Bà-la-môn diễn tả ba minh của các Bà-la-môn. Thật là khác, ba minh trong Luật của bậc Thánh.
 - Như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, là ba minh trong giới Luật của bậc Thánh? Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết giảng cho chúng tôi về ba minh trong giới Luật của bậc Thánh.
 - Vậy Bà-la-môn hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ giảng.
 - Thưa vâng, Tôn giả.
Bà-la-môn Jànussoni vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. Ở đây, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly dục, ly các pháp ác, bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất … chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời … Đây là minh thứ nhất đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
3. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị Tỷ-kheo ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân … đều do hạnh nghiệp của chúng. Đây là minh thứ hai đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi, bóng tối diệt, ánh sáng sanh đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Đây là khổ” … “… không có đời sống nào khác nữa.” Đây là minh thứ ba đã đạt được, vô minh diệt, minh khởi bóng tối diệt, ánh sáng sanh, đối với vị an trú không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Ai đầy đủ giới hạnh,
Tinh cần và định tĩnh,
Với tầm được chinh phục,
Nhứt tâm khéo định tĩnh.
Ai biết được đời trước,
Thấy Thiên giới đọa xứ,
Vị ấy là đạo sĩ,
Đoạn sanh, đạt thắng trí,
Vị Bà-la-môn nào,
Chứng được ba minh này,
Ta gọi là ba minh,
Không như thường được gọi.
Như vậy, này Bà-la-môn, là ba minh trong Luật của bậc Thánh.
 - Thật thế, thưa Tôn giả Gotama, là ba minh của các Bà-la-môn! Thật khác, là ba minh trong Luật của bậc Thánh! Và thưa Tôn giả Gotama, người có được ba minh của các Bà-la-môn không sánh bằng một phần mười sáu của vị chứng ba minh trong Luật của bậc Thánh! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! … mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng?
§ 60. SANGÀRAVA
1-7
1. - Rồi có Bà-la-môn Sangàrava đi đến Thế Tôn … ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sangàrava bạch Thế Tôn:
 - Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi làm lễ tế đàn và khuyên các người khác làm lễ tế đàn. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, ai làm lễ tế đàn và ai khuyên các người khác làm lễ tế đàn, tất cả đều thực hành con đường đưa đến công đức cho nhiều người, tức là kết quả của tế đàn. Thưa Tôn giả Gotama, ai xuất gia, từ bỏ gia tộc, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chỉ nhiếp phục một tự ngã của mình, chỉ an tịnh một tự ngã của mình, chỉ làm cho một tự ngã chứng được Niết-bàn. Như vậy, người ấy thực hành con đường đưa đến công đức chỉ có một mình, tức là kết quả của sự xuất gia.
 - Vậy này Bà-la-môn, ở đây, Ta sẽ hỏi Ông. Ông kham nhẫn như thế nào, hãy như vậy trả lời. Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn, ở đây, Thế Tôn xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiên Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy nói như sau: “Đây là con đường, đây là đạo lộ, nhờ thực hành con đường này, Ta đã thể nhập vô thượng Phạm hạnh, tự mình với thắng trí, chứng đạt, an trú và tuyên thuyết. Các Người hãy đến! Hãy như vậy thực hành! Các Người sẽ thể nhập vô thượng Phạm hạnh, tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú”. Như vậy, vị Đạo sư này thuyết pháp, và các người khác như thật hành trì. Số người như vậy là hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn. Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn, sự việc là như vậy, thời con đường đưa đến công đức này là ảnh hưởng chỉ đến một người hay ảnh hưởng đến nhiều người, tức là kết quả của sự xuất gia?
 - Sự việc này là như vậy, thưa Tôn giả Gotama, con đường đưa đến công đức này là ảnh hưởng đến nhiều người tức là kết quả của sự xuất gia.
2. Được nghe nói vậy, Tôn giả Ànanda nói với Bà-la-môn Sangàrava:
 - Trong hai con đường này, này Bà-la-môn, con đường nào, Ông có thể kham nhẫn là giản dị hơn, ít khó chịu hơn kết quả lớn hơn và lợi ích hơn?
Được nói vậy, Bà-la-môn Sangàrava nói với Tôn giả Ànanda:
 - Như Tôn giả Gotama và Tôn giả Ànanda, cả hai đối với tôi là đáng kính lễ và đáng tán thán.
Lần thứ hai, Tôn giả Ànanda nói với Bà-la-môn Sangàrava:
 - Này Bà-la-môn, Ta không hỏi Ông như vậy: “Những ai là đáng đảnh lễ, hay những ai là đáng tán thán?” Này Bà-la-môn, như thế này Ta hỏi Ông: “Này Bà-la-môn, trong hai con đường này, con đường nào Ông có thể kham nhẫn là giản dị hơn, ít khó chịu hơn, kết quả lớn hơn, lợi ích lớn hơn?”
Lần thứ hai, Bà-la-môn Sangàrava nói với Tôn giả Ànanda:
 - Như Tôn giả Gotama và Tôn giả Ànanda, cả hai đối với tôi là đáng đảnh lễ và đáng tán thán.
Lần thứ ba, Tôn giả Ànanda nói với Bà-la-môn Sangàrava:
 - Này Bà-la-môn, ta không hỏi Ông như vậy: “Những ai là đáng kính lễ, hay những ai là đáng tán thán?” Này Bà-la-môn, như thế này ta hỏi Ông: “Này Bà-la-môn, trong hai con đường này, con đường nào Ông có thể kham nhẫn là giản dị hơn, ít khó chịu hơn, kết quả lớn hơn, lợi ích lớn hơn?”
Lần thứ ba, Bà-la-môn Sangàrava nói với Tôn giả Ànanda:
 - Như Tôn giả Gotama và Tôn giả Ànanda, cả hai đối với tôi là đáng kính lễ và đáng tán thán.
3. Rồi Thế Tôn suy nghĩ như sau: “Cho đến lần thứ ba, Bà-la-môn Sangàrava, được hỏi một câu đúng pháp lại tránh né, không trả lời. Vậy Ta hãy giải tỏa việc này”.
Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Sangàrava:
 - Này Bà-la-môn, câu chuyện gì đã khởi lên hôm nay trong cung điện nhà vua, khi hội chúng nhà vua ngồi tụ họp lại?
 - Thưa Tôn giả Gotama, hôm nay, trong cung điện nhà vua, câu chuyện như sau đã khởi lên, khi hội chúng nhà vua ngồi tụ họp lại: “Thuở xưa, các Tỷ-kheo ít hơn, nhưng nhiều hơn là các pháp thượng nhân, các thần thông thần biến được thị hiện. Ngày nay, các Tỷ-kheo nhiều hơn, nhưng ít hơn là các pháp thượng nhân, các thần thông thần biến được thị hiện.” Thưa Tôn giả Gotama, đấy là câu chuyện đã khởi lên hôm nay trong cung điện nhà vua, khi hội chúng nhà vua ngồi tụ họp lại.
4. - Này Bà-la-môn, có ba loại thần thông. Thế nào là ba? Thần thông biến hóa, thần thông ký thuyết, thần thông giáo hóa, và Bà-la-môn, thế nào là thần thông biến hóa?
Ở đây, này Bà-la-môn, có người chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước, không nứt rẽ ra như trên đất liền, ngồi kiết-già, đi trên hư không như con chim, với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.
5. Và này Bà-la-môn, thế nào là thần thông ký thuyết?
Ở đây, này Bà-la-môn, có người nói lên nhờ tướng: “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông”. Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.
Ở đây, này Bà-la-môn, có người nói lên không nhờ tướng, nhưng nghe tiếng của loài Người hay của phi nhân, hay của chư Thiên, liền nói lên: “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông”. Nếu vị ấy nói lên nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.
Ở đây, này Bà-la-môn, có người nói lên không nhờ tướng, cũng không nhờ nghe tiếng loài Người, hay loài phi nhân, hay chư Thiên mà nói lên, nhưng sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư; sau khi suy tầm và suy tư liền nói lên: “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông”. Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.
Ở đây, này Bà-la-môn, có người không nói lên nhờ tướng, không nói lên nhờ nghe tiếng loài Người hay phi nhân, hay chư Thiên, không nói lên sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư, sau khi suy tầm và suy tư. Nhưng, thành tựu định không tầm không tứ, với tâm (của mình) rõ biết tâm của người khác tùy theo hành ý của vị Tôn giả này hướng đến chỗ nào, thời tâm của vị này lập tức suy tầm đến chỗ ấy. Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác. Này Bà-la-môn, đây gọi là thần thông ký thuyết.
6. Và như thế nào, này Bà-la-môn, là thần thông giáo hóa?
Ở đây, này Bà-la-môn, có người giáo giới như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này! Hãy đạt đến cái này và an trú!” Này Bà-la-môn, đây gọi là thần thông giáo hóa. Này Bà-la-môn, có ba loại thần thông này.
Trong ba loại thần thông này, Ông có thể chấp nhận loại thần thông nào là hy hữu hơn, thù diệu hơn?
 - Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, loại thần thông này: Ở đây có người chứng được nhiều loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân … Có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, ai làm loại thần thông ấy, người ấy tự kinh nghiệm lấy. Ai làm thần thông ấy, tự mình có được thần thông ấy. Loại thần thông này, đối với tôi, được xem tánh chất như là huyễn hóa. Còn loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama: Ở đây có người nhờ tướng nói lên… sau khi nghe tiếng chư Thiên... sau khi nghe tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư… Với tâm của mình, rõ biết tâm của người khác. Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, ai làm thần thông ấy, người ấy tự kinh nghiệm lấy. Ai làm thần thông ấy, tự mình có được thần thông ấy. Loại thần thông này, đối với tôi, được xem tánh chất như là huyễn hóa. Còn loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama: Ở đây có người giáo giới như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này… hãy đạt đến cái này và an trú”. Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, tôi có thể chấp nhận là hy hữu hơn và thù diệu hơn trong ba loại thần thông.
Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama! Thật là hy hữu, thưa Tôn giả Gotama! Vấn đề này được Tôn giả Gotama khéo nói như vậy. Chúng tôi thọ trì rằng Tôn giả Gotama có thành tựu cả ba loại thần thông này. Thật vậy, Tôn giả Gotama có thể chứng được nhiều loại thần thông… Thật vậy, Tôn giả Gotama thành tựu được định không tầm không tứ, với tâm của mình rõ biết tâm của người khác, tùy theo ý hành của vị Tôn giả này hướng đến chỗ nào, thời tâm của vị này lập tức suy tầm đến chỗ ấy. Tôn giả Gotama giáo giới như sau: “Hãy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này, hãy đạt đến cái này và an trú!”
7. Thật vậy, này Bà-la-môn, lời nói của Ông trước như là chống ta, sau xích lại gần Ta. Và Ta sẽ trả lời cho Ông. Này Bà-la-môn, Ta chứng được nhiều loại thần thông… này Bà-la-môn, Ta thành tựu được định không tầm không tứ, với tâm của mình, rõ biết tâm của người khác, tùy theo ý hành của vị Tôn giả này hướng đến chỗ nào, thời tâm của vị này lập tức suy tầm đến chỗ ấy. Tôn giả Gotama có thể giáo giới như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy. Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này, hãy đạt đến cái này và an trú!”
 - Thưa Tôn giả Gotama, có một Tỷ-kheo nào khác, cũng thành tựu được ba loại thần thông này, ngoài Tôn giả Gotama?
 - Này Bà-la-môn, không phải chỉ có một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm, mà còn nhiều hơn nữa là các Tỷ-kheo thành tựu được ba loại thần thông này.
 - Nhưng thưa Tôn giả Gotama, nay các Tỷ-kheo ấy hiện ở đâu?
 - Này Bà-la-môn, trong chúng Tỷ-kheo này.
 - Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, hay trình bày cái gì bị che kín, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, pháp được Tôn giả Gotama thuyết giảng với nhiều pháp môn. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
VII. PHẨM LỚN
§ 61. SỞ Y XỨ
1. Này các Tỷ-kheo, có ba y xứ này của ngoại đạo, dầu có bị các bậc Hiền giả cật vấn, nạn vấn lý do, thảo luận, vẫn kiên trì trong quan điểm truyền thống về vô vi (không hành động). Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, chấp kiến như sau: “Phàm có cảm giác gì con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ”. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, chấp kiến như sau: “Phàm có cảm giác gì con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân một tạo hóa tạo ra”. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn hay Bà-la-môn, thuyết như sau, chấp kiến như sau: “Phàm có cảm giác gì con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do không nhân, không duyên”.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, chấp kiến như sau: “Phàm có cảm giác gì con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ”. Đối với các vị ấy, Ta đến và nói: “Chư Tôn giả, có thiệt chăng, Chư Tôn giả có thuyết như sau, chấp kiến như sau: “Phàm có cảm giác gì con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ?”
Được Ta hỏi như vậy, họ trả lời: “Thưa phải, có như vậy”.
Ta nói với họ như sau: “Như vậy, thời theo các Tôn giả, do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người sát sanh; do nhân nghiệp, quá khứ, sẽ trở thành người lấy của không cho; do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người không Phạm hạnh; do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người nói láo; do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người nói hai lưỡi; do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người ác khẩu; do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người nói lời phù phiếm; do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người tham lam; do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người tâm sân, do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người theo tà kiến”. Nhưng này các Tỷ-kheo, với những ai trở lại dựa vào nghiệp quá khứ là lý do kiên thực, với những người ấy sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có “Đây là việc phải làm”, hay “Đây là việc không nên làm”. Như vậy, sự cần thiết cần phải làm hay không cần phải làm không được tìm thấy là chân thực, là đáng tin cậy, thời danh từ Sa-môn không thể áp dụng đúng pháp cho các Ông được, vì các Ông sống thất niệm và với các căn không hộ trì.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là sự chỉ trích đúng pháp thứ nhất của Ta đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn có thuyết như vậy, có chấp kiến như vậy.
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, chấp kiến như sau: “Phàm có cảm giác gì con người lãnh thọ lạc, khổ hay không lạc, không khổ, tất cả đều do nhân một tạo hóa tạo ra”. Ta đến họ và nói: “Chư Tôn giả, có thật chăng, chư Tôn giả có thuyết như sau, có chấp kiến như sau: “Phàm có cảm giác gì, con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân một vị tạo hóa tạo ra?”
Được Ta hỏi như vậy, họ trả lời: “Thưa phải, có như vậy”.
Ta nói với họ như sau: “Như vậy, thời theo các Tôn giả, do nhân một vị tạo hóa tạo ra, sẽ trở thành người sát sanh … Do nhân một vị tạo hóa tạo ra, sẽ trở thành người theo tà kiến”. Nhưng này các Tỷ-kheo, với những ai trở lại dựa vào vị tạo hóa tạo ra là lý do kiên thực, với những người ấy, sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có “Đây là việc phải làm”, hay “Đây là việc không nên làm”. Như vậy, sự cần thiết cần phải làm hay không cần phải làm không được tìm thấy là chân thực, là đáng tin cậy, thời danh từ Sa-môn không thể áp dụng đúng pháp cho các Ông được, vì các Ông sống thất niệm và với các căn không hộ trì.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là sự chỉ trích đúng pháp thứ hai của Ta đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn có thuyết như vậy, có chấp kiến như vậy.
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, chấp kiến như sau: “Phàm có cảm giác gì, con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do không nhân không duyên”. Ta đến họ và nói: “Chư Tôn giả, có thật chăng, chư Tôn giả có thuyết như sau, có chấp kiến như sau: Phàm có cảm giác gì, con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do không nhân, không duyên?”
Được Ta hỏi như vậy, họ trả lời: “Thưa phải, có như vậy”.
Ta nói với họ như sau: “Như vậy, thời theo các Tôn giả, do không nhân, không duyên, sẽ trở thành người sát sanh … Do không nhân, không duyên, sẽ trở thành người theo tà kiến”. Nhưng này các Tỷ-kheo, với những ai trở lại dựa vào không nhân, không duyên là lý do kiên thực, với những người ấy sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có “Đây là việc phải làm”, hay “Đây là việc không phải làm”. Như vậy, sự cần thiết cần phải làm hay không cần phải làm, không được tìm thấy là chân thực, là đáng tin cậy, thời danh từ Sa-môn không thể áp dụng đúng pháp cho các Ông được, vì các Ông sống thất niệm và với các căn không hộ trì.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là sự chỉ trích đúng pháp thứ ba của Ta đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn có thuyết như vậy, có chấp kiến như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây là ba y xứ của ngoại đạo, dù có được các bậc Tôn giả cật vấn, nạn vấn lý do, thảo luận, vẫn kiên trì trong quan điểm truyền thống về vô vi (không hành động).
5. Và này các Tỷ-kheo, đây là pháp Ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp Ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách?
Sáu giới này, này các Tỷ-kheo, là pháp Ta thuyết giảng, … có trí quở trách. Sáu xúc xứ này, này các Tỷ-kheo, là pháp Ta thuyết giảng… có trí quở trách. Mười tám ý cận hành này, này các Tỷ-kheo, là pháp Ta thuyết giảng… có trí quở trách. Bốn Thánh đế này, này các Tỷ-kheo, là pháp Ta thuyết giảng… có trí quở trách.
6. Sáu giới này, này các Tỷ-kheo, là pháp được Ta thuyết giảng… có trí quở trách, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến? Này các Tỷ-kheo, có sáu giới này: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Sáu giới này, này các Tỷ-kheo, là pháp được Ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không tội lỗi, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Điều đã được nói đến, chính do duyên này được nói đến.
7. Có sáu xúc xứ này, này các Tỷ-kheo, là pháp được Ta thuyết giảng … không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Điều đã được nói đến, chính do duyên nào được nói đến? Này các Tỷ-kheo, có sáu xúc xứ này; nhãn xúc xứ, nhĩ xúc xứ, tỷ xúc xứ, thiệt xúc xứ, thân xúc xứ, ý xúc xứ. Có sáu xúc xứ này, này các Tỷ-kheo, được Ta thuyết giảng... không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Điều đã được nói đến, chính do duyên này được nói đến.
8. Có mười tám ý cận hành này, này các Tỷ-kheo, là pháp được Ta thuyết giảng… không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Điều đã được nói đến, chính do duyên nào được nói đến? Khi con mắt thấy sắc, tư tưởng hướng về và đến gần sắc, làm y xứ cho hỷ, hướng về và đến gần sắc, làm y xứ cho ưu, hướng về và đến gần sắc, làm y xứ cho xả. Khi tai nghe tiếng, tư tưởng hướng về và đến gần tiếng, làm y xứ cho hỷ, hướng về và đến gần tiếng, làm y xứ cho ưu, hướng về và đến gần tiếng, làm y xứ cho xả. Khi mũi ngửi hương … khi lưỡi nếm vị … khi thân cảm xúc … khi ý nhận thức pháp, tư tưởng hướng về và đến gần pháp, làm y xứ cho hỷ, hướng về và đến gần pháp, làm y xứ cho ưu, hướng về và đến gần pháp, làm y xứ cho xả. Có mười tám ý cận hành này, này các Tỷ-kheo, được Ta thuyết giảng … không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Điều đã được nói đến, chính do duyên này được nói đến.
9. Bốn Thánh đế này, này các Tỷ-kheo, được Ta thuyết giảng … không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Điều đó đã được nói đến, chính do duyên nào được nói đến? Do chấp thủ sáu giới, này các Tỷ-kheo, nên có nhập thai. Do có nhập thai, nên có danh sắc. Do duyên danh sắc, nên có sáu xứ. Do duyên sáu xứ, nên có xúc. Do duyên xúc, nên có thọ. Với người có cảm thọ, này các Tỷ-kheo, Ta nêu rõ: “Đây là Khổ”, Ta nêu rõ: “Đây là Khổ tập”; Ta nêu rõ: “Đây là Khổ diệt”, Ta nêu rõ: “Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt”.
10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Khổ Thánh đế?
Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu não là khổ. Điều mong cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. Này các Tỷ-kheo, đây là Khổ Thánh đế.
11. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ tập?
Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ tập.
12. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ diệt?
Do vô minh diệt không có dư tàn, nên các hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não đều diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ diệt.
13. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về con Đường đưa đến Khổ diệt?
Đây là Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về con Đường đưa đến Khổ diệt.
Bốn Thánh đế này, này các Tỷ-kheo, do Ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không có uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. Điều đã được nói đến, chính do duyên này được nói đến.
§ 62. CÁC SỢ HÃI
1. - Có ba sợ hãi này, này các Tỷ-kheo, làm chia rẽ mẹ con, được người phàm phu không học nói đến. Thế nào là ba?
Có một thời, này các Tỷ-kheo, một hỏa tai lớn khởi lên. Khi hỏa tai lớn này khởi lên, này các Tỷ-kheo, các làng bị thiêu, các thị trấn bị thiêu, các thành phố bị thiêu. Khi các làng bị thiêu, các thị trấn bị thiêu, các thành phố bị thiêu, mẹ không tìm được con, con không tìm được mẹ. Đây là sợ hãi thứ nhất, này các Tỷ-kheo, làm chia rẽ mẹ con, được kẻ phàm phu không học nói đến.
2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một thời có mưa lớn khởi lên. Khi mưa lớn khởi lên, này các Tỷ-kheo, lụt lội lớn sanh khởi. Do có lụt lớn sanh khởi, nên các làng bị cuốn trôi, các thị trấn bị cuốn trôi, các thành phố bị cuốn trôi. Khi các làng bị cuốn trôi, các thị trấn bị cuốn trôi, các thành phố bị cuốn trôi, mẹ không tìm được con, con không tìm được mẹ. Đây là sợ hãi thứ hai, này các Tỷ-kheo, làm chia rẽ mẹ con, được kẻ phàm phu không học nói đến.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một thời có sợ hãi về giặc cướp rừng nổi lên. Và dân chúng leo lên xe chạy trốn. Khi sợ hãi về giặc cướp rừng nổi lên, này các Tỷ-kheo, khi dân chúng leo lên xe chạy trốn, mẹ không tìm được con, con không tìm được mẹ. Đây là sợ hãi thứ ba, này các Tỷ-kheo, làm chia rẽ mẹ con, được kẻ phàm phu không học nói đến.
Có ba sợ hãi này, này các Tỷ-kheo, làm chia rẽ mẹ con, được kẻ phàm phu không học nói đến.
4. Có ba sợ hãi này, này các Tỷ-kheo, có khi chia rẽ mẹ con, có khi không chia rẽ mẹ con, được kẻ phàm phu không học nói đến. Thế nào là ba?
Có một thời, này các Tỷ-kheo, một hỏa tai lớn khởi lên. Khi hỏa tai lớn này khởi lên … § (Xem § 62 - 1) … khi các làng bị thiêu, các thị trấn bị thiêu, các thành phố bị thiêu, trong khi ấy, có thời có trường hợp mẹ có thể tìm được con, con có thể tìm được mẹ. Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ nhất, có khi làm chia rẽ mẹ con, có khi không làm chia rẽ mẹ con, được kẻ phàm phu không học nói đến.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một thời có mưa lớn khởi lên. Do có thủy tai lớn sanh khởi, nên các làng bị cuốn trôi, các thị trấn bị cuốn trôi, các thành phố bị cuốn trôi… Khi các thành phố bị cuốn trôi, trong khi ấy, có thời có trường hợp mẹ có thể tìm được con, con có thể tìm được mẹ. Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ hai, có khi làm chia rẽ mẹ con, có khi không làm chia rẽ mẹ con, được kẻ phàm phu không học nói đến.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một thời có sợ hãi về giặc cướp rừng nổi lên. Và dân chúng leo lên xe chạy trốn. Khi sợ hãi về giặc cướp rừng nổi nên, này các Tỷ-kheo, khi dân chúng leo lên xe chạy trốn, trong khi ấy, có thời có trường hợp mẹ có thể tìm được con, con có thể tìm được mẹ. Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ ba, có khi làm chia rẽ mẹ con, có khi không làm chia rẽ mẹ con, được kẽ phàm phu không học nói đến.
Có ba sợ hãi này, này các Tỷ-kheo, có khi làm chia rẽ mẹ con, có khi không làm chia rẽ mẹ con, được kẻ phàm phu không học nói đến.
5. Có ba sợ hãi này, này các Tỷ-kheo, làm chia rẽ mẹ con. Thế nào là ba?
Sợ hãi về già, sợ hãi về bệnh, sợ hãi về chết.
Này các Tỷ-kheo, mẹ không muốn con mình bị già: “Ta nay bị già, mong rằng con ta không bị già!” Hay người con không muốn mẹ mình bị già: “Ta nay bị già, mong rằng mẹ ta không bị già!”
Này các Tỷ-kheo, mẹ không muốn con mình bị bệnh: “Ta nay bị bệnh, mong rằng con ta không bị bệnh!” Hay con không muốn mẹ mình bị bệnh: “Ta nay bị bệnh, mong rằng mẹ ta không bị bệnh!”
Này các Tỷ-kheo, mẹ không muốn con mình bị chết: “Ta nay bị chết, mong rằng con ta không bị chết!” Hay con không muốn mẹ mình bị chết: “Ta nay bị chết, mong rằng mẹ Ta không bị chết!” Đây là ba sợ hãi, này các Tỷ-kheo, làm chia rẽ mẹ con.
6. Có con đường, này các Tỷ-kheo, có đạo lộ đưa đến từ bỏ, vượt qua ba sợ hãi không làm chia rẽ mẹ con này, và ba sợ hãi làm chia rẽ mẹ con này. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến từ bỏ, vượt qua ba sợ hãi không làm chia rẽ mẹ con này, và ba sợ hãi có làm chia rẽ mẹ con này?
Đấy là con đường Thánh Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường, này các Tỷ-kheo, đây là đạo lộ đưa đến từ bỏ, vượt qua ba sợ hãi không làm chia rẽ mẹ con này, và ba sợ hãi có làm chia rẽ mẹ con này.
§ 63. VENÀGA
1-7.
1. Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến một làng Bà-la-môn Kosala, tên là Venàgapura. Các Gia chủ Bà-la-môn ở Venàgapura được nghe: “Sa-môn Gotama, dòng họ Thích - ca, xuất gia từ gia tộc Thích - ca đã đến Venagàpura. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Thế Tôn Gotama: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân sư, Phật, Thế Tôn. Ngài với thắng trí, tự thân chứng ngộ và tuyên bố về thế giới này, cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời. Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, và giới thiệu đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch”. Tốt đẹp thay được chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy”.
2. Rồi các Bà-la-môn Gia chủ ở Venàgapura đi đến Thế Tôn, sau khi đến, có người đảnh lễ Sa-môn Gotama rồi ngồi xuống một bên; có người nói lên với Sa-môn Gotama những lời chào đón hỏi thăm rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay vái chào Sa-môn Gotama rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; có người im lặng rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Vacchagotta, người xứ Venàgapura bạch Thế Tôn:
3. - Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Các căn của Tôn giả Gotama thật là trong sáng, màu da thật thanh tịnh chói sáng. Ví như, thưa Tôn giả Gotama, trái táo vàng vào mùa thu, được thanh tịnh chói sáng; cũng vậy, các căn của Tôn giả Gotama thật là trong sáng, màu da thật thanh tịnh, chói sáng. Ví như, thưa Tôn giả Gotama, trái cây tàla đã chín, vừa mới rời khỏi cành, thanh tịnh, chói sáng; cũng vậy, các căn của Tôn giả Gotama thật là trong sáng, màu da thật thanh tịnh, chói sáng. Ví như, thưa Tôn giả Gotama, một đồ trang sức bằng vàng đỏ, được người thợ vàng thiện xảo khéo luyện trong lò, khéo đạp và đặt tên tấm vải vàng, được chiếu sáng, chói sáng, rực sáng; cũng vậy, các căn của Tôn giả Gotama thật là trong sáng, màu da thật là thanh tịnh, chói sáng.
Thưa Tôn giả Gotama, còn các giường cao và lớn như ghế bành, ghế dài, nệm trải giường bằng lông cừu, vải trải giường nhiều tấm, nhiều màu, chăn len trắng, chăn len thêu bông nệm bông, nệm thêu hình các con thú, mền bằng lông thú cả hai phía, mền bằng lông thú một phía, mền có đính ngọc, mền bằng lụa, tấm thảm lớn có thể chứa mười sáu người múa, nệm voi, nệm ngựa, nệm xe, nệm bằng da sơn dương khâu lại với nhau, nệm bằng da con sơn dương gọi là Kadali, tấm thảm có lầu che phía trên, ghế dài có hai đầu gối chân màu đỏ. Các loại giường cao và giường lớn như vậy, chắc Tôn giả Gotama có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức?
4. - Này Bà-la-môn, các giường cao và lớn ấy, như ghế bành … có hai đầu gối chân màu đỏ, thật rất khó được các vật ấy. Và nếu có được, cũng không thích hợp với những người xuất gia.
Này Bà-la-môn, có ba loại giường cao và giường lớn này, nay Ta được chúng không khó khăn, được chúng không mệt nhọc, được chúng không phí sức. Thế nào là ba?
Giường cao, giường lớn chư Thiên, giường cao, giường lớn Phạm thiên, giường cao, giường lớn bậc Thánh. Ba giường cao, giường lớn này, này Bà-la-môn, Ta được chúng không khó khăn, được chúng không mệt nhọc, được chúng không phí sức.
5. - Và thưa Tôn giả Gotama, thế nào là giường cao, giường lớn chư Thiên, mà Tôn giả Gotama được không có khó khăn … được chúng không có phí sức?
Ở đây, này Bà-la-môn, Ta sống gần một làng hay một thị trấn. Buổi sáng, Ta đắp y, cầm y bát, đi vào làng ấy hay vào thị trấn ấy để khất thực. Sau khi ăn xong, trên con đường đi khất thực trở về, Ta đi đến góc cuối của ngôi rừng. Ở tại đấy, Ta lượm cỏ hay lá chất thành một đống, rồi Ta ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, ly dục, ly pháp bất thiện, Ta chứng đạt và an trú sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Làm cho chỉ tịnh tầm và tứ, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Đoạn lạc và đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ trước, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu ta đi kinh hành, thời trong lúc ấy, chỗ kinh hành của Ta thuộc Chư Thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đứng, thời trong lúc ấy, chỗ đứng của Ta thuộc Chư Thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta ngồi, thời trong lúc ấy, chỗ ngồi của Ta thuộc Chư Thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta nằm, thời trong lúc ấy, giường cao giường lớn của Ta thuộc Chư Thiên. Này Bà-la-môn, đây là giường cao, giường lớn thuộc chư Thiên, mà Ta có được không có khó khăn, được chúng không có mệt nhọc, được chúng không có phí sức.
 - Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Ai khác, ngoài Tôn giả Gotama, có thể có được giường cao, giường lớn chư Thiên như vậy, được chúng không có khó khăn, được chúng không có mệt nhọc, được chúng không có phí sức!
6. Thế nào, thưa Tôn giả Gotama, là giường cao, giường lớn Phạm thiên mà Tôn giả Gotama có được không có khó khăn, được chúng không có mệt nhọc, được chúng không có phí sức?
Ở đây, này Bà-la-môn, Ta sống gần một làng hay một thị trấn. Buổi sáng, Ta đắp y, cầm y bát, đi vào làng ấy, hay vào thị trấn ấy để khất thực. Sau khi ăn xong, trên con đường đi khất thực trở về, Ta đi đến một góc cuối của ngôi rừng. Tại đấy, Ta lượm cỏ hay lá chất thành một đống, rồi Ta ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Ta an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, Ta an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi…, với tâm câu hữu với hỷ…, Với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai … quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân.
Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đi kinh hành, thời trong lúc ấy, chỗ kinh hành của Ta thuộc Phạm thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đứng, thời trong lúc ấy, chỗ Ta đứng thuộc Phạm thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta ngồi, thời trong lúc ấy, chỗ Ta ngồi thuộc Phạm thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta nằm, thời trong lúc ấy, các giương cao, giường lớn của Ta thuộc Phạm thiên. Này Bà-la-môn, đây là giường cao, giường lớn thuộc Phạm thiên, mà Ta có được không có khó khăn, được chúng không có mệt nhọc, được chúng không có phí sức.
Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Ai khác, ngoài Tôn giả Gotama, có thể được giường cao, giường lớn Phạm thiên như vậy, được chúng không có khó khăn, được chúng không có mệt nhọc, được chúng không có phí sức!
7. Thế nào thưa Tôn giả Gotama, là giường cao, giường lớn bậc Thánh, mà Tôn giả Gotama có được không có khó khăn, được chúng không có mệt nhọc, được chúng không có phí sức?
Ở đây, này Bà-la-môn, Ta sống gần một làng hay một thị trấn. Buổi sáng, Ta đắp y, cầm y bát, đi vào làng ấy… rồi Ta ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Ta rõ biết như sau: “Tham ái đã được Ta đoạn tận, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Sân đã được Ta đoạn tận … trong tương lai. Si đã được Ta đoạn tận, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai.”
Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đi kinh hành, thời trong lúc ấy, chỗ kinh hành của Ta thuộc bậc Thánh, chỗ Ta đứng thuộc bậc Thánh… chỗ Ta ngồi thuộc bậc Thánh… nếu Ta nằm, thời trong lúc ấy, các giường cao, giương lớn của Ta thuộc bậc Thánh. Này Bà-la-môn, đây là giường cao, giường lớn thuộc bậc Thánh, mà Ta có được, không có khó khăn, được chúng không mệt nhọc, được chúng không phí sức.
Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Ai khác, ngoài Tôn giả Gotama, có thể có được giường cao, giường lớn bậc Thánh như vậy, được chúng không khó khăn, được chúng không mệt nhọc, được chúng không có phí sức! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống … Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
§ 64. SARABHA
1-6.
 1. Như vậy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha § (Vương xá), tại núi Gijjhakùta (Linh thứu).
Lúc bấy giờ, Du sĩ Sarabha, từ bỏ Pháp và Luật này không bao lâu, đang tuyên bố như sau với hội chúng ở Ràjagaha: “Ta đã hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử. Và vì hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử, nên ta đã từ bỏ Pháp và Luật ấy”.
2. Rồi có nhiều Tỷ-kheo, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Ràjagaha để khất thực. Các vị Tỷ-kheo ấy nghe Du sĩ Sarabha tuyên bố như sau với hội chúng ở Ràjagaha: “Ta đã hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử. Và vì hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử, nên ta đã từ bỏ Pháp và Luật ấy”.
Rồi các vị Tỷ-kheo đi khất thực ở Ràjagaha xong, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
 - Du sĩ Sarabha, bạch Thế Tôn, đã từ bỏ Pháp và Luật này không bao lâu. Vị ấy tuyên bố như sau với hội chúng ở Ràjagaha: “Ta đã hiểu rõ pháp của các Sa-môn Thích tử…nên ta đã từ bỏ Pháp và Luật ấy”. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vì lòng lân mẫn, hãy đi đến Du sĩ Sarabha!
Thế Tôn im lặng nhận lời.
3. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ Thiền định đứng dậy, đi đến bờ sông Sappinikàti, khu vườn của các Du sĩ, đến Du sĩ Sarabha; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi xuống, Thế Tôn nói với Du sĩ Sarabha:
 - Có thật chăng, này Sarabha, Ông đã nói như sau: “Ta đã hiểu rõ…nên ta đã từ bỏ Pháp và Luật này?”
Khi được nghe nói vậy, Du sĩ Sarabha giữ im lặng.
Lần thứ hai Thế Tôn nói với Du sĩ Sarabha:
 - Hãy nói lên, này Sarabha, Ông đã hiểu rõ pháp các Sa-môn Thích tử như thế nào? Nếu Ông hiểu chưa được đầy đủ, thời Ta sẽ làm cho được đầy đủ. Nhưng nếu Ông hiểu được đầy đủ, thời Ta sẽ hoan hỷ tiếp nhận.
Lần thứ hai, Du sĩ Sarabha giữ im lặng.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với Du sĩ Sarabha:
 - Chính do Ta, này Sarabha, pháp các Sa-môn Thích tử được trình bày lên. Hãy nói lên, này Sarabha, Ông đã hiểu pháp các Sa-môn Thích tử như thế nào? Nếu Ông hiểu chưa được đầy đủ, thời Ta sẽ làm cho đầy đủ. Nhưng nếu Ông hiểu được đầy đủ, thời Ta sẽ hoan hỷ tiếp nhận.
Lần thứ ba, Du sĩ Sarabha giữ im lặng.
4. Rồi các Du sĩ ở Ràjagaha nói với Du sĩ Sarabha:
 - Này Hiền giả, những điều gì, Hiền giả cần hỏi Sa-môn Gotama, Sa-môn Gotama đã cho Hiền giả có cơ hội được nói lên. Hãy nói lên, này Sarabha, Hiền giả đã hiểu pháp các Sa-môn Thích tử như thế nào? Nếu Hiền giả hiểu chưa được đầy đủ, Sa-môn Gotama sẽ làm cho đầy đủ. Nếu Hiền giả hiểu được đầy đủ, Sa-môn Gotama sẽ hoan hỷ tiếp nhận.
Được nói vậy, Du sĩ Sarabha giữ im lặng, hoang mang, rụt vai, cúi đầu, sững sờ, không thể trả lời.
5. Rồi Thế Tôn biết được Du sĩ Sarabha đang giữ im lặng, hoang mang, rụt vai, cúi đầu, sững sờ, ngồi không trả lời, liền nói với các Du sĩ ấy:
 - Này các Du sĩ, ai nói với Ta như sau: “Dầu Ông tự cho là đã Chánh Đẳng Giác, nhưng Ông không có Chánh Đẳng Giác các pháp này”. Ở đây, Ta sẽ khéo cật vấn, nạn vấn, thảo luận với người ấy. Người ấy bị ta khéo cật vấn, nạn vấn, thảo luận như vậy, không có chỗ nào, không có trường hợp nào, ngoài cách dựa vào một trong ba thái độ như sau: Hoặc là tránh né về vấn đề với một vấn đề khác, sẽ hướng dẫn câu chuyện ra ngoài (đề tài chính), hay tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, và bất mãn, hay im lặng, hoang mang, rụt vai, cúi đầu, sững sờ, không nói gì, như Du sĩ Sarabha.
Này các Du sĩ, nếu có ai nói về Ta như sau: “Dầu Ông tự cho đã đoạn tận các lậu hoặc, nhưng các lậu hoặc này chưa được đoạn tận!” Ở đây, Ta sẽ cật vấn, nạn vấn, chất vấn người ấy. Người ấy bị Ta cật vấn, nạn vấn, chất vấn … sững sờ không nói gì, như Du sĩ Sarabha.
Này các Du sĩ, nếu có ai nói về Ta như sau: “Pháp Ông thuyết giảng với mục đích chơn chánh đoạn tận khổ đau, không có đưa người thực hành đến mục đích ấy”. Ở đây, Ta sẽ cật vấn, nạn vấn, chất vấn … sững sờ không nói gì, như Du sĩ Sarabha.
Rồi Thế Tôn, tại khu vườn các Du sĩ, trên bờ sông Sappinikàti, sau khi rống lên ba lần tiếng rống con sư tử, liền ra đi trên hư không.
6. Rồi các Du sĩ ấy, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, liền bao vây chung quanh Du sĩ Sarabha, công kích Du sĩ Sarabha với những dòng nước nhiếc mắng như sau:
 - “Này Hiền giả Sarabha, như con dã can già yếu trong rừng rậm nghĩ rằng: “Ta sẽ rống tiếng con Sư tử”, nhưng nó chỉ thốt ra tiếng rú con dã can, chỉ thốt ra tiếng rú con thú ăn thịt. Cũng vậy, này Hiền giả Sarabha, ngoài Sa-môn Gotama có thể rống tiếng rống con sư tử, Ông nghĩ: “Ta sẽ rống tiếng rống con sư tử”, nhưng Ông chỉ thốt ra tiếng rú con giã can, chỉ thốt ra tiếng rú con thú ăn thịt.
Ví như, này Hiền giả Sarabha, con gà con nghĩ rằng: “Ta sẽ gáy lên tiếng gáy con gà trống”, nhưng nó chỉ có thể thốt ra tiếng kêu con gà con. Cũng vậy, này Hiền giả Sarabha, ngoài Sa-môn Gotama có thể gáy lên tiếng gáy con gà trống, Ông nghĩ: “Ta có thể gáy lên tiếng gáy con gà trống”, nhưng Ông chỉ thốt ra tiếng kêu con gà con.
Ví như, con bò cái con, này Hiền giả Sarabha, khi chuồng bò trống không, nghĩ rằng có thể rống tiếng rống sâu đậm con bò đực. Cũng vậy, này Hiền giả Sarabha, ngoài Sa-môn Gotama ra, Ông nghĩ rằng Ông có thể rống lên tiếng rống sâu đậm con bò đực.
Như vậy, các Du sĩ ấy bao vây chung quanh Du sĩ Sarabha, công kích Du sĩ Sarabha với những dòng nước nhiếc mắng như vậy.
§ 65. CÁC VỊ Ở KESAPUTTA
1-17.
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa dân chúng Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến một thị trấn của các người Kàlàmà tên là Kesaputta. Các người Kàlàmà ở Kesaputta được nghe: “Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích ca đã đến Kesaputta. Tiếng đồn tốt đẹp như sau được truyền đi về Sa-môn Gotama: “Ngài là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác…”. Lành thay, nếu chúng tôi được yết kiến một vị A-la-hán như vậy.”
2. Rồi các người Kàlàmà ở Kesaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, có người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi, sau khi nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; có người im lặng rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các người Kàlàmà ở Kesaputta bạch Thế Tôn:
 - Có một số Sa-môn, Bà-la-môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm của người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Bạch Thế Tôn, và có một số Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta, họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, họ bài xích quan điểm của người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Đối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ, phân vân: “Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?”
3. - Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những nghi ngờ! Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các Ông đương nhiên khởi lên phân vân.
Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói: chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện - các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng!
4. Các Ông nghĩ thế nào, này Kàlàmà! Lòng tham khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
 - Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
 - Người này có tham, này các Kàlàmà, bị tham chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
 - Thưa có, bạch Thế Tôn.
5. Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, lòng sân khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
 - Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
 - Người này có sân, này các Kàlàmà, bị sân chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
 - Thưa có bạch Thế Tôn.
6. Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, lòng si khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
 - Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
 - Người này có si, này các Kàlàmà, bị si chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật... có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
 - Thưa có bạch Thế Tôn.
7. Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, các pháp này là thiện hay bất thiện?
 - Là bất thiện, bạch Thế Tôn.
 - Có tội hay không có tội?
 - Có tội, bạch Thế Tôn.
 - Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?
 - Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn.
 - Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không, hay ở đây, là như thế nào?
 - Được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến bất hạnh, đau khổ. Ở đây, đối với chúng con là vậy.
8. - Như vậy, này các Kàlàmà, điều Ta vừa nói với các Ông: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì nghe truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói: chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình.” Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí quở trách; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến bất hạnh, đau khổ”, thời này các Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng! Điều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.
9. Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết … Chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này không bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này các Kàlàmà, hãy đạt đến và an trú!
10. - Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không tham, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy, là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh lâu dài cho người ấy?
 - Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
 - Người này không tham, này các Kàlàmà, không bị tham chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy có làm người ấy được hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?
 - Thưa có, bạch Thế Tôn.
11. - Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không sân, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
 - Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
 - Người này không sân, này các Kàlàmà, không bị sân chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật… không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy có đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho người ấy không?
 - Thưa có, bạch Thế Tôn...
12. - Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không si khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
 - Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
 - Người này không si, này các Kàlàmà, không bị si chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật… không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?
 - Thưa có, bạch Thế Tôn...
13. - Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, các pháp này là thiện hay bất thiện?
 - Là thiện, bạch Thế Tôn.
 - Các pháp này là có tội hay không có tội?
 - Không có tội, bạch Thế Tôn.
 - Bị người có trí quở trách hay được người trí tán thán?
 - Được người trí tán thán, bạch Thế Tôn.
 - Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến hạnh phúc, an lạc không, hay ở đây, là như thế nào?
 - Được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây, đối với chúng con là vậy.
14. - Như vậy, này các Kàlàmà, điều Ta vừa nói với các Ông: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói: chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. “Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được các người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc, an lạc”, thời này các Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú! Điều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.
15. Này các Kàlàmà, vị Thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với từ … với tâm câu hữu với bi … với tâm câu hữu với hỷ … với tâm câu hữu với xả, biết mãn một phương, cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư; như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân. Thánh đệ tử ấy, này các Kàlàmà, với tâm không oán như vậy, không sân như vậy, không uế nhiễm như vậy, thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, người ấy đạt được bốn sự an ủi.
16. “Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này”; đây là an ủi thứ nhất vị ấy có được. “Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, thời ở đây, ngay trong hiện tại, ta tự sống với tâm không oán, không sân, không phiền não, được an lạc”; đây là an ủi thứ hai vị ấy có được. Nếu việc ác có làm, nhưng ta không có tâm ác đối với ai cả, và nếu ta không làm điều ác, sao ta có thể cảm thọ khổ đau được”; đây là an ủi thứ ba vị ấy có được. “Nếu việc ác không có làm, như vậy, cả hai phương diện (do ta làm vô ý hay cố ý), ta quán thấy ta hoàn toàn thanh tịnh”; đây là an ủi thứ tư vị ấy có được. Thánh đệ tử ấy, này các Kàlàmà, với tâm không oán như vậy, với tâm không sân như vậy, với tâm không uế nhiễm như vậy, với tâm thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, vị ấy có được bốn an ủi này.
17. Sự việc là như vậy, bạch Thế Tôn! Sự việc là như vậy, bạch Thiện Thệ! Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, với tâm không oán như vậy, với tâm không sân như vậy, với tâm không uế nhiễm như vậy, với tâm thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, có được bốn an ủi: “Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này”; đây là an ủi thứ nhất, vị ấy có được. “Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, thời ở đây, ngay trong hiện tại, ta tự sống không oán, không sân, không phiền não, được an lạc”; đây là an ủi thứ hai, vị ấy có được. “Nếu việc ác có làm, nhưng ta không có tâm ác đối với ai cả, và nếu ta không làm điều ác, sao ta có thể cảm thọ khổ đau được”; đây là an ủi thứ ba, vị ấy có được. “Nếu việc ác không có làm, như vậy, cả hai phương diện (do ta làm vô ý hay cố ý), ta quán thấy ta hoàn toàn thanh tịnh”; đây là an ủi thứ tư vị ấy có được. Vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, với tâm không oán như vậy, không sân như vậy, với tâm không uế nhiễm như vậy, với tâm thanh tịnh như vậy, ngay trong hiện tại, vị ấy đạt được bốn an ủi này.
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn, … Bạch Thế Tôn, chúng con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con xin trọn đời quy ngưỡng.
§ 66. SÀLHÀ
1-13.
1. Như vậy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Nandaka trú ở Sàvatthi, tại Đông Viên, ở lâu đài mẹ của Migàra.
Rồi Sàlhà, cháu của Migàra, và Rohana, cháu của Pekhuniya đi đến Tôn giả Nandaka; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Nandaka rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Nandaka nói với Sàlhà, cháu trai của Migàra như sau:
2. - Hãy đến, này các Sàlhà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống … chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này các Sàlhà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị người trí quở trách; các pháp này nếu được thực hành và chấp nhận, đưa lại bất hạnh và đau khổ”, thời này các Sàlhà, các Thầy cần phải từ bỏ chúng
3. Này các Sàlhà, các Thầy nghĩ thế nào, có tham hay không?
 - Thưa có, bạch Tôn giả.
 - Tham, này các Sàlhà, ta nói nghĩa này là vậy. Này các Sàlhà, người có tham này bị tham chinh phục, giết các sinh loại, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy, như vậy có làm người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
 - Thưa có, bạch Tôn giả.
4. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Sàlhà có sân hay không?
 - Thưa có, bạch Tôn giả.
 - Sân, này các Sàlhà, ta nói nghĩa này là vậy. Này các Sàlhà, người có sân này bị sân chinh phục, giết các sinh loại… khích lệ người ác cũng làm như vậy, như vậy có làm người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
 - Thưa có, bạch Tôn giả.
5. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Sàlhà, có si hay không?
 - Thưa có, bạch Tôn giả.
 - Si, này các Sàlhà, ta nói nghĩa này là vậy. Này các Sàlhà, người có si này bị si chinh phục, giết các sinh loại, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy có làm người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
 - Thưa có, bạch Tôn giả.
6. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Sàlhà. Các pháp này là thiện hay bất thiện?
 - Là bất thiện, thưa Tôn giả.
 - Có tội hay không có tội?
 - Có tội, thưa Tôn giả.
 - Bị người trí quở trách hay được người trí tán thán?
 - Bị người trí quở trách, thưa Tôn giả.
 - Được thực hiện, được chấp thuận, có đưa lại bất hạnh đau khổ không, hay ở đây là như thế nào?
 - Được thực hiện, được chấp thuận, thưa Tôn giả, chúng đưa đến bất hạnh đau khổ. Ở đây, đối với chúng con là vậy.
7. - Như vậy, này các Sàlhà, điều ta vừa nói với các Thầy, “Chớ có tin vì nghe báo cáo; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe tin đồn; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận; chớ có tin vì nhân định lý; chớ có tin, sau khi suy tư về những dữ kiện, điều kiện, chớ có tin, sau khi thẩm lự hay chấp nhận một vài lý thuyết; chớ có tin vì thấy là thích hợp; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình”. Nhưng này các Sàlhà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị người có trí quở trách; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến bất hạnh đau khổ”, thời này các Sàlhà, hãy từ bỏ chúng! Điều này đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.
Như vậy, này các Sàlhà, chớ có tin vì nghe người ta nói … chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình”. Nhưng này các Sàlhà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này không bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này các Sàlhà, hãy đạt đến và an trú!
8. - Các Ông nghĩ như thế nào, này các Sàlhà, không tham khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh lâu dài cho người ấy?
 - Hạnh phúc, bạch Tôn giả.
 - Người này không tham, này các Sàlhà, không bị tham chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy được hạnh phúc, an lạc lâu dài hay không?
 - Thưa có, bạch Tôn giả.
9. - Các Ông nghĩ thế nào, này các Sàlhà, không sân khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
 - Hạnh phúc, bạch Tôn giả.
 - Người này không sân, này các Sàlhà, không bị sân chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật… không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy có làm người ấy hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?
 - Thưa có, bạch Tôn giả.
10. - Các Ông nghĩ như thế nào, này các Sàlhà, không si khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
 - Hạnh phúc, bạch Tôn giả.
 - Người này không si, này các Sàlhà, không bị si chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật... không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy có đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài không?
 - Thưa có, bạch Tôn giả.
11. - Các ông nghĩ thế nào, này các Sàlhà, các pháp này là thiện hay bất thiện?
 - Là thiện, bạch Tôn giả.
 - Các pháp này là có tội hay không có tội?
 - Không có tội, bạch Tôn giả.
 - Bị người trí quở trách hay được người trí tán thán?
 - Được người trí tán thán, bạch Tôn giả.
 - Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến hạnh phúc, an lạc không, hay ở đây là như thế nào?
 - Được thực hiện, được chấp nhận, bạch Tôn giả, chúng đưa đến hạnh phúc an lạc. Ở đây, đối với chúng con là vậy.
12. - Như vậy, này các Sàlhà, điều ta vừa nói với các Ông, “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói: chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình.” Nhưng này các Sàlhà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được các người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc, an lạc,” thời này các Sàlhà, hãy chứng đạt và an trú! Điều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.
13. - Này các Sàlhà, vị Thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với từ... với tâm câu hữu với bi… với tâm câu hữu với hỷ… với tâm câu hữu với xả, biến mãn một phương; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư; Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy rõ biết như sau: “Có trạng thái này, có trạng thái liệt, có trạng thái thù thắng, có xuất ly ra khỏi tưởng giới này. “Do vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khởi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
Vị ấy rõ biết như sau: “Trước ta có tham, tham ấy là bất thiện. Nay ta không có nữa. Như vậy là thiện. Trước ta có sân, sân ấy là bất thiện. Nay ta không có nữa. Như vậy là thiện. Trước ta có si. Si ấy là bất thiện. Nay ta không có nữa. Như vậy là thiện”. Như vậy, ngay trong đời sống hiện tại, vị ấy được giải thoát khởi hy cầu, được tịch tịnh, được thanh lương, cảm thấy an lạc, tự mình an trú trong Phạm tánh.
§ 67. CÁC VẤN ĐỀ ĐƯỢC NÓI ĐẾN
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba vấn đề này được nói đến. Thế nào là ba? Có thể nói về quá khứ, này các Tỷ-kheo, nói rằng: “Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ.” Có thể nói về tương lai, này các Tỷ-kheo, nói rằng: “Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai”. Có thể nói về hiện tại, này các Tỷ-kheo, nói rằng: “Như vậy đang xảy ra trong thời hiện tại.”
2. - Với sự thảo luận, này các Tỷ-kheo, một người có thể biết được là có khả năng nói chuyện hay không có khả năng?
Nếu người nào, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, không trả lời dứt khoát một câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát, không trả lời một cách phân tích một câu hỏi cần phải trả lời một cách phân tích, không trả lời với một câu hỏi ngược lại một câu hỏi cần phải trả lời với một câu hỏi ngược lại, không có gạt qua một bên một câu hỏi cần phải gạt qua một bên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, một người như vậy không có khả năng để thảo luận.
Nếu người nào, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, trả lời một cách dứt khoát một câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát, trả lời phân tích một câu hỏi cần trả lời một cách phân tích, trả lời với một câu hỏi ngược lại một câu hỏi cần phải trả lời với một câu hỏi ngược lại, gạt qua một bên một câu hỏi cần phải gạt qua một bên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, một người như vậy có khả năng để thảo luận.
3. - Với sự thảo luận, này các Tỷ-kheo, một người có thể biết được là có khả năng thảo luận hay không có khả năng thảo luận?
Nếu một người, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, không xác nhận là đúng hay không đúng, không xác nhận là một giả thuyết, không xác nhận là quan điểm của bậc trí, không xác nhận là sở hành thường làm. Nếu là như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy không có khả năng thảo luận.
Nếu một người, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, xác nhận là đúng hay không đúng, xác nhận là một giả thuyết, xác nhận là một quan điểm của bậc trí, xác nhận là sở hành thường làm. Nếu là như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy có khả năng thảo luận.
4. - Với sự thảo luận, này các Tỷ-kheo, một người có thể biết được là có khả năng thảo luận hay không có khả năng thảo luận.
Nếu một người này, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, tránh câu hỏi ấy với một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài § (Vấn đề), bày tỏ sự phẫn nộ, sân, hận, bất mãn. Nếu là như vậy, này các Tỷ-kheo, người này không có khả năng thảo luận.
Nếu một người này, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, không tránh câu hỏi ấy với một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài § (Vấn đe), không bày tỏ sự phẫn nộ, sân, hận, bất mãn. Nếu là như vậy, này các Tỷ-kheo, người này có khả năng thảo luận.
5. - Với sự thảo luận, này các Tỷ-kheo, có thể biết được một người có khả năng thảo luận hay không có khả năng thảo luận.
Nếu người này, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, lại mắng chửi, đánh đập, nhạo báng, chụp lấy chỗ sơ hở. Nếu là như vậy, này các Tỷ-kheo, người này không có khả năng thảo luận.
Nếu người này, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu, không mắng chửi, không đánh đập, không nhạo báng, không chụp lấy chỗ sơ hở. Nếu là như vậy, này các Tỷ-kheo, người này có khả năng thảo luận.
6. - Với sự thảo luận, này các Tỷ-kheo, có thể biết được một người có duyên hay không có duyên.
 Không có lóng tai, này các Tỷ-kheo, là không có duyên. Có lóng tai là có duyên. Người có duyên thắng tri một pháp, biến tri một pháp, từ bỏ một pháp, chứng đắc một pháp. Do thắng tri một pháp, biến tri một pháp, từ bỏ một pháp, chứng đắc một pháp, vị ấy cảm thấy chánh giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là lợi ích của thảo luận, như vậy là lợi ích của đàm luận, như vậy là lợi ích có duyên, như vậy là lợi ích nghe lời khuyên, tức là tâm giải thoát không có chấp thủ.
 7. - Nói chuyện với hiềm thù,
Thiên chấp và kiêu mạn,
Nghịch lại đức bậc Thánh,
Bới móc lỗi lầm nhau;
Thích nghe nói xấu người,
Người lầm, người bối rối,
Người bị thua, bị hại.
Bậc Thánh không làm vậy,.
Nếu muốn cùng đàm luận,
Bậc hiền biết thời gian,
Câu chuyện của bậc Thánh,
Liên hệ pháp, pháp nghĩa,
Người có trí nói chuyện,
Không hiềm thù kiêu mạn,
Với tâm không chấp trước,
Không hiềm hận, độc đoán,
Không để tâm lơ đãng,
Nói lên với chánh trí.
Hoan hỷ lời khéo nói,
Không vui lời vụng ve,
Không học cách chỉ trích,
Không chụp sơ hở người,
Không nhiếc mắng, đánh đập,
Không nói lời vu vơ,
Lời nói của bậc Thánh,
Vừa dạy, vừa hoan hỷ,
Như vậy bậc Thánh nói,
Như vậy Thánh luận đàm,
Bậc trí biết rõ vậy,
Nói lời thật khiêm tốn.
§ 68. DU SĨ NGOẠI ĐẠO
1. - Này các Tỷ-kheo, nếu các Du sĩ ngoại đạo hỏi như sau: “Có ba pháp này, này các Hiền giả. Thế nào là ba? Tham, sân, si. Những pháp này, này các Hiền giả, là ba pháp. Trong ba pháp này, này các Hiền giả, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là khác biệt?” Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông trả lời như thế nào với các Du sĩ ngoại đạo ấy?
 - Đối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết ý nghĩa lời nói này cho chúng con. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
 - Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói!
 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
 - Này các Tỷ-kheo, nếu các Du sĩ ngoại đạo hỏi như sau: “Có ba pháp này, này các Hiền giả. Thế nào là ba? Tham, sân, si. Những pháp này, này các Hiền giả, là ba pháp. Trong ba pháp này, này các Hiền giả, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là khác biệt?” Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải trả lời cho các Du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Tham, thưa các Hiền giả, là tội nhỏ, nhưng ly tham là chậm chạp. Sân là tội lớn, nhưng ly sân là mau chóng. Si là tội lớn, và ly si là chậm chạp.”
2. - “Do nhân gì, này chư Hiền, do duyên gì tham chưa sanh được sanh khởi, và tham sanh rồi đưa đến tăng trưởng, quảng đại?”
Cần phải trả lời là “tịnh tướng”. “Với ai không như lý tác ý tịnh tướng, thời tham chưa sanh được sanh khởi, và tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại. Đây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên, tham chưa sanh được sanh khởi, và tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.”
3. “Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì, sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại?”
Cần phải trả lời là “chướng ngại tướng”. “Với ai không như lý tác ý chướng ngại tướng, thời sân chưa sanh được sanh khởi, sân sanh rồi được tăng trưởng, quảng đại. Đây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên, khiến sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.”
4. “Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì, si chưa sanh được khởi, và si đã sanh được tăng trưởng, quảng đại?”
Cần phải trả lời là “không như lý tác ý”. “Với ai không như lý tác ý, thời si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng, quảng đại. Đây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên, khiến si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.”
5. - “Do nhân gì, này chư Hiền, do duyên gì, tham chưa sanh không sanh khởi, hay tham đã sanh được đoạn tận?”
Cần phải trả lời là “tướng bất tịnh”. “Với ai như lý tác ý tướng bất tịnh, thời tham chưa sanh không sanh khởi, hay tham đã sanh được đoạn tận. Đây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến tham chưa sanh không sanh khởi, hay tham đã sanh được đoạn tận.”
6. “Do nhân gì, này chư Hiền, do duyên gì, sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận?”
Cần phải trả lời là “từ tâm giải thoát”. “Với ai như lý tác ý từ tâm giải thoát, thời sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận. Đây là nhân, này các Hiền giả đây là duyên khiến sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận.”
7. “Do nhân gì, này chư Hiền, do duyên gì, si chưa sanh không sanh khởi, và si đã sanh được đoạn tận?”
Cần phải trả lời “như lý tác ý”. “Với ai như lý tác ý thời si chưa sanh không sanh khởi, và si đã sanh được đoạn tận. Đây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến si chưa sanh, không sanh khởi, và si đã sanh được đoạn tận.”
§ 69. CÁC CĂN BẢN BẤT THIỆN
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản bất thiện này. Thế nào là ba? Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện.
Cái gì là tham, này các Tỷ-kheo, cái ấy là bất thiện. Ai với lòng tham có làm về thân, về lời, về ý, cái ấy là bất thiện. Với ai có lòng tham, bị lòng tham chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: “Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh.” Cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh ra từ tham, duyên khởi từ tham, tập khởi từ tham, khởi lên nơi người ấy.
2. - Cái gì là sân, này các Tỷ-kheo, cái ấy là bất thiện. Ai với lòng sân, có làm gì về thân, về ý, cái ấy là bất thiện. Với ai có lòng sân, bị lòng sân chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: “Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh.” Cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh ra từ sân, duyên khởi từ sân, tập khởi từ sân, khởi lên nơi người ấy.
3. - Cái gì là si, này các Tỷ-kheo, cái ấy là bất thiện. Ai với lòng si, có làm gì về thân, về lời, về ý, cái ấy là bất thiện. Với ai có lòng si, bị lòng si chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: “Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh.” Cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh ra từ si, duyên khởi từ si, tập khởi từ si, khởi lên nơi người ấy.
4. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này được gọi là người nói phi thời, nói không thực, nói không trúng đích, nói phi pháp, nói phi luật. Vì sao người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói phi thời, nói không thực, nói không trúng đích, nói phi pháp, nói phi luật? Như vậy là vì người này, này các Tỷ-kheo, đã vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: “Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh.” Khi được đối chất với sự thật, người ấy phủ nhận, không có chấp nhận; khi được đối chất với sự không thật, người ấy không có nhiệt tình thoát mở ra ngoài, nói rằng: “Đây là không chân, đây là không thực”. Cho nên, người như vậy được gọi là người nói phi thời, nói không thực, nói không trúng đích, nói phi pháp, nói phi luật. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do tham sanh nhiếp phục, tâm mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do sân sanh nhiếp phục, tâm mất sự tự chủ... được chờ đợi là ác thú. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do si sanh nhiếp phục, tâm mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.
5. - Ví như này các Tỷ-kheo, cây sàla hay cây dhava hay cây phandana bị phá hoại, bị bao trùm bởi ba loại tầm gởi, đi đến tổn hại, đi đến bất hạnh, đi đến tổn hại và bất hạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người như vậy, bị các ác bất thiện pháp do tham sanh chinh phục, tâm mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn não, với ưu não, với nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú… bị các ác bất thiện pháp do sân sanh… bị các ác bất thiện pháp do si sanh chinh phục, tâm mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với tổn não, với ưu não, với nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba căn bản bất thiện.
6. - Có ba căn bản của thiện, này các Tỷ-kheo. Thế nào là ba? Không tham là căn bản của thiện, không sân là căn bản của thiện, không si là căn bản của thiện.
Cái gì là không tham, này các Tỷ-kheo, cái ấy là thiện. Ai với lòng không tham, có làm gì về thân, về lời nói, về ý, cái ấy là thiện. Với ai không có lòng tham, không bị lòng tham chinh phục, tâm được tự chủ, không vu cáo làm người khác đau khổ bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: “Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh”, cái ấy là thiện. Như vậy, rất nhiều thiện pháp này sanh từ không tham, duyên khởi từ không tham, tập khởi từ không tham, khởi lên nơi người ấy.
7. - Cái gì là không sân, này các Tỷ-kheo, cái ấy là thiện. Ai với lòng không sân, có làm gì về thân, về lời nói, về ý, cái ấy là thiện. Với ai có lòng không sân, không bị lòng sân chinh phục, tâm được tự chủ, không vu cáo, làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa vào: “Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh”, cái ấy là thiện. Như vậy, rất nhiều thiện pháp này sanh ra từ không sân, duyên khởi từ không sân, tập khởi từ không sân, khởi lên nơi người ấy.
8. - Cái gì là không si, này các Tỷ-kheo, cái ấy là thiện. Ai với lòng không si, có làm gì về thân, về lời, về ý, cái ấy là thiện. Với ai không có si, không bị lòng si chinh phục, tâm được tự chủ, không vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: “Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh”, cái ấy là thiện. Như vậy, rất nhiều thiện pháp này sanh ra từ không si, duyên khởi từ không si, tập khởi từ không si, khởi lên nơi người ấy.
9. - Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này được gọi là người nói đúng thời, nói thực, nói trúng đích, nói đúng pháp, nói đúng luật. Vì sao người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói đúng thời, nói thực, nói trúng đích, nói đúng pháp, nói đúng luật? Vì người này, này các Tỷ-kheo, không vu cáo, làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa vào: “Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh”. Khi được đối chất với sự thật, người ấy chấp nhận, không có phủ nhận. Khi được đối chất với sự không thật, người ấy nhiệt tình thoát mở ra ngoài, nói rằng: “Đây là chân, đây là thực”. Cho nên, người như vậy được gọi là người nói đúng thời, nói thực, nói trúng đích, nói đúng pháp, nói đúng luật.
10. - Người như vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận các ác bất thiện do tham sanh, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được Bát-niết-bàn. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, không bị các ác bất thiện pháp do sân sanh nhiếp phục, tâm không mất tự chủ… người như vậy, này các Tỷ-kheo, không bị các ác bất thiện pháp do si sanh nhiếp phục, tâm không mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được Bát-niết-bàn.
11. Ví như, này các Tỷ-kheo, cây sàla hay cây dhava, cây phandana, bị ba cây tầm gởi phá hoại bao trùm. Rồi có người đi đến, cầm cuốc và thúng. Người ấy chặt đứt rễ cây tầm gởi ấy, sau khi chặt đứt rễ, người ấy đào mương. Đào mương xong, người ấy nhổ các rễ lên, nhỏ cho đến các rễ nhỏ, rễ usira. Rồi người ấy chặt cây tầm gởi ấy thành từng khúc nhỏ, bửa và chẻ thành từng mảnh nhỏ, người ấy đem phơi giữa gió và mặt trời. Sau khi phơi giữa gió và mặt trời, người ấy lấy lửa đốt, làm thành một đống tro, và quạt chúng ra giữa gió lớn, hay đổ chúng xuống dòng nước chảy nhanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các cây tầm gởi ấy, bị cắt đứt gốc từ rễ, bị làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với người như vậy, các ác bất thiện pháp do tham sanh đã được đoạn tận, được chặt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây Ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không sanh khởi trong tương lai, ngay trong hiện tại được sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não, ngay trong hiện tại được Bát-niết-bàn… do sân sanh… các ác bất thiện pháp do si sanh đã được đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây Ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, ngay trong hiện tại được sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não, ngay trong hiện tại được Bát-niết-bàn
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba căn bản của thiện.
§ 70. CÁC LỄ UPOSATHA
Như vầy tôi nghe.
 1. Một thời Thế Tôn ở Savatthi § (Xá - vệ), Pubbarama (Đông viên), lâu đài của mẹ Migara. Rồi Visàkhà, mẹ của Migara, trong ngày Uposatha (Bố tát trai - giới) đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visakha, mẹ của Migara đang ngồi xuống một bên:
 - Này Visàkhà, từ đâu Bà đến sáng sớm như thế này?
 - Bạch Thế Tôn, hôm nay con thọ trai giới.
 - Có ba loại trai giới này, này Visàkhà. Thế nào là ba?
Trai giới người chăn bò, trai giới Niganthà, và trai giới bậc Thánh.
2. Như thế nào, này Visàkhà, là trai giới người chăn bò?
Ví như, này Visàkhà, người chăn bò vào buổi chiều lùa các con bò về cho chủ chúng nó. Người ấy suy nghĩ: “Hôm nay, các con bò đã ăn cỏ tại chỗ này và chỗ này, đã uống nước tại chỗ này và chỗ này. Ngày mai, các con bò sẽ ăn cỏ tại chỗ này và chỗ này, sẽ uống nước tại chỗ này và chỗ này”. Cũng vậy, này Visàkhà, ở đây có người giữ trai giới suy nghĩ: “Hôm nay, ta đã ăn loại đồ ăn cứng này, loại đồ ăn cứng này ta đã ăn loại đồ ăn mềm này, loại đồ ăn mềm này. Ngày mai ta sẽ ăn loại đồ ăn cứng này, loại đồ ăn cứng này; ta sẽ ăn loại đồ ăn mềm này, loại đồ ăn mềm này.” Như vậy, người ấy sống cả ngày với tâm đồng hành với tham dục. Như vậy, này Visàkhà, là trai giới người chăn bò.
3. Và này Visàkhà, thế nào là trai giới các Niganthà?
Ở đây, này Visàkhà, có hạng Sa-môn tên là Niganthà, họ khích lệ đệ tử như sau: “Ông hãy quăng bỏ trượng đối với các sinh loại sống ở phương Đông, ngoài một trăm do tuần. Hãy quăng bỏ trượng đối với các sinh loại sống ở phương Tây, ngoài một trăm do tuần… sống ở phương Bắc… sống ở phương Nam, ngoài một trăm do tuần.” Như vậy họ khích lệ vì lòng thương, vì lòng từ mẫn đối với một số sinh loại mà thôi, họ không khích lệ vì lòng thương, vì lòng từ mẫn, đối với một số sinh loại khác. Trong ngày Uposatha, họ khích lệ đệ tử như sau: “Này các Ông, hãy quăng bỏ tất cả áo quần và nói như sau: “Ta không có bất cứ vật gì, bất cứ ở đâu, bất cứ chỗ nào. Bất cứ vật gì, bất cứ ở đâu, bất cứ chỗ nào, không có cái gì là của ta.” “Nhưng cha và mẹ của người ấy biết người ấy là con của mình. Và người ấy biết họ là cha mẹ của mình. Vợ và con biết người ấy là chồng, là cha của mình, và người ấy biết họ là vợ, con của mình. Các người nô tỳ làm công biết người ấy là chủ của họ. Và người ấy biết họ là nô tỳ, là nhân viên của mình. Như vậy, trong thời gian đáng phải khích lệ đúng với sự thật, trong thời gian ấy, lại được khích lệ bằng điều nói láo. Đây Ta tuyên bố là một sự nói láo. Sau khi đêm ấy đã qua, người ấy thọ hưởng tất cả tài sản chưa đem cho. Đây Ta tuyên bố là lấy của không cho. Như vậy, này Visàkhà, là lễ Uposathà của các Niganthà, Được sống thực hành như vậy, này Visàkhà, Uposatha của các Nigànthà không quả lớn, không lợi ích lớn, không chói sáng, lớn không ánh sáng lớn.
4. Và này Visàkhà, thế nào là trai giới các bậc Thánh? Chính là làm thanh tịnh một tâm uế nhiễm với phương pháp thích nghi.
Và này Visàkhà, thế nào là làm thanh tịnh một tâm uế nhiễm với phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Phật: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.” Do vị ấy niệm Như Lai tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Ví như, này Visàkhà, đầu uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi.
Và này Visàkhà, thế nào là đầu uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi?
Do duyên bột nhồi, do duyên đất sét, do duyên nước và do duyên nỗ lực thích nghi của con người. Như vậy, này Visàkhà, là đầu uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi. Cũng vậy, này Visàkhà, là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi.
Và này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Như Lai: “Đây là Thế Tôn, …, Phật, Thế Tôn”. Do vị ấy niệm Như Lai. tâm được tịnh tín, hân hoan khởi lên, các phiền não của tâm được đoạn tận. Này Visàkhà, đây gọi là Thánh đệ tử thực hành trai giới Phạm thiên, vị ấy cùng sống với Phạm thiên. Do duyên Phạm thiên, tâm vị ấy được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Như vậy, này Visàkhà, là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi.
5. Này Visàkhà, tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi. Và này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”. Do vị ấy niệm Pháp, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Ví như, này Visàkhà, thân uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi.
Và này Visàkhà, thế nào là thân uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi? Do duyên sottim (một thứ đá bọt dùng để chà lưng), do duyên bột tắm, do duyên nước và do duyên nỗ lực thích nghi của con người. Như vậy, này Visàkhà, là thân uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi. Cũng vậy, này Visàkhà, là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi.
Và như thế nào, này Visàkhà, là tâm uế nhiễm được gột sạch với phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, … được người trí tự mình giác hiểu”. Do người ấy niệm Pháp, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Này Visàkhà, đây gọi là Thánh đệ tử thực hành Pháp trai giới, vị ấy sống với Pháp. Chính nhờ Pháp, tâm vị ấy tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Như vậy, này Visàkhà, là tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi.
6. Này Visàkhà, tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi. Và này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; ứng lý là hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.” Do vị ấy niệm Tăng, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Ví như, này Visàkhà, một tấm vải bị uế được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi.
Và này Visàkhà, thế nào là một tấm vải bị uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi?
Do duyên usam (đất mặn) do duyên khàram (nước tro), do duyên phân bò, do duyên nước, do duyên nỗ lực thích nghi của con người. Như vậy, này Visàkhà, một tấm vải bị uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi. Cũng vậy, này Visàkhà, tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi.
Này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn… là phước điền vô thượng ở đời.” Nhờ vị ấy niệm Tăng, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Này Visàkhà, đây gọi là Thánh đệ tử thực hành chúng Tăng trai giới, sống với chúng Tăng. Chính nhờ chúng Tăng, tâm vị ấy được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Như vậy, này Visàkhà, là tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi.
7. Và này Visàkhà, tâm bị uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi. Và này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được gột sạch nhờ phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Giới: “Không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.” Vị ấy nhờ niệm Giới, tâm được tịnh tín, hân hoàn sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Ví như, này Visàkhà, một tấm gương uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi.
Và này Visàkhà, thế nào là một tấm gương uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi?
Do duyên dầu, do duyên tro, do duyên bàn chải lông và do duyên nỗ lực thích nghi của con người. Như vậy, này Visàkhà, là tấm gương uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi. Cũng vậy, này Visàkhà, là tâm uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi.
Và này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Giới… đưa đến Thiền định. Vị ấy nhờ niệm Giới, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Này Visàkhà, đây gọi là Thánh đệ tử thực hành giới Uposatha, sống chung với giới. Nhờ giới, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Như vậy, này Visàkhà, là tâm uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi?
8. Và này Visàkhà, tâm bị uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi. Và này Visàkhà, thế nào là tâm uế nhiễm được rửa sạch nhờ phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Thiên: “Có Chư Thiên bốn Thiên Vương; có Chư Thiên cõi Trời Ba mươi ba; có chư Thiên Yàmà; có chư Thiên Tusita (Đâu suất); có chư Thiên Hóa lạc; có chư Thiên Tha hóa tự tại; có chư Thiên Phạm chúng; có chư Thiên cao hơn nữa. Đầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Đầy đủ với giới như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Giới như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Đầy đủ với nghe pháp như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Nghe pháp như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Đầy đủ với thí như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Thí như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Đầy đủ với Tuệ như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Khi vị ấy niệm tín giới, nghe pháp, thí và tuệ của tự mình và chư Thiên ấy, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi. các phiền não của tâm được đoạn tận. Ví như, này Visàkhà, là vàng bị uế nhiễm được làm cho thanh tịnh nhờ phương pháp thích nghi.
Và này Visàkhà, thế nào là vàng bị uế nhiễm được làm cho thanh tịnh nhờ phương pháp thích nghi?
Do duyên lò, do duyên đất muối, do duyên phấn đỏ, do duyên ống bệ, do duyên cái kìm, và do duyên nỗ lực thích nghi của con người. Như vậy, này Visàkhà, là vàng bị uế nhiễm được làm cho thanh tịnh, nhờ phương pháp thích nghi. Cũng vậy, này Visàkhà, là tâm bị uế nhiễm được làm thanh tịnh nhờ phương pháp thích nghi.
Và này, Visàkhà, thế nào là tâm bị uế nhiễm được làm cho thanh tịnh nhờ phương pháp thích nghi?
Ở đây, này Visàkhà, Thánh đệ tử niệm Thiên: “Có chư Thiên bốn Thiên vương; có chư Thiên cõi Trời Ba mươi ba... Có chư Thiên cao hơn nữa. Đầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy mạng chung ở chỗ này, được sanh tại chỗ ấy. Ta cũng có lòng tin như vậy. Đầy đủ với giới… với nghe pháp… với thí… với trí tuệ như vậy, chư Thiên ấy mạng chung ở chỗ này, được sanh tại chỗ ấy. Ta cũng có trí tuệ như vậy.” Khi vị ấy niệm tín, giới, nghe pháp, thí, và tuệ của tự mình và của chư Thiên ấy, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Đây gọi là Thánh đệ tử thực hành Thiên trai giới, sống chung với chư Thiên. Nhờ chư Thiên, tâm vị ấy được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận. Như vậy, này Visàkhà, là tâm bị uế nhiễm được làm cho thanh tịnh nhờ phương pháp thích nghi.
9. Thánh đệ tử ấy, này Visàkhà, suy tư như sau: “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quí, có lòng từ, sống thương sót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.”
10. “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán, và ta sẽ thực hành trai giới.”
11. “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ tà hạnh, tịnh tu Phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ tà hạnh, tịnh tu Phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.”
12. “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.”
13. “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ rượu men, rượu nấu làm cho đắm say, tránh xa rượu men, rượu nấu làm cho đắm say. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ men rượu, rượu nấu làm cho đắm say, tránh xa rượu men, rượu nấu làm cho đắm say. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.”
14. “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán ăn một ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn phi thời. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống ăn một ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn phi thời. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.”
15. “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán tránh xa không xem múa, hát, nhạc diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống tránh xa không xem múa, hát, nhạc diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Về chi phần này, ta theo gương các A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.”
16. “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ giường cao, giường lớn, tránh xa giường cao, giường lớn. Các vị ấy nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ hay trên đệm cỏ. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta từ bỏ giường cao và giường lớn, tránh xa giường cao, giường lớn, nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ hay trên đệm cỏ. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới.”
Như vậy, này Visàkhà, là Thánh trai giới, thực hành Thánh trai giới, này Visàkhà, có quả lớn, có lợi ích lớn, có chói sáng lớn, có ánh sáng lớn.
17. Quả lớn như thế nào? Lợi ích lớn như thế nào? Chói sáng lớn như thế nào? Ánh sáng lớn như thế nào?
Ví như, này Visàkhà, có người áp đặt chủ quyền cai trị trên 16 quốc độ lớn tràn đầy bảy báu như Anga, Magadha, Kàsi, Kosala, Vajji, Mallà, Ceti, Vangà, Kurù, Pancàlà, Macchà, Surasenà, Assakà, Avanti, Gandhàrà, Kambojà, nhưng chủ quyền ấy không bằng một phần mười sáu của một trai giới thực hành đầy đủ cả tám mặt. Vì cớ sao? Nhỏ nhoi thay, này Visàkhà, là vương quyền của loài Người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên!
18. Năm mươi năm của một đời người, này Visàkhà, bằng một đêm một ngày của chư Thiên của Bốn Thiên Vương. Ba mươi đêm như vậy, làm thành một tháng. Mười hai tháng như vậy làm thành một năm. Năm mươi năm chư Thiên như vậy làm thành thọ mạng của chư Thiên Bốn Thiên vương. Sự kiện này có xảy ra, này Visàkhà, ở đây, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi thực hiện trai giới đầy đủ cả tám mặt, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên của Bốn Thiên Vương. Chính dựa trên trường hợp này, được nói lên rằng: “Nhỏ nhoi thay là vương quyền của loài Người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên!”
19. Một trăm năm của một đời người, này Visàkhà, bằng một đêm một ngày của chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Ba mươi đêm như vậy, làm thành một tháng. Mười hai tháng như vậy làm thành một năm. Một ngàn năm chư Thiên như vậy làm thành thọ mạng của chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Sự kiện này có xảy ra, này Visàkhà, ở đây có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi thực hiện trai giới đầy đủ cả tám mặt, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Chính dựa trên trường hợp này được nói lên rằng: “Nhỏ nhoi thay là vương quyền của loài Người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên!”
20. Hai trăm năm của một đời người, này Visàkhà, bằng một đêm một ngày của chư Thiên ở cõi trời Yàmà. Ba mươi đêm như vậy làm thành một tháng… làm thành một năm. Hai ngàn năm chư Thiên như vậy làm thành thọ mạng của chư Thiên ở cõi trời Yàmà. Sự kiện này có xảy ra, này Visàkhà ở đây … được sanh cọng trú với chư Thiên ở cõi trời Yàmà… Chính dựa trên trường hợp này … với hạnh phúc chư Thiên.
21. Bốn trăm năm của một đời người, này Visàkhà, bằng một đêm một ngày của chư Thiên ở cõi trời Tusita (Đâu-suất). Ba mươi đêm như vậy, làm thành một tháng… làm thành một năm. Bốn ngàn năm chư Thiên như vậy làm thành thọ mạng của chư Thiên ở cõi trời Tusita. Sự kiện này có xảy ra... với hạnh phúc chư Thiên.”
22. Tám trăm năm của một đời người, này Visàkhà, bằng một đêm một ngày của chư Thiên ở cõi trời Hóa lạc... Tám ngàn năm chư Thiên như vậy làm thành thọ mạng của chư Thiên ở cõi trời Hóa lạc. Sự kiện này có xảy ra... với hạnh phúc chư Thiên.”
23. Mười sáu trăm năm của một đời người, này Visàkhà, bằng một đêm một ngày của chư Thiên ở cõi trời Tha Hóa Tự tại. Ba mươi đêm như vậy, làm thành một tháng. Mười hai tháng như vậy làm thành một năm. Mười sáu ngàn năm chư Thiên như vậy làm thành thọ mạng của chư Thiên ở cõi trời Tha Hóa Tự tại. Sự kiện này có xảy ra, này Visàkhà, ở đây có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi thực hành Uposatha đầy đủ cả tám mặt, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên ở cõi trời Tha Hóa Tự tại. Chính dựa trên trường hợp này, được nói lên rằng: “Nhỏ nhoi thay là vương quyền của loài Người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên!”
24. Chớ giết hại sinh loài,
Chớ lấy của không cho,
Chớ nói lời nói láo,
Chớ uống thứ rượu say,
Từ bỏ không Phạm hạnh,
Từ bỏ, không dâm dục,
Không ăn vào ban đêm,
Tránh không ăn phi thời,
Không mang các vòng hoa,
Không dùng các hương liệu,
Hãy nằm trên tấm thảm,
Được trải dài trên đất,
Chính hạnh trai giới này,
Được gọi có tám phần,
Do đức Phật nói lên,
Đưa đến đoạn tận khổ,
Mặt trăng và mặt trời,
Được thấy là lành tốt,
Chỗ nào chúng đi tới,
Chúng chói sáng hào quang,
Chúng làm mây sáng chói,
Giữa hư không chúng đi,
Trên trời chúng chói sáng,
Sáng rực mọi phương hướng,
Trong khoảng không gian ấy,
Tài sản được tìm thấy,
Trân châu và ngọc báu,
Lưu ly, đá cầu may,
Vàng cục trong lòng đất,
Hay loại kancana,
Cùng loại vàng sáng chói,
Được gọi là hattaka,
Tuy vậy chúng trị giá,
Chỉ một phần mười sáu.
Với hạnh giữ trai giới,
Đầy đủ cả tám mặt,
Kể cả ánh sáng trăng,
Với cả vòm trời sao.
Vậy người nữ, người nam,
Hãy giữ theo định giới,
Hành Bố-tát trai giới,
Đầy đủ cả tám mặt,
Làm thiện các công đức,
Đem lại nhiều an lạc,
Được sanh lên cõi Trời,
Không bị người cười chê.
VIII. PHẨM ÀNANDA
§ 71. CHANNA
1. Nhân duyên ở Sàvatthi.
Rồi Du sĩ Channa đi đến Tôn giả Ànanda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ànanda những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Du sĩ Channa nói với Tôn giả Ànanda:
 - Thưa Hiền giả Ànanda, có phải các Người tuyên thuyết về đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si?
 - Vâng, thưa Hiền giả, chúng tôi tuyên thuyết về đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si.
 - Thưa Hiền giả, do thấy nguy hại của tham như thế nào, các Người tuyên thuyết đoạn tận tham? Do thấy nguy hại của sân như thế nào, các Người tuyên thuyết đoạn tận sân? Do thấy nguy hại của si như thế nào, các Người tuyên thuyết đoạn tận si?
2. - Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai, cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Khi tham được đoạn tận, không nghĩ đến hại mình, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm giác khổ ưu thuộc về tâm.
Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm bị mất tự chủ, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Khi tham được đoạn tận, thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác.
Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, không như thật rõ biết lợi người, không như thật rõ biết lợi cả hai. Khi tham được đoạn tận, như thật rõ biết lợi mình, như thật rõ biết lợi người, như thật rõ biết lợi cả hai.
Tham, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
Người có sân, thưa Hiền giả, bị sân chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình… như thật rõ biết lợi cả hai.
Sân, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình… Khi si được đoạn tận, không nghĩ đến hại mình… không cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Người có si, thưa Hiền giả bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, làm ác hạnh với thân… làm ác hạnh với ý. Khi si được đoạn tận, không làm ác hạnh với thân… với ý.
Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, … không như thật rõ biết lợi cả hai. Khi si được đoạn tận, như thật rõ biết lợi mình … như thật rõ biết lợi cả hai.
Si, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
Thấy sự nguy hại này của tham, thưa Hiền giả, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận tham. Thấy sự nguy hại này của sân, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận sân. Thấy sự nguy hại này của si, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận si.
3. - Có con đường nào, thưa Hiền giả, có đạo lộ nào đưa đến đoạn tận tham, sân, si?
 - Có con đường, thưa Hiền giả, có đạo lộ đưa đến đoạn tận tham, sân, si.
 - Con đường ấy là gì, thưa Hiền giả, đạo lộ ấy là gì đưa đến đoạn tận tham, sân, si?
 - Chính là Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, … chánh định. Đây là con đường, thưa Hiền giả, đây là đạo lộ, đưa đến đoạn tận tham, sân, si.
 - Hiền thiện là con đường, thưa Hiền giả! Hiền thiện là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham, sân, si! Thật là vừa đủ, thưa Hiền giả Ànanda, để áp dụng không phóng dật.
§ 72. TÀ MẠNG ĐỆ TỬ
1. Một thời, Tôn giả Ànanda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosità.
Rồi một tà mạng đệ tử Gia chủ đi đến Tôn giả Ànanda; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ànanda rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, tà mạng đệ tử Gia chủ nói với Tôn giả Ànanda:
 - Thưa Tôn giả Ànanda, pháp của những ai được khéo thuyết? Những ai khéo hành trì ở đời? Những ai khéo vượt qua ở đời?
 - Vậy này Gia chủ, về vấn đề này ta sẽ hỏi Ông. Ông kham nhẫn thế nào, hãy trả lời như vậy. Ông nghĩ thế nào, này Gia chủ, những ai thuyết pháp để đoạn tận tham, thuyết pháp để đoạn tận sân, thuyết pháp để đoạn tận si, pháp có được các vị ấy khéo thuyết hay không? Hay ở đây, Ông nghĩ thế nào?
 - Thưa Tôn giả, ai thuyết pháp để đoạn tận tham, thuyết pháp để đoạn sân, thuyết pháp để đoạn si, pháp được vị ấy khéo thuyết. Và ở đây, tôi nghĩ như vậy.
2. - Ông nghĩ thế nào, này Gia chủ? Những ai thực hành đoạn tham, thực hành đoạn sân, thực hành đoạn si, những vị ấy có khéo thực hành ở đời hay không? Hay ở đây, Ông nghĩ thế nào?
 - Thưa Tôn giả, những ai hành đoạn tham, thực hành đoạn sân, thực hành đoạn si, những vị ấy khéo thực hành ở đời. Và ở đây, tôi nghĩ như vậy.
3. - Ông nghĩ thế nào, này Gia chủ, với những ai, tham được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; với những ai, sân được đoạn tận… với những ai, si được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; những vị ấy có khéo vượt qua ở đời hay không? Hay ở đây, Ông nghĩ thế nào?
 - Thưa Tôn giả, với những ai, tham được đoạn tận, … với những ai, sân được đoạn tận… với những ai, si được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; những vị ấy khéo vượt qua ở đời. Và ở đây, tôi nghĩ như vậy.
4. - Như vậy, Ông đã trả lời như sau: “Thưa Tôn giả, những ai thuyết pháp để đoạn tham, thuyết pháp để đoạn sân, thuyết pháp để đoạn si, pháp được các vị ấy khéo thuyết.” Và Ông đa trả lời như sau: “Thưa Tôn giả, những ai đã thực hành đoạn tận tham… đoạn tận sân… những ai đã thực hành đoạn tận si, những vị ấy đã khéo thực hành ở đời”. Và Ông đã trả lời như sau: “Thưa Tôn giả, những ai đã đoạn tận tham, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Những ai đã đoạn tận sân… Những ai đã đoạn tận si, đã cắt đứt từ gốc rễ… làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Những vị ấy khéo vượt qua ở đời.”
 - Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả! Ở đây sẽ không có tự khen pháp của mình, không có chê trách pháp của người khác, chỉ có thuyết pháp trong giới xứ, chỉ nói đến mục đích không đề cập đến tự ngã.
5. Thưa Tôn giả, Tôn giả thuyết pháp để đoạn tham, thuyết pháp để đoạn sân, thuyết pháp để đoạn si, và thưa Tôn giả, pháp được Tôn giả khéo thuyết. Thưa Tôn giả Ànanda, Tôn giả thực hành đoạn tham, … đoạn sân, … Tôn giả thực hành đoạn si, Tôn giả đã khéo thực hành ở đời. Thưa Tôn giả Ànanda, tham đã được Tôn giả đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai… sân đã được Tôn giả đoạn tận… si đã được Tôn giả đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Ta-la, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Tôn giả đã khéo vượt qua ở đời.
6. Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thưa Tôn giả, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống… Thưa Tôn giả Ànanda, con nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và chúng Tăng. Mong Tôn giả Ànanda nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng!
§ 73. NGƯỜI HỌ THÍCH
1. Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Thích tử, tại Kapilavatthu, ở khu vườn Nigrodha.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn khỏi bệnh, được khỏi bệnh không bao lâu. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ Thích (Sakka) bạch Thế Tôn:
 - Đã lâu ngày, bạch Thế Tôn, con đã biết pháp đã được dạy như sau: “Trí đến với người định tĩnh, không đến với người không định tĩnh.” Bạch Thế Tôn, định đến trước rồi trí đến sau? Hay trí đến trước rồi định đến sau?
2. Rồi Tôn giả Ànanda suy nghĩ như sau: “Thế Tôn mới khỏi bệnh, khỏi bệnh không bao lâu. Họ Thích Mahànàma này hỏi một câu hỏi rất thâm sâu. Vậy ta hãy đưa họ Thích Mahànàma qua một bên và thuyết pháp cho họ Thích.”
Rồi Tôn giả Ànanda cầm tay họ Thích Mahànàma, kéo qua một bên rồi nói với họ Thích Mahànàma:
3. - Giới của bậc Hữu học, này Mahànàma, được Thế Tôn nói đến. Và giới của bậc Vô học cũng được Thế Tôn nói đến. Định bậc Hữu học được Thế Tôn nói đến. Định bậc Vô học cũng được Thế Tôn nói đến. Tuệ bậc Hữu học được Thế Tôn nói đến. Tuệ bậc Vô học cũng được Thế Tôn nói đến.
4. Và này Mahànàma, thế nào là giới bậc Hữu học?
Ở đây, này Mahànàma, vị Tỷ-kheo giữ giới, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các học giới. Này Mahànàma, đây là giới bậc Hữu học.
5. Và này Mahànàma, thế nào là định bậc Hữu học?
Ở đây, này Mahànàma, ly dục, ly bất thiện pháp, vị Tỷ-kheo chứng đạt và an trú sơ Thiền … chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Này Mahànàma, đây là định của bậc Hữu học.
6. Và này Mahànàma, thế nào là trí tuệ của bậc Hữu học?
Ở đây, này Mahànàma, vị Tỷ-kheo như thật quán tri: “Đây là Khổ” … như thật quán tri: “Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt”. Này Mahànàma, đây gọi là trí tuệ của bậc Hữu học. Vị Thánh đệ tử như vậy đầy đủ giới, như vậy đầy đủ định, như vậy đầy đủ tuệ, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này Mahànàma, là giới bậc Hữu học được Thế Tôn thuyết, là giới bậc Vô học được Thế Tôn thuyết, là định bậc Hữu học được Thế Tôn thuyết, là định bậc Vô học được Thế Tôn thuyết, là tuệ bậc Hữu học được Thế Tôn thuyết, là tuệ bậc Vô học được Thế Tôn thuyết.
§ 74. VỊ LÕA THỂ
1. Một thời, Tôn giả Ànanda trú tại Vesàli, rừng Đại Lâm, trong ngôi giảng đường có nóc nhọn. Rồi Abhaya người Licchavi và Panditakumàrako người Licchavi, đi đến Tôn giả Ànanda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ànanda rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Abhaya người Licchavi thưa với Tôn giả Ànanda:
 - Niganthà Nàthaputta, thưa Tôn giả, tự cho là toàn tri, toàn kiến, có tri kiến toàn diện: “Khi ta đi, ta đứng, ta ngủ, ta thức, tri kiến luôn luôn được an trú, không có gián đoạn.” Vị ấy tuyên bố chấm dứt các nghiệp cũ với khổ hạnh, và phá hoại các nghiệp mới với vô vi (không hành động). Như vậy, do nghiệp đoạn diệt nên khổ đoạn diệt; do khổ đoạn diệt nên thọ đoạn diệt; do thọ đoạn diệt nên tất cả khổ sẽ được tiêu diệt. Như vậy là (pháp môn) siêu thoát, thanh tịnh, diệt nhiệt não, thiết thực hiện tại. Ở đây, thưa Tôn giả, Thế Tôn nói thế nào?
2. - Này Abhaya, có ba (pháp môn) thanh tịnh, diệt nhiệt não, được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác chơn chánh tuyên bố, khiến chúng sanh được thanh tịnh, khiến vượt qua sầu bi, khiến chấm dứt khổ ưu, khiến đạt được chánh lý, khiến chứng được Niết-bàn. Thế nào là ba?
Ở đây, này Abhaya, vị Tỷ-kheo giữ giới, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học giới. Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy. Đây là (sự thanh tịnh thứ nhất), thiết thực hiện tại, diệt nhiệt não, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Vị Tỷ-kheo ấy, này Abhaya, đầy đủ với giới như vậy, ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú sơ Thiền … chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy. Đây là (sự thanh tịnh thứ hai), thiết thực hiện tại, diệt nhiệt não, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Vị Tỷ-kheo ấy, này Abhaya, đầy đủ giới như vậy, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vị ấy không làm các nghiệp mới, và với các nghiệp cũ ảnh hưởng đến mình, chấm dứt các nghiệp ấy. Đây là (sự thanh tịnh thứ ba), thiết thực hiện tại, diệt nhiệt não, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Này Abhaya, có ba sự thanh tịnh, diệt nhiệt não này, được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác chơn chánh tuyên bố, khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng được Niết-bàn.
3. Khi được nói vậy, Panditakumàrako người Licchavi nói với Abhaya người Licchavi:
 - Này bạn Abhaya, Bạn có tín thọ lời khéo nói của Tôn giả Ànanda là khéo nói không?
 - Này Bạn, tôi là ai lại không tín thọ lời khéo nói của Tôn giả Ànanda là khéo nói. Đầu người ấy sẽ vỡ tan, nếu ai không tín thọ lời khéo nói của Tôn giả Ànanda là khéo nói.
§ 75. CẦN PHẢI KHÍCH LỆ
1. Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ànanda đang ngồi xuống một bên:
 - Này Ànanda, với ai, Thầy có lòng từ mẫn, và với những ai, Thầy nghĩ là nên nghe theo, các bạn bè, thân hữu, bà con hay cùng một huyết thống? Với những người ấy, này Ànanda, Thầy cần phải khích lệ, cần phải hướng dẫn, cần phải an trú trong ba điểm. Thế nào là ba?
2. Hãy khích lệ, hướng dẫn và an trú vào tịnh tín bất động đối với Đức Phật: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân sư, Phật, Thế Tôn.” Hãy khích lệ, hướng dẫn và an trú vào tịnh tín bất động đối với Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.” Hãy khích lệ, hướng dẫn và an trú vào tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.”
3. Dầu cho bốn đại chủng có đổi khác, này Ànanda, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, nhưng vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Phật không có đổi khác. Ở đây, đổi khác là như thế này: Vị Thánh đệ tử ấy, này Ànanda, thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật, sẽ sanh vào địa ngục, loài bàng sanh hay cõi ngạ quỷ. Sự kiện này không xảy ra.
4. - Dầu cho bốn đại chủng có đổi khác, này Ànanda, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, nhưng vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp không có đổi khác. Ở đây, đổi khác là như thế này: Vị Thánh đệ tử ấy, này Ànanda, thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp, sẽ sanh vào địa ngục, loài bàng sanh hay cõi ngạ quỷ. Sự kiện này không xảy ra.
5. Dầu cho bốn đại chủng có đổi khác, này Ànanda, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, nhưng vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với chúng Tăng không có đổi khác. Ở đây, đổi khác là thế này; Vị Thánh đệ tử ấy, này Ànanda, thành tựu tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, sẽ sanh vào địa ngục, vào loài bàng sanh hay cõi ngạ quỷ. Sự kiện này không xảy ra.
Này Ànanda, với ai Thầy có lòng từ mẫn, và với những ai, Thầy nghĩ là nên nghe theo, các bạn bè, thân hữu, bà con, hay cùng một huyết thống? Với những người ấy, này Ànanda, Thầy cần phải khích lệ, cần phải hướng dẫn, cần phải an trú trong ba điểm này.
§ 76. HIỆN HỮU
1. Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
 - Hữu, hữu, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được xem là có hữu?
 - Này Ànanda, nếu không có hành động (nghiệp) và sự chín muồi của dục giới thời dục hữu có thể trình bày được không?
 - Thưa không, bạch Thế Tôn.
 - Như vậy, này Ànanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai, có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ànanda, hữu có mặt.
2. Và này Ànanda, nếu không có hành động và sự chín muồi của sắc giới, thời sắc hữu có thể trình bày được không?
 - Thưa không, bạch Thế Tôn.
 - Như vậy, này Ànanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc trung. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ànanda, hữu có mặt.
3. Và này Ànanda, nếu không có hành động và sự chín muồi của vô sắc giới, thời vô sắc hữu có thể trình bày được chăng?
 - Thưa không, bạch Thế Tôn.
 - Như vậy, này Ànanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc thù thắng. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ànanda, hữu có mặt.
§ 77. TƯ VÀ KHỞI ĐIỂM
1. Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
 (Như kinh trên cho đến) …
 - Như vậy, này Ànanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên tư được an lập, khởi điểm được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai, có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ànanda, hữu có mặt.
 - (Đoạn còn lại như kinh trên, chỉ khác thức được tư và khởi điểm thay thế) …
§ 78. SỰ HẦU HẠ GIÚP ĐỠ
(Nhân duyên như kinh trên). Thế Tôn nói với Tôn giả Ànanda đang ngồi một bên:
 - Này Ànanda, mọi giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản đều có quả phải không?
 - Ở đây, bạch Thế Tôn, không thể trả lời một chiều được.
 - Vậy này Ànanda, hãy phân tích thêm!
 - Bạch Thế Tôn, phàm giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản nào được áp dụng, khiến pháp bất thiện tăng trưởng, pháp thiện đoạn tận, thời giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản như vậy không có kết quả. Và bạch Thế Tôn, phàm giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản nào được áp dụng, khiến pháp bất thiện đoạn tận, pháp thiện được tăng trưởng, thời giới cấm, sinh sống Phạm hạnh, sự hầu hạ căn bản như vậy có kết quả.
Tôn giả Ànanda nói như vậy và bậc Đạo sư đồng ý.
Rồi Tôn giả Ànanda nghĩ rằng: “Bậc Đạo sư đã đồng ý với ta”, từ chỗ ngồi đứng dậy, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi Thế Tôn, khi Tôn giả Ànanda ra đi không bao lâu, nói với các Tỷ-kheo:
 - Này các Tỷ-kheo, Ànanda còn là Hữu học, nhưng không dễ gì tìm được một người có trí tuệ ngang bằng.
§ 79. HƯƠNG
1. Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
 - Có ba loại cây hương này, bạch Thế Tôn, hương của chúng bay theo gió, không bay ngược gió. Thế nào là ba? Cây hương rễ, cây hương lõi và cây hương hoa. Có ba loại cây hương này, bạch Thế Tôn, hương của chúng bay theo chiều gió, không bay ngược gió. Bạch Thế Tôn, có thể có loại cây hương nào, có hương bay thuận gió, có hương bay ngược gió, có hương bay thuận gió ngược gió?
 - Có loại cây hương, này Ànanda, có hương bay thuận gió, có hương bay ngược gió, có hương bay thuận gió ngược gió.
2. - Bạch Thế Tôn, loại cây hương ấy là gì, có hương bay thuận gió, có hương bay ngược gió, có hương bay thuận gió ngược gió?
 - Ở đây, này Ànanda, tại làng nào hay tại thị trấn nào, có nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong dục vọng, từ bỏ nói láo, từ bỏ dùng rượu, men rượu nấu làm say người, giữ giới, tâm tánh hiền lương, sống trong nhà với tâm không nhiễm xan tham, bố thí không luyến tiếc với tay rộng mở, thích thú từ bỏ, sẵn sàng được yêu cầu, ưa thích chia sẻ đồ bố thí. Người như vậy, được các Sa-môn, Bà-la-môn tán thán khắp bốn phương; tại làng ấy, hay tại thị trấn ấy, có nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, … ưa thích chia sẻ đồ bố thí. Chư Thiên và các phi nhân cũng tán thán; tại làng ấy, hay tại thị trấn ấy, có nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, … ưa thích chia sẻ đồ bố thí. Cây hương như vậy, này Ànanda, có hương bay thuận gió, có hương bay ngược gió, có hương bay thuận gió ngược gió.
3. Không một hương hoa nào,
Bay ngược chiều gió thổi,
Dầu là hoa chiên-đàn,
Già - là hay mạt - ly,
Chỉ hương người đức hạnh,
Bay ngược chiều gió thổi,
Chỉ có Bậc Chân nhân,
Biến mãn mọi phương trời.
§ 80. ABHIBHÙ
1. Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
 - Con được nghe trước mặt Thế Tôn, con được nắm giữ trước mặt Thế Tôn: “Abhibhù đệ tử Đức Phật Sikhi, đứng ở Phạm thiên giới, có thể làm cho ngàn thế giới nghe tiếng của mình.” Nhưng bạch Thế Tôn, Thế Tôn bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có thể làm cho nghe tiếng xa như thế nào?
 - Vị ấy chỉ là một đệ tử, này Ànanda. Các Như Lai là vô lượng.
Lần thứ hai, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
 - Con được nghe trước mặt Thế Tôn… có thể làm cho nghe tiếng xa như thế nào?
 - Vị ấy chỉ là một đệ tử, này Ànanda. Các Như Lai là vô lượng.
2. Lần thứ ba, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
 - Con được nghe trước mặt Thế Tôn, … có thể làm cho nghe tiếng xa như thế nào?
 - Này Ànanda, Thầy có được nghe nói đến tiểu thiên thế giới không?
 - Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn! Nay đã đến thời, bạch Thiện Thệ, để Thế Tôn nói về vấn đề này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
 - Vậy này Ànanda, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ànanda vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
3. - Xa cho đến mặt trăng, mặt trời chạy trong quỹ đạo của chúng và chói sáng khắp bốn phương với ánh sáng của chúng, xa như vậy là một ngàn thế giới. Trong ấy có một ngàn mặt trăng, một ngàn mặt trời, một ngàn núi Sineru (Tu - di), một ngàn Jambudìpa (Diêm phù đề), một ngàn Aparagoyànà (Tây ngưu hóa châu), một ngàn Uttarakurù (Bắc - cu - lô châu), một ngàn Pubbavidehà (Đông thắng thần châu), 4000 biển lớn, 4000 Đại vương, 1000 cõi trời Bốn thiên vương, 1000 cõi Trời Ba mươi ba, 1000 Dạ ma thiên, 1000 Tusità (Đâu suất thiên), 1000 Hóa Lạc thiên, 1000 Tha Hóa Tự tại thiên, 1000 Phạm thiên. Này Ànanda, đây gọi là một tiểu thiên thế giới. Này Ànanda, cho đến một ngàn lần một tiểu thiên thế giới, được gọi là, này Ànanda, hai trung thiên thế giới, Này Ànanda, cho đến một ngàn trung thiên thế giới được gọi là, này Ànanda, ba Đại thiên thế giới. Này Ànanda, Như Lai có thể làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn Đại thiên thế giới hay xa hơn nữa, nếu muốn.
4. - Làm sao, bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn đại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn?
 - Ở đây, này Ànanda, Như Lai chiếu ánh sáng cho đến ba ngàn Đại thiên thế giới, cho đến khi các chúng sanh nhận thức được ánh sáng ấy. Rồi Thế Tôn phát âm và làm cho tiếng mình được nghe. Như vậy, này Ànanda, Như Lai làm cho tiếng mình được nghe, xa cho đến ba ngàn Đại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn.
5. Khi được nói như vậy, Tôn giả Ànanda nói với Tôn giả Udàyi:
 - Được lợi thay cho tôi, khéo được lợi thay cho tôi, có được bậc Đạo sư có thần lực như vậy, có uy lực như vậy!
Khi được nghe nói như vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Ànanda:
 - Này Hiền giả Ànanda, ở đây Hiền giả nghĩ có được gì, nếu bậc Đạo sư của Hiền giả có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy?
Khi được nghe nói như vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Udàyi:
 - Chớ có nói như vậy, này Udàyi; chớ nói vậy, này Udàyi. Này Udàyi, nếu Ànanda chưa có đoạn tận tham và mệnh chung, nhưng với tâm tịnh tín của mình, vị ấy có thể bảy lần ngự trị trên thế giới chư Thiên, có thể bảy lần ngự trị trên cõi Jambudìpa này. Nhưng này Udàyi, Ànanda ngay trong hiện tại sẽ được Bát-niết-bàn.
 
IX. PHẨM SA-MÔN
§ 81. SA-MÔN
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba hạnh Sa-môn cần phải làm này của Sa-môn. Thế nào là ba?
Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng tâm học, thọ trì tăng thượng tuệ học. Đây là ba hạnh Sa-môn cần phải làm này của Sa-môn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: “Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng định học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng tuệ học.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một con lừa đi theo sau lưng một đàn bò nghĩ rằng: “Ta cũng là con bò, ta cũng là con bò”, nhưng nó không có màu sắc giống như con bò. Nó không có tiếng giống như con bò. Nó không có chân giống như con bò. Tuy vậy, nó vẫn đi theo đàn bò, nghĩ rằng: “Ta cũng là con bò, ta cũng là con bò.” Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo đi theo sau lưng chúng Tỷ-kheo, nghĩ rằng: “Ta cũng là Tỷ-kheo, Ta cũng là Tỷ-kheo.” Nhưng vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng giới học như các Tỷ-kheo khác. Vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng tâm học như các Tỷ-kheo khác. Vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng tuệ học như các Tỷ-kheo khác. Tuy vậy, vị ấy vẫn đi theo sau lưng chúng Tỷ-kheo, nghĩ rằng: “Ta cũng là Tỷ-kheo, ta cũng là Tỷ-kheo.”
Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: “Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta thọ trì tăng thượng tâm học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta thọ trì tăng thượng tuệ học.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
§ 82. NGHỀ NÔNG
1. Có ba việc này, này các Tỷ-kheo, một nông phu Gia chủ cần phải làm trước. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người nông phu Gia chủ, trước hết khéo cày và khéo bừa. Khéo cày và khéo bừa xong, người ấy cho gieo hạt giống đúng thời. Cho gieo hạt giống đúng thời xong, người ấy cho nước chảy vô chảy ra đúng thời. Ba việc này, này các Tỷ-kheo, một nông phu Gia chủ cần phải làm trước.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba công việc này, một Tỷ-kheo cần phải làm trước. Thế nào là ba? Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng tâm học, thọ trì tăng thượng tuệ học. Ba công việc này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải làm trước. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: “Sắc bén sẽ là ước muốn của tôi, thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn của tôi, thọ trì tăng thượng tâm học. Sắc bén sẽ là ước muốn của tôi, thọ trì tăng thượng tuệ học.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
§ 83. NGƯỜI VAJJI
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm, chỗ giảng đường có nóc nhọn. Rồi một Tỷ-kheo người Vajji đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo người Vajji bạch Thế Tôn:
 - Bạch Thế Tôn, hơn 150 Học pháp này, nửa tháng một lần con phải tụng đọc, ở đây, con không có thể học nổi.
 - Này Tỷ-kheo, Thầy có thể học ba Học pháp không, tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học?
 - Bạch Thế Tôn, con có thể học ba Học pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.
2. - Do vậy, này Tỷ-kheo, Thầy hãy học tập ba Học pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Nếu Thầy học tập tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Này Tỷ-kheo, nhờ học tập ba Học pháp này, tham sẽ đoạn tận, sân sẽ đoạn tận, si sẽ đoạn tận. Do đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si; điều bất thiện, Thầy sẽ không làm; điều ác, Thầy sẽ không theo.
3. - Tỷ-kheo ấy, sau một thời gian học tập tăng thượng giới, học tập tăng thượng tâm, học tập tăng thượng tuệ; do học tập tăng thượng giới, học tập tăng thượng tâm, học tập tăng thượng tuệ, tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận. Vị ấy, do đoạn tận tham, do đoạn tận sân, do đoạn tận si; nên không làm điều bất thiện, không theo điều ác.
§ 84. HỮU HỌC (1)
1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
 - Hữu học, Hữu học, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là Hữu học?
 - Học tập, này Tỷ-kheo, nên được gọi là Hữu học, và học tập cái gì? Học tập tăng thượng giới, học tập tăng thượng tâm, học tập tăng thượng tuệ. Vị ấy, này Tỷ-kheo, do vậy được gọi là vị Hữu học.
Bậc Hữu học, học tập,
Đi theo con đường thẳng,
Ở trong sự diệt tận,
Trí thứ nhất khởi lên,
Tiếp theo không gián đoạn,
Chánh trí mới sanh khởi,
Rồi chánh trí giải thoát,
Trí như vậy khởi lên,
Bất động Ta giải thoát.
Hữu kiết sử đoạn tận.
§ 85. HỮU HỌC (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, bản tụng đọc này, gồm hơn 150 học giới cần phải đọc nửa tháng một lần, ở đây, các người Thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản tụng ấy. Này các Tỷ-kheo, tất cả được thâu nhiếp họp lại thành ba học giới này. Thế nào là ba? Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học giới này, này các Tỷ-kheo, thâu nhiếp tất cả.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm Học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những Học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các Học pháp. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến Chánh giác.
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm Học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những Học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các Học pháp. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si là bậc Nhất lai, chỉ trở về thế giới này một lần, rồi đoạn tận khổ đau.
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm Học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, chấp nhận và học tập trong các Học pháp. Vị ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui đời này nữa.
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm các giới nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những Học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, là tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các Học pháp. Vị ấy, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, người hành trì có một phần, thành tựu được một phần; người hành trì toàn phần, thành tựu được toàn phần. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, các học giới không phải là rỗng không.
§ 86. BẢN TỤNG ĐỌC (1)
1. - Này các Tỷ-kheo, bản tụng đọc này gồm hơn 150 học giới cần phải đọc nửa tháng một lần, ở đây các Thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản tụng ấy. Này các Tỷ-kheo, tất cả được thâu nhiếp làm thành ba học giới này. Thế nào là ba? Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Chính ba Học pháp này, này các Tỷ-kheo, thâu nhiếp tất cả.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo, đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm các học giới nhỏ nhiệm nhỏ nhặt nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học giới nào là căn bản Phạm hạnh, là tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các Học pháp. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc tối đa phải sanh lại bảy lần. sau khi dong ruổi, luân chuyển tối đa bảy lần giữa chư Thiên và loài người, liền đoạn tận khổ đau. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc “Gia gia”, dong ruổi, lưu chuyển trong hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Nhất chủng, sau khi phải sanh hiện hữu làm người một lần, rồi đoạn tận khổ đau. Vị ấy do đoạn tận ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si là bậc Nhất lai, phải trở lui lại đời này chỉ một lần, rồi đoạn tận khổ đau.
3. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm … chấp nhận và học tập trong các Học pháp. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Thượng lưu, đạt được Sắc cứu kính thiên. Vị ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Hữu hành Bát Niết-bàn. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Vô hành Bát Niết-bàn. Vị ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Tổn hại Bát-niết-bàn. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Trung gian Bát Niết-bàn.
4. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì toàn phần. Vị ấy có vi phạm … chấp nhận và học tập trong các Học pháp. Vị ấy do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, người hành trì có một phần, thành tựu được một phần; người hành trì toàn phần, thành tựu được toàn phần. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, các học giới không phải là rỗng không.
§ 87. BẢN TỤNG ĐỌC (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, bản tụng đọc này … (như kinh trước, số 1) … này các Tỷ-kheo, thâu nhiếp tất cả.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì toàn phần, đối với tuệ, hành trì toàn phần. Vị ấy có vi phạm… chấp nhận và học tập trong các Học pháp. Vị ấy, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
3. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Trung gian Bát-niết-bàn. Hoặc nếu chưa chứng đạt, chưa thể nhập, sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Tổn hại Bát Niết-bàn… là bậc Vô hành Bát Niết-bàn… là bậc Hữu hành Bát Niết-bàn… là bậc Thượng lưu, chứng đạt Sắc cứu kính thiên. Hoặc nếu chưa chứng đạt, chưa thể nhập, sau khi đoạn tận ba kiết sử, sau khi làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất lai, chỉ trở lui đời này một lần nữa, rồi đoạn tận khổ đau. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Nhất chủng, sau khi phải sanh hiện hữu làm người một lần, rồi đoạn tận khổ đau. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc “Gia gia”, sau khi dong ruổi, luân chuyển trong hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau. Hoặc nếu chưa chứng đạt, nếu chưa thể nhập, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Tối đa phải sanh lại bảy lần, sau khi dong ruổi, luân chuyển tối đa bảy lần giữa chư Thiên và loài Người, rồi đoạn tận khổ đau.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, người hành trì có một phần, thành tựu một phần; người hành trì toàn phần, thành tựu toàn phần. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, các học giới không phải là rỗng không.
§ 88. HỌC GIỚI
1. - Có ba học giới này. Thế nào là ba? Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.
Thế nào là tăng thượng giới học? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo giữ giới … chấp nhận, học tập trong các học giới. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng giới học.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tăng thượng tâm học? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện … chứng và trú Thiền thứ tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng tâm học.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tăng thượng tuệ học? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như thật rõ biết: “Đây là Khổ”, như thật rõ biết: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng tuệ học.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba học giới.
§ 89. HỌC PHÁP
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba Học pháp này. Thế nào là ba? Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.
… (Hoàn toàn giống như kinh trước với tăng thượng giới học và tăng thượng tâm học, nhưng tăng thượng tuệ học có khác) …
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tăng thượng tuệ học? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo do đoạn trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tăng thượng tuệ học. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba Học pháp.
Người tinh tấn, nghị lực,
Kiên trì và Thiền tu,
Sống hộ trì các căn,
Hãy hành ba tăng thượng,
Trước thế nào, sau vậy,
Sau thế nào, trước vậy,
Dưới thế nào, trên vậy,
Trên thế nào, dưới vậy,
Ngày thế nào, đêm vậy,
Đêm thế nào, ngày vậy.
Hãy nhiếp phục mọi phương,
Với vô lượng tâm định,
Đây gọi Hữu học đạo,
Là thuần tịnh hạnh đức,
Đây gọi đời Chánh giác,
Bậc trí đạt tối hậu,
Với thức được đoạn diệt
Ái diệt, được giải thoát
Như đèn sáng tịch diệt
Tâm vị ấy giải thoát
§ 90. PANKADHÀ
1. Một thời Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến một thị trấn của dân chúng Kosala, tên là Pankadhà. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Pankadhà. Pankadhà là một thị trấn của dân chúng Kosala.
Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo tên là Kassapagotta trú ở Pankadhà. Tại đấy, Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỉ. Rồi Tỷ-kheo Kassapagotta, trong khi Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến Học pháp, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: “Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ!”
2. Thế Tôn, sau khi trú ở Pankadhà cho đến khi thỏa mãn, rồi ra đi, du hành hướng đến Ràjagaha, tiếp tục du hành và đến tại Ràjagaha. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, núi Gitjjhakùta.
Rồi Tỷ-kheo Kassapagotta, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, cảm thấy hối hận, ăn năn, nghĩ rằng: “Thật không lợi ích cho ta, thật lợi ích không được tốt cho ta, thật không khéo lợi ích cho ta, khi Thế Tôn với pháp thoại liên hệ đến Học pháp, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, ta lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: “Sa-môn này quá tăn măn, tỉ mỉ!” (quá khắt khe?). Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, trước mặt Thế Tôn, hãy tỏ lộ có phạm tội là có phạm tội.”
3. Tôn giả Kassapagotta, sau khi dọn dẹp lại chỗ nằm, cầm y bát, rồi ra đi hướng đến Ràjagaha, tiếp tục đi đến Ràjagaha, núi Gijjhakùta, đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo Kassapagotta bạch Thế Tôn:
 - Bạch Thế Tôn, một thời Thế Tôn trú ở Pankadhà, Pankadhà là một thị trấn các dân tộc Kosala. Tại đấy, Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến Học pháp, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, trong khi Thế Tôn, với một pháp thoại liên hệ đến Học pháp, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, con lấy làm bất nhẫn, con cảm thấy bất mãn, nghĩ rằng: “Vị Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ.” Rồi Thế Tôn sau khi trú ở Pankadhà cho đến khi thỏa mãn, liền ra đi, du hành đến Ràjagaha. Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, con cảm thấy hối hận, ăn năn: “Thật không lợi ích cho ta, thật lợi ích không được tốt cho ta, thật không khéo lợi ích cho ta, khi Thế Tôn với pháp thoại liên hệ đến Học pháp, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: “Sa-môn này quá tăn măn, tỉ mỉ!” Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, trước mặt Thế Tôn, hãy tỏ lộ có phạm tội là có phạm tội!” Phạm tội đã chinh phục con, bạch Thế Tôn, ngu si như con, đần độn như con, bất thiện như con. Vì rằng trong khi Thế Tôn, với pháp thoại liên hệ đến Học pháp, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, con lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: “Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ.” Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con có phạm tội là có phạm tội, để con ngăn chận trong tương lai.
4. - Thật vậy, này Kassapa, phạm tội đã chinh phục Thầy, ngu si đần độn như Thầy, bất thiện như Thầy! Vì rằng trong khi Ta với pháp thoại liên hệ đến Học pháp giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, Thầy lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: “Vị Sa-môn này quá tăn măn tỉ mỉ. Và này Kassapa, khi Thầy thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, thời Ta chấp nhận cho Thầy. Đây là sự tăng trưởng giới luật của bậc Thánh này, khi ai thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, để ngăn chặn trong tương lai.
5. Nếu một Trưởng lão Tỷ-kheo, này Kassapa, không ưa thích học tập, không tán thán chấp hành học tập, và đối với các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này không khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này không tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo Trưởng lão như vậy, này Kassapa, Ta không có tán thán. Vì cớ sao? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với Trưởng lão ấy, nghĩ rằng: “Bậc Đạo sư tán thán vị ấy”. Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến vị ấy, sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta không tán thán Tỷ-kheo Trưởng lão ấy.
6. Nếu một trung niên Tỷ-kheo, này Kassapa, … nếu một tân học Tỷ-kheo, này Kassapa, không ưa thích học tập, không tán thán chấp hành học tập, và có các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này không khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này không tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo tân học như vậy, này Kassapa, Ta không tán thán. Vì cớ sao? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với Tỷ-kheo tân học ấy, nghĩ rằng: “Bậc Đạo sư tán thán vị ấy.” Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tà kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tà kiến của vị ấy, như vậy, sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta không tán thán Tỷ-kheo tân học ấy.
7. Nếu một Trưởng lão Tỷ-kheo, này Kassapa, ưa thích học tập, tán thán chấp hành học tập, và có các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo Trưởng lão như vậy, này Kassapa, Ta tán thán. Vì cớ sao? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với Tỷ-kheo Trưởng lão ấy, nghĩ rằng: “Bậc Đạo sư tán thán vị ấy.” Và những ai thân cận vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, như vậy, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta tán thán Tỷ-kheo Trưởng lão ấy.
8. Nếu một Tỷ-kheo trung niên. Nếu một Tỷ-kheo tân học, này Kassapa, ưa thích học tập, tán thán chấp hành học tập, và có các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này khích lệ họ trong học tập. Còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỷ-kheo tân học như vậy, này Kassapa, Ta tán thán. Vì cớ sao? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với Tỷ-kheo tân học ấy, nghĩ rằng: “Bậc Đạo sư tán thán vị ấy.” Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta tán thán Tỷ-kheo tân học ấy.
X. PHẨM HẠT MUỐI
§ 91. CẤP THIẾT
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba việc cấp thiết này, người nông phu Gia chủ cần phải làm. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người nông phu Gia chủ mau lẹ khéo cày thửa ruộng, khéo bừa thửa ruộng, sau khi mau lẹ khéo cày, khéo bừa thửa ruộng, liền mau lẹ gieo hạt giống, sau khi mau lẹ gieo hạt giống, liền mau lẹ cho nước vô, cho nước ra. Này các Tỷ-kheo, đây là ba việc cấp thiết mà người nông phu Gia chủ cần phải làm.
Người nông phu Gia chủ ấy, này các Tỷ-kheo, không có thần lực hay không có uy lực (để ra lệnh): “Hôm nay lúa của ta được mọc lên, ngày mai chúng sẽ trổ hạt, ngày kế tiếp chúng sẽ chín.”
Nhưng chính theo thời gian của người nông phu Gia chủ, các cây lúa do sự hướng dẫn của thời tiết được mọc lên, được trổ hạt và được chín.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba công việc cấp thiết này Tỷ-kheo cần phải làm. Thế nào là ba?
Chấp hành tăng thượng giới học, chấp hành tăng thượng tâm học, chấp hành tăng thượng tuệ học. Ba công việc cấp thiết này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải làm.
Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, không có thần lực hay không có uy lực (để ra lệnh): “Hôm nay, tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ, ngày mai cũng vậy, ngày kế tiếp cũng vậy.” Nhưng này các Tỷ-kheo, chính do thời gian Tỷ-kheo ấy sử dụng để học tập tăng thượng giới, để học tập tăng thượng tâm, để học tập tăng thượng tuệ, mà tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: “Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng tâm học. Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng tuệ học.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
§ 92. SỐNG VIỄN LY
1. - Có ba hạnh viễn ly này được các Du sĩ ngoại đạo trình bày. Thế nào là ba? Viễn ly y áo, viễn ly đồ ăn khất thực, viễn ly sàng tọa.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Du sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly y áo, mang vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm quăng đi, mặc vải lượm từ đồng rác, y thì dùng vỏ cây tiritaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện từng mảnh da con sơn dương đen, mặc áo từ cỏ kusa bện lại, mặc áo bằng vỏ cây, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Du sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly y áo.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Du sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly đồ ăn khất thực: ăn rau, cây kê, gạo sống, gạo rừng, cây lau, bột gạo, bột gạo cháy, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Du sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly đồ ăn khất thực.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Du sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly sàng tọa: sống trong rừng, tại một gốc cây, tại bãi tha ma, tại khóm rừng rậm, sống ngoài trời, trên một đống rơm, trong nhà bằng tranh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Du sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly sàng tọa.
Này các Tỷ-kheo, các Du sĩ ngoại đạo trình bày về ba hạnh viễn ly này.
2. Này các Tỷ-kheo, có ba hạnh viễn ly này của vị Tỷ-kheo trong Pháp và Luật. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo gìn giữ giới luật, từ bỏ ác giới, viễn ly ác giới, có chánh tri kiến, từ bỏ tà kiến, viễn ly tà kiến, đoạn tận các lậu hoặc, từ bỏ các lậu hoặc, viễn ly các lậu hoặc. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo gìn giữ giới luật, từ bỏ ác giới, viễn ly ác giới, có chánh tri kiến, từ bỏ tà kiến, viễn ly tà kiến, đoạn tận các lậu hoặc, từ bỏ các lậu hoặc, viễn ly các lậu hoặc, nên Tỷ-kheo này, này các Tỷ-kheo, được gọi là đạt được tối thượng, đạt được căn bản thanh tịnh, được an trú trên căn bản.
3. Ví như, này các Tỷ-kheo, ruộng lúa của người nông phu Gia chủ đã chín, người nông phu Gia chủ ấy mau mắn gặt lúa; sau khi mau mắn gặt lúa, phải mau mắn chất lúa thành đống; sau khi mau mắn chất lúa thành đống, phải mau mắn chở lúa về; sau khi mau mắn chở lúa về, phải mau mắn đánh lúa thành đống; sau khi mau mắn đánh lúa thành đống, phải mau mắn đập lúa; sau khi mau mắn đập lúa, phải mau mắn giũ rơm; sau khi mau mắn giũ rơm, phải mau mắn lấy thóc ra; sau khi mau mắn lấy thóc ra, phải mau mắn quạt thóc; sau khi mau mắn quạt thóc, phải mau mắn chứa thóc; sau khi mau mắn chứa thóc, phải mau mắn xay thóc; sau khi mau mắn xay thóc, phải mau mắn sàng cám lấy gạo. Như vậy, này các Tỷ-kheo, với người nông phu Gia chủ ấy, lúa gạo ấy đạt được tối thượng, đạt được căn bản thanh tịnh, đạt được an trú trên căn bản. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo gìn giữ giới luật, từ bỏ ác giới, viễn ly ác giới, có chánh tri kiến, từ bỏ tà kiến, viễn ly tà kiến, đoạn tận các lậu hoặc, từ bỏ các lậu hoặc, viễn ly các lậu hoặc, nên Tỷ-kheo này, này các Tỷ-kheo, được gọi là đạt được tối thượng, đạt được căn bản thanh tịnh, được an trú trên căn bản.
4. Ví như, này các Tỷ-kheo, vào mùa thu, khi bầu trời quang đãng, không có mây và mặt trời mọc lên giữa bầu trời, phá sạch hắc ám khắp cả hư không, và chói sáng, bừng sáng, rực sáng; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử; pháp nhãn ly trần ly cấu khởi lên, và do tri kiến này khởi lên, này các Tỷ-kheo, ba kiết sử được đoạn tận, thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Lại nữa, vị ấy được thoát khỏi hai pháp tham và sân. Vị ấy ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Trong thời gian ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nếu có mạng chung, sẽ không có kiết sử nào, do kiết sử ấy, vị Thánh đệ tử phải đi đến thế giới này nữa.
§ 93. HỘI CHÚNG
1. - Có ba hội chúng này, này các Tỷ-kheo, thế nào là ba? Hội chúng tối thượng, hội chúng không hòa hợp, hội chúng hòa hợp.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng tối thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, hội chúng nào có các Tỷ-kheo Trưởng lão, không có sống đầy đủ, không có biếng nhác, từ bỏ dẫn đầu về đọa lạc, đi đầu về hạnh viễn ly, tinh cần tinh tấn, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và những thế hệ kế tiếp chúng tùy thuận theo tri kiến của chúng. Hội chúng ấy không có sống đầy đủ, không có biếng nhác, từ bỏ dẫn đầu về đọa lạc, đi đầu về hạnh viễn ly, tinh cần tinh tấn, để đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng tối thượng.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng không hòa hợp?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng không hòa hợp.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng hòa hợp?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào các Tỷ-kheo sống hòa hợp hoan hỷ, không có luận tranh, sống như nước và sữa lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng hòa hợp.
4. Lúc nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không có luận tranh, như nước và sữa lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, lúc ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo tạo được công đức, lúc ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống phạm trú. Nghĩa là, với ai hân hoan với tâm giải thoát liên hệ với hỷ, thời hỷ sanh; với ai có hỷ, thân được khinh an; với thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với ai cảm giác lạc thọ, tâm được định tĩnh.
5. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên một ngọn núi có mưa rơi nặng hột, nước mưa ấy chảy theo sườn dốc, làm đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lũng. Sau khi làm đầy các hang núi, kẽ núi, các thung lũng, chúng làm đầy các hồ nhỏ. Sau khi làm đầy các hồ nhỏ, chúng làm đầy các hồ lớn. Sau khi làm đầy các hồ lớn, chúng làm đầy các sông nhỏ. Sau khi làm đầy các sông nhỏ, chúng làm đầy các sông lớn. Sau khi làm đầy các sông lớn, chúng làm đầy biển cả. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, lúc nào các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không có luận tranh, như nước và sữa lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Lúc ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo tạo nhiều công đức, lúc ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống phạm trú. Nghĩa là, với ai hân hoan với tâm giải thoát liên hệ với hỷ, thời hỷ sanh; với ai có hỷ, thân được khinh an; với ai có thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với ai cảm giác lạc thọ, tâm được định tĩnh.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba hội chúng.
§ 94. CON NGỰA THUẦN THỤC
1. - Đầy đủ với ba đức tánh, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua, hiền thiện, thuần thục, xứng đáng để vua dùng, thuộc quyền sở hữu của vua, và được xem như một biểu tượng của vua. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua hiền thiện, thuần thục, đầy đủ với sắc đẹp, đầy đủ với sức mạnh, đầy đủ với tốc lực. Đầy đủ với ba đức tánh này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua, hiền thiện, thuần thục, xứng đáng để vua dùng, thuộc quyền sử dụng của vua, và được xem như một biểu tượng của vua.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đầy đủ với ba pháp, một Tỷ-kheo đáng được cung kính đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ sắc đẹp, đầy đủ sức mạnh, đầy đủ tốc lực.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ sắc đẹp?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo gìn giữ giới luật, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các Học pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ sắc đẹp.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ sức mạnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tinh cần tinh tấn, đoạn tận các pháp bất thiện, thành tựu đầy đủ các pháp thiện, nỗ lực kiên trì, dõng mãnh, không từ bỏ trách nhiệm đối với các pháp thiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ sức mạnh.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ tốc lực?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật rõ biết: “Đây là Khổ”, như thật rõ biết: “Đây là Khổ tập”, như thật rõ biết: “Đây là Khổ diệt”, như thật rõ biết: “Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ tốc lực.
Đầy đủ với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
§ 95. CON NGỰA THUẦN THỤC
1-4. … (Hoàn toàn giống như kinh trên)
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ tốc lực?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh tại chỗ ấy nhập Bát-niết-bàn, khỏi phải trở lui từ thế giới ấy, đến thế giới này. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đầy đủ tốc lực.
Đầy đủ với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
§ 96. CON NGỰA THUẦN THỤC
1-4. … (Hoàn toàn giống như kinh số 94, từ 1-4)
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ tốc lực?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ tốc lực.
Đầy đủ với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
§ 97. VẢI THÔ BẰNG VỎ CÂY
1. - Này các Tỷ-kheo, có tấm vải bằng vỏ cây hoàn toàn mới, sắc xấu, cảm xúc khó chịu, và không có giá trị. Này các Tỷ-kheo, có tấm vải bằng vỏ cây bậc trung, sắc xấu, cảm xúc khó chịu, và không có giá trị. Này các Tỷ-kheo, có tấm vải bằng vỏ cây, cũ kỹ, để lau chùi nồi niêu, hay đáng được quăng trên đống rác.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo mới tu hành, ác giới, theo ác pháp, Ta nói rằng vị ấy có sắc xấu. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải bằng vỏ cây sắc xấu ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.
Còn những ai theo vị ấy, thân cận, hầu hạ, chấp nhận, thuận theo trí kiến của vị ấy, họ bị bất hạnh, đau khổ lâu dài; đấy, Ta nói rằng vị ấy có cảm xúc khó chịu. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải bằng vỏ cây có cảm xúc khó chịu ấy, Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này là giống như ví dụ ấy.
Còn từ những ai, vị này nhận các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, các dược phẩm trị bệnh, họ sẽ không có quả lớn, không có lợi ích lớn; đây, Ta nói rằng, không có giá trị. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải bằng vỏ cây không có giá trị ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này là giống như ví dụ ấy.
3. Này các Tỷ-kheo, nếu là trung niên Tỷ-kheo … (như trên) … này các Tỷ-kheo, nếu là Trưởng lão Tỷ-kheo, ác giới, theo ác pháp. Ta nói rằng vị ấy có sắc xấu. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải làm bằng vỏ cây sắc xấu ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này là giống như ví dụ ấy.
Còn những ai theo vị ấy, thân cận, hầu hạ, chấp nhận, thuận theo trí kiến của vị ấy, họ bị bất hạnh, đau khổ lâu dài; đây, Ta nói rằng, vị ấy có xúc chạm khó chịu. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải làm bằng vỏ cây có xúc chạm khó chịu ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.
Còn từ những ai, vị này nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, các dược phẩm trị bệnh, họ sẽ không có quả lớn, không có lợi ích lớn; đây, Ta nói rằng, vị ấy không có giá trị. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải bằng vỏ cây không có giá trị ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.
4. Như vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo Trưởng lão này nói lên ở giữa chúng Tăng, các Tỷ-kheo nói như sau: “Sao Thầy nghĩ rằng Thầy có thể tuyên bố, một người ngu si, không thông minh?” Vị ấy phẫn nộ, bất mãn, sẽ nói lên những lời, vì những lời này, chúng Tăng đuổi vị ấy ra khỏi, như người ta quăng bỏ tấm vải bằng vỏ cây ấy trên đống rác.
§ 98. VẢI BA-LA-NẠI
1 - Này các Tỷ-kheo, có tấm vải kàsi (Ba-la-nại), hoàn toàn mới, có sắc đẹp, cảm xúc dễ chịu, và có giá trị lớn. Này các Tỷ-kheo, có tấm vải kàsi bậc trung, có sắc đẹp, có cảm xúc dễ chịu, và có giá trị lớn. Này các Tỷ-kheo, có tấm vải kàsi cũ kỹ, có sắc đẹp, cảm xúc dễ chịu, và có giá trị lớn. Và này các Tỷ-kheo, có tấm vải kàsi cũ kỹ dùng để gói các châu báu, hay được đặt vào trong một hộp có hương thơm.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo mới tu hành, gìn giữ giới luật theo thiện pháp, Ta nói rằng vị ấy có sắc đẹp. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải kàsi có sắc đẹp ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này là giống như ví dụ ấy.
Còn những ai theo vị ấy, thân cận, hầu hạ, chấp nhận, thuận theo trí kiến của vị ấy, họ được hạnh phúc, an lạc lâu dài; đấy, Ta nói rằng vị ấy có cảm xúc dễ chịu. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải kàsi có cảm xúc dễ chịu ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này là giống như ví dụ ấy.
Còn từ những ai, vị này nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, các dược phẩm trị bệnh, họ sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn; Đây, Ta nói rằng, vị ấy có giá trị lớn. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải kàsi có giá trị lớn ấy, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.
3. Còn nếu là trung niên Tỷ-kheo… Này các Tỷ-kheo, nếu là Trưởng lão Tỷ-kheo, gìn giữ giới luật theo thiện pháp, đây Ta tuyên bố là vị ấy có sắc đẹp. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải kàsi có sắc đẹp ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.
Còn những ai theo vị ấy, thân cận, hầu hạ, chấp nhận, thuận theo trí kiến của vị ấy, họ được an lạc, hạnh phúc lâu dài; đây, Ta nói rằng, có cảm xúc dễ chịu. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải kàsi có cảm xúc dễ chịu ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.
Còn từ những ai, vị này nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, các dược phẩm trị bệnh, họ sẽ có quả lớn, lợi ích lớn; đây, Ta nói rằng, có giá trị lớn. Này các Tỷ-kheo, ví như tấm vải kàsi có giá trị lớn ấy, Ta nói rằng người này là giống như ví dụ ấy.
4. Như vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo Trưởng lão này nói lên ở giữa chúng Tăng, các Tỷ-kheo nói như sau: “Chư Tôn giả hãy im lặng, Tỷ-kheo Trưởng lão đang nói Pháp và Luật. Và lời nói của vị ấy được trở thành châu báu cần phải cất giữ, như một người cất giữ tấm vải kàsi trong một hộp có hương thơm.” Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: “Chúng ta sẽ được như ví dụ tấm vải kàsi, không giống như ví dụ tấm vải bằng vỏ cây.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
§ 99. HẠT MUỐI
1. - Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: “Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy.” Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy.” Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.
2. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.
Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.
3. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, nước trong chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được, phải không?
 - Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được.
 - Này các Tỷ-kheo, ví như có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng. Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sông Hằng ấy có vì nắm muối này trở thành mặn và không uống được phải không?
 - Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Lớn là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này, trở thành mặn và không uống được.
 - Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.
4. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Hạng người như vậy, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa họ vào địa ngục. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa họ đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, nói gì là nhiều.
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người nghèo khổ, ít sở hữu, ít tài sản. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người giàu có, có tiền của lớn, có tài sản lớn. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.
6. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.
Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm việc ác nhỏ mọn tương tự, và nghiệp ác ấy đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác tương tự, và nghiệp ác ấy đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.
7. Ví dụ một người đồ tể hay người giết dê, này các Tỷ-kheo, đối với một số người đánh cắp dê, có thể giết hay trói, hay tịch thu tài sản, hay làm như ý muốn. Đối với một số người cũng đánh cắp dê, không có thể giết, không có thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý muốn.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, người đồ tể hay người giết dê, đối với một số người đánh cắp dê, có thể giết, có thể trói, có thể tịch thu tài sản, hay có thể làm như ý người ấy muốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người nghèo khổ, ít sở hữu, ít tài sản. Kẻ đồ tể hay người giết dê, đối với kẻ đánh cắp dê như vậy có thể giết, hay trói, hay có thể tịch thu tài sản, hay làm như ý người ấy muốn.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, người đồ tể hay người giết dê, đối với người đánh cắp dê, không có thể giết, hay trói, hay tịch thu tài sản, hay làm như ý người ấy muốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người giàu có, có sở hữu lớn, có tài sản lớn, hay nhà vua, hay đại thần của vua. Người đồ tể hay người giết dê, này các Tỷ-kheo đối với người đánh cắp dê như vậy, không có thể giết, hay trói, hay tịch thu tài sản, hay làm gì như ý người ấy muốn. Không có gì phải làm khác hơn là phải chắp tay và cầu xin như sau: “Thưa Ngài, hãy cho con lại con dê hay giá tiền con dê.”
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, đối với một số người có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với một số người, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến một chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.
8. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.
Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì đến nhiều? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, đời sống vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy, còn nói gì là nhiều.
Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: “Người này làm nghiệp ác như thế nào, như thế nào người ấy sẽ cảm thọ (quả) như vậy, như vậy.” Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỷ-kheo, có ai nói như sau: “Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy sẽ cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy.” Nếu sự kiện là như vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt.
§ 100. KẺ LỌC VÀNG
1. - Này các Tỷ-kheo, có những uế nhiễm thô tạp của vàng như bụi, cát, đá, sạn và đá sỏi. Người đãi lọc bụi hay đệ tử của người đãi lọc bụi đem đổ vào trong cái máng, rồi rửa sạch qua rửa sạch lại, rửa sạch thêm nữa.
 Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, còn lại các uế nhiễm bậc trung của vàng, như cát đá, sạn tế nhị và các hột cát thô tạp. Người đãi lọc bụi hay đệ tử người đãi lọc bụi rửa sạch, rửa sạch thêm nữa, rửa sạch hoàn toàn.
Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, còn lại các uế nhiễm tế nhị, như cát mịn và cát bụi đen. Người đãi lọc bụi, hay đệ tử người đãi lọc bụi lại rửa sạch nữa, rửa sạch thêm nữa, rửa sạch hoàn toàn.
Làm xong như vậy, làm như vậy hoàn tất, chỉ còn lại bụi vàng.
2. Rồi người thợ vàng hay đệ tử người thợ vàng bỏ bụi vàng ấy vào trong cái lò, rồi thụt ống bệ, thụt ống bệ thêm, thụt ống bệ cho đến khi vàng bắt đầu chảy, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò. Vàng ấy được thụt bệ, được thụt bệ thêm nữa, được thụt bệ hơn nữa, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò, chưa được làm xong, chưa sạch các uế nhiễm, chưa có nhu nhuyến, chưa có kham nhậm, chưa có sáng chói. Vàng ấy còn có thể bể vụn và chưa có thể được tác thành tốt đẹp.
Có một thời, này các Tỷ-kheo, người thợ vàng ấy hay đệ tử người thợ vàng ấy lại thụt bệ, thụt bệ thêm nữa, thụt bệ hơn nữa, cho đến khi vàng chảy ra khỏi lò. Vàng ấy được thụt bệ, được thụt bệ thêm nữa, được thụt bệ hơn nữa, cho đến khi vàng chảy ra khỏi lò, được làm xong, được sạch các uế nhiễm, được nhu nhuyến, được kham nhậm và được chói sáng. Vàng ấy không bị bể vụn, và có thể được tác thành tốt đẹp. Và loại trang sức nào người ấy muốn, như vàng lá, hay nhẫn, hay vòng cổ, hay dây chuyền, người ấy có thể làm thành như ý muốn.
3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử thô tạp, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành. Tỷ-kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho sanh khởi lại.
Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, Tỷ-kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử thuộc bậc trung, dục tầm, sân tầm, hại tầm. Tỷ-kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho chúng sanh khởi.
Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, Tỷ-kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử tế nhị, như tư tưởng về gia tộc, tư tưởng về quốc độ, tư tưởng không bị khinh rẻ. Tỷ-kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho chúng sanh khởi.
Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, chỉ còn lại các pháp tầm (tư tưởng về pháp).
4. Định như vậy không có an tịnh, không có thù thắng, không được khinh an, không đạt đến nhất tâm, nhưng là một trạng thái chế ngự thường xuyên dằn ép. Nhưng đến một thời, này các Tỷ-kheo, tâm của vị ấy được nội trú, lắng đứng lại, được nhứt tâm, được định tĩnh. Định ấy được an tịnh, được thù diệu, được khinh an, đạt đến nhứt tâm, không phải một trạng thái chế ngự thường xuyên dằn ép, tùy thuộc theo pháp gì tâm vị ấy hướng đến để thắng tri, để chứng ngộ; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
5. Nếu vị ấy ước muốn: “Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên”; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
 
6. Nếu vị ấy ước muốn: “Với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng chư Thiên và loài Người”; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
7. Nếu vị ấy ước muốn: “Mong rằng với tâm của mình có thể biết được tâm của các loại chúng sanh khác, tâm của các loài Người khác như sau: Tâm có tham biết là tâm có tham. Tâm không tham biết là tâm không tham. Tâm có sân biết là tâm có sân. Tâm không sân biết là tâm không sân. Tâm có si biết là tâm có si. Tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn biết là tâm tán loạn. Đại hành tâm biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm biết không phải là đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định biết là tâm Thiền định. Tâm không Thiền định biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát”; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
8. Nếu vị ấy ước muốn: “Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp; vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh tại đây.” Vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.”
9. Nếu vị ấy ước muốn: “Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sanh ấy làm những ác nghiệp về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục, đọa xứ. Các chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những vị này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân ta có thể thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta có thể biết rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ”; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
10. Nếu vị ấy ước muốn: “Do đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, với thắng trí, ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
11. Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, cần phải thỉnh thoảng tác ý ba tướng. Cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng định, cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng cần, cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng xả.
12. Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng định, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động. Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng tinh cần, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến trạo cử. Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng xả, thời có sự kiện tâm vị ấy không chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Nhưng nếu Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, nếu thỉnh thoảng tác ý tướng định, thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, thỉnh thoảng tác ý tướng xả, tâm vị ấy trở thành nhu nhuyến, kham nhậm, chói sáng, không bể vụn, chơn chánh định tĩnh để đoạn tận các lậu hoặc.
13. Ví như một thợ làm vàng, này các Tỷ-kheo, hay đệ tử người làm vàng, xây lên các lò đúc. Sau khi xây các lò đúc, người ấy nhóm lửa đốt miệng lò. Sau khi đốt miệng lò, với cái kềm người ấy cầm vàng và bỏ vào miệng lò; rồi thỉnh thoảng người ấy thụt ống bệ, thỉnh thoảng người ấy rưới nước, thỉnh thoảng người ấy quan sát kỹ lưỡng. Nếu người làm vàng hay đệ tử người làm vàng, này các Tỷ-kheo, một chiều thổi ống bệ, thì có sự kiện vàng ấy bị cháy. Nếu người làm vàng hay đệ tử người làm vàng, này các Tỷ-kheo, một chiều rưới nước, thời có sự kiện vàng ấy bị nguội lạnh. Nếu người làm vàng hay đệ tử người làm vàng, này các Tỷ-kheo, một chiều quán sát kỹ lưỡng, thời có sự kiện vàng ấy không đi đến chơn chánh thuần thục. Còn nếu người làm vàng hay đệ tử người thợ làm vàng, này các Tỷ-kheo, thỉnh thoảng thổi ống bệ vàng ấy, thỉnh thoảng rưới nước, thỉnh thoảng quan sát kỹ lưỡng, thời vàng ấy trở thành nhu nhuyến, kham nhậm, chói sáng, không có bể vụn, và được tác thành tốt đẹp. Và loại trang sức nào người ấy ước muốn, như vàng lá, hay nhẫn, hay vòng cổ, hay dây chuyền, người ấy có thể làm thành như ý muốn.
14. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo siêng năng tu tập tăng thượng tâm, cần phải thỉnh thoảng tác ý ba tướng, cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng định, cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng xả. Nếu Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, một chiều tác ý tướng định, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động. Nếu Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, một chiều tác ý tướng tinh cần, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến trạo cử. Nếu Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, một chiều tác ý tướng xả, thời có sự kiện tâm vị ấy không chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Nhưng nếu Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, thỉnh thoảng tác ý tướng định, thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, thỉnh thoảng tác ý tướng xả, tâm vị ấy thành nhu nhuyến, kham nhậm, chói sáng, không bể vụn, chơn chánh định tĩnh để đoạn tận các lậu hoặc. Tùy thuộc theo pháp gì, tâm vị ấy hướng đến để thắng tri, để chứng ngộ, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
15. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ chứng đạt nhiều loại thần thông … (như § 100, 5) … chứng tri sáu loại thắng trí … do đoạn diệt các lậu hoặc … (như § 100, 10) … sau khi chứng ngộ, ta sẽ chứng đạt và an trú”; vị ấy có khả năng, có năng lực, đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
XI. PHẨM CHÁNH GIÁC
§ 101. TRƯỚC KHI GIÁC NGỘ
1. - Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Cái gì là vị ngọt ở đời? Cái gì là nguy hại? Cái gì là xuất ly?”. Rồi này các Tỷ-kheo, về vấn đề ấy, tư tưởng sau đây khởi lên nơi Ta: “Do duyên với đời, khởi lên lạc hỷ gì, đấy là vị ngọt ở đời. Cái gì ở đời là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hại ở đời. Điều phục dục tham ở đời, đoạn tận dục tham, đấy là xuất ly ở đời.”
2. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào Ta chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không có xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cùng với thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào Ta như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta mới xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cùng với thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Đây là đời sống cuối cùng. Nay không còn tái sanh nữa.”
3. Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt ở đời. Vị ngọt ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, vị ngọt có mặt ở đời, với trí tuệ Ta khéo thấy vị ngọt ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta đã tìm cầu nguy hại ở đời. Nguy hại ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, nguy hại có mặt ở đời, với trí tuệ, Ta khéo thấy nguy hại ấy, này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu xuất ly ở đời. Xuất ly ở đời là gì, Ta đã tìm được. Cho đến như thế nào, xuất ly có mặt ở đời, với trí tuệ, Ta khéo thấy xuất ly ấy.
4. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào Ta chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không có xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cùng với thế giới như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào Ta như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta mới xác nhận Ta đã giác liễu vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cùng với thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Đây là đời sống cuối cùng. Nay không còn tái sanh nữa.”
§ 102. VỊ NGỌT
1. - Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt ở đời, thời các loài hữu tình không có tham nhiễm đối với đời. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có vị ngọt ở đời, nên các loài hữu tình có tham nhiễm ở đời. Này các Tỷ-kheo, nếu không có nguy hại ở đời, thời các loài hữu tình không có nhàm chán đối với đời. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có nguy hại ở đời, nên các loài hữu tình có nhàm chán đối với đời. Này các Tỷ-kheo, nếu không có xuất ly ra khỏi đời, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với đời. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có xuất ly đối với đời, nên các loài hữu tình có xuất ly ra khỏi đời.
Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình không có thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình đã như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình có thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.
Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết vị ngọt là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, các Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta không được công nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, không được công nhận các Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, không có chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.
Và các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết vị ngọt là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, các Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, được công nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, được công nhận là Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, sẽ chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.
§ 103. KHÓC THAN
 - Này các Tỷ-kheo, đây được xem là khóc than trong giới luật bậc Thánh, tức là ca vịnh. Này các Tỷ-kheo, đây được xem là điên loạn trong giới luật của bậc Thánh, tức là múa nhảy. Này các Tỷ-kheo, đây được xem là trẻ con trong giới luật của bậc Thánh, tức là cười quá đáng để lộ cả răng. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy phá cây cầu đi đến hát. Hãy phá cây cầu đi đến múa. Thật là vừa đủ, nếu các Thầy được hoan hỷ đúng pháp, mỉm cười để tỏ là các Thầy được hoan hỷ.
§ 104. KHÔNG THỎA MÃN
 - Này các Tỷ-kheo, hưởng thọ ba sự ở đời, không bao giờ thỏa mãn. Thế nào là ba?
Hưởng thọ ngủ nghỉ, này các Tỷ-kheo, không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ rượu men rượu nấu, này các Tỷ-kheo, không bao giờ thỏa mãn. Hưởng thọ sự dâm dục giao hợp, này các Tỷ-kheo không bao giờ thỏa mãn.
§ 105. NÓC NHỌN (1)
Rồi Gia chủ Ànathapindika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; Thế Tôn nói với Gia chủ Ànathapindika đang ngồi xuống một bên:
 - Này Gia chủ, khi tâm không phòng hộ, thời thân nghiệp cũng không phòng hộ, khẩu nghiệp cũng không phòng hộ, ý nghiệp cũng không phòng hộ. Với ai thân nghiệp không phòng hộ, khẩu nghiệp không phòng hộ, ý nghiệp không phòng hộ, thời thân nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy; khẩu nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, ý nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy. Với ai thân nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, khẩu nghiệp..., ý nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, thời thân nghiệp bị hủ bại, khẩu nghiệp… ý nghiệp bị hủ bại. Với ai thân nghiệp bị hủ bại, khẩu nghiệp… ý nghiệp bị hủ bại, sự chết không được hiền thiện, mạng chung không được hiền thiện.
Này Gia chủ, ví như ngôi nhà nóc nhọn vụng lợp, thời nóc nhọn không được phòng hộ, rui kèo không được phòng hộ, vách tường không được phòng hộ, nóc nhọn bị đầy ứ, rỉ nước, các rui kèo bị đầy ứ, rỉ nước, các vách tường bị đầy ứ, rỉ nước, nóc nhọn bị hủ bại, rui kèo bị hủ bại, vách tường bị hủ bại. Cũng vậy, này Gia chủ, khi tâm không được phòng hộ, thời thân nghiệp cũng không phòng hộ, khẩu nghiệp … ý nghiệp … sự chết không được hiền thiện, mạng chung không được hiền thiện.
 Này Gia chủ, khi tâm được phòng hộ, thời thân nghiệp cũng được phòng hộ, khẩu nghiệp … ý nghiệp cũng được phòng hộ. Với ai thân nghiệp được phòng hộ, khẩu nghiệp… ý nghiệp được phòng hộ, thời thân nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy, khẩu nghiệp... ý nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy. Với ai thân nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy, khẩu nghiệp... ý nghiệp không đầy ứ tham dục và rỉ chảy, thời thân nghiệp không bị hủ bại, khẩu nghiệp... ý nghiệp không bị hủ bại. Với ai thân nghiệp không bị hủ bại,..., thời sự chết được hiền thiện, mạng chung được hiền thiện …
Này Gia chủ, ví như ngôi nhà nóc nhọn khéo lợp, thời nóc nhọn được phòng hộ, rui kèo được phòng hộ, vách tường được phòng hộ; nóc nhọn không đầy ứ, rỉ nước, các rui kèo không đầy ứ rỉ nước, vách tường không đầy ứ, rỉ nước, nóc nhọn không bị hủ bại, rui kèo không bị hủ bại, vách tường không bị hủ bại. Cũng vậy, này Gia chủ, khi tâm được phòng hộ, thời thân nghiệp cũng được phòng hộ … ý nghiệp không bị hủ bại, thời sự chết được hiền thiện, mạng chung được hiền thiện.
§ 106. NÓC NHỌN (2)
 (Kinh này hoàn toàn giống như kinh trên, chỉ khác có một chữ. Chỗ nào kinh trên dùng chữ “không phòng hộ”, thời ở đây dùng chữ “thất thế, lung lay” với những thay đổi cần thiết).
§ 107. BA NHÂN DUYÊN (1)
 - Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?
Tham là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, sân là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, si là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.
Phàm nghiệp nào do tham tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ tham, do tham làm nhân duyên, do tham tập khởi, nghiệp ấy là bất thiện, nghiệp ấy có phạm tội, nghiệp ấy có khổ dị thục, nghiệp ấy làm nghiệp tập khởi, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp đoạn diệt. Phàm nghiệp nào do sân tác thành … Phàm nghiệp nào do si tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ si, do si làm nhân duyên, do si tập khởi, nghiệp ấy là bất thiện, nghiệp ấy có phạm tội, nghiệp ấy có khổ dị thục, nghiệp ấy là nghiệp tập khởi, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp đoạn diệt. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.
§ 108. BA NHÂN DUYÊN (2)
 - Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?
Vô tham là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, vô sân là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, vô si là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.
Phàm nghiệp nào do vô tham tác thành, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ vô tham, do vô tham làm nhân duyên, do vô tham tập khởi, nghiệp ấy là thiện, nghiệp ấy không có phạm tội, nghiệp ấy có lạc dị thục, nghiệp ấy đưa đến nghiệp đoạn diệt, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp tập khởi. Phàm nghiệp nào do vô sân tác thành … Phàm nghiệp nào do vô si tác thành, sanh ra từ vô si, do vô si làm nhân duyên, do vô si tập khởi, nghiệp ấy là thiện, nghiệp ấy không có phạm tội, nghiệp ấy có lạc dị thục, nghiệp ấy đưa đến nghiệp đoạn diệt, nghiệp ấy không đưa đến nghiệp tập khởi. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi.
§ 109. NHÂN DUYÊN (3)
1. - Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ; ước muốn khởi lên. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn khởi lên. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn khởi lên.
2. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn khởi lên?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát. Do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ, với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn sanh khởi. Vì có ước muốn, nên nó bị liên hệ với pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó là một kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn sanh khởi.
3. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn sanh khởi?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát. Do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn sanh khởi. Vì có ước muốn, nên nó bị liên hệ với các pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó là một kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn sanh khởi.
4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn sanh khởi?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát. Do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại; với tâm, nó tầm cầu, nó tư sát, nên ước muốn sanh khởi. Vì có ước muốn, nên nó bị liên hệ với các pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng đó là một kiết sử, vì tâm ấy có tham ái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn sanh khởi.
§ 110. NHÂN DUYÊN (4)
1. - Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp tập khởi. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn không sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai; ước muốn không sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại; ước muốn không sanh khởi.
2. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn không sanh khởi?
Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo, quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ. Sau khi rõ biết quả dị thục trong tương lai, người ấy tránh né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm người ấy không còn tham đắm; với trí tuệ, vị ấy thể nhập và thấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong quá khứ, ước muốn không sanh khởi.
3. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn không sanh khởi?
Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo, quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai. Sau khi rõ biết quả dị thục trong tương lai, người ấy tránh né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm người ấy không còn tham đắm; với trí tuệ, vị ấy thể nhập và thấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong tương lai, ước muốn không sanh khởi.
4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn không sanh khởi?
Có người rõ biết, này các Tỷ-kheo, quả dị thục trong tương lai của các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại. Sau khi biết rõ quả dị thục trong tương lai, người ấy tránh né quả dị thục ấy. Sau khi tránh né quả dị thục ấy, sau khi tâm người ấy không còn tham đắm; với trí tuệ, vị ấy thể nhập và thấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên các pháp làm chỗ y xứ cho dục tham trong hiện tại, ước muốn không sanh khởi.
XII. PHẨM ĐỌA XỨ
§ 111. RƠI VÀO ĐỌA XỨ
 - Này các Tỷ-kheo, ba hạng người này rơi vào đọa xứ, rơi vào địa ngục, trừ phi họ đoạn bỏ pháp này. Thế nào là ba?
Ai sống không Phạm hạnh, tự xưng là có sống Phạm hạnh; đối với người sống Phạm hạnh thanh tịnh, hành Phạm hạnh thật thanh tịnh, ai công kích là không Phạm hạnh một cách không căn cứ; ai chủ trương như sau: “Không có lỗi lầm trong các dục vọng” và rơi vào say đắm trong các dục vọng; những hạng người này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người rơi vào trong đọa xứ, rơi vào địa ngục, trừ phi họ đoạn bỏ pháp này.
§ 112. KHÓ TÌM ĐƯỢC
 - Sự xuất hiện của ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác, khó tìm được ở đời. Người có thể thuyết Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, khó tìm được ở đời. Người tri ân, người biết ơn, khó tìm được ở đời.
Sự xuất hiện của ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời.
§ 113. KHÔNG THỂ ƯỚC LƯỢNG
 - Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Dễ ước lượng, khó ước lượng và vô lượng, không thể ước lượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người dễ ước lượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm lắm miệng, lắm lời, thất niệm không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là người dễ ước lượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là người khó ước lượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không tháo động, không kiêu căng, không dao động, không lắm mồm lắm miệng, không lắm lời, trú niệm, tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, các căn được bảo vệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là người khó ước lượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không thể ước lượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc được đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người không thể ước lượng.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt xuất hiện ở đời.
§ 114. KHÔNG VÔ BIÊN XỨ
 - Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người hoàn toàn vượt qua sắc tưởng, chấm dứt đối ngại tưởng, không tác ý các tưởng sai biệt, xem “hư không là vô biên”, đạt đến và an trú Không vô biên xứ. Vị ấy thưởng thức cảnh giới ấy, hy cầu cảnh giới ấy, thỏa mãn với cảnh giới ấy, an trú trong cảnh giới ấy, tín giải cảnh giới ấy, an trú nhiều trong cảnh giới ấy, không có từ bỏ cảnh giới ấy, đến khi mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên đã đạt đến Không vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, thọ mạng của chư Thiên đã đạt đến Không vô biên xứ là hai mươi ngàn kiếp. Kẻ phàm phu, sau khi trú ở đấy cho hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, kẻ ấy đi vào địa ngục, đi vào loài bàng sanh, đi vào cõi ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Thế Tôn, sau khi trú ở đấy cho hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, cuối cùng nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự tăng thượng, đây là sự sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe nhiều và kẻ vô văn phàm phu về vấn đề sanh thú và tái sanh.
2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có người vượt qua Không vô biên xứ, xem “thức là vô biên”, đạt đến và an trú Thức vô biên xứ. Vị ấy thưởng thức cảnh giới ấy, hy cầu cảnh giới ấy, thỏa mãn với cảnh giới ấy, an trú trong cảnh giới ấy, tín giải trong cảnh giới ấy, không từ bỏ cảnh giới ấy, đến khi mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên đã đạt đến Thức vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, thọ mạng chư Thiên đã đạt đến Thức vô biên xứ là bốn mươi ngàn kiếp. Kẻ phàm phu, sau khi trú ở đấy cho hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, kẻ ấy đi vào địa ngục, đi vào loài bàng sanh, đi vào cõi ngạ quỷ. Nhưng, đệ tử của Thế Tôn, sau khi trú ở đấy cho hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, cuối cùng nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự tăng thượng, đây là sự sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe nhiều và kẻ vô văn phàm phu về vấn đề sanh thú và tái sanh.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có người vượt qua Thức vô biên xứ, xem “không có gì cả”, đạt đến và an trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy thưởng thức cảnh giới ấy, hy cầu cảnh giới ấy, thỏa mãn với cảnh giới ấy, an trú trong cảnh giới ấy, tín giải trong cảnh giới ấy, không có từ bỏ cảnh giới ấy, đến khi thân hoại mạng chung được sanh cọng trú với chư Thiên đã đạt đến Vô sở hữu xứ. Này các Tỷ-kheo, thọ mạng chư Thiên đã đạt đến Vô sở hữu xứ là sáu mươi ngàn kiếp. Kẻ phàm phu, sau khi trú ở đấy cho hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, kẻ ấy đi vào địa ngục, đi vào loài bàng sanh, đi vào cõi ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Thế Tôn, sau khi trú ở đấy cho hết thọ mạng, sau khi trải qua tất cả thời gian thọ mạng của chư Thiên ấy, cuối cùng nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Đây là sự đặc thù, đây là sự tăng thượng, đây là sự sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe nhiều và kẻ vô văn phàm phu về vấn đề sanh thú và tái sanh.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt xuất hiện ở đời.
§ 115. KHIẾM KHUYẾT VÀ VIÊN MÃN
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba sự khiếm khuyết này. Thế nào là ba? Khiếm khuyết về giới, khiếm khuyết về tâm, khiếm khuyết về tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khiếm khuyết về giới?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khiếm khuyết về giới.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khiếm khuyết về tâm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tham lam, với tâm sân hận. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khiếm khuyết về tâm.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là khiếm khuyết về tri kiến?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có tà kiến, có tri kiến điên đảo: “Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có cúng tế, không có quả dị thục trong các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, ở đời không có các hàng Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình với thắng trí, giác ngộ đời này, đời sau và truyền dạy lại”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khiếm khuyết về tri kiến.
4. Do nhân khiếm khuyết về giới, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do nhân khiếm khuyết về tâm, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do nhân khiếm khuyết về tri kiến, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba khiếm khuyết.
5. Này các Tỷ-kheo, có ba viên mãn này. Thế nào là ba? Viên mãn về giới, viên mãn về tâm, viên mãn về tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về giới?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là viên mãn về giới.
6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về tâm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không tham lam, không có tâm sân hận. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là viên mãn về tâm.
7. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về tri kiến?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có chánh kiến, không có tri kiến điên đảo: “Có bố thí, có lễ hy sinh, có cúng tế, có quả dị thục trong các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, ở đời có các hạng Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình với thắng trí, giác ngộ đời này, đời sau và truyền dạy lại”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là viên mãn về tri kiến.
8. Do nhân viên mãn về giới, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, sanh cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Do nhân viên mãn về tâm, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Do nhân viên mãn về tri kiến, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba viên mãn.
§ 116. CHÍNH XÁC.
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba khiếm khuyết này, thế nào là ba?
Khiếm khuyết về giới, khiếm khuyết về tâm, khiếm khuyết về tri kiến... (giống như kinh § 115, 1-4)
2. - Ví dụ, này các Tỷ-kheo, một hột xúc xắc chính xác, nếu được liệng về mặt trên, được nằm về mặt ấy, được nằm khéo đặt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do nhân khiếm khuyết về giới, các loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do nhân khiếm khuyết về tâm... Do nhân khiếm khuyết về tri kiến, này các Tỷ-kheo, … sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba khiếm khuyết.
3. - Này các Tỷ-kheo, có ba viên mãn này. Thế nào là ba? Viên mãn về giới, viên mãn về tâm, viên mãn về tri kiến … (... như kinh § 115, 5-8)
4. - Ví dụ, này các Tỷ-kheo, một hột xúc xắc chính xác, nếu được liêng vào mặt trên, được nằm về mặt ấy, được nằm khéo đặt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do nhân viên mãn về giới… do nhân viên mãn tâm… do nhân viên mãn về tri kiến... này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba viên mãn.
§ 117. HÀNH ĐỘNG
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba khiếm khuyết này. Thế nào là ba? Khiếm khuyết về hành động, khiếm khuyết về sanh kế, khiếm khuyết về tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khiếm khuyết về hành động?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người sát sanh … (như § 115, 1) nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây là khiếm khuyết về hành động.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khiếm khuyết về sanh kế?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà sanh kế, nuôi sống bằng tà sanh kế. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khiếm khuyết về sanh kế.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khiếm khuyết về tri kiến… (như kinh § 115, 3).
4. Này các Tỷ-kheo, có ba viên mãn này. Thế nào là ba? Viên mãn về hành động, viên mãn về sanh kế, viên mãn về tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về hành động? … (như kinh § 115, 5)
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về sanh kế?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh sanh kế, nuôi sống bằng chánh sanh kế. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là viên mãn về sanh kế.
6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là viên mãn về tri kiến … (như kinh § 115, 7)
Này các Tỷ-kheo, các pháp này là ba viên mãn.
§ 118. THANH TỊNH (1)
 - Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này. Thế nào là ba? Thân thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý thanh tịnh.
Thế nào là thân thanh tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, này các Tỷ-kheo, đây gọi là thân thanh tịnh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lời nói thanh tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lời nói thanh tịnh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ý thanh tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có tham lam, với tâm không sân hận, có chánh tri kiến. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý thanh tịnh.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba thanh tịnh.
§ 119. THANH TỊNH (2)
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này. Thế nào là ba? Thân thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý thanh tịnh.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thân thanh tịnh? (như kinh§ 118, về thân thanh tịnh.)
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lời nói thanh tịnh? (như kinh § 118, về lời nói thanh tịnh.)
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ý thanh tịnh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo, nếu nội tâm có ước muốn về dục, vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta có ước muốn về dục”. Nếu nội tâm không có ước muốn về dục, vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta không có ước muốn về dục”. Ước muốn về dục chưa sanh khởi, được sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Ước muốn về dục đã sanh khởi, được đoạn trừ thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và ước muốn về dục đã được đoạn trừ, tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
5. Nếu nội tâm có sân, vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta có sân”. Nếu nội tâm không có sân, vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta không có sân”. Sân chưa sanh khởi, được sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Sân đã sanh khởi, được đoạn trừ thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và sân đã được đoạn trừ, tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
6. Nếu tâm có hôn trầm thụy miên, vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta có hôn trầm thụy miên”. Nếu nội tâm không có hôn trầm thụy miên, vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta không có hôn trầm thụy miên”. Hôn trầm thụy miên chưa sanh khởi, được sanh khởi như thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Hôn trầm thụy miên đã sanh khởi, được đoạn trừ thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và hôn trầm thụy miên đã được đoạn trừ, tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
7. Nếu nội tâm có trạo hối, vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta có trạo hối”. Nếu nội tâm không có trạo hối, vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta không có trạo hối”. Trạo hối chưa sanh khởi, được sanh khởi như thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Trạo hối đã sanh khởi, được đoạn trừ như thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Và trạo hối đã được đoạn trừ, tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
8. Nếu nội tâm có nghi, vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta có nghi”. Nếu nội tâm không có nghi, vị ấy rõ biết: “Nội tâm ta không có nghi”. Nghi chưa sanh khởi, được sanh khởi như thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Nghi đã sanh khởi được đoạn trừ như thế nào, vị ấy rõ biết như vậy. Nghi đã được đoạn trừ, tương lai không sanh khởi thế nào, vị ấy rõ biết như vậy.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý thanh tịnh. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba thanh tịnh.
 9. Thân và lời thanh tịnh
Tâm thanh tịnh vô lậu
Trong sạch được thanh tịnh
Được gọi ác đoạn trừ.
§ 120. TOÀN HẢO
 - Này các Tỷ-kheo, có ba sự toàn hảo. Thế nào là ba? Toàn hảo về thân, toàn hảo về lời nói, toàn hảo về ý.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là toàn hảo về thân? … (như kinh § 118.)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là toàn hảo về lời nói? … (như kinh § 118.)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là toàn hảo về ý? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn trừ các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý toàn hảo.
Này các Tỷ-kheo, các pháp này là ba toàn hảo.
Thân và lời toàn hảo,
Tâm toàn hảo vô lậu,
Toàn hảo, được toàn hảo
Được gọi đoạn tất cả.
XIII. PHẨM KUSINÀRA
§ 121. TẠI KUSINÀRA
Một thời Thế Tôn trú ở Kusinàra, tại khóm rừng Baliharana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
 - Này các Tỷ-kheo.
 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
 - Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Rồi người Gia chủ hay con người Gia chủ đi đến vị ấy mời mai lại dùng cơm. Nếu muốn, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhận lời. Sau khi đêm ấy đã mãn, Tỷ-kheo ấy vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát và đi đến trú xứ người Gia chủ hay con người Gia chủ. Sau khi đến, vị ấy ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi người Gia chủ hay con người Gia chủ tự tay đứng mời và làm cho thỏa mãn Tỷ-kheo ấy với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Vị ấy suy nghĩ: “Thật tốt lành thay, người Gia chủ hay con người Gia chủ này tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm!” Rồi vị ấy suy nghĩ như sau: “Mong rằng người Gia chủ hay con người Gia chủ này trong tương lai, tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm!” Vị ấy thọ hưởng món ăn khất thực ấy, tham dính say đắm, đam trước, không thấy sự nguy hại, không thấy được sự xuất ly. Vị ấy ở đây khởi lên suy tầm về dục, khởi lên suy tầm về sân, khởi lên sự suy tầm về hại. Này các Tỷ-kheo, ta nói rằng bố thí cho Tỷ-kheo như vậy không có quả lớn. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống phóng dật.
Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Rồi một Gia chủ, hay con người Gia chủ đi đến vị ấy và mời mai lại dùng cơm. Nếu muốn, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhận lời. Sau khi đêm đã mãn, Tỷ-kheo ấy vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát và đi đến trú xứ người Gia chủ hay con người Gia chủ. Sau khi đến, vị ấy ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi người Gia chủ hay con người Gia chủ tự tay đứng mời và làm cho thỏa mãn Tỷ-kheo ấy với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Vị ấy không có suy nghĩ: “Thật tốt lành thay, người Gia chủ hay con người Gia chủ tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm!” Rồi vị ấy không suy nghĩ như sau: “Mong rằng người Gia chủ hay con người Gia chủ này trong tương lai, tự tay đứng mời, làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm!” Vị ấy thọ hưởng món ăn khất thực ấy, không tham dính, không say đắm, không đam trước, thấy được sự nguy hại, thấy được sự xuất ly. Vị ấy ở đây khởi lên suy tầm về viễn ly, khởi lên suy tầm về vô sân, khởi lên suy tầm về vô hại. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng bố thí cho Tỷ-kheo như vậy có quả lớn. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống không phóng dật.
§ 122. TRANH LUẬN
 - Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau với binh khí miệng lưỡi, thật không thoải mái cho ta, này các Tỷ-kheo, khi nghĩ đến phương hướng ấy, còn nói gì đi đến chỗ ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: “Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp và đã làm quá nhiều ba pháp”.
Ba pháp họ đã từ bỏ là gì? Viễn ly tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Ba pháp này họ đã từ bỏ.
Ba pháp gì họ đã làm quá nhiều? Dục tầm, sân tầm, hại tầm. Ba pháp này họ đã làm quá nhiều.
Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau với binh khí miệng lưỡi, thật không thoải mái cho Ta, này các Tỷ-kheo, khi nghĩ đến phương hướng ấy, còn nói gì đi đến chỗ ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: “Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp này và đã làm quá nhiều ba pháp này.”
Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không đấu tranh nhau, như sữa và nước lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, này các Tỷ-kheo, đi đến phương hướng ấy thật thoải mái cho Ta, còn nói gì nghĩ đến phương hướng ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: “Thật sự các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp này, đã làm quá nhiều ba pháp này. “
Ba pháp họ đã từ bỏ là gì? Dục tầm, sân tầm, hại tầm. Ba pháp này họ đã từ bỏ.
Ba pháp gì họ đã làm quá nhiều? Viễn ly tầm, vô sân tầm, bất hại tầm.
Trong phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không đấu tranh nhau, như sữa và nước lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, này các Tỷ-kheo, đi đến phương hướng ấy thật thoải mái cho Ta, còn nói gì nghĩ đến phương hướng ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: “Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp này, đã làm quá nhiều ba pháp này. “
§ 123. ĐIỆN THỜ GOTAMA
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại điện thờ Gotama. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo;
 - Này các Tỷ-kheo.
 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
 - Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với thắng trí, không phải với không thắng trí. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với nhân duyên, không phải với không nhân duyên. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với thần thông, không phải với không thần thông. Này các Tỷ-kheo, do vì Ta thuyết pháp có thắng trí, không phải với không thắng trí; do vì Ta thuyết pháp có nhân duyên, không phải không có nhân duyên; do vì Ta thuyết pháp có thần thông, không phải không có thần thông, nên giáo giới cần phải làm, giảng dạy cần phải làm.
Thật là vừa đủ, này các Tỷ-kheo, để các Thầy bằng lòng. Thật là vừa đủ để các Thầy hân hoan. Thật là vừa đủ để các Thầy hoan hỷ, Chánh Đẳng Chánh Giác là Thế Tôn! Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, khéo hành trì, chúng Tăng!
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ lời Thế Tôn giảng. Trong khi lời thuyết giảng này được nói lên, một ngàn thế giới đều rung động.
§ 124. BHARANDU
1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala và đi đến Kapilavatthu. Họ Thích Mahànàma nghe tin Thế Tôn đã đến Kapilavatthu. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma đang đứng một bên:
 - Hãy đi, này Mahànàma, và tìm xem ở Kapilavatthu có chỗ nào, tại chỗ ấy, hôm nay chúng ta sẽ trú lại một đêm.
 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Họ Thích Mahànàma vâng đáp Thế Tôn, đi vào Kapilavatthu, đi khắp toàn vùng Kapilavatthu và không thấy một chỗ nào, Thế Tôn có thể trú một đêm. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến bạch Thế Tôn:
2. - Bạch Thế Tôn, ở Kapilavatthu không có một chỗ nào tại đây, hôm nay Thế Tôn có thể trú một đêm. Nhưng có Bharandu, người Kàlàmà này, trước tu Phạm hạnh với Thế Tôn. Hôm nay, Thế Tôn hãy ở một đêm tại am thất của vị ấy.
 - Này Mahànàma, hãy đi và trải một tấm thảm cho Ta ở đó.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Họ Thích Mahànàma vâng đáp Thế Tôn, đi đến am thất của Bharandu người Kàlàmà, sau khi đến, trải tấm thảm, đặt nước để rửa chân, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
 - Bạch Thế Tôn, tấm thảm đã trải, nước để rửa chân đã sẵn sàng, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy làm gì Ngài nghĩ là phải thời!
3. Rồi Thế Tôn đi đến am thất của Bharandu người Kàlàma, sau khi đến, ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn rửa chân.
Rồi họ Thích Mahànàma nghĩ như sau: “Nay không phải thời để hầu hạ Thế Tôn. Thế Tôn đang mệt mỏi. Ngày mai ta sẽ đến hầu hạ Thế Tôn”, nghĩ vậy xong bèn đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi đi ra.
Họ Thích Mahànàma, sau khi đêm ấy đã mãn, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma đang ngồi một bên;
4. - Này Mahànàma, có ba vị Đạo sư có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này Mahànàma, có vị Đạo sư trình bày sự biến tri của các dục vọng, nhưng không trình bày sự biến tri của các sắc, không trình bày sự biến tri của các cảm thọ. Ở đây, này Mahànàma, có vị Đạo sư trình bày sự biến tri của các dục vọng, trình bày sự biến tri của các sắc, nhưng không trình bày sự biến tri của các cảm thọ. Nhưng ở đây, này Mahànàma, có vị Đạo sư trình bày sự biến tri của các dục vọng, trình bày sự biến tri của các sắc, trình bày sự biến tri của các cảm thọ. Này Mahànàma, có ba vị Đạo sư này có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba vị này, này Mahànàma, kết luận là một hay là sai khác?
5. Khi được nói vậy, Bharandu, người Kàlàmà, nói với họ Thích Mahànàma;
 - Này Mahànàma, hãy nói là một.
Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma:
 - Này Mahànàma, hãy nói là khác.
Lần thứ nhất, Brahandu, người Kàlàmà nói với họ Thích Mahànàma;
 - Này Mahànàma, hãy nói là một.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma:
 - Này Mahànàma, hãy nói là khác.
Lần thứ ba, Brahandu người Kàlàmà nói với họ Thích Mahànàma;
 - Này Mahànàma, hãy nói là một.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma:
 - Này Mahànàma, hãy nói là khác.
6. Rồi Bhàràndu, người Kàlàmà suy nghĩ như sau: “Trước mặt họ Thích Mahànàma có thế lực lớn này, ta bị Sa-môn Gotama nói trái ngược cho đến lần thứ ba. Vậy ta hãy rời khỏi Kapilavatthu”.
Rồi Bharandu người Kàlàmà ra đi khỏi Kapilavatthu, một sự ra đi khỏi Kapilavatthu, không bao giờ có trở lại nữa.
§ 125. HATTHAKA
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetanava, khu vườn của Anàthapindika.
Rồi Thiên tử Hatthaka, sau khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetanava đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy nghĩ: “Ta sẽ đứng thẳng trước Thế Tôn”, nhưng vị ấy chìm xuống, lún xuống, không có thể đứng thẳng; ví như thục tô hay dầu đổ trên cát, chìm xuống, lún xuống, không thể được giữ lại. Cũng vậy, Thiên tử Hatthaka nghĩ rằng: “Ta sẽ đứng trước mặt Thế Tôn”, nhưng vị ấy chìm xuống, lún xuống, không thể đứng thẳng.
2. Rồi Thế Tôn nói với Thiên tử Hatthaka:
 - Này Hatthaka, hãy hóa thành một tự thể thô xấu.
 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thiên tử Hatthaka vâng đáp Thế Tôn, sau khi hóa thành một tự thể thô xấu, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với Thiên tử Hatthaka đang đứng một bên:
 - Này Hatthaka, các pháp được diễn tiến trước kia, khi Ông còn làm người, các pháp ấy được diễn tiến hiện nay đối với Ông không?
 - Bạch Thế Tôn, các pháp được diễn tiến trước kia, khi con còn làm người, các pháp ấy có được diễn tiến hiện nay với con. Và bạch Thế Tôn, có các pháp không được diễn tiến trước kia, khi con còn làm người, các pháp ấy có được diễn tiến hiện nay đối với con. Ví như, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sống, được các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ, các vua chúa, các đại thần của vua, các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo đoanh vây. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con sống được các Thiên tử đoanh vây. Từ xa, bạch Thế Tôn, các Thiên tử đi đến, nghĩ rằng: “Chúng ta hãy đến nghe pháp từ Thiên tử Hatthaka”.
Có ba pháp, bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc. Thế nào là ba?
Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ được thấy Thế Tôn, con chết vẫn còn ân hận luyến tiếc. Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ được nghe Diệu pháp, con chết vẫn còn ân hận luyến tiếc. Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ được phục vụ hầu hạ chúng Tăng, con chết vẫn còn ân hận luyến tiếc.
Có ba pháp này, bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ. Con chết vẫn còn ân hận luyến tiếc.
Con thấy không vừa đủ,
Khi được gặp Thế Tôn,
Được phục vụ chúng Tăng,
Được lắng nghe Diệu pháp,
Học tập tăng thượng giới,
Thích thú nghe Diệu pháp,
Do đối với ba pháp,
Cảm thấy không vừa đủ,
Thiên tử Hatthaka,
Được sanh Vô phiền thiên.
§ 126. THỐI NÁT
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana vườn Nai.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Ba-la-nại để khất thực. Thế Tôn, trong khi đi khất thực tại Goyogapilakkha, gần cây sung, chỗ cột đàn bò, thấy một Tỷ-kheo hưởng thọ hương vị trống không, không có Thiền định, hưởng thọ hương vị hướng ngoại của vật dục, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, với tâm tán loạn, với các căn phóng túng. Thấy vậy, Thế Tôn liền nói với vị Tỷ-kheo ấy;
 - Này Tỷ-kheo, này Tỷ-kheo! Thầy chớ có làm cho tự ngã trở thành thối nát. Này Tỷ-kheo, ai làm cho tự ngã thối nát đầy ứ, thoát ra toàn mùi hôi thúi, rồi mong rằng các loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không có chiếm cứ, sự kiện như vậy không xảy ra.
2. Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới như vậy, cảm thấy xúc động mạnh. Rồi Thế Tôn, sau khi đi khất thực ở Ba-la-nại xong, sau bữa ăn, sau khi đi khất thực trở về, bảo các Tỷ-kheo;
 - Này các Tỷ-kheo, ở đây, sau khi đắp y vào buổi sáng, Ta cầm lấy y bát, đi vào Ba-la-nại để khất thực. Này các Tỷ-kheo, trong khi đi khất thực tại Goyogapilakkha, Ta thấy một Tỷ-kheo hưởng thọ hương vị trống không, không có Thiền định, hưởng thọ hương vị hướng ngoại của vật dục, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, với tâm tán loạn, với các căn phóng túng. Thấy vậy, Ta liền nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, này Tỷ-kheo! Thầy chớ có làm cho tự ngã trở thành thối nát. Này Tỷ-kheo, ai làm cho tự ngã thối nát, đầy ứ, thoát ra toàn mùi hôi thúi, rồi mong rằng: “Các loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không chiếm cứ, sự kiện như vậy không xảy ra”.
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được Ta giáo giới với lời giáo giới này, cảm thấy xúc động mạnh.
3. Khi nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
 - Bạch Thế Tôn, thối nát cái gì, mùi hôi thúi cái gì, các loài ruồi lằng là gì?
 - Tham cầu, này các Tỷ-kheo, là thúi nát; sân là mùi hôi thúi, các suy tầm ác bất thiện là ruồi lằng. Này các Tỷ-kheo, ai làm cho tự ngã thối nát, đầy ứ, thoát ra mùi hôi thúi, rồi mong rằng: “Các loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không chiếm cứ”, sự kiện như vậy không xảy ra.
Tai mắt không gìn giữ,
Các căn không phòng hộ,
Ruồi lằng sẽ bu đậu,
Các tư duy tham ái.
Tỷ-kheo làm thối nát,
Đầy ứ những mùi hôi
Xa thay là Niết-bàn!
Chịu phần về bất hạnh.
Tại làng hay trong rừng,
Tự ngã không an tịnh,
Kẻ ngu và không trí,
Đi đứng đầy ruồi lằng,
Ai đầy đủ giới luật,
Thích tịch tịnh trí tuệ,
Sống an tịnh hạnh phúc,
Mọi ruồi lằng trừ diệt.
§ 127. ANURUDDHA (1)
1. Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuruddha bạch Thế Tôn:
 - Ở đây, bạch Thế Tôn, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, con thấy phần lớn các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do đầy đủ với bao nhiêu pháp, bạch Thế Tôn, các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục?
2. - Do đầy đủ ba pháp, này Anuruddha, các nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Thế nào là ba?
Ở đây, này Anuruddha, nữ nhân vào buổi sáng, sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh bởi cấu uế của xan lẫn; vào buổi trưa, sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh bởi cấu uế của tật đố; vào buổi chiều sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh bởi cấu uế của dục tham. Do đầy đủ với ba pháp này, này Anuruddha, nữ nhân khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
§ 128. ANURUDDHA (2)
1. Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm, thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuruddha nói với Tôn giả Sàriputta:
 - Thưa Tôn giả Sàriputta, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới. Phấn chấn là tinh tấn của tôi, không có thụ động; niệm được an trú, không có thất niệm; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh nhất tâm. Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có không chấp thủ.
2. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: “Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, tôi có thể thấy ngàn thế giới”, đây là kiêu mạn của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, nếu Hiền giả suy nghĩ như sau: “Phấn chấn là tinh tấn của tôi, không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm, tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh nhất tâm”, đây là trạo cử của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: “Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có không chấp thủ”; đây là hối quá của Hiền giả. Lành thay, nếu Tôn giả Anuruddha đoạn trừ ba pháp này, không tác ý ba pháp này, hãy chú tâm vào giới bất tử.
3. Rồi Tôn giả Anuruddha, sau một thời gian, sau khi đoạn trừ ba pháp này, sau khi không tác ý ba pháp này, chú tâm vào giới bất tử. Rồi Tôn giả Anuruddha, sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà một Thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình, với thắng trí, sau khi chứng ngộ, chứng đạt, vị ấy an trú. Vị ấy chứng tri: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.” Tôn giả Anuruddha trở thành một vị A-la-hán nữa.
§ 129. CHE GIẤU
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Thế nào là ba?
Sở hành của nữ nhân, này các Tỷ-kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Chú thuật của các Bà-la-môn, này các Tỷ-kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Tà kiến, này các Tỷ-kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ.
2. Này các Tỷ-kheo, ba pháp này chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Vành tròn của mặt trăng, này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Vành tròn của mặt trời, này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Pháp luật được Thế Tôn tuyên thuyết, này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Ba pháp này chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu
§ 130. CHỮ VIẾT TRÊN ĐÁ, TRÊN ĐẤT, TRÊN NƯỚC
1. - Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người như chữ viết trên đá, hạng người như chữ viết trên đất, hạng người như chữ viết trên nước.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đá?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên đá không bị gió hay nước tẩy xóa mau chóng, được tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có người luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người ấy tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người như chữ được viết trên đá.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ được viết trên đất?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người luôn luôn được phẫn nộ và phẫn nộ của người này không có tiếp tục lâu dài. Ví như, này các Tỷ-kheo, chữ được viết trên đất bị gió hay nước xóa tẩy mau chóng, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không có tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người như chữ được viết trên đất.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên nước?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người dầu có bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy, vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện, và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên nước được mau chóng biến mất, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có người dầu bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy, vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện, và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người như chữ viết trên nước.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
XIV. PHẨM KẺ CHIẾN SĨ
§ 131. KẺ CHIẾN SĨ
1. - Đầy đủ ba đức tánh, này các Tỷ-kheo, một kẻ chiến sĩ xứng đáng cho vua sử dụng, thuộc sở hữu của vua, là biểu tượng của vua. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ chiến sĩ là người bắn xa, bắn như chớp nhoáng và đâm thủng được vật lớn. Đầy đủ ba đức tánh này, này các Tỷ-kheo, kẻ chiến sĩ xứng đáng cho vua sử dụng, thuộc sở hữu của vua, là biểu tượng của vua.
2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đầy đủ ba đức tánh, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là kẻ bắn xa, bắn như chớp nhoáng và đâm thủng được vật to lớn.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bắn xa?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả sắc, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Phàm có cảm thọ gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả cảm thọ, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Phàm có tưởng gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả tưởng, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Phàm có các hành gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả các hành, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Phàm có thức gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả các thức, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bắn như chớp nhoáng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật tuệ tri: “Đây là Khổ”, như thật tuệ tri: “Đây là Khổ tập”; như thật tuệ tri: “Đây là Khổ diệt”; như thật tuệ tri: “Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bắn như chớp nhoáng.
5. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo đâm thủng vật to lớn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đâm thủng vô minh uẩn to lớn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đâm thủng vật to lớn. Đầy đủ ba đức tính này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
§ 132. HỘI CHÚNG
 - Này các Tỷ-kheo, có ba hội chúng này. Thế nào là ba?
Hội chúng điêu luyện về khoa trương, hội chúng điêu luyện về chất vấn, hội chúng điêu luyện về tùy theo sở thích. Này các Tỷ-kheo, có ba hội chúng này.
§ 133. BẠN
 - Này các Tỷ-kheo, đầy đủ ba đức tánh, một người bạn cần được thân cận. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cho điều khó cho, làm điều khó làm, nhẫn điều khó nhẫn. Này các Tỷ-kheo, đầy đủ ba đức tánh này, một người bạn cần được thân cận.
§ 134. XUẤT HIỆN
1. - Này các Tỷ-kheo, dầu các Như Lai có xuất hiện hay các Như Lai không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là: “Tất cả các hành là vô thường”. Vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh giác ngộ. Sau khi chánh tri giác, chánh giác ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị, phân biệt, hiển thị: “Tất cả các hành là vô thường”.
2. Này các Tỷ-kheo, dầu các Như Lai có xuất hiện hay các Như Lai không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là: “Tất cả các hành là khổ”. Về vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh giác ngộ. Sau khi chánh giác tri, chánh giác ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị, phân biệt, hiển thị: “Tất cả các hành là khổ”.
3. Này các Tỷ-kheo, dầu các Như Lai có xuất hiện hay các Như Lai không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là: “Tất cả các pháp là vô ngã”. Về vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh giác ngộ. Sau khi chánh giác tri, chánh giác ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị, phân biệt, hiển thị: “Tất cả các pháp là vô ngã”.
§ 135. MỀN BẰNG TÓC
1. - Ví như, này các Tỷ-kheo, trong tất cả loại vải được dệt, mền được dệt bằng tóc được xem là hạ liệt nhất. Mền được dệt bằng tóc, này các Tỷ-kheo, khi trời lạnh thời lạnh, khi trời nóng thời nóng, xấu xí, có mùi hôi, xúc chạm khó chịu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong các chủ thuyết của các Sa-môn ngoại đạo tuyên bố, chủ thuyết của Makkhali được xem là hèn hạ nhất. Này các Tỷ-kheo, Makkhali, kẻ ngu si có thuyết như sau, có kiến như sau: “Không có nghiệp, không có kết quả của nghiệp, không có tinh tấn”.
2. Này các Tỷ-kheo, những ai là các vị A-la-hán trong thời quá khứ, các vị Chánh Đẳng Giác, các bậc Thế Tôn; các vị ấy đều chủ trương có nghiệp, đều chủ trương có nghiệp quả, đều chủ trương có tinh tấn. Nhưng, này các Tỷ-kheo, chỉ có Makkhali, kẻ ngu si nói phản lại tất cả: “Không có nghiệp, không có nghiệp quả, không có tinh tấn”.
3. Này các Tỷ-kheo, những ai là những vị A-la-hán, trong thời vị lai, các vị Chánh Đẳng Giác, các bậc Thế Tôn; các vị ấy đều chủ trương có nghiệp, đều chủ trương có nghiệp quả, đều chủ trương có tinh tấn. Nhưng này các Tỷ-kheo, chỉ có Makkhali, kẻ ngu si nói phản lại tất cả: “Không có nghiệp, không có của nghiệp quả, không có tinh tấn”.
4 Còn Ta, này các Tỷ-kheo, nay là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác cũng chủ trương có nghiệp, chủ trương có nghiệp quả, chủ trương có tinh tấn. Nhưng, này các Tỷ-kheo, chỉ có Makkhali, kẻ ngu si, nói phản lại Ta: “Không có nghiệp, không có của quả, không có tinh tấn”.
5. Ví như, này các Tỷ-kheo, tại cửa sông, có người đặt một cái sập bẫy cá đem đến bất hạnh, đau khổ, tổn hại, nguy hại cho các loại cá. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Makkhali, kẻ ngu si xuất hiện ở đời như cái bẫy sập người, đem lại bất hạnh, đau khổ, tổn hại, nguy hại cho nhiều loại hữu tình.
§ 136. THÀNH TỰU TĂNG TRƯỞNG
 - Này các Tỷ-kheo, có ba sự thành tựu này. Thế nào là ba?
Thành tựu về tín, thành tựu về giới, thành tựu về tuệ. Này các Tỷ-kheo, các pháp này là ba sự thành tựu.
Này các Tỷ-kheo, có ba sự tăng trưởng. Thế nào là ba?
Tăng trưởng về tín, tăng trưởng về giới, tăng trưởng về tuệ. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba tăng trưởng.
§ 137. NGỰA CHƯA ĐƯỢC ĐIỀU PHỤC
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về ba loại ngựa chưa được điều phục và Ta sẽ giảng về ba hạng người chưa được điều phục. Hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
 - Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba loại ngựa chưa được điều phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có ba loại ngựa chưa được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối; bề cao, chu vi, bề ngoài. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, và cân đối. Ba loại này, này các Tỷ-kheo, là ba loại ngựa chưa được điều phục.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba hạng người chưa được điều phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối. Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người chưa được điều phục.
2. Thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật rõ biết: “Đây là Khổ”; như thật rõ biết: “Đây là Khổ tập”; như thật rõ biết: “Đây là Khổ diệt”; như thật rõ biết: “Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt”; Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Nhưng, khi được hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy lại ngập ngừng không có trả lời. Đây Ta nói trong nghĩa không có sắc đẹp. Vị ấy không có nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chưa có điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối.
3. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật rõ biết: “Đây là Khổ”; như thật rõ biết: “Đây là Khổ tập”; như thật rõ biết: “Đây là Khổ diệt”; như thật rõ biết: “Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt”. Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy liền trả lời không có ngập ngừng. Đây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Nhưng vị ấy không nhận được các đồ tư dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối.
4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật rõ biết: “Đây là Khổ”... như thật rõ biết: “Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt”... Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy liền trả lời không có ngập ngừng. Đây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Vị ấy nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chưa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối. Những hạng người này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người chưa được điều phục.
§ 138. NGỰA ĐƯỢC ĐIỀU PHỤC
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về ba loại ngựa đã được điều phục và ba hạng người đã được điều phục. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
 - Này các Tỷ-kheo, thế nào là loại ngựa được điều phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối. Các loại này, này các Tỷ-kheo, là ba loại ngựa được điều phục.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba hạng người được điều phục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người được điều phục, có tốc lực, không có sắc đẹp, không có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy được nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui đời ấy nữa. Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Nhưng khi được hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy ngập ngừng, vị ấy không có trả lời. Đây Ta nói trong nghĩa không có sắc đẹp. Vị ấy không nhận được các đồ tư dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người được điều phục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối.
4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy được nhập Niết-bàn, không phải trở lui đời ấy nữa. Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy trả lời không có ngập ngừng. Đây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Nhưng vị này không nhận được các đồ tư dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối.
5. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy được nhập Niết-bàn, không phải trở lui đời ấy nữa. Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy liền trả lời không có ngập ngừng. Đây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Và vị ấy nhận được các đồ tư dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người được điều phục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối.
Những hạng người này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người được điều phục.
§ 139. CÁC LOẠI NGỰA THUẦN THỤC
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng về ba loại ngựa hiền thiện, thuần thục, ba hạng người hiền thiện, thuần thục. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba loại ngựa hiền thiện, thuần thục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa hiền thiện, thuận thục có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa hiền thiện, thuần thục có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa hiền thiện, thuần thục có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối. Những loại này, này các Tỷ-kheo, là ba loại ngựa hiền thiện, thuần thục.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba loại người hiền thiện, thuần thục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối. Những hạng người này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người hiền thiện, thuần thục.
2. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp và thắng luật, vị ấy ngập ngừng không trả lời. Đây Ta nói trong nghĩa không có sắc đẹp. Vị ấy không nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, nhưng không có sắc đẹp, không có cân đối.
3. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp, thắng luật, vị ấy liền trả lời không có ngập ngừng. Đây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Vị ấy không nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa không có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, có sắc đẹp, nhưng không có cân đối.
4. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Đây Ta nói trong nghĩa có tốc lực. Khi được hỏi về thắng pháp và thắng luật, vị ấy liền trả lời không có ngập ngừng. Đây Ta nói trong nghĩa có sắc đẹp. Vị ấy nhận được các đồ tư dụng, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đây Ta nói trong nghĩa có cân đối. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hiền thiện, thuần thục, có tốc lực, có sắc đẹp, có cân đối.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, là ba hạng người hiền thiện, thuần thục.
§ 140. MORANIVÀPA
1. Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha tại Moranivàpa. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
 - Này các Tỷ-kheo.
 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
 - Đầy đủ ba pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đạt đến tột cùng tối hảo, tột cùng an ổn khỏi các khổ ách, tột cùng Phạm hạnh, tột cùng cứu cánh, tối thượng giữa chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba? Với Vô học giới uẩn, với Vô học định uẩn, với Vô học tuệ uẩn, đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo là tột cùng tối hảo, tột cùng an ổn khỏi các khổ ách, tột cùng Phạm hạnh, tột cùng cứu cánh, bậc Tối thượng giữa chư Thiên và loài Người
2. Đầy đủ với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo là tột cùng tối hảo, tột cùng an ổn, khỏi các khổ ách, tột cùng Phạm hạnh, tột cùng cứu cánh, bậc Tối thượng giữa chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba?
Với thần biến thần thông, với ký thuyết thần thông, với giáo giới thần thông; đầy đủ với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo là tột cùng tối hảo, tột cùng an ổn khỏi các khổ ách, tột cùng Phạm hạnh, tột cùng cứu cánh, bậc Tối thượng giữa chư Thiên và loài Người.
3. Đầy đủ với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là tột cùng tối hảo, tột cùng an ổn khỏi các khổ ách… tột cùng cứu cánh, bậc Tối thượng giữa chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba?
Với chánh tri kiến, với chánh trí, với chánh giải thoát, đầy đủ với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là tột cùng tối hảo... tột cùng cứu cánh, là bậc Tối thượng giữa chư Thiên và loài Người.
XV. PHẨM CÁT TƯỜNG
§ 141. KHÔNG THIỆN
 - Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục. Thế nào là ba?
Với thân làm không thiện, với lời nói không thiện, với ý nghĩ không thiện, đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục.
Đầy đủ ba pháp, tương xứng như vậy được sanh lên cõi trời. Thế nào là ba?
Với thân làm thiện, với lời nói thiện, với ý nghĩ thiện, đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy được sanh lên cõi Trời.
§ 142. CÓ PHẠM TỘI
 - Đầy đủ ba pháp, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy bị rơi vào địa ngục. Thế nào là ba?
Với thân làm có tội, với lời nói có tội, với ý nghĩ có tội, đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục.
Đầy đủ ba pháp, tương xứng như vậy, được sanh lên cõi Trời. Thế nào là ba?
Với thân làm không tội, với lời nói không tội, với ý nghĩ không tội, đầy đủ ba pháp này, tương xứng như vậy, được sanh lên cõi Trời.
§ 143. KHÔNG THĂNG BẰNG
 (Như kinh trên, chỉ khác đây là không thăng bằng và thăng bằng.)
§ 144. BẤT TỊNH
 (Như kinh trên, chỉ khác đây là bất tịnh và tịnh.)
§ 145. MẤT GỐC (1)
 - Đầy đủ ba pháp, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si, không thông minh, không phải bậc Chân nhân, tự mình xử sự như kẻ mất gốc, bị thương tích, có phạm tội, bị người trí quở trách, làm nhiều điều vô phước. Thế nào là ba?
Với thân không làm thiện, với lời nói không thiện, với ý nghĩ không thiện, đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si, không thông minh, không phải bậc Chân nhân, tự mình xử sự như kẻ mất gốc, bị thương tích, có phạm tội, bị người trí quở trách, làm nhiều điều vô phước.
Đầy đủ ba pháp, này các Tỷ-kheo, bậc Hiền sĩ thông minh là bậc Chân nhân, không tự mình xử sự như kẻ mất gốc, không bị thương tích, không phạm tội, không bị người trí quở trách, và làm điều phước lành. Thế nào là ba?
Với thân làm thiện, với lời nói thiện, với ý nghĩ thiện, đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, bậc Hiền sĩ thông minh, là bậc Chân nhân... và làm nhiều phước lành.
§ 146. MẤT GỐC (2)
 (Như kinh trên, chỉ khác đây là có phạm tộikhông phạm tội) …
§ 147. MẤT GỐC (3)
 (Như kinh trên, chỉ khác đây là không thăng bằng, có thăng bằng) …
§ 148. MẤT GỐC (4)
 (Như kinh trên, chỉ khác đây là bất tịnh, và tịnh) …
§ 149. KÍNH LỄ
 - Này các Tỷ-kheo, có ba loại kính lễ này. Thế nào là ba?
Với thân, với lời nói, với ý, các pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba loại kính lễ.
§ 150. BUỔI SÁNG TỐT ĐẸP
 - Các loại hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi sáng tốt đẹp. Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi trưa tốt đẹp. Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi chiều tốt đẹp.
Vầng sao lành, điều lành,
Rạng đông lành, dậy lành,
Sát - na lành, thời lành,
Cúng dường bậc Phạm hạnh.
Thân nghiệp chánh, lời chánh,
Ý nghiệp chánh, nguyện chánh,
Làm các điều chơn chánh,
Được lợi ích chơn chánh,
Thì được lợi, an lạc,
Lớn mạnh trong Phật giáo,
Hãy không bệnh, an lạc,
Cùng tất cả bà con.
XVI. PHẨM LÕA THỂ
§ 151. ĐẠO LỘ (1)
1. - Này các Tỷ-kheo, có ba đạo lộ này. Thế nào là ba? Thâm cố đạo lộ, kịch khổ đạo lộ, trung đạo lộ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thâm cố đạo lộ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người nói như sau, thấy như sau: “Không có tội lớn trong các dục vọng” và rơi vào say đắm trong các dục vọng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thâm cố đạo lộ.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kịch khổ đạo lộ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sống lõa thể, sống phóng túng, không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, đi khất thực không chịu đứng lại, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận mời đi ăn, không nhận đồ ăn từ nơi nồi chảo, không nhận đồ ăn từ ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy, không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo, không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn từ chỗ có ruồi bu, không ăn cá, thịt, không uống rượu nấu, rượu men, cho đến không uống cháo. Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại hai nhà, chỉ nhận ăn hai miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại bảy nhà, chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy, vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống, cho đến nửa tháng chỉ ăn một lần. Vị ấy ăn rau, ăn cây kê, ăn gạo sống, ăn gạo rừng, ăn cây lau, ăn bột gạo, ăn bột gạo cháy, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Vị ấy mang vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm quăng đi, mặc vải lượm từ đống rác, dùng vỏ cây làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện từng mảnh da con sơn dương đen, mặc vải từ cỏ Kusa bện lại, mặc áo bằng vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú. Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người theo tập tục sống nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, không dùng chỗ ngồi, là người ngồi chỏ hỏ, sống theo hạnh ngồi chỏ hỏ một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm để gột sạch tội lỗi. Như vậy dưới nhiều hình thức, vị ấy sống thực hành các hạnh hành hạ, hành khổ thân thể. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kịch khổ đạo lộ.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là trung đạo?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục, tham ưu ở đời, quán thọ trên các cảm thọ … quán tâm trên tâm … quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp nhục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là trung đạo. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba đạo lộ.
§ 152. ĐẠO LỘ (2)
 - Này các Tỷ-kheo, có ba đạo lộ này. Thế nào là ba? Thâm cố đạo lộ, kịch khổ đạo lộ, trung đạo lộ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thâm cố đạo lộ? (... như kinh trên § 151, 1).
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kịch khổ đạo lộ (như kinh trên § 151, 2).
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là trung đạo lộ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh, không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh, nay cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; vị ấy tu tập thần túc thông câu hữu với dục định tinh cần hành, tu tập thần túc thông câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành, tu tập thần túc thông câu hữu với tâm định tinh cần hành, tu tập thần túc thông câu hữu với tư duy định tinh cần hành; tu tập tín căn, tu tập tấn căn, tu tập niệm căn, tu tập định căn, tu tập tuệ căn, tu tập tín lực, tu tập tấn lực, tu tập niệm lực, tu tập định lực, tu tập tuệ lực, tu tập niệm giác chi, tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập hỷ giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, tu tập chánh tri kiến, tu tập chánh tư duy, tu tập chánh ngữ, tu tập chánh nghiệp, tu tập chánh mạng, tu tập chánh tinh tấn, tu tập chánh niệm, tu tập chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là trung đạo lộ.
§ 153. SÁT SANH
 - Đầy đủ ba pháp, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục. Thế nào là ba?
Tự mình sát sanh, khích lệ người khác sát sanh, tùy hỷ sự sát sanh. Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục.
Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy được sanh thiên giới. Thế nào là ba?
Tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh, tùy hỷ sự từ bỏ sát sanh. Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, được sanh thiên giới.
§ 154. LẤY CỦA KHÔNG CHO
(Giống như kinh trên, chỉ khác đây là lấy của không cho)...
§ 155. TÀ HÀNH TRONG DỤC VỌNG
(Giống như kinh trên, chỉ khác đây là tà hạnh trong dục vọng)...
§ 156 - 162...
... (Giống như kinh trên, chỉ khác tuần tự các pháp sau này; nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham, sân, tà kiến)...
§ 163. ĐỊNH
 - Để thắng tri tham ái, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?
Không định, vô tướng định, vô nguyện định. Để thắng tri tham ái, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.
Này các Tỷ-kheo, để biến tri, biến diệt, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, đoạn diệt, trừ khử, từ bỏ tham, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập.
Này các Tỷ-kheo, để biến tri, biến diệt, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, đoạn diệt, trừ khử, từ bỏ sân... từ bỏ si... từ bỏ phẫn nộ... từ bỏ hận... từ bỏ giả dối... từ bỏ não hại... từ bỏ tật đố... từ bỏ xan lẫn... từ bỏ man trá... từ bỏ phản bội... từ bỏ ngoan cố... từ bỏ bồng bột nông nổi... từ bỏ mạn, từ bỏ tăng thượng mạn... từ bỏ kiêu... từ bỏ phóng dật, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.11/5/2016.MHDT.

No comments:

Post a Comment