Friday, 6 May 2016

CHƯƠNG X: TƯƠNG ƯNG TỶ-KHEO
I. KOLITA (Tạp, Đại 2,132a) (S.ii,273)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Tại đấy, Tôn giả Mahà Moggallàna gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Hiền giả Tỷ-kheo.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahà Moggallàna.
3) Tôn giả Mahà Moggallàna nói:
– Ở đây, này Hiền giả, trong khi tôi độc trú tĩnh cư, tâm tưởng tư duy như sau được khởi lên: “Thánh im lặng được gọi là Thánh im lặng. Thế nào là Thánh im lặng?”
4) Rồi này các Hiền giả, tôi suy nghĩ như sau: “Ở đây, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm”. Như vậy gọi là Thánh im lặng.
5) Rồi này các Hiền giả, tôi diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này các Hiền giả, khi tôi an trú với sự an trú như vậy, các tưởng câu hữu với tầm, các tác ý hiện khởi và hiện hành.
6) Rồi này các Hiền giả, Thế Tôn bằng thần thông đến với tôi và nói: “Moggallàna, Moggallàna, chớ có phóng dật. Này Bà-la-môn, đối với Thánh im lặng, hãy an trú tâm vào Thánh im lặng, hãy chú nhất tâm vào Thánh im lặng, hãy chú định tâm vào Thánh im lặng”.
7) Rồi này các Hiền giả, sau một thời gian, tôi diệt tầm và tứ, chứng và trú vào Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhứt tâm. Này các Hiền giả, nếu ai nói một cách chơn chánh, sẽ nói như sau: “Được bậc Đạo sư hỗ trợ, vị đệ tử chứng đạt đại thắng trí”. Người ấy nói một cách chơn chánh, sẽ nói về tôi: “Được bậc Đạo sư hỗ trợ, vị đệ tử chứng đạt đại thắng trí”.
II. UPATISSA... (S.ii,274)
1) Nhơn duyên ở Sàvatthi.
2) Tại đấy, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Hiền giả Tỷ-kheo.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta.
3) Tôn giả Sàruputta nói:
– Ở đây, này các Hiền giả, trong khi tôi độc trú tĩnh cư, tâm tưởng tư duy như sau được khởi lên: “Có cái gì trong đời, khi bị biến hoại, trạng huống đổi khác, có thể khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu, não?”.
Rồi này các Hiền giả, tôi suy nghĩ: “Không có cái gì trong đời, khi bị biến hoại, trạng huống đổi khác, có thể khởi lên nơi ta, sầu bi khổ ưu não”.
4) Khi được nói vậy, Tôn giả Ànanda nói với Tôn giả Sàriputta:
– Bậc Đạo sư, này Hiền giả Sàriputta, khi bị biến hoại, trạng huống đổi khác, có thể khởi lên nơi Hiền giả sầu, bi, khổ, ưu, não.
5) – Bậc Đạo sư, này Hiền giả Ànanda, khi bị biến hoại, trạng thái đổi khác, không có thể khởi lên nơi ta sầu bi khổ ưu não. Nhưng ta có thể suy nghĩ: “Mong rằng bậc Đại Thế Lực, bậc Đạo sư có đại thần thông, có đại uy lực chớ có biến diệt! Nếu bậc Thế Tôn ấy an trú lâu dài, thời như vậy thật là hạnh phúc cho quần sanh, thật là an lạc cho quần sanh, vì lòng từ mẫn cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”.
6) – Như vậy đối với Tôn giả Sàriputta, ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, tùy miên được khéo đoạn trừ đã lâu ngày.
7) Do vậy, đối với Tôn giả Sàriputta, dầu cho bậc Đạo sư có biến hoại, trạng huống có đổi khác, cũng không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
III. CÁI GHÈ (Tạp 18-14 Tịch Diệt, Đại 2,132c) (S.ii,275)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Moggallàna cùng ở Ràjagaha (Vương xá), Veluvana (Trúc lâm) tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc, chung một Tinh xá.
3) Rồi Tôn giả Sàriputta, từ chỗ độc cư Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Moggallàna; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Mahà Moggallàna những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu bèn ngồi xuống một bên.
4) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Mahà Moggallàna:
– Này Hiền giả Moggallàna, các căn của Hiền giả thật là tịch tịnh; sắc mặt thật là thanh tịnh, trong sáng. Có phải hôm nay Tôn giả Mahà Moggallàna an trú với sự an trú tịnh lạc?
– Thưa Hiền giả, hôm nay tôi an trú với sự an trú thô thiển. Tôi có được một cuộc pháp thoại.
5) – Với ai, Tôn giả Mahà Moggallàna có được một cuộc đàm luận về Chánh pháp?
– Thưa Hiền giả, tôi có một cuộc pháp thoại với Thế Tôn.
6) – Ở xa, thưa Hiền giả, là Thế Tôn. Hiện nay Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Có phải Tôn giả Mahà Moggallàna đi đến Thế Tôn bằng thần thông hay Thế Tôn đi đến Tôn giả Mahà Moggallàna bằng thần thông?
7) – Thưa Hiền giả, tôi không đi đến Thế Tôn bằng thần thông. Và Thế Tôn cũng không đi đến tôi bằng thần thông. Tôi như thế nào thời Thế Tôn được thiên nhãn thanh tịnh, cả thiên nhĩ nữa như vậy! Thế Tôn như thế nào thời tôi được thiên nhãn thanh tịnh, cả thiên nhĩ nữa như vậy.
8) – Như thế nào là cuộc pháp thoại giữa Tôn giả Mahà Moggallàna với Thế Tôn?
9) – Ở đây, thưa Hiền giả, tôi bạch với Thế Tôn:
“– Bạch Thế Tôn ở đây tinh cần, tinh tấn, được gọi là tinh cần, tinh tấn. Như thế nào bạch Thế Tôn là tinh cần, tinh tấn?”.
10) Khi được nói vậy, thưa Hiền giả, Thế Tôn nói với tôi:
“– Ở đây, này Moggallàna, Tỷ-kheo sống tinh cần, tinh tấn: ‘Dầu cho da, dây gân và xương có khô héo, dầu thịt và máu có héo tàn trên thân tôi, cái gì có thể lấy sức lực của người, tinh tấn của người, nỗ lực của người có thể đạt được; nếu chưa đạt được, thời tinh tấn sẽ không bao giờ dừng nghỉ’. Như vậy, này Moggallàna, là sự tinh cần, tinh tấn”.
11) Như vậy, này Hiền giả, là cuộc pháp thoại giữa Thế Tôn và tôi.
12) Ví như, này Hiền giả, một đống hòn sạn nhỏ đem đặt dài theo Hy-mã-lạp sơn, vua các loài núi. Cũng vậy, là chúng tôi được đem đặt dài theo Tôn giả Mahà Moggallàna. Mong rằng Tôn giả Mahà Moggallàna, bậc đại thần thông, đại uy lực, nếu muốn hãy sống cho đến một kiếp.
13) Ví như, này Hiền giả, một nắm muối nhỏ được đem đặt dài theo một ghè muối lớn. Cũng vậy, là chúng tôi được đem đặt dài theo Tôn giả Sàriputta.
14) Tôn giả Sàriputta được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện xưng tán, tán thán, tán dương:
Như vị Xá-lợi-phất,
Về trí tuệ, giới luật,
Và cả về tịch tịnh,
Ông là bậc đệ nhất.
Tỷ-kheo đạt bỉ ngạn,
Cũng là bậc tối thượng.
15) Như vậy, hai bậc Long Tượng ấy (Nàgà) cùng nhau hoan hỷ, tán thán trong câu chuyện khéo nói, khéo thuyết.
IV. TÂN TỶ-KHEO (Đại 2,277c, 376a) (S.ii,277)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ, một tân Tỷ-kheo sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi vào Tinh xá, rảnh rỗi, yên lặng, phân vân (không biết làm gì), không phụ việc với các Tỷ-kheo trong thời gian may y.
3) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
4) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, có một tân Tỷ-kheo sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi vào Tinh xá, rảnh rỗi, im lặng, phân vân (không biết làm gì) không phụ việc với các Tỷ-kheo trong thời gian may y.
5) Rồi Thế Tôn gọi một Tỷ-kheo:
– Hãy đến, này Tỷ-kheo, nhân danh Ta, hãy gọi Tỷ-kheo ấy và nói: “Này Hiền giả, bậc Đạo sư cho gọi Hiền giả”.
6) – Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
 Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tỷ-kheo kia; sau khi đến nói với Tỷ-kheo ấy:
– Thưa Hiền giả, bậc Đạo sư cho gọi Hiền giả.
7) – Thưa vâng, này Hiền giả.
 Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tỷ-kheo kia, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
8) Thế Tôn nói với Tỷ-kheo đang ngồi xuống một bên:
– Có thật chăng, này Tỷ-kheo, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, sau khi vào Tinh xá, Ông rảnh rỗi, im lặng, phân vân (không biết làm gì), không phụ việc với các Tỷ-kheo trong thời gian may y?
– Bạch Thế Tôn, con làm việc của con.
9) Rồi Thế Tôn, với tâm của mình biết tâm Tỷ-kheo ấy, liền gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, các Ông chớ có bực phiền với Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này chứng được không có khó khăn, chứng được không có mệt nhọc, chứng được không phiền phức bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú. Vị ấy còn tự mình ngay trong hiện tại, chứng tri, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này, con các lương gia chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
10) Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ sau khi nói xong, bậc Đạo sư lại nói thêm:
Kẻ sống buông thả này,
Kẻ ít nghị lực này,
Không thể đạt Niết-bàn,
Giải thoát mọi khổ đau.
Vị Tỷ-kheo trẻ này,
Là một người tối thượng,
Chiến thắng ma quân xong,
Thọ trì thân tối hậu.
V. THIỆN SANH (Tạp, Đại 2,276a, 374a) (S.ii,278)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Sujàta đi đến Thế Tôn.
3) Thế Tôn thấy Tôn giả Sujàta từ đằng xa đi đến; thấy vậy, liền gọi các Tỷ-kheo:
4) – Cả hai phương diện, này các Tỷ-kheo, thiện nam tử này thật sự chói sáng. Vị ấy đẹp trai, ưa nhìn, khả ái, đầy đủ với nhan sắc tối thượng. Vị ấy còn ngay trong hiện tại tự mình chứng tri, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, mà vì mục đích này, con các lương gia chơn chánh xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
5) Thế Tôn nói như vậy xong... Bậc Đạo sư, lại nói thêm:
Tỷ-kheo này sáng chói,
Với tâm tư chánh trực,
Ly kiết sử, ly ách,
Không chấp, không sanh lại,
Chiến thắng ma quân xong,
Thọ trì thân tối hậu.
VI. BHADDI (Tạp 38.2, Ố Sắc, Đại 2,276a, 374a) (S.ii,279)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya đi đến Thế Tôn.
3) Thế Tôn thấy Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya từ xa đi đến; sau khi thấy, liền gọi các Tỷ-kheo:
4) – Các Ông có thấy không, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kia đang đi đến, xấu xí, khó nhìn, còm lưng, bị các Tỷ-kheo khinh miệt?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
5) – Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, có đại thần thông, có đại uy lực. Thật không dễ gì đạt được chứng đắc mà trước kia vị Tỷ-kheo ấy chưa đắc. Và cả đến mục đích mà con một lương gia xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình. Tức vị ấy còn tự mình, ngay trong hiện tại, chứng tri, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này, con các lương gia xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
6) Thế Tôn thuyết như vậy, Bậc Thiện Thệ nói xong, bậc Đạo sư lại nói thêm:
Thiên nga, cò, chim, công,
Voi và nai có chấm,
Tất cả sợ sư tử,
Dầu thân không đồng đều.
Cũng vậy, giữa loài Người,
Nếu kẻ có trí tuệ,
Ở đấy vị ấy lớn,
Không như thân kẻ ngu.
VII. VISÀKHA (Tạp, 38.8, Ban Xà Văn, Đại 2,277b, 377c) (S.ii,280)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Vesàli (Tỳ-xá-ly), tại Mahàvana (Đại Lâm) chỗ Trùng Các giảng đường.
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Visàkha, thuộc dòng họ Pancàla, trong giảng đường đang thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, với những lời lễ độ, thân hữu, không phun nước miếng, giải thích nghĩa lý, thích hợp, không chấp trước.
3) Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến giảng đường; sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
4) Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, trong hội trường, ai đã thuyết giảng pháp thoại cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, với những lời lễ độ, thân hữu, không phun nước miếng, giải thích nghĩa lý, thích hợp, không chấp trước?
5) – Bạch Thế Tôn, Tôn giả Visàkha thuộc dòng họ Pancàla, trong hội trường thuyết giảng pháp thoại cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, với những lời lễ độ, thân hữu, không phun nước miếng, giải thích nghĩa lý, thích hợp, không chấp trước.
6) Rồi Thế Tôn cho gọi Tôn giả Visàkha, thuộc dòng họ Pancàla và nói:
– Lành thay, lành thay, Visàkha! Lành thay, này Visàkha! Ông thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ... không chấp trước.
7) Thế Tôn thuyết như vậy, bậc Thiện Thệ thuyết như vậy, bậc Đạo sư lại nói thêm:
Họ biết bậc Hiền triết,
Khi vị này lẫn lộn,
Với các kẻ ngu si,
Dầu vị này không nói.
Và họ biết vị ấy,
Khi vị này nói lên,
Nói lên lời thuyết giảng,
Liên hệ đến bất tử;
Hãy để vị ấy nói,
Làm sáng chói Chánh pháp;
Hãy để vị nêu cao
Lá cờ các bậc Thánh.
Lá cờ bậc Hiền Thánh,
Là những lời khéo nói,
Lá cờ bậc Hiền Thánh,
Chính là lời Chánh pháp.
VIII. NANDA (Đại, 2,277a, 375a) (S.ii,281)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Nanda, con di mẫu của Phật, đắp những y khéo ủi, khéo là, bôi vẽ mắt, cầm bát sáng chói, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với Tôn giả Nanda đang ngồi xuống một bên:
3) – Như vậy không xứng đáng cho Ông, này Nanda, là con một lương gia, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại mang những y khéo ủi, khéo là, bôi vẽ con mắt và mang bát sáng chói. Như vậy là xứng đáng cho Ông, này Nanda, là con một lương gia, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tức là sống trong rừng, sống đi khất thực, sống mặc áo phấn tảo, và sống không mong đợi các dục vọng.
4) Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Đạo sư lại nói thêm:
Ta mong được nhìn thấy,
Nanda sống trong rừng,
Mặc áo phấn tảo y,
Sống với những đồ ăn,
Biết là đã vứt bỏ,
Không mong chờ dục vọng.
5) Rồi Tôn giả Nanda, sau một thời gian, trở thành một vị sống trong rừng, ăn đồ ăn khất thực, mang y phấn tảo, không mong đợi các dục vọng.
IX. TISSA Tạp 38.7, Oa? Sư, Đại 2,277b, 375b. (S.ii,281)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Tissa, cháu của phụ vương Thế Tôn đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên, khổ đau, sầu muộn, nước mắt tuôn chảy.
3) Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Tissa:
– Này Tissa, vì sao Ông ngồi khổ đau, sầu muộn, nước mắt tuôn chảy?
4) – Vì rằng, bạch Thế Tôn, các vị Tỷ-kheo nhất loạt mắng nhiếc và nhạo báng con.
5) – Vì rằng, này Tissa, Ông nói tất cả và không kham nhẫn người khác nói.
6) Như vậy không xứng đáng cho Ông, này Tissa, là con một lương gia, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại nói tất cả và không kham nhẫn người khác nói. Như vậy là xứng đáng cho Ông, này Tissa, là con một lương gia, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tức là đã nói lời kham nhẫn người khác nói.
7) Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Đạo sư lại nói thêm:
Sao Ông lại phẫn nộ?
Chớ có nên phẫn nộ,
Không phẫn nộ, Tissa,
Thật tốt đẹp cho Ông.
Hãy nhiếp phục phẫn nộ,
Kiêu mạn và xan tham,
Hỡi Tissa, hãy sống,
Sống đời sống Phạm hạnh.
X. TÊN TRƯỞNG LÃO (Tạp 38.19, Trưởng Lão, Đại 2,278a, 376b) (S.ii,282)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương xá), Veluvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ một Tỷ-kheo tên là Theranàmaka sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú. Vị ấy đi vào làng khất thực một mình, đi về một mình, ngồi vắng lặng một mình, đi kinh hành một mình.
3) Rồi các Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
4) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, có Tỷ-kheo tên là Theranàmaka sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú... đi kinh hành một mình.
5) Rồi Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo:
– Này Tỷ-kheo, hãy đến, hãy nhân danh Ta gọi Tỷ-kheo Thera: “Này Hiền giả Thera, bậc Đạo sư gọi Hiền giả”.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn rồi đi đến Tỷ-kheo Thera.
6) Sau khi đến, Tỷ-kheo ấy nói với Tỷ-kheo Thera:
– Này Hiền giả Thera, bậc Đạo sư gọi Hiền giả.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Thera vâng đáp Tỷ-kheo ấy và đi đến Thế Tôn.
7) Sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
8) Thế Tôn nói với Tôn giả Thera đang ngồi một bên:
– Có thật chăng, này Thera, Ông sống độc trú và tán thán hạnh độc trú?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
9) – Như thế nào, này Thera, Ông sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú?
10) – Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi vào làng khất thực một mình, con đi về một mình, con ngồi vắng lặng một mình, con đi kinh hành một mình. Như vậy, bạch Thế Tôn, con sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú.
11) – Đấy là sống độc trú, này Thera, Ta không nói đấy không phải vậy. Này Thera, có một cách làm viên mãn độc trú với các chi tiết. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
12) – Này Thera, thế nào là độc trú được làm viên mãn với các chi tiết? Ở đây, này Thera, cái gì đã qua được đoạn tận; cái gì sắp đến được từ bỏ; đối với những tự ngã, lợi đắc hiện tại, dục tham được khéo nhiếp phục. Như vậy, này Thera, là độc trú được làm viên mãn với các chi tiết.
13) Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Đạo sư lại nói thêm:
 Ai chiến thắng tất cả,
Ai hiểu biết tất cả,
Ai là bậc Thiện trí,
Mọi pháp không ô nhiễm.
Ai từ bỏ tất cả,
Ái tận được giải thoát,
Ta nói chính người ấy,
Thật là vị độc trú.
XI. KAPPINA (S.ii,284)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Mahà Kappina đi đến Thế Tôn.
3) Thế Tôn thấy Tôn giả Mahà Kappina từ đường xa đi đến.
4) Sau khi thấy, Thế Tôn liền gọi các Tỷ-kheo:
– Các Ông có thấy không, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo kia đi đến, da bạc trắng, ốm yếu, với cái mũi cao?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
5) – Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, có đại thần thông, có đại uy lực. Thật không dễ gì đạt được sự chứng đắc mà trước kia vị Tỷ-kheo ấy chưa chứng đắc. Vị ấy còn ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, mà vì mục đích này, con các lương gia chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
6) Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ thuyết như vậy xong, bậc Đạo sư lại nói thêm:
Sát-lỵ là tối thượng,
Giữa mọi loài chúng sanh,
Với những ai nương tựa,
Vào vấn đề giai cấp.
Bậc Minh Hạnh cụ túc,
Tối thượng giữa Trời, Người,
Ngày, mặt trời chói sáng,
Đêm, mặt trăng chói sáng,
Trong tấm áo chiến bào,
Sát-lỵ được chói sáng.
Trong Thiền định, Thiền tri,
Bà-là-môn chói sáng,
Nhưng suốt cả đêm ngày,
Phật chói sáng hào quang.
XII. THÂN HỮU (S.ii,285)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi hai Tỷ-kheo thân hữu, đệ tử của Tôn giả Mahà Kappina, đi đến Thế Tôn.
3) Thế Tôn thấy hai Tỷ-kheo ấy từ đàng xa đi đến.
4) Thấy vậy, Thế Tôn liền gọi các Tỷ-kheo:
– Các Ông có thấy không, này các Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo thân hữu ấy đang đi tới, cả hai là đệ tử của Tôn giả Mahà Kappina?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
5) – Hai Tỷ-kheo ấy có đại thần thông, có đại uy lực. Thật không dễ gì đạt được sự chứng đắc mà trước kia những Tỷ-kheo ấy chưa chứng đắc. Các vị ấy còn ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đắc và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, mà vì mục đích này, con các lương gia chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
6) Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Đạo sư lại nói thêm:
Tỷ-kheo thân hữu này,
Lâu ngày cùng chung sống,
Chung sống trong diệu pháp,
Diệu pháp, Phật thuyết giảng.
Tôn giả Kappina
Khéo léo huấn luyện họ,
Trong Chánh pháp vi diệu,
Do bậc Thánh thuyết giảng,
Chiến thắng ma quân xong,
Thọ trì thân tối hậu.
HẾT TẬP II
MỤC LỤC KINH TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP II: THIÊN NHÂN DUYÊN
CHƯƠNG MỘT: TƯƠNG ƯNG NHÂN DUYÊN
I. PHẨM PHẬT-ĐÀ.
II. PHẨM ĐỒ ĂN
III. PHẨM MƯỜI LỰC
IV. PHẨM KALARA - VỊ SÁT-ĐẾ-LỴ
V. PHẨM GIA CHỦ
VI. PHẨM CÂY
VII. PHẨM ĐẠI
VIII. PHẨM SA-MÔN, BÀ-LA-MÔN
IX. PHẨM TRUNG LƯỢC
CHƯƠNG HAI: TƯƠNG ƯNG MINH KIẾN
CHƯƠNG III: TƯƠNG ƯNG GIỚI
I. PHẨM SAI BIỆT
PHẦN MỘT: NỘI GIỚI NĂM KINH
PHẦN HAI: NGOẠI GIỚI NĂM KINH
II. PHẨM THỨ HAI
III. PHẨM NGHIỆP ĐẠO
IV. PHẨM THỨ TƯ
CHƯƠNG BỐN: TƯƠNG ƯNG VÔ THỈ (ANAMATAGGA)
I. PHẨM THỨ NHẤT
II. PHẨM THỨ HAI
CHƯƠNG NĂM: TƯƠNG ƯNG KASSAPA
CHƯƠNG SÁU: TƯƠNG ƯNG LỢI ĐẮC CUNG KÍNH
I. PHẨM THỨ NHẤT
II. PHẨM THỨ HAI
III. PHẨM THỨ BA
IV. PHẨM THỨ TƯ
CHƯƠNG BẢY: TƯƠNG ƯNG RÀHULA
I. PHẨM THỨ NHẤT
II. PHẨM THỨ HAI
CHƯƠNG TÁM: TƯƠNG ƯNG LAKKHANA
I. PHẨM THỨ NHẤT
II. PHẨM THỨ HAI
CHƯƠNG CHÍN: TƯƠNG ƯNG THÍ DỤ
CHƯƠNG X: TƯƠNG ƯNG TỶ-KHEO
HẾT TẬP II KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Nguyện đem công công đức hoàn thiện phiên bản điện tử 5 bộ Nikaya, hồi hướng hết thảy chúng sanh, nghe được chánh pháp, thấy được chánh pháp, sống trong chánh pháp, liễu tri chánh pháp, rốt ráo đều thành tựu quả vị tối thượng bồ đề. Và nguyện cho Phật giáo Việt Nam sớm có được bộ Đại Tạng Kinh hoàn chỉnh.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.7/5/2016.MHDT.

No comments:

Post a Comment