BA LẦN CẢNH CÁO KHI SẮP NHẬP NIẾT BÀN
của PHẬT THÍCH CA.
PHẬT sắp nhập niết bàn, khai thị lần cuối cùng có ba lần cảnh cáo. Lúc bây giờ Đức Thế Tôn từ sơ thiền đến nhị thiền, tam thiền cho đến nhập diệt tận định, rồi từ diệt tận định trở ngược lại, cho đến sơ thiền. Thuận nghịch như vậy ra vào chín bậc thiền định xong, nói với đại chúng rằng :“Ta dùng bát nhã thâm sâu, quán khắp tất cả lục đạo trong tam giới, căn bản tánh lìa, cuối cùng tịch diệt, đồng với tướng hư không, vô danh vô thức, tình chấp đoạn diệt, vốn là bình đẳng, chẳng cao chẳng thấp, chẳng thấy chẳng nghe, chẳng tri chẳng giác, chẳng thể trói buộc, chẳng thể giải thoát, vô chúng sanh, vô thọ mạng, chẳng sanh chẳng khởi, chẳng tận chẳng diệt, phi thế gian phi phi thế gian, Niết Bàn sanh tử đều bất khả đắc, nhị tế (trước, sau) bình đẳng, các pháp bằng nhau việc làm đồng như chẳng làm, cứu cánh yên tịnh. Từ pháp vô trụ, hành theo pháp tánh, dứt tất cả tướng, chẳng có một vật, pháp tướng như thế đều bất khả đắc. Những kẻ biết được gọi là người xuất thế gian, việc này chẳng biết gọi là sanh tử bắt đầu, các người cần phải đoạn dứt vô minh, diệt sự bắt đầu của sanh tử”.
Lần thứ nhì, cũng từ Sơ thiền cho đến Diệt tận định, rồi từ Diệt tận định trở ngược lại cho đến Sơ thiền. Thuận nghịch ra vào chín bậc thiền định xong, lại nói với đại chúng rằng :
“Ta dùng Ma Ha Bát Nhã quán khắp hữu tình vô tình trong tam giới, tất cả người và pháp đều là cứu cánh, chẳng có kẻ trói buộc, chẳng có người giải thoát, vô trụ vô y (chẳng nơi nương tựa) chẳng thể nhiếp trì, chẳng vào tam giới, vốn là thanh tịnh, chẳng cáu bẩn, chẳng phiền não, bằng với hư không, bất bình đẳng, phi bất bình đẳng, tất cả tư tưởng động niệm trong tâm đều ngưng nghỉ, pháp tướng như thế gọi là đại Niết Bàn, chơn thật thấy được pháp này gọi là giải thoát, phàm phu chẳng thấy gọi là vô minh”.
Nói xong nhập Siêu thiền lần thứ ba, từ Sơ thiền cho đến Diệt tận định, rồi từ Diệt tận định trở ngược lại cho đến Sơ thiền, lại nói với đại chúng rằng :
“Ta dùng Phật nhãn quán khắp tất cả các pháp trong tam giới, thực tế của vô minh tánh vốn giải thoát, tìm khắp mười phương đều chẳng thể được. Vì căn bản của vô minh chẳng có, nên nhánh lá của vô minh đều sẵn giải thoát, vì vô mình giải thoát nên lão tử đều được giải thoát . Do nhân duyên này nay ta an trụ nơi Thường Tịch Diệt Quang (ánh sáng thường tịch diệt) gọi là đại Niết Bàn”.
Lời cảnh cáo kể trên đề do lòng đại bi bất khả tư nghì của Phật, thuận nghịch nhập siêu thiền rồi nói ra. Kẻ gặp được sự dạy bảo này, nên lấy xương mình làm bút, lột da mình làm giấy, chít máu mình làm mực, viết ra để cạnh mình, chẳng nên giậy phút tạm quên, chẳng nên sát na mất sự chiếu soi. Theo ba lần cảnh cáo cuối cùng của Phật, quán tất cả pháp trong tam giới, nói bản tánh vô minh vốn là giải thoát, cho nên khắp mười phương trong pháp giới, hoặc hữu tình, hoặc vô tình, hoặc hữu tánh, hoặc vô tánh, núi sông,đất đai, cỏ cây, người, vật … Chẳng trong tam giới, chẳng ngoài tam giới, chẳng theo sanh tử, chẳng trụ Niết Bàn, đều đồng nhất tâm của chơn như diệu tánh. Nếu tín giải như vậy thì đốn ngộ được nhất thừa. Chẳng còn lời bí mật nào hơn ý chỉ này !
Hỏi : “Theo tục đế thì thánh phàm khác nhau, phàm phu vọng chấp thấy nghe, ngoài tâm kiến lập các pháp, bậc Thánh đã liễu ngộ nhất tâm, lại sao lại đồng thấy nghe như phàm phu ?
Đáp : “Bậc Thánh dù có thấy nghe, nhưng chẳng có chấp trước, luôn luôn diễn đạt vạn vật chẳng thật, đồng như huyễn hóa”. Như Kinh Đại Niết Bàn, Bồ Tát Ca Diếp bạch Phật rằng : “Thế Tôn, nếu phiền não từ điên đảo tưởng sanh ra, thì tất cả các bậc Thánh đều thật có điên đảo tưởng, mà tại sao chẳng có phiền não, vậy nghĩa này là thế nào ?”. Phật hỏi : “Tại sao nói bậc Thánh có điên đảo tưởng ?”. Ngài Ca Diếp nói : “Thế Tôn, tất cả bậc Thánh thấy trâu cũng gọi là trâu, thấy ngựa cũng gọi là ngựa, thấy nam nữ, lớn nhỏ, nhà cửa, xe cộ và khứ lai đều cũng vậy, thế là điên đảo tưởng rồi !”. Phật nói : “Phàm phu có hai thứ tưởng, một là thế lưu bố tưởng (thế gian phổ biến lưu hành), hai là trước tưởng (tư tưởng chấp thật). Bậc thánh chỉ có thể lưu bố tưởng, chẳng có trước tưởng. Phàm phu vì sự cảm giác sai lầm, nơi thế lưu bố mà sanh ra trước tưởng, bậc Thánh vì hay chiếu soi thật tướng ; nơi thế lưu bố chẳng sanh trước tưởng, nên phàm phu gọi là điên đảo tưởng bậc Thánh dù biết nhưng chẳng gọi là điên đảo tưởng. Lại cảnh vốn tự không, đâu cần phải phá hoại sắc tướng rồi mới là không ! Vì chơn tâm của bậc Thánh thường tự chiếu, chẳng nhờ nhân duyên mới sanh khởi, phàm phu thì chấp trước tri kiến, có năng có sở”. Nên Triệu Luận nói : “Hễ có sở tri thì có sở bất tri, chơn tâm của bậc Thánh vô tri nên vô sở bất tri, cái tri của bất tri mới được gọi là Nhất thiết tri”.
Vậy kinh nói : “chơn tâm của bậc thánh vô tri, vô sở bất tri là đáng tin lắm. Cho nên bậc thánh nơi tâm trống rỗng mà sự chiếu soi chẳng thiếu sót, suốt ngày tri mà chưa từng tri là vậy. Cũng như nước trong thì thấy bóng, đâu có sanh tâm năng sở, cảnh và tâm đều không, chẳng có cái tư tưởng giác tri”.
Trong kinh Lăng Già, Phật nói với Bồ Tát Đại Huệ rằng : “Cảnh thế gian như bóng tượng trong gương, và cảnh giới chiêm bao, nhưng chẳng phải trước mắt của bậc thánh không có cảnh thế gian. Phàm phu vì tư tưởng mê lầm nên đuổi theo cảnh chấp thật, gọi là vô minh điên đảo, chẳng phải minh trí. Bậc Thánh thấy cảnh đồng như phàm phu, mà chẳng có tâm niệm chấp trước, nên chẳng gọi là điên đảo”.
Giải thích rằng : Như thí dụ kể trên tỏ rõ cảnh chỉ có một, mà sự thấy có khác. Bậc Thánh chẳng phải không thấy cảnh thế gian, mà khi thấy đồng như thấy mặt trăng trong nước và bóng tượng trong gương vậy.
Hỏi : - Sự thấy của phàm phu có năng thấy sở thấy, nên tâm và cảnh rõ ràng, vậy thì so với sự thấy của bậc Thánh làm sao phân biệt ?
Đáp : - Sự thấy của bậc Thánh Có và Không đồng thời chiếu soi, trong ngoài chẳng trụ, như tiếng dội trong hang, bóng hiện trong gương mà chẳng khởi tâm tác ý, sáng tỏ nhiệm mầu, tịch mà thường chiếu, nên nói là thường ở trong chánh niệm, cũng gọi là chánh tri. Kỳ thật, chẳng phải hữu niệm hữu tri, cũng chẳng phải vô niệm vô tri. Nếu chỉ vô niệm thì tịch mà mất sự chiếu soi, nếu chỉ có chiếu soi thì chiếu mà mất sự thường tịch, cả hai đều chẳng chánh. Chánh là ở chỗ Tịch và Chiếu đi song song với nhau.
Trong HOÀN NGUYÊN TẬP nói : “Tự tánh khởi chiếu, chiếu soi tất cả, liễu liễu tri mà vô sở tri, liễu liễu kiến mà vô năng kiến, trong ngoài sáng tỏ,cùng khắp pháp giới, cũng gọi là vô chướng ngại, nhãn của Phật TỲ LÔ GIÁ NA, tràn khắp mười phương chiếu soi tất cả quốc độ Phật” tức là nghĩa này vậy.
Lại nói : - Tâm hay làm Phật, hay làm chúng sanh, hay làm thiên đàng, hay làm địa ngục, hễ tâm có sai biệt thì muôn ngàn cảnh giới sanh khởi, hễ tâm bình đẳng thì pháp giới trống rỗng yên tịnh. Tâm phàm thì tam độc nổi lên, tâm thánh thì lục thông tự tại, tâm không thì nhất đạo trong sạnh, tâm hữu thì muôn cảnh tung hoành, như tiếng vang trong hang, lời hùng dội tiếng mạnh, như gương soi tướng, hình lõm hiện bóng co. thế thì biết vạn hạnh do tâm, tất cả tại ta. Bên trong hư thì bên ngoài chẳng thật, bên ngoài tế thì bên trong chẳng thô, thiện nhân tất gặp thiện duyên, ác hạnh khó tránh ác cảnh, sự vui của thiên đàng, sự khổ của địa ngục đều là tự tâm làm ra, chẳng phải người khác lãnh thọ, chẳng do trời sanh, chẳng do đất mọc, chỉ tại nhất niệm ban đầu của mình, nên có sự thăng trầm như thế.
Muốn được bên ngoài an hòa thì bên trong cần phải bình tĩnh, tâm không thì cảnh tịch,niệm khởi thì pháp sanh, nước đục thì làn sóng đen tối, nước trong thì bóng trăng sáng tỏ. Sự cần thiết của người tu hành đều chẳng ra ngoài những việc kể trên, gọi là cửa ải của chúng diệu, cũng là quê nhà của vạn linh, căn bản của thâm trầm và nguồn gốc của họa phước. Chỉ cần tự tâm luôn luôn được chánh niệm, đâu thể nghi ngờ cảnh giới bên ngoài ! Cho nên, hễ lìa được tội hạnh, phước hạnh, bất động hạnh của chúng sanh, thì chẳng có quả báo khổ vui của tam giới, hễ lìa được kiến văn giác tri của chúng sanh thì đâu có cảnh giới của ngũ uẩm, lục căn, lục trần và lục thức ! Nên biết, mê ngộ do thức, nhiễm tịnh do tâm, ấy cũng là mục tiêu của tiền triết hậu học, chỉ thị của muôn ngàn Kinh Luận vậy.
Trong kinh lăng già có bài kệ rằng : “Tâm niệm như nắm đất, làm ra như chén bát (chén bát dụ cho chúng sanh, nắm đất dụ cho tự tâm), mỗi thứ dụ khác nhau, tất cả do tâm tạo”. Nếu nhất niệm chẳng sanh thì các duyên tự dứt, nên nói : “Nhất niệm tâm chẳng sanh thì các duyên tự dứt, nên nói : “Nhất niệm tâm chẳng sanh, vạn pháp không sai”. Hiện nay, hoặc tham sanh sợ chết ; hoặc lo sống lo già ; hoặc bỏ vọng bỏ thân, tùy theo tư tưởng mà tạo tác, nghiệp quả xoay chuyển mãi không dừng. Nếu liễu đạt sanh tử vô sanh, vọng tức vô vọng, một niệm tâm tịch, vạn lự (tất cả tâm và pháp) đều tiêu. Vậy thì biết hễ tâm ngộ là xong, chẳng còn pháp nào hơn nữa.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.15/2/2015.
No comments:
Post a Comment