Hằng năm, cứ mỗi độ mùa Phật đản về – thì khắp nơi khắp chốn – ở đâu – hình ảnh đức Phật hiện hữu, ngự trị ở đó không khí càng vui tươi, nhộn nhịp. Đó là tất cả những người con Phật hân hoan đón mừng ngày Phật đản. Kỷ niệm Phật đản là tưởng nhớ, ôn lại và tri ân về sự ra đời vĩ đại của đức Phật.
Nguyện vọng của tất cả chúng sinh là “muốn hạnh phúc, tránh đau khổ”. Sự mong mỏi hay xu hướng đến hạnh phúc và tránh đau khổ không hề có giới hạn. Đó là một sự kiện rất tự nhiên, và cũng rất chánh đáng. Sự hiện hữu của đức Thích-ca-mâu-ni Thế Tôn trên quả đất này cách đây hai mươi lăm thế kỷ – quả thật – cũng không ngoài mục đích đó của vạn loại chúng sinh.
Là đệ tử của đức Phật, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần được nghe sự giảng bày ý nghĩa về hình tượng bảy bước hoa sen. Bảy bước ấy là những bước chân trên con đường hạnh phúc, đưa đến hạnh phúc mỹ mãn, bất tận.
Trong không khí trang nghiêm và thành kính cùng muôn vạn trái tim người con Phật – xin cùng chia sẻ với nhau, nhân mùa Phật đản, các ý nghĩa đã từng được nghe từ các bậc Thầy về những hình ảnh trong khung cảnh mà đức Từ phụ đản sinh – qua đó, chúng ta sẽ có thể hiểu được điều gì, giúp chúng ta trong đời sống nhằm có thêm phẩm chất hạnh phúc trong cuộc tồn sinh tương quan này. |
Kinh Ưu Bà Di Pháp Môn Tịnh Hạnh – phẩm Thuỵ Ứng kể rằng: “Sau khi mang thai đấng Đại thánh – gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa, hoàng hậu Ma-gia theo phong tục trở về quê hương để sinh nở. Trên đường về, nghỉ chân ở một công viên xinh đẹp gọi là vườn Lâm-tỳ-ni, hoàng hậu khoan thai dạo bước trong vườn hưởng một bầu không khí trong lành, khỏe khoắn sau chặng đường dài mệt nhọc. Đến dưới một gốc Vô ưu, nhìn đoá Ưu-đàm ngàn năm một lần khoe sắc đưa hương – bất giác – hoàng hậu Ma-gia giơ cánh tay phải lên hái hoa – liền đó từ phía hông hữu đức Phật đản sinh – nhẹ nhàng đi bảy bước trên bảy hoa sen, mỗi bước nhìn mỗi phương: 1, thị Đông phương giả, vị chư chúng sinh tác đạo sư cố; 2, thị Nam phương, vị chư chúng sinh tác lương phước điền cố; 3, thị Tây phương giả, ngã sinh dĩ tận thị tối hậu thân cố; 4, thị Bắc phương giả, ư nhất thiết chúng sinh, ngã đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-bồ-đề cố; 5, thị Hạ phương giả, vị dục phá ma binh chủng linh kì thời tận cố; 6, thị Thượng phương giả, vị chư thiên nhân chi sở quy y cố; 7. Đến bước cuối cùng, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và tuyên bố rằng: 'Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn'. Nói xong, chư thiên dâng hai dòng nước nóng lạnh tắm cho Ngài. Và Ngài trở lại như mọi đứa trẻ bình thường”.
Hình ảnh đức Phật đản sinh và bảy bước hoa sen ấy là một biểu tượng rất ý nghĩa mà nhà Đại thừa mô tả sự đản sinh của đức Phật. Sự xuất hiện của một vị Phật – hay nói một cách rõ hơn, một chúng sinh từ thân phận phàm phu, muốn đạt đến quả vị Phật, phải trải qua lộ trình bảy bước hoa sen ấy.
Bước thứ nhất: nhìn về phương Đông, Ngài nói: "Thị Đông phương giả, vị chư chúng sinh tác đạo sư cố" (nhìn về phương Đông, vì các chúng sinh làm người dẫn đường tối thượng). Phương Đông là phương mặt trời mọc. Mặt trời biểu hiện cho ánh sáng của trí tuệ, của sự hiểu biết lớn. Đó là bao gồm toàn bộ hành trình hình thành một tri thức, xây dựng một Phàm tuệ đến Thánh tuệ. Thế nào là Phàm tuệ? Đó là ta phải có một tri thức, rồi từ đó, bằng sự suy tư chính chắn biết được như thế nào là một lẽ sống hay, đẹp ở cuộc đời – một trí tuệ ở địa vị phàm phu, chúng sinh. Nhưng là một con người khác với con người thác loạn của chúng ta trước đây. Người xưa đã từng nói, phải là một con người cho trọn trước khi thành một vị Phật. Đạo Phật chỉ dạy hai điều cốt yếu là từ bi và trí tuệ. Nói nôm na là sự hiểu biết và thương yêu. Sự hiểu biết đích thực là sự hiểu biết theo những chân lý Phật dạy. Khi ấy, sự hiểu biết chính là thương yêu, và ngược lại. Trí tuệ chính là Từ bi, Từ Bi chính là Trí Tuệ.
Có câu: “Có hiểu mới thương được”. Tình yêu thương, ở đời, mấy ai sống mà không cần. Tình thương của thường tình không mấy khi không đượm thắm tánh chất vị kỷ. Đó là một thứ tình thương thiết tha mong muốn được (người kia) nhận ra rồi đòi hỏi được đáp lại. Và chỉ cho riêng mình – Nó, thật ra, chỉ làm khổ cho nhau thì nhiều hơn. Đến như những kẻ tỏ ra bất cần đời thì đó cũng là biểu hiện của một tình thương vị kỷ tột đỉnh mà bị phủ nhận hoặc không được đáp ứng. Cho nên, "sự thương yêu" là một thứ gì mà không thể thiếu của đời sống. Nó bàng bạc trong khắp các mối quan hệ giữa vợ chồng, cha con, bè bạn, xóm giềng, thân thích. Trong cuộc sống tương quan tương duyên này – nếu ai cũng hành xử cứng nhắc với đơn thuần trong bổn phận và trách nhiệm không thôi, mà không xuất phát từ một tấm lòng thương mến thật sự – thì cuộc sống này sẽ đơn điệu lắm, không sắc màu, và chẳng có nhịp cầu giao cảm nào được bắc nối cho tình người ấm cúng. Ta dễ dàng thấy rằng, ngoài bổn phận và trách nhiệm, tình cha mẹ thương con cái là một tình cảm thiên phú, rất tự nhiên. Cũng chính tình cảm ấy mới khơi dậy, phát sinh tấm lòng hiếu thảo của con trẻ, dù là đứa ngỗ nghịch nhất. Cũng chính từ sự thành thật mà mối thiện cảm bè bạn thêm thắt chặt. Sự quan tâm thật lòng với bà con xóm giềng thân thuộc của nhau mới làm cho tình người ngày thêm gắn bó keo sơn. Và để nuôi dưỡng tình thương ấy cho dài lâu và đúng nghĩa mang lại an lạc cho nhau, thì chất liệu duy nhất và đầu tiên phải là sự hiểu biết. Nếu hiểu chưa rõ ràng, thấu đạt – chúng ta sẽ dễ dàng có những lời nói, cử chỉ vụng về mà nó càng làm khổ cho nhau thôi. Và để có thái độ sáng suốt để sống yêu thương – ta phải học hỏi, phải hiểu biết. Hiểu biết những gì? Là Phật tử, ta phải hiểu rõ giáo lý, những phương thức sống đức Phật đã dạy – Mà không gì căn để và quan trọng hơn là giáo lý Nhân quả. "Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó". Chúng ta, theo đó để nhận xét rõ về những hành vi thế nào là ác, là thiện để chọn lựa thực hiện. Vậy như thế nào là thiện? Phật dạy: một ý nghĩ, lời nói hay hành động nào đem lại lợi ích an lạc cho mình, an lạc cho người, an lạc cả hai, an lạc cho tất cả, trong hiện tại cho đến cả tương lai – đó gọi là thiện; và ngược lại. Như thế, một khi ta bắt đầu sống theo đó, tức là ta đã đi thêm một bước nữa theo chân đức Phật.
Bước thứ hai: nhìn về phương Nam, Kinh nói rằng: "Thị Nam phương giả, vị chư chúng sinh tác lương phước điền cố" (Nhìn về phương Nam, vì các chúng sinh làm ruộng phước tốt).
Theo lời Phật dạy để sống là chúng ta bắt đầu tạo phước đức cho mình – nghĩa là chúng ta bắt đầu tu tập, bắt đầu chuyển nghiệp, hình thành thiện nghiệp. Điều đó có nghĩa là sự quy y vậy.
Yếu tố trở thành một Phật tử là sự quy y – nghĩa là quay lại mà nương tựa, mà sống theo Tam bảo – trong tâm thức có sự xoay chiều, đổi hướng. Đó là một quyết định quan trọng và lợi ích cho đời mình. Từ đây, ta từ bỏ chiều sống mê mờ, thác loạn hay làm khổ cho nhau, bằng thân (đánh đập...), bằng lời (nói cay nghiệt, đâm thọc, xốc nhọn hai đầu...), bằng ý (xảo quyệt, ác độc) mà thay vào đó bằng chiều sống giác ngộ – biết ý thức về nhân quả nghiệp báo, biết suy xét trước hậu quả của việc mình làm để tạo an vui cho nhau. Nên khi quy y tức là rạch đôi đời mình ra – vừa kết thúc sự sống luân hồi, khổ đau; vừa mở đầu sự sống giải thoát, hạnh phúc.
Mở đầu sự sống giải thoát, hạnh phúc – ta phải quay về nương tựa những yếu tố mang phẩm tính giải thoát, hạnh phúc – đó là Tam bảo – Phật, Pháp, Tăng. Phật là đấng đã giác ngộ, giải thoát và thuyết minh giáo lý, sự thật. Tăng là đoàn thể những người thực hành và hoằng truyền những giáo lý giải thoát ấy. Pháp là nội dung giáo lý. Như thế gọi là Tam bảo. Bảo là quý. Tam bảo là ba sự quý báu trên thế gian. Bởi lẽ chúng ta dễ dàng thấy rõ rằng, vàng bạc, tiền của không hẳn là yếu tố quyết định sự bình an hạnh phúc, mặc dù nó có khả năng góp phần hạnh phúc. Nhưng đôi khi nó đem lại sự chia rẽ, hạân thù, giết chóc, gây khổ đau cho nhau. Chỉ có những phương thức sống vui, sự bình an trong tâm hồn mới đưa đến niềm hạnh phúc chân thực và vững bền hơn. "Không có hạnh phúc nào lớn hơn bằng sự yên tĩnh của tâm hồn". Cho nên, ta có thể định nghĩa một cách nôm na rằng, Phật giáo là một cách làm cho đời sống có ý nghĩa . Sự quy y hay học Phật Pháp cũng như sự nghe Pháp của chúng ta hôm nay – điều tiên yếu và căn trọng nhất mà người Phật tử chúng ta cần có là Chánh kiến để nhận chân đâu là lẽ sống đúng, tốt, đẹp mà mình phải theo. Và mình tự phát nguyện làm theo. Đó chính là sự phát nguyện lãnh thọ và hành trì năm giới – hay nói cách khác là năm nhân cách làm người thiện lành trong nhân loại. Vì như trước đã nói, phải là một con người trọn vẹn trước khi thành Phật (năm điều nên giữ để hoàn thiện nhân cách).
Nhân cách thứ nhất: Ý thức rằng, thân mạng là vốn quý nhất. Vì vậy con nguyện bảo vệ thân mạng của mình một cách cẩn thận. Không tự phá hoại nó bằng những thứ có độc tố. Con nguyện làm người lương thiện, bằng cách lấy lý trí để hóa giải khổ đau, lấy từ tâm để yêu thương tất cả. Con nguyện không giết hại, cũng không tán thành sự giết hại. Không gây chiến tranh, cũng không tán thành chiến tranh.
Nhân cách thứ hai: Ý thức rằng, sống là phải có vật cung ứng cho sự sống. Con nguyện tạo ra nguồn sống để nuôi thân bằng bàn tay, khối óc, và con tim của mình. Con nguyện không trộm cắp, cũng không tán thành sự trộm cắp dưới mọi hình thức. Con nguyện thực hiện lương thiện bằng cách lấy trí tuệ và phước đức ra làm lợi người, nhằm lành mạnh hóa thế gian, để đem đến hạnh phúc cho cuộc sống tương duyên này.
Nhân cách thứ ba: Ý thức rằng, mưu cầu hạnh phúc lứa đôi là điều mà những người sắp trưởng thành trong thế gian đều mong ước. Con nguyện bảo vệ hạnh phúc lứa đôi, không sinh tâm ngoại tình, lang chạ nhằm bảo vệ hạnh phúc cho gia đình, thanh bình cho xã hội và an toàn cho giống nòi. Con nguyện làm người lương thiện, không gây khổ đau cho cuộc sống, cũng không tán thành những hành vi đem đến khổ đau cho mọi lứa đôi và mọi gia đình.
Nhân cách thứ tư: Ý thức rằng, lời nói có thể đem đến hạnh phúc hay khổ đau. Con nguyện không nói những lời cộc cằn, thô lỗ, tục tĩu, mỉa mai, gây chia rẽ, hận thù, mất đoàn kết. Con nguyện không nói sai sự thật, trừ lúc vị tha. Con nguyện không loan truyền, cũng không phê phán những gì con không biết rõ. Con ý thức rằng, ngôn ngữ là tài sản chung của mọi người, nên nguyện dùng lời hay ý đẹp để đi vào cuộc sống. Nguyện thực tập hạnh ái ngữ, dùng lời nói nhẹ nhàng, êm ái, thân thương, xây dựng, đoàn kết và hòa hợp; nhằm hóa giải những nội kết do hiểu lầm nhau. Con nguyện thực hiện chánh ngữ, nhằm làm trong sáng ngôn từ, lành mạnh hóa xã hội, bảo vệ tiếng nói tốt đẹp cho giống nòi.
Nhân cách thứ năm: Ý thức rằng, Trí tuệ là ngọn đuốc soi đường đến chân, thiện, mỹ. Con nguyện luôn luôn giữ gìn sự định tĩnh và trong sáng của tâm hồn. Nguyện không sử dụng ma túy, và những độc tố tác hại thân tâm như rượu, thuốc lá, kể cả những sản phẩm có pha chế hóa chất gây ra ung thư và bệnh tật. Con nguyện không sử dụng những sản phẩm độc hại tâm hồn như phim ảnh, sách báo, băng từ có nội dung không lành mạnh cho thân tâm, gây chiến tranh, bạo động đưa đến hận thù. Nguyện chỉ tiêu thụ những sản phẩm bổ ích cho thân tâm, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, an vui cho gia đình, lành mạnh hóa giống nòi, thanh bình cho cuộc sống.
Đó là năm nhân cách căn bản mà mỗi một chúng ta phải học tập và thực hành. Được vậy, loài người mới có cơ duyên tồn tại lâu dài trên trái đất này.
Như thế, nói về ý nghĩa phương Nam – tức là ruộng phước điền của chúng sinh - phương Nam là phương không có ánh nắng gay gắt như phương Đông, cũng không ảm đạm như phương Bắc – phương Nam là phương ánh sáng êm dịu và mát mẻ – dụ cho sự dứt ác làm lành của chúng ta. Chúng ta chuyên suy nghĩ, nói năng và làm việc lợi lạc cho chúng sinh, đó là tự tạo ruộng phước cho mình – tự mình mát mẻ, thanh thản mà mọi người xung quanh cũng bằng lòng, hòa lạc. Đây là giai đoạn của chúng ta, những người Phật tử bắt đầu quy hướng Tam bảo và tập tu hành phước thiện.
Nhưng lộ trình tìm kiếm một hạnh phúc vững bền, chắc thật không phải dừng lại ở đó – mà bước tiếp bước nữa. Cố nhiên là để có bước sau thì tất yếu phải có bước trước.
Bước thứ ba: ở phương Tây, có câu rằng: "Thị Tây phương, vị chúng sinh dĩ tối hậu thân cố" (Nhìn về phương Tây, vì chúng sinh đây là thân cuối cùng vậy).
Chúng ta, những người đã, đang và sẽ lăn lộn với đời – trải nghiệm biết bao sóng gió bất trắc của cuộc đời – nếu chịu khó nhìn lại – ta dễ dàng đúc kết rằng: thật là hạnh phúc, sung sướng biết mấy khi tâm hồn yên tĩnh. Bởi lẽ, có mấy khi tâm hồn ta thoát được những ý tưởng lo toan, sợ hãi đủ điều về sự sống. “Thằng ý” cứ rong ruổi mãi với những ảo tưởng dự phóng về tương lai vô định hoặc quay về bứt rứt ngậm ngùi một chuyện lầm lỡ buồn tủi năm kia, tháng trước hay nuối tiếc những phút giây của những cuộc vui chóng tàn đã qua mấy khi lặp lại. Trong hiện tại thì hoang mang, dật dờ thất niệm (mất phương hướng, chủ định) hoặc cứ lặp đi lặp lại một cách máy móc như một bộ phận nhỏ vô hồn trong một guồng máy xã hội khổng lồ luôn luôn cuốn ta vào sự vận hành khắc nghiệt của nó. Chúng ta được mấy chốc sống lại với chính mình, được hưởng thụ dù giây lát sự thanh bình trong tâm hồn mình. Cho nên, sau khi đã thành thục bước đi "dứt ác hành thiện" việc kế tiếp là " giữ tâm ý trong sạch, vắng lặng, yên tịnh, thanh bình" – đó là nôm na, để dễ hiểu – sau bước chuyển nghiệp là bước dứt nghiệp. Nghiệp là mọi hành động tạo tác có động cơ sâu xa trong tâm ý. Và năng lực của nó là cái sức mạnh đưa đẩy chúng ta đi từ kiếp này qua kiếp nọ mãi không thôi. Dĩ nhiên ai cũng hiểu rằng, mỗi một cuộc tử sinh như vậy, chứa đựng trong nó nhiều nỗi khổ đau bất hạnh hơn là niềm vui sướng. Vì thế, giải thoát sinh tử, thực sự mới là niềm vui lớn theo tôn chỉ cứu cánh rốt ráo Phật dạy. Cho nên, chấm dứt sự thi vi tạo tác của ý khiến cho trong sạch, vắng lặng được xem như phương thức dẫn đến sự chấm dứt hẳn khổ đau. Đến đây ta thấy rằng, tâm ý rất là quan trọng trong sự tu tập của chúng ta, quyết định niềm hạnh phúc, an lạc của chúng ta. Rõ ràng, chỉ có thái độ chấp nhận trong tầm tay, trong năng lực, khả năng giới hạn của ta đối với những gì mình mong ước – điều đó mới đặt để và quyết định hạnh phúc của ta – có nghĩa là với ta, tiêu chuẩn để có niềm vui là đơn giản, nhẹ nhàng như vậy mà không phải là những tham vọng ôm đồm tất cả mọi thứ. Nhà Phật gọi đó là thiểu dục tri túc. Cố nhiên, đó không phải là an phận, là dừng lại, đóng khuôn – mà ngược lại làm cho ta luôn phấn đấu để kiến tạo hạnh phúc của ta ngày càng có phẩm chất hơn: song song với tiện nghi vật chất, đời sống tinh thần phải được quan tâm, tình cảm phải được chuyển hoá cho tâm hồn thanh cao, thánh thiện. Tình cảm chuyển hoá như thế nào theo ý nghĩa "dứt nghiệp"? Có câu "trong thiện có mầm của cái ác" – đó là lẽ đối đãi nhị nguyên tự nó trong cuộc sống mang tính duyên sinh này. “Do cái này có nên cái kia có”. Thiện ác với tâm tư chúng ta bây giờ cũng vậy nếu đi sâu vào một tầng nữa của tâmlý. Dẫu biết rằng với những lời nói,việc làm, ý nghĩ bất thiện, trái với lương tâm thì chính tự bản thân nó dù không ai thấy, ai nghe, ai biết – tự nó cũng đã đối mặt với "toà án lương tâm" mình trong chiều sâu tối tăm, dằn vặt của tâm hồn. Còn làm thiện thì sao? Dĩ nhiên là đem lại sự thanh thản cho mình vì không phải lo sợ những hậu quả khi mình đã không tham gia tạo tác. Nhưng có một lẽ thật là khi ấy, tâm lý ta trở nên rất ghét và có phản ứng quyết liệt, bị xao động trước các hành động tội lỗi, độc ác – muốn tẩy trừ, tiêu diệt, thanh trừng một cách không khoan nhượng những phần tử đó - mà trong nhiều mối duyên nghiệp đưa đẩy, ta chịu khó sẽ dần dần nhận ra được: vì lý do này, hay hoàn cảnh kia làm cho nó hành xử như thế với một tâm hồn dày đặc ác nghiệp như thế. Những tưởng phút vinh quang của ác nghiệp khi thắng thế là rực rỡ. Nhưng liền sau đó, ngay trong nó, sự sợ hãi âm thầm luôn ngấm ngầm trong tâm hồn nó rất khủng khiếp. Biết được như vậy, thì mỗi một chúng ta trong cuộc sống chung cùng ở gia đình, bè bạn, xã hội – chúng ta có một thái độ khoan dung độ lượng hơn, dễ dàng chấp nhận nhau hơn; và từ đó cũng dễ dàng chuyển hoá sửa đổi cho nhau mỗi khi có cơ hội. Có lẽ, nếu không như thế thì ngưỡng cửa cảm thông giữa người thiện vớikẻ ác sẽ bịbít lối mãi mãi, sẽ không bao giờ mở ra để nhịp cầu tình người được bắc nối cho cuộc đời nở hoa tươi đẹp.
Cho nên, ở ý nghĩa phương Tây này – sự trung dung giữa thiện và ác, sự thanh tịnh tâm ý để chấm dứt dòng tạo tác của nghiệp, giải thoát sinh tử, đã cho chúng ta một vài bài học sống rất thiết thực. Phương Tây là phương mặt trời lặn. Chúng ta hãy làm cho tâm ý của mình lắng xuống những xao động, những tư tưởng bất chính, so đo, ganh tỵ, thù ghét – chừng nào mạng sống của những tâm ý bất hảo ấy chỉ còn có dịp khởi lên lần cuối ngay khi ta nhậnra mặt thật của nó và nó sẽ ra đi mãi mãi trong tâm hồn ta – nhường chỗ lại cho sự thương yêu đại đồng, sự hiểu biết cảm thông lớn, thì lúc đó, ta đã đi đến tận cùng bước đi thứ ba này “Thị Tâyphương vị chúng sinhdĩ tối hậu thân cố”. Đó là gánh nặng đã để xuống, từ đây không còn trở lại trạng thái khổ đau sinh tử nữa.
Nhưng con đường đi đến Phật quả phải là, ngoài "tự giác" còn "giác tha, giác hạnh viên mãn" – hoằng hoá độ sinh. Cho nên chúng ta tiếp tục theo chân Phật bước nữa.
Bước thứ tư: nhìn về phương Bắc: "Thị Bắc phương, vị chúng sinh, ngã đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-bồ-đề" (nhìn về phương Bắc, đức Phật vì chúng sinh mà thịhiện ra cõi đời ngũ trược này bằng thân người thành tựu Chánh đẳng chánh giác – và thuyết minh chân lý giải thoát khổ đau cho chúng sinh).
Phương Bắc là phương ảm đạm lạnh lùng, u tối – dụ cho những nơi chúng sinh chưa từng gặp Tam bảo, cứ mãi theo lòng ham muốn trần tục của mình mà tạo ác nghiệp rồi lặn hụp trong biển khổ sinh tử nhiều kiếp, không biết đường thoát ly. Chư Phật, Bồ-tát – như Kinh nói, đã theo ta hoá độ, hộ trì dẫn dắt ta về nẻo thiện. Nhưng nghiệp chướng chúng ta sâu dày, lòng đam mê các thú vui dục trần quá nặng, che lấp tâm tánh, không nhận được ánh sáng tiếp độ của quí Ngài. Ở đời thường, ta thấy có hiện tượng thần giao cách cảm giữa hai người thương nhau. Mẹ thương nhớ con – con cũng luôn nghĩ đến mẹ – cho nên giữa mẹ con tuy xa cách vẫn có một mối liên hệ tình cảm vô hình, mà người này xảy ra việc hệ trọng gì thì vô hình trung, người kia cũng cảm nhận được. Chư Phật , Bồ-tát luôn thương nhớ chúng sinh với lòng đại bi bao la, bình đẳng. Vậy mà chúng ta được mấy khi nhớ đến các Ngài – họa chăng lúc hoạn nạn, nguy khốn?! Vì thế ở phương này – muốn nhấn mạnh sự ra đời của đức Phật bằng xương bằng thịt của thân người, rồi xuất gia tu hành và chứng quả – để cho chúng ta thấy rằng, được làm thân người là quí lắm. Theo như lời Phật dạy, thân người là lý tưởng nhất để tu hành. Ai trong chúng ta cũng đều có khả năng thành Phật – "Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh" – dụ như hoa sen trong đầm, mỗi người là một đóa sen. Đức Phật, chư vị Bồ-tát, các bậc thánh hiền là những đóa sen đã vươn ra khỏi bùn lầy ngũ dục sinh tử, chan hoà ánh sáng chân lý, nở rộ khoe sắc làm đẹp và xoa dịu đau thương cho cuộc đời. Chúng ta cũng là hoa sen nhưng chưa lên khỏi mặt nước đó thôi. Cho nên với phương Bắc này nói vì chúng sinh mà chứng Vô thượng chánh giác. Như vậy đã nói rõ ý niệm xuất hiện ở đời của chư Phật – một minh chứng hùng hồn về quả vị Phật mà trong mỗi chúng ta, ai cũng có phần – còn chần chờ gì nữa mà không lo tu tập theo lời Phật dạy.
Bước thứ năm: "Thị hạ phương, vịchúng sinh dịdục hàng ma cố" (nhìn về phương dưới, vì chúng sinh hàng phục các loài ma).
Ma quỷ là gì nếu không phải là những gì luôn làm chướng ngại thân tâm ta, cản trở sự thăng tiến tu tập, làm thiện của mỗi người chúng ta. Có nội ma, ngoại chướng. Hãy khoan nói đến ngoại chướng. Ta hãy nhìn vào nội ma của chính mình. Đó là những con ma nhu nhược không thắng nổi lòng tư dục, ma ngạo mạn,khinh bỉ, tham lam, ganh tỵ, ích kỷ – thấy người thành công cũng đem lòng đố kỵ, thấy kẻ thế cô mà không dừng sự hiếp đáp, gặp người túng thiếu mà không biết chia sẻ bố thí dù mình thừa sức... Tất cả những thứ ma ấy ngăn không cho ta làm một cái gì lợi ích cho ai, ngoài có lợi cho riêng mình, do đó chẳng làm được một việc thiện nào dù nhỏ nhặt; tâm thức chúng ta bị ngục tù mãi trong thói vịkỷ – Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh chẳng có nghĩa là chỉ ở những nơi đâu xa – Chúng ta cần phải hiểu thêm rằng, đó là những trạng thái tâm thức trong ấy, tâm chúng ta bị sân hận thiêu đốt. Lúc ấy, mọi người, mọi vật hình như đều là kẻ thù. Người phải chịukhổ nhất là người nhiều sân hận. Đó khác nào ở địa ngục bị hoả ngục đốt cháy tâm can – đỏ mặt tía tai, tim đập liên hồi, huyết áp tăng mạnh... cả thân tâm đều thọ khổ!... Ngạ quỷ, súc sinh cũng vậy – cũng là trạng thái, trong đó tâm thức bị điều động bởi lòng tham không đáy, thiếu trí tuệ, thiếu suy luận – chỉ hành động theo bản năng – chỉ làm những gì mình muốn mà không nghỉ đến hậu quả. Đến đây ta thấy rõ hơn, một khi quy y Tam bảo, quay về với sự sáng suốt, với lòng thương yêu thì ta đã tự cởi trói cho mình, tự cứu mình ra khỏi tam đồ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh ấy.
Ma quỷ còn ám chỉ đến những chúng sinh cang cường khó độ. Do thế phải thị hiện ma vương, quỷ vương để nhiếp phục nó. Cho nên, ta thấy trong các chùa có ông Tiêu Diện Quỷ Vương mặt lộ vẻ dữ dằn phẫn nộ, miệng khạc ra lửa để chấn nhiếp cô hồn các chúng – dân gian gọi nôm na là ông ác – trên đầu có tượng Quan Âm Bồ-tát – đó là chỉ động cơ cũng bắt nguồn từ lòng thương yêu lớn. Chỉ có lòng thương yêu lớn mới thực sự hoá giải mọi ngông cuồng trong cuộc đời. Ta thấy nhan nhãn lắm kẻ giang hồ xuất phát từ một nỗi bất hạnh thiếu sự thương yêu nào đó từ những người thân, và trở về nẻo thiện cũng từ một sự bắt gặp tấm lòng thương yêu nào đó trên đường đời.
Nhưng độ chúng sinh thấp hèn ở phương dưới, chư Phật, Bồ-tát cũng không bỏ quên những loài tâm tánh thuần thục – Nên bước thêm một bước nữa.
Bước thứ sáu: “Thị Thượng phương, vị chúng sinh, quy y nhân thiên cố” (Nhìn về phương trên, vì chúng sinh, làm nơi nương tựa của trời, người).
Kinh có dạy: “Nhất tâm cụ thập pháp giới”. Tứ thánh lục phàm đều ở trong tâm thức của chúng ta cả. Cõi trời, cõi người cũng vậy – là những cõi trong tâm thức chúng ta. Đó là những trạng thái tâm thức mà ở đó, chúng ta đã thăng hoa rất nhiều thiện tánh trong bản thân mình – có cố gắng, có kiểm soát những tâm lý thấp hèn được ví với các cõi dưới như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la). Sự sống mà luôn có ý thức như thế, là một sự sống mang lại nhiều niềm hỷ lạc cho tự thân và tha nhân. Tuy nhiên, đây không phải là sự hỷ lạc bất biến – đạt được bằng sự chứng ngộ như đức Phật và các Thánh đệ tử. Đây chỉ là những niềm hỷ lạc của các giác quan, của cảm thọ, tức là lạc thú do ảo tưởng tạo nên từ ngã chấp cố hữu. Cho nên đây là một hỷ lạc tạm bợ, do thế, có thể sa trở lại vào các cõi khổ đau – ngay khi có điều bất xứng ý xảy ra. Sự mê đắm bắt nguồn từ ngã chấp là mẫu thức chung cho sự hiện hữu của ba cõi, là nguyên nhân chúng sinh lặn hụp trong sáu đường. Chư Phật Bồ-tát có mặt trong tất cả các cõi ấy là để nêu gương, để dẫn dắt chúng sinh ra khỏi sự đoanh vây nghiệt ngã của cái Ta ấy. Ý nghĩa này đã từng được đức Phật xác quyết khi có vị Bà-la-môn hỏi Phật: “Có phải Ngài sẽ là vị Tiên, Ngài sẽ là Càn-thát-bà, Ngài sẽ là Dạ-xoa, Ngài sẽ là loài người?”. Đức Phật đã trả lời rằng: Ngài sẽ không phải là Tiên, là Càn-thát-ba, là Dạ-xoa, là loài người; nhưng đối với những chư Thiên chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ngài có thể là chư Thiên với các lậu hoặc đã đoạn tận, đã chặt đứt từ gốc rễ ngã chấp, không còn tái sinh nữa… Ngài có thể là Càn-thát-bà, là Dạ-xoa, là Người – nhưng là Người với các lậu hoặc đã đoạn tận.
Đó là ý nghĩa công hạnh của chư Phật, Bồ-tát hiện hữu khắp các cõi để độ thoát chúng sinh. Đến đây cũng cho chúng ta hiểu ra một điều rằng: chừng nào ta hoàn toàn thoát ly ngã chấp, chừng ấy ta thành Phật – dù chúng ta đang ở trong địa vị nào, thân phận nào đi nữa. Cho nên, bước cuối cùng:
Bước thứ bảy: đức Phật tuyên bố: “Thiên thượng thiện hạ duy Ngã độc tôn”.
Theo trên, chúng ta có thể hiểu nôm na rằng: nguyên do trôi nổi, lên xuống trong ba cõi sáu đường là cái chấp sâu nặng về một tự ngã trong tận cùng tâm thức chúng ta. Nhưng ý nghĩa đích thực về sự tuyên bố ấy, trong phương diện nhận thức và thực hành, chúng ta có thể rút ra hai ý nghĩa – đó là sự thật của ý nghĩa thế giới tất đàn và vị nhân tất đàn.
Theo ý nghĩa Thế giới tất-đàn, đó là sự kiện xuất hiện ở đời như một bậc tôn quý nhất, là tối thắng nhất, vô tiền khoáng hậu của đức Phật .
Kinh Tăng Chi Bộ , tập I, p.23: “Một người, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán Chánh đẳng chánh giác.”
Và Trung Bộ Kinh 3, p.110 , đã nói lên lý do vị trí tối thượng của đức Phật: “Không thể có một Tỳ-kheo, này Bà-la-môn, thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp như Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh đẳng chánh giác đã thành tựu. Này Bà-la-môn, Thế Tôn là bậc làm khởi dậy con đường trước đây chưa được hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng được nói, là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo.”
Giữa tất cả các tôn giáo hiện hữu trên địa cầu này, đức Từ phụ Thích-ca Thế Tôn đã nói lên tiếng nói “duyên sinh – vô ngã” đầy chấn động – giữa các con đường đi đến hạnh phúc được biết bởi nhân loại, con đường Bát chánh đạo mà đức Phật thuyết minh là con đường thánh thiện nhất, toàn mỹ nhất để đưa tất cả chúng ta đến bờ an vui đích thực. Đó là ý nghĩa “độc tôn”, “vô song” trong sự thị hiện của đức Thích-ca-mâu-ni Thế Tôn.
Với ý nghĩa Vị nhân tất đàn -Câu này còn có nghĩa là, sự sống chết của Ta đều do Ta quyết định. Cuộc đời của Ta như thế nào; sướng hay khổ; giàu hay nghèo; sang hay hèn… tất cả đều do Ta quyết định. Cho nên sau này Phật có dạy rằng: “Không cha mẹ, trời đất hay ai làm cho Ta cao thượng hay thấp hèn, chỉ có hành động của Ta làm cho Ta cao thượng hay thấp hèn mà thôi; không phải ai khác làm cho Ta ô nhiễm hay trong sạch, mà chỉ do Ta làm cho Ta ô nhiễm hay trong sạch mà thôi”.
Đó là ý nghĩa chính mà đức Phật nói trong câu: “Trên trời, dưới trời chỉ có Ta là tối thượng”. Ngài muốn khai thị cho chúng ta rằng, mọi hành động đúng sai, thiện ác, khổ đau hay hạnh phúc… trong cuộc đời này đều do mình làm, tự mình quyết định lấy cuộc đời của mình. Ngài đã từ bi trao lại quyền tự quyết cho con người giữa các tiếng nói từ quyền năng thần linh huyền bí mơ hồ.
Đến đây, có thể đúc kết lại rằng: Hoa sen là biểu tượng của chân lý – là chân lý hiện thực trong cuộc đời – nó hiển thị ngay trong trần thế lắm ưu phiền và hệ luỵ này. Đó là biểu tượng cho tinh thần nhập thế sinh động của Phật giáo – mà phương ngữ thường được biết là “cư trần bất nhiễm trần” – “Phật pháp bất ly thế gian giác”.
Tóm lại, theo đức Phật thì mỗi bước chân của ta cũng được nâng đỡ trên một đoá sen, mỗi bước chân là một bước sen trong cuộc đời này. Nó mang phẩm tính tinh khiết, “không bị đời thấm ướt”. Người Phật tử thực hành theo lời Phật dạy thì mỗi bước chân của mình là mỗi bước sen ấy. Đi theo bảy bước hoa sen ấy là chúng ta bắt đầu một cuộc đời mới – “đi trong thế gian mà không thuộc thế gian”. Và ngay lúc quy y hay đang trên lộ trình tu tập theo lời dạy thì sự an lạc liền có mặt trong mỗi bước chân của người Phật tử chúng ta – từng bước chân an lạc vững chãi đi về bến vui. Và niềm vui ấy sẽ không chỉ riêng bản thân ta hưởng thụ – niềm vui do sự thực hành theo lời Phật dạy của người Phật tử chúng ta có khả năng chia sẻ cho tha nhân, cho toàn nhân loại. Bởi lẽ, giá trị của chân lý và hạnh phúc là chung cùng, tương quan. Chúng ta hãy cùng nhau bước những bước sen để đón mừng Phật đản!HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.27/12/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment