Trong hàng Bồ-tát có Ðại Bồ-tát, giầu có sang trọng, có nhà cửa trang hoàng lộng lẫy, với đủ các loại vật dụng tinh mỹ phục vụ cho đời sống. Giầu sang như vậy, nhưng nếu có ai muốn đến cầu xin thứ gì, Ðại Bồ-tát bèn cho ngay không chút ngần ngại. Bồ-tát tu pháp môn bố thí thì hoàn toàn không để ý gì đến gia đình của mình, vì trong tâm đã sớm lìa hẳn quan niệm về gia tộc. Bồ-tát đã hiểu thấu ý niệm không về gia đình, vì gia đình chẳng qua là do nhân duyên hòa hợp mà có, duyên hết thì lại phân ly, có gì đâu mà phải chấp trước? Bồ-tát vốn đã nhàm chán tất cả của cải trong nhà, từ động sản đến bất động sản, cùng những thứ vật dụng hàng ngày. Trong sự sanh hoạt thường ngày, vốn đã không ham thỏa mãn ngũ dục, không mặc đồ đẹp, ăn đồ ngon, cho nên trong tâm không bị ràng buộc về các nhu cầu vật chất. Vốn hiểu rằng gia đình cũng sẽ tới lúc phân tán, chớ không thể tồn tại mãi, do đó Ðại Bồ-tát thường tỏ ra lạnh nhạt trong tình cảm đối với gia đình, chỉ muốn ly khai hẳn với cuộc đời thế tục, để xuất gia tu đạo, cầu giải thoát khỏi vòng tam giới. Ðến người thân trong gia đình, như vợ thì coi như cái gông đeo cổ, con là cái xích buộc chân. Tình nhi nữ chính là cái còng, một khi tay bị khóa thì còn nhúc nhích gì được? Thân thể mỗi cá nhân đều bị trói buộc như vậy, ngay cả hít thở cũng không tự do, còn nói gì đến ước mong được tự tại? Tình huống như vậy có cái gì để chúng ta luyến tiếc nữa?
Bồ-tát khám phá ra điều đó, bèn buông bỏ hết, và để thoát ra khỏi cảnh bức bách của gia đình nên mới xa lánh cuộc đời thế tục và tu học hạnh Bồ-tát. Tám vạn bốn ngàn pháp môn mà đức Phật dạy cho thế gian để tu tập là con đường dẫn tới đạo quả Bồ-đề, và để trang nghiêm tự thân. Vứt bỏ những vật ngoại thân như tiền tài mà chẳng hối tiếc. Những tác phong như vậy của Bồ-tát đều được mười phương chư Phật tuyên dương và tán thán như sau: "Hay lắm! Hay lắm! Thiện nam tử! Ông thật là tinh tấn, phát tâm Bồ-đề rộng lớn như vậy, làm những việc người ta không làm được, vứt bỏ gia tài nhà cửa, những cái người đời không vứt bỏ được, hết thảy mọi thứ mình có đều mang bố thí cho người mà không hối hận, không luyến tiếc, không chấp trước, những việc thật khó làm." Bồ-tát thấy có người đến cầu xin mình thì cảm thấy trong lòng hoan hỷ vô cùng, cho là mình hết sức may mắn mà gặp được cơ hội để thực hiện đại bố thí.
Xuất gia là một việc khó. Xá kể chi việc cắt tóc cạo râu, đắp áo cà-sa, nói vài câu "cơ phong," mở miệng ra nói về Phật về Pháp, nói đạo lý trong kinh sách, hoặc ngồi yên nhắm mắt tham thiền. Những hành vi đó có thể gọi là mặc áo Phật, ăn cơm Phật, biểu diễn vai trò của kẻ xuất gia. Nếu quả như lời nói đi đôi với việc làm, một lòng tha thiết từ bi đối đãi với người với vật, trước mặt sau lưng lúc nào cũng vậy không sai trái đạo, được như vậy mới đúng là kẻ xuất gia.
Xuất gia có ba loại:
Thân xuất gia, tâm không xuất gia.Tâm xuất gia, thân chưa xuất gia.Thân tâm đều xuất gia.
Trong số xuất gia cũng ba loại trình độ, tùy theo công phu tu trì mà đoán định.
Xuất thế tục: Ðây là nói chung về các đệ tử xuất gia; các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni.
Xuất phiền não vô minh: Ðây là nói về cảnh giới tu trì của quý vị đã xuất gia, tự mình tu tự mình biết chứng tới đâu, có điều xuyên qua tác phong nói, nín, động, tĩnh của mình, người ngoài cũng có thể biết được. Một cá nhân xuất gia tu tập thì mỗi ngày tập khí càng giảm thiểu, sự biểu hiện của tham, sân, si cũng bớt dần, như lời cổ đức nói: "Từng phần phá vô minh, từng phần pháp thân chứng." Quý vị này đều tỏ ra cố gắng xông ra khỏi vô minh phiền não và hướng tới con đường Bồ-đề.
Xuất khỏi tam giới: Ðây là mục tiêu tối hậu của người xuất gia và cũng là của hết thảy bẩy chúng trên đường tu học Phật đạo. Mục tiêu đạt được chính là thời điểm đoạn trừ sanh tử một cách vĩnh viễn, rồi sau đó do nguyện lực của mình mà tự do đi về trong chín pháp giới để độ hóa chúng sanh, đạt được cái an lạc đệ nhất của người xuất gia.
Bồ-tát còn phát nguyện rằng tất cả chúng sanh có thể thoát ra ngoài sự trói buộc của gia đình, để nhập vào gia đình của chư Phật, tu học các pháp môn do Phật chỉ dạy, và siêng năng tu phạm hạnh. Bồ-tát lại nguyện rằng hết thảy chúng sanh từ bỏ hết tâm tham lam keo bẩn, biến thành tâm hoan hỷ ưa hỷ xả bố thí, lấy sự ban bố tài vật làm niềm vui, vĩnh viễn không sanh tâm thối chuyển. Lại nguyện cho hết thảy chúng sanh lìa những quan niệm về gia đình thế tục, không màng tới những gì gọi là thăng quan tiến chức, dương danh hiển thân, cùng những pháp thế gian về nối dõi tông đường, lại càng không tham đồ bất nghĩa, tích trữ đầy nhà, của quý đầy kho, những thứ đó đều là mầm mống sanh ra tai ương ác nghiệp. Người xưa nói: "Ða tàng tất hậu vong." Chứa cho nhiều, mất càng thảm. Lại có câu: "Thân biên vô ái vật, tự vô phiền não sanh," bên mình không có vật quý, phiền não vốn chẳng sanh. Người xưa nói quả là không sai, cuối cùng lúc ra đi cũng chỉ hai bàn tay không. Bồ-tát dạy cho chúng sanh nên bớt dục vọng, sống cho hồn nhiên trung thực, tự nhiên niềm vui sẽ phát sanh.
Bồ-tát lại nguyện hết thảy chúng sanh mau mau vượt ra ngoài phiền não do đời sống thế tục trói buộc, học Phật pháp tu hạnh thanh tịnh, để mai sau được hội nhập trong nhà của Phật, cùng ở với Phật một nơi. Lại nguyện hết thảy chúng sanh học được pháp cứu cánh viên dung vô ngại, loại trừ hết sự chướng ngại của các pháp ô nhiễm, và được thanh tịnh tự tại. Lại nguyện hết thảy chúng sanh, lìa khỏi tình cảm yêu thương của gia đình, tuy thân còn tại gia, nhưng lòng không còn chấp vào tình cảm quyến thuộc. Lại nguyện hết thảy chúng sanh, biết khéo léo khuyên răn và hướng dẫn những ai còn đắm đuối trong tình cảm gia đình, khiến họ hiểu được gia đình chỉ là một tổ hợp giả tạm do nhân duyên tạo nên để lòng họ bớt sự chấp trước. Bồ-tát nêu lên đạo lý về nhân sanh mà Phật đã giảng dạy để chỉ dẫn cho số người mê lầm không ra khỏi được các pháp thế tục về gia đình, khiến họ tin theo Phật pháp, tu học Phật pháp, minh bạch Phật pháp, không còn vướng mắc sự trói buộc của gia đình. Lại nguyện hết thảy chúng sanh, tuy thân còn gởi lại với gia đình, nhưng tâm thường tùy thuận theo trí huệ của chư Phật, thực hành làm việc đạo, an trú trong bất động. Lại nguyện hết thảy chúng sanh, tuy nay chưa xuất gia, còn sống đời cư sĩ, nhưng tâm nguyện của họ đã đặt vào nơi chư Phật, và có thể phổ cập tới vô lượng vô biên chúng sanh, để tất cả đều phát tâm hoan hỷ, phát tâm Bồ-đề rộng lớn. Ðó là đại Bồ-tát trong hàng Bồ-tát, khi bố thí nhà cửa đã vì chúng sanh mà thực hiện hồi hướng thiện căn. Chính là mong cho chúng sanh thành tựu được những điều trong các đại nguyện của Bồ-tát, cùng với các loại thần thông và trí huệ.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.6/12/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment