Thursday, 5 December 2013

Tu đạo Phải Học Pháp Cơ Bản.
 
Trong Phật giáo có hiển giáo và mật giáo. Hiển giáo tức là giáo lý minh hiển, ai có tâm Bồ-tát, tu đạo vô thượng đều có thể thành Phật. Mật giáo là giáo lý bí mật, nói cho anh thì tôi không biết, nói cho tôi thì anh không biết, anh và tôi không biết nhau. Hiển giáo chủ trương minh tâm kiến tánh, mật giáo chủ trương tức thân thành Phật. Nói chung, kiếp trước chúng ta đã từng gieo căn lành nên kiếp này mới có cơ hội tu học Phật pháp. Kiếp này tinh tấn tu hành, hy vọng kiếp sau sẽ đạt thành lời nguyện.
Trong hiển giáo có chia ra Ðại thừa và Tiểu thừa. Tiểu thừa cũng gọi là Nhị thừa, tức Thanh văn thừa và Duyên giác thừa. Ðại thừa là Bồ-tát thừa. Nay xin giới thiệu tóm tắt các pháp của ba thừa để quý vị mới tu học tham khảo.
I. Pháp Tứ đế của hàng La-hán.
Thanh văn, hai chữ này nghĩa là nghe lời thuyết giảng của Ðức Thích-ca về pháp Tứ đế mà ngộ đạo (thanh là thanh âm, văn là nghe). Thanh văn hay quả A-la-hán, gồm bốn quả vị. Thứ nhất là sơ quả a-la-hán, quả này đã đoạn trừ kiến hoặc của tam giới, nhập vào "giòng pháp tánh của thánh nhân, nghịch với giòng lục trần của phàm phu;" quả này còn phải chịu bẩy lần sanh tử nữa.
Quả thứ nhì a-la-hán thì đã đoạn trừ kiến hoặc của tam giới, cũng đoạn trừ luôn sáu phẩm đầu về tư hoặc của tam giới. Quả này phải chịu hai lần sanh tử nữa, một lần sanh ở tầng trời, một lần ở thế gian.
Quả thứ ba a-la-hán thì đoạn trừ được ba phẩm sau về tư hoặc của dục giới, và hãy còn một lần sanh tử nữa, nhưng không sanh vào tầng dục giới mà sanh vào các tầng sắc giới hay vô sắc giới.
Quả thứ tư a-la-hán thì đoạn trừ hết tám mươi mốt phẩm tư hoặc của tam giới, không còn bị sanh tử nữa; nói cho đúng là không bị phân đoạn sanh tử, nhưng vẫn còn trong biến dịch sanh tử.
Hàng Thanh văn tuy gọi là ngộ đạo, nhưng ngộ đạo cũng có loại nông sâu khác nhau, có loại rốt ráo có loại không rốt ráo, nghĩa là trình độ không đồng đều. Pháp tu của hàng Thanh văn là khổ, tập, diệt, đạo. Quán về khổ thì hết thảy là khổ. Khổ chia ra tam khổ và bát khổ. Pháp tu của họ là đoạn tập, mộ diệt, tu đạo (đoạn tập khí, mến mộ Niết-bàn và tu đạo). Ba yếu tố này liên quan mật thiết với nhau, như khổ thì sanh ra phiền não và có phiền não thì phải đoạn trừ. Ðoạn trừ như thế nào? Phải đoạn trừ kiến hoặc, tư hoặc và các phiền não lâu nay tích tụ lại. Phải hâm mộ pháp Niết-bàn, tức bốn tánh của nó là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh (Niết-bàn tứ đức). Từ bến sanh tử qua giòng phiền não để đến bờ bên kia, là cả một quá trình tu tập ba mươi bẩy phẩm đạo mới thành công được. Trong các pháp này có bát chánh đạo, gồm:
chánh kiến,
chánh tư duy,
chánh ngữ,
chánh nghiệp,
chánh mạng,
chánh tinh tấn,
chánh niệm,
chánh định,
Những pháp này chung cho cả Ðại Tiểu thừa.
II. Pháp quán Thập nhị nhân duyên của Bích-chi Phật.
Bích-chi Phật có hai loại là Ðộc giác và Duyên giác. Khi Phật không xuất thế, có người tự mình giác ngộ, tại nơi hang sâu núi thẳm ngồi tĩnh tọa, xem hoa nở mùa xuân, thấy lá vàng rơi mùa thu mà ngộ đạo, loại này gọi là Ðộc giác. Khi có Phật xuất thế, có người quán Thập nhị nhân duyên mà giác ngộ, thì loại này gọi là Duyên giác. Ðầu tiên là quán vô minh. Vô minh là gì? Là không sáng suốt một thứ gì, nói cho văn vẻ một chút là ngu si, còn nói thẳng ra chính gốc nó là tâm dâm dục, cái tâm khiến cho con trai cầu con gái, con gái cầu con trai. Hỏi anh, hỏi chị tại sao muốn như vậy, thì, hoặc đáp rằng tôi thấy cô ấy xinh đẹp, hoặc đáp anh ấy đẹp trai. Lại hỏi tại sao yêu cô (anh) ấy, cái dễ thương của cô (anh) ấy ở chỗ nào? Hỏi tới hỏi lui, chị hay anh đều không biết. Ðã không biết mà còn cứ chạy theo, đó chính là vô minh, một sự kỳ quái, chẳng ai hiểu nổi. Không ai hiểu nổi mà sao vẫn phải chui đầu vào. Tại sao vậy? Bởi vì con người vì sắc dục mà sanh ra đời, do đó cũng phải chết vì sắc dục, đúng với câu nói:
Sanh ngã chi môn tử ngã hộ
Kỷ cá tô tinh kỷ cá ngộ ?
Dạ lai thiết hán tự tư lương
Thành Phật tố Tổ do nhân tố.
Dịch nghĩa là: Cửa mà ta vào đời cũng là cửa ta ra khỏi cuộc đời, mấy ai sống tỉnh, mấy ai ngộ? Kẻ hảo hán đêm nằm suy nghĩ; thành Phật hay làm Tổ sư cũng là người cả (người làm nên).
Phật hay Tổ sư cũng từ người tu tập mà thành. Ai sanh ra như thế nào, thì chết cũng như vậy. Chẳng nguyện cắt đứt luân hồi, chẳng nguyện dứt đường sanh tử, mà ngược lại, nguyện thuận theo giòng đời mà lưu chuyển, chẳng nguyện đi ngược dòng sanh tử, bởi vậy mới có vô minh.
Sau vô minh thì đến hành vi. Hành vi gì? Là hành vi thuộc về tính nam và nữ. Bởi không sáng suốt nên tạo nghiệp, rồi điên đảo. Từ sự điên đảo nên phát sanh ra hành vi, hành vi phát ra rồi bèn có thức. Có thức rồi (cùng tinh cha huyết mẹ tạo thành thai nhi) thì có danh, sắc (danh thuộc tâm lý, sắc thuộc sinh lý). Sau danh sắc có lục nhập (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Có đủ sáu căn, sau mười tháng thì ra đời, và từ lúc này có xúc - cảm giác của sự tiếp xúc, biết phân biệt lạnh, nóng, cứng, mềm. Cảm xúc gây ra tác dụng lãnh thọ, và lãnh thọ trong thuận cảnh làm thành khoái lạc, nếu nghịch cảnh thì gây thành thống khổ, như vậy tùy lúc, tùy trường hợp mà có cảm tình yêu ghét. Có tâm lãnh thọ rồi sẽ có tâm ái. Có ái thì ắt có tâm riêng tư chiếm hữu cho mình. Con người tham luyến của cải, nữ sắc, mới có dục vọng. Có tâm ái tức sẽ kiếm mọi phương cách để lấy về (thủ), làm của riêng, tức là hữu. Vì mục đích phải đạt cho được nên có khuynh hướng không từ bỏ bất cứ phương tiện nào, do đó mà tạo thành ba nghiệp không thanh tịnh, tức là các nghiệp về thân, khẩu và ý.
Bởi tạo nghiệp nên có quả thọ sanh kiếp sau, rồi lại tới lão, tử và chúng sanh cứ như thế mà tiếp tục lưu chuyển không thể dứt, không cách gì ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Muốn vượt qua sanh tử, đầu tiên phải đoạn trừ vô minh. Giải quyết được vô minh thì không còn cái gì để sanh ra mười một nhân duyên sau nữa, đó là phương pháp chân chánh để đoạn trừ sanh tử.
Người tu hành phải đoạn trừ ái và dục, mới có thể giải quyết chuyện sanh tử của mình, nếu không, tu cho hết các kiếp vị lai cũng không giải thoát được. Phá cái gốc vô minh đi, thì đoạn trừ được dâm dục, lúc đó không còn dục vọng, không còn phiền não, đó là giải thoát.
Xuyên qua pháp Ðộc giác, người tu đạo phải sống cô độc, không nên có bằng hữu, kết bè đảng. Có câu nói: "Quét hết mọi pháp, ly hết mọi tướng," phá trừ hết thảy mọi thứ chấp trước, mới có thể giải thoát được. Nếu đi tu mà còn sợ cô độc, thì chưa tu được. Tu đạo phải tự mình đứng lên, không theo mọi người, đó mới là bản sắc của người tu.
Người tu phải nhớ cho kỹ, không thể hòa mình với các phần tử ô nhiễm, để vàng thau lẫn lộn, cái đó chỉ khiến cho mình bị đọa. Người tu cũng phải tự mình giải quyết cho mình, ai ăn người ấy no, chớ không thể nhờ cậy vào người khác. Lẽ dĩ nhiên, người tu cũng cần có thiện tri thức khai sáng cho, dẫn cho ta vào đường ngay, nếu không thì người mù dẫn người mù, không tìm ra lối.
Người tu đạo phải biết nhẫn những điều khó nhẫn, nhường kẻ khác những gì người khác không nhường được, ăn những thứ người khác không ăn được, mặc những thứ người khác không muốn mặc, nói tóm lại người tu phải ráng chịu đựng những gì người khác không chịu nổi. Người tu phải giữ giới, giữ quy củ, nếu chẳng như vậy chẳng phải là người tu.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.6/12/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment