Saturday 22 November 2014

Thiện Hiện Khải Thỉnh
Kinh văn:
Thời Trưởng Lão Tu Bồ Ðề, tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, thiên đản hữu kiên, hữu tất trước địa, hiệp chưởng cung kính nhi bạch Phật ngôn: Hy hữu Thế Tôn! Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phó chúc chư Bồ Tát. Thế Tôn, Thiện nam tử thiện nữ nhân, phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm, ưng vân hà trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm? Phật ngôn: Thiện tai! Thiện tai! Tu Bồ Ðề! Như nhữ sở thuyết, Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phó chúc chư Bồ Tát. Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết. Thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm, ưng như thị trụ, như thị hàng phục kỳ tâm. Duy nhiên, Thế Tôn! Nguyện nhạo dục văn.
Bấy giờ, trưởng lão Tu-bồ-đề, ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên mặt, đầu gối bên mặt quỳ xuống đất, chấp tay cung kính bạch Phật rằng:
Hiếm có thay Ðức Thế-tôn! Ðức Như-lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát.
Bạch Ðức Thế-tôn! Người thiện nam, người thiện nữ, phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nên làm sao trụ, làm sao hàng phục được tâm?
Ðức Phật nói: Lành thay! Lành thay! Tu-bồ-đề! Ðúng như lời ông nói, Như-lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát. Nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói. Người thiện nam, người thiện nữ, phát tâm a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nên như thế mà trụ, như thế mà hàng phục tâm.
Dạ! Bạch Thế-tôn! Con nguyện vui lòng lắng nghe.
Lược giải:
Bấy giờ, trưởng lão Tu-bồ-đề, ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật vai áo bên mặt, đầu gối bên mặt quỳ xuống đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:
Sau khi Ðức Phật thâu y bát, rửa chân, rồi lên tòa ngồi, thì có một vị trưởng lão đứng lên thưa hỏi.
" Trưởng lão" Danh xưng trưởng lão có thể một là chỉ các trưởng lão cao niên hay nhiều tuổi hạ, hai là trưởng lão về pháp tánh, ba là trưởng lão về phước đức. Nếu tuổi lớn, cộng thêm với nhiều tuổi hạ, tức là thọ giới đã lâu, thì gọi là trưởng lão. Nếu chỉ lớn tuổi mà tuổi hạ ít thì không được kể trong số này. Ðại để như trường hợp Tôn-giả Ma-ha Ca-diếp, ông là người lớn tuổi nhất, thời gian thọ giới cũng lâu nhất, nên gọi là trưởng lão.
Trưởng lão về pháp tánh thì không cần có niên cao hay tuổi hạ nhiều. Vị này có thể ít tuổi nhưng trí huệ vượt hẳn lên, có khả năng giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, hiểu rõ Phật-pháp, thông đạt diệu nghĩa cũng như có biện tài vô ngại. Trưởng lão về phước đức thì có phước báo và cũng là người đủ đức hạnh.
Danh xưng trưởng lão là do mọi người cung kính mà xưng hô với mình, chớ không phải do mình muốn làm trưởng lão, hay tự ý phong mình như vậy, phải là do mọi người đồng lòng công nhận mà thành danh xưng, cũng không thể do mình muốn tranh đoạt mà được. Trưởng lão về tuổi tác hay nhiều năm hạ cũng chia thành thứ bậc. Như thọ giới 10 năm thì kêu là hạ tọa, 20 năm gọi là trung tọa, 30 năm gọi là thượng tọa.
Pháp tánh trưởng lão thì không kể về tuổi tác. Như Ngài Xá-lợi-phất mới có tám tuổi mà đã thành trưởng lão. Vì lý do gì vậy? Số là khi lên tám tuổi, Tôn-giả đã lên tòa thuyết pháp, khuất phục hàng loạt các luận sư, khiến họ líu lưỡi, ấp úng không còn tranh cãi được điều gì, đành phải gieo cả năm vóc xuống đất, cam tâm dập đầu trước cậu bé lên tám, mà tuyên bố thua cuộc. Có như thế, Ngài Xá-lợi-phất mới được tôn là một pháp tánh trưởng lão ngay khi mới lên tám. Sanh ra mới được bảy ngày, Ngài Xá-lợi-phất đã thông đạt hết các kinh tạng. Chúng ta hãy tưởng tượng chỉ có bảy ngày mà thông suốt Phật-pháp, thì ngài đã đủ tư cách làm trưởng lão chưa? Thật là siêu việt có thừa, bởi vậy trong các số đệ tử hàng Thanh-văn của Phật, Ngài là bậc biện tài vô ngại, trí huệ hàng đầu.
Biện tài có bốn loại, gọi là "tứ vô ngại biện." Thứ nhất là vô ngại biện về lời, tức ngôn từ. Bất cứ ai có vấn đề gì, ngài đều biện giải được một cách trôi chảy. Lời lẽ mà ngài xử dụng nghe rất hay, vừa tinh luyện lại vừa chính xác, dùng rất đúng chỗ. Ðối phương lý luận cách nào, cũng không sao thắng nổi. Vô ngại biện thứ hai là về nghĩa. Không riêng ngôn từ mỹ lệ, nghĩa lý cũng vô cùng mạch lạc. Thứ ba là vô ngại biện về pháp. Lời ngài nói ra, chỗ nào cũng là đạo, lời nào cũng quy về gốc; tất cả đều là Phật-pháp, không có gì bế tắc trở ngại. Thứ tư là vô ngại biện về vui thích thuyết pháp. Là một loại tam muội nhạo thuyết, vui thích thuyết pháp cho mọi người, trừ phi người ta không muốn nghe, nếu muốn nghe, thì lời pháp sẽ như nước nguồn tuôn chảy, không lúc nào ngừng.
Vị trưởng lão được nói đến trong Pháp-hội Kim Cang này là Tôn-giả Tu-bồ-đề. Thứ bậc trưởng lão của Tôn-giả thuộc về tuổi tác và nhiều năm hạ. Ngoài ra ngài còn được coi là một pháp tánh trưởng lão, mà cũng là phước đức trưởng lão nữa, tức kiêm cả ba loại. Tu-bồ-đề có ba nghĩa là: Thiện Cát, Thiện Hiện và Không Sinh. Khi Tôn-giả ra đời, kho chứa của báu của gia đình hốt nhiên trống không. Người cha sợ lắm, mới bói một quẻ, nhưng quẻ đó lại vừa tốt, vừa lành, nên đặt tên Tôn-giả là "Thiện Cát." Bảy ngày sau, của báu lại hiện ra, nên đặt một tên nữa là "Thiện Hiện." Tại làm sao của báu lại biến thành không vậy? Nguyên do vì Tôn-giả Tu-bồ-đề đã tu pháp môn "quán không" từ nhiều kiếp trước. Ngài đã chứng đắc lý không, và trong hàng đệ tử của Phật, ngài là vị giải không đệ nhất. Có vậy nên khi sinh ra đời, trong nhà có tất cả 108 kho châu báu, tự nhiên biến thành trống không. Ðó là ý nghĩa "Không Sinh" (sinh từ không) của danh hiệu Tôn-giả Tu-bồ-đề.
"Ở trong đại chúng" Tôn-giả Tu-bồ-đề từ trong đại chúng của pháp hội bát-nhã, gồm có cả trăm ngàn vạn ức trời và người.
"Liền từ chỗ ngồi đứng dậy" Tôn-giả trông thấy Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi ngay ngắn trong tư thế kiết-già, như như bất động mà luôn sáng suốt (như như bất động, liễu liễu thường minh), ông hiểu được ý nghĩa của sự biểu hiện này. Biểu hiện điều gì vậy? Chính là biểu hiện trí huệ bát nhã. Ðức Phật thường ngày, trong mọi oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, đều biểu hiện diễn thuyết thực tướng bát nhã, quán chiếu bát nhã, và văn tự bát nhã, đủ các loại diệu pháp bát nhã. Pháp bát nhã mầu nhiệm này, chỉ duy kẻ có trí huệ mới thâm nhập được. Ngài Tu-bồ-đề, vừa đủ trí huệ, vừa đủ phước đức, nên mới nhận ra và hiểu ý Phật muốn thuyết diệu pháp thực tướng bát nhã. Ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy.
"Trịch vai áo bên mặt" Theo lễ nghi của người Ấn Ðộ, thì trịch vai áo bên tay phải là biểu thị sự tôn kính. Về điểm này, ta thấy áo của người xuất gia để lộ bên vai tay mặt, đó là kiểu áo mà xưa Phật đã chế ra. Tuy nhiên, tại Ấn Ðộ, Thái Lan, Miến Ðiện, và Tích Lan, áo cà-sa của người xuất gia đều có mầu vàng đậm, không có khoen móc, hoàn toàn giữ đúng cách thức của thời Phật tại thế. Tại sao ở Trung Hoa, áo cà-sa lại có khoen móc? Chẳng qua đây là một sự canh cải linh động, có tính cách quyền biến, vì khí hậu ở Trung Hoa tương đối lạnh hơn, nên trong áo cà-sa còn có áo lót. Như áo cà-sa mà khoác ở ngoài áo lót thì ta khó có cảm giác áo đắp lên thân mình, áo có rớt xuống ta cũng không hay. Cũng vì lẽ này, các thầy đã thông minh nghĩ ra cái khoen để móc, giữ cho áo không bị tuột ra; nên vừa giữ được cách thức do Phật chế, vừa thích ứng với hoàn cảnh. Ðó là nguồn gốc của cái khoen trên áo cà-sa của người Hoa.
"Ðầu gối bên mặt quỳ xuống đất, chắp tay cung kính bạch Phật" Trịch vai áo bên mặt, đầu gối bên mặt quỳ xuống đất, có nghĩa là thân nghiệp thanh tịnh, chắp tay cung kính là ý nghiệp thanh tịnh, bạch Phật là khẩu nghiệp thanh tịnh. Các điều này biểu thị ba nghiệp thanh tịnh. Lấy thân, tâm, khẩu, cả ba thanh tịnh mà thỉnh Phật thuyết pháp.
Hiếm có thay Ðức Thế-tôn! Ðức Như-lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát.
"Hiếm có thay Ðức Thế-tôn!" là nghĩa thế nào? Nghĩa là Phật rất hiếm có.
Phật Thích Ca đương ngồi trên pháp tòa, một lời cũng chẳng thốt ra. Trưởng lão Tu-bồ-đề sao mà lắm chuyện vậy? Gió chẳng động mà sóng lại dậy lên, đương vô sự mà sự lại sanh, có đầu lại đội thêm đầu, có tướng lại thêm tướng, như vậy chẳng phải là đương yên ổn mà tự nhiên kiếm chuyện cho rắc rối hay sao? Phật Thích Ca không nói gì, sao trưởng giả lại nói là "hiếm có." Thản như đức Thích Ca, có nói gì, hoặc có biểu hiện gì, thì câu "Ðức Thế-tôn hiếm có" có thể chấp iểu nhận được. Ðàng này Phật không làm gì, Ngài chỉ bày tọa cụ để ngồi xuống mà lại nói "hiếm có!" Các vị nên chú ý nhìn nhận cho thật kỹ: tại chỗ này, toàn bộ ý nghĩa Kinh Kim Cang nằm tại chỗ này đây!
Thích Ca Mâu Ni Phật "trải tọa cụ ra, ngồi xuống (phu tòa nhi tọa)" là đã thuyết pháp rồi đó, cho nên ông Tu-bồ-đề mới nói: "Ðức Thế-tôn hiếm có! Ðức Như-lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát." Phật thuyết bát-nhã chính là để hộ niệm các Bồ tát, chính là vì phó chúc các Bồ tát. Ngài lìa các tướng ngôn ngữ, các tướng văn tự, các tướng tâm duyên, ly mọi tướng để tuyên thuyết cái thực tướng bát-nhã. Chỉ người nào chứng được quả thánh mới hiểu nổi thực tướng bát nhã, còn như phàm phu thì không vào được, không hội được pháp mầu bát nhã này. Tôn-giả Tu-bồ-đề mới nghĩ ra biện pháp để Ðức Phật dùng phương tiện khéo léo, lấy văn tự bát nhã diễn pháp lại một lần nữa, do đó ông mới thị hiện quyền biến chúng sinh thỉnh pháp, và từ trong đại chúng đứng lên, trịch vai bên mặt, chắp tay cung kính bạch Phật, nói rằng Ðức Thế-tôn thật là hiếm có, các pháp mà Ngài nói thật là khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát, các pháp này thực là mầu nhiệm vô cùng!
Bạch Thế-tôn! Người thiện nam, người thiện nữ, phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nên làm sao trụ, làm sao hàng phục được tâm?
Trưởng lão Tu-bồ-đề, vì chúng sanh mà thỉnh pháp, Ngài bạch Phật rằng: "Bạch Thế-tôn! Ngài đã giảng thực tướng bát-nhã xong, nhưng một số chúng sanh vẫn chưa hiểu rõ, vậy xin Ngài hãy vì các chúng sanh đời mạt pháp sau mà giảng thuyết lại. Như quả có người thiện nam, có người thiện nữ, phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề . . ."
"Phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề" là tiếng Phạn (Anuttara-Samya-Sambohi), nghĩa là phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tại sao trong bản kinh Hán-tạng không phiên dịch chữ này? Vì nó là một danh từ chỉ quả vị Phật, nên tôn kính mà không dịch, giữ nguyên âm Phạn.
A-nậu-đa-la là vô thượng, tam-miệu là chánh đẳng, tam-bồ-đề là chánh giác.
chánh giác thì khác với phàm phu; Phật đã giác ngộ chân chánh nên không giống kẻ phàm phu là những người không giác ngộ. Là chánh đẳng thì khác với kẻ nhị thừa, vì nhị thừa chỉ là chánh giác mà không phải chánh đẳng. Gọi là giác ngộ chánh đẳng chánh giác tức là sự giác ngộ này "chân chánh ngang bằng" với sự giác ngộ của Phật (đẳng là ngang hàng). Vô thượng tức là có sự khác biệt với hàng Bồ-tát, vì Bồ-tát chỉ được chánh đẳng mà chưa đạt tới hàng vô thượng. Bồ tát còn được gọi là "Hữu Thượng Sĩ," Phật mới có hiệu là "Vô Thượng Sĩ," tức là không có thứ bậc nào ở trên Phật, Phật là quả vị tột cùng.
Tôn-giả Tu-bồ-đề thưa với Phật rằng: "Như có người muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì họ phải làm sao để an trụ chân tâm? Phải làm sao để hàng phục tâm vọng tưởng, tâm phan duyên, tâm phóng túng, tâm hư vọng, tâm cống cao ngã mạn, tâm tham, tâm sân, tâm si?"
"Hàng phục được tâm," ý muốn nói ở đây là những loại tâm không hay. Vậy hàng phục cách nào? Như chúng ta nói hàng phục quân địch trong cuộc giao tranh của hai bên địch quân, hàng phục chính là chiến thắng đối phương vậy.
Con người ta làm thế nào để chế phục được tham, sân, si? Phải vun trồng giới, định, huệ. Có mặt của giới, định, huệ thì không có mặt của tham, sân, si. Tham, sân, si tức là giới, định, huệ; giới, định, huệ tức là tham, sân, si, chỉ xem mình có biết dùng hay không. Cũng là một số tiền, ta có thể dùng nó mua thuốc phiện về hút, mà cũng có thể dùng nó giúp đỡ kẻ khác qua được cơn khốn cùng. Tùy cách thức ta dùng tiền đó. Ðó cũng là ý nghĩa của tham, sân, si là giới, định, huệ. Biết cách dùng thì có giới, định, huệ; không biết cách dùng thì có tham, sân, si. Ðối với người ngu si thì giới, định, huệ sẽ biến thành tham, sân, si. Nước với băng cũng vậy, nước chẳng khác băng, băng chẳng khác nước, nước tức là băng, băng tức là nước. Cùng một nghĩa lý này, ta thấy phiền não tức bồ-đề, bồ-đề tức phiền não, phiền não và bồ-đề chẳng phải là hai thứ. Nếu không biết cách dùng thì phiền não là phiền não; ngược lại, nếu biết, thì phiền não sẽ trở thành bồ-đề.
Lời nói là pháp, thực hành là đạo. Nói cho tốt, nói cho hay, mà chẳng thực hành thì chẳng phải là đạo. Siêng năng tu giới, định, huệ, sẽ diệt tham, sân, si, như vậy chính là hàng phục tâm. Nếu chúng ta hàng phục được vọng tâm, thì chân tâm sẽ thường trụ, cho nên có câu "thường trụ chân tâm, tánh tịnh minh thể."
Ðức Phật nói: Lành thay! Lành thay! Tu-bồ-đề! Ðúng như lời ông nói, Như-lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát. Nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói. Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nên như thế mà trụ, như thế mà hàng phục tâm.
Dạ! Thế-tôn. Con nguyện vui lòng lắng nghe.
Ðức Phật Thích Ca thấy ông Tu-bồ-đề vì chúng sanh mà thỉnh pháp, Ngài hoan hỷ nên mới khen rằng: "Ông Tu-bồ-đề, ông thực là tốt." Kế đó Phật nói: "Ðúng lắm! Như-lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát, nên mới nói pháp bát-nhã. Bây giờ, ông phải hết sức chú ý, ta nay giảng diệu pháp bát nhã cho ông, nhưng ông không được nghe như gió thoảng qua tai, mà phải đặc biệt chú tâm, nếu để phớt qua thì thật uổng phí công sức của Như-lai."
"Người thiện nam, người thiện nữ, phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nên như thế mà trụ, như thế mà hàng phục tâm." Câu này nghĩa là nên theo như thế này mà an trụ chân tâm, như thế này mà hàng phục vọng tâm.
Trong Kinh Kim Cang, tới đoạn nào khẩn yếu, ta cũng thấy mấy chữ như thế (như thị). Ðức Phật có một cách biểu thị, mà không diễn tả ra bằng văn tự. "Như thế," tức không có giảng gì hết, đó là chỗ "hết đường ngôn ngữ, diệt mọi tâm ý," cho nên có câu:
"Khẩu dục ngôn nhi từ táng, Tâm dục duyên nhi lự vong."
Nghĩa là:
Miệng muốn nói mà lời tan biến,
Tâm muốn duyên mà ý chẳng còn.
"Như thế!" tức là chỗ không có lời giảng, nghĩa là bảo chúng ta hãy ngồi xuống tham thiền đi! Nếu chúng ta có thể tham thiền, có thể dụng công thiền quán, thì chân tâm an trụ tại địa điểm này, vọng tâm tự nhiên bị hàng phục, do đó mới nói "như thế." Nếu người ta cứ như vậy mà tu, thì thường an trụ được chân tâm, tới được bổn lai Phật tánh, tánh tịnh minh thể và hàng phục được tâm.
Trưởng lão Tu-bồ-đề, khi trông thấy như vậy . . . mà như vậy là cái gì đó? Chẳng có cái gì cả. Vô tướng bát-nhã thì không có hình tướng gì hết. Lúc đó Ngài Tu-bồ-đề đã hiểu minh bạch, và cũng muốn cho chúng sanh đời sau được hiểu thấu nên ông đáp ứng: "Dạ!"
Nói tới đoạn này, chúng ta liên tưởng tới một lần nọ, đức Khổng-tử nói với Tăng-tử, có sự hiện diện của một số đệ tử.
Ðức Khổng-tử nói rằng: "Ðạo của ta là chỉ có một chân lý xuyên suốt." Thầy Tăng-tử mới đáp: "Dạ!" Khi đức Khổng đi rồi, các môn đồ không hiểu thầy Tăng-tử đáp "dạ" là ý nghĩa gì. Tăng-tử thì hiểu, nhưng các đệ tử khác không hiểu, mới hỏi: "Câu thầy vừa nói đó có nghĩa gì? Làm sao mà chúng tôi chẳng hiểu gì hết?" Tăng-tử đáp: "Ðạo của Phu-tử chỉ là trung thứ mà thôi."
Trung, nghĩa là hết lòng mình (tận kỷ); thứ, nghĩa là xả mình (thôi kỷ). Trung thứ tức là hết lòng vì người, hoàn toàn xả thân vì người.
Trưởng lão Tu-bồ-đề bạch Phật: "Thế-tôn! Con nguyện vui lòng lắng nghe," lời thuyết pháp của Phật. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.23/11/2014.

No comments:

Post a Comment