Saturday 22 November 2014

NHƯ LAI THIỀN
THỰC HÀNH
 
Mở đầu :
Trong cuộc sống bon chen vật chất hiện nay, hầu như ai ai cũng nhìn nhận phương pháp Thiền của Phật giáo có khả năng diệt trừ bức xúc và mang đến sự an tịnh trong tâm hồn. Nhưng phần đông người học Thiền chỉ biết sơ qua về cách ngồi kiết già, bán già, sổ tức và tùy tức, chứ người đạt được Sơ thiền thì rất hiếm hoi, vì phần đông chưa biết cách đoạn trừ năm triền cái[1] và cách thực hành năm thiền chi[2] để làm nền tảng cho thiền tập.
Trong đạo Phật có hai dòng Thiền chánh là Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền.
Tổ Sư Thiền bắt nguồn từ lúc Đức Phật tuyên bố trao « Chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn » cho ngài Maha Kassapa (Maha Ca Diếp) tại núi Linh Thứu. Nhưng thực ra Tổ Sư Thiền chỉ hiện rõ nét từ khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma sang đến Trung Hoa và tuyên bố dạy Thiền theo phương pháp « Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật », tức là phương pháp “tâm truyền tâm” và “ấn chứng” chứ không có văn bản, chương trình, thứ lớp nhất định. Như vậy, muốn học Tổ Sư Thiền có kết quả thì phải thọ giáo với một Thiền sư đã chứng đắc chứ không có cách nào khác. Có người đến hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma « Thế nào là Đạo ? Thế nào là Tổ ? ». Tổ đáp :
                    « Ngoài dứt muôn duyên,
                    « Trong bặt nghĩ tưởng,
                    « Tâm như vách tường,
                    « Ấy là vào Đạo.
                    « Sáng Phật Tâm tông[3],
                    « Thảy không sai ngộ[4],
                    « Làm hiểu hợp nhau,
                    « Ấy gọi là Tổ.
Bài kệ này có thể xem là yếu chỉ của Tổ Sư Thiền.
Muốn biết « Làm hiểu hợp nhau » theo Tổ Sư Thiền là như thế nào thì nên đọc bài kệ bất hủ Cư Trần Lạc Đạo sau đây của vua Trần Nhân Tông :
                    « Sống đời vui đạo, hãy tùy duyên,
                    « Bụng đói thì ăn, mệt ngủ liền,
                    « Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm[5],
                    « Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền[6].
Ngoài ra, để sống thích hợp với Phật tánh nơi mỗi người chúng ta, Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy thực hành Bốn Hạnh Vào Đạo như sau :
1- Báo oán hạnh : Khi gặp nghịch cảnh hay khi có người đối xử không tốt với mình thì nên xem đó là nghiệp báo của mình đã gây ra từ trước nay phải trả, nên vui vẻ trả theo luật nhân quả mà không nên oán trách.
2- Tùy duyên hạnh : Theo luật nhân quả thì muôn sự muôn vật cũng như vui sướng hay đau khổ, thành công hay thất bại đều do nhân duyên sanh, không có gì đáng vui mừng hay buồn khổ. Làm bất cứ việc gì, dù là việc thiện, cũng nên tùy cơ duyên thuận lợi, đúng thời đúng lúc, không nên vì lòng ham muốn mà làm, có thể gặp nhiều trở ngại không tốt sanh ra thất vọng buồn phiền.
3- Vô sở cầu hạnh : Cuộc đời là vô thường, mà vô thường là đau khổ. Chỉ có sống an nhiên trong vô thường, không mong cầu, không ham muốn, mới không đau khổ. Do đó không nên mong cầu bất cứ việc gì, vì mong cầu là lòng tham vi tế làm phát sanh phiền não và đau khổ, không thích hợp với Phật tánh.
4- Xứng Pháp hạnh : Pháp là Chân lý về tự tánh thanh tịnh của chúng ta. Trong đó tất cả đều không có thật thể, không có thật tướng, không có tự ngã, không có chúng sanh, không có vọng tưởng si mê cố chấp. Người có trí tuệ thông hiểu được Chân lý này mới hành động xứng hợp với Pháp : Bố thí mà không thấy có người cho, không thấy có người nhận, không thấy có vật bố thí ; thực hành Lục Độ[7] mà như không có làm gì cả vì tâm không cố chấp ; tu mà không chấp là mình đang tu ấy mới thật là tu.
Về cách dụng tâm trong lúc ngồi thiền thì Tổ sư thiền dạy Lục Diệu Pháp Môn[8] là Sổ, Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn và Tịnh, như sau :
Sổ tức là dùng phương pháp đếm hơi thở để trụ tâm.
Tùy tức là chú tâm theo dõi hơi thở vào ra.
Chỉ là tập trung tư tưởng vào một điểm trên cơ thể để giữ tâm an định.
Quán là tập trung tư tưởng vào một đề tài suy nghiệm để tìm hiểu cặn kẽ.
Hoàn là trở lại quán cái tâm năng quán của chính mình.
Tịnh là giữ tâm an lạc thanh tịnh, không Chỉ, không Quán. Tịnh là tâm xả bỏ tất cả.
Như Lai Thiền[9] là phương pháp Thiền mà Đức Phật đã học với hai vị đạo sư là Alara Kalama (A La Ca Lam) và Uddaka Ramaputta (Uất Đầu Lam Phất) từ Sơ Thiền đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng định. Rồi Ngài theo lối tu khổ hạnh trong sáu năm, không được kết quả gì cao hơn. Cuối cùng Ngài lập pháp tu trung đạo là Bát Chánh Đạo và 49 ngày sau đó Ngài vượt khỏi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng định, nhập Diệt Thọ Tưởng định và  thành đạo, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ đề. Trong suốt 45 năm hành đạo Đức Phật đã nói đến pháp Thiền này trên 20 lần trong các kinh điển còn lưu truyền đến ngày nay. Và lúc nhập Đại Bát Niết Bàn Đức Phật cũng thực hành pháp Thiền này từ Sơ Thiền lên đến Diệt Thọ Tưởng, rồi từ Diệt Thọ Tưởng lần xuống Sơ Thiền, rồi từ Sơ Thiền lên đến Tứ Thiền, sau đó Ngài xuất Tứ Thiền và nhập diệt liền sau đó. Như vậy chúng ta thấy Như Lai Thiền đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đời và Giáo pháp của Đức Phật. Yếu chỉ của Như Lai Thiền là phải hiểu rõ giáo lý căn bản của Đức Phật (Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Mười Hai Nhân Duyên, Vô Thường, Vô Ngã, Niết Bàn), rồi dùng hơi thở và phép tập trung tư tưởng để điều chỉnh thân tâm theo thứ lớp từ Sơ Thiền đến Diệt Thọ Tưởng Định.
Trong kinh Trung Bộ 107 (Ganaka Moggallana sutta), kinh Trường Bộ 9 (Potthapàda sutta) và kinh Trung Bộ 53 (Sekha sutta) Đức Phật dạy người đã phát nguyện tu hành nên theo thứ lớp tuần tự như sau :
a-    Học tập giới hạnh, gìn giữ giới hạnh, thực hành đầy đủ bốn oai nghi, thấy sự nguy hiễm trong những lỗi nhỏ nhặt. Nhờ vậy tâm không sợ hãi, khởi sanh hỷ lạc.
b-    Hộ trì sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thanh tịnh, khổng đắm nhiễm vào sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nhờ vậy tham, ái, ưu, bi cùng các ác bất thiện pháp không khởi lên, tâm được an lạc.
c-    Tiết độ trong sự ăn uống, diệt trừ các cảm thọ hỷ lạc. Nhờ vậy không phạm lỗi lầm, sống được an ổn.
d-    Giữ chánh niệm tỉnh giác trong khi đi đứng nằm ngồi để đoạn trừ các pháp chướng ngại, gìn giữ thân oai nghi, tâm thanh tịnh.
e-    Chánh niệm tỉnh giác trong mỗi hành động về thân miệng ý để làm tăng thiện nghiệp và đoạn trừ ác nghiệp.
f-     Tập ngồi thiền để đoạn trừ năm triền cái là tham ái, sân hận, hôn trầm, trạo cử và hoài nghi. Nhờ vậy tâm được sẵn sàng hướng thượng.
g-    Siêng năng thực hành năm thiền chi là tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm để chứng đạt và an trú bốn bậc thiền đầu tiên cho tâm được nhu nhuyễn dễ sử dụng. Nhờ đó được thân tâm an lạc, thanh tịnh, sáng suốt để có thể đoạn trừ mười kiết sử[10] và tiến dần lên các bậc thánh từ Tu đà hoàn đến A la hán và Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Nghiên cứu và gom góp các lời Phật dạy về Như Lai Thiền, chúng ta có thể sắp xếp thành chương trình Thiền tập như sau:
1-    Đoạn trừ năm Triền Cái là Tham dục, Sân hận, Hôn trầm, Trạo cử và Hoài nghi:
Đức Phật nói nếu không đoạn trừ năm triền cái tức là năm chướng ngại về Thiền thì không thể nào đắc Sơ Thiền.
          1.1- Đoạn trừ Tham dục (Kàmacchanda): Tức là đoạn trừ tham sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; đoạn trừ tham tài, sắc, danh, thực, thùy. Trong đời sống hằng ngày nên thực hành hạnh bố thí để trừ tâm tham, mỗi khi tâm khởi tham liền biết tâm có tham và bỏ liền, nếu bỏ liền không được thì quán về những tai hại của tâm tham để trừ. Trong lúc ngồi Thiền dùng quán để nhận rõ tánh vô thường của vạn vật, nhận rõ các tướng trạng và các nguy hại của tâm tham. Phải biết rằng sáu trần[11] và năm dục lạc thế gian[12] chính là nguồn gốc của tham dục, tìm cầu, sân hận, đau khổ và sanh tử luân hồi. Đức Phật dạy cách đoạn trừ tham dục như sau : Đối với bất cứ vật gì dù to hay nhỏ, xa hay gần, vô hình hay hữu hình, ta đều nên nghĩ rằng « Vật này không phải là tôi, vật này không phải của tôi »
          1.2- Đoạn trừ Sân hận (Byàpàda): Sân bao gồm chê, ghét, không ưa thích, bực tức, muốn đẩy ra xa, muốn làm hại, muốn tiêu diệt, hận thù … Trong đời sống hằng ngày nên thực hành hạnh khiêm cung, kham nhẫn, từ tâm để trừ sân hận, mỗi khi tâm khởi sân hận liền biết tâm có sân và bỏ liền, nếu bỏ liền không được thì quán về những tai hại của tâm sân để trừ. Trong lúc ngồi Thiền dùng quán để nhận rõ các tướng trạng và các nguy hại của tâm sân. Phải biết rằng tâm sân là nguồn gốc của ác kiến, ác hạnh, ác nghiệp, đưa đến đau khổ triền miên nơi địa ngục.
          1.3- Đoạn trừ Hôn trầm (Thìnamiddha): Hôn trầm là lúc ngồi thiền hay buồn ngủ, ngủ gậc. Nên tìm hiểu rõ nguyên nhân bệnh hôn trầm của mình để trừ như mệt mỏi, thiếu dinh dưỡng, bụng no, thiếu ngủ, thiếu vận động, tập thiền không đúng lúc, thiếu hăn hái sốt sắn …
          1.4- Đoạn trừ Trạo cử (Uddhacca-kukkucca): Trạo cử là hay phóng tâm, hối hận, thay đổi ý kiến, tâm dao động không an, thiếu quyết tâm. Phải tìm ra nguyên nhân bệnh trạo cử của mình để trị, thường là do thiếu Chánh kiến[13] và Chánh niệm[14], không hiểu rõ giáo lý và ích lợi của sự tu tập.
          1.5- Đoạn trừ Hoài nghi (Vicikicchà): Hoài nghi là do không hiểu rõ Chánh Pháp, không hiểu rõ Pháp môn tu tập, thiếu tin tưởng nơi bậc đạo sư. Phải học giáo lý, tham vấn các vị Thiện tri thức để tìm cách giải nghi.
          Trong năm triền cái thì Tham và Sân là hai phiền não lâu đời lâu kiếp khó đoạn trừ nhất, cần nhiều quyết tâm và cố gắng. Phải chờ đến lúc thực hành đầy đủ 5 thiền chi hành giả mới có thể đoạn trừ sạch 5 triền cái.
2-    Thực tập năm Thiền Chi là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm:
Muốn thực tập thiền, trước hết phải có tọa cụbồ đoàn. Kế đó phải biết cách ngồi bán già, cách ngồi kiết giàcách thở. Hai mắt có thể nhắm lại để dễ tập trung tư tưởng, hoặc hé mở độ 1/3 nếu hay bị ngủ gậc, hoặc mở to ra để chống ngủ gậc ; nhưng mắt mở to lâu sẽ bị khô mắt và mỏi mắt.
Tọa cụ là một tấm thảm vuông, mỗi cạnh độ 80cm để lót chỗ ngồi cho sạch. Bồ đoàn là một cái gối hình trụ, đường kính độ 25cm, chiều cao độ 15cm, bên trong dồn dâm bào nhỏ[15], để ngồi cho êm và thẳng lưng.
Ngồi bán già là ngồi trên bồ đoàn, co chân trái vào, đầu gối chân trái bẹt ra để sát xuống tọa cụ, gót chân trái co sát vào bồ đoàn, rồi bẹt đầu gối chân phải ra sát xuống tọa cụ, dùng tay trái kéo bàn chân phải đặt lên đùi trái, gót chân phải sát vào bụng. Nên nhớ hai đầu gối phải chấm sát xuống tọa cụ, cột xương sống và cổ phải thẳng đứng.
Ngồi kiết già là ngồi trên bồ đoàn, hai chân co lại, hai đầu gối bẹt ra để sát xuống toạ cụ, dùng tay phải kéo bàn chân trái để lên đùi phải, gót chân trái sát vào bụng, rồi dùng tay trái kéo bàn chân phải để lên đùi trái, gót chân phải sát vào bụng. Nên nhớ hai đầu gối phải chấm sát xuống tọa cụ, cột xương sống và cổ phải thẳng đứng.
Hai cánh tay buông thỏng thoải mái, hai bàn tay để ngửa trước bụng, dưới rốn độ 3cm, bàn tay phải trên lòng bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm nhau. Đôi khi cũng có thể để hai bàn tay úp trên đùi cho thế ngồi được cân bằng, hai vai ngang nhau, cột xương sống và cổ thẳng đứng.
Về hơi thở thì có nhiều cách :
« Sổ tức thô » là ngồi kiết già hay bán già, hai bàn tay để úp trên đùi, hít hơi vào bằng mũi mạnh và dài, nghe tiếng kêu trong sống mũi như tiếng ngáy ngủ, đưa hơi lên não bộ rồi vòng xuống bụng, bụng phồng lên rồi thả lỏng xuống (thả lỏng cơ bụng) ; kế đó nín thở, trong khi nín thở đếm thầm theo nhịp tim độ 30 tiếng ; rồi thở ra như bong bóng xì hơi bằng miệng hé mở, bụng xẹp xuống.
« Sổ tức tế » là ngồi kiết già hay bán già, bàn tay phải để trên lòng bàn tay trái trước bụng, dưới rốn độ 3cm, hai đầu ngón tay cái chạm nhau, hít hơi vào bằng mũi, nghe tiếng kêu trong sống mũi như tiếng ngáy ngủ, dài độ 6 tiếng đếm, bụng phồng lên ; ngưng một lúc rồi thở ra bằng miệng hé mở, bụng xẹp xuống. Sổ tức thô và tế dùng để thanh lọc thân tâm, tăng cường sinh lực và an định thế ngồi.
« Hơi thở phát sanh hỷ lạc » là ngồi kiết già hay bán già, bàn tay phải để trên lòng bàn tay trái trước bụng, dưới rốn độ 3cm, hai đầu ngón tay cái chạm nhau ; lưỡi cong lại nhẹ nhàng, đầu lưỡi chạm vòm hàm trên ; hít hơi vào bằng mũi dài độ 3 tiếng đếm, nghe tiếng hơi thở vào ra nơi mũi, bụng phồng lên ; rồi thở ra cũng bằng mũi, bụng xẹp xuống. Nếu có thể, bạn nên tự tìm ra loại hơi thở làm phát sanh cảm thọ hỷ lạc cho mình thì tốt hơn.
« Hơi thở phát sanh lạc » là ngồi kiết già hay bán già, bàn tay phải để trên lòng bàn tay trái trước bụng, dưới rốn độ 3cm, hai đầu ngón tay cái chạm nhau ; lưỡi cong lại nhẹ nhàng, đầu lưỡi chạm vòm hàm trên ; hít hơi vào bằng mũi thật nhẹ, dài độ 2 tiếng đếm, không nghe tiếng, chỉ cảm thấy hơi thở vào ra nơi mũi; rồi thở ra cũng bằng mũi. Nếu có thể, bạn nên tự tìm ra loại hơi thở làm phát sanh lạc thọ cho mình thì tốt hơn.
« Hơi thở phát sanh thanh tịnh » là ngồi kiết già hay bán già, bàn tay phải để trên lòng bàn tay trái trước bụng, dưới rốn độ 3cm, hai đầu ngón tay cái chạm nhau ; lưỡi cong lại nhẹ nhàng, đầu lưỡi chạm vòm hàm trên, để hơi thở vào ra thật nhẹ nơi mũi hầu như không cảm thấy. Hơi thở này làm phát sanh cảm thọ xả, mang đến sự thanh tịnh trong tâm.
2.1- Tầm (Vitakka) là hướng tâm đến định tướng.
Thực hành tập trung tư tưởng vào đỉnh đầu, tam tinh (giữa hai chân mày), chóp mũi, tim hay rốn. Khi tập trung tư tưởng vào đỉnh đầu hay tam tinh thành công thì cảm thấy nơi đó rần rần, hoặc như có mạch máu nhảy, hoặc xoáy mạnh. Khi tập trung tư tưởng vào tim thành công thì ý thức rõ ràng tiếng và nhịp tim đập. Khi tập trung tư tưởng vào chóp mũi thì cảm giác rõ ràng hơi thở ra vào. Khi tập trung tư tưởng vào rốn thì ý thức rõ ràng bụng phòng xẹp theo hơi thở vào ra.
2.2- Tứ (Vicàra) là tâm bám sát vào định tướng trong một thời gian dài, không lo ra, xao lãng, gián đoạn. Nếu là thực hành Chỉ thì Tứ là tâm bám sát vào một điểm trên cơ thể. Nếu là thực hành Quán thì Tứ là tâm bám sát vào một đề tài đang suy niệm. Khi thực hành Tầm Tứ thành công là đã được Nhất tâm. Tầm và Tứ có khả năng ly dục, ly bất thiện pháp, đoạn trừ vọng tưởng[16] và phiền não[17] trong tâm.
2.3- Hỷ (Pìti) là cảm thọ mừng, thỏa mãn (tâm vui mừng): Phải nhận xét kỹ khi Hỷ (vui mừng) khởi lên trong tâm thì hơi thở như thế nào, nhịp tim như thế nào, nét mặt như thế nào, cơ thể như thế nào ; rồi khi ngồi thiền muốn khởi tâm Hỷ cũng phải điều chỉnh hơi thở, nhịp tim, nét mặt, cơ thể và tư thế ngồi như thế. (Có thể làm như một kịch sĩ biểu lộ tâm vui mừng trên sân khấu, nhưng phải chú trọng đến hơi thở, nhịp tim, nét mặt và thế ngồi).
2.4- Lạc (Sukha) là cảm thọ an vui (thân tâm an lạc): Hỷ thọ (mừng) sanh Lạc thọ (vui). Nhưng Lạc thọ có tánh êm dịu hơn. Phải nhận xét kỹ khi Lạc (thân tâm an lạc) khởi lên thì hơi thở như thế nào, nhịp tim như thế nào, nét mặt như thế nào, cơ thể như thế nào ; rồi khi ngồi thiền muốn khởi Lạc thọ (làm cho thân tâm an lạc) cũng phải điều chỉnh hơi thở, nhịp tim, nét mặt, cơ thể và tư thế ngồi như thế. Nên để ý là hơi thở và nhịp tim trong Lạc thọ nhẹ nhàng và êm dịu hơn trong Hỷ thọ. Nếu muốn có Hỷ và Lạc cùng một lúc thì phải điều chỉnh hơi thở và nhịp tim vào mức trung bình giữa Hỷ và Lạc. Cảm thọ Hỷ và Lạc có khả năng đoạn trừ sân hận và hôn trầm.
2.5- Nhất tâm (Ekacitta) còn gọi là Nhất điểm tâm (Ekaggatà citta) là tâm an trú vào một điểm trên cơ thể hay một đề tài suy nghiệm, không lo ra, xao lãng, loạn động. Khi thực hành Tầm Tứ thành công là đã có Nhất tâm. Nhất tâm có khả năng đoạn trừ trạo cử, tán loạn và hoài nghi.
 
3-    Thực tập các bậc Thiền:
Sau khi đã đoạn trừ năm triền cái và thực tập thuần thục năm thiền chi, thiền sinh có thể bắt đầu thực tập để chứng đạt các bậc Thiền từ dễ đến khó như sau :
3.0- Chuẩn bị vào thiền : Trước khi vào thiền nên tập thể dục nhẹ nhàng độ 15 phút cho thân thể và khí huyết được điều hòa. Chuẩn bị thân tâm an ổn thoải mái. Mặc y phục thoải mái, trang nghiêm, sạch sẻ, mát mẻ, hợp thời tiết. Chọn một nơi yên tĩnh, trải tọa cụ, đặt bồ đoàn vào giữa một cạnh của tọa cụ, rồi ngồi kiết già hoặc bán già. Niệm Phật cầu gia hộ. Thực hành « sổ tức thô » độ 7 lần, rồi đến « sổ tức tế » độ 50 lần. Sau đó bắt đầu vào sơ thiền.
3.1- Sơ Thiền :
Phật dạy : Ly dục, ly bất thiện pháp, tâm sanh Hỷ Lạc, có Tầm có Tứ, nhập Ly Sanh Hỷ Lạc Địa, chứng và an trú Sơ thiền.
Lý giải : Ly dục tức là ly tham sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp hay tài, sắc, danh, thực, thùy. Ly bất thiện pháp tức là làm cho ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh. Nhờ hộ trì sáu căn[18], xả ly năm triền cái[19] nên hân hoan sanh, nhờ hân hoan sanh nên lạc thọ sanh, nhờ lạc thọ sanh nên tâm được định tĩnh. Nhờ thực hành Tầm Tứ tức là tập trung tư tưởng vào tam tinh hay đỉnh đầu mà tâm không còn tham dục, không còn nghĩ ác bất thiện pháp. Nhờ không còn tham dục, không còn nghĩ ác bất thiện pháp nên tâm sanh Hỷ Lạc. Hành giả cũng có thể làm phát sanh Hỷ Lạc trong tâm bằng cách thực hành « hơi thở phát sanh Hỷ Lạc ». Nhập Ly Sanh Hỷ Lạc Địa tức là vào cảnh giới vui mừng an lạc của người đã ly dục ly bất thiện pháp. Chứng Sơ thiền tức là tâm có đầy đủ Tầm Tứ Hỷ Lạc. An trú Sơ thiền tức là tâm gìn giữ đầy đủ Tầm Tứ Hỷ Lạc trong một thời gian dài. Người đắc Sơ Thiền là người không tham sống sợ chết, không ham muốn các danh lợi tài sản thế gian, đã nhàm chán các thú vui thế tục, sẵn sàng vui vẻ lìa bỏ tất cả. Tâm trạng người chứng Sơ thiền giống như tâm trạng một người đang đi trong sa mạc, đang bị nóng bức, khát nước, mỏi mệt, bỗng thấy đằng xa có một chòm cây, chắc chắn sẽ có bóng mát và nước uống nên tâm sanh vui mừng, hăng hái tiến bước.
Thực hành : Thực hành « hơi thở phát sanh Hỷ Lạc », điều chỉnh hơi thở, nhịp tim, nét mặt, thế ngồi, cảm giác toàn thân để làm phát sanh Hỷ Lạc (trạng thái trung bình giữa Hỷ và Lạc). Rồi dùng Tầm và Tứ tập trung tư tưởng vào tam tinh hay đỉnh đầu để Nhất tâm ly dục ly bất thiện pháp. Khi tâm có đủ Tầm Tứ Hỷ Lạc là nhập Sơ thiền. Khi giữ được Tầm Tứ Hỷ Lạc trong tâm liên tục trên 15 phút là an trú Sơ Thiền.
Kết quả : Người đắc Sơ thiền được hỷ lạc ngay trong lúc ngồi thiền, ngay trong đời này, và sau khi mạng chung có thể sanh về các cõi trời sắc giới : Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Đại Phạm Thiên.
3.2 - Nhị Thiền :
          Phật dạy : Bỏ Tầm, bỏ Tứ, nội tĩnh nhất tâm, nhập Định Sanh Hỷ Lạc Địa, chứng và an trú Nhị thiền.
          Lý giải : Bỏ Tầm bỏ Tứ là không thực hành tập trung tư tưởng nơi tam tinh hay đỉnh đầu nữa. Nội tĩnh nhất tâm là mặt dù bỏ Tầm bỏ Tứ nhưng tâm vẫn còn an định trong ly dục ly bất thiện pháp, không vọng tưởng, không phiền não. Nhập Định Sanh Hỷ Lạc Địa là vào cảnh giới an định trong Hỷ Lạc. Chứng Nhị thiền là bỏ Tầm bỏ Tứ và Nhất tâm trong Hỷ Lạc. An trú Nhị thiền là giữ Nhất tâm trong Hỷ Lạc trong một thời gian dài. Người đắc Nhị thiền là người đã nhàm chán các thú vui thế tục và chuyên vui trong thiền định. Tâm trạng người đắc Nhị thiền giống như tâm trạng người đi trong sa mạc vừa đến nơi có chòm cây mát mẻ và có nước để uống nên tâm sanh vui mừng an ổn.
          Thực hành : Xuất Sơ thiền. Bỏ Tầm và Tứ, Nhất tâm trong việc thực hành « hơi thở phát sanh Hỷ Lạc », điều chỉnh hơi thở, nhịp tim, nét mặt, thế ngồi, cảm giác toàn thân để làm phát sanh Hỷ Lạc. Khi Nhất tâm trong Hỷ Lạc là nhập Nhị thiền. Khi giữ được Nhất tâm trong Hỷ Lạc liên tục trên 15 phút, không cho Tầm Tứ xen vào, là an trú Nhị thiền.
          Kết quả : Người đắc Nhị thiền được tâm định tĩnh an vui ngay trong l úc ngồi thiền, ngay trong đời này, và sau khi mạng chung có thể sanh về các cõi trời sắc giới : Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Quang Âm Thiên.
3.3- Tam Thiền :
          Phật dạy : Ly Hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm Lạc thọ mà các bậc thánh gọi là « xả niệm Lạc trú », nhập Ly Hỷ Diệu Lạc Địa, chứng và an trú Tam thiền.
          Lý giải : « Ly Hỷ trú xả » là không thực hành « hơi thở phát sanh Hỷ Lạc » nữa mà thực hành « hơi thở phát sanh Lạc ». « Chánh niệm tỉnh giác » là luôn luôn ghi nhớ xả bỏ Hỷ. « Thân cảm Lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm Lạc trú » là chỉ giữ Nhất tâm trong Lạc. « Nhập Ly Hỷ Diệu Lạc Địa » là bỏ Hỷ để vào cảnh giới an lạc tuyệt vời. Chứng Tam thiền là bỏ Hỷ và Nhất tâm trong Lạc. An trú Tam thiền là giữ Nhất tâm trong Lạc trong một thời gian dài. Người đắc Tam thiền là người đã được năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) thanh tịnh, không còn tham sân, không còn buồn vui trước ngoại cảnh. Tâm trạng người đắc Tam thiền giống như tâm trạng người đi trong sa mạc đã đến nơi có chòm cây, đang ngồi nghỉ mát và uống nước giải khát, tinh thần vui vẻ.
          Thực hành: Xuất Nhị thiền. Thực hành « hơi thở phát sanh Lạc », điều chỉnh hơi thở, nhịp tim, nét mặt, thế ngồi, cảm giác toản thân để làm phát sanh Lạc. Khi Nhất tâm trong Lạc là nhập Tam thiền. Khi giữ được Nhất tâm trong Lạc liên tục trên 15 phút, không cho Hỷ xen vào, là an trú Tam thiền.
          Kết quả: Người đắc Tam thiền được tâm an lạc ngay trong lúc ngồi thiền, ngay trong đời này, và sau khi mạng chung có thể sanh về các cõi trời sắc giới :Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên.
3.4- Tứ Thiền :
Phật dạy : Xả Lạc xả khổ, ly Hỷ ưu đã cảm thọ trước, nhập Xả Niệm Thanh Tịnh Địa, chứng và an trú Tứ thiền.
Lý giải : « Xả Lạc xả khổ, ly Hỷ ưu đã cảm thọ trước » là xả bỏ tất cả các cảm thọ lạc khổ về thân, và hỷ ưu về tâm, và thực hành « hơi thở phát sanh thanh tịnh ». « Nhập Xả Niệm[20] Thanh Tịnh Địa » là vào cảnh giới thanh tịnh nhờ Nhất tâm trong Xả thọ, không còn vọng tưởng, không còn phiền não, không còn kiến chấp. Chứng Tứ thiền là Nhất tâm trong Xả thọ, tâm hoàn toàn thanh tịnh. An trú Tứ thiền là giữ Nhất tâm trong Xả thọ trong một thời gian dài. Người chứng Tứ Thiền được sáu căn[21] thanh tịnh, không còn ý thức phân biệt khổ vui, không còn cố chấp đúng sai, phải quấy, hay dở, tốt xấu, mê ngộ, chánh tà. Tâm trạng người chứng Tứ thiền giống như tâm trạng người đi trong sa mạc sau khi đến chòm cây mát đã uống nước giải khát và ngồi nghỉ mát, thân tâm thanh tịnh thoải mái.
Thực hành : Xuất Tam thiền. Thực hành « hơi thở phát sanh thanh tịnh », điều chỉnh hơi thở, nhịp tim, nét mặt, thế ngồi, cảm giác toàn thân để làm phát sanh Thanh tịnh. Nhất tâm trong Xả thọ, thanh tịnh, siêu thoát, không để cho Lạc thọ xen vào. Nếu gặp khó khăn thì nên thực hành quán thọ trên các thọ theo pháp quán Tứ Niệm Xứ[22] để thấy các thọ đều là vô thường[23], là vô ngã[24], là niết-bàn[25], không phải ta cũng không phải của ta ; rồi từ đó thực hành Nhất tâm trong Xả thọ, không để Lạc thọ xen vào, để chứng và an trú Tứ thiền.
Kết quả : Người đắc Tứ thiền được tâm thanh tịnh, siêu thoát ngay trong lúc ngồi thiền, ngay trong đời này, nhờ đó mà tâm được linh hoạt, sáng suốt để giải quyết dễ dàng những khó khăn trong cuộc sống, và có thể thông hiểu Giáo lý cao siêu của đức Phật, có khả năng giác ngộ và thành đạt đạo quả. Sau khi mạng chung, người đắc Tứ Thiền có thể sanh về các cõi trời sắc giới : Quảng Quả Thiên, Vô Tưởng Thiên, Tịnh Cư Thiên. Cõi trời Tịnh Cư Thiên còn có thể chia ra thành năm cõi là Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Hiện Thiên, Thiện Kiến Thiên và Sắc Cứu Cánh Thiên.
Người đắc Tứ thiền tiếp tục hành Thiền sẽ lần lượt chứng đạt Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ và Diệt Thọ Tưởng Định.
Người đắc Tứ thiền cũng có thể thực hành Tám Thánh Đạo, đoạn trừ Mười Kiết Sử để thành tựu Bốn Thánh Quả từ Tu đà hoàn đến A la hán.
Tám Thánh Đạo (Bát Chánh Đạo) gồm có :
Chánh kiến : Biết rõ các việc thiện nên làm, biết rõ các việc ác bất thiện không nên làm. Biết rõ nguyên nhân sanh các pháp thiện và bất thiện. Biết cách làm phát sanh và tăng trưởng các pháp thiện. Biết cách đoạn trừ các pháp ác bất thiện. Biết rõ vạn vật đều vô thường, đời sống dẫy đầy đau khổ về thân cũng như về tâm. Biết rõ nguyên nhân của đau khổ là vô minh và tham ái. Biết cách đoạn trừ vô minh và tham ái để chấm dứt khổ đau. Biết niết-bàn tịch tĩnh vắng lặng là hạnh phúc chân thật vĩnh cửu.
Chánh tư duy : Biết suy nghĩ đúng như thật theo luật nhân quả để tìm nguyên nhân của đau khổ, vô minh, tham ái, vọng tưởng, phiền não … để đoạn trừ, để tìm cách làm phát sanh và tăng trưởng giới, định, tuệ, an lạc, thanh tịnh, giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sanh.
Chánh ngữ : Nói lời chân thật giúp người hết khổ được vui.
Chánh nghiệp : Hành động chân chánh lợi mình lợi người.
Chánh mạng : Sinh sống bằng nghề chân chánh lợi mình lợi người.
Chánh tinh tấn : Luôn luôn siêng năng làm điều lành, lánh điều ác.
Chánh niệm : Luôn luôn nhớ đến điều lành nên làm, điều ác nên tránh.
Chánh định : Thực hành thiền định chân chánh đưa đến niết-bàn an lạc thanh tịnh giải thoát.
Mười kiết sử gồm có :
Năm hạ phần kiết sử :
                    Thân kiến : Chấp thân thật là ta hay là của ta.
                    Giới cấm thủ : Không dám từ bỏ các giới cấm, các phong tục, tập quán, tà kiến, ác kiến chủ trương giết người, hại vật, gây đau khổ cho sinh linh.
                    Hoài nghi : Không hiểu rõ Giáo Pháp của Đức Phật. Cần tham vấn học hỏi với các bậc thiện tri thức để giải nghi.
                    Tham : Muốn gom về cho mình, cho là của mình.
                    Sân : Không ưa thích, không vừa ý, chê bai, bức xúc, tức giận, xua đuổi, hận thù, muốn làm hại.
Năm thượng phần kiết sử :
                    Sắc ái : Tham đắm sự an lạc ở các cõi sắc.
                    Vô sắc ái : Tham đắm các thần thông diệu dụng ở các cõi vô sắc.
                    Trạo cử : Còn hay thay đổi ý kiến, chưa nhất tâm tinh tấn.
                    Mạn : Chưa đoạn trừ hết ngã chấp, còn thấy mình có chứng đắc.
                    Vô minh : Chưa đạt được Tam minh là Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.
Bốn Thánh Quả gồm có :
Tu đà hoàn (Dự Lưu) : Nhờ thực hành Chánh kiến và Chánh tư duy nên đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử là thân kiến, giới cấm thủ và hoài nghi. Bắt đầu bước vào dòng Thánh, chỉ còn tái sanh tối đa 7 lần nữa ở cõi dục.
Tư đà hàm (Nhất Lai) : Nhờ thực hành Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ và Chánh nghiệp nên đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử là thân kiến, giới cấm thủ, hoài nghi và làm giảm nhẹ tham và sân. Chỉ còn tái sanh tối đa 1 lần nữa ở cõi dục.
A na hàm (Bất Lai) : Nhờ thực hành Chánh kiền, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng và Chánh tinh tấn nên đã đoạn trừ hoàn toàn 5 hạ phần kiết sử. Không còn tái sanh ở cõi dục nữa mà sẽ tái sanh vào cõi sắc hay vô sắc.
A la hán (Giải thoát) : Nhờ thực hành Chánh niệm và Chánh định nên đã đoạn trừ 5 thượng phần kiết sử. Được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, vào cảnh giới niết-bàn an lạc thanh tịnh.
3.5- Không Vô Biên Xứ :
Phật dạy : Vượt khỏi hoàn toàn mọi sắc tưởng, diệt trừ chướng ngại tưởng, không tác ý với dị tưởng, nhất tâm trong tưởng « Không gian là vô biên », chứng và an trú Không Vô Biên Xứ.
Lý giải :  « Vượt khỏi hoàn toàn mọi sắc tưởng » là không còn nghĩ đến sắc thân và cõi sắc nữa. « Diệt trừ chướng ngại tưởng » là không nghĩ đến các chướng ngại hay giới hạn của sắc thân và không gian nữa. « Không tác ý với dị tưởng » là không còn ý thức phân biệt giữa các sự vật trong vũ trụ nữa, trái lại thấy muôn sự muôn vật đều đồng chung một thể tánh. « Nhất tâm trong tưởng không gian là vô biên » là nhất tâm trong tưởng thân mình là vô biên. « Chứng Không Vô Biên Xứ » là Nhất tâm trong tưởng « thân vô biên ». « An trú Không Vô Biên Xứ » là Nhất tâm trong tưởng thân vô biên trong một thời gian dài.
Thực hành : Xuất Tứ thiền. Nhất tâm trong tưởng « thân vô biên », cảm thấy thân nhẹ lâng lâng và hòa tan vào không gian vô tận. Nếu gặp khó khăn thì nên thực hành quán thân trên tự thân theo pháp quán Tứ Niệm Xứ[26] để thấy thân là vô thường[27], là vô ngã[28], là niết-bàn[29], không phải ta cũng không phải của ta ; rồi từ đó thực hành Nhất tâm trong tưởng « thân vô biên », không để cho các sắc tưởng xen vào, để chứng và an trú Không Vô Biên Xứ.
Kết quả : Người đắc Không Vô Biên Xứ chứng được thân không, an trú trong tịch tịnh, đạt được thần túc thông ngay trong đời này. Sau khi mạng chung có thể sanh về cõi trời Vô Sắc thứ nhất.
3.6- Thức Vô Biên Xứ :
Phật dạy : Vượt khỏi Không Vô Biên Xứ, nhất tâm trong tưởng « Thức là vô biên », chứng và an trú Thức Vô Biên Xứ.
Lý giải : « Vượt khỏi Không Vô Biên Xử » là chuyển từ tưởng « thân vô biên » sang tưởng « thức vô biên ». Khi biết thân vô biên tất nhiên biết thức cũng vô biên. Biết rằng sáu thức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý không có giới hạn. Ví như với mắt thường ta không nhìn thấy được vi khuẩn, nhưng nếu ta tăng cường khả năng của mắt bằng kính hiển vi thì nhãn thức sẽ thấy được vi khuẩn : khả năng của mắt bị giới hạn nhưng nhãn thức thì vô biên, không bị giới hạn. Đối với nhĩ thức cũng vậy. « Nhất tâm trong tưởng Thức là vô biên » là nhất tâm trong tưởng nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức đều không có giới hạn. « Chứng Thức Vô Biên Xứ » là nhất tâm trong tưởng thức là vô biên. « An trú Thức Vô Biên Xứ » là nhất tâm trong tưởng thức là vô biên trong một thời gian dài.
Thực hành : Xuất Không Vô Biên Xứ . Quán sáu thức (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý) đều do duyên hợp (căn + trần) mà thành nên không thật có, chúng luôn luôn biến đổi theo căn và trần nên chúng là vô thường, là vô ngã, là niết-bàn, không phải là ta hay của ta ; Nhất tâm trong tưởng « Thức vô biên », không để cho tưởng « Không vô biên » xen vào. (Có thể áp dụng pháp quán « Nhĩ căn viên thông[30] » của Bồ tát Quán Thế Âm theo kinh Lăng Nghiêm để nhập « thức vô biên xứ »).
Kết quả : Người đắc Thức Vô Biên Xứ chứng được Thức không, an trú trong tịch tịnh, đạt được thiên nhãn thông[31], thiên nhĩ thông, tha tâm thông và có thể biết được một số kiếp trước của mình. Sau khi mạng chung có thể sanh về cõi trời Vô Sắc thứ hai.
          3.7- Vô Sở Hữu Xứ :
Phật dạy : Vượt khỏi Thức Vô Biên Xứ, quán các pháp đều không, không có gì là của mình (vô sở hữu), không có gì để chứng đắc (vô sở đắc), không có gì cần thiết (vô sở dụng), chứng và an trú Vô Sở Hữu Xứ.
Lý giải : « Vượt khỏi Thức Vô Biên Xứ » là chuyển từ tưởng « thức vô biên » sang tưởng « vô sở hữu ». Tất cả các pháp, tất cả muôn sự muôn vật đều là vô thường, là vô ngã, là niết-bàn thì đâu có gì thật là ta hay là của ta. Nhận biết được như vậy mới có thể đoạn trừ được tâm tham vi tế. « Chứng Vô Sở Hữu Xứ » là nhất tâm trong tưởng « các pháp đều vô thường, vô ngã, không thật có và sẽ hoại diệt, đều không phải là ta hay của ta ». « An trú Vô Sở Hữu Xứ » là nhất tâm trong tưởng « Các pháp đều không » trong một thời gian dài.
Thực hành : Xuất Thức Vô Biên Xứ. Quán các pháp đều vô thường, không thật có. Nhất tâm trong tưởng « Vô sở hữu » (tức « các pháp đều không »), không để cho tưởng « Thức vô biên » xen vào.
Kết quả : Người đắc Vô Sở Hữu Xứ chứng được pháp không, an trú trong tịch tịnh, đạt được thần thông biến hóa vật này ra vật khác, vật có thành không, vật không thành có. Sau khi mạng chung có thể sanh về cõi trời Vô Sắc thứ ba. Người đắc Vô Sở Hữu Xứ có thể thực hành Thiền quán Tứ Vô Lượng Tâm (từ, bi, hỷ, xả) để vượt qua Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, vào thẳng Diệt Thọ Tưởng Định[32]. Hành giả an trú biến mãn khắp các phương hướng, cùng khắp thế giới vô biên, với tâm câu hữu với Từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân ; cũng vậy với tâm câu hữu với Bi, với tâm câu hữu với Hỷ, với tâm câu hữu với Xả.
          3.8- Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ :
Phật dạy : Vượt khỏi Vô Sở Hữu Xứ, chứng và an trú Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Lý giải : « Vượt khỏi Vô Sở Hữu Xứ » là mặc dù đã chứng thân không, thức khôngpháp không nhưng vẫn còn cái tri giác biết không tức còn ngã chấp vi tế trong tìm thức nên gọi là phi tưởng phi phi tưởng. « Chứng Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ » là Nhất tâm xả bỏ mọi tư tưởng. « An trú Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ » là tâm đã đoạn trừ mọi tư tưởng nhưng còn cái tri giác biết tâm không còn tư tưởng.
Thực hành : Xuất Vô Sở Hữu Xứ . Nhất tâm trong « Xả tưởng » (xả bỏ mọi tư tưởng), không để cho tưởng « Vô sở hữu » xen vào. (Có thể áp dụng pháp quán « Nhĩ căn viên thông » của Bồ tát Quán Thế Âm đến chỗ « Giác sở giác không, không giác cực viên »).
Kết quả : Người đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ chứng được tưởng không, an trú trong tịch tịnh, đạt được tất cả các thần thông (ngũ thông). Sau khi mạng chung có thể sanh về cõi trời Vô Sắc thứ tư.
          3.9- Diệt Thọ Tưởng Định :
Phật dạy : Vượt khỏi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, chứng và an trú Diệt Thọ Tưởng Định.
Lý giải : « Vượt khỏi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ » là mặc dù đã xả bỏ mọi tư tưởng nhưng vẫn còn ngã chấp vi tế trong tìm thức cần phải đoạn trừ. Muốn đoạn trừ cái ngã chấp vi tế đó cần phải quán thấy năm uẩn[33] đều không, mười tám giới[34] chẳng có, đoạn tận các cảm thọ thuộc cõi sắc và các tư tưởng thuộc cõ vô sắc, chỉ còn tuệ giác biết rằng tất cả lậu hoặc đều dứt sạch và sẽ không còn tái sanh nữa. « Chứng Diệt Thọ Tưởng Định » là nhập định trong đó các cảm thọ và tư tưởng đều dứt bặt. « An trú Diệt Thọ Tưởng Định » là vào cảnh giới hoàn toàn vắng lặng, thanh tịnh, tâm bất động chuyển trước ngoại cảnh, nhưng cơ thể vẫn còn duy trì sự sống. Theo kinh điển, khi nhập Diệt Thọ Tưởng Định thì dù ngồi dưới trời mưa giông sấm sét cũng không hay biết chuyện gì xảy ra.
Thực hành : Xuất Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, Thực hành pháp quán Bát nhã theo « Bát Nhã Tâm Kinh » tức quán năm uẩn đều không[35], mười tám giới chẳng có để trừ ngã chấp vi tế, đạt Chánh trí và Chánh giải thoát. Thực hành quán vị ngọt, sự nguy hiễm, sự xuất ly năm uẩn. Vị ngọt là hỷ lạc nhất thời sanh khởi từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sự nguy hiễm là tất cả năm uẩn đều vô thường, đều là nguyên nhân sanh khổ, đều sẽ hoại diệt. Xuất ly năm uẩn là nhiếp phục, đoạn diệt dục tham hỷ lạc về sắc, thọ, tưởng, hành, thức : phải dùng trí tuệ thấy đúng như thật « Cái nầy không phải của tôi, cái nầy không phải là tôi, cái nầy không phải tự ngã của tôi ». (Có thể áp dụng pháp quán « Nhĩ căn viên thông » của Bố tát Quán Thế Âm đến chỗ « Không sở không diệt, sinh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền »). Sau đó, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, nhu nhuyễn dễ sử dụng, vững chắc, bất động, hướng tâm đến Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh[36].
Kết quả : Người đắc Diệt Thọ Tưởng Định chứng được Ngã không, tâm luôn luôn an nhiên trước ngoại cảnh (giải thoát), đạt tam minh (Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh), tự biết đã hoàn toàn giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, vào cõi Niết-bàn an lạc thanh tịnh.
          Xuất thiền : Muốn ra khỏi một bậc thiền chỉ cần hít hơi vào bằng mũi và thở ra bằng miệng vài hơi nhẹ và dài. Sau đó có thể nhập bậc thiền kế tiếp, hoặc xả thiền để chấm dứt buổi thiền tập.
          Xả thiền : Khi buổi thiền tập chấm dứt, trước khi đứng lên phải xả thiền bằng cách cử động và xoa bóp để cơ thể trở lại trạng thái bình thường và làm tăng sức khỏe ; nên theo thứ lớp như sau :
-        Cử động hai vai lên xuống ; cử động hai bàn tay (xòe ra bóp lại) ; và hai cổ tay.
-        Cử động cổ : ngước lên, cuối xuống, xoay qua, xoay lại, quay vòng.
-        Xoa mặt, xương quai hàm, hai lổ tai, càm, môi, hai cánh mũi, hai mí mắt, hai chân mày, hai màng tang.
-        Dùng 10 đầu ngón tay cào da đầu từ trán đến sau ót.
-        Xoa bóp cổ : dưới xương sọ sau ót, hai gân cổ, hai bên cổ, xung quanh trái cổ.
-        Xoa bụng, lưng, ngực, hông.
-        Xoa bóp hai cánh tay, hai khuỷu tay, hai bàn tay và ngón tay.
-        Xoa bóp hai chân, hai đầu gối, hai bàn chân và ngón chân.
-        Đứng lên, xoa bóp hai bàn tọa.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.23/11/2014.

No comments:

Post a Comment