Sunday, 28 August 2016

Tích truyện Pháp Cú

IX. Phẩm Ác
1. Bà La Môn Tiểu Nhất Y
Hãy gấp làm điều lành ...
Thế Tôn dạy câu trên khi ngụ tại Kỳ Viên, liên quan đến Bà-la-môn Tiểu Nhất Y (Culla Ekasàtaka).
Bà-la-môn Ðại Nhất Y (Mahà Ekasàtaka) thời Phật Tỳ-bà-thi (Vipassi) kiếp hiện tại tái sanh ở Xá-vệ tên Tiểu Nhất Y. Ông chỉ có độc một nội y, vợ ông cũng vậy, và cả hai xài chung một ngoại y. Như vậy khi Bà-la-môn hoặc vợ ra khỏi cửa thì người kia phải ở nhà. Một hôm người ta loan báo có thuyết pháp tại tinh xá. Cả hai thỏa thuận đi nghe pháp: bà ban ngày còn ông ban đêm. Ngồi trước mặt Thế Tôn, toàn thân ông hoan hỷ uống từng giọt pháp, vì thế ông phát tâm cúng dường. Nhưng nếu dâng y này đến Thế Tôn thì không còn ngoại y nào cho cả hai người.
Một ngàn niệm ích kỷ không dâng y nổi lên bên trong, thì có một niệm sùng tín lại muốn dâng y. Hai bên tranh chấp lẫn nhau mãi cho đến khi canh một trôi qua và canh hai lại đến. Và rồi ông vẫn chưa dâng y lên Thế Tôn. Ðến canh cuối, Bà-la-môn nghĩ rằng hai canh đã trôi qua, nếu cứ giằng co mãi và nếu niệm vị kỷ gia tăng mạnh mẽ thì sẽ không nhấc đầu ra khỏi bốn đường khổ. Do đó ông quyết cúng dường. Lấy y đặt dưới chân Thế Tôn, ông kêu to ba lần: "Ta đã chiến thắng".
Vua Ba-tư-nặc xứ Kosala tình cờ cũng dự thính, nghe thế ngạc nhiên, bảo quân lính hỏi chuyện, rồi thưởng cho ông một cặp y, Bà-la-môn lại cũng dâng y này cho Thế Tôn. Vua lại tặng ông gấp đôi, tức là lần thứ nhất hai bộ y, rồi bốn bộ, tám bộ, cuối cùng mười sáu bộ. Bà-la-môn dâng hết cho Như Lai. Nhà vua lại tặng ba mươi hai bộ còn lại. Dù Bà-la-môn có dâng hết những gì ông có đến một trăm lần, vua cũng vẫn đáp ứng tương xứng (Trong một tiền kiếp Ðại Nhất Y giữ hai bộ trong sáu mươi bốn bộ nhận được)
Vua thấy Bà-la-môn làm một việc rất khó làm, nên ra lệnh tìm hai cái mền trong phòng thiết triều mang tặng ông, mền đó trị giá đến một ngàn đồng. Bà-la-môn tự thấy mình không xứng đáng đắp, nhưng mền đó thích hợp với giáo đoàn của Phật, nên ông lấy làm màn, một tấm treo trong hương thất để che giường của Thế Tôn, và một tấm treo trong nhà mình để che nơi các Tỳ-kheo thường đến thọ thực.
Buổi tối, vua đến thăm Thế Tôn, nhận ra mền, hỏi Phật, thì ra là Tiểu Nhất Y cúng dường. Như vậy khi vua có niềm tin và hạnh phúc với niềm tin đó, thì người Bà-la-môn này cũng thế, sau đó vua tặng cho ông bốn voi, bốn ngựa, bốn ngàn đồng, bốn phụ nữ, bốn tỳ nữ và bốn ngôi làng tốt nhất.
Các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:
- Ồ! Việc làm của Tiểu Nhất Y thật lạ lùng! Ông đã nhận được thật nhanh quà tặng mỗi thứ bốn cái! Ngay khi ông làm việc thiện, phước báo đến liền.
Thế Tôn đến hỏi, và nghe kể xong, Ngài bảo:
- Các Tỳ-kheo! Nếu Tiểu Nhất Y cúng dường cho Ta vào canh đầu, ông đã nhận quà tặng mỗi thứ mười sáu cái. Nếu vào canh giữa, ông đã nhận mỗi thứ tám cái. Nhưng vì để trễ đến canh cuối, nên ông chỉ nhận mỗi thứ bốn cái. Ai làm việc thiện đừng chần chờ, mà phải làm tức khắc. Một việc công đức làm chậm trễ đem lại phước báo cũng chậm trễ.
Do đó ta phải làm việc thiện ngay khi có sự thôi thúc trong lòng.
Nói xong, Ngài đọc Pháp Cú:
(116) Hãy gấp làm điều lành,
Ngăn tâm làm điều ác.
Ai chậm làm việc lành,
Ý ưa thích việc ác.
 
2. Một Tỳ Kheo Bất Mãn
Nếu người làm điều ác...
Khi ngụ tại Kỳ Viên. Thế Tôn đã dạy câu trên do chuyện Trưởng lão Seyyasaka.
Trưởng lão Seyyasaka là Tỳ-kheo bạn của Trưởng lão Làludàyi. Ông bất mãn với giới luật đời tu, và kể cho bạn ông, người đã xúi giục ông vi phạm giới luật đầu tiên của Tăng già. Sau đó ông thường bất mãn và cứ phạm giới như thế. Phật nghe được gọi ông đến hỏi, ông nhìn nhận, và Ngài đã răn dạy:
- Người tham dục! Tại sao ông phạm lỗi trầm trọng như thế? Tư cách của ông đâu được phép như thế!
Sau đó Ngài bắt ông phải tuân hành giới luật, và nhắc ông rằng:
- Hành động như thế chắc chắn dẫn đến đau khổ, cả đời này và đời sau.
Xong, Phật đọc Pháp Cú:
(117) Nếu người làm điều ác,
Chớ tiếp tục làm thêm.
Chớ ước muốn điều ác,
Chứa ác tất chịu khổ.
 
3. Thiên Nữ Với Tỳ Kheo
Nếu người làm điều thiện...
Thế Tôn đã dạy câu trên tại Kỳ Viên, liên quan đến tiên nữ Làjà. Câu chuyện bắt đầu ở Vương Xá.
Khi Tôn giả Ðại Ca-diếp ngụ ở hang Tiêu, Ngài nhập định bảy ngày, rồi xuất định. Quan sát bằng thiên nhãn những nơi sắp đi khất thực, Ngài trông thấy một phụ nữ canh giữ cánh đồng đang rang những bông lúa vừa gom được, và biết người này có niềm tin, khôn ngoan và tháo vát, sẽ giúp đỡ Ngài và sẽ được phước báo nhiều.
Rồi Ngài đắp y, ôm bát đến đứng gần ruộng lúa. Bà thấy Ngài, phát tín tâm, toàn thân hoan hỷ, và nhanh nhẹn đi lấy gạo rang, trút vào bình bát, xong đảnh lễ Ngài và ước nguyện:
- Bạch Tôn giả! Xin cho con được tham dự vào giáo pháp mà Ngài đã thấy.
Trưởng lão hứa khả. Tín nữ chào Ngài và trở về, lòng cứ nghĩ đến sự cúng dường cho Ngài. Nhưng khi tín nữ bước trên đường dọc theo ruộng lúa, đến chỗ có con rắn độc trước đây không cắn được Trưởng lão vì y vàng phủ kín chân, nó bò ra và cắn bà té sấp xuống đất, và bà đã chết trong tín tâm. Bà tái sinh lên cõi trời Ba mươi ba như người ngủ thức dậy, trong một thiên cung bằng vàng rộng ba mươi ba dặm, vóc dáng cao bằng ba phần tư dặm, mặc một thiên y dài mười hai dặm làm nội y và một thiên y bằng như thế làm ngoại y, với một ngàn thiên nữ tùy tùng. Cổng chính thiên cung trang hoàng, có treo một bình vàng đầy hạt lúa bằng vàng do công đức kiếp trước dâng gạo rang cho Trưởng lão Ðại Ca-diếp, và cũng thấy mình không chuyên cần. Do đó bà muốn phục dịch việc lớn nhỏ đối với Trưởng lão để được cứu độ chắc chắn.
Sáng sớm, bà đến phòng Trưởng lão quét dọn sạch sẽ với chổi vàng và đồ hốt rác bằng vàng, rồi đi lấy nước uống. Trưởng lão thấy thế cứ tưởng mấy người cận sự hay Sa-di làm. Vào ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba thiên nữ cũng làm thế. Trưởng lão nhìn qua lỗ khóa khi nghe tiếng quét, thấy thân sáng chói của bà, ngạc nhiên hỏi:
- Ai đang quét đó?
Bà đáp:
- Chính con đây, Tôn giả! Nữ cư sĩ của Ngài, thiên nữ Làjà.
- Tôi không có nữ cư sĩ tên đó.
Bà kể lại mọi sự. Tôn giả không bằng lòng, bảo bà đi đi. Bà năn nỉ:
- Tôn giả, đừng xua đuổi con. Xin cho phép con hầu hạ Ngài để chắc chắn được cứu độ.
Trưởng lão vẫn cương quyết:
- Thiên nữ, hãy đi ngay! E rằng về sau các Pháp sư được cầm quạt ngũ sắc và ngồi xuống, sẽ có lý do để nói có một thiên nữ đến hầu hạ và lấy nước cho Trưởng lão Ðại Ca-diếp. Ðừng đến đây nữa hãy đi nơi khác!
Thiên nữ vẫn một mực nài nỉ. Thấy bà không chịu nghe lời mình, Ngài bảo:
- Cô chẳng biết chỗ của mình.
Và Ngài búng ngón tay tỏ vẻ khinh bỉ. Thiên nữ không dám ở lại, bay lên không, vòng tay cất tiếng:
- Tôn giả! Ðừng hủy bỏ thành quả của con, hãy để con được cứu độ.
Rồi đứng yên giữa trời than khóc.
Thế Tôn ngồi ở hương thất tại Kỳ Viên nghe được, liền phóng quang ảnh đến trước mặt thiên nữ bảo:
- Thiên nữ! Ðại Ca-diếp, đệ tử Ta, quả có bổn phận phải tự chế. Nhưng ai muốn tạo công đức phải quyết tâm xem đó là việc cần thiết, và thừa nhận tạo công đức là bổn phận duy nhất của mình. Thật vậy, đời này và đời sau chỉ có việc thiện đem đến hạnh phúc.
Rồi Ngài đọc Pháp Cú:
(118) Nếu người làm điều thiện,
Nên tiếp tục làm thêm.
Hãy ước muốn điều thiện,
Chứa thiện, được an lạc.
 
4. Cấp Cô Ðộc Và Nữ Thần
Người ác thấy là hiền...
Câu này Thế Tôn dạy ở Kỳ Viên, liên quan đến Cấp Cô Ðộc.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc đã chi hết năm trăm bốn mươi triệu của cải cho Tăng đoàn của Phật tại tinh xá Kỳ Viên, một ngày ba lần đến hầu hạ Thế Tôn. Nghĩ rằng những người tập sự và Sa-di hay để ý ông sẽ mang gì cúng dường, nên không bao giờ ông đến tinh xá tay không. Sáng sớm, ông thường đem cháo. Sau giờ thọ thực, ông mang bơ tươi và thuốc men. Buổi chiều mang hương, hoa, cao (mỡ bôi) và y phục.
Dần dần ông nghèo đi, vì ngoài phần cúng dường ông đã cho các nhà buôn mượn một trăm tám mươi triệu, chưa kể một trăm tám mươi triệu dành cho gia đình chôn giấu tại bờ sông đã trôi ra biển lúc đất lở. Tuy thế ông vẫn cúng dường chúng Tăng như trước, dù thức ăn không được ngon lành nữa.
Một hôm Thế Tôn hỏi ông:
- Gia chủ vẫn mang vật thực từ nhà đến cúng dường Tăng chúng chứ?
Ông thưa:
- Vâng, bạch Thế Tôn. Nhưng thức ăn chỉ có cháo chua, vừa ít vừa dở.
- Gia chủ đừng nên buồn phiền khi nghĩ rằng đã dâng lên Thế Tôn thức ăn tồi. Nếu ý định thanh tịnh thì món gì dâng lên chư Phật và những vị khác không thể gọi là xấu tệ được. Ông đã dâng cúng lên tám bậc Thánh. Trước đây trong thời Velàma. Ta đã quấy động toàn nước Ấn Ðộ với rất nhiều phẩm vật, nhưng không khuyên được ai thọ Tam quy. Khó mà tìm được người xứng đáng để dâng cúng. Do đó đừng phiền muộn khi nghĩ rằng món dâng của ông dở tệ.
Nói xong, Thế Tôn đọc kinh Velàma.
Khi Thế Tôn và các Thánh đệ tử bước vào nhà ông Cấp Cô Ðộc, nữ thần ngụ trên cổng không thể ở lại đó, vì sức mạnh thiện đức của các Ngài. Cô định sẽ xúi giục gia chủ đừng trung thành với các Ngài, để các Ngài không vào nhà nữa. Lúc tài sản của ông đang cực thịnh, nữ thần dù có nói ông cũng không nghe, bây giờ nghèo ông sẽ sẵn sàng để ý đến lời cô. Do đó ban đêm cô đến phòng Trưởng giả tự giới thiệu và khuyên ông phải nghĩ đến tương lai; ông đã phung phí biết bao vào Giáo đoàn của Phật, bây giờ nghèo rồi ông vẫn cúng dường, nếu ông vẫn tiếp tục như thế mãi thì chẳng bao lâu ông sẽ không còn một hột cơm lót lòng, hay một mảnh vải che thân. Cô còn lên giọng kẻ cả dạy thêm:
- Sa-môn Gotama có ích lợi gì cho ông? Ðừng dại dột phung phí nữa, hãy để tâm vào chuyện làm ăn và tạo cơ may.
Trưởng giả ngồi im lắng nghe hết, rồi mới bảo:
- Ðây là điều mà cô đến khuyên tôi có phải không? Thế thì, hãy cút đi! Dù cố thuyết trăm, ngàn lần như thế cô cũng chẳng lay chuyển được tôi. Cô đã nói với tôi những điều không đáng nói. Việc gì cô phải ở trong nhà tôi chứ? Hãy ra khỏi nhà tôi tức khắc!
Nữ thần không thể không tuân theo lời nói của một cư sĩ đã chứng quả Dự-lưu, nên lập tức đem con ra khỏi nhà ông.
Nhưng sau đó cô không thể tìm ra chỗ nào khác để ở. Cô đến vị trời cai quản thành kể tội lỗi của mình, xin ông đến nhà Trưởng giả thuyết phục ông tha thứ và cho cô ở lại. Nhưng vị trời từ chối, vì cô đã nói điều không đáng nói. Cô đến Tứ thiên vương, nhưng họ cũng từ chối với cùng một lý do. Rồi cô cầu cứu với thiên chủ Ðế Thích. Ngài bày cho cô khoác y phục của quản gia Trưởng giả, ghi danh sách tài sản của ông đã phân tán, tức là một trăm tám mươi triệu cho nhà buôn mượn, một trăm tám mươi triệu bị cuốn ra biển và một trăm tám mươi triệu không ai giữ ở nơi này nơi nọ, và dùng thần lực đòi và gom lại, xong chất vào kho trống của ông. Làm như vậy để chuộc lỗi, và sau đó xin ông tha thứ cho cô. Nữ thần vâng theo. Công việc hoàn thành, cô đứng trên không chiếu hào quang xuống phòng Trưởng giả trình bày các việc đã làm, và xin ông cho cô chỗ ở, vì hiện nay cô không tìm được nơi nào, nên rất là vất vả mệt nhọc.
Cấp Cô Ðộc dẫn cô đến bậc Toàn Giác, bảo kể lại mọi sự. Nữ thần úp mặt trước Thế Tôn thưa:
- Bạch Thế Tôn! Vì điên rồ con không nhận ra công đức to lớn của Ngài, và đã nói lời xấu ác, xin tha thứ cho con.
Như thế nữ thần đã xin lỗi Thế Tôn lẫn Trưởng giả, và được Thế Tôn khuyên nhủ:
- Ngay trong đời này, Ðại Trưởng giả! Một kẻ làm ác vẫn cảm thấy tốt lành chừng nào hành động ác của họ chưa chín muồi. Nhưng ngay khi hành động ác chín muồi, họ sẽ chỉ thấy xấu. Cũng thế, một người lành thấy việc xấu dữ bao lâu việc thiện của mình chưa chín muồi, nhưng ngay khi hành động thiện chín muồi, họ chỉ thấy tốt lành.
Nói xong Ngài đọc Pháp Cú:
(119) Người ác thấy là hiền,
Khi ác chưa chín muồi.
 Khi ác nghiệp chín muồi,
Người ác mới thấy ác.
(120) Người hiền thấy là ác,
Khi thiện chưa chín muồi.
Khi thiện nghiệp chín muồi,
Người hiền thấy là thiện.
 
5. Tỳ Kheo Không Giữ Gìn Tốt Ðồ Dùng
Chớ chê khinh điều ác...
Thế Tôn đã dạy câu tên khi ngụ tại Kỳ Viên, liên quan đến một Tỳ-kheo không giữ gìn tốt đồ dùng.
Tỳ-kheo này hay vất đồ dùng ra ngoài trời như là giường, ghế, ... bị nắng mưa hay mối mọt ăn mòn, chẳng bao lâu rã ra từng mảnh. Các huynh đệ nhắc nhở ông sao không cất giữ bảo quản, ông thản nhiên bảo đó là lỗi nhẹ, không đáng mất công suy nghĩ và giận dữ. Rồi ông cứ thế làm hoài. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Ông được Phật kêu lên hỏi, và trả lời như cũ, tức là coi thường việc mình làm.
Thế Tôn bèn dạy:
- Các Tỳ-kheo, đừng bao giờ hành động như thế. Ðừng bao giờ xem một việc làm xấu là việc nhỏ. Mà nói rằng đó chỉ là việc nhỏ. Vì khi bình nước mở miệng và mưa rơi xuống, chắc chắn một giọt nước không thể làm đầy được, nhưng khi mưa mãi mưa hoài nước sẽ đầy tới miệng. Như thế, từng chút một, người phạm lỗi tích lũy một đống tội lớn.
Và Phật đọc Pháp Cú:
(121) Chớ chê khinh điều ác,
Cho rằng "chưa đến mình"
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người ngu đầy tội ác,
Do chất chứa dần dần.
Cuối bài pháp, nhiều người chứng quả Dự-lưu, Nhị quả và Tam quả. Rồi Phật tuyên giới:
- Ai không đem giường ngoài trời vào mà nói rằng đó chỉ là việc nhỏ sẽ phạm tội.
 
6. Chưởng Khố Chân Mèo
Chớ chê khinh điều thiện...
Do chuyện chưởng khố Chân Mèo Bilalapàdaka, Thế Tôn dạy câu trên khi ngụ tại Kỳ Viên.
Ngày xưa, dân chúng ở Xá-vệ họp từng nhóm cúng dường Tăng đoàn của Phật. Khi hồi hướng công đức, Thế Tôn bảo:
- Các cư sĩ, trên thế gian này ai bố thí nhưng không khuyến khích người khác bố thí, ở kiếp sau sẽ có phước báo về tài sản, nhưng không có phước báo được nhiều người theo. Nếu không tự mình bố thí mà chỉ khuyên người khác bố thí, thì sẽ có phước báo được nhiều người theo, nhưng không có tài sản. Không tự mình bố thí và cũng không khuyên người bố thí, thì sẽ không có phước báo nào hết. Nhưng người vừa tự mình bố thí vừa khuyên người khác bố thí, sẽ nhận được cả hai phước báo về tài sản và tùy tùng.
Một người trí đứng nghe Phật thuyết như thế liền phát tâm cúng dường, và thỉnh Thế Tôn đến thọ thực tại nhà ngày mai với hết thảy Tỳ-kheo. Ðược hứa khả, cư sĩ vào làng, đi khắp nơi kêu gọi cúng dường cháo và thức ăn khác; mỗi người sẽ lo cho một số Tỳ-kheo tùy sức, nhưng sẽ nấu chung một chỗ và dâng cúng chung.
Một chưởng khố thấy cư sĩ đến tiệm mình, cho rằng thay vì anh ta mời số ít Tỳ-kheo theo sức mình, lại cố mời đông đủ rồi khuyên cả làng cúng dường, nên nổi giận, tuy vậy ông vẫn bảo mang bình tới. Rồi ông lấy một nhúm gạo trong ba ngón tay đưa cho cư sĩ, cũng thế mỗi thứ đậu ông cho một chút. Do đó sau này ông có tên là Chân Mèo. Và khi cho bơ và đường ông đặt cái rổ trong bình của cư sĩ, chừa lại một góc trống để ông nhỏ từng giọt một, và chỉ cho rất ít. Cư sĩ đặt phần của ông riêng với người khác. Chưởng khố sanh nghi nên sai tiểu đồng đi theo cư sĩ. Chú thấy cư sĩ vừa bỏ hai, ba hột gạo vào cháo và bánh, chia những hột đậu, vài giọt dầu và các viên đường vào tất cả bình, vừa nguyện cho chưởng khố được nhiều phước báo. Chú về kể lại y như thế, nhưng nghe xong chưởng khố vẫn còn hậm hực, định bụng nếu bị cư sĩ đó khiển trách giữa hội chúng, sẽ đánh và giết ông ta ngay khi nghe nêu tên mình trên môi.
Ngày kế chưởng khố giấu con dao trong nếp y và đến đứng ở trai đường chờ cư sĩ đưa Tăng đoàn của Phật và. Tiếng thưa thỉnh của cư sĩ vang lên:
- Bạch Thế Tôn! Do con gợi ý, tất cả những người này cúng dường lên Phật gạo và các phẩm vật khác theo khả năng từng người. Nguyện cho tất cả mọi người đều được nhiều phước báo.
Chưởng khố nghe được, trong lòng cảm thấy hổ thẹn, nghĩ rằng nếu không xin lỗi một người tốt như thế, hình phạt của vua sẽ rơi xuống đất. Vì thế, ông phủ phục dưới chân cư sĩ kể lại tự sự, và xin được tha thứ, Thế Tôn thấy thế, hỏi người tổ chức cúng dường, biết chuyện và dạy lại như sau:
- Này đệ tử! Ðừng bao giờ xem một việc thiện là việc nhỏ, và bảo rằng đó là việc mọn. Người trí tạo công đức, trong một thời gian sẽ được đầy đủ công đức, như một bình nước mở miệng đựng đầy nước.
Nói xong, Phật đọc Pháp Cú:
(122) Chớ khinh chê điều thiện,
Cho rằng "chưa đến mình".
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người trí đầy thiện đức,
Do chất chứa dần dần.
 
7. Thương Gia Ðại Phú
Ít bạn đường, nhiều tiền ...
Phật đã dạy câu này ở Kỳ Viên, liên quan đến thương gia Ðại Phú.
Chuẩn bị cho một chuyến buôn xa, thương gia Ðại Phú chất hàng hóa đầy năm trăm cỗ xe, và trước khi đi, nhắc các Tỳ-kheo ai muốn đi cùng sẽ không phải lo thiếu thức ăn dọc đường. Năm trăm Tỳ-kheo lên đường với ông.
Trước đây có năm trăm tên cướp toan đột nhập vào nhà Ðại Phú, nhưng thất bại. Bây giờ chúng nghe tin ông đi buôn, nên vào ẩn trong rừng đón đường. Trước khi băng rừng, ông dừng chân ở một làng nọ, nghỉ lại ba ngày, sắp đặt bò, xe và mọi thứ. Trong thời gian đó ông vẫn cung ứng đủ cho các Tỳ-kheo như thường lệ. Bọn cướp muốn chắc ăn, cho bộ hạ đi vào làng thám thính. Tên này dò la tin tức nơi bạn của hắn về ngày thương gia lên đường, nhưng hắn cũng dại dột khai ra bọn cướp đang chờ trong rừng. Người bạn này có lòng từ nên khuyên thương gia chớ đi tiếp. Ông bèn quyết định đi vòng và trở về nhà. Tên bộ hạ trở vào làng và điều tra tiếp, biết thế bèn báo bọn cướp kéo nhau ra khỏi rừng, đón ở một điểm theo hướng ngược lại. Thương gia cũng biết thế, nên cuối cùng ở lại. Ông đến cho các Tỳ-kheo hay, và các Tỳ-kheo ở lại hay không tùy ý.
Các Tỳ-kheo quyết định trở về Xá-vệ. Họ đến đảnh lễ Thế Tôn, cung kính ngồi một bên thưa chuyện, Thế Tôn nghe qua bèn dạy:
- Các Tỳ-kheo! Thương gia Ðại Phú tránh con đường vì bọn cướp nằm chờ ông. Cũng vậy, các Tỳ-kheo phải tránh điều ác, nhìn ba cõi như con đường bị cướp bao vây.
Và Phật nói Pháp Cú:
(123) Ít bạn đường, nhiều tiền,
Người buôn tránh đường hiểm.
Muốn sống tránh thuốc độc,
Cũng vậy, hãy tránh ác.
 
8. Người Thợ Săn Bắn Mê Muội
Bàn tay không thương tích...
Khi ngụ tại Trúc Lâm, Thế Tôn dạy câu trên do chuyện thợ săn Kukkutamitta.
Một cô gái con nhà giàu ở Vương Xá đến tuổi cập kê, được cha mẹ cho ở một phòng trên tầng chót tòa nhà bảy tầng với một tỳ nữ hầu hạ. Buổi chiều đứng ngay cửa sổ nhìn xuống đường, thấy người thợ săn cô bị tiếng sét ái tình. Thợ săn sống bằng nghề giết nai với năm trăm bẫy và năm ngàn giáo. Anh vừa giết năm trăm nai chất lên xe, và ngồi trên đầu xe vào thành để bán thịt.
Cô gái, theo tiếng gọi con tim, đưa quà sai tỳ nữ mang tặng thợ săn, và hỏi ngày anh trở lại đây. Biết được ngày và chỗ, sáng sớm hôm sau, cô gói quần áo và nữ trang, mặc y phục tồi tàn, rời khỏi nhà với một số gia nhân và bình nước trên tay, như thể định đi đến bờ sống, nhưng thật sự đến chỗ thợ săn sẽ đi qua và đứng chờ. Anh thợ săn cũng đánh xe ra rất sớm. Cô thụt lại sau và theo anh. Chợt thấy cô gái anh ngạc nhiên hỏi:
- Cô là người lạ, không phải con gái những người tôi quen biết, xin đừng theo tôi nữa!
- Anh không mời nhưng tôi tự ý đến, xin im lặng và đánh xe đi!
Anh bảo cô về đi nhưng cô vẫn không nghe, còn nói thêm khi dịp may đến đừng để vuột mất. Người thợ săn biết chắc là cô gái cố tình theo đuổi mình nên đỡ cô lên xe và tiếp tục cuộc hành trình. Cha mẹ cô tìm khắp nơi nhưng không thấy, cho là cô đã chết, họ làm tang lễ long trọng.
Về sống với thợ săn, cô sanh bảy người con trai. Chúng khôn lớn, cô có thêm bảy nàng dâu.
Sáng sớm, Thế Tôn quan sát thế gian thấy thợ săn cùng con trai con dâu hiện ra và biết mười lăm người này đủ duyên lành chứng quả Nhập lưu nên Ngài ôm bát đến chỗ thợ săn giăng lưới. Hôm đó không có một con thú nào sa lưới. Phật để lại dấu chân tại một cái bẫy rồi đi đến một gốc cây ngồi xuống. Thợ săn đến, kiểm soát tất cả lưới từ đầu đến cuối, không được con thú nào. Thấy dấu chân Phật, anh cho là có người thả thú trong bẫy ra. Anh nổi giận, và khi thấy Phật ngồi dưới gốc cây, anh đinh ninh đó là người phá hoại anh, nên giương cung nhắm bắn. Phật cho phép anh giương cung nhưng không cho phép anh bắn tức là anh đứng yên trong tư thế đó, không hạ tay cung, và cũng không lấy tên ra khỏi dây cung, miệng chảy nước miếng, mệt mỏi đến kiệt sức, như thể xương bị gãy lìa.
Ðám con trai anh về nhà, đợi lâu không thấy anh, và được mẹ nhắc thêm, nên mang cung tên đi tìm. Ðến nơi thấy cha mình đứng bất động, cho rằng người đứng đối diện là kẻ thù của cha, lập tức chúng giương cung. Thần lực của Phật cũng làm chúng chôn chân tại chỗ, không nhúc nhích. Rồi đến phiên bà mẹ cùng các con dâu lên đường đi tìm. Thấy chồng con đều đứng bất động, đang nhắm bắn ai đó, bà tìm hiểu, thì ra họ nhắm bắn Thế Tôn. Bà dang hai tay đưa lên trời, vội kêu lên:
- Ðừng giết cha ta! Ðừng giết cha ta!
Anh thợ săn nghe thấy thế hoảng hồn, nghĩ mình quá độc ác, lầm lỡ định bắn cha vợ. Mấy đứa con trai cũng ân hận vì tính bắn ông ngoại mình. Rồi cả cha con lòng bỗng dịu lại, trở nên thân thiện. Phật biết nên cho họ hạ cung tên, cùng lúc tiếng con gái phú gia bảo ném cung tên đi. Rồi tất cả cúi mình trước Thế Tôn xin thứ lỗi, xong cung kính ngồi xuống một bên.
Thế Tôn thuyết pháp tuần tự cho họ. Cuối bài pháp, anh thợ săn, cùng bảy con trai và bảy con dâu đều chứng quả Dự-lưu.
Sau đó Thế Tôn đi khất thực, thọ thực xong Ngài trở về tinh xá. Trưởng lão A-nan chào đón và hỏi thăm Phật. Ngài cho biết thợ săn cùng các con đều phát nguyện tin Tam Bảo, niềm tin bất thối chuyển và đã từ bỏ sát sanh, riêng bà vợ đã chứng quả Dự-lưu trước, khi còn ở nhà cha mẹ.
Các Tỳ-kheo bàn tán chuyện này và thắc mắc bà vợ đã chứng quả Dự-lưu rồi mới lấy thợ săn, rồi còn đưa cung, tên, dao, lưới... cho chồng đi sát sanh. Người đã chứng quả Dự-lưu rồi sao còn sát sanh? Phật đến, nghe thế bèn dạy:
- Các Tỳ-kheo! Dĩ nhiên người chứng quả Dự-lưu thì không sát sanh. Vợ của thợ săn khi làm thế chỉ nghĩ vâng lệnh chồng, chứ không hề nghĩ sẽ đưa những thứ đó cho chồng đi sát sanh. Nếu tay một người không bị thương thì dù có cầm thuốc độc trong tay, thuốc độc cũng không hại họ. Ðúng vậy, người không nuôi tư tưởng lầm lỗi và không làm ác, có thể lấy cung hay các thứ tương tự đưa cho người khác mà vẫn vô tội.
Và Phật nói Pháp Cú:
(124) Bàn tay không thương tích,
Có thể cầm thuốc độc.
Không thương tích, tránh độc,
Không làm, không có ác.
Vào một dịp khác, các Tỳ-kheo thảo luận, không hiểu vì sao thợ săn cùng các con chứng quả Dự-lưu, và tại sao anh tái sinh làm thợ săn. Phật nghe được bèn kể:
Chuyện quá khứ
8A. Chưởng Khố Thành Và Chưởng Khố Làng
Này các Tỳ-kheo! Ngày xưa người ta xây tháp để thờ xá lợi Phật Ca-diếp. Họ lấy chất "Orpiment", vàng và "Arsenic" nghiền thành bột làm hồ, với dầu mè làm nước. Rồi họ chặt những viên gạch làm hai đặt xen kẽ với những tảng vàng cho tường phía trong. Tường ngoài gồm những tảng vàng rắn chắc, mỗi tảng trị giá một trăm ngàn đồng. Khi tháp được xây lên đến chiều cao đựng thánh tích, họ kêu gọi đóng góp một số tiền lớn. Một chưởng khố trong làng là người đầu tiên cúng mười triệu vàng cho hòm đựng thánh tích. Dân chúng xầm xì rằng chưởng khố thành phố quả đã cúng tiền để xây tháp lộng lẫy nguy nga như thế, nhưng không muốn đóng tiền nhiều để làm người đứng đầu, do đó chưởng khố ở làng thành người đứng đầu với số tiền mười triệu này. Chưởng khố thành phố nghe thế liền cúng hai mươi triệu. Chưởng khố làng leo thang ba mươi triệu. Cứ thế hai bên thi đua nhau tăng tiền nộp cúng, cuối cùng chưởng khố thành dâng tám mươi triệu. Chưởng khố làng lúc đó có chín mươi triệu, trong khi tài sản của chưởng khố thành đến bốn trăm triệu nên không thể tranh lại. Do đó ông quyết định không những dâng hết tài sản mà cả chính ông, với vợ, bảy con trai và bảy con dâu làm nô lệ cho tháp này. Dân chúng đồng ý là tiền có thể kiếm được nhưng người này cùng vợ con tất cả là mười sáu người, đã tự hiến mình, rất là hãn hữu nên để ông đứng đầu.
Tuy danh nghĩa là nô lệ cho tháp nhưng dân chúng vẫn để họ tự do và chỉ có họ được coi sóc tháp. Mạng chung, họ tái sanh cõi trời và ở đó suốt thời gian giữa hai đức Phật. Thời Phật hiện tại người vợ sanh làm con gái phú gia. Thợ săn chính là chồng cũ của cô. Do đó khi gặp lại tình cảm trước kia phát sinh:
Do liên hệ từ trước,
Hay lợi thế hiện tiền,
Tình yêu lại nảy sanh,
Như đóa sen trong nước.
Cả con trai và con dâu đều gặp lại kiếp này.
Do công đức coi sóc ngôi tháp kiếp trước mà hiện đời được chứng quả Dự lưu.
(Hết Chuyện Quá Khứ)
 
9. Thợ Săn Bị Bầy Chó Của Mình Nuốt Sống
Hại người không ác tâm...
Thế Tôn dạy câu này ở Kỳ Viên liên quan đến thợ săn Koka.
Sáng sớm, thợ săn Koka vào rừng với cung tên và bầy chó săn theo sau. Hắn trông thấy bên lề đường một Tỳ-kheo đang vào làng khất thực. Hắn bực bội vì cho rằng gặp một kẻ xúi quẩy. Không biết có phải vì thế không, mà anh ta sục sạo trong rừng cả ngày chẳng được con thú nào. Còn Trưởng lão khất thực và thọ thực xong trở về tinh xá. Cả hai gặp nhau, và thợ săn vẫn còn tức tối, lùa chó đến cắn Trưởng lão dù Ngài van xin hắn. Ngài vội vã trèo lên cây, bầy chó vây quanh dưới gốc. Thợ săn cay cú nói với theo:
- Ðừng tưởng thoát khỏi nanh vuốt của ta nhé!
Rồi hắn lấy mũi tên đâm vào bàn chân Trưởng lão. Ngài van xin nhưng hắn mặc kệ, cứ đâm hết nhát này tới nhát kia, cho đến khi bàn chân Ngài nát bét. Ngài kéo chân đó lên và thò chân kia xuống. Hắn lại đâm tiếp. Ngài lại kéo chân kia lên. Ngài quá đau nhức, như thể ngồi trên ngọn đuốc, đến nỗi không còn chú ý đến chuyện gì hết, chiếc y ngoài rơi xuống mà Ngài chẳng hay, và chiếc y chụp xuống đầu thợ săn trùm đến chân.
Bầy chó tưởng đó là Trưởng lão rớt trên cây xuống, chúng luồn dưới chiếc y kéo ra nhai sống anh thợ săn đến trơ xương. Chui ra khỏi đống y, chúng đứng đợi. Trưởng lão bẻ một cành cây khô ném xuống. Thấy Trưởng lão chúng mới biết là đã ăn thịt chủ mình, liền cong lưng chạy tót vào rừng.
Trưởng lão bất an khi thấy anh thợ săn mất mạng vì chiếc y của mình. Ngài trở về kể đầu đuôi câu chuyện cho Thế Tôn, và hỏi Phật không biết mình vô tội hay có còn là tu sĩ không. Thế Tôn trả lời:
- Tỳ-kheo! Sự vô tội của ông vẫn nguyên vẹn, ông vẫn là một tu sĩ. Người nào xúc phạm đến người vô tội sẽ bị diệt vong. Ðây không phải là lần đầu, mà trong tiền kiếp tên thợ săn cũng đã từng phạm tội như thế.
Và Phật kể lại:
Chuyện quá khứ
9A. Y Sĩ Ðộc, Bầy Trẻ Và Con Rắn Ðộc
Xa xưa, một y sĩ đi quanh làng kiếm việc làm, tìm không ra việc mà quá đói, ông chợt có ý định cho rắn độc cắn đám trẻ con đang chơi quanh cổng, để có cơ hội chữa vết thương cho chúng mà kiếm cơm. Ông bỏ con rắn vào một lỗ cây, cho thò đầu ra ngoài, dụ mấy đứa nhỏ rằng đó là con chim Sàlikà hãy lại bắt mà chơi. Một đứa trẻ chạy tới nắm cổ rắn kéo ra khỏi lỗ. Ngay khi thấy con rắn trong tay, nó hét lên và ném lên đầu y sĩ đang đứng gần đấy. Rắn quấn quanh vai ông, và ông chết vì bị rắn cắn.
Thế Tôn kết luận:
- Như vậy trong một tiền kiếp, chính thợ săn Koka này đã xúc phạm người vô tội và bị diệt vong.
Và Ngài đọc Pháp Cú:
(125) Hại người không ác tâm,
Người thanh tịnh, không uế.
Tội ác đến kẻ ngu,
Như ngược gió tung bụi.
 
10. Thợ Kim Hoàn, Tỳ Kheo Và Con Ngỗng
Một số sinh bào thai...
Phật đã dạy như thế khi ngụ tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Tissa, người thường đến thợ kim hoàn khất thực.
Trưởng lão này đã thọ thực tại nhà một người thợ kim hoàn hình như suốt mười hai năm. Ông bà chủ nhà phục vụ Ngài một cách tận tình, xem đó như bổn phận của bậc cha mẹ.
Một hôm đang ngồi chặt thịt, có Trưởng lão ngồi đối diện, thợ kim hoàn nhận một viên ngọc của vua Ba-tự-nặc gởi đến bảo chùi sạch, dùi lỗ xong trả vua. Tay dính máu ông vẫn cầm lấy viên ngọc bỏ vào hộp rồi vào phòng trong rửa tay. Ông có nuôi một con ngỗng trong nhà, rất cưng quí. Ngửi thấy mùi máu nó cho viên ngọc là miếng thịt nên nuốt chửng trước mắt Trưởng lão. Thợ kim hòa quay trở lại không thấy viên ngọc đâu hỏi vợ con, nhưng không ai biết. Ông nghi cho Trưởng lão đã lấy. Bà vợ không đồng ý vì đã bao năm lui tới, Trưởng lão chưa hề sai sót. Nhưng ông bối rối quá, không biết làm sao nên cũng phải hỏi Trưởng lão, và xin Ngài trả lại viên ngọc. Trưởng lão xác nhận mình không lấy, nhưng lúc đó chỉ có hai người, nên thợ kim hoàn cứ đinh ninh ngoài Trưởng lão không ai có thể lấy viên ngọc được. Vì trị giá viên ngọc quá lớn, mọi người trong nhà dù có làm nô lệ cũng không trả nổi, nên ông quyết định tra tấn Trưởng lão. Ông lấy y quấn quanh đầu Ngài và lấy gậy đập vào đầu Ngài. Máu tuôn xối xả từ đầu, tai, mũi và mắt của Ngài. Ðau quá Ngài ngã lăn xuống đất. Con ngỗng đánh hơi máu, đến sát Trưởng lão liếm máu. Thợ kim hoàn trong cơn tức giận, thấy thế đá con ngỗng lăn ra chết tốt. Trưởng lão thấy vậy bảo nới y quanh đầu Ngài ra, hỏi thăm con ngỗng ra sao, và khi biết chắc nó đã chết, Ngài mới cho biết chính con ngỗng đã nuốt viên ngọc. Nếu con ngỗng không chết, thà ông chết hơn là nói sự thật. Mổ bụng ngỗng ra, thấy viên ngọc, thợ kim hoàn bủn rủn chân tay, tim ông đập loạn lên, ông gieo mình xuống chân Trưởng lão van xin:
- Hãy tha thứ cho con, Tôn giả. Vì vô minh con đã làm như thế.
Trưởng lão bình thản đáp:
- Cư sĩ, tất cả không phải tại ông, cũng không phải tại tôi, chỉ có luân hồi chịu trách nhiệm việc này. Tôi tha thứ cho ông.
- Bạch Tôn giả, nếu thật sự Ngài tha thứ cho con, một lần nữa con xin Ngài hãy thường xuyên đến nhà và nhận cúng dường từ chính tay con.
- Cư sĩ, từ nay trở đi tôi sẽ không bước chân vào nhà của bất cứ ai. Tôi nguyện như thế, vì vào nhà người đã gây hậu quả như đã thấy. Từ nay trở đi, khi nào tôi còn đi được trên đôi chân, tôi chỉ nhận thức ăn trước cửa nhà mà thôi.
Trưởng lão đã quyết giữ Phạm hạnh. Và Ngài nói kệ sau:
Thức ăn nấu cho người trí,
Một chút ở đó, ở đây,
Từ nhà nọ đến nhà kia,
Ta đi nhận vật tín thí,
Trên khắp mọi miền ta qua,
Khi còn đôi chân bền bỉ.
Chẳng bao lâu Trưởng lão nhập Niết-bàn vì trận đòn của thợ kim hoàn. Con ngỗng tái sanh vào bụng vợ thợ kim hoàn. Ông bị đọa xuống địa ngục còn bà sanh lên cõi trời.
Các Tỳ-kheo hỏi Thế Tôn về kiếp sau của họ, và được Phật cho biết:
- Các Tỳ-kheo! Chúng sanh trên thế gian, một số nhập thai lại, người ác đọa địa ngục, người thiện lên cõi trời, còn người hết lậu hoặc thì vào Niết-bàn.
Và Ngài đọc Pháp Cú:
(126) Một số sanh bào thai,
Kẻ ác sanh địa ngục,
Người thiện lên cõi trời,
Vô lậu chứng Niết-bàn.
 
11. Ba Nhóm Tỳ Kheo
Không trên trời, giữa biển...
Phật đã dạy như thế tại Kỳ Viên, liên quan đến ba nhóm người.
Chuyện hiện tại
11A. Con Quạ Bị Cháy
Một số Tỳ-kheo đến thăm Thế Tôn xong, rời tinh xá, vào làng khất thực. Dân làng lấy bát, phân phối chỗ ngồi trong nhà nghỉ và trong khi chờ dâng cúng, họ nghe pháp. Bỗng một ngọn lửa phụt cháy dưới nồi cơm đang nêm xốt và cà-ri, bắt lên mái tranh. Một nắm tranh cháy đỏ bung ra khỏi mái, bay lơ lửng trên không. Một con quạ bay qua đâm cổ vào nắm tranh ấy bị đốt cháy đến dòn rụm và rớt xuống đất. Mọi việc xảy ra trước mặt các Tỳ-kheo, thật khủng khiếp. Họ đồng lòng đến hỏi Thế Tôn xem kiếp trước con quạ đã làm.
Chuyện hiện tại
11B. Người Ðàn Bà Bị Ném Xuống Biển
Một nhóm Tỳ-kheo thứ hai đi thăm Thế Tôn trên một chiếc thuyền. Ra giữa biển thuyền bỗng đứng lại không nhúc nhích. Hành khách nghi có một tên xúi quẩy nên rút thăm xem là ai. Thăm rơi trúng vợ thuyền trưởng là một thiếu phụ trẻ đẹp. Họ đồng ý rút thăm lại, lần thứ hai rồi lần thứ ba cũng là vợ thuyền trưởng. Hành khách nhìn thẳng mặt ông hỏi ông bây giờ tính sao? Ông ra lệnh ném cô vợ xuống biển. Cô thét lên kinh hãi vì quá sợ chết. Thuyền trưởng bèn bảo tháo hết nữ trang, rồi vì không đủ can đảm chứng kiến cô vùng vẫy trên mặt biển, ông bảo cột bình cát vào cổ xong hãy ném. Khi thân cô chạm mặt nước, cá và rùa bơi đến rỉa thịt cô. Ngoài Thế Tôn không ai biết được kiếp trước cô đã là gì, vì thế các Tỳ-kheo trên thuyền định sẽ hỏi Thế Tôn khi lên bờ.
Chuyện hiện tại
11C. Các Tỳ Kheo Bị Giam Trong Hang
Có bảy Tỳ-kheo lên đường đi gặp Thế Tôn. Họ đến tinh xá nọ vào buổi chiều. Lúc đó có bảy chiếc giường trong một thạch thất, và họ ngủ trong đó. Ðêm khuya, một hòn đá lớn bằng ngôi chùa lăn từ dốc bên kia xuống và bít lối vào hang. Các Tỳ-kheo tại đó cùng với dân trong bảy làng hợp lực hết mình cùng với Tỳ-kheo bên trong đẩy hòn đá đi, nhưng không nổi. Suốt bảy ngày người bị nhốt đói meo; đến ngày thứ bảy, thình lình hòn đá tự động lăn khỏi miệng hang. Các khách tăng được trả tự do, họ chờ gặp Phật để hỏi nguyên nhân.
Trên đường đi, họ gặp hai nhóm Tỳ-kheo trước và chung đường đến gặp Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Tuần tự mỗi nhóm xin Phật giải thích và được nghe Phật kể:
Chuyện quá khứ
11D. Ðốt Cháy Một Con Bò
- Này các Tỳ-kheo! Thuở xưa con quạ là một nông dân ở Ba-la-nại. Anh cố hết sức điều khiển con bò nhưng nó đi một chút lại nằm xuống, dù bị đánh. Anh nổi giận mắng nó:
- Tốt lắm! Từ phút này, mày sẽ nằm lại đây cho vừa lòng mày.
Anh lấy rơm quấn hết thân con bò rồi mồi lửa. Bò bị cháy đến dòn và chết ngay. Do hành động ác đó, anh ta chịu đau đớn trong địa ngục rất lâu, sau đó vì nghiệp báo chưa hết phải bảy lần liên tiếp làm thân quạ bị đốt cháy.
Chuyện quá khứ
11E. Dìm Chết Một Con Chó
Người đàn bà này đã chịu đau đớn giống hệt một lần bà đã gây cho kẻ khác. Xưa, bà là vợ một gia chủ ở Ba-la-nại. Bà tự tay làm mọi việc trong nhà, từ lấy nước, giã gạo, nấu nướng, với một con chó ngồi một bên. Ra ngoài đồng gom lúa hay vào rừng nhặt củi, con chó cũng đi theo. Ðám thanh niên thấy thế chọc ghẹo bà:
- A! Ðây là thợ săn đi với con chó. Hôm nay chúng ta sẽ có thịt ăn đấy!
Bực mình, bà đánh chó, ném đá đất và đuổi nó đi. Nhưng chạy đi một quãng, nó quay trở lại theo bà. (Trong kiếp trước, con chó là chồng bà, do đó tình cảm của nó đối với bà vẫn còn).
Bà rất tức giận, nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Gom lúa đủ dùng, lượm một sợi dây cột vào chéo áo, bà về nhà, con chó vẫn lẽo đẽo theo sau. Lo bữa ăn cho chồng xong, bà lấy cái bình không ra hồ nước. Ðổ cát đầy bình, bà nhìn quanh và nghe tiếng chó sủa bên cạnh. Chó chạy đến, ngoắc đuôi mừng rỡ vì tưởng bà sẽ vui vẻ với nó. Bà nắm chặt cổ nó buộc vào một đầu dây, còn đầu kia cột bình nước, quăng xuống hồ. Con chó bị bình kéo xuống nước chết ngay. Hành động ác chín muồi, bà ta bị đọa rất lâu ở địa ngục. Sau đó nghiệp báo chưa hết, nên trong một trăm kiếp liên tiếp bà bị cột cổ vào bình cát ném xuống biển chết chìm.
Chuyện quá khứ
11F. Giam Cầm Một Con Cắc Kè
Cũng thế, này các Tỳ-kheo! Các ông phải chịu đau đớn y như lần đã gây cho người khác. Xưa, bảy chú mục đồng ở Ba-la-nại chăn một bầy gia súc từng đợt bảy ngày. Gặp một con cắc kè khổng lồ, mấy chú đuổi theo, nhưng nó đã nhanh chân chui vào ụ mối có bảy lỗ.
Mấy chú đành chịu thua, nhưng họ sẽ trở lại. Ngày mai mấy chú trở lại ụ mối, mỗi người lấy cây chà nhét bít mỗi lỗ, xong lùa bò đi nơi khác. Bảy ngày sau, nhớ đến con cắc kè, bảy chú mục đồng trở lại ụ mối moi lấy cây chà ra, cắc kè bò ra ngoài chẳng kể sống chết, chỉ còn da bọc xương, run lẩy bẩy. Bảy chú thương tình bảo nhau đừng giết nó, và còn vuốt lưng chúc nó đi bình an. Do đó tuy bảy chú không rơi vào địa ngục, nhưng mười bốn kiếp liên tiếp thiếu thức ăn trong bảy ngày liền. Các Tỳ-kheo, các ông là bảy mục đồng ấy, và đó chính là hành động xấu ác mà các ông đã làm.
(Hết Chuyện Quá Khứ)
Như thế Phật đã trả lời câu hỏi của ba nhóm Tỳ-kheo, giải thích cả ba chuyện đã xảy ra. Một Tỳ-kheo vẫn còn thắc mắc, hỏi:
- Bạch Thế Tôn, một người làm ác không thể nào tránh hậu quả bằng cách bay lên không, lao xuống nước, hay trốn vào hang núi sao?
Phật đáp:
- Này các Tỳ-kheo! Không thể tìm ra nơi nào để trốn tránh, dù trên không, dưới biển hay trong lòng đất. Không nơi nào trên thế gian này có thể thoát khỏi hậu quả của việc làm ác.
Và Ngài nói Pháp Cú:
(127) Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệt.
 
12. Suppabbuddha Lăng Nhục Ðạo Sư
Không trên trời, giữa biển...
Phật đã dạy câu trên khi ngụ tại tinh xá Nigrodha liên quan đến vua Thiện Giác (Suppabbuddha) họ Thích.
Vua Thiện Giác họ Thích không bằng lòng Thế Tôn vì Ngài đã bỏ con gái ông đi tu. Rồi con trai ông được nhận vào Tăng đoàn khiến ông hận thù thêm. Ông rắp tâm ngăn cản Thế Tôn đi đến nơi mời Ngài thọ thực. Một hôm ông ngồi giữa đường, uống rượu mạnh, đón Phật để cản đường. Ðược loan tin Phật và Tăng chúng sắp đến, ông thản nhiên bảo:
- Hãy bảo ông cứ đi đường ông. Ông không lớn hơn ta, ta sẽ không tránh đường.
Thế Tôn bị từ chối nhường đường nên quay trở về. Thiện Giác sai bộ hạ do thám xem Thế Tôn có nói gì không. Khi quay về, Trưởng lão A-nan hỏi Phật tại sao Ngài mỉm cười và được Phật giải thích là vì vua Thiện Giác đã phạm lỗi nặng khi không chịu tránh đường cho một vị Phật đi qua, bảy ngày nữa nơi tầng trệt cung điện, ngay chân cầu thang, vua sẽ bị đất nuốt. Tên bộ hạ nghe được liền về báo lên vua. Thiện Giác vẫn còn căm hận nên quyết chứng minh Thế Tôn là người nói dối.
Vua cho mang hết các thứ cần dùng lên tầng cao nhất trong cung điện bảy tầng, sai dẹp cầu thang qua một bên và đóng cửa lại cài thanh ngang thật chắc, và có hai lực sĩ gác ở mỗi cửa. Vua dặn họ:
- Nếu ta có quên đi xuống, hãy làm ta trở lui.
Rồi vua vào ở trong căn phòng lộng lẫy trên tầng lầu thứ bảy. Thế Tôn nghe ông làm thế, bảo:
- Các Tỳ-kheo! Vua Thiện Giác sẽ không được như ý trên tầng lầu chót của cung điện. Dù ông ta bay lên trời, ngồi trong thuyền ra biển, hay vào trong lòng núi, lời của chư Phật cũng không thể nào sai chạy. Chắc chắn ông ta sẽ bị đất nuốt như Ta đã nói.
Và Ngài đọc Pháp Cú:
(128) Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn khỏi tay thần chết.
Bảy ngày sau, kể từ khi Thế Tôn bị cản đường, con ngựa chiến của vua bị xổng chuồng ở tầng trệt chạy chung quanh và đá vào tường này rồi đá vào tường khác. Vua đang ở tầng cao nhất nghe náo động liền hỏi và được trả lời tức thì. Ðến khi ngựa thấy vua, nó dịu xuống ngay. Vua muốn bắt nó nên đứng dậy ra phía cửa. Ðúng lúc ấy cửa tự động mở, thang trở về chỗ cũ, lực sĩ gác cửa túm cổ ông ta ném xuống. Cũng y như thế cánh cửa của bảy tầng lầu tự động mở, các cầu thang trở về chỗ cũ, và lực sĩ gác cửa nắm cổ ông ném xuống. Khi vua chạm đến tầng trệt, đại địa nứt ra nuốt sống ông ta và ông bị đọa vào địa ngục A-tỳ.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.28/8/2016.MHDT.

No comments:

Post a Comment