Tuesday, 14 April 2015

QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT
     ỨNG THÂN VÀ BIẾN THÂN
SỰ LINH ỨNG:
Ngài Ðạo Tuyên đời nhà Ðường, trong một bài viết về tình hình tín ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm trong giai đoạn đó đã viết:
“Hiện nay (618), có đến trên 400 cuốn kinh sách đủ loại nêu ra những cách xưng niệm danh niệm tụng các vị Quán Thế Âm, Ðịa Tạng, Di Lặc, Di Ðà... thì sẽ được các Ngài đến cứu giúp, hộ trì, không thể nào kể xiết được chứng liệu đó”.
Những cuốn tiêu biểu nhất được truyền bá khắp quảng đại quần chúng (Trung Hoa) phải kể đến: Quán Thế Âm Linh nghiệm Ký. Lục Quan Thế Âm Linh Nghiệm Ký, Hệ Quán Thế Âm Kinh Nghiệm Ký...

Trong cuốn “Bắc Sử - Lỗ Cảnh Du Truyện” có đoạn ghi rằng:
“Ông Lỗ Cảnh Dụ thời Bắc Ngụ bị bắt nhốt trong thiên lao đã 6 năm, về sau đã nhất tâm tụng niệm “Kinh Quán Thế Âm” (Pháp Hoa Kinh - Phổ Môn phẩm) thì những gông cùm tự nhiên tung ra”.
“Lại có người bị tội sắp hành hình, thì cây đao của đao phủ tự nhiên nặng chịch rơi xuống, đứt đoạn cho nên đã thoát chết”.
Theo “Linh Nghiệm Ký”, các phạm nhân hàm oanđã hết sức vui mừng không kể xiết, vì sau khi đã thành tâm tụng niệm hồng danh “Quán Thế Âm Bồ Tát” hàng ngàn, hàng vạn biến, thì “gông cùm tự nhiên đứt đoạn” hay là “cửa nhà lao tự nhiên mở toang, giải thoát tù nhân”.
Tuy nhiên “Linh Nghiệm Ký” cũng phân chia ra làm kẻ thiện, người ác khác nhau, trong khi được hưởng những âm huệ thiêng liêng nầy.
Sách viết:
“Với những người bị hàm oan, thì Bồ Tát Quán Thế Âm ra sức phát nguyện từ bi. Giúp cho họ tránh khỏi những trừng phạt; tuy nhiên, đối với những kẻ khi bị tù tội vẫn không chịu sám hối, vẫn không hề từ bỏ những trò dao búa, thì không bao giờ hưởng được ân huệ nầy cả...”
Sách ghi chú: Trì tụng tức là dốc lòng cầu nguyện, thành tâm quán tưởng đến đạo hạnh của Ngài, không một sát na nào xa lià, thân với tâm ý là một, thì mới hiệu nghiệm được.
Trong phần thứ 15 của Phẩm “Quán Thế Âm Bồ Tát - Phổ Môn” của Diệu Pháp Liên Hoa Kinh có nói rằng:
“Phàm những kẻ nào gặp phải những cảnh khổ nạn vủa Vua chúa, đến lúc sắp bị chém, nếu nguyện lực của vị Bồ Tát Quán Thế Âm, đạo sẽ bị đứt ra từng đoạn; hoặc giả: kẻ nào bị lao tù cấm cố, chân tay bị xích, bị khoá, khi tụng niệm đến oai lực của Ngài, tự nhiên được cởi trói”.
Phân tách đoạn nầy, học giả E. Conzé viết:
“Ðây là bút pháp trừu tượng hoá. Tù tội có thể hiểu theo 2 nghĩa: về thể xác tù tội và tinh thần tù tội. Nếu tội nhân hiểu được lẽ thường của nhân quả luân hồi, thì sẽ được sống trong tinh thần an nhiên tự tại, thì dù cho bị tù tội, nhưng tâm hồn khi đã quán triệt rồi, thì thanh thản, tự do”.
SÁCH “ÐẠI TỪ, ÐẠI BI”
Một thể tài khác cũng được khai thác sâu rộng là “Quán Thế Âm Ðại Từ, Ðại Bi, Cứu khổ Cứu Nạn, Linh Cảm Ứng.”
Cách giải thích thông thường là đề cao quá mức sự linh nghiệm trong khi trì tụng hồng danh của Ngài.
Chẳng hạn như trong cuốn “Ngũ Tạp Trở”, chương XV, có đoạn viết:
“Những lời dạy của đức Phật Thích Ca chỉ có một vị duy nhất là không tịch mà thôi. Ðó chính là “Quán Thế Âm Ðại Sĩ”, rủ lòng từ bi vô hạn đối với tất cả chúng sanh, ra sức tế độ trong mười phương. Xét ra, công đức và sự tu tập nầy còn cao hơn giáo lý của Khổng Tử và Mạnh Tử rất nhiều”.
Sách ra đời vào cuối nhà Minh, nhưng đến nay vẫn còn được nói đến nhiều.
Thông thường, những lời đánh giá chức năng của Quán Thế Âm Bồ Tát rất cao, trong mọi trường hợp. “Từ” và “Bi” mà Phật Giáo đề xướng trong cách ứng xử với chúng sanh cũng có những chỗ khác với đức “từ bi” mà thế gian từng lý giải.
“Từ bi” ở đây có hàm ý sâu rộng hơn. “Ban vui” là từ, “cứu khổ” là bi. Ðiều gọi là “ban vui” (tức là “Từ”) là nói rõ chư Phật và chư Bồ Tát thương yêu và bảo vệ chúng sanh, đem niềm hoan lạc đến cho chúng sanh.
Kinh “Ðại Trí Ðộ Luận” Quyển 27, có đoạn viết:
“Ðại từ là vui cùng với tất cả chúng sanh. Ðại bi tức là diệt hết mọi khổ não cho chúng sanh”.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Thí Dụ - cũng có đoạn:
“Ðại từ, Ðại bi, hai điều nầy không bao giờ được lơi lỏng, phải luôn luôn cầu việc tốt, đem lợi ích cho tất cả chúng sanh”.
Ðức Phật có một danh hiệu rất cao quý là “Lưỡng Túc Tôn”, tức là dùng để chỉ Trí tuệ và Từ bi. Trí tuệ thuộc về tự lợi, tự ngộ. Từ bi thuộc về lợi tha, ngộ tha.
Trong cuốn “Cứu Kính Từ Bi Luận”, danh sĩ Thẩm Ước đời nhà Lương (Nam Triều) giải thích: “Những lời dạy của đức Phật vốn là Từ bi”.
Trong bài “Yến Tử Khán Thiền Sư” Vương Duy đời Ðường cũng có câu: “Cứu thế Từ bi nhiều, tức là không tạo đến nghiệp chướng nữa”. Tinh thần thể hiện về “Từ bi” là “cứu độ”. Tuy rằng, chư Phật và chư Bồ Tát đều là thể hiện của Ðại từ, Ðại bi, tuy nhiên, trong giáo lý nhà Phật, khi nói đến “Ðại bi” là đề cập đức Quán Thế Âm Bồ Tát; khi nói đến “Ðại từ” tức là đề cập đến đức Ðương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.
ỨNG THÂN VÁ BIẾN THÂN CỦA ÐỨC QUÁN THẾ ÂM
Trong kinh văn cũng như trong thờ phụng, đức Quán Thế Âm Bồ Tát thường hiện ra trong những thân như sau:
Lòng Từ Bi:
Những đau khổ về vật chất cũng như về tinh thần của chúng sanh thật là vô biên, đầy rẫy ở khắp mọi nơi trong ba ngàn thế giới, kinh quan hình ảnh của trăm ngàn cảnh khổ đau, sầu não, bi lụy không kể xiết.
Chúng sanh trong những hoàn cảnh nầy thường ngưỡng trông đến sự cứu độ của Ngài. Ngài khởi tâm Ðại Bi thương xót, hiện thân với Thiên Thủ, Thiên Nhãn, tùy theo cảnh huống và tình trạng của mỗi chúng sanh để cứu độ.
Mã Ðầu Quán Thế Âm:
Cứu khổ nhưng diệt tà, vẫn là hai ý niệm đối lập và cần thiết trong chức năng cứu độ của Ngài. Trong trường hợp thứ hai, Ngài cũng hiện thân với khuôn mặt trang nghiêm, hung dữ “đầu to, miệng lớn” để trù chứng ma.
Giải lý là: Với ma quỷ hung ác, nếu hiện ra với khuôn mặt từ bi, hoà ái, ác quỷ sẽ không sợ; buộc Ngài phải hiện thân “mã đầu”, mục đích trấn áp, cương quyết diệt ác.
Quán Thế Âm Thập Nhất Diện:
Cũng trong ý nghĩa biến hoá khôn lường và từ bi vô hạn, hình ảnh “Thập nhất diện” của Ngài cũng thường phổ biến.
Kinh văn chép: Một thời, lúc đức Thế Tôn tại thế, thì đức Quán Thế Âm là một vị Bồ Tát chuyên hộ trì chánh pháp của đức Bổn Sư tại thế gian. Bồ Tát thường hiện thân dưới nhiều sắc thái khác nhau, đi khắp nơi, khuyên dạy mọi người ra công tu tập. Trong khi đó, bọn quỷ cũng hoá ra giống y như Ngài để phản giáo.
Thành thử Bồ Tát liền hoá thân ra ba bốn đầu khác nhau, để hoá giải và chinh phục chúng. Bọn quỷ không từ nan, cũng hoá thân ba bốn đầu. Ðức Quán Thế Âm hiện ra thêm 10 đầu, thì bọn quỷ cũng cố sức hiện 10 đầu như vậy.
Sau cùng Ngài hiện ra thêm đầu thứ 11, uy nghi và mãnh liệt hơn: đó là đầu của đức Phật A Di Ðà. Bọn quỷ nao núng và thất bại, không còn dám bắt chước nữa.
Từ sự tích nầy (thêm hình ảnh của đức Di Ðà), chúng sinh đã phân biệt được Phật và quỷ.
Ghi chú:
Tranh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm 11 đầu phổ biến nhiều nhất là nghệ thuật Phật Giáo Tây Tạng. Trong tranh, đức Quán Thế Âm mang 9 đầu của 9 vị Bồ Tát, 1 đầu của đức Di Lặc, đầu 11 là của đức A Di Ðà. Cứ mỗi 3 đầu, thì tượng trưng cho 3 đặc tính: (a) từ bi với chúng sanh khổ nạn (b) quyết tâm đối trị chống hung ác, (c) hoan hỹ với thiện hành, thiện căn.
Một cách giải lý khác: 10 đầu dùng để biểu trưng cho 10 cấp độ Thập điạ; 1 đầu là hình ảnh của Phật quả.
Chuẩn Ðề Quán Thế Âm:
Thịnh hành nhất ở Phật Giáo Tây Tạng. Theo giáo pháp, do căn cơ và cá tánh của chúng sanh mỗi người một khác, nên đường tu tập không thống nhất. Trường hợp Ngài hiện thân Phật Mẫu Chuẩn Ðề Quán Thế Âm để cứu độ, dìu dắt những người tu tập theo phương pháp trì tụng Mật chú, dựng Ðàn Tràng Mạn Ðà La, lập ấn quyết.
Như Ý Luận Quán Thế Âm:
Hình tượng nầy phổ biến khắp nhân gian, với người bình dân. Như Ý Luân là cầu gì được đó, thuận theo ý mình.
Kinh văn giải thích: Ðại phàm những người nào có đủ chân thành, chánh tín, thì cầu gì sẽ đạt như sở nguyên. Cũng tương tự như trong ý nghĩa: Ngày xưa, ai có được viên ngọc của cá Ma Kiệt, thì ước gì được đó, nên gọi là Như Ý Ngọc.
“Bất không quyên sách”:
Một hiện thân khác là Bồ tát Quán Thế Âm (với sợi giây) Bất không quyên sách. Còn được gọi là Giây Thần Thông. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng nắm Giây nầy, để cứu độ những người đang xông pha vòng nguy hiểm. Ðặc biệt là lênh đênh trên biển cả. Hai hình ảnh khác:
- Gặp kẻ trộm cướp hung tàn, Ngài dùng giây để bắt tại chỗ.
- Gặp quân thù ác độc tấn công, Ngày dùng giây để bắt giặc.
Kinh Phổ Môn dạy: “Bồ Tát Quán Thế Âm có đến 32 (hay 33) ứng thân, vừa cứu độ chúng sanh, vừa giải trừ tai nạn”.
HÌNH TƯỚNG BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM:
Lai lịch của Ngài ở những quốc gia Phật Giáo được trình bày dưới nhiều điển liệu khác nhau. Do danh từ nầy phát xuất tại Trung Quốc (cũng như danh xưng của Ngài tại Kampuchia là “Lokecvara”, tại Tây Tạng dưới dạng các “Tara” (từ nước mắt của đức Quán Thế Âm Bồ Tát), ở Nhật Bản là “Kwanon”), Quan Âm (Kwan-Yin) được trình bày đa dạng.
Nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng về lại lịch nầy. Chẳng hạn như trong Hồng Lâu Mộng (hồi thứ 50) của Tào Tuyết Cân viết:
Lý Hoàn đưa ra một câu đố “Quán Âm chưa có chuyện thế gia (chuyện riêng), hãy trích ra một câu trong “Tứ thư”. Cuối cùng thì Bảo Ngọc đoán ra được; lời giải là: “Làm thiện mà không ai biết”. Câu đó trích trong “Lễ Ký – Trung Dung”: “Những người cao thượng làm việc thiện mà không ai biết”.
Ý của câu nầy có nghĩa: Không ai biết mà chứng thực cho. “Chứng” ở đây có nghĩa là “Chứng nghiệm”, “Chứng Thực”.
Ý nghĩa của lời giải nầy là chỉ việc ta không thể xem xét và tìm tòi được lai lịch, cũng giống như thuở bình sinh của đức Quan Thế Âm vậy...
(Bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải- Trí Ðức Tùng Thư)
NHỮNG TIẾN KIẾP CỦA QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Truyện tích Song Mã Ðồng
Hiện nay, trong kho tàng sử liệu, kinh văn và truyền thuyết Phật Giáo Trung Hoa, Tây Tạng, Tích Lan cũng như tại Việt Nam có nhiều huyền thoại khác nhau chung quanh những tiền kiếp của Ngài.
Một trong những huyền thoại - truyền thuyết nổi tiếng nhất là truyện “Song Mã Ðồng”. Theo nguyên Hán Văn, Song = hai; Mã = ngựa; Ðồng = trẻ nhỏ. Bộ kinh Rig Veda (Phệ Ðà) của Ấn độ có 4 tập chính lần lượt xuất hiện với những tác giả khác nhau được tu góp lại, trong đó, bộ Véda sớm nhất là Loceos Veda (Lệ Câu Phệ Ðà). Tác phẩm ra đời vào khoảng 1,500 năm trước Công nguyên.
Trong Lệ Câu Phệ Ðà có đề cập đến nhiều vị thần, mỗi vị có một khả năng khác nhau và giữ một chức năng khác nhau.
Vị thần đầu tiên là “Nhân Ðà La”, vị thần chiến tranh, dũng mãnh, mưu trí, nhưng cũng tàn bạo.
Vị thần thứ nhì là A Ki Ni (Akkini), tức là “Thần Lửa” có khả năng giúp cho dân chúng sinh sống, làm lụng, nhất là về nông nghiệp.
Vị thần thứ ba là Sô Ma (Chomad), tức là “Thần rượu” hay “Thần Hoan hỷ”, góp phần giúp những thú vui cho dân chúng khi cầu nhàn.
Quan trọng hơn hết là vị thần thứ tư, có tên Asvin (A Thấp Bà), tức là Song Mã Ðồng.
Vị thần sau nầy được ghi chép và thờ phụng trong nghi lễ của Bà La Môn Giáo và Ấn Ðộ Giáo.
Trong nguyên bản, thần A Ki Ni và thần Song Mã Ðồng là hai anh em sinh đôi, “một đôi thiên thần thanh niên mỹ lệ” như danh xưng của họ.
Song Mã Ðồng tức là đức Quán Thế Âm sau nầy. Mật Tông Tây Tạng thường phác họa hình ảnh của Song Mã Ðồng (Quán Thế Âm) là: Một thanh niên cường tráng, nhanh nhẹn, trên đầu đội mũ hình hoa sen, ngồi trên xe 3 bánh bằng vàng, do ngựa, chim hay trâu kéo.
Hình trạng: Công đức chính của Song Mã Ðồng là cứu khổ, cứu nạn. Ðặc biệt hơn hết là trị bệnh, cứu nguy cho tất cả mọi người, hễ ai cần đến sự giúp đỡ của Ngài.
Ngài có thể giúp cho người mù được sáng mắt trở lại; người tàn tật sẽ được lành lặn. Con bò già có thể vắt được sữa. Người vợ của hoạn quan có thể sinh con. Phụ nữ lỡ thì có thể kiếm được chồng. Những người đi biển gặp sóng gió hãi hùng, thập tử nhất sinh vẫn được Ngài cứu vớt.
Người già có thể cải lão hoàn đồng, kéo dài tuổi thọ. Người bị những chứng nan y cũng có thể diệt được căn chứng hiễm độc.
Truyện kể:
Lê Câu Phệ Ðà - tập V, phần I, có chép như sau:
Trên biển Hải Châu (?), một thuyền lớn chở gần 200 người trên đường lánh nạn ở vùng đất mới, trong số đó phần lớn là phụ nữ và thiếu nhi.
Chẳng may, gặp cơn bão cực kỳ nguy hiểm, thuyền bị lật, đánh tan từng mãnh. Mọi người tưởng chừng như bị chết chìm vô phương cứu vớt. Vừa khi đó, họ niệm danh hiệu của Ngài Song Mã Ðồng (Quán Thế Âm); tức thì từ trên không trung, có những thanh gỗ rộng và dài rơi xuống nơi thuyền bị đắm.
Mọi người giúp nhau chuyển lên những thanh gỗ an toàn trở về đến bến. Từ đó, họ lập lại cuộc đời mới. Và mỗi khi gặp cơn nguy nan nào, họ niệm danh hiệu Ngài và lập tức được đáp ứng.
Truyền thuyết nầy được phổ biến sâu rộng, bằng thi ca, âm nhạc, tranh tường. Nước Thiên Trúc (Ấn Ðộ cổ đại) tôn thờ vị Thần nầy khắp mọi nơi, mọi nhà.
Có rất nhiều câu chuyện cứu vớt tương tự của Ngài Song Mã Ðồng, tập trung thành pho sử thi tuyệt vời trong kho tàng văn chương Ấn.
ÐỨC QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT THEO KINH “BI HOA”
Trong những truyện tích có liên hệ đến Bồ Tát Quán Thế Âm, có tài liệu cho rằng: Ngài xuất thân trong gia đình vua chúa.
Kinh Bi Hoa, phẩm 12, mục 3 có viết như sau:
Một thời, có vị Chuyển Luân Thánh Vương, tên là Vô Tránh Niệm. Nhà vua có bốn người con trai, mà vị Thái tử đầu tiên là Bất Diến (Bất Huyến), tức là đức Quán Thế Âm Bồ Tát sau nầy.
Vương tử thứ 2 là Ni Ma, tức là ngài Ðại Thế Chí Bồ Tát (Maha Sthamaprapta), đại diên cho trí tuệ của đức Phật Thích Ca.
Vương tử thứ 3 tên là Vương Tượng, tức là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjusri), tượng trưng cho thần thông của đức Phật.
Vương tử thứ 4 là Mẫn Ðồ, tức là Phổ Hiền Bồ Tát (Samantabhadra), tượng trưng cho “bình đẳng tính trí”.
Thái tử Bất Diến mang một ý nguyện to lớn là thể hiện lòng từ vi rộng lớn, tức là tìm cách để có thể dứt hết đau khổ và phiền não của chúng sanh. Phật Ðà đã đặt cho vị thái tử nầy là Quán Thế Âm.
Phụ vương của những vương tử trên là Vô Tránh Niệm, sau nầy thành Phật, tức là Vô Lượng Thọ Phật (Amitayus) của thế giới Cực Lạc Tây Phương, tức là Phật A Di Ðà (Amitabha và Amitayus).
Kinh điển Phật Giáo Tây Tạng cho ghi rằng:
Vào thời vua Vô Tránh Niệm trị vì thiên hạm có Phật Bảo Tạng ra đời. Nhân đó, nhà vua khuyên các Vương tử và đại thần trong triều phát tâm sắm lễ vật qúy báu để dâng lên đức Phật. Thái tử Bất Diến cũng mang hết những phẩm vật quý báu của riêng mình để cúng dường.
Quan đại thần Bảo Hải trong triều thấy vậy, đã khuyên Thái tử Bất Diến:
- Thái tử vì phước đức mà cúng dường Phật, Tăng. Tốt nhất là đem công đức nầy để cầu đạo Vô thượng Bồ đề. Phước báo mong cầu chỉ là thứ hữu lậu, không thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Tốt nhất là đem công đức đó mà cầu phước vô lậu, đời đời kiếp kiếp trường tồn, bằng cách hồi hướng về Ðạo Bồ Ðề.
Nghe xong, Thái tử Bất Diến quán chiếu sâu xa, thưa rằng:
“Nay tôi nguyễn đem tất cả công đức tu tập để hồi hướng cầu đạo Vô thượng Bồ Ðề. Tôi nguyện: Thực hành những công hạnh Bồ Tát, làm việc lợi ích cho quần sanh. Khi đắc quả, phàm những chúng sanh nào lâm vào cơn khốn cùng, nguy hiểm, không nương tựa vào đâu, cứ nhất tâm xưng danh hiệu của tôi, tức thì tôi sẽ cứu độ”.
Ðức Bảo Tạng Như Lai sau khi nghe lời Thọ ký của Thái tử Bất Diến, liền dạy:
“Nay Thái tử có vọng nguyện muốn đoạn trừ mọi khổ đau trên thế gian, dứt bỏ phiền não cho họ, tất cả mong được an vui; do đó, ta đặt cho danh hiệu “Quán Thế Âm”.
Lai lịch nầy được truyền lại về sau.
QUÁN THẾ ÂM THEO TÍCH TRUYỆN TRUNG HOA
Quán Thế Âm Diệu Thiên (truyền thuyết khác)
Giai thoại nầy cũng được ghi những nhân vật như trên, tuy nhiên nội dung thì hoàn toàn khác.
Người viết ra thiên truyện nầy là Triệu Mạnh Chiêu, vốn một thời là Quản Ðạo Thăng (quan quản lý quỹ và lương thực của hội Ðạo Giáo). Nhan đề là “Quán Thế Âm Bồ tát Lược Truyện”; ngoài bià ghi thêm dòng chữ “Thần thánh hoá chuyện Ðệ tam Công chúa”. Sách chia làm 13 phần, 4,560 câu. Sách của Ðạo Giáo, cho nên mang nhiều màu sắc thần bí, bùa phép.
Truyện diễn ra vào thời Bắc Tống ở Trung Hoa, dưới triều vua Trang Vương. Nhà vua cũng có ba người con gái như tích truyện kể trên là Diệu Nhân, Diệu Duyên và Diệu Thiện. Diệu Thiện chính là đức Bồ Tát Quán Thế Âm đã đắc đạo về sau.
Lúc đó, cả ba cô công chúa đã đến tuổi trưởng thành, cho nên Trang Vương tính đến chuyện kén những phò mã cho ba nàng.
Hai cô gái đầu và thứ rất vui sướng, khi được phụ vương kén chồng; nhưng công chúa Diệu Thiện thì nhất quyết không đồng ý, nằng nặc xin vua cha xuất gia tu hành.
Trang Vương nổi giận, liền đuổi Diệu Thiện ra khỏi Vương cung, sống theo lê dân, không phụ cấp cho một khoản tiền nào để độ thân. Tuy nhiên, nàng không lấy đó là chuyện cần thiết. Nàng kiếm một thảo am ở Hương Sơn, dốc chí tu hành. Ngày hai bữa nhờ thực phẩm cúng dường của thập phương, vốn đã không mấy khá giả.
Nhưng về sau, trong triều có nhiều biến chuyển, khiến cho Trang Vương không chịu nổi đả kích đã lâm trọng bệnh, tình trạng vô cùng nguy ngập, cái chết gần kề. Lúc nầy, công chuá Diệu Thiện tu hành đã đắc đạo; cô liền hoá thân trở thành một vị lão tăng, xin vào cung để chữa bệnh cho nhà vua.
Vị lão tăng nầy sau khi thăm bệnh xong liền tâu:
- “Muôn tâu, trường hợp bệnh tình nầy chỉ còn có một cách: phải dùng tay và mắt của một người thân nhất trong chính huyết thống của Hoàng tộc, thì may ra có thể chữa lành được bệnh nầy”.
Diệu Tang Vương chỉ còn hai người con gái là người thân thích nhất, nhưng đứng trước tình trạng phải hy sinh đến thân xác, cả hai tìm cách để chối từ và lánh né ngay.
Vị lão tăng liền tâu:
- Như vậy thì chỉ còn cầu cứu đến vị tiên trưởng (?) ở Hương Sơn cứu độ sinh linh; phải đến đó để cầu cứu, may ra mới có thể thoát khỏi nguy cơ nầy.
Vị tiên trưởng đó chính là công chúa Diệu Thiện, do dày công tu luyện mà thành.
Triều đình phái viên đại thần thân tín đến am Hương Sơn để cầu cứu. Vị tiên trưởng (Diệu Thiện) đi vào cung thăm bệnh tình phụ hoàng, liền chặt cánh tay mình, móc mắt mình, hiến cho nhà vua chữa bệnh.
Nhờ vậy, nhà vua lành được. Nhưng khi thấy con gái của mình đã mất đứt cánh tay, mất đôi mắt, thì ngài vô cùng đau khổ, khóc lóc thảm thiết, cầu xin Thần Linh giúp cho Diệu Thiện mọc tay và có mắt.
Chỉ một lúc sau, quả nhiên điều đó ứng nghiệm. Hơn thế nữa, công chúa đã đắc quả, thành Bồ Tát có nghìn tay, nghìn mắt. Ngài kể lại quá trình tu tập của mình cho vua cha nghe. Nhà vua vô cùng hối hận về hành động đuổi nàng ra đi trước kia. Diệu Thiên khuyên nhà vua nên tu đức hành thiện, theo lời dạy của kinh sách. Nhà vua nghe theo.
Nhận định của học giả Phùng Hữu Lan:
Nội dung viết theo tư tưởng Lão Giáo, lại quay sang Phật Giáo và luân lý của Khổng Giáo. Cả ba hướng theo Tam giáo đồng hành, vốn thịnh hành đời nhà Tống, Trung Quốc. Vết tích Hương Sơn nay vẫn còn.
Về sau, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Vị Diệu Trang Vương đó có thật, chính là Sở Trang Vương thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Sau đó nhà vua đã ra lệnh xây chùa Hương Sơn, cho tạc bức tượng “Toàn tay, toàn mắt”.
Quán Thế Âm Dương Liễu Cứu Khổ
Nhiều tài liệu Phật Giáo Trung Quốc trình bày về ý nghĩa của những ứng thân và biến thân của Ngài. Theo học giả Mã Thư Ðiền trong “Phẩm chất và Huyền Thoại Phật Giáo” (Bắc Kinh Ấn Thư quán – 1988) giải thích:
Về hình tượng của đức Quán Thế Âm “Dương liễu cứu bệnh khổ” có hình tượng và dáng vẻ trang nghiêm thanh tịnh; tay phải, Ngài cầm cành dương liễu (cứu độ), tay trái đặt trên ngực (tâm cảm), bà tay hướng ra phía ngoài (chúng sinh). Với hình tượng nầy, Ngài dùng cành dương liễu để tiêu trừ bệnh tật, tai ách, hiểm nguy cho chúng sanh. Do ý nghĩa nầy, Ngài còn có danh hiệu “Dược Vương Quan Âm”.
Ý nghĩa dương liễu: Theo học giả Mã Thư Ðiền, tại Ấn Ðộ cũng như nhiều quốc gia vùng Tây Á, châu Phi như tại Somali, Tanganyika, cành dương liễu ngoài việc dùng để tẩy sạch và chữa bệnh (như cây dâu mật), thì còn có ý nghĩa là vật tượng trưng để diệt trừ mọi phiền não, bụi bẩn, giúp “Thanh tịnh hóa”. Theo Kinh Hoa Nghiêm (Phẩm Tịnh Hành) có đoạn: “Tay cầm cành dương liễu - Nguyện tất cả chúng sanh - Rất cả đều đắc diệu pháp - Cứu kính thanh tịnh - Ngậm cành dương liễu - Nguyện hết thảy chúng sinh - Giữ thân tâm thanh tịnh - Diệt hết mọi phiền não” (bản dịch của HT Thích Thiện Siêu).
Do đó, “Ðức Quán Âm Dương Liễu” được lưu truyền sâu rộng trong dân gian nhiều nước, kể cả Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam. Ở Trung Quốc, kinh điển giải thích: Tay phải Ngài cầm cành dương liễu; tay trái nâng bình “nước thanh tĩnh” (cam lồ), đó là biểu hiện đang dùng cành dương liễu nhúng vào trong bình nước cam lồ; sau đó vẩy xuống dân gian, để tiêu trừ mọi sư ô bẩn và phiền não của chúng sanh.
Còn trong hình ảnh “Quán Âm thiên thủ, thiên nhãn”, thì trong đó có một cánh tay có tên là “tay cành dương liễu”, dùng để giải trị các bệnh tật, cũng như mọi thứ tai hoạ gieo rắc ở thế gian.
Trong Kinh “Quán Âm Sám Pháp”, Phẩm thứ 32, đoạn 11, có đoạn: “Nay ta (tức đức Quán Thế Âm) có bình nước Thanh Tịnh và cành dương liễu, với nguyện đại bi, cứu giúp hết thảy chúng sanh” .
Tài liệu trên kết luận: Qua những kinh văn và truyền thuyết kể trên, tại Trung Hoa, hình tượng của Quán Thế Âm Bồ Tát hoá thân với hình dáng trên, trở thành nguồn tin và thành khẩn của mọi người.
Quán Thế Âm Bạch Y
Ðức Quán Thế Âm Bạch Y, còn được gọi là “Bồ Tát Bạch Tôn, Bạch Y Quán Tự Tại Mẫu”. Trong phong cách của đồ tượng học Trung Quốc, thì hình tượng của Ngà là: ngoài khoác chiếc áo màu trắng, tay trái cầm bông sen màu hồng phấn, Ngài ngự trên đài sen. (Theo Hoà Thượng Thanh Vân).
Màu trắng trong hình ảnh nầy là tượng trưng cho “Bồ Ðề”, có nghĩa là: Tất cả chúng sanh ở khắp trần gian, nếu diệt sạch được mọi phiền não, thì sẽ đạt được “trí huệ cao thượng”, của cảnh giới Niết Bàn, thường được gọi là “tâm bồ đề”, mà “tâm bồ đề” tức là tâm của Bồ Tát.
“Bạch Y Quán Thế Âm” được coi là nhân vật có thể tiêu trừ được những nguy khổn, hiễm họa cho chúng sanh, tiến đến giải thoát, thường hoạch cát tường, viễn ly khổ ách. Thờ Ngài, thường cầu nguyện cho cuộc sống trong giai đình luôn bình an.
Trong bộ kinh “Biệt Ôn Tạp Ký Kinh Sớ” có viết: “Nhược thị chúng sanh ở dân gian, nếu trì tụng kinh nầy (tức là kinh Cửu Diệu Tức Diệt Ðại Bạch Y Quán Thế Âm Ðà La Ni) thì tất cả không gian nầy, kể cả mặt trời, mặt trăng, sao đêm... tất cả đều trong cảnh trí an lạc, tất cả sẽ bảo vệ chúng sanh bình an, tinh tấn”.
Quán Thế Âm Mã Lang Phụ
Ý nghĩa chính về Mã Lương Phụ là tận diệt nhữjng hành động xấu xa, dâm đảng của con người trần thế. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Kinh và Thủ Lăng Nghiêm Kinh, trong số 33 ứng thân của đức Quán Thế Âm, có hình ảnh của một vị có dáng vẻ “thướt tha, yểu điệu, gây ấn tượng làm động lòng người”; đó là đức Quán Thế Âm Mã Lang Phụ.
Có đến 22 truyền thuyết khác nhau về truyện tích nầy, nhưng nói chung là hình ảnh của Bồ Tát đã cứu vớt cho nam giới có thể thoát khỏi những thứ dục vọng, dâm đảng, xa được bể khổ trầm luân. Thành thử, những huyền thoại nầy thường được thể hiện qua kịch bản, văn thơ, tuồng múa rối, tranh thủ ấn họa.
Nội dung chính được ghi chép trong “Cảm Kinh Truyện”, chương 22, phẩm 18, đại cương như sau: Vào năm thứ 12 dưới triều vua Ðường Dương Hoà (năm 817 sau Công nguyên), vì tại vùng Thiểm Tây và Lũng Hữu (Trung Hoa) liên tiếp xẩy ra những cảnh hỗn loạn, do bọn quyền qúy gây nên. Ðức Quán Thế Âm, do lòng đại từ, đại bi, muốn hoá độ cho chúng sanh, nên đã biến thân thành vai trò của một mỹ nữ, nhan sắc tuyệt vời.
Tiếng đồn vang ra, nhiều thanh niên con nhà quý phái bỏ ra nhiều tiền bạc, chỉ mong được gần gũi, cầu xin được giao phối.
Vị mỹ nữ nầy ra điều kiện: “Nếu trong vòng một đêm, người nào tụng được “Phẩm Phổ Môn” thì nàng sẽ chấp nhận cuộc hôn nhân đó”. Thế là các thanh niên nầy ghi tên để tụng đọc bộ kinh nầy. Ðến sáng, kết quả có 20 người đọc được trọn vẹn.
Nàng họp những người nầy lại mà bảo: “Một mình thân tôi không thể nào cùng một lúc mà kết hôn với 20 chàng trai được. Chỉ còn một cách là tiếp tục cuộc thi; nếu trong số nầy có ai đọc tụng được “Kinh Kim Cang”, thì được xem là trúng cách”.
Cho đến sáng, thì số người tụng đọc được là 10 người. Kết quả vẫn chưa thể hoàn tất. Nàng lại không thể đáp ứng được, liền giao cho 7 quyển của bộ kinh “Pháp Hoa” hẹn tụng suốt trong 3 ngày. Cuối cùng, chỉ có một thanh niên tên là Mã Thị là có thể tụng hết được. Thiếu nữ bảo chàng ta mang đầy đủ lễ vật đến để cầu hôn. Nhưng khi hôn lễ chưa cử hành, thì nàng bỗng lăn ra chết.
Sau khi mai táng được 3 ngày, thì có một vị cao tăng tay cầm cây tích trượng đến viếng thăm Mã Thị và hỏi thăm về cái chết của vị hôn thê và nơi mai táng. Mã Thị dẫn vị lão tăng đến nơi mai táng. Vị nầy dùng cây tích trượng của mình để đào lên, thì xương cốt đã tiêu tan mất, chỉ còn trơ lại một đốt xương đã hóa vàng. Lão tăng dùng tích trượng khều đoạn xương, thì bỗng nhiên vật đó bay vút lên không trung và biến mất. Do đó, có tên gọi là “Mã Lương Phụ”.
Có điều đáng nói là sau khi tụng đọc xong ba bộ kinh trên, Mã Thị đã trở thành con người đức độ khôn lường. Phong trào đọc kinh sách, quyết chí tu tập của thanh niên nam nữ trong vùng được dấy lên từ đó.
Cũng có nhiều tài liệu truyền thuyết khác liên quan đến “Mã Lang Phụ” trong sử liệu Trung Quốc. Chẳng hạn như trong “Pháp Hoa Trà Nghiệm” (Thư Lâm Ấn Thư quán), cũng kết cấu như trên, tuy nhiên có ghi thêm rằng: Ðức Quán Thế Âm ứng hiện trong trường hợp ở tại vùng duyên hải, như trong Quán Âm Nam Hải, còn có danh hiệu là “Quán Thế Âm Ngư lam”, hay là “Quán Thế Âm Toà Cốt”.
Một tác giả Phật Học nổi tiếng vào đời nhà Tống (Trung Quốc) cũng dựa theo thể tài trên để viết “Hải Lục Toái Sự Quán Thế Âm”, trong quyển thứ 13 có đoạn viết:
“Kinh điển Thích Thị (tức Phật Học) chép: Có một hiền nữ tên là Mã Lương Phụ, thường ngồi trên bãi cát vàng, cốt để tìm kiếm những kẻ dâm đảng, trừng trị họ, để cứu lương dân trong vùng. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, thì liền biến thành đám mây vàng, bay lên trời”.
Diệp Bình Khuê nêu lên điểm nầy đã dựa theo kinh “Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh” trong đó ghi: Những người hiện thân là nữ giới để trừng trị những kẻ dâm loạn, cứu giúp những kẻ hiếu sắc thoát khỏi biển khổ, dục vọng. Ðây cũng là cách độ nhân vậy.
Quán Thế Âm Thanh Cánh
Trong tích truyện nầy, ngài Quán Thế Âm Thanh Cánh nổi tiếng là vì Ngài có cổ màu xanh đen (Siva) . Ðiển tích “Thanh Cánh” xuất phát từ vị thần Thấp Bà trong tư tưởng Ấn Ðộ thời Cổ Ðại. Thấp Bà cùng với đức Phạm Thiên (Brahma) và Ngài Tỳ Thấp Nô (Vichnou) là 3 vị thần tối cao của Ấn Ðộ Giáo. Trong thần thoại Ấn Ðộ, ngài Thấp Bà là hoá thân của sức mạnh sáng tạo ra vũ trụ, được gọi là “Ðại Thiên Thần”. Ngài còn là Thần Vũ Ðạo (sành về nhảy múa).
Tuy nhiên, khi được chuyển sang tích truyện Quán Thế Âm Thanh Cánh, thì trong hình tượng của ngài chỉ còn ghi lại cổ màu xanh đen và đeo vòng lửa bán nguyệt. Tinh thần “hy sinh xả thân cứu thế” của vị Bồ Tát nầy đã cứu giúp cho không biết bao nhiêu người.
Trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, thì ngài Quán Thế Âm Thanh Cánh đã ứng thân làm một hiền nhân tên là Lôi Quỳnh. Ngài Lôi Quỳnh trong truyện nầy, vì muốn cứu giúp cho mọi người trong thôn làng, đã uống hết tất cả những chất độc gây bệnh, tránh họa cho mọi người. Về sau, được Ngọc Hoàng Thượng Ðế phong cho là “Uy Linh Ôn Nguyên Soái”. Nhưng Lôi Quỳnh là nhân vật trong Lão Giáo, và hình ảnh nầy cho thấy là đức Quán Thế Âm không ngần ngại bất cứ trường hợp nào hay tôn giáo nào, miễn là dốc hết lòng và hy sinh của mình để cứu người là được.
Trong sách “Linh Ứng Bách Thần” có ghi: “Khi thờ cúng đức Quán Thế Âm Thanh Cánh, chỉ cần thành tâm bái ngài, sẽ trợ giúp cho công năng tu hành, tiêu trừ bệnh tật, trái họa thành an, giải hết ách nạn”. (Theo “Những vị thần trong Phật Giáo Trung Quốc” - Bản dịch Ðào Nam Thắng –Hà Nội 2002)
Nghĩa 5: Quán Thế Âm Lung Kiến
Tài liệu nầy được sao lục trong kho tàng khảo cổ học Ðôn Hoàng ở phía Tây Trung Quốc, về những chứng tích liên quan chuyến du hành của ngài Huyền Trang.
Quán Thế Âm Lung Kiến có nghĩa là ngài ngồi trên mỏm đá, trông giòng thác đổ, để chiêm nghiệm về những huyển hoá của cuộc đời (Lung có nghĩa là nước chảy xiết). Theo giảng luận trong kinh Pháp Hoa - Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ môn – thì: nếu ai bị người khác tìm cách để bức hại, đẩy vào trong hố lửa, lúc nầy chỉ cần chú tâm niệm hồng danh của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát Lung Kiến, hố lửa lập tức sẽ biến thành ao đầm.
Giải thích về trường hợp nầy, nhà học giả Mã Thư Ðiền viết: Trong kinh điển Phật Giáo (như đã dẫn thượng), thường lấy hình ảnh “núi lửa” để nói về “tam ác đạo” (ba đường ác) là địa ngục đạo, ngạ qủy đạo và súc sanh đạo. Ðặc biệt là chỉ đến địa ngục; trong địa ngục thường có phần hố lửa. Như trong Kinh Pháp Hoa - Phẩm Phổ Môn, có đoạn: Nếu như ai đó bị người khác cố ý làm hại, họ muốn đẩy vào trong hố lửa lớn, lúc nầy chỉ cần niệm thần lực của đức Quấn Thế Âm nầy, hố lửa liền biến thành hồ ao...” Nội dung chính của đoạn nầy nhấn mạnh: Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, đại từ, đại bi, tìm đến những nơi có tiếng kêu cứu để cứu khổ, cứu nạn; Ngài có thể đem “hố lửa” biến thànyh “ao hồ”. Từ đó về sau, thuật ngữ nầy dùng để chỉ một cảnh ngộ vô cùng tàn khốc.
Quán Thế Âm Tống Tử
Có nhiều lý giải và giả thuyết khác nhau về hình ảnh của đức Quán Thế Âm Tống Tử. Theo nhận định của học giả Phùng Hữu Lan thì: Do đức Quán Thế Âm Bồ Tát lúc nào cũng đem lòng từ bi vô lượng của mình để cứu giúp chúng sanh, những kể sa cơ lỡ bước, từ trẻ sơ sinh cho đến người già nua; thành thử, trong rất nhiều công năng của Ngài, mọi người còn gắn thêm một công năng quan trọng khác; đó là công năng “tống tử” (tức là nhận con người khác gửi cho mình – như trường hợp Quan Âm Thị Kính). Như thế, hành trạng nầy phát sinh do nguồn tín ngưỡng của người bình dân, chứ không được ghi trong kinh điển Phật Giáo.
Khi giải thích về trường hợp nầy, nhiều học giả căn cứ vào một vài đoạn trong kinh Pháp Hoa. Chẳng hạn: “Nếu như có người phụ nữ cầu mong con trai, hãy làm lễ cúng dường đức Quán Thế Âm Bồ Tát, liền có được một cậu con trai phúc đức, trí tuệ đầy đủ. Nếu muốn cầu con gái, liền sinh được người con gái đoan trang hiền dịu; có đầy đủ gốc đức, mọi người yêu kính...”
Từ góc độ nhận thức nầy, có nhiều tích truyện được khai triển. Chẳng hạn: Trong tác phẩm nổi tiếng “Cai Dư Tùng Khảo” của học giả Triệu Ðức, vào thế kỷ XVII, đời nhà Thanh, có ghi chép rằng: Người vợ của ông Hứa Hồi tên là Tôn Thị, lúc sắp sinh nở, chịu cơn đau đớn dữ dội. Bà liền tưởng niệm đến ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, trì tụng không ngừng. Bỗng nhiên, nà nhìn thấy một phụ nữ khoác chiếc áo trắng (Quán Âm Bạch Y), tay cầm một chiếc gậy rồng đến bên cạnh, mĩm cười độ lượng. Bà dứt cơn đau, liền sinh con trai.
Kinh Chú Duy Ma Cật có chép: “Phàm những người chịu những đau đớn bất cứ trong trường hợp nào, nguyên nhân gì, nếu chí thành tụng niệm “Ðại từ, đại bi, Quán Thế Âm Bồ tát” hàng ngàn lần liên tục và chân thành. Bồ Tát sẽ “quán” được lời cầu nguyện của mình, lập tức sẽ được giải thoát cơn nguy biến đó”.
Vì nhận định như thế, cho nên nhiều địa phương có những tục lệ liên quan khác. Phàm một phụ nữ nào không có khả năng sinh đẻ, thì đến miếu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát Tống Tử, để “lấy trộm” cây liên đăng (đèn hoa sen) ở bàn thờ Phật, thì ứng nghiệm. Chữ “đăng” là đèn phát âm gần giống như chữ “đinh” (tức là đàn ông). Lại có những người nuôi nấng con khó khăn, èo uột, liền mang con mình đến cúng vái, để “gửi” ở miếu thờ Quán Thế Âm trong một buổi lễ tụng, thì tin rằng sẽ tai qua nạn khỏi.
Như thế, người bình dân thường nẩy sinh ra những ý nghĩ liên hệ đến lễ bái, chữ nghĩa như thế, để nuôi dưỡng niềm tin của mình. Thành hay không, lại là chuyện khác. (Trích theo Cai Dư Tùng Khảo, chương 2)
QUÁN THẾ ÂM THEO PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
Phật Giáo phân chia thành hai trường phái: Hiển Tông và Mật Tông.
Hiển Tông còn được gọi là Hiển Giáo; giáo nghĩa chính là của đức Thích Ca Mâu Ni (Ứng Thân Phật), công khai thuyết giảng (tức là hiển); do đó, có tên gọi là Hiển Tông.
Mật Tông còn gọi là Mật Giáo, Mật Thừa, Chân Ngôn Tông, Kim Cang Thừa. Mật Tông tiếp thu giáo chỉ tậm thâm của đức Ðại Nhật Như Lai (Pháp Thân Phật), truyền thừa một cách kín đáo (tức là mật); còn gọi là Ngôn giáo Chân thật, do đó, lấy tên Mật Tông.
Ðặc trưng chủ yếu của Mật Tông là: dùng bùa phép, thần chú, dựng Mạn Ðà la, có những nghi lễ tổ chức biểu trưng một cách cao độ; có những quy định cực kỳ nghiêm khắc, hình thức cúng tế vô cùng phức tạp, không phải là người trong Giáo phái thì không truyền cho.
Thành thử trong mỹ thuật, hội họa, điêu khắc, đồ tượng của Mật Giáo và Hiển Giáo đã có những khác biệt nhau khá lớn.
Vì nhu cầu về giáo nghĩa, sự tạc tượng của Mật Giáo phần nhiều là những loại tượng các vị Thần linh, có “hàm ý khũng bố”, để chống đối những thế lực của Ma giáo. Hình ảnh của đức Bồ Tát Quán Thế Âm cũng không ra ngoài ý nghĩa đó.
Trong Mật Tông, đức Quán Thế Âm thường được thể hiện qua 6 hình ảnh sau đây:
Quán Thế Âm nghìn tay, nghìn mắt
Thánh vương Quán Thế Âm
Quán Thế Âm “đầu ngựa”
Quán Thế Âm 11 đầu
Quán Thế Âm Chuẩn Chi
Quán Thế Âm Như Ý Luân.
Mỗi thể loại mang một ý nghĩa khác nhau về nội dung cũng như nghi lễ cúng dường của tín đồ Phật Giáo Tây Tạng.
VỀ HÌNH ẢNH QUÁN THẾ ÂM NGHÌN TAY, NGHÌN MẮT
Hình ảnh nầy cũng thường thấy trong tranh tượng Phật Giáo Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Nói là “nghìn tay, nghìn mất” nhưng chỉ mang ý nghĩa biểu trưng cho “con số nhiều” và “khả năng khác thường” về nhìn (mắt) (và hành động (tay). Tượng nầy còn được gọi là “Ðại Bi Quán Thế Âm” với công năng vô thượng, vô biên, bất khả tư nghị của Ngài.
Bộ kinh quan trọng nhất nói về hình ảnh nầy là “Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Ðại Viên Mãn Ðại Bi Tâm Ðà La Ni” (chú Ðại Bi), nhưng với tư tưởng của Mật Giáo.
Sách ghi chép nội dung như sau:
Ở một thời xa xưa, Vô lượng ức kiếp, cũng là thời mà đức Bồ Tát Quán Thế Âm nghe được vị Thiên Quang Vương Tĩnh Chú Như Lai đọc lên câu “Ðại bi, tâm đà la ni”, thì Ngài liền phát nguyện muốn mưu cầu “lợi ích, an lạc cho tất cả chúng sanh trong bể trầm luân”.
Ngay sau khi đó, Ngài có phép mầu, hiện ra trên người nghìn bàn tay và nghìn con mắt. Một nghìn bàn tay biểu thị sự che chở và bảo vệ chúng sinh, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.
Một nghìn con mắt để biểu thị cho sự quan sát thấu đáo toàn bộ đau khổ, sinh tử trên thế gian nầy.
Chủ đích của Ngài là cứu độ cho tất cả chúng sinh. Mọi người đều được hoan hỹ, không gặp phải một trở ngại nào. Ðiều nầy là sự biểu hiện của Ðại từ, Ðại bi, cứu khổ, cứu nạn.
Khi cúng dường đức Quán Thế Âm “thiên thủ, thiên nhãn” được coi là có thể đắc quả 4 dạng Thành tựu pháp:
1- Tức diệt (Thanh tịnh hay niết bàn)
2- Tăng ích (Gia tăng những lợi lộc về tinh thần cũng như về thể chất).
3- Kính ái (Cung kính, thân ái, gieo lòng từ bi cho tất cả mọi người chung quanh mình)
4- Hàng phục (Chiêu hàng chúng ma, diệt sạch những chướng ngại, bày tỏ quyết tâm giải trừ ách nạn, trong mọi trường hợp).
Cách biểu thị hình ảnh “thiên thủ, thiên nhãn” là hình tượng hoá, thể hiện lòng từ bi, bác ái, nhân hoà vô cùng, vô hạn của Ngài. Những tay và ngững mắt được bày trên “25 hữu”. “Hữu” có nghĩa là tồn tại trong tam giới. Tam giới là dục giới, sác giới và vô sắc giới.
(a) Dục Giới: gồm có 14 “hữu”:
4 ác thú: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, atula (thần ác).
4 đại bộ châu: Ðông Thắng Thần Cxhâu, Nam Thiêm Bộ Châu, Tây Ngưu Hoá Châu, Bắc Câu Lô Châu.
6 trời dục: trời Tứ Thiên Vương, trời Ðao Lợi, trời Dạ Ma, trời Ðâu Suất, trời Lạc Tiến Hoá, trời Tha Hoá Tự Tại.
Những cõi trời nầy được sắp theo thứ tự của mức đạo hạnh và thành tựu trên con đường tu tập của chúng sinh.
(b) Sắc Giới: Gồm có 7 hữu, được phân định ra như sau đây: Trời Sơ Thiền, trời Nhị Thiền, trời Tam Thiền, trời Tứ Thiền , trời Ðại Phạn, trời Tịnh Cư và trời Vô Tưởng.
(c) Vô Sắc Giới: có 4 hữu, được phân định ra như sau đây: Không Vô Biến Xứ, Thức Vô Viên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Ðây là nơi cư trú của những người vừa không có dục vọng, vừa không có hình thể.
Tượng Quán Thế Âm nghìn tay, nghìn mắt đa dạng:
Ngoài ra, tại Tây Tạng, từ thế kỷ IX về sau lại có thêm một dạng thể đức Bồ Tát Quán Thế Âm “nghìn tay, nghìn mắt” khác nữa.
Hình tượng nầy được mô tả như sau:
Trên mặt có 3 mắt, trên cánh tay có 100 bàn tay; trên mỗi bàn tay lại có một con mắt; trên đầu đội mũ kim quang; trên mũ nầy có hoá Phật (tức là chữ Phật).
Cánh tay chính của ngài có đến 18 cánh tay, hai tay trước tiên thì chắp lại trang nghiêm; còn lại một tay thì cầm gậy Kim cương; một tay cầm cái xiêng có 3 ngạnh; một tay cầm cái quạt hình hạt gié; một tay giữ lấy bảo ấn; một tay nắm một cây tích trượng; một tay cầm chuỗi ngọc; một tay cầm vòng ngọc; một tay cầm hoa sen đang nở; một tây cầm dây thừng bằng luạ; một tay cầm cành dương liễu; một tay cầm tràng hạt; một tay nắm ấm nước; một tay rót nước cam lồ ra; một tay tung ra những hạt mưa báu; một tay trong tư thế tự nhiên; một tay bên phải và một tay bên trái làm ký hiệu như hướng về huyệt đan điền (ở rốn).
Như thế, mỗi tay biểu hiện cho một phép mầu, khả năng khác thường của Ngài.
Ngoài ra còn 982 cánh tay khác, mỗi tay cầm một loại binh khí.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.15/4/2015.

No comments:

Post a Comment