Monday, 18 April 2016

93. KINH ASTALAYANA

Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại Tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ khoảng năm trăm Bà-la-môn từ nhiều quốc độ khác nhau trú tại Savatthi vì một vài công việc. Những vị Bà-la-môn ấy suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Ai có thể cùng với Sa-môn Gotama thảo luận vấn đề này?” Lúc bấy giờ thanh niên Astalayana trú ở Savatthi, trẻ tuổi, đầu cạo trọc, chỉ có mười sáu tuổi, tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Đại nhân tướng. Rồi các Bà-la-môn ấy suy nghĩ: “Thanh niên Astalayana này trú ở Savatthi, trẻ tuổi, đầu cạo trọc, chỉ có mười sáu tuổi, tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Đại nhân tướng. Vị ấy có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này”. Rồi những Bà-la-môn ấy đi đến thanh niên Astalayana, sau khi đến nói với thanh niên Astalayana:
– Tôn giả Astalayana, Sa-môn Gotama chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Tôn giả Astalayana hãy đến thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này.
Khi nghe nói vậy, thanh niên Astalayana nói với các Bà-la-môn ấy:
– Sa-môn Gotama là vị nói đúng pháp. Và những ai nói đúng pháp thật rất khó thảo luận. Tôi không có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này.
Lần thứ hai các Bà-la-môn nói với thanh niên Astalayana:
– Tôn giả Astalayana, Sa-môn Gotama này chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Tôn giả Astalayana hãy đến thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. Tôn giả Astalayana đã sống đời sống của vị du hành khất sĩ.
Lần thứ hai, thanh niên Astalayana nói với các vị Bà-la-môn ấy:
– Sa-môn Gotama là bậc nói đúng pháp. Và những người nói đúng pháp thật rất khó thảo luận. Tôi không có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này.
Lần thứ ba, những vị Bà-la-môn ấy nói với thanh niên Astalayana:
– Tôn giả Astalayana, Sa-môn Gotama này chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Tôn giả Astalayana, hãy đến thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. Tôn giả Astalayana đã sống đời sống của vị du hành khất sĩ. Tôn giả Astalayana chớ có bị chiến bại trong một cuộc chiến bại không có binh khí chống cự.
Khi nghe nói vậy, thanh niên Astalayana nói với các vị Bà-la-môn ấy:
– Thật sự tôi không chấp nhận được (lời yêu cầu) chư Tôn giả. Tôn giả Gotama là bậc nói đúng pháp. Và những ai nói đúng pháp thật rất khó thảo luận. Tôi không có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. Tuy vậy tôi cũng sẽ đi, như lời chư Tôn giả yêu cầu.
Rồi thanh niên Astalayana cùng với đại chúng Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Astalayana bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, các vị Bà-la-môn nói như sau: “Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la-môn là màu da trắng, giai cấp khác là màu da đen; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không được như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên”. Ở đây, Tôn giả Gotama nói thế nào?
– Nhưng này Astalayana, các nữ Bà-la-môn, vợ các Bà-la-môn được thấy là có kinh nguyệt, có mang thai, có sanh con, có cho con bú. Dầu vậy, các vị Bà-la-môn ấy sanh ra từ nữ căn lại nói: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có Bà-la-môn là màu da trắng, giai cấp khác là màu da đen; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không được như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên”.
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng các vị Bà-la-môn vẫn tự nghĩ rằng: “Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên”.
– Này Astalayana, Ông nghĩ thế nào? Ông có nghe chăng? Tại các biên địa quốc độ khác như Yona và Kamboja, chỉ có hai giai cấp: chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ; sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân?
– Thưa vâng, con có nghe. Trong các quốc độ biên địa như Yona, Kamboja, chỉ có hai giai cấp: chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ, sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân.
– Ở đây, này Astalayana, do sức mạnh gì, do xác tín gì của các Bà-la-môn, mà ở đây các vị Bà-la-môn lại nói: “Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên”?
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây vị Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: “Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên”.
– Này Astalayana, Ông nghĩ thế nào? Chỉ có người Khattiya (Sát-đế-lỵ) sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến: sau khi thân hoại mạng chung mới bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Bà-la-môn không phải như vậy? Và chỉ có người Vessa và người Sudda sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến, sau khi thân hoại mang chung, mới bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các Bà-la-môn không phải như vậy?
– Không phải như vậy, Tôn giả Gotama. Người Khattiya cũng vậy, Tôn giả Gotama, nếu sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, cũng bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Bà-la-môn cũng vậy, Tôn giả Gotama Vessa cũng vậy, Tôn giả Gotama, Sudda cũng vậy, Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, Tôn giả Gotama, nếu sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung đều sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
– Ở đây, này Astalayana, do sức mạnh gì, do xác tín gì của Bà-la-môn, mà các Bà-la-môn lại nói: “Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên”?
– Dầu Tôn giả Sa-môn có nói như vậy, nhưng ở đây, các Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: “Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên”.
– Này Astalayana, Ông nghĩ thế nào? Chỉ có Bà-la-môn từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, (có chánh kiến) sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Khattiya không được vậy, Vessa không được vậy, Sudda không được vậy?
– Không phải vậy, Tôn giả Gotama. Khattiya cũng vậy, Tôn giả Gotama, nếu từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến, thì sau khi thân hoại mạng chung cũng được sanh vào thiện thú, Thiên giới; cõi đời này. Bà-la-môn cũng vậy, Tôn giả Gotama; Vessa cũng vậy, Tôn giả Gotama; Sudda cũng vậy, Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, Tôn giả Gotama, nếu từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến, thì sau khi thân hoại mạng chung, đều được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
– Ở đây, này Astalayana, do sức mạnh gì, do xác tín gì của Bà-la-môn, mà các Bà-la-môn lại nói: “Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên”?
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây, các Bà-la-môn vẫn nghĩ rằng: “Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiện”.
– Này Astalayana, Ông nghĩ thế nào? Chỉ có Bà-la-môn mới có thể trong quốc độ này tu tập từ tâm, không hận, không sân, Khattiya không thể được, Vessa không thể được, Sudda không thể được?
– Không phải vậy, Tôn giả Gotama. Khattiya, Tôn giả Gotama, cũng có thể trong quốc độ này tu tập từ tâm, không hận, không sân. Bà-la-môn cũng vậy, Tôn giả Gotama; Vessa cũng vậy, Tôn giả Gotama; Sudda cũng vậy, Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, Tôn giả Gotama, đều có thể trong quốc độ này tu tập từ tâm, không hận, không sân.
– Ở đây, này Astalayana, do sức mạnh gì, do xác tín gì của Bà-la-môn, mà ở đây các Bà-la-môn lại nói như sau: “Bà-la-môn là giai cấp tối thương, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên”?
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các Bà-la-môn vẫn nghĩ rằng: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên).
– Này Astalayana, Ông nghĩ thế nào? Chỉ có Bà-la-môn mới có thể, sau khi cầm cào lưng và bột tắm đi đến sông tắm sạch bụi bặm, Khattiya không thể được, Vessa không thể được, Sudda không thể được?
– Không phải vậy, thưa Tôn giả Gotama. Tôn giả Gotama, Khattiya cũng có thể, sau khi cầm cào lưng và bột tắm, đi đến sông tắm sạch bụi bặm. Bà-la-môn cũng vậy Tôn giả Gotama; Vessa cũng vậy, Tôn giả Gotama; Sudda cũng vậy, Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, Tôn giả Gotama, đều có thể, sau khi cầm cào lưng và bột tắm, đi đến sông tắm sạch bụi bặm.
– Ở đây, này Astalayana, do sức mạnh gì, xác tín gì của các Bà-la-môn, mà ở đây các Bà-la-môn lại nói như sau: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên”?
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên”.
– Này Astalayana, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có vua Khattiya đã làm lễ quán đảnh, cho hội họp một trăm người thuộc nhiều chủng tánh khác nhau và nói: “Quý vị hãy đến đây, quý vị nào thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn, sanh ra từ hoàng tộc, hãy đem đến phần trên của đồ quay lửa, bằng cây Ta-la, hay cây Ta-lala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, quay cho lửa và sức nóng hiện ra. Còn những người thuộc gia đình Chiên-đà-la (hạ tiện), thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, hãy đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y lan (elanda: cây thu đủ thầu dầu), và quay cho bậc lửa và sức nóng hiện ra”. Này Astalayana, Ông nghĩ thế nào? Có phải chỉ có ngọn lửa được nhen lên và sức nóng được tạo ra từ người thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn sanh từ hoàng tộc, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng cây Ta-la, hay cây Ta-lala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, chỉ có lửa ấy mới có ngọn, mới có màu sắc, mới có ánh sáng, và chỉ có ngọn lửa ấy mới dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Còn ngọn lửa được nhen lên và sức nóng được tạo ra từ người thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình làm đổ phân, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y-lan, lửa ấy không có ngọn, không có màu sắc, không có ánh sáng, và ngọn lửa ấy không có thể dùng được vào các công việc do lửa đem lại?
– Không phải vậy, thưa Tôn giả Gotama. Ngọn lửa được nhen lên, sức nóng được tạo ra, Tôn giả Gotama, từ người thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn sanh từ hoàng tộc, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng cây Ta-la, hay cây Ta-lala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, lửa ấy có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, ngọn lửa ấy dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Và ngọn lửa được nhen lên, và sức nóng được tạo ra từ người thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y-lan, lửa ấy cũng có ngọn, cũng có màu sắc, cũng có ánh sáng, và ngọn lửa ấy có thể dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Thưa Tôn giả Gotama, tất cả loại lửa đều có ngọn, đều có màu sắc, đều có ánh sáng; tất cả loại lửa đều có thể được dùng vào các công việc do lửa đem lại.
– Ở đây, này Astalayana, do sức mạnh gì, do xác tín gì của các Bà-la-môn mà các Bà-la-môn ở đây lại nói: “Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có Bà-la-môn là da trắng, giai cấp khác là da đen. Chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không phải như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên”?
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: “Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên”.
– Này Astalayana, Ông nghĩ thế nào? Ở đây một nam tử Khattiya cưới một nữ nhân Bà-la-môn làm vợ. Do hôn phối này, họ sanh được đứa con trai. Đứa con trai ấy sanh ra từ nam tử Khattiya và nữ nhân Bà-la-môn. Nó giống mẹ nó hay giống cha nó; nó được gọi là Khattiya hay được gọi là Bà-la-môn?
– Thưa Tôn giả Gotama, đứa con trai ấy sanh ra từ nam tử Khattiya và nữ nhân Bà-la-môn; nó giống mẹ nó và cũng giống cha nó, và được gọi là Khattiya và cũng được gọi là Bà-la-môn.
– Này Astalayana, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, một nam tử Bà-la-môn cưới một nữ nhân Khattiya và do hôn phối này, họ sanh được đứa con trai. Người con trai ấy được sanh từ nam tử Bà-la-môn và nữ nhân Khattiya; nó giống mẹ nó, hay giống cha nó; nó được gọi là Khattiya, (hay) cũng được gọi là Bà-la-môn?
– Thưa Tôn giả Gotama, người con trai sanh ra từ nam tử Bà-la-môn và nữ nhân Khattiya; nó giống mẹ nó; và giống cha nó, và nó được gọi là Khattiya, và cũng được gọi là Bà-la-môn.
– Này Astalayana, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có con ngựa cái giao phối với con lừa. Do sự giao phối này, chúng sanh được con la. Con la ấy sanh ra từ con ngựa cái và con lừa; nó giống mẹ nó, hay giống cha nó; nó được gọi là ngựa, hay nó được gọi là lừa?
– Tôn giả Gotama, do sự giao phối khác giống như vậy, nó là con la. Đó là sự sai khác, thưa Tôn giả Gotama, mà tôi thấy ở đây. Nhưng ở chỗ khác, đối với sự vật khác, tôi không thấy sai biệt gì.
– Này Astalayana, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có hai anh em thanh niên, đồng mẹ khác cha; một người đọc tụng, thông hiểu Thánh điển; một người không đọc tụng, không hiểu Thánh điển. Ở đây, giữa hai vị này, các Bà-la-môn sẽ cúng dường ai trước các vật cúng cho người chết, các thực vật tế đàn, các món ăn trong các lễ hy sinh, các đồ ăn đãi khách?
– Thưa Tôn giả Gotama, vị thanh niên nào đọc tụng, thông hiểu Thánh điển, các Bà-la-môn sẽ cúng dường người ấy trước, các vật cúng cho người chết, các thực vật tế đàn, các món ăn trong các lễ hy sinh, các đồ ăn đãi khách. Bởi vì, thưa Tôn giả Gotama, cúng dường cho người không đọc tụng, không thông hiểu Thánh điển làm sao có quả lớn được.
– Này Astalayana, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ở đây, có hai anh em thanh niên (Bà-la-môn) đồng mẹ khác cha; một người đọc tụng thông hiểu Thánh điển, theo ác giới, hành ác pháp; một người không đọc tụng, không thông hiểu Thánh điển, trì giới, hành thiện pháp. Ở đây, các người Bà-la-môn cúng dường cho ai trước các vật cúng cho người chết, các thực vật tế đàn, các món ăn trong các lễ hy sinh, hay các đồ ăn đãi khách?
– Thưa Tôn giả Gotama, vị thanh niên nào không đọc tụng, không thông hiểu Thánh điển, nhưng trì giới, hành thiện pháp; ở đây, các Bà-la-môn cúng dường cho người ấy trước, các vật cúng cho người chết, các thực vật tế đàn, các món ăn trong các lễ hy sinh, hay các đồ ăn đãi khách. Bởi vì, thưa Tôn giả Gotama, cúng dường cho người theo ác giới, hành ác pháp làm sao có quả lớn được!
– Này Astalayana, trước hết Ông đi về sanh chủng. Bỏ sanh chủng, Ông đi về Thánh điển. Bỏ Thánh điển, Ông đi về sự thanh tịnh của bốn giai cấp mà Ta đã chủ trương.
Nghe nói vậy, thanh niên Astalayana ngồi im lặng, ủ rủ, co vai, cúi đầu, sững sờ, mở miệng không ra lời.
Rồi Thế Tôn sau khi biết được thanh niên Astalayana im lặng ủ rủ, co vai, cúi đầu, sững sờ, mở miệng không ra lời, liền nói với thanh niên Astalayana:
– Thuở xưa, này Astalayana, trong khi bảy ẩn sĩ Bà-la-môn thảo luận trong những am thất bằng lá tại một khu rừng, ác kiến sau đây được khởi lên: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên”. Này Astalayana, ẩn sĩ Asita Devala được nghe: “Trong khi bảy ẩn sĩ Bà-la-môn thảo luận trong những am thất bằng lá, tại một khu rừng, ác kiến sau đây được khởi lên: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... con cháu thừa tự Phạm thiên”? Ẩn sĩ Asita Devala, sau khi sửa soạn râu tóc, đắp y vải màu đỏ tía, đi dép với nhiều lớp (đường viền) kiên cố, cầm một cây gậy bằng vàng, liền hiện ra trong hành lang am thất của bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn. Rồi này Astalayana, ẩn sĩ Asita Devala đi qua, đi lại trong hành lang am thất của bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn và nói:
– “Nay những Tôn giả ẩn sĩ Bà-la-môn này đi đâu? Nay những Tôn giả ẩn sĩ Bà-la-môn này đi đâu?”
Rồi này Astalayana, bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn suy nghĩ như sau: “Kẻ kia là ai đang đi qua lại trong hành lang am thất bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn như một con bò đi vòng tròn, lại nói như sau: “Nay những vị ẩn sĩ Bà-la-môn này đi đâu? Nay những vị ẩn sĩ Bà-la-môn này đi đâu?” Chúng ta hãy dùng chú thuật trù yếm Ông ta”. Rồi này Astalayana, bảy ẩn sĩ Bà-la-môn dùng chú thuật trù yếm ẩn sĩ Asita Devala: “Hãy trở thành tro tàn hạ liệt”. Nhưng này Astalayana, bảy ẩn sĩ càng dùng chú thuật trù yếm, ẩn sĩ Asita Devala càng trở thành đẹp đẽ, trở thành dễ nhìn, trở thành khả ái. Rồi này Astalayana, bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn suy nghĩ như sau: “Thật trống rỗng thay, khổ hạnh của chúng ta! Phạm hạnh của chúng ta không có hiệu quả. Trước kia, khi chúng ta dùng chú thuật trù yếm người nào: “Hãy trở thành tro tàn hạ liệt” Người ấy trở thành tro tàn ngay. Nhưng nay chúng ta càng dùng chú thuật trù yếm người này, người này lại càng trở nên đẹp đẽ, trở thành dễ nhìn, trở thành khả ái”.
“– Khổ hạnh, chư Tôn giả, không phải trống rỗng, Phạm hạnh (quý vị) không phải không hiệu quả. Chư Tôn giả, hãy từ bỏ tâm oán hận đối với ta”.
“– Có tâm oán hận nào đối với Tôn giả, chúng tôi sẽ bỏ. Tôn giả là ai?”
“– Chư Tôn giả có nghe nói đến ẩn sĩ Asita Devala không?”
“_ Thưa có nghe, Tôn giả”.
“– Chư Tôn giả, vị ấy là ta”.
Rồi này Astalayana, bảy ẩn sĩ Bà-la-môn đến đảnh lễ ẩn sĩ Asita Devala. Rồi ẩn sĩ Asita Devala nói với bảy ẩn sĩ Bà-la-môn:
“– Chư Tôn giả, tôi có nghe như sau: “Trong khi bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn thảo luận tại am thất bằng lá trong khu rừng, ác tà kiến như sau khởi lên: Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có Bà-la-môn màu da trắng, giai cấp khác màu da đen. Chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không được như vậy. Chỉ có Bà-la-môn là con chính thống Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên”.
“– Thưa vâng, Tôn giả”.
“– Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết mẹ sanh của họ chỉ giao hợp với các Bà-la-môn, không với phi Bà-la-môn?”
“– Thưa không vậy, Tôn giả”.
“– Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết mẹ sanh của họ, cho đến bảy đời tổ mẫu của họ chỉ giao hợp với các Bà-la-môn, không với phi Bà-la-môn?”
“– Thưa không vậy, Tôn giả”.
“– Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết cha sanh của họ chỉ giao hợp với các nữ Bà-la-môn không với phi nữ Bà-la-môn?”
“– Thưa không vậy, Tôn giả”
“– Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết cha sanh của họ, cho đến bảy đời tổ phụ của họ chỉ giao hợp với các nữ Bà-la-môn, không với phi Bà-la-môn?”
“– Không phải vậy, Tôn giả”.
“– Chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết nhập thai là như thế nào?”
“– Thưa Tôn giả, chúng con biết nhập thai như thế này. Ở đây, mẹ cha phải giao hợp, người mẹ phải trong thời (có thể thọ sanh), hương ấm (gandhabha) phải hiện hữu, ba sự như vậy có hòa hợp, nhập thai mới thành tựu”.
“– Chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết hương ấm ấy là Khattiya, hay Bà-la-môn, hay Vessa, hay Sudda?”
“– Thưa Tôn giả, chúng tôi không biết hương ấm ấy là Khattiya, hay Bà-la-môn, hay Vessa, hay Sudda”.
“– Chư Tôn giả, sự tình là như vậy, chư Tôn giả có biết chư Tôn giả là ai không?”
“– Thưa Tôn giả, sự tình là như vậy, chúng tôi không có biết chúng tôi là ai”.
Này Astalayana, bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn ấy bị ẩn sĩ Asita Devala, chất vấn, cật vấn, nạn vấn về vấn đề sanh chủng (jativada) của họ, không có thể ứng đáp được. Làm sao nay Ông bị ta chất vấn, cật vấn, nạn vấn về vấn đề sanh chủng của Ông lại có thể ứng đáp được, khi Ông cùng một Đạo sư với họ và không có Punna, người biết sử dụng thìa đổ sữa (làm lễ tế tự).
Khi được nói vậy, thanh niên Astalayana bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
KINH ASTALAYANMA, THỨ CHÍN MƯƠI BA HẾT.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.19/4/2016.MHDT.

No comments:

Post a Comment