II. ĐẠI PHẨM
14. KINH ĐẠI - BỔN .
070. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ĐẠI-BỔN?
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại nước Xá-vệ (Sàvatthi), rừng Kỳ-đà (Jetavana), trong am-thất Hoa-Lâm (Kareri). Lúc bấy giờ, các vị Tỳ-kheo sau khi khất-thực và dùng cơm xong, tụ-họp ở Hoa-Lâm viên-đường, đang bàn về vấn-đề tiền-thân các vị Phật trong quá-khứ, thì đức Phật quá-bộ đến. Nhơn đó, Ngài giảng rõ lịch-sử của ba vị Phật thuộc Trang-nghiêm-kiếp, và ba vị Phật thuộc Hiền-kiếp, cùng với đức Phật Thích-ca hiện đương thời.
Thế-Tôn còn cho biết thêm, sở dĩ Ngài nhớ rõ được như vậy là nhờ ''khéo chứng-đạt pháp-giới nầy'' và có chư Thiên các cõi Tịnh-cư-thiên, Vô-phiền-thiên, v.v. xác-nhận là nhờ tu-tập Chánh-Pháp của các vị Phật thuở trước mà họ được sanh lên các cõi Trời đó.
071. NỘI-DUNG KINH ĐẠI-BỔN.
Kinh Đại-Bổn nhắc lại tiền-thân của các vị Phật từ thuở sơ-khai cho đến thời hiện-đại.
A.- Ý chánh: Lịch-sử về nguồn-gốc, thành-đạo, giảng-pháp, giáo-đoàn của đức Phật Tỳ-bà-thi.
B.- Phân đoạn: Kinh rất dài, chia ra ba phần:
1.- Lược-sử bảy vị Phật từ cổ-đại đến hiện-thời:
2.- Tiểu-sử của đức Phật Tỳ-ba-thi (Vipassi):
- thân-thế
- bốn lần du-ngoạn tại vườn ngự-uyển
- xuất-gia: lý nhân-duyên và năm uẩn.
- giáo-hội.
3.- Sự xác-nhận của chư Thiên cõi Tịnh-cư.
072. TIỀN-THÂN BẢY VỊ PHẬT.
- Tỳ-bà-thi073. TIỂU-SỬ ĐỨC PHẬT TỲ-BÀ-THI.
- Thi-khí
- Tỳ-xá-phù
- Câu-lưu-tôn
- Câu-na-hàm
- Ca-diếp
- Thích-ca
Vào thuở Trang-nghiêm kiếp, đã qua 91 kiếp, Bồ-tát Tỳ-Bà-Thi (Vipassi) từ cung trời Đâu-suất, nhập vào mẫu-thai, giáng trần tại thành Bandhumatì; cha là quốc-vương Bandhumà, mẹ là hoàng-hậu Bandhumatì, mang thai 10 tháng mới sanh nở. Hoàng-tử Vipassi có đủ 32 tướng tốt Đại-trượng-phu. Vua Cha cho xây ba toà lầu-đài cho hoàng-tử với đầy-đủ thú-vui vật-chất.
Sau bốn lần du-ngoạn vườn ngự-uyển: gặp người già-nua, kẻ bịnh-hoạn, thây người chết bị thiêu, và lần chót gặp một vị xuất-gia, hoàng-tử quyết chí rời bỏ gia-đình đi tu. Hay tin nầy, tám vạn bốn ngàn dân-chúng cũng xuất-gia theo. Rồi Bồ-tát cùng với đông-đảo đồ-chúng du-hành qua các làng ấp và đô-thị để giảng đạo.
Một thời-gian dài sau đó, Bồ-tát lìa đồ-chúng, sống tịnh-cư. Ngài suy-nghĩ về lý Duyên-sanh cùng sự sanh-diệt của năm uẩn trong thân-tâm, tự giác-ngộ và hoàn-toàn giải-thoát, trong khi ngồi dưới gốc cây pàtali (ba-bà-la). Ngài còn phân-vân chẳng biết có nên đem giáo-pháp cao-siêu, khó hiểu nầy ra giảng-dạy không, thì có vị Đại-Phạm Thiên đến khuyến-thỉnh Ngài hãy ra thuyết-pháp để cứu giúp các chúng-sanh.
Trước tiên, Thế-Tôn Vipassi thuyết-pháp cho vương-tử Khanda và con vương-sư Tissa (đó là hai vị đại-đệ-tử của Ngài); sau đó, Ngài lập Tăng-hội: một hội 68 triệu, một hội 10 vạn và một hội 8 vạn Tỷ-kheo. Ngài phân-phối họ đi khắp nơi và cứ sáu năm một lần tụ-họp về kinh-đô Bandhumatì đọc-tụng lại Giới-bổn.
074. TRÍCH-ĐOẠN: 32 TƯỚNG TỐT ĐẠI-TRƯỢNG-PHU
...''Hoàng-tử nầy có đầy-đủ 32 tướng tốt của bậc Đại-nhân. Ai có đủ 32 tướng tốt nầy sẽ chọn một trong hai con đường nầy: nếu sống tại gia-đình, sẽ trở nên vua Chuyển-luân Thánh-vương, dùng Chánh-pháp trị nước, bình-định bốn phương, đem lại an-toàn cho quốc-độ; (... ) hoặc xuất-gia sống không gia-đình, sẽ trở thành bậc A-la-hán, Chánh-Đẳng-Giác, vén màn vô-minh cho đời ...:
(...)
1. lòng bàn chân bằng phẳng,
2. dưới hai bàn chân hiện hình bánh xe với ngàn tăm xe, trục xe, vành xe... ,
3. gót chơn thon dài,
4. ngón tay, ngón chơn dài,
5. tay, chơn mềm-mại,
6. tay chơn có màn da lưới,
7. mắt cá tròn như con sò,
8. ống chơn như con dê rừng,
9. khi đứng thẳng, không cong lưng xuống, có thể rờ đầu gối với hai bàn tay,
10. có tướng mã-âm-tàng,
11. màn da như đồng, màu sắc như vàng,
12 da trơn mướt, bụi chẳng bám vào được,
13. lông da mọc từ lông một, mỗi lỗ chơn lông có một lông,
14. lông mọc xoáy tròn thẳng lên, màu xanh đậm, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ về bên phải,
15. thân hình cao thẳng,
16. có bảy chỗ tròn đầy,
17. có nửa thân trước như con sư-tử,
18. không có lõm khuyết giữa hai vai,
19. thân-thể cân-đối như cây bàng (nigrodha)
20. có nửa thân trên vuông tròn,
21. có vị-giác hếr sức bén-nhạy,
22. có quai-hàm như con sư-tử,
23. có bốn mươi cái răng,
24. có răng đều-đặn,
25. có răng không khuyết hở,
26. có răng cửa trơn láng,
27. có tướng lưỡi rộng dài,
28. có giọng nói tuyệt-diệu như tiếng chim ca-lăng-tần-già (Karavika),
29. có hai mắt màu xanh đậm,
30. có lông mi như con bò cái,
31. giữa hai lông mày có sợi lông trắng mọc lên, mịn-màng như bông nhẹ
32. có nhục-kế trên đầu....
075. TRÍCH-ĐOẠN CÁC BÀI KỆ: SAU KHI THÀNH ĐẠO, CÓ NÊN GIẢNG PHÁP ĐỘ SANH KHÔNG?
Thế-tôn Tỳ-bà-thi (Vipassi), sau khi thành-đạo, nói bài Kệ nầy:
''Sao nay ta lại nói lên Chánh-Pháp mà Ta đã chứng-ngộ rất khó-khăn?
Pháp nầy khó mà chứng-ngộ với những ai bị tham, sân chi-phối;
Những ai bị ái-nhiễm và vô-minh bao phủ rất khó thấy pháp nầy,
Một pháp đi ngược dòng, vi-diệu, thâm-sâu, khó thấy, vi-tế.''
Lúc bấy giờ, có vị Đại-Phạm-thiên đến (...) qùi hướng về phiá Thế-Tôn Vipassi, bạch bài Kệ nầy:
''Như con người đứng trên đỉnh núi nhìn quanh dân chúng phía dưới;
Cũng vậy, Ngài Sumedha lên lầu Chánh-Pháp, bậc biến-nhãn, thoát-ly sầu muộn,
Nhìn xuống quần-chúng, âu lo sầu muộn, bị sanh, già áp-bức.
Hãy đứng lên, bậc anh-hùng, bậc chiến-thắng ở chiến-trường !
Vị trưởng đoàn lữ-khách, đấng thoát-ly mọi nợ-nần!
Thế-Tôn hãy đi khắp thế-giới hoằng-dương Chánh-Pháp;
Có người nhờ được nghe, sẽ thâm-hiểu diệu-nghiã !''
Rồi Thế-Tôn Vipassai trả lời vị Đại-Phạm-thiên với bài Kệ sau đây:
''Cửa bất-diệt đã được mở rộng,
Hỡi những ai được nghe, hãy từ bỏ tà-kiến của mình.
Vì nghĩ đến mệt-mỏi hoài-công, nầy Phạm-Thiên,
Ta không muốn giảng Chánh-Pháp vi-diệu cho loài người !''
Sau đó, Thế-Tôn Vipassi đến vườn Lộc-Uyển Khema, thành Bandhumatì, giảng Chánh-Pháp cho vương-tử Khanda và Tissa ...
076. HỌC KINH ĐẠI-BỔN NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?
1. Nội-dung Kinh Đại-Bổn có tánh-cách huyền-sử (việc tối-sơ từ 91 kiếp về trước), người học Kinh chẳng nên câu-nệ đòi hỏi sự kiểm-chứng theo khoa-học ngày nay. Đây là lời dạy chánh-thức của đức Bổn-Sư về nguồn-gốc các vị Phật, người Phật-tử với lòng thành chỉ nên biết tin theo đó mà thôi, chớ hoài-công đi truy-tầm các chứng-tích; vì đây là vấn-đề thuộc loại bất-khả tư-nghì, nghiã là vượt khỏi sự ly-luận của thế-gian.
2. Ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại-nhơn chỉ là hình-tướng bên ngoài, còn sự chứng-đắc giác-ngộ và giải-thoát bên trong mới thật là điều đáng qúi-trọng. Người học Kinh chớ nên xét đoán về hình-tướng, mà nên chú-trọng đến giới-đức, đến định-lực và nhứt là trí-huệ thù-thắng mới đưa hành-giả đến sự thoát khỏi mọi khổ-não của cuộc sống trong vòng Luân-hồi.
3. Lịch-sử của các đức Phật trong quá-khứ có nhiều điểm tương-đồng: sanh trong dòng-họ giàu-sang mà chẳng đắm-say thú-vui vật-chất; nhơn du-ngoạn ra ngoài thành, thấy được cảnh khổ-đau của già, bịnh, chết và thái-độ an-nhiên, tự-tại của một vị tu-hành mà đi xuất-gia tầm Đạo; tu-tập thiền-định và thành Đạo khi ngồi tịnh-cư dưới một gốc cây; suốt khoảng đời còn lại, hoằng-dương Chánh-Pháp để cứu-vớt chúng-sanh.
Đó chính là các điều mà người học bản Kinh nầy nên quan-tâm đến và cố sức noi theo trên con đường tu-tập của mình.
.
-ooOoo-
15. KINH ĐẠI - DUYÊN
077. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ĐẠI-DUYÊN?
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại ấp Kiếm-ma-sắt-đàm (Kammassadhamma) thuộc bộ-lạc Câu-lâu (Kuru) . Lúc bấy giờ, Tôn-giả A-nan (Ananda) đến bạch với Thế-Tôn: ''Giáo-pháp Duyên-Khởi rất thâm-thúy, và đối với con, hết sức minh-bạch rõ-ràng.'' Đức Phật bảo: ''Chớ có nói như vậy. Giáo-pháp Duyên-khởi nầy thật-sự thâm-thúy; chính vì không thâm-hiểu nên chúng-sanh bị rối-loạn... chẳng thể nào ra khỏi khổ-xứ...''
Rồi với phương-pháp vấn-đáp, đức Phật giải-thích tỉ-mỉ cho Tôn-giả A-nan ''phải hiểu như thế nào'' lý Duyên-khởi, từ sanh, Già-Chết ... cho đến Danh-Sắc và Thức, đã khiến chúng-sanh phải trôi-lăn mãi trong vòng Luân-hồi. Bằng lý Nhân-Duyên, Ngài phân-tách cặn-kẽ sự tập-khởi của toàn-bộ khổ-uẩn, cùng các bất-thiện-pháp. Ngài đả-phá tà-kiến chấp-thủ vào cái Ngã, khiến tâm và tuệ chưa được giải-thoát. Sau cùng, Ngài chỉ rõ bảy trú-xứ của Thức và tám con đường giải-thoát, nhờ tu-tập các cấp Thiền-định đạt tới câu-giải-thoát: chứng và an-trú trong Diệt thọ-tưởng định.
078. NỘI-DUNG KINH ĐẠI-DUYÊN.
Kinh Đại-Duyên rất dài, dùng nhiều danh-từ trừu-tượng để giải-thích Lý Duyên-Khởi: mọi sự-vật đều do nhân-duyên (Duyên) mà khởi (Khởi) sanh lên và tận-diệt.
A.- Ý Chánh: Rất khó tìm ra được mạch-kinh làm ý-chánh của bản Kinh nầy. Có thể nhận thấy được các ý quan-trọng, xếp theo thứ-tự trước sau: (1) Lý Duyên-Khởi; (2) tà-kiến Ngã-chấp; (3) trú-xứ của Thức; (4) tám cửa giải-thoát.
B.- Phân đoạn:
1.- Phần vấn-đáp giữa đức Phật và Tôn-giả A-nan để tìm Nhân-duyên dây chuyền của Lý DUYÊN-KHỞI:
- giữa: Già-chết, Sanh, Hữu, Thủ, Ái, Thọ, Xúc, Danh-Sắc và Thức, (có Già-Chết là do có Sanh; có Sanh là do có Hữu, có Hữu là do có Thủ, v.v...);
- đưa đến sự tập-khởi của TOÀN-BỘ KHỔ-UẨN (vì có Sanh, nên phải chịu già,chết, sầu, bi, ưu, khổ, não).
2.- Giải-thích mỗi DUYÊN trong Lý Duyên-Khởi:
- các loại SANH trong pháp-giới: chư Thiên, qủi-thần, loài người, súc-sanh; (nếu chẳng có Sanh thì chẳng có Già-chết);
- các loại HỮU: dục-hữu, sắc-hữu, vô-sắc-hữu; (nếu chẳng có Hữu, thì chẳng có Sanh);
- các loại THỦ: dục-thủ, kiến-thủ, giới-cấm-thủ, ngã-chấp-thủ; (nếu chẳng có Thủ thì chẳng có Hữu);
- các loại ÁI: sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái và pháp-ái; (nếu chẳng có Ái thì chẳng có Thủ)
- các loại THỌ: cảm-thọ từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý sanh ra; (nếu chẳng có Thọ, thì chẳng có Ái);
- sự tập-khởi của các bất-thiện-pháp: từ duyên ái sanh ra tìm-cầu, lợi, quyết-định, tham-dục, đam-trước, chấp-thủ, hà-tiện, thủ-hộ đưa đến sự tranh-chấp nhau, gây thành các BẤT-THIỆN-PHÁP.
- các loại XÚC: nhãn-xúc, nhĩ-xúc, tị-xúc, thiệt-xúc, thân-xúc và ý-xúc; (nếu chẳng có Xúc, thì chẳng có Thọ)
- các loại DANH-SẮC: hình, sắc, tướng, mạo; (nếu chẳng có Danh-Sắc, thì chẳng có Xúc).
3.- HỖ-TƯƠNG NHÂN-DUYÊN giữa Danh-Sắc và Thức:
- Do duyên Thức, Danh-Sắc sanh: vì có Thức nhập vào thai mẹ, nên Danh-Sắc hình-thành, và khi sanh ra, mới lớn lên và thành-mãn.
- Do duyên Danh-Sắc, Thức sanh: nếu Thức chẳng an-trú được trong Danh-Sắc, thì trong tương-lai chẳng thể có sự sanh, già, chết, và tái-sanh được.
- Trong giới-hạn con người được sanh, già, chết, và tái-sanh lại, có sự lưu-chuyển luân-hồi, hiện-hữu từ trạng-thái nầy sang trạng-thái khác, đều do duyên của Danh-Sắc và Thức cả.
4.- Các tà-kiến về NGÃ-CHẤP:
- Chấp ngã có sắc và có hạn-lượng;
- Chấp ngã có sắc và không hạn-lượng;
- Chấp ngã vô-sắc và có hạn-lượng;
- Chấp ngã vô-sắc và chẳng có hạn-lượng.
- Chấp ngã là thọ;
- Chấp ngã là khả-năng cảm-thọ.
- Vị Tỳ-kheo không chấp-trước một điều gì trên đời, nên chẳng sợ-hãi, tự mình hoàn-toàn giải-thoát, và với thắng-trí hiểu-biết được tất cả.
5.- Các trú-xứ của THỨC:
- trú-xứ thứ nhứt: nơi loài hữu-tình như loài Người và chư Thiên;
- trú-xứ thứ hai: nơi các vị ở Phạm-Chúng thiên;
- trú-xứ thứ ba: nơi các vị ở Quang-Âm-thiên;
- trú-xứ thứ tư: nơi các vị ở Biến-Tịnh-thiên;
- trú-xứ thứ năm: nơi các vị ở Không-vô-biên-xứ;
- trú xứ thứ sáu: nơi các vị ở Thức-vô-biên-xứ;
- trú xứ thứ bảy: nơi các vị ở Vô-sở-hữu-xứ
- và hai trú-xứ nữa là: nơi Vô-tưởng hữu-tình-xứ và Phi-tưởng, phi phi-tưởng-xứ.
Nếu ai biết được Thức tại một trú-xứ nào, hiểu được vị ngọt và sự nguy-hiểm, cùng sự xuất-ly khỏi trú-xứ đó, sẽ lần-lượt vượt qua hết các trú-xứ và chẳng còn chấp-thủ nữa, thì vị nầy được Tuệ giải-thoát.
6.- Tám cửa GIẢI-THOÁT:
- cửa giải-thoát thứ nhứt: tự mình có sắc, thấy các sắc-pháp;
- cửa giải-thoát thứ hai: không biết mình có sắc, thấy các sắc ngoài tự-thân;
- cửa giải-thoát thứ ba: tâm mạnh hướng đến thanh-tịnh;
- cửa giải-thoát thứ tư: chứng và an-trú cõi Không vô-biên-xứ;
- cửa giải-thoát thứ năm: chứng và an-trú cõi Thức-vô-biên-xứ;
- cửa giải-thoát thứ sáu: chứng và an-trú cõi Vô-sở-hữu-xứ;
- cửa giải-thoát thứ bảy: chứng và an-trú cõi Phi-tưởng phi phi-tưởng xứ;
- cửa giải-thoát thứ tám: chứng và an-trú Diệt-thọ-tưởng định.
Diệt thọ-tưởng định là câu-giải-thoát cao-cả và thù-thắng nhứt.
079. TRÍCH-ĐOẠN: DO ĐÂU CÁC ÁC-PHÁP SANH?
...''Nầy Ananda, như vậy do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, tìm cầu sanh; do duyên tìm-cầu, lợi sanh; do duyên lợi, quyết-định (sở-dụng của lợi) sanh;; do duyên quyết-định, tham-dục sanh; do duyên tham-dục, đam-trước sanh; do duyên đam-trước, chấp-thủ sanh; do duyên chấp-thủ, hà-tiện sanh; do duyên hà-tiện, thủ-hộ sanh; do duyên thủ-hộ phát sanh một số ác, bất-thiện-pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh-đấu, tranh-luận, đấu khẩu, khẩu-chiến, ác-khẩu, vọng-ngữ.
Trước đã nói: ''Do duyên thủ-hộ, phát-sanh một số ác, bất-thiện-pháp, như chấp trượng, chấp kiếm, tranh-đấu, tranh-luận, đấu khẩu, khẩu-chiến, ác-khẩu, vọng-ngữ.''Nầy Ananda, phải hiểu thế nào câu nói đò? Nầy Ananda, nếu thủ-hộ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có thủ-hộ cho tất cả, nếu thủ-
hộ diệt, thời một số ác, bất-thiện-pháp (...) có thể hiện-hữu được không?
- Bạch Thế-Tôn, không.
- Nầy Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập-khởi, như vậy là nhân-duyên của một số ác , bất-thiện-pháp...''
080. HỌC KINH ĐẠI-DUYÊN NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?
1. Giáo-pháp Duyên-Khởi trong Kinh Đại-Duyên nầy tuy hơi giống với Lý Mười-Hai Nhân-Duyên, nhưng có chỗ khác nhau:
- Lý Mười-Hai Nhân-Duyên có 12 duyên: Vô-minh, Hành, Thức, Danh-Sắc, Lục-Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão-Tử;
- Lý Duyên-Khởi chỉ có 9 duyên: Thức, Danh-Sắc, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão-tử;
- Lý Duyên-Khởi có hai duyên hỗ-tương nhau: Thức duyên Danh-Sắc, mà Danh-Sắc lại cũng duyên Thức.
2. Điểm quan-trọng trong hai giáo-pháp nầy là:
Hễ cái nầy có, thì cái kia có;
Hễ cái nầy chẳng có, thì cái kia chẳng có.
3. Muốn tìm hiểu cặn-kẽ bản Kinh nầy, trước phải biết rõ ý-nghiã của các danh-từ chuyên-môn về Phật-học, nhứt là các Nhân-Duyên kể trong Giáo-pháp Duyên-Khởi.
.
-ooOoo-
16. KINH ĐẠI BÁT-NIẾT-BÀN
081. KINH ĐẠI BÁT-NIẾT-BÀN GHI LẠI NGÀY THÁNG CUỐI-CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT TẠI THẾ-GIAN.
Đây là bản Kinh dài nhứt trong Trường-Bộ Kinh, ghi chép tỉ-mỉ những gì đã xảy ra trong nửa năm cuối-cùng của cuộc đời đức Phật Thích-ca tại thế-gian nầy.
Vào thuở ấy, đức Phật ngụ tại núi Linh-thứu (Gijjhakùta), gần thành Vương-xá (Ràjagaha), nước Ma-kiệt-đà (Magadha), cùng với các vị Tỳ-kheo. Từ đấy, Ngài cùng Tăng-đoàn đi bộ lên miền Bắc, cho đến thành Câu-thi-na (Kusinàrà), vào rừng nằm giữa hai cây Ta-la, rồi nhập-diệt vào Bát-Niết-Bàn.
Trên khoảng đường dài, từ núi Linh-thứu đến Câu-thi-na, Ngài dừng lại tại các làng-mạc, đô-thị để giảng pháp. Kinh nầy ghi khá đầy-đủ lại các bản Kinh quan-trọng trong Giáo-Pháp được Ngài ân-cần nhắc-nhở lại cho các đệ-tử. Sau bữa cơm cuối-cùng do người thợ sắt Thuần-đà (Cunda) hiến-dâng, Ngài bị trúng-thực vì nấm độc. Trước khi lià đời, Ngài còn dạy cho vị đệ-tử cuối-cùng là ông Tu-bạt-đà-la (Subhadda), rồi tha-thiết nói lời giáo-hối với chúng Tăng. Thân đức Phật được hoả-táng và xá-lợi được dựng tháp cúng-dường.
Thái-tử Tất-đạt-ta (Siddhatta) sanh tại thành Ca-tỳ-la-vệ ( Kapilavatthu), nước Nepal, rời hoàng-cung năm 29 tuổi, đắc đạo dưới cội cây Bồ-đề năm 35 tuổi, giảng-dạy giáo-lý trong hơn 40 năm, thọ 80 tuổi. Năm Ngài mất được lấy làm năm đầu-tiên của Phật-lịch.
082. NỘI-DUNG KINH ĐẠI BÁT-NIẾT-BÀN.
Kinh Đại Bát-Niết-Bàn kết-tập thành sáu chương, tường-thuật những ngày cuối-cùng của đức Phật. Từ núi Linh-Thứu đến thành Câu-thi-na, Ngài dừng chơn tại nhiều nơi, để nhắc lại các lời giảng trong Giáo-pháp.
A.- Ý Chánh: Những lời dạy cuối-cùng của đức Phật, trước khi mất.
B.- Phân đoạn: Sáu chương trong bản Kinh:
1. Chương I: Từ núi Linh-Thứu đi đến bờ sông Hằng:
- tại Linh-thứu, Phật giảng bảy pháp bất-thoái đã dạy cho dân Bạt-kỳ (Vajjì) để giữ nước cường-thịnh;
- tại Vương-xá, Phật dạy các Tỳ-kheo năm loại bảy pháp bất-thoái, để được sống an-lạc, cường-thịnh, chẳng bị suy-giảm và sáu pháp sống chung hoà-mục;
- tại Pàtaligàma, Ngài giảng năm sự nguy-hiểm cho người phạm giới và năm lợi-ích cho kẻ giữ giới;
- bên bờ sông Hằng, Ngài đọc bài Kệ có ý-nghiã giải-thoát của việc kết bè để vượt sông qua bờ bên kia.
2. Chương II: từ Kotigàma đến Baluva ở Tỳ-da-ly:
- tại Koti, Phật giảng lại Tứ-diệu-đế và nhắc nhở Tỳ-kheo phải thấu hiểu rõ để tu-tập thoát khỏi Luân-hồi;
- tại Nàdikà, nhơn Tôn-giả A-nan hỏi về sự tái-sanh của các vị Tỳ-kheo và cư-sĩ đã mất ở đây, Phật giảng Kinh Pháp-Kính (tấm kiếng pháp) giúp Tỳ-kheo tự mình xét lấy sự chứng-đạt của mình.
- tại vườn xoài Ambapàli, đức Phật nhận sự cúng-dường của dâm-nữ Ambapàli, thay vì nhận của các hoàng-tử Licchavi;
- tại Baluvà, trong kỳ an-cư mùa mưa, đức Phật mắc bịnh nặng, nhưng cố gắng duy-trì mạng sống để có lời giã-biệt với các đệ-tử. Trước sự lo-lắng của Tôn-giả A-nan, đức Phật thốt lên lời nhắn-nhủ tha-thiết đến các hàng đồ-đệ: ''Hãy tự mình làm chỗ nương-tựa cho chính mình; dùng Chánh-pháp làm ngọn đèn; chớ nương-tựa vào gì khác''.
3. Chương III: từ điện-thờ Capala đến rừng Đại-Lâm:
- tại đền Capala, đức Phật từ-bỏ mạng-căn, sau khi nhận lời yêu-cầu của Ác-ma, và từ-khước lời thỉnh-cầu trụ-thế của A-nan;
- tại giảng-đường Trùng-các, đức Phật chánh-thức thông-báo tất cả Tỳ-kheo, trong ba tháng nữa, Ngài sẽ nhập Niết-Bàn.
4. Chương IV: Rời Tỳ-da-li đi hướng về Câu-thi-na:
- tại Bhandagàma, đức Phật giảng bốn thánh-đế là Giới, Định, Huệ và Giải-thoát;
- tại Bhoganagara, đức Phật giảng bốn Đại-giáo-pháp, theo đó khi nghe ai nói về Giáo-pháp, trước khi tin, phải đối-chiếu lại với Kinh và Luật;
- tại Pàva, đức Phật nhận bữa cơm cuối-cùng của người thợ sắt Cunda. Ngài bị đau bụng nặng vì ăn trúng nấm độc (một loại mộc-nhĩ, thường được gọi là nấm heo rừng). Ngài nhẫn-nại chịu đựng cơn bịnh và tiếp-tục lên đường đi đến Câu-thi-na.
- ngồi bên vệ đường, đức Phật gặp Pukkusa từ Câu-thi-na đến. Sau khi nghe đức Phật kể lại sự nhập-định của Ngài giữa cơn mưa tầm-tã, sấm-sét vang động mà vẫn chẳng nghe thấy gì, Pukkusa tỏ lời thán-phục và dâng-cúng hai tấm áo màu kim-sắc. Đức Phật nhận một, còn chiếc kia cho Tôn-giả A-nan. Ngài vì Pukkusa mà thuyết-pháp, xong lại tiếp-tục lên đường.
5. Chương V: Tại rừng Ta-la, chờ giờ nhập Niết-Bàn:
- giữa hai cây Ta-la song thọ, Tôn-giả A-nan trải giường nằm cho đức Phật. Bấy giờ, hoa Ta-la trỗ trái mùa, hoa Mạn-đà-la cõi Trời rơi xuống cúng-dường Thế-Tôn. Ngài bảo, tu-sĩ nào hành-trì và thành-tựu Chánh-Pháp, đó mới là biết cách tôn-kính và cúng-dường Như-Lai;
- Đức Phật giải-thích có bốn Thánh-tích (các nơi: đản-sanh, thành-đạo, Chuyển Pháp-luân và diệt-độ của Như-Lai) cần đến chiêm-ngưỡng, và có bốn hạng người đáng được xây tháp cúng-dường.
- Tôn-giả A-nan thưa hỏi và được đức Phật giải-đáp về việc đối-xử với phái nữ, việc xử-sự thân xá-lợi Như-Lai. Sau đó, Tôn-giả ra đứng dựa cột cửa và khóc. Đức Phật gọi vào an-ủi và hết lời khen ngợi các đức-tánh của vị thị-giả tối-thắng của Ngài.
- Du-sĩ ngoại-đạo Tu-bạt-đà-la (Subhadda) xin yết-kiến Phật, nghe giải-đáp thắc-mắc về giáo-pháp, và được nhận làm vị đệ-tử cuối-cùng của đức Phật.
6. Chương VI: Lời phó-chúc và lễ hoả-táng.
- Đức Phật ba lần hỏi có ai còn thắc-mắc, nghi-ngờ điều chi về Giáo-pháp thì cứ nói ra. Tất cả đều im lặng. Ngài mới thốt ra những lời phó-chúc sau cùng:
. ''Sau khi Ta diệt-độ, chính Pháp và Luật là Đạo-sư của các Ngươi.''
. ''Các pháp hữu-vi là vô-thường, hãy tinh-tấn, chớ có phóng-dật.''
- Đức Phật nhập và xuất các cấp Thiền-định, xong vào tứ-thiền, rồi liền diệt-độ vào canh cuối-cùng.
- Việc tẩn-liệm thân đức Phật theo đúng cách dùng cho bực Chuyển-luân Thánh-vương, được giao-phó cho dân Mallà ở Câu-thi-na phụ-trách.
- Việc hoả-táng được thi-hành sau khi Tôn-giả Đại Ca-diếp, người cầm đầu Tăng-đoàn từ Pàvà về đến, đi nhiễu quanh giàn hoả và đảnh lễ nơi chơn Thế-Tôn.
- Xá-lợi đức Phật được phân ra tám phần, (chia ra cho từ vua A-xa-thế đến dân-chúng Mallà), để xây dựng tháp cúng dường.
083. TRÍCH-ĐOẠN: BẢY PHÁP BẤT-THOÁI ĐỨC PHẬT DẠY CHO DÂN BẠT-KỲ.
Vua A-xà-thế (Ajàtasattu) nước Ma-kiệt-đà (Magadha) muốn chinh-phạt dân Bạt-kỳ (Vajjì), sai đại-thần đến thỉnh ý-kiến Thế-Tôn. Nhơn đó Ngài nói lại bảy pháp bất-thoái nầy đã dạy cho dân Bạt-kỳ, do đó việc chinh-phục họ chẳng thể nào thành-công được.
... Nầy Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì thường hay tụ-họp và tụ-họp đông-đảo với nhau không?
- Bạch Thế-Tôn, con có nghe ...
- Nầy Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì thường tụ-họp trong niệm đoàn-kết, giải-tán trong niệm đoàn-kết, và làm việc trong niệm đoàn-kết không?
- Bạch Thế-tôn, con có nghe ...
- Nầy Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì không ban-hành những luật-lệ không nên ban-hành, sống đúng với truyền-thống của dân Vajjì như đã ban-hành thời xưa không?
- Bạch Thế-Tôn con có nghe ...
- Nầy Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì tôn-sùng, kính-trọng, đảnh lễ, cúng-dường các bậc trưởng-lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị nầy không?
- Bạch Thế-Tôn, con có nghe ...
- Nầy Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ-nữ và thiếu-nữ Vajjì phải sống với mình không?
- Bạch Thế-Tôn, con có nghe ...
- Nầy Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì tôn-sùng, kính-trọng, đảnh lễ, cúng-dường các tự-miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với qui-pháp không?
- Bạch Thế-Tôn, con có nghe ...
- Nầy Ananda, Ngươi có nghe dân Vajjì bảo-hộ che-chở, ủng-hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjì khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an-lạc không?
- Bạch Thế-Tôn, con có nghe ...
(...) Rồi Thế-Tôn nói với Bà-la-môn Vassakara, đại-thần nước Magadha:
- Nầy Bà-la-môn, một thời Ta sống ở Vesali (...) Ta dạy cho dân Vajjì bảy pháp bất-thoái nầy. Nầy Bà-la-môn, khi nào bảy pháp bất-thoái được duy-trì giữa dân Vajjì, khi nào dân Vajjì được giảng-dạy bảy pháp bất-thoái nầy, thời Bà-la-môn, dân Vajjì sẽ được cường-thịnh, không bị suy-giảm.
Khi được nói vậy, Bà-la-môn Vassakara bạch:
- Tôn-giả Gotama, nếu dân Vajjì chỉ hội đủ một pháp bất-thoái nầy, thời dân Vajjì nhứt-định được cường-thịnh, không bị suy-giảm, huống nữa là đủ cả bảy pháp bất-thoái... Vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajjì ở chiến-trận...
084. TRÍCH-ĐOẠN: BẢY PHÁP BẤT-THOÁI CHO TỲ-KHEO
... Nầy các Tỳ-kheo, khi nào chúng Tỳ-kheo thường hay tụ-họp và tụ-họp đông-đảo với nhau ...
... khi nào chúng Tỳ-kheo tụ-họp trong niệm đoàn-kết, giải-tán trong niệm đoàn-kết, và làm việc Tăng-sự trong niệm đoàn-kết ...
... khi nào chúng Tỳ-kheo không ban-hành những luật-lệ không nên ban-hành, không hủy-bỏ những luật-lệ đã được ban-hành, sống đúng với những học-giới được ban-hành ...
... khi nào chúng Tỳ-kheo tôn-sùng, kính-trọng, đảnh lễ, cúng-dường các bậc Tỳ-kheo thượng-toạ,... giàu kinh-nghiệm,.. bậc Thầy của chúng Tăng, và nghe theo lời dạy của những vị nầy, ...
... khi nào chúng Tỳ-kheo không bị chi-phối bởi tham-ái, tham-ái nầy tác-thành đời sống khác, ...
... khi nào chúng Tỳ-kheo thích sống những chỗ nhàn-tịnh, ...
...khi nào chúng Tỳ-kheo tự-thân an-trú chánh-niệm, khiến các bạn đồng-tu thiện-chí chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng-tu thiện-chí đã đến ở, được sống an-lạc, ...
Nầy các Tỳ-kheo, khi nào bảy pháp bất-thoái nầy được duy-trì giữa các các vị Tỳ-kheo, khi nào các vị Tỳ-kheo được dạy bảy pháp bất-thoái nầy, thời nầy các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường-thịnh, không bị suy-giảm...
085.TRÍCH-ĐOẠN: SÁU PHÁP BẤT-THOÁI CHO TỲ-KHEO.
Nầy các Tỳ-kheo, khi nào các vị Tỳ-kheo đối với các vị đồng-tu phạm-phạnh, tại chỗ đông người và vắng người, giữ gìn thân-nghiệp từ-hoà, ...
... giữ-gìn khẩu-nghiệp từ-hoà ...
... giữ-gìn ý-nghiệp từ-hoà ...
... khi nào các vị Tỳ-kheo phân-phối không thiên-vị, chung thọ-hưởng với các bạn đồng-tu mọi lợi-dưỡng chơn-chánh, hợp-pháp, cho đến những vật thọ-lãnh trong bát khất-thực, ...
... khi nào các vị Tỳ-kheo sống với các bạn đồng-tu, tại chỗ đông người và vắng người, trong sự thọ-trì những giới-luật, đúng với Sa-môn hạnh, những giới-luật không bị gãy vụn, không bị sứt-mẻ, không bị tì vết, không bị uế-trược, những giới-luật đưa đến giải-thoát, được người có trí tán-thán, không bị ô-nhiễm bởi mục-đích sai-lạc, các giới-luật hướng đến định-tâm...
... khi nào các vị Tỳ-kheo ... trong sự thọ-trì những tri-kiến đúng với Sa-môn hạnh, những thánh tri-kiến đưa đến giải-thoát, hướng đến sự diệt-tận khổ-đau cho những ai thiệt-hành theo ...
Nầy các Tỳ-kheo, khi nào sáu pháp bất-thoái nầy được duy-trì giữa các vị Tỳ-kheo, khi nào các vị Tỳ-kheo được dạy sáu pháp bất-thoái nầy, thời... chúng Tỳ-kheo sẽ được cường-thịnh, không bị suy-giảm....
086. TRÍCH-ĐOẠN: NĂM SỰ NGUY-HIỂM PHẠM GIỚI VÀ NĂM SỰ LỢI-ÍCH GIỮ GIỚI.
... Thế-Tôn nói với các cư-sĩ ở Pàtaligàma:
- Nầy các gia-chủ, có năm sự nguy-hiểm cho những ai phạm giới, sống trái giới-luật ...:
... bị tiêu-hao tiền-của rất nhiều, vì sống phóng-dật;
... bị tiếng dữ đồn xa ...
... khi vào (các) hội-chúng, ... đi vào với tâm-thần sợ hãi, bối-rối ...
... sẽ chết với tâm-hồn rối-loạn ...
... sau khi thân hoại mạng chung, sẽ bị sanh vào khổ-cảnh, ác-thú, đoạ-xứ, điạ-ngục.
- Nầy các gia-chủ, có năm sự lợi-ích cho những ai giữ giới, sống theo giới-luật ...:
... sẽ có tiền-của dồi-dào, vì sống không phóng-dật
... được tiếng tốt đồn xa ...
... khi đi vào (các) hội-chúng... với tâm-thần không sợ hãi, không bối-rối ...
... sẽ chết với tâm-hồn không rối-loạn ...
... sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện-thú, thiên-giới.
087. TRÍCH-ĐOẠN: GIỚI, ĐỊNH, HUỆ VÀ GIẢI-THOÁT
(Đoạn Kinh ngắn nầy được đức Phật nhắc lại nhiều lần với các Tỳ-kheo, trên đường đi đến Kusinara).
Đây là GIỚI, đây là ĐỊNH, đây là HUỆ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả-vị lớn, lợi-ích lớn. Huệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả-vị lớn, lợi-ích lớn. Tâm cùng tu với Huệ sẽ đưa đến giải-thoát hoàn-toàn các món lậu-hoặc, tức là dục-lậu, hữu-lậu (tri-kiến-lậu), vô-minh-lậu.
088. HỌC KINH ĐẠI BÁT-NIẾT-BÀN, CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?
1. Kinh Đại Bát-Niết-Bàn có tánh-cách lịch-sử, (ngày nay, ta vẫn còn tìm thấy được các chứng-tích), thuật lại đầy-đủ chi-tiết các ngày cuối-cùng của đức Phật Thích-ca, tại thế-gian nầy. Tuổi đã tám mươi, đường xa hàng ngàn dặm, đi bộ từ núi Linh-thứu đến rừng Ta-la ở Câu-thi-na, cùng với đông-đảo chúng Tỳ-kheo, dọc đường Ngài ân-cần nhắc-nhở lại các điều quan-trọng trong Giáo-pháp và thốt lên lời phó-chúc: ''Chính mình tự nương-tựa nơi mình, đốt lên ngọn đuốc Chánh-pháp ... Chư hành đều vô-thường, hãy tinh-tấn, chớ phóng-dật.'' Người Phật-tử, tự xem là con của đấng Cha-lành, phải ghi nhớ trong tâm các lời nói đó của bậc Từ-phụ.
2. Trong chánh-văn Kinh-Tạng, hệ Pali, có chép các đoạn đức Phật đối-đáp với Ác-ma, việc chư Thiên ngăn chẳng cho lửa ở giàn-hoả cháy để chờ Tôn-giả Đại Ca-diếp kịp về đảnh-lễ Thế-Tôn lần chót, là những đoạn có vẻ thần-bí, siêu-nhiên, nhưng chẳng mấy quan-trọng. Chính các lời dặn-dò, phó-chúc của đức Phật mới là quan-trọng, nhứt là câu:: ''Sau khi Ta diệt-độ, phải Kinh và Luật làm thầy.'' Nay tuy ta chẳng thấy mặt Ngài ở thế-gian, nhưng vẫn còn có Pháp, có Luật ghi chép lại lời Ngài đã dạy, thì sự hiện-diện của Ngài nơi Ngôi Tam-Bảo vẫn hiển-hiện thường-hằng mãi mãi.
3. Thuật lại cuộc đời của đức Phật Thích-ca tại thế-gian nầy, Hoà-thương Narada, nguyên Tăng-Thống Giáo-Hội Phật-Ciáo Tích-Lan, từng hoằng-dương Đạo-pháp ở Saigon nhiều năm, có viết trong quyển sách ĐỨC PHẬT VÀ GIÁO-PHÁP CỦA NGÀI:
Ngài sanh ra như một con NGƯỜI.
Ngài đã sống một cuộc đời của bực VĨ-NHƠN.
Và Ngài đã nhập-diệt như một vị PHẬT.
Lời trích-dẫn trên đây tưởng cũng đủ để người Phật-tử, đừng vì lòng quá tôn-sùng mù-quáng mà thần-thánh-hoá đức Phật: Ngài cũng là người, như mọi người khác, chính cuộc đời tu-hành và giảng-đạo của Ngài mới khiến cho Ngài trở thành Phật.
.
-ooOoo-
17. KINH ĐẠI THIỆN-KIẾN-VƯƠNG
089. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ĐẠI THIỆN-KIẾN-VƯƠNG.
Vào một thời kia, đức Phật nằm giữa hai cây Ta-la song thọ trong khu rừng gần thành Câu-thi-na (Kusinàrà), và sắp nhập Niết-bàn. Tôn-giả A-nan xin đức Phật đừng diệt-độ ở nơi hoang-dã nầy, mà nên chọn một đô-thị khác to lớn hơn. Đức Phật bác-bỏ đề-nghị ấy và nhơn đó giảng Kinh Đại Thiện-Kiến-Vương.
Trong bản Kinh nầy, đức Phật nói thành Câu-thi-na ngày xưa chính là thủ-đô Câu-xá-bà-đế (Kusàvatti), huy-hoàng, tráng-lệ do vua Đại-Thiện-Kiến (Mahà-Sudassana) trị-vì theo Chánh-Pháp và vị Chuyển-Luân Thánh-vương nầy vốn là tiền-thân của đức Phật.
090. NỘI-DUNG KINH ĐẠI THIỆN-KIẾN-VƯƠNG.
Kinh nầy khá dài, được đức Phật nói lên với dụng-ý chỉ rõ cho Tôn-giả A-nan thấy nơi hoang-dã của khu rừng Ta-la nầy xưa kia là cố-đô Câu-xá-bà-đề rất huy-hoàng, tráng-lệ.
A.- Ý Chánh: Đức-độ và uy-phong của vua Đại-Thiện-Kiến khi xưa trị nước theo Chánh-Pháp, tại đô-thành Câu-xá-bà-đề (Kusavatti) tráng-lệ, nay là khu hoang-dã của rừng Ta-la, nơi đức Phật nhập Niết-Bàn.
B.- Phân đoạn: Kinh chia ra hai chương:
1. Chương I: Uy-lực của Vua Đại Thiện-Kiến, với quốc-độ hùng-cường và kinh-đô nguy-nga, tráng-lệ:
- Kinh-đô Kusàvatti rộng đến 12 do-tuần, có bảy bức thành và bảy hàng cây Ta-la bằng vàng, bạc, lưu-ly, xa-cừ... bao-bọc chung quanh, ...
- Vua Đại Thiện-Kiến có bảy báu (xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia-chủ báu và tướng-quân-báu) và bốn đức như-ý (thân-tướng đẹp, sống lâu, ít bị tai-ương, được mọi người kính-yêu);
- Vua Đại Thiện-Kiến cởi xe báu đi chinh-phục khắp bốn châu thiên-hạ, các chư-hầu đều thần-phục;
- Lâu-đài Dhamma, chỗ vua ngự, có hàng ngàn căn phòng, trang-hoàng rực-rỡ bằng vàng, bạc...
2. Chương II: Vua Đại Thiện-Kiến tu-tập Thiền-đîng và bốn tâm vô-lượng Từ, bi, hỷ, xả ...
- Vua bước vào cao-đường Đại-Trang-Nghiêm và bắt đầu tu-tập Thiền-định cùng bốn tâm vô-lượng;
- Sau đó nhiều năm, Vua sai khiên giường nằm ra khỏi cao-đường và đặt trong khu rừng Ta-la, và chờ giờ mệnh chung;
- Hoàng-hậu Subhaddà đến thăm và khuyên vua nên ''ái-luyến đời sống'' với mọi sự-vật khả-ái, khả-lạc;
- Đức Vua trách Hoàng-hậu: ''Mọi sự-vật khả-ái, khả-lạc đều thay đổi, không có thực-thể, chịu sự biến-hoá. Đau-khổ thay, sự mệnh-chung với tâm còn ái-luyến.'' Rồi sau đó chẳng bao lâu, Vua mất, và được sanh lên cõi Phạm-thiên.
Để kết-thúc bản Kinh, đức Phật nói với A-nan:
''Nầy Ananda, tất cả các pháp hữu-vi ấy nay đã vào quá-khứ, hoại-diệt và biến-hoá. Nầy Ananda, các pháp hữu-vi, vô-thường là như vậy, không kiên-cố là như vậy, không đáng tin-tưởng là như vậy ... Ta nhớ lại như thế nào, tại chỗ nầy thân Ta đã được chôn tất cả là sáu lần, và khi Ta sống làm một vị Chuyển-luân Thánh-vương, dùng Chánh-Pháp trị nước, ... chinh-phục bốn thiên-hạ, ... che chở cho quần-chúng, đầy-đủ bảy món báu, đó là lần thứ bảy. Nầy Ananda, Ta không thấy một điạ-phương nào, trong thế-giới loài Người và chư Thiên, ... mà trong điạ-phương ấy, Như-Lai sẽ bỏ thân nầy lần thứ tám.''
091. HỌC KINH ĐẠI THIỆN-KIẾN VƯƠNG, NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?
1. Kinh Đại Thiện-Kiến Vương có tánh-cách huyền-sử, cũng như Kinh Đại-Bổn (Bản Kinh số 13, Trường-Bộ Kinh); do sự tường-thuật lại của đức Phật Thích-ca về các việc đã xảy ra thời xa-xưa; ta chẳng thể tim thấy được các chứng-tích.
2. Dụng-ý của Phật khi nói Kinh nầy là để nêu lên tánh-cách vô-thường của các pháp hữu-vi, cùng sự huy-hoàng của thành Kusàvatti vào thời xưa, nay đã thành khu rừng ta-la hoang-dã, nơi Ngài xả bỏ thân-mạng lần cuối-cùng.
-ooOoo-
18. KINH XÀ-NI-SA
092. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH XÀ-NI-SA?
Vào một thời kia, đức Phật cùng với các Tỳ-kheo trên đường đi từ núi Linh-Thứu đến thành Câu-thi-na, để nhập Niết-Bàn.Ngài dừng ở làng Na-đề-ca (Nàdika), nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Bấy giờ, Tôn-giả A-nan thưa hỏi đức Phật về các tu-sĩ và cư-sĩ đã mất tại đây, nay được tái-sanh về đâu. Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh nầy, thuật lại lời của vị Dạ-xoa tên là Janavasabha (Xà-Ni-Sa) đã trình với đức Phật về chuyện tái-sanh đó.
Xà-Ni-Sa vốn đời trước là vua Tần-bà-sa-la (Bimbisàra) của nước Ma-kiệt-đà, nhờ tu-tập theo Chánh-Pháp mà được sanh lên Thiên-giới. Xà-Ni-Sa có tham-dự buổi họp tại Thiện-Pháp-đường để nghe vị Đại-Phạm Thiên-vương nhắc lại (1) ba con đường tắt hướng đến an-lạc, (2) bốn pháp quán-niệm và (3) bảy pháp Định tư-lương để tu-tập Chánh-định. Vị nầy còn cho biết, những ai tin-tưởng Phật, Pháp, Tăng, tin tưởng không có thoái-chuyển, đầy-đủ giới-hạnh, sẽ được hoá-sanh lên cõi Trời, và tất cả hơn hai trăm bốn mươi vạn cư-sĩ ở Magadha đã từ-trần, diệt các kết-sử, đã chứng được các quả Dự-lưu, Nhất-Lai và Bất-Lai.
Thế-Tôn sau khi nghe câu chuyện của Xà-Ni-Sa, chấp-nhận lời nói của vị Đại-Phạm Thiên, và tự mình chứng-tri rồi mới thuật lại cho Tôn-giả A-nan nghe.
093. NỘI-DUNG KINH XÀ-NI-SA.
Kinh Xà-Ni-Sa bàn về việc tái-sanh của các tu-sĩ và cư-sĩ ở nước Ma-kiệt-đà, tu-tập theo Chánh-Pháp, khi chết được sanh lên cõi Trời Phạm.
A.- Ý Chánh: Nhờ tu-tập theo Chánh-Pháp do đức Phật đã giảng-dạy ở cõi Người mà được tái-sanh lên cõi Trời Phạm.
B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia ra hai phần:
1. Phần I: Tôn-giả A-nan hỏi Phật việc tái-sanh của các tu-sĩ và cư-sĩ ở nước Ma-kiệt-đà.
- Tôn-giả A-nan thắc-mắc tại sao đức Phật chưa nói đến việc tái-sanh của tu-sĩ, cư-sĩ mất ở Ma-kiệt-đà.
- Đức Phật nhập-định, thấy chỗ thọ-sanh của các tín-đồ ở Magadha và được vị Trời Xà-Ni-Sa tới yết-kiến.
2. Phần II: Xà-Ni-Sa tường-trình buổi pháp-thoại của Đại-Phạm Thiên-vương tại Thiện-Pháp-đường:
- Xà-Ni-Sa chính là vua Tần-bà-sa-la đời trước đã cai-trị nước Ma-kiệt-đà trong Chánh-Pháp;
- Xà-Ni-Sa trình với Phật, sở dĩ mình được sanh Thiên là nhờ tu-tập theo Giáo-Pháp của đức Phật;
- Quang-cảnh chư Thiên hội-họp ngày lễ Bố-tát tại Thiện-pháp-đường ở cõi Tam-thập-tam thiên.
- Vị Đại-Phạm Thiên-vương xuất hiện giảng pháp: (1) ba con đường tắt hướng đến an-lạc; (2) bốn pháp Tứ-niệm-xứ, (3) bảy pháp tu Định tư-lương, đã được đức Phật tuyên-giảng.
094. TRÍCH-ĐOẠN: BA PHÁP HƯỚNG ĐẾN AN-LẠC.
... ''Chư Thiên-hữu, qúi vị nghĩ thế nào (về) ba con đường tắt hướng đến an-lạc... Thế nào là ba?
Chư Thiên-hữu, ở đây có người thân-cận dục-lạc, ... bất-thiện-pháp ... Và khi nghe được Chánh-pháp, như-lý tác-ý, ... vị nầy không thân-cận dục-lạc, bất-thiện-pháp. Nhờ sống không thân-cận dục-lạc, bất-thiện-pháp, an-lạc khởi lên, và hơn cả an-lạc, hoan-hỷ khởi lên ... Đó là con đường tắt thứ nhứt hướng đến an-lạc, đã được Thế-Tôn, ... , chứng-ngộ.
Chư Thiên-hữu, ở đây có người thân-hành thô-lậu, chưa được an-tịnh, khẩu-hành, ý-hành thô-lậu, chưa an-tịnh... Sau một thời-gian, vị nầy nghe được Chánh-pháp, và như-lý tác-ý... thì thân-hành,... khẩu-hành,... ý-hành thô-lậu được an-tịnh, an-lạc khởi lên, và hơn thế nữa, hoan-hỷ khởi lên... Đó là con đường tắt thứ hai hướng đến an-lạc, đã được Thế-Tôn chứng-ngộ.
Chư Thiên-hữu, lại nữa ở đây có người không như-thật biết: ''Đây là thiện, đây là bất-thiện....'' Sau khi được nghe Chánh-Pháp, như-lý tác-ý, chứng-đắc Chánh-Pháp... vị nầy như-thật biết: ''Đây là thiện, đây là bất-thiện... '', ... nhờ biết như vậy mà vô-minh của vị nầy được trừ-diệt, minh được sanh-khởi, an-lạc khởi lên. ... Đó là con đường tắt thứ ba hướng đến an-lạc...''
095. TRÍCH-ĐOẠN: BẢY PHÁP ĐỊNH TƯ-LƯƠNG.
... Thế nào là bảy pháp Định tư-lương (Samàdhi-parikkhàrà)? (Đó là)... Chánh tri-kiến, chánh tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh mạng, chánh tinh-tấn, chánh-niệm.
Chư Thiên-hữu, nhứt-cảnh-tánh của tâm do bảy chi nầy sửa-soạn, được gọi là thánh-chánh-định cùng với các y-chỉ và cùng với các tư-lương. Chư Thiên-hữu, chánh tư-duy vừa đủ để chánh tri-kiến sanh-khởi, chánh-ngữ vừa đủ để chánh tư-duy sanh-khởi, chánh-nghiệp vừa đủ để chánh-ngữ sanh-khởi, chánh-mạng vừa đủ để chánh-nghiệp sanh-khởi, chánh tinh-tấn vừa đủ để chánh-mạng sanh-khởi, chánh-niệm vừa đủ để chánh tinh-tấn sanh-khởi, chánh-định vừa đủ để chánh-niệm sanh-khởi, chánh-trí vừa đủ để chánh-định sanh-khởi, chánh giải-thoát vừa đủ để chánh-trí sanh-khởi ...
096. HỌC KINH XÀ-NI-SA, NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?
1. Học Kinh Xà-Ni-Sa, đừng tìm hiểu kẻ khác đã chứng đến mức nào; trái lại, phải biết tự xét đường-tu của chính mình đã đến đâu, để nỗ-lực tiến lên nữa.
2. Ba con đường tắt hướng đến an-lạc bắt đầu bằng (1) xa-rời các dục-lạc (thú-vui vật-chất), (2) giữ thân, khẩu, ý cho thanh-tịnh,, (3) phân-biệt rõ thiện và bất-thiện. - Tu bốn phép quán-niệm (tứ niệm-xứ), phải biết khi (1) quán thân, thấy thân bất-tịnh; (2) quán thọ, biết cảm-thọ là khổ; (3) quán tâm, hiểu tâm là vô-thường; (4) quán pháp (sự-vật), thấu rõ muôn pháp đều vô-ngã. - Tập bảy pháp Định tư-lương, trước nên dồn nỗ-lực vào chánh-niệm, trong Bát-Chánh-Đạo
.
-ooOoo-
19. KINH ĐẠI ĐIỂN-TÔN
097. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ĐẠI ĐIỂN-TÔN?
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại núi Linh-Thứu (Gijjhakùta), gần thành Vương-xá (Ràjagaha), có vị Trời Càn-thát-bà (Gandhabba), tên là Ngũ-Kế (Pancasikha) đến yết-kiến, xin tường-thuật lại với Thế-Tôn, các điều đã nghe tại buổi lễ Bố-tát tại Thiện-Pháp-đường trên cõi Trời Ba-mươi-ba.
Ngũ-Kế kể lại, chư Thiên sau khi nghe Thiên-chủ Đế-Thích (Sakka) trình-bày tám pháp như-thật của Thế-Tôn, thì có vị Đại-Phạm Thiên-vương xuất-hiện và thuật lại tiểu-sử của vị Bà-la-môn Đại Điển-tôn (Mahà Govinda). Vị nầy có một thời chấp-chánh lo quốc-sự rất vẹn-toàn, sau xuất-gia tu-hành và đem giáo-lý ra giúp nhiều đệ-tử tu-tập được sanh lên cõi Trời Đại-Phạm.
Đức Phật bảo, Bà-la-môn Đại Điển-tôn chính là tiền-thân của Ngài; giáo-lý Ngài dạy vào thời ấy chỉ đưa người tu-hành sanh lên cõi Trời Phạm mà thôi, còn nay Ngài đã chứng-đắc ngôi-vị Phật, với giáo-pháp Bát-Chánh-Đạo, Ngài chỉ rõ con đường phạm-hạnh đưa đến an-tịnh, thắng-trí, giác-ngộ và Niết-Bàn.
098. NỘI-DUNG KINH ĐẠI ĐIỂN-TÔN.
Phần lớn nội-dung Kinh Đại Điển-tôn chép lại lời tường-thuật của vị Càn-thát-bà, về con đường sanh lên cõi Trời Đại-Phạm. Đức Phật chỉ giảng một phần ngắn vào cuối Kinh, nói về con đường Phạm-hạnh đưa tới sự giác-ngộ, giải-thoát và chứng-đắc Niết-Bàn.
A.- Ý Chánh: Đường-tu Bà-la-môn chỉ đưa đến việc tái-sanh lên cõi Trời Đại-Phạm, còn chưa được hoàn-mãn bằng đường-lối giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn trong giáo-lý của đức Phật.
B.- Phân đoạn: Kinh nầy chia ra ba phần:
1. Phần I: Cảnh Trời Ba-mươi-ba trong dịp lễ Bố-tát
- Ngũ-Kế đến yết-kiến đức Phật;
- Quang-cảnh Thiện-Pháp-đường khi vị Trời Đế-Thích giảng tám pháp như-thật của Thế-Tôn;
2. Phần II: Vua Trời Phạm thuật lại tiểu-sử của Đại Điển-Tôn:
- Vị Đại-Phạm Thiên-vương xuất hiện;
- Tiểu-sử của Bà-la-môn Đại Điển-Tôn, theo lời tường-thuật của vị Trời Đại-Phạm;
- Đại Điển-Tôn chấp-chánh;
- Đại Điển-Tôn tịnh-cư, tu Thiền-định;
- Vị Đại-Phạm Thiên xuất-hiện và chỉ-dạy Đại Điển-Tôn;
- Công-đức giáo-hoá của tu-sĩ Đại Điển-Tôn;
3. Phần III: Đại Điển-Tôn là tiền-thân của đức Phật:
- Đức Phật cho biết, Đại Điển-Tôn chính là tiền-thân của Đức Phật;
- Đức Phật so-sánh hai đường-tu giữa Bà-la-môn và Phật-giáo.
099. TRÍCH-ĐOẠN: 8 PHÁP NHƯ-THẬT CỦA THẾ-TÔN
''...Nầy chư Thiên-hữu ! ... Như-Lai dấn thân vì hạnh-phúc cho chúng sanh, vì an-lạc cho chúng sanh, vỉ lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh-phúc, vì an-lạc cho loài Trời và loài Người ...
... một vị Giảng-sư thuyết-pháp hướng-thượng...
... một vị khéo giải-thích các pháp thiện, bất-thiện, có tội, không có tội, ...
... một vị khéo giải-thích con đường hướng đến Niết-Bàn...
... một vị sống chung một niềm hoà-hợp, lạc-trú
... một vị sống thọ-hưởng các lợi-dưỡng với tâm không kiêu-mạn...
... một vị nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy
... một vị đã vượt khỏi nghi-ngờ, diệt-trừ do-dự.
100. TRÍCH-ĐOẠN: KỆ CỦA VUA TRỜI ĐẠI-PHẠM.
- Nay ta hỏi Phạm-Thiên ...
Ta hỏi điều nghi-ngờ,
Người khác đều muốn biết.
An-trú tại chỗ nào,
Tu-tập tại chỗ nào,
Để chứng quả bất-tử?
- Chính tại Phạm-Thiên-giới:
Nầy Ngươi Bà-la-môn !
Ai bỏ ngã, ngã-sở,
Tâm chuyên-chú nhứt-cảnh,
Tu tập đại-bi tâm,
Thoát-ly mọi xú-uế,
Lánh xa mọi tà-dục,
An-trú ở nơi đây !
Để chứng quả bất-tử,
Chính tại Phạm-Thiên-giới.
101. HỌC KINH ĐẠI ĐIỂN-TÔN, CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?
1. Người tu-hành sơ-cơ thường mong-cầu được tái-sanh lên cõi trời để hưởng sung-sướng. Nhưng khi hết phước ở cõi trời, cũng vẫn phải tái-sanh lại trong vòng Luân-hồi; nếu chẳng biết lo tu-tập thêm, có thể sa vào các đường ác. Mục-tiêu tối-thượng của Giáo-lý nhà Phật là thoát khỏi vĩnh-viễn cảnh sanh-tử Luân-hồi, với sự giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn cùng sự chứng-đắc vảo cảnh an-tịch của Niết-Bàn.
2. Trong bài Kệ được trích-dẫn trên đây, có câu: ''Tâm chuyên-chú nhứt cảnh'' hơi khó hiểu. Câu nầy được Kinh giải-thích như sau: ''Tâm chuyên nhứt cảnh, thưa Tôn-giả, câu ấy tôi hiểu. Trong đời có người lựa chỗ an-trú thanh-vắng, một khu rừng, một gốc cây, một ngọn núi, một hang cốc, một bãi tha-ma, một sơn-lâm, giữa trời không, một đống rơm. Thưa Tôn-giả, như vậy tôi hiểu nghiã tâm chuyên nhứt cảnh.''
.
-ooOoo-
20. KINH ĐẠI HỘI
102. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ĐẠI HỘI?
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại rừng Đại-Lâm (Mahàvana) gần thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), thuộc bộ-tộc Thích-ca (Sakya), cùng với chúng Tỳ-kheo, khoảng năm trăm vị đều chứng quả A-la-hán. Bấy giờ, chư Thiên ở mười phương thế-giới tập-họp lại để chiêm-ngưỡng Thế-Tôn và các Tỳ-kheo.
Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh nầy, để giới-thiệu toàn-thể chư Thiên đến tham-dự đại-hội.
103. NỘI-DUNG KINH ĐẠI HỘI.
Kinh nầy tương-đối ngắn, so với các bản Kinh khác thuộc Trường-Bộ Kinh. Phần đầu có bốn bài Kệ ngắn, bốn câu, của bốn vị Trời ở Tịnh-cư thiên tán-thán Thế-Tôn. Phần sau là bài Kệ dài của đức Phật tuyên-bố danh-tánh của chư Thiên tham-dự đại-hội.
Theo thứ-tự, có thể kể ra:
- hàng phi-nhân khoảng bảy mươi ngàn;
- hàng Dạ-xoa, khoảng trăm hai mươi ngàn;
- bốn vị Thiên-vương: Trì-Quốc, Tăng-Trưởng, Quảng-Mục, Đa-văn và Thiên-chúng quyến-thuộc;
- hàng Càn-thát-bà, Long-vương, A-tu-la, và quyến-thuộc;
- các vị Thần nước, đất, lửa, gió, mặt trời, mặt trăng
- bậc Đại-Phạm Thiên-vương và các Thiên-chúng;
- hàng Ma-vương với chúng Ma-quân đông-đảo, nổi cơn giông-tố lớn, định bao vây và bắt trói kẻ còn tham-ái, nhưng chúng phải rút lui, vì chư vị Tỳ-kheo đều là bậc vô-tham, vô-úy, tuân theo lời Phật dạy...
104. ĐỌC KINH ĐẠI HỘI, NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?
Kinh Đại Hội chẳng chứa đựng rõ-rệt một pháp-tu nào, chỉ nhắc lại quang-cảnh huy-hoàng buổi Đại-hội chư Thiên đến chiêm-ngưỡng Thế-Tôn và các vị Tỳ-kheo đắc quả A-la-hán. Tưởng cũng chẳng cần nhớ hết các danh-xưng của chư Thiên, được kể trong Kinh nầy.
.
-ooOoo-
21. KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN
105. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN?
Vào một thời kia, đức Phật ngụ trong hang Nhơn-đà-sa-la (Indasàla), núi Tỳ-đà-sơn (Vediya), phía Bắc làng Am-bà-la (Ambasanda), gần thành Vương-xá (Ràjagaha) thuộc nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Lúc bấy giờ, Vua Trời Đế-Thích (Sakka), cùng với Thiên-chúng đến chiêm-ngưỡng Thế-Tôn và thưa hỏi về Chánh-Pháp.
Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh nầy để giải-thích rõ ràng về sáu câu hỏi của vua Trời Đế-Thích, có liên-quan đến (1)hận-thù, (2)tật-đố, (3)tầm-cầu và vọng-tưởng, (4)biệt-giải-thoát luật-nghi, (5)sự hộ-trì các căn, (6)tham-ái. Vua Trời Đế-Thích rất hoan-hỷ và thoải-mái và nói lên các điều lợi-ích khiến tâm mình hoan-hỷ khi được nghe Chánh-Pháp do Thế-tôn thuyết-giảng.
106. NỘI-DUNG KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN.
A.- Ý Chánh: Kinh Đế-Thích Sở-Vấn, (sở = chỗ; vấn = hỏi) ghi sáu câu về Phật-Pháp của vua Trời Đế-Thích thỉnh-hỏi Đức Phật.
B.- Phân đoạn: Kinh chia ra hai phần:
1. Phần I: Trời Đế-Thích sai Ngũ-Kế đi đánh đàn ở chỗ Phật ngự:
- Vua Trời Đế-Thích cùng với chư Thiên đến núi Tỳ-đà-sơn;
- Càn-thát-bà Ngũ-Kế vâng lịnh vua Trời tấu nhạc ở động Nhơn-đà-sa-la, núi Tỳ-đà-sơn;
- Vua Trời nhắc lại chuyện xưa, muốn đến đảnh-lễ gặp lúc đức Phật đang nhập-định, nên nay đến đây.
2. Phần II: Sáu câu hỏi của vua Trời Đế-Thích và lời giải-đáp của đức Phật:
- Câu hỏi 1: Do đâu có hận-thù?
- Đáp: Do tật-đố và xan-tham;
- Câu hỏi 2: Do đâu có tất-đố và xan-tham?
- Đáp: Do ưa ghét mà có tật-đố và xan-tham; ưa ghét do dục; dục do tầm-cầu;
- Câu hỏi 3: Do đâu có tầm-cầu?
- Đáp: Do các loại vọng-tưởng và hý-luận. Muốn diệt vọng-tưởng, cần thân-cận với hỷ, ưu, xả, khi chúng chẳng câu-hữu với tầm-cầu.
- Câu hỏi 4: Phải thành-tựu pháp biệt-giải-thoát luật-nghi như thế nào?
- Đáp: Thân-hành, khẩu-hành và tầm-cầu mỗi thứ đều có hai loại: phải biết thân-cận với loại nào làm gia-tăng thiện-pháp, và tránh xa loại nào làm bất-thiện-pháp tăng-trưởng. Thành-tựu biệt-giải-thoát luật-nghi là như thế.
- Câu hỏi 5: Phải hộ-trì các căn như thế nào?
- Đáp: Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc-cảm, ý phân-biệt muôn pháp (muôn sự-vật), mỗi thứ đều có hai loại, chỉ nên thân-cận với loại nào là tăng-trưởng thiện-pháp mà thôi. Hộ-trì các căn là phải làm như thế.
- Câu hỏi 6: Các Sa-môn, Bà-la-môn đồng-tu có đồng cứu-cánh, đồng an-ổn và đồng phạm-hạnh với nhau không?
- Đáp: Không, chỉ có các Sa-môn, Bà-la-môn nào đã giải-thoát khỏi tham-ái mới đồng phạm-hạnh, đồng mục-đích, đồng an-ổn.
Thoả-mãn và hoan-lạc, Vua Đế-Thích đọc bài Kệ kể ra sáu đìều lợi-ích của niềm hoan-hỷ khi nghe được Chánh-Pháp.
107. TRÍCH-ĐOẠN: DO ĐÂU CÓ HẬN-THÙ?
... Bạch Thế-Tôn, do kết-sử nào, ... tất cả các loài ... sống với nhau trong hận-thù?
- Do tật-đố và xan-tham... Nầy Thiên-chủ, tật-đố và xan-tham do ưa ghét làm nhân-duyên, do ưa ghét làm tập-khởi; ưa ghét có mặt thì tật-đố, xan-tham có mặt; ưa ghét không có mặt thì tật-đố, xan-tham không có mặt... Nầy Thiên-chủ, ưa ghét do dục làm nhân-duyên, do dục làm tập-khởi, dục khiến chúng khởi lên;... (nếu) dục không có mặt thì ưa ghét không có mặt... Nầy Thiên-chủ, dục do tầm làm nhân-duyên, do tầm làm tập-khởi, tầm khiến dục sanh-khởi; ... (nếu) tầm không có mặt, thì dục không có mặt... Nầy Thiên-chủ, tầm lấy các loại vọng-tưởng hý-luận làm nhân-duyên, lấy các loại vọng-tưởng hý-luận làm tập-khởi...(nếu) các loại vọng-tưởng hý-luận không có mặt thì tầm không có mặt...
- Bạch Thế-Tôn, ... phải thành-tựu con đường nào (để) diệt-trừ các loại vọng-tưởng hý-luận?
- Nầy Thiên-chủ, có hai loại hỷ,... có hai loại ưu, ... có hai loại xả: loại câu-hữu với tầm, và loại chẳng câu-hữu với tầm. Loại không câu-hữu với tầm và tứ thì thù-thắng hơn... Nầy Thiên-chủ, phải thân-cận với loại hỷ, ... ưu, ... xả nào mà thiện-pháp được tăng-trưởng... và bất-thiện-pháp bị suy-giảm,... (cũng) chẳng câu-hữu với tầm và tứ, thì thù-thắng hơn... Nầy Thiên-chủ, vị Tỳ-kheo phải chứng-đạt như vậy, phải thành-tựu con đường như vậy, mới thích-hợp và hướng-dẫn đến sự diệt-trừ các vông-tưởng hý-luận....
108. HỌC KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN, CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?
Kính Đế-Thích Sở-Vấn quan-trọng ở điểm đức Phật chỉ dạy cách diệt-trừ hận-thù để cuộc sống chung được hoà-mục và an-ổn. Diệt-trừ bằng cách tìm ra nhân-duyên đã gây ra hận-thù.
Đức Phật đã dùng phương-pháp tìm nhân-duyên dây chuyền đưa đến sự hận-thù, từ tật-đố (= ganh-ghét), xan-tham (= bỏn-sẻn) cho đến các vọng-tưởng hý-luận, mà quan-trọng nhứt là sự tầm-cầu chạy theo các dục-vọng. Nguyên-tắc căn-bản là chớ thân-cận vào các nhân-duyên nào làm bất-thiện-pháp tăng-trưởng và đồng thời làm suy-giảm các thiện-pháp. Trong việc nầy, sự hộ-trì các căn là điểm rất thiết-yếu.
.
-ooOoo-
22. KINH ĐẠI NIỆM-XỨ
109. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ĐẠI NIỆM-XỨ.
Vào một thời kia, đức Phật ngụ gần đô-thị Kiềm-ma-sắt-đàm (Kammàssadhamma), xứ Câu-lâu (Kuru). Ngài gọi các vị Tỳ-kheo đến và nói, có ''con đường độc-nhứt đưa đến thanh-tịnh cho chúng-sanh, vượt khỏi sầu-bi, diệt-trừ khổ-ưu, thành-tựu chánh-trí, chứng ngộ Niết-bàn.'' Đó là Bốn Niệm-Xứ`.
Nhơn đó Ngài giảng Kinh Đại Niệm-Xứ nầy, quan-trọng về mặt giáo-lý, ngang hàng với các Kinh Phạm-Võng, Sa-Môn Quả, thuộc Trường-Bộ Kinh.
110. NỘI-DUNG KINH ĐẠI NIỆM-XỨ.
A.- Ý Chánh: Kinh Đại Niệm-Xứ dạy bốn pháp quán-niệm: (1) thân, (2) thọ, (3) tâm, (4) pháp.
B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia ra bốn phần:
1. Phần I: quán thân trên thân:
- chuẩn-bị: ngồi kiết-già nơi an-tịnh, an-trú chánh-niệm nơi hơi thở ra, hơi thở vào; quán tánh sanh-khởi và diệt-tận trên thân;
- giữ chánh-niệm trong mọi oai-nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín...
- pháp quán 32 chỗ bất-tịnh nơi thân-thể;
- pháp quán các giới trên thân;
- các pháp quán thây chết ở bãi tha-ma, lúc mới chết cho đến khi thây chỉ còn xương trắng, rời-rạc.
2. Phần II: quán thọ trên các cảm-thọ:
- phân-biệt các loại cảm-thọ: lạc-thọ, khổ-thọ, bất lạc bất khổ thọ;
- quán tánh sanh-khởi và diệt-tận của cảm-thọ.
3. Phần III: quán tâm trên tâm:
- phân-biệt các loại tâm-sở: tâm tham với tâm vô-tham; tâm sân với tâm vô-sân; tâm si với tâm vô-si; tâm tán-loạn với tâm thâu-nhiếp; tâm quảng-đại và tâm vô-thượng; tâm định với tâm chẳng định; tâm giải-thoát với tâm chưa giải-thoát.
- quán tánh sanh, diệt của các tâm-trạng đó.
4. Phần IV: quán pháp trên các pháp:
- quán năm triền-cái: biết rõ nội-tâm khi nào: (1) có tham-dục hay không có tham-dục, ... (2) có sân-hận, ... (3) có hôn-trầm, thụy-miên, ...(4) có trạo hối, ... (5) có nghi hay không có nghi.
- quán năm thủ-uẩn: suy-tư kỹ:
. đây là sắc, đây là sắc sanh, đây là sắc diệt;
. đây là thọ, ... thọ sanh, ... thọ diệt;
. đây là tưởng,... tưởng sanh, ... tưởng diệt;
. đây là hành,... hành sanh, ... hành diệt;
. đây là thức, ...thức sanh, ... thức diệt.
- quán sáu nội-ngoại-xứ: (1) mắt và sắc, (2) tai và tiếng, (3) mũi và mùi, (4) lưỡi và vị, (5) thân và xúc, (6) ý và pháp.
- quán bảy giác-chi, quán nội-tâm có hay chưa có: (1)Trạch-pháp giác-chi, (2) Tinh-tấn giác-chi, (3) Hỷ giác-chi, (4) Khinh-an giác-chi, (5) Niệm giác-chi, (6) Định giác-chi, và (7) Xả giác-chi.
- quán bốn thánh-đế, để biết rõ như-thật:
. Khổ-đế: thế nào là sanh, già, bịnh, chết, sầu, bi, ưu, não, cầu bất đắc, năm thủ-uẩn;
. Khổ-tập: thế nào là tham-ái; thế nào là sắc-ái; cùng sự sanh-khởi và an-trú của chúng;
. Khổ-diệt: thế nào là sự diệt-tận tham-ái mà không còn luyến-tiếc; cùng sự xả-ly, sự giải-thoát, sự vô-nhiễm vì sự tham-ái đó nữa.
. Khổ-diệt đạo: Bát-Chánh-Đạo, con đường tám ngành đưa tới sự diệt-tận mọi Khổ. Quán để biết rõ-ràng như-thật thế nào là (1) Chánh-tri-kiến, (2) Chánh tư-duy, (3) Chánh ngữ, (4) Chánh-nghiệp, (5) Chánh mạng, (6) Chánh tinh-tấn, (7) Chánh niệm và (8) Chánh-định.
Để kết-luận, đức Phật nói: ''Nầy các Tỳ-kheo, vị nào tu-tập Bốn Niệm-Xứ nầy như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: một là chứng Chánh-trí ngay trong hiện-tại; hay là nếu còn hữu-dư-y, chứng quả Bất-hoàn. Nầy các Tỳ-kheo, không cần gì đến bảy năm, ... trong sáu, năm, bốn, ba, hai, một năm, ...trong bảy tháng, cũng chứng được một trong hai quả (nói trên).
111. HỌC KINH ĐẠI-NIỆM-XỨ CÁCH NÀO?
1. Kinh Đại Niệm-Xứ chẳng những quan-trọng về mặt giáo-lý, Kinh còn đặt nặng vấn-đề thực-tập nữa. Chỉ khi nào nhiệt-thành bắt tay vào sự tu-tập theo Kinh mới thấy được hiệu-quả tức-thời và chắc-chắn của Kinh đối với đường-tu của mình. Như đức Phật có nói, ''Đây là con đường độc-nhứt đưa đến thanh-tịnh cho chúng-sanh, vượt khỏi sầu-bi, diệt-trừ khổ-ưu, thành-tựu chánh-trí, chứng-ngộ Niết-bàn.''
2. Kinh chứa tất cả 14 phép quán về thân, 9 phép quán về cảm-thọ, 16 phép quán về tâm và 5 phép quán về pháp-tu. Chẳng thể nào đọc lướt qua văn-kinh mà thấy được hiệu-quả của Kinh; có sự kiên-nhẫn trong việc tu-tập, theo từng pháp một, mới mong đạt được ít nhiều kết-quả.
3. Bốn Niệm-xứ là gì? Đó là: (1) thân, (2) thọ, (3) tâm và (4) pháp. Tu-tập pháp quán Bốn Niệm-xứ là giữ chánh-niệm luôn luôn an-trú trong bốn lãnh-vực ấy.
Tâm con người thường hay chạy buông-lung theo cảnh-vật bên ngoài, chẳng ở yên một chỗ. Pháp Bốn Niệm-xứ chính là chỉ rõ cách giữ tâm an-trú, chẳng chạy lang-thang, để trí-huệ có thể chiếu sáng lên, soi rõ con đường tu-hành đến nơi giác-ngộ và giải-thoát.
Vì lẽ đó, việc giữ chánh-niệm an-trú nơi bốn lãnh-vực: thân, thọ, tâm và pháp, chính là cốt-tủy của lời dạy trong Kinh nầy.
.
-ooOoo-
23. KINH TỆ-TÚC
112. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO KINH TỆ-TÚC ĐƯỢC THUYẾT-GIẢNG?
Vào một thời kia, Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp (Kumàra Kassapa) cùng với đại-chúng Tỳ-kheo đến đô-thị Tư-bà-hê (Setavyà) của nước Câu-tát-la (Kosala), ngụ trong rừng Thi-xá-bà (Simsapà). Tôn-giả là bậc A-la-hán, đệ-tử nổi tiếng của đức Phật trước kia. Bấy giờ có Bà-la-môn Tệ-Túc (Pàyàsi), lãnh-chúa của vùng nầy, nghe danh-tiếng của Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp, đến xin yết-kiến.
Kinh nầy chẳng phải do đức Phật thuyết-giảng mà là một bài tường-thuật cuộc tranh-luận giữa Bà-la-môn Tệ-Túc với Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp, về tà-kiến: ''Không có đời sau, không có các loại hoá-sanh, hành-vi thiện-ác không có quả-báo.'' Bằng các thí-dụ cụ-thể, Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp đã chứng-minh sự vô-lý của tà-kiến đó, đồng thời chỉ rõ kẻ mang tà-kiến phải gánh chịu đau khổ, bất-hạnh lâu dài, và khuyên Tệ-Túc nên mau vứt bỏ tà-kiến đi, khiến cho Tệ-Túc được tỉnh-ngộ và xin qui-y ngôi Tam-Bảo.
113. NỘI-DUNG KINH TỆ-TÚC.
A.- Ý Chánh: Cuộc tranh-luận về tà-kiến: ''chẳng có Luân-hồi, quả-báo.''
B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia ra ba phần:
1. Phần I: Tệ-Túc đến yết-kiến Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp, để nói lên tà-kiến của mình:
- Tệ-Túc trình-bày tà-kiến: chẳng có đời sau, chẳng có các loài hoá-sanh; hành-vi thiện ác chẳng có quả-báo;
- Câu hỏi đầu-tiên của Tôn-giả Ca-diếp: ''Mặt trời, mặt trăng thuộc thế-giới nầy hay thế-giới khác?''
- Tệ-Túc đáp:''Mặt trời, mặt trăng thuộc thế-giới khác'', tuy chấp-nhận có thế-giới khác, nhưng vẫn giữ tà-kiến trên.
2. Phần II: Cuộc tranh-luận giữa Tệ-Túc và Ca-diếp:
- Luận-cứ của Tệ-Túc (TT): vì người chết chẳng trở lại báo tin, nên biết chẳng thể có đời sau được.
. TT: Có nhiều kẻ kia phạm giới, khi gần chết được tôi dặn nếu bị sanh vào khổ-cảnh, thì trở lại báo cho tôi biết. Chẳng ai trở lại báo cho tôi biết cả. Vậy thì chẳng có đời sau.
. Ca-diếp (CD): Thí-dụ như có tội-nhơn bị xử-tử, lại xin kẻ hành-hình cho phép mình về thăm bà-con rồi trở lại chịu chết, thì có được phép không? Ở dưới điạ-ngục, qủi-sứ đâu có cho ai ra khỏi ngục, trở về nhà.
. TT: Có nhiều kẻ giữ giới đầy-đủ, khi gần chết được tôi dặn nếu được sanh lên cõi Trời thì trở lại báo tin cho tôi biết. Chẳng ai trở lại báo tin cả.
. CD: Thí-dụ như có người té xuống hầm phân, nay được tắm rửa sạch-sẽ, có còn muốn té trở lại hầm phân chăng? Chư Thiên rất ghê tỡm mùi hôi của loài Người, nên có bao giờ muốn trở lại đấy để báo tin.
- Luận-cứ của Tệ-Túc: vì không thấy tận mắt, nên chẳng tin.
. CD: Có kẻ sanh lên cõi Trời Ba-mươi ba, ở đấy một ngày lâu bằng một trăm năm nơi cõi Người, nếu có trở lại báo tin cho ông thì ông đã chết từ lâu rồi.
. TT: Tôi chẳng thể tin được có cõi Trời Ba mươi ba và tuổi thọ ở cõi ấy dài đến như vậy, vì mắt tôi còn chưa thấy được như thế.
. CD: Có người sanh ra đã mù, lầm cho rằng chẳng có màu sắc, vì chính họ chẳng trông thấy gì. Chỉ có bực Sa-môn tu-hành tinh-tấn chứng đắc thiên-nhãn thanh-tịnh mới trông thấy được cõi Trời Ba mươi ba.
- Luận-cứ của Tệ-Túc: Nếu làm lành, giữ giới, được sanh lên cõi Trời sướng hơn, cớ sao ai cũng tham sống ở đây, chẳng ai tự-sát để sớm lên cõi Trời?
. CD: Thí dụ như có vị Bà-la-môn chết, để lại gia-tài. Con trai người vợ lớn đòi lấy hết gia-tài. Người vợ nhỏ đang mang thai, ngăn lại, bảo chờ sanh ra, nếu được con trai thì sẽ được một phần. Nhưng người con trai trưởng thúc-hối, cứ đòi lấy ngay hết gia-tài. Người vợ bé vào phòng riêng lấy dao rạch bụng, để biết con trai hay con gái. Vì hành-động ngu-xuẩn đó mà cả mẹ lẫn con trong bụng bị hại. Hành-vi tự-sát để được sanh lên Trời cũng lại giống như thế.
- Luận-cứ của Tệ-Túc: vì chẳng thấy ''linh-hồn'' ra khỏi thân-thể khi chết, nên tin chẳng có đời sau.
. TT: Một tên tử-tội bị đem đi cân rồi bị nhốt sống trong một cái chum đậy kín, và nổi lửa đốt. Sau khi mở chum ra, chẳng thấy ''linh-hồn'' người chết đi ra, chỉ thấy thi-thể nặng hơn thân-hình lúc còn sống.
. CD: Tôn-chủ ngủ trưa, nằm mộng thấy mình đi du-ngoạn đó đây. Các người hầu-cận đứng bên có thấy ''linh-hồn'' của Tôn-chủ thoát ra di du-ngoạn chăng? - Thân-thể người sống có sức nóng nên mềm-nhẹ hơn khi đã chết cứng.
. TT: Giết một tử-tội bằng cách lột da, lóc thịt, gân, cho đến xương-tủy, lật ngữa, lật sấp, kéo cong lại, nào thấy đâu ''linh-hồn'' được thoát ra ngoài.
. CD: Thí-dụ như có người thổi tù-và, tiếng nghe êm tai. Người ấy đặt tù-và xuống. Có các kẻ khác đến bên tù-và, lật sắp, lật ngữa, cũng chẳng nghe âm-thanh phát ra. Chỉ khi người thổi tù-và thổi hơi vào mới nghe được tiếng tù-và. Sự ngu-xuẩn của các kẻ kia cũng giống như những ai muốn thấy ''linh-hồn'' trong thây chết bị lật úp, lật ngữa mà đi thoát ra vậy.
Lại lấy một thí-dụ khác: một người thờ lửa, có việc phải đi xa, dặn con nên canh-chừng lửa, đừng để tắt; nếu bị tắt thì nên dùng đồ quây lửa mà nhen-nhúm lại. Thằng bé ham chơi, quên canh-chừng nên lửa tắt; nó lấy đồ quay lửa ra, chẻ làm hai, chẻ làm bốn, làm tám, cũng chẳng thấy lửa đâu. Sự ngu-xuẩn của đứa bé cũng như những người trước muốn tìm thấy cho được cái ''linh-hồn'' thoát ra khi chết.
- Luận-cứ của Tôn-giả Ca-diếp về Luân-hồi và quả-báo:
. CD: ''Nầy Tôn-chủ, tôi sẽ kể vài thí-dụ; người có trí, nhờ các thí-dụ mà hiểu ý-nghiã của lời nói.
. Ví-dụ về đoàn lữ-hành: có đoàn lữ-hành đông-đảo được hai người lãnh-đạo, nên chia ra làm hai đoàn. Một đoàn đi trước, mang theo nhiều vật-liệu, lương-thực, xuyên qua bãi sa-mạc, dọc đường gặp một quỷ Dạ-xoa giả-dạng người, khuyên nên bỏ các vật-liệu, lương-thực đi cho nhẹ, vì đến nơi kia sẽ có nhiều hơn. Người lãnh-đạo nghe theo, nhưng đến nơi chẳng thấy có gì cả, lại gặp sự bất-hạnh bị quỷ Dạ-xoa ăn thịt. Đoàn thứ hai cũng gặp quỷ giả-dạng, gạt-gẫm bảo bỏ bớt đi vật-liệu và lương-thực, nhưng người lãnh-tụ chẳng nghe theo. Khi đi đến nơi, nhìn thấy đống xương trắng-hếu, mới biết đoàn lữ-hành trước vì đã quá tin theo lời nghe nói (của Dạ-xoa) mà phải chịu cảnh bất-hạnh. Cũng vậy, Tôn-chủ chớ có nghe theo tà-kiến, chúng sẽ đưa Tôn-chủ vào đau-khổ, bất-hạnh lâu-dài.
. Ví-dụ khác: Một người nuôi heo thấy một đống phân khô, gói lại trong bịt, đội lên đầu, đem về cho heo ăn. Dọc đường bị mưa, phân ướt chảy dơ dáy khắp mình-mẫy. Các người khác thấy vậy, khuyên nên bỏ bịt phân đi, nhưng kẻ ấy chẳng chịu, cứ tiếp-tục đội bịt phân ướt về. Nầy Tôn-chủ, chớ nên cố-chấp vào tà-kiến như người đội phân kia, nó sẽ đưa Tôn-chủ vào đau-khổ và bất-hạnh lâu-dài.
. Ví-dụ khác nữa: Hai người đánh bạc; một người khi thua thì lấy con xúc-xắc ngậm vào miệng. Kẻ kia thấy vậy, xin đổi xúc-xắc, lấy mấy con cũ đem thoa thuốc độc vào. Một chặp, người ấy lấy xúc-xắc có thoa thuốc độc ra mà đổ. Đối-thủ bị thua, liền lấy xúc-xắc đó ngậm vào miệng, nên phải chịu đau-đớn vô-ngần. Nầy Tôn-chủ, hãy từ bỏ ngay các tà-kiến, nó sẽ đưa Ngài vào đau-khổ, bất-hạnh lâu dài.
. Ví-dụ chót: Hai người bạn lên đường tìm của-cải. Dọc đường, họ gặp một đống gai quăng bỏ. Họ bó lại hai bó và mang đi. Lại gặp nhiều bó dây gai; một người bỏ bó gai, lấy dây gai, còn người kia thì chẳng chịu bỏ. Qua đến các nơi khác, họ lần-lượt gặp nhiều vải bông, ... sắt, ... thiếc, ... chì, ... bạc và vàng. Người thứ hai lần-lượt bỏ các món cũ, chọn lấy vàng đem về; còn người kia vẫn cố giữ bó gai mà anh đã mang theo từ xa. Dĩ nhiên người mang bó gai về chẳng được vợ con hoan-nghinh, còn anh kia được gia-đình vui mừng đón tiếp. Nầy Tôn-chủ, hãy từ bỏ ác-kiến, chúng sẽ đưa Ngài vào đau-khổ và bất-hạnh lâu-dài.
3. Phần III: Tôn-giả Ca-diếp dạy phép lập tế-đàn.
- Tệ-Túc: Ngay tại thí-dụ đầu-tiên về mặt trời, mặt trăng, tôi đã bỏ tà-kiến và tin có đời sau, có quả-báo, nhưng vì muốn nghe trọn lời dạy của Tôn-giả Ca-diếp nên tiếp-tục hỏi thêm. Giờ đây tôi xin quy-y ngôi Tam-Bảo và xin thưa hỏi về việc tổ-chức lễ tế-đàn.
- CD: Việc tế-đàn chẳng cần có thú-vật bị giết, kẻ tham-dự phải từ bỏ tà-kiến, phải có chánh-kiến; một tế-đàn như thế sẽ đem lại quả-báo lớn, lợi-ích lớn.
- Tệ-Túc tổ-chức bố-thí cho người nghèo những thức như cháo, đồ ăn phế-thải, vải thô... nên quả-báo là được sanh lên cõi Trời thấp nhứt là cõi Tứ Đại Thiên-Vương. Có thanh niên Uttara bị bỏ qua trong cuộc bố-thí nầy, sau khi chê-trách lối bố-thí của Tệ-Túc, tổ-chức một lễ tế hoàn-bị, với tế-vật có phẩm-chất tốt, có lòng thành, nên được sanh lên cõi Trời cao hơn, là cõi Tam Thập tam Thiên.
114. HỌC KINH TỆ-TÚC NÊN CHÚ-Ý ĐẾN ĐIỂM NÀO?
1. Tà-kiến nói trong Kinh Tệ-Túc: ''chẳng có luân-hồi, chẳng có quả-báo''. Người cho rằng chẳng có đời sau là vướng phải tà-kiến được gọi là đoạn-kiến, nghiã là cho rằng chết là hết. Người mắc đoạn-kiến lại chủ-trương rằng, hễ còn đang sống đây, phải cố hưởng-thọ cho mau mau, cho nhiều nhiều, tất cả các khoái-lạc, cần gì phải lánh ác làm lành, kẻo khi mất chẳng còn hưởng được nữa, ''uổng đời'' lắm ! Lý-luận như thế, làm sao tránh khỏi sa vào đường ác khi chết, mà ngay lúc còn sống cũng khó lòng mà được người khác kính-nễ.
2. Mắt có thấy, tai có nghe, mới biết chắc là có; đó chỉ là kinh-nghiệm của một cá-nhơn về thực-tại bên ngoài. Nhưng nếu chẳng thấy được, chưa nghe được một sự-vật gì, đó chẳng phải là lý-do vững-chắc để quả-quyết rằng sự-kiện đó chẳng có. Đấy là điểm cần lưu-tâm đến, khi học Kinh Tệ-Túc.
Vì lẽ các cảnh-giới khác với cõi nhân-gian, chẳng thể chỉ rõ ra cho mắt thấy, cho tai nghe được, nên Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp mới dùng khá nhiều thí-dụ cụ-thể -- có phần dí-dỏm ! -- của đời sống hằng ngày mà chứng-minh với Tôn-chủ Tệ-Túc. Các thí-dụ đó chỉ có giá-trị tượng-trưng, gợi-ý, nhằm giúp người nghe tự mình suy-gẫm thêm về các sự-vật xuất-thế-gian mà thôi. Chỉ khi nào tu-chứng được thiên-nhãn-thông, bấy giờ mới ''mở mắt ra'' mà đến gần Chơn-Lý. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.20/9/2015.
No comments:
Post a Comment