Wednesday, 30 September 2015

Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

94. Kinh Ghotamukha
(Ghotamukha sutta).


Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Udena trú ở Baranasi (Ba-la-nại), tại rừng xoài Khemiya.
Lúc bấy giờ Bà-la-môn Ghotamukha đến tại Baranasi có một vài công việc. Rồi Bà-la-môn Ghotamukha tản bộ du hành và đi đến rừng xoài Khemiya. Lúc bấy giờ Tôn giả Udena đang đi kinh hành ở giữa trời. Rồi Bà-la-môn Ghotamakha đi đến Tôn giả Udena, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Tôn giả Udena, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền nói với Tôn giả Udena đang đi kinh hành:
-- Thưa Tôn giả Sa-môn, không có một sự xuất gia đúng pháp. Hình như đối với con: vì không thấy một Tôn giả như Ngài, hay ở đây pháp ấy là gì?
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udena từ chỗ kinh hành bước xuống, đi vào trong tinh xá (vihara), rồi ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Bà-la-môn Ghotamukha cũng từ chỗ kinh hành bước xuống, vào trong tinh xá rồi đứng một bên. Tôn giả Udena nói với Bà-la-môn Ghotamukha đang đứng một bên:
-- Này Bà-la-môn, đây có những ghế ngồi. Nếu muốn, hãy ngồi xuống.
-- Trong khi chúng con đến với Tôn giả Udena, chúng con không ngồi. Làm sao người như con lại nghĩ đến ngồi xuống, trước khi được mời.
Rồi Ba La Môn Ghotamukha lấy một ghế thấp khác rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Ghotamukha nói với Tôn giả Udena:
-- Thưa Tôn giả Sa-môn, không có sự xuất gia đúng pháp. Hình như đối với con: vì không thấy một Tôn giả như Ngài, hay ở đây pháp ấy là gì?
-- Này Bà-la-môn, nếu Ông tán đồng những gì ta tán đồng, và bài bác những gì cần phải bài bác, và có điều gì ta nói mà Ông không biết. Ở đây, Ông có thể hỏi thêm ta: "Thưa Tôn giả Udena, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì?" Sau khi sắp đặt như vậy, ở đây sẽ có cuộc nói chuyện giữa chúng ta.
-- Con sẽ tán đồng những gì Tôn giả Udena tán đồng, và bài bác những gì cần phải bài bác. Và có điều gì Tôn giả Udena nói mà con không biết. Ở đây, con có thể hỏi thêm Tôn giả Udena: "Tôn giả Udena, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì?" Sau khi sắp đặt như vậy, ở đây mong sẽ có cuộc nói chuyện giữa chúng ta.
-- Này Bà-la-môn, ở đây có bốn hạng người này có mặt ở trên đời. Thế nào là bốn? Ở đây, này Bà-la-môn, có người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình. Ở đây, này Bà-la-môn, có người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Ở đây, này Bà-la-môn, có người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Ở đây, này Bà-la-môn, có người vừa không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người. Người ấy không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người, ngay trong hiện tại không tham dục, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể. Này Bà-la-môn, bốn hạng người này, hạng người nào được tâm Ông thích ý nhất?
-- Thưa Tôn giả Udena, hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình; hạng người này, tâm con không thích ý. Thưa Tôn giả Udena, hạng người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người, hạng người này, tâm con không thích ý. Thưa Tôn giả Udena, hạng người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người; hạng người này, tâm con không thích ý. Thưa Tôn giả Udena, hạng người vừa không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người; hạng người không tự hành khổ mình, không hành khổ người, ngay trong hiện tại, không có tham dục, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể, hạng người này, tâm con thích ý.
-- Này Bà-la-môn, vì sao tâm Ông không thích ý ba hạng người này?
-- Thưa tôn giả Udena, hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, hạng người này tự hành khổ mình, tự hành hạ mình, trong khi tự ao ước lạc, yểm ly khổ. Do vậy, tâm con không thích ý hạng người này. Thưa Tôn giả Udena, hạng người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người; hạng người này hành khổ người khác, hành hạ người khác, trong khi người khác ao ước lạc, yểm ly khổ. Do vậy, tâm con không thích ý hạng người này. Thưa Tôn giả Udena, hạng người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người; hạng người này hành khổ, hành hạ mình và người khác, trong khi mình và người khác ao ước lạc, yểm ly khổ. Do vậy, tâm con không thích ý hạng người này. Nhưng thưa Tôn giả Udena, hạng người vừa không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người, hạng người này không tự hành khổ mình, không hành khổ người, ngay trong hiện tại không tham dục, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể. Do vậy, tâm con thích ý hạng người này.
-- Này Bà-la-môn, có hai hội chúng này. Thế nào là hai? Ở đây, này Bà-la-môn có hội chúng vì tham đắm châu báu và đồ trang sức, tìm cầu vợ con, tìm cầu đầy tớ nam, đầy tớ nữ, tìm cầu ruộng đất, tìm cầu vàng bạc. Ở đây, này Ba La Môn, lại có hội chúng, không tham đắm châu báu và đồ trang sức, từ bỏ vợ con, từ bỏ đầy tớ nam, đầy tớ nữ, từ bỏ ruộng đất, từ bỏ vàng bạc, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này Bà-la-môn, hạng người vừa không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người, hạng người không tự hành khổ mình, không hành khổ người, ngay trong hiện tại không tham dục, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể. Này Bà-la-môn, trong hội chúng nào Ông thấy phần lớn hạng người này: trong hội chúng tham đắm châu báu và đồ trang sức, tìm cầu vợ con, tìm cầu đầy tớ nam, đầy tớ nữ, tìm cầu ruộng đất, tìm cầu vàng bạc, hay là trong hội chúng không tham đắm châu báu và đồ trang sức, từ bỏ vợ con, từ bỏ đầy tớ nam, đầy tớ nữ, từ bỏ ruộng đất, từ bỏ vàng bạc, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?
-- Tôn giả Udena, hạng người vừa không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyện tâm hành khổ người; hạng người không tự hành khổ mình, không hành khổ người, ngay trong hiện tại không tham dục, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể; hạng người này, trong hội chúng không tham đắm châu báu, và đồ trang sức, từ bỏ vợ con, từ bỏ đầy tớ nam, đầy tớ nữ, từ bỏ ruộng đất, từ bỏ vàng bạc, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, trong hội chúng ấy con thấy phần lớn hạng người này.
-- Nhưng này Bà-la-môn, nay Ông vừa mới nói: "Chúng con biết như sau, thưa Tôn giả Sa-môn, không có một sự xuất gia đúng pháp. Hình như đối với con: vì không thấy một Tôn giả như Ngài hay ở đây pháp ấy là gì?"
-- Thưa Tôn giả Udena, thật sự lời nói ấy có lợi ích cho con. Có một sự xuất gia đúng pháp. Ở đây, đối với con là như vậy, và mong Tôn giả Udena chấp trì con là như vậy. Bốn hạng người được Tôn giả Udena nói một cách vắn tắt, không giải thích rộng ra, lành thay, nếu được Tôn giả Udena khởi lòng từ phân tích rộng rãi cho con bốn hạng người này.
-- Này Bà-la-môn, vậy hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Bà-la-môn Ghotamukha vâng đáp Tôn giả Udena.
Tôn giả Udena nói như sau:
-- Này Bà-la-môn, thế nào là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình? Ở đây, này Bà-la-môn, có người sống lõa thể sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, đi khất thực không chịu đứng một chỗ, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn dành riêng, không nhận mời đi ăn, không nhận từ nơi miệng nồi, không nhận từ nơi miệng chảo, không nhận tại ngưỡng cửa, không nhận giữa những cây gậy, không nhận giữa những cối giã gạo, không nhận từ hai người đang ăn, không nhận từ người đàn bà có thai, không nhận từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận từ người đàn bà đang giao cấu người đàn ông, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận tại chỗ có chó đứng, không nhận tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men. Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, hay chỉ nhận ăn một miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại hai nhà, hay chỉ nhận ăn hai miếng... hay vị ấy chỉ nhận ăn bảy nhà, hay vị ấy chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát,... nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa,... bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Vị ấy chỉ ăn cỏ hoang, ăn lúa tắc, ăn lúa hoang, ăn da vụn, ăn rong nước, ăn bột tấm, ăn váng gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ hay ăn phân bò. Vị ấy ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm rồi quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vỏ cây tirita làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện bằng từng mảnh da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cừu. Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người chuyên sống theo hạnh nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, từ bỏ chỗ ngồi, là người ngồi chõ hỏ, chuyên sống theo hạnh ngồi chõ hỏ, một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi). Như vậy dưới nhiều hình thức, vị ấy sống tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình. Như vậy, này Bà-la-môn, được gọi là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình.
Và này Bà-la-môn, thế nào là hạng người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người? Ở đây, Bà-la-môn, có người giết trâu bò, là người giết heo, là người giết vịt, săn thú, là thợ săn, thợ đánh cá, ăn trộm, người xử tử các người ăn trộm, cai ngục và những người làm các nghề độc ác khác. Như vậy, này Bà-la-môn, được gọi là hạng người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.
Và này Bà-la-môn, thế nào là hạng người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người? Ở đây, này Bà-la-môn, có người làm vua, thuộc giai cấp Sát-đế-lị, đã làm lễ quán đảnh, hay một Bà-la-môn triệu phú. Vị này cho xây dựng một giảng đường mới về phía Ðông thành phố, cạo bỏ râu tóc, đắp áo da thô, toàn thân bôi thục tô và dầu, gãi lưng với một sừng nai, đi vào giảng đường với người vợ chính và một Bà-la-môn tế tự. Rồi vị ấy nằm xuống dưới đất trống trơn chỉ có lát cỏ. Vị vua sống với sữa từ vú một con bò cái, có con bò con cùng một mầu sắc; bà vợ chính sống với sữa từ vú thứ hai; và vị Bà-la-môn tế tự sống với sữa từ vú thứ ba. Sữa từ vú thứ tư dùng để tế lửa. Còn con nghé con thì sống với đồ còn lại. Vị vua nói như sau: "Hãy giết một số bò đực để tế lễ, hãy giết một số nghé đực để tế lễ, hãy giết một số nghé cái để tế lễ, hãy giết một số dê để tế lễ, hãy giết một số cừu để tế lễ, hãy chặt một số cây để làm cột tế lễ, hãy thâu lượm một số cỏ dabbha để làm chỗ tế lễ. Và những người nô tỳ, những người phục vụ, những người làm công, những người này vì sợ đòn gậy, vì sợ nguy hiểm, với mặt tràn đầy nước mắt, khóc lóc làm các công việc. Như vậy, này Bà-la-môn, được gọi là hạng người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.
Và này Bà-la-môn, thế nào là hạng người vừa không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người, hạng người này không tự hành khổ mình, không hành khổ người, hiện tại sống không tham dục, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm thấy lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể?
Ở đây, này Bà-la-môn, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này là Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhơn, lại tuyên bố điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.
Người gia trưởng hay con người gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp hạ tiện nghe pháp ấy, sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, người ấy suy nghĩ: "Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ, hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ, hay bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Vị ấy xuất gia như vậy, hành trì các học giới và hạnh sống Bà-la-môn, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết xấu hổ, sợ hãi, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Vị ấy từ bỏ đời sống không Phạm hạnh, sống theo Phạm hạnh, sống đời sống viễn ly, tránh xa dâm dục hạ liệt.
Vị ấy từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, liên hệ đến sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời. Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chuyện chia rẽ ở những người kia. Như vậy, vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thích thú trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Vị ấy từ bỏ nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời nói dịu hiền, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người; vị ấy nói những lời nói như vậy. Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói pháp, nói luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, hợp lý có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.
Vị ấy từ bỏ không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm; từ bỏ các món ăn phi thời; từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, các cuộc trình diễn; từ bỏ không dùng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa, trang sức, và các thời trang; từ bỏ không dùng giường cao và giường lớn; từ bỏ không nhận vàng và bạc; từ bỏ không nhận các hạt sống; từ bỏ không nhận thịt sống, từ bỏ không nhận đàn bà con gái; từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai; từ bỏ không nhận cừu và dê; từ bỏ không nhận gia cầm và heo; từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái; từ bỏ không nhận ruộng nương đất đai; từ bỏ không dùng người làm môi giới hoặc tự mình làm môi giới; từ bỏ không buôn bán; từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường; từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo; từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.
Vị ấy sống biết đủ, bằng lòng với tấm y để che thân với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo y và bình bát. Như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh, cũng vậy, Tỷ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo. Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, nội tâm hưởng lạc thọ không khuyết phạm.
Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự các nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này, nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm.
Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.
Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, thành tựu Thánh hộ trì các căn này, thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một trú xứ thanh vắng, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây ngoài trời, đống rơm.
Sau khi ăn xong và đi khất thực trở về, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ dục tham ở đời, sống với tâm thoát ly dục tham, gột rửa tâm hết dục tham. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng sanh hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử, hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối quá. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.
Vị ấy sau khi từ bỏ năm triền cái này, các pháp làm tâm cấu uế, làm trí tuệ trở thành yếu ớt, vị ấy ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do dục sanh, với tầm với tứ.
Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba.
Vị ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến túc mạng trí. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy vị ấy nhớ đến những đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến sanh tử trí của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Vị ấy nghĩ rằng: "Thật sự những vị chúng sanh này thành tựu những ác hạnh về thân, thành tựu những ác hạnh về lời nói, thành tựu những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, trên đời này". Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.
Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ", tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ tập", tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ diệt", tuệ tri như thật: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt" tuệ tri như thật: "Ðây là những lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là nguyên nhân của các lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là Con Ðường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc".
Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có trở lui đời sống này nữa".
Như vậy, này Bà-la-môn, được gọi là hạng người vừa không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người. Vị ấy không tự hành khổ mình, không hành khổ người, ngay trong hiện tại không tham dục, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm thấy lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể. "
Khi được nói vậy, Bà-la-môn Ghotamukha nói với Tôn giả Udena:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Udena! Thật vi diệu thay, Tôn giả Udena! Thưa Tôn giả Udena, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, (Chánh) pháp đã được Tôn giả Udena dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả Udena, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Udena nhận còn làm cư sĩ, từ này cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
-- Này Bà-la-môn, chớ có quy y với ta. Hãy quy y với Thế Tôn, bậc mà ta đã quy y.
-- Thưa Tôn giả Udena, nay Tôn giả Gotama, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ở tại đâu?
-- Này Bà-la-môn, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nhập Niết-bàn.
-- Thưa Tôn giả Udena, nếu chúng con được nghe Tôn giả Gotama ở cách mười do-tuần (yojana), chúng con sẽ đi mười do-tuần ấy để được yết kiến Tôn giả Gotama, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thưa Tôn giả Udena, nếu chúng con được nghe Tôn giả Gotama ở cách hai mươi do-tuần... ba mươi do-tuần... bốn mươi do-tuần... năm mươi do-tuần, chúng con sẽ đi năm mươi do-tuần để được yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thưa Tôn giả Udena, nếu chúng con được nghe Tôn giả Gotama ở cách một trăm do-tuần (yojana), chúng con sẽ đi một trăm do tuần để được yết kiến Tôn giả Gatama, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thưa Tôn giả Udena, vì Tôn giả Gotama đã nhập Niết-bàn, chúng con xin quy y Tôn giả Gotama đã nhập Niết-bàn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Udena nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Thưa Tôn giả Udena, vua nước Anga có cúng dường cho con một bố thí thường xuyên hằng ngày, nay con xin cúng dường Tôn giả Udena bố thí thường xuyên ấy.
-- Này Bà-la-môn, vua nước Anga cúng dường thường xuyên hằng ngày cho Ông là bao nhiêu?
-- Thưa Tôn giả Udena, năm trăm Kahapana (đồng tiền vàng).
-- Này Bà-la-môn, ta không được phép nhận vàng và bạc.
-- Nếu Tôn giả Udena không được phép nhận vàng và bạc, con sẽ cho làm một tinh xá cho Tôn giả Udena.
-- Này Bà-la-môn, nếu ông muốn xây dựng một tinh xá cho ta, thì hãy xây dựng một giảng đường cho chúng Tăng ở Pataliputta.
-- Con lại càng bội phần hân hoan, hoan hỷ, thỏa mãn với Tôn giả Udena, khi Tôn giả khuyến khích con cúng dường chúng Tăng. Thưa Tôn giả Udena, với bố thí thường xuyên này và với bố thí thường xuyên khác về sau, con sẽ cho xây dựng một giảng đường cho chúng Tăng ở Pataliputta.
Rồi Bà-la-môn Ghotamukha với bố thí thường xuyên này và với bố thí thường xuyên khác về sau, cho xây dựng một giảng đường cho chúng Tăng ở Pataliputta. Nay giảng đường ấy được gọi là Ghotamukhi. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.1/10/2015.

Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

93. Kinh Assalàyana
(Assalàyana sutta).


Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).
Lúc bấy giờ khoảng năm trăm Bà-la-môn từ nhiều quốc độ khác nhau trú tại Savatthi vì một vài công việc. Những vị Bà-la-môn ấy suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Ai có thể cùng với Sa-môn Gotama thảo luận vấn đề này?"
Lúc bấy giờ thanh niên Assalayana trú ở Savatthi, trẻ tuổi, đầu cạo trọc, chỉ có mười sáu tuổi, tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Ðại nhân tướng. Rồi các Bà-la-môn ấy suy nghĩ: "Thanh niên Assalayana này trú ở Savatthi, trẻ tuổi, đầu cạo trọc, chỉ có mười sáu tuổi, tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Ðại nhân tướng. Vị ấy có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này". Rồi những Bà-la-môn ấy đi đến thanh niên Assalayana, sau khi đến nói với thanh niên Assalayana:
-- Tôn giả Assalayana, Sa-môn Gotama chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Tôn giả Assalayana hãy đến thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này.
Khi nghe nói vậy, thanh niên Assalayana nói với các Bà-la-môn ấy:
-- Sa-môn Gotama là vị nói đúng pháp. Và những ai nói đúng pháp thật rất khó thảo luận. Tôi không có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này.
Lần thứ hai các Bà-la-môn nói với thanh niên Assalayana:
-- Tôn giả Assalayana, Sa-môn Gotama này chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Tôn giả Assalayana hãy đến thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. Tôn giả Assalayana đã sống đời sống của vị du hành khất sĩ.
Lần thứ hai, thanh niên Assalayana nói với các vị Bà-la-môn ấy:
-- Sa-môn Gotama là bậc nói đúng pháp. Và những người nói đúng pháp thật rất khó thảo luận. Tôi không có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này.
Lần thứ ba, những vị Bà-la-môn ấy nói với thanh niên Assalayana:
-- Tôn giả Assalayana, Sa-môn Gotama này chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Tôn giả Assalayana, hãy đến thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. Tôn giả Assalayana đã sống đời sống của vị du hành khất sĩ. Tôn giả Assalayana chớ có bị chiến bại trong một cuộc chiến bại không có binh khí chống cự.
Khi nghe nói vậy, thanh niên Assalayana nói với các vị Bà-la-môn ấy:
-- Thật sự tôi không chấp nhận được (lời yêu cầu) chư Tôn giả. Tôn giả Gotama là bậc nói đúng pháp. Và những ai nói đúng pháp thật rất khó thảo luận. Tôi không có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. Tuy vậy tôi cũng sẽ đi, như lời chư Tôn giả yêu cầu.
Rồi thanh niên Assalayana cùng với đại chúng Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Assalayana bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, các vị Bà-la-môn nói như sau: "Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la-môn là màu da trắng, giai cấp khác là màu da đen; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không được như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên". Ở đây, Tôn giả Gotama nói thế nào?
-- Nhưng này Assalayana, các nữ Bà-la-môn, vợ các Bà-la-môn được thấy là có kinh nguyệt, có mang thai, có sanh con, có cho con bú. Dầu vậy, các vị Bà-la-môn ấy sanh ra từ nữ căn lại nói: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có Bà-la-môn là màu da trắng, giai cấp khác là màu da đen; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không được như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên".
-- Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng các vị Bà-la-môn vẫn tự nghĩ rằng: "Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên".
-- Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào? Ông có nghe chăng? Tại các biên địa quốc độ khác như Yona và Kamboja, chỉ có hai giai cấp: chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ; sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân?
-- Thưa vâng, con có nghe. Trong các quốc độ biên địa như Yona, Kamboja, chỉ có hai giai cấp: chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ, sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân.
-- Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh gì, do xác tín gì của các Bà-la-môn, mà ở đây các vị Bà-la-môn lại nói: "Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên"?
-- Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây vị Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: "Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên".
-- Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào? Chỉ có người Khattiya (Sát-đế-lỵ) sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến: sau khi thân hoại mạng chung mới bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Bà-la-môn không phải như vậy? Và chỉ có người Vessa và người Sudda sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến, sau khi thân hoại mang chung, mới bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các Bà-la-môn không phải như vậy?
-- Không phải như vậy, Tôn giả Gotama. Người Khattiya cũng vậy, Tôn giả Gotama, nếu sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, cũng bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Bà-la-môn cũng vậy, Tôn giả Gotama, Vessa cũng vậy, Tôn giả Gotama, Sudda cũng vậy, Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, Tôn giả Gotama, nếu sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung đều sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
-- Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh gì, do xác tín gì của Bà-la-môn, mà các Bà-la-môn lại nói: "Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên"?
-- Dầu Tôn giả Sa-môn có nói như vậy, nhưng ở đây, các Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: "Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên".
-- Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào? Chỉ có Bà-la-môn từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Khattiya không được vậy, Vessa không được vậy, Sudda không được vậy?
-- Không phải vậy, Tôn giả Gotama. Khattiya cũng vậy, Tôn giả Gotama, nếu từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến, thì sau khi thân hoại mạng chung cũng được sanh vào thiện thú, Thiên giới; cõi đời này. Bà-la-môn cũng vậy, Tôn giả Gotama; Vessa cũng vậy, Tôn giả Gotama; Sudda cũng vậy, Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, Tôn giả Gotama, nếu từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến, thì sau khi thân hoại mạng chung, đều được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
-- Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh gì, do xác tín gì của Bà-la-môn, mà các Bà-la-môn lại nói: "Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên"?
-- Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây, các Bà-la-môn vẫn nghĩ rằng: "Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên".
-- Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào? Chỉ có Bà-la-môn mới có thể trong quốc độ này tu tập từ tâm, không hận, không sân, Khattiya không thể được, Vessa không thể được, Sudda không thể được?
-- Không phải vậy, Tôn giả Gotama. Khattiya, Tôn giả Gotama, cũng có thể trong quốc độ này tu tập từ tâm, không hận, không sân. Bà-la-môn cũng vậy, Tôn giả Gotama; Vessa cũng vậy, Tôn giả Gotama; Sudda cũng vậy, Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, Tôn giả Gotama, đều có thể trong quốc độ này tu tập từ tâm, không hận, không sân.
-- Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh gì, do xác tín gì của Bà-la-môn, mà ở đây các Bà-la-môn lại nói như sau: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên"?
-- Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các Bà-la-môn vẫn nghĩ rằng: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên".
-- Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào? Chỉ có Bà-la-môn mới có thể, sau khi cầm cào lưng và bột tắm đi đến sông tắm sạch bụi bặm, Khattiya không thể được, Vessa không thể được, Sudda không thể được?
-- Không phải vậy, thưa Tôn giả Gotama. Tôn giả Gotama, Khattiya cũng có thể, sau khi cầm cào lưng và bột tắm, đi đến sông tắm sạch bụi bặm. Bà-la-môn cũng vậy, Tôn giả Gotama; Vessa cũng vậy, Tôn giả Gotama; Sudda cũng vậy, Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, Tôn giả Gotama, đều có thể, sau khi cầm cào lưng và bột tắm, đi đến sông tắm sạch bụi bặm.
-- Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh gì, xác tín gì của các Bà-la-môn, mà ở đây các Bà-la-môn lại nói như sau: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên"?
-- Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên".
-- Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có vua Khattiya đã làm lễ quán đảnh, cho hội họp một trăm người thuộc nhiều chủng tánh khác nhau và nói: "Quý vị hãy đến đây, quý vị nào thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn, sanh ra từ hoàng tộc, hãy đem đến phần trên của đồ quay lửa, bằng cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, quay cho lửa và sức nóng hiện ra. Còn những người thuộc gia đình Chiên-đà-la (hạ tiện), thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, hãy đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y lan (elanda: cây thu đủ thầu dầu), và quay cho bậc lửa và sức nóng hiện ra".
Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào? Có phải chỉ có ngọn lửa được nhen lên và sức nóng được tạo ra từ người thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn sanh từ hoàng tộc, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, chỉ có lửa ấy mới có ngọn, mới có màu sắc, mới có ánh sáng, và chỉ có ngọn lửa ấy mới dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Còn ngọn lửa được nhen lên và sức nóng được tạo ra từ người thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình làm đổ phân, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y-lan, lửa ấy không có ngọn, không có màu sắc, không có ánh sáng, và ngọn lửa ấy không có thể dùng được vào các công việc do lửa đem lại?
-- Không phải vậy, thưa Tôn giả Gotama. Ngọn lửa được nhen lên, sức nóng được tạo ra, Tôn giả Gotama, từ người thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn sanh từ hoàng tộc, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, lửa ấy có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, ngọn lửa ấy dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Và ngọn lửa được nhen lên, và sức nóng được tạo ra từ người thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y-lan, lửa ấy cũng có ngọn, cũng có màu sắc, cũng có ánh sáng, và ngọn lửa ấy có thể dùng được vào công việc do lửa đem lại. Thưa Tôn giả Gotama, tất cả loại lửa đều có ngọn, đều có màu sắc, đều có ánh sáng; tất cả loại lửa đều có thể được dùng vào các công việc do lửa đem lại.
-- Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh gì, do xác tín gì của các Bà-la-môn mà các Bà-la-môn ở đây lại nói: "Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có Bà-la-môn là da trắng, giai cấp khác là da đen. Chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không phải như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên"?
-- Dầu Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: "Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên".
-- Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào? Ở đây một nam tử Khattiya cưới một nữ nhân Bà-la-môn làm vợ. Do hôn phối này, họ sanh được đứa con trai. Ðứa con trai ấy sanh ra từ nam tử Khattiya và nữ nhân Bà-la-môn. Nó giống mẹ nó hay giống cha nó; nó được gọi là Khattiya hay được gọi là Ba La Môn?
-- Thưa Tôn giả Gotama, đứa con trai ấy sanh ra từ nam tử Khattiya và nữ nhân Bà-la-môn; nó giống mẹ nó và cũng giống cha nó, và được gọi là Khattiya và cũng được gọi là Bà-la-môn.
-- Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, một nam tử Bà-la-môn cưới một nữ nhân Khattiya và do hôn phối này, họ sanh được đứa con trai. Người con trai ấy được sanh từ nam tử Bà-la-môn và nữ nhân Khattiya; nó giống mẹ nó, hay giống cha nó; nó được gọi là Khattiya, (hay) cũng được gọi là Bà-la-môn?
-- Thưa Tôn giả Gotama, người con trai sanh ra từ nam tử Bà-la-môn và nữ nhân Khattiya; nó giống mẹ nó; và giống cha nó, và nó được gọi là Khattiya, và cũng được gọi là Bà-la-môn.
-- Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có con ngựa cái giao phối với con lừa. Do sự giao phối này, chúng sanh được con la. Con la ấy sanh ra từ con ngựa cái và con lừa; nó giống mẹ nó, hay giống cha nó; nó được gọi là ngựa, hay nó được gọi là lừa?
-- Tôn giả Gotama, do sự giao phối khác giống như vậy, nó là con la. Ðó là sự sai khác, thưa Tôn giả Gotama, mà tôi thấy ở đây. Nhưng ở chỗ khác, đối với sự vật khác, tôi không thấy sai biệt gì.
-- Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có hai anh em thanh niên, đồng mẹ khác cha; một người đọc tụng, thông hiểu Thánh điển; một người không đọc tụng, không hiểu Thánh điển. Ở đây, giữa hai vị này, các Bà-la-môn sẽ cúng dường ai trước các vật cúng cho người chết, các thực vật tế đàn, các món ăn trong các lễ hy sinh, các đồ ăn đãi khách?
-- Thưa Tôn giả Gotama, vị thanh niên nào đọc tụng, thông hiểu Thánh điển, các Bà-la-môn sẽ cúng dường người ấy trước, các vật cúng cho người chết, các thực vật tế đàn, các món ăn trong các lễ hy sinh, các đồ ăn đãi khách. Bởi vì, thưa Tôn giả Gotama, cúng dường cho người không đọc tụng, không thông hiểu Thánh điển làm sao có quả lớn được!
-- Này Assalayana, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ở đây, có hai anh em thanh niên (Bà-la-môn) đồng mẹ khác cha; một người đọc tụng thông hiểu Thánh điển, theo ác giới, hành ác pháp; một người không đọc tụng, không thông hiểu Thánh điển, trì giới, hành thiện pháp. Ở đây, các người Bà-la-môn cúng dường cho ai trước các vật cúng cho người chết, các thực vật tế đàn, các món ăn trong các lễ hy sinh, hay các đồ ăn đãi khách?
-- Thưa Tôn giả Gotama, vị thanh niên nào không đọc tụng, không thông hiểu Thánh điển, nhưng trì giới, hành thiện pháp; ở đây, các Bà-la-môn cúng dường cho người ấy trước, các vật cúng cho người chết, các thực vật tế đàn, các món ăn trong các lễ hy sinh, hay các đồ ăn đãi khách. Bởi vì, thưa Tôn giả Gotama, cúng dường cho người theo ác giới, hành ác pháp làm sao có quả lớn được!
-- Này Assalayana, trước hết Ông đi về sanh chủng. Bỏ sanh chủng, Ông đi về Thánh điển. Bỏ Thánh điển, Ông đi về sự thanh tịnh của bốn giai cấp mà Ta đã chủ trương.
Nghe nói vậy, thanh niên Assalayana ngồi im lặng, ủ rũ, co vai, cúi đầu, sửng sờ, mở miệng không ra lời.
Rồi Thế Tôn sau khi biết được thanh niên Assalayana im lặng ủ rũ, co vai, cúi đầu, sửng sờ, mở miệng không ra lời, liền nói với thanh niên Assalayana:
-- Thuở xưa, này Assalayana, trong khi bảy ẩn sĩ Bà-la-môn thảo luận trong những am thất bằng lá tại một khu rừng, ác kiến sau đây được khởi lên: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự Phạm thiên". Này Assalayana, ẩn sĩ Asita Devala được nghe: "Trong khi bảy ẩn sĩ Bà-la-môn thảo luận trong những am thất bằng lá, tại một khu rừng, ác kiến sau đây được khởi lên: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... con cháu thừa tự Phạm thiên"? Ẩn sĩ Asita Devala, sau khi sửa soạn râu tóc, đắp y vải màu đỏ tía, đi dép với nhiều lớp (đường viền) kiên cố, cầm một cây gậy bằng vàng, liền hiện ra trong hành lang am thất của bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn. Rồi này Assalayana, ẩn sĩ Asita Devala đi qua, đi lại trong hành lang am thất của bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn và nói:
-- "Nay những Tôn giả ẩn sĩ Bà-la-môn này đi đâu? Nay những Tôn giả ẩn sĩ Bà-la-môn này đi đâu?"
Rồi này Assalayana, bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn suy nghĩ như sau: "Kẻ kia là ai đang đi qua lại trong hành lang am thất bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn như một con bò đi vòng tròn, lại nói như sau: "Nay những vị ẩn sĩ Bà-la-môn này đi đâu? Nay những vị ẩn sĩ Bà-la-môn này đi đâu?" Chúng ta hãy dùng chú thuật trù yếm Ông ta". Rồi này Assalayana, bảy ẩn sĩ Bà-la-môn dùng chú thuật trù yếm ẩn sĩ Asita Devala: "Hãy trở thành tro tàn hạ liệt". Nhưng này Assalayana, bảy ẩn sĩ càng dùng chú thuật trù yếm, ẩn sĩ Asita Devala càng trở thành đẹp đẽ, trở thành dễ nhìn, trở thành khả ái. Rồi này Assalayana, bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn suy nghĩ như sau: "Thật trống rỗng thay, khổ hạnh của chúng ta! Phạm hạnh của chúng ta không có hiệu quả. Trước kia, khi chúng ta dùng chú thuật trù yếm người nào: "Hãy trở thành tro tàn hạ liệt" Người ấy trở thành tro tàn ngay. Nhưng nay chúng ta càng dùng chú thuật trù yếm người này, người này lại càng trở nên đẹp đẽ, trở thành dễ nhìn, trở thành khả ái".
"-- Khổ hạnh, chư Tôn giả, không phải trống rỗng, Phạm hạnh (quý vị) không phải không hiệu quả. Chư Tôn giả, hãy từ bỏ tâm oán hận đối với ta".
"-- Có tâm oán hận nào đối với Tôn giả, chúng tôi sẽ bỏ. Tôn giả là ai?"
"-- Chư Tôn giả có nghe nói đến ẩn sĩ Asita Devala không?"
"_ Thưa có nghe, Tôn giả".
"-- Chư Tôn giả, vị ấy là ta".
Rồi này Assalayana, bảy ẩn sĩ Bà-la-môn đến đảnh lễ ẩn sĩ Asita Devala. Rồi ẩn sĩ Asita Devala nói với bảy ẩn sĩ Bà-la-môn:
"-- Chư Tôn giả, tôi có nghe như sau: "Trong khi bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn thảo luận tại am thất bằng lá trong khu rừng, ác tà kiến như sau khởi lên: Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có Bà-la-môn màu da trắng, giai cấp khác màu da đen. Chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không được như vậy. Chỉ có Bà-la-môn là con chính thống Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên".
"-- Thưa vâng, Tôn giả".
"-- Nhưng chư Tôn giả, chư tôn giả có biết mẹ sanh của họ chỉ giao hợp với các Bà-la-môn, không với phi Bà-la-môn?"
"-- Thưa không vậy, Tôn giả".
"-- Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết mẹ sanh của họ, cho đến bảy đời tổ mẫu của họ chỉ giao hợp với các Bà-la-môn, không với phi Bà-la-môn?"
"-- Thưa không vậy, Tôn giả".
"-- Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết cha sanh của họ chỉ giao hợp với các nữ Bà-la-môn, không với phi nữ Bà-la-môn?"
"-- Thưa không vậy, Tôn giả".
"-- Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết cha sanh của họ, cho đến bảy đời tổ phụ của họ chỉ giao hợp với các nữ Bà-la-môn, không với phi Bà-la-môn?"
"-- Không phải vậy, Tôn giả".
"-- Chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết nhập thai là như thế nào?"
"-- Thưa Tôn giả, chúng con biết nhập thai như thế này. Ở đây, mẹ cha phải giao hợp, người mẹ phải trong thời (có thể thọ sanh), hương ấm (gandhabha) phải hiện hữu, ba sự như vậy có hòa hợp, nhập thai mới thành tựu".
"-- Chư Tôn giả, chư Tôn giả có biết hương ấm ấy là Khattiya, hay Bà-la-môn, hay Vessa, hay Sudda?"
"-- Thưa Tôn giả, chúng tôi không biết hương ấm ấy là Khattiya, hay Bà-la-môn, hay Vessa, hay Sudda".
"-- Chư Tôn giả, sự tình là như vậy, chư Tôn giả có biết chư Tôn giả là ai không?"
"-- Thưa Tôn giả, sự tình là như vậy, chúng tôi không có biết chúng tôi là ai".
Này Assalayana, bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn ấy bị ẩn sĩ Asita Devala, chất vấn, cật vấn, nạn vấn về vấn đề sanh chủng (jativada) của họ, không có thể ứng đáp được. Làm sao nay Ông bị ta chất vấn, cật vấn, nạn vấn về vấn đề sanh chủng của Ông lại có thể ứng đáp được, khi Ông cùng một Ðạo sư với họ và không có Punna, người biết sử dụng thìa đổ sữa (làm lễ tế tự).
Khi được nói vậy, thanh niên Assalayana bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.1/10/2015.

Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

92. Kinh Sela
(Sela sutta).


Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn du hành ở Anguttarapa cùng với đại chúng Tỷ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, và đi đến một thị trấn của Anguttarapa tên là Apana.
Bện tóc Keniya được nghe: "Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya, du hành ở Anguttarapa cùng với đại chúng Tỷ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, và đã đến Apana. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây về Tôn giả Gotama được khởi lên: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời và loài Người. Khi đã chứng ngộ, Ngài còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện văn nghĩa đầy đủ. Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, trong sạch. Tốt đẹp thay sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!".
Rồi bện tóc Keniya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Thế Tôn với pháp thoại khai thị cho bện tóc Keniya đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Bện tóc Keniya sau khi được Thế Tôn với pháp thoại khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn:
-- Mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của con ngày mai dùng cơm với chúng Tỷ-kheo.
Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với bện tóc Keniya:
-- Này Keniya, chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và Ông có lòng tín thành với các Bà-la-môn.
Lần thứ hai, bện tóc Keniya bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, dầu chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và dầu con có lòng tín thành với các Bà-la-môn, mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của con, ngày mai dùng cơm với chúng Tỷ-kheo!
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với bện tóc Keniya:
-- Này Keniya, chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và Ông có lòng tín thành với các Bà-la-môn.
Lần thứ ba, bện tóc Keniya bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, dầu chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và dầu con có lòng tín thành với các vị Bà-la-môn, mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của con, ngày mai dùng cơm với chúng Tỷ-kheo!
Thế Tôn im lặng nhận lời. Bện tóc Keniya, sau khi được biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến tịnh xá của mình, sau khi đến liền bảo các thân hữu, bà con huyết thống:
-- Quý vị Thân hữu, bà con huyết thống hãy nghe tôi. Sa-môn Gotama đã được tôi mời ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo. Vậy Quý vị hãy tự thân giúp việc cho tôi.
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Các thân hữu, bà con huyết thống của bện tóc Keniya vâng đáp bện tóc Keniya. Có người thời đào hố (làm lò nấu); có người bửa củi; có người rửa chén bát; có người sắp đặt ghè nước; có người sửa soạn ghế ngồi; còn bện tóc Keniya tự mình dựng lên một giàn hoa hình tròn (Mandalamala).
Lúc bấy giờ Bà-la-môn Sela trú tại Apana, vị này tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Ðại nhân tướng. Vị này dạy chú thuật (manta) cho ba trăm thanh niên Bà-la-môn.
Lúc bấy giờ bện tóc Keniya có lòng tín thành với Bà-la-môn Sela. Rồi Bà-la-môn Sela, với ba trăm thanh niên Bà-la-môn vây quanh, tản bộ du hành đi đến tinh xá của bện tóc Keniya. Bà-la-môn Sela thấy tại tinh xá của bện tóc Keniya, có người thời đào hố (làm lò nấu); có người bửa củi; có người rửa chén bát; có người sắp đặt ghè nước; có người sửa soạn ghế ngồi; còn bện tóc Keniya tự mình dựng lên một giàn hoa hình tròn. Thấy vậy, Bà-la-môn Sela bèn nói với bện tóc Keniya:
-- Có phải bện tóc Keniya sẽ rước dâu hay sẽ đưa dâu, hay một đại tế đàn được chuẩn bị, hay vua Seniya Bimbisara nước Magadha được mời ngày mai với cả binh lực?
-- Thưa Tôn giả Sela, tôi không có rước dâu, cũng không đưa dâu, vua Seniya Bimbisara nước Magadha không có được mời ngày mai với cả binh lực, nhưng tôi chuẩn bị một đại tế đàn. Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya, du hành ở Anguttarapa cùng với đại chúng Tỷ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, và đã đến Apana. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây về Tôn giả Gotama được khởi lên: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn." Vị ấy được con mời ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo.
-- Tôn giả Keniya, có phải Ông nói đức Phật?
-- Tôn giả Sela, vâng, tôi nói đức Phật.
-- Tôn giả Keniya, có phải Ông nói đức Phật?
-- Tôn giả Sela, vâng, tôi nói đức Phật.
Rồi Tôn giả Bà-la-môn Sela suy nghĩ: "Chỉ một âm thanh đức Phật này cũng khó tìm được trong đời. Theo Thánh điển của chúng ta được truyền lại về ba mươi hai Ðại nhân tướng, những ai có ba mươi hai tướng ấy sẽ chọn một trong hai con đường, không có con đường nào khác: nếu là tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương chinh phục mọi quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu này là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Và vị này có hơn một ngàn con trai là những vị anh hùng, oai phong lẫm liệt, chiến thắng ngoại quân. Vị này sống thống lãnh quả đất cùng tận cho đến đại dương, và trị vì với Chánh pháp, không dùng gậy, không dùng đao. Nếu vị này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị này sẽ chứng quả A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quét sạch mê lầm ở đời." và ông ta nói:
-- Này Tôn giả Keniya, nay Tôn giả Gotama ấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ấy trú ở đâu?
Khi nghe nói vậy, bện tóc Keniya, duỗi cánh tay mặt, nói với Bà-la-môn Sela:
-- Tôn giả Sela, tại ngôi rừng xanh kia.
Rồi Bà-la-môn Sela, với ba trăm thanh niên đi đến Thế Tôn. Bà-la-môn bảo những thanh niên ấy:
-- Quý vị hãy đến một cách im lặng, đặt chân xuống từng bước một, các bậc Thế Tôn ấy như con sư tử sống một mình, rất khó đến gần (hay ưa thích an tịnh -- Durasada). Nếu ta có thảo luận với Sa-môn Gotama, chư Tôn giả chớ ngắt lời ta. Chư Tôn giả hãy chờ ta nói xong.
Rồi Bà-la-môn Sela đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sela tìm xem ba mươi hai Ðại nhân tướng trên thân Thế Tôn, Bà-la-môn Sela thấy phần lớn ba mươi hai Ðại nhân tướng trên thân Thế Tôn, trừ hai tướng. Ðối với hai Ðại nhân tướng ấy, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.
Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Bà-la-môn Sela này thấy trên thân Ta phần lớn ba mươi hai Ðại nhân tướng, trừ hai tướng, đối với hai Ðại nhân tướng ấy, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài".
Thế Tôn liền dùng thần thông khiến Bà-la-môn Sela thấy được tướng mã âm tàng của Thế Tôn, và Thế Tôn le lưỡi, rờ đến, liếm đến hai lỗ tai; rờ đến, liếm đến hai lỗ mũi, và dùng lưỡi le khắp cả vùng trán.
Rồi Bà-la-môn Sela suy nghĩ: "Sa-môn Gotama thành tựu ba mươi hai Ðại nhân tướng một cách đầy đủ, không phải không đầy đủ, nhưng ta chưa biết vị ấy là Phật hay không phải Phật. Tuy vậy, ta có nghe các vị Bà-la-môn niên cao, lạp lớn, các bậc Tôn sư, Ðại Tôn sư, nói như sau: "Các Thế Tôn ấy, những bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, khi những lời tán thán của những bậc ấy được nói đến, các bậc ấy tự hiện hình ra". Vậy ta hãy trước mặt Thế Tôn tán thán những bài kệ xứng đáng". Rồi Bà-la-môn Sela, tán thán trước mặt Sa-môn Gotama những bài kệ xứng đáng như sau:
Thân trọn đủ chói sáng,
Khéo sanh và đẹp đẽ,
Thế Tôn sắc vàng chói,
Răng trơn, láng, tinh cần.
Ðối với người khéo sanh,
Những tướng tốt trang trọng,
Ðều có trên thân Ngài,
Tất cả Ðại nhân tướng.
Mắt sáng, mặt tròn đầy,
Cân đối, thẳng, hoàn mỹ,
Giữa chúng Sa-môn Tăng,
Ngài chói như mặt trời.
Ðẹp mắt vị Tỷ-kheo,
Da sáng như vàng chói,
Với hạnh Sa-môn, Ngài
Cần gì sắc tối thượng.
Ngài xứng bậc Ðại vương,
Chuyển Luân, bậc Ðiều Ngự,
Chiến thắng khắp thiên hạ,
Bậc tối thượng Diêm-phù.
Vương tộc, hào phú vương,
Là chư hầu của Ngài,
Là vua giữa các vua,
Là Giáo chủ loài Người.
Hãy trị vì quốc độ,
Tôn giả Gotama!
Thế Tôn liền trả lời:
Sela, Ta là vua,
Bậc Pháp vương vô thượng,
Ta chuyển bánh xe pháp,
Bánh xe chưa từng chuyển.
(Sela):
Ngài tự nhận Giác giả
Sela lại hỏi thêm,
"Bậc Pháp vương vô thượng,
Ta chuyển bánh xe Pháp",
Ngài trả lời như vậy.

Tôn giả Gotama,
Ai sẽ là tướng quân ?
Là Tôn giả đệ tử ?
Vị đệ tử tín thành ?
Xứng đáng bậc Ðạo sư ?
Sau Ngài, ai sẽ chuyển,
Pháp luân Ngài đã chuyển ?
(Thế Tôn):
Này Sela,
Ta chuyển bánh xe Pháp,
Bánh xe Pháp vô thượng.
Chính Sariputta,
Chuyển bánh xe Chánh Pháp,
Thừa tự Như Lai vị.

Cần biết, Ta đã biết,
Cần tu, Ta đã tu,
Cần bỏ, Ta đã bỏ.
Do vậy Ta là Phật,
Ôi, Tôn giả Phạm chí!

Còn gì nghi ở Ta,
Hãy gác bỏ một bên,
Hãy giải thoát khỏi chúng,
Ôi, Tôn giả Phạm chí!

Thấy được bậc Chánh Giác,
Thật thiên nan vạn nan,
Bậc Chánh Giác ra đời,
Thật thiên nan vạn nan!

Ta là bậc Chánh Giác,
Bậc Y vương vô thượng,
Ôi, Tôn giả Phạm chí!

Là Phạm thiên khó sánh,
Nhiếp phục các ma quân.
Hàng phục mọi đối nghịch,
Ta sống tâm hoan hỷ,
Không sợ hãi một ai,
Không từ đâu run sợ.
(Sela):
Chư Tôn giả, hãy nghe!
Như bậc có mắt giảng,
Bậc Y vương, Anh hùng,
Sư tử rống rừng sâu.

Thấy Phạm thiên vô tỷ,
Nhiếp phục các ma quân,
Ai lại không tín thành,
Cho đến kẻ hạ tiện.

Ai muốn, hãy theo Ta,
Không muốn, hãy ra đi,
Ở đây, Ta xuất gia,
Bậc Trí Tuệ tối thượng!
(Các Bà-la-môn):
Nếu Tôn giả tín thành,
Giáo pháp bậc Chánh Giác,
Chúng con cũng xuất gia,
Bậc Trí Tuệ tối thượng!
(Sela):
Ba trăm Phạm chí ấy,
Chắp tay xin được phép:
Chúng con sống Phạm hạnh,
Do Thế Tôn lãnh đạo!
Thế Tôn đáp:
Nầy Sela,
Phạm hạnh được khéo giảng,
Thiết thực ngay hiện tại,
Vượt khỏi thời gian tính.
Ở đây sự xuất gia,
Không uổng công hoang phí,
Với ai không phóng dật,
Tinh tấn chuyên tu học.
Bà-la-môn Sela cùng với hội chúng được xuất gia dưới sự lãnh đạo Thế Tôn, được thọ đại giới.
Rồi Bà-la-môn Keniya, sau đêm ấy, tại tinh xá của mình, sau khi cho sửa soạn các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm xong, liền báo thời giờ lên Thế Tôn: "Tôn giả Gotama, đã đến giờ! Cơm đã sửa soạn xong". Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến tinh xá của bện tóc Keniya, sau khi đến, liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn cùng với chúng Tỷ-kheo. Rồi bện tóc Keniya sau khi tự tay mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu và làm cho thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Rồi bện tóc Keniya, sau khi Thế Tôn ăn xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế ngồi thấp khác và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với bện tóc Keniya lời tùy hỷ công đức với những bài kệ sau đây:
Tế đàn là tối thượng,
Trong các lễ tế lửa,
Savitti là tối thượng,
Giữa bài thơ Veda.

Vua là bậc tối thượng,
Giữa thế giới loài Người,
Ðại dương là tối thượng,
Giữa các loại sông ngòi.

Mặt trăng là tối thượng,
Giữa các vì sao sáng,
Chúng Tăng thật tối thượng,
Với những ai bố thí,
Tâm mong ước nguyện cầu,
Gặt hái nhiều công đức.
Thế Tôn sau khi dùng bài kệ này nói những lời tùy hỷ công đức với bện tóc Keniya, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Rồi Tôn giả Sela với hội chúng sống một mình an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, Tôn giả chứng được mục đích tối cao mà các Thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Ðó là vô thượng Phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự chứng đạt và an trú. Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa. Vị này biết như vậy và Tôn giả Sela với hội chúng trở thành các vị A-la-hán.
Rồi Tôn giả Sela với hội chúng đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và đọc lên Thế Tôn bài kệ sau đây:
Kính bạch bậc Pháp Nhãn,
Cách đây trước tám ngày,
Chúng con đã đến Ngài,
Xin phát nguyện quy y.

Thế Tôn trong bảy đêm,
Ðã nhiếp phục chúng con,
Ðã chế ngự chúng con,
Trong giáo lý của Ngài.

Ngài là bậc Giác Giả,
Ngài là bậc Ðạo Sư,
Ngài là bậc Mâu-ni,
Ðã chiến thắng quần ma.

Sau khi Ngài đoạn trừ,
Vượt qua biển sanh tử,
Ngài giúp quần sanh này,
Cùng vượt qua bể khổ.

Sanh y Ngài vượt qua,
Lậu hoặc Ngài nghiền nát,
Ngài là Sư tử chúa,
Không chấp, không sợ hãi.

Ba trăm Tỷ-kheo này,
Ðồng chắp tay đứng thẳng,
Ôi anh hùng chiến thắng,
Hãy duỗi chân bước tới.
Hãy để các Ðại nhân
Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư.
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.1/10/2015.

Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

91. Kinh Brahmàyu
(Brahmàyu sutta).


Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn du hành ở Videha, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị.
Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Brahmayu trú tại Mithila (Di-tát-la) già yếu, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã gần mãn cuộc đời, tuổi đã đến một trăm hai mươi, một vị đọc tụng Thánh điển, chấp trì chú thuật, tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Ðại nhân tướng.
Bà-la-môn Brahmayu có nghe: "Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya (Thích-ca) đang du hành ở Videha, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị". Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời và loài Người. Khi đã chứng ngộ, Ngài còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa đầy đủ, Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, trong sạch. Tốt đẹp thay sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!".
Lúc bấy giờ đệ tử của Bà-la-môn Brahmayu là thanh niên Uttara, một vị đọc tụng Thánh điển, chấp trì chú thuật, tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Ðại nhân tướng. Rồi Bà-la-môn Brahmayu bảo thanh niên Uttara:
-- Này Uttara thân mến, Sa-môn Gotama này là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya (Thích-ca) đang du hành ở Videha, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị"... Tốt đẹp thay được yết kiến một vị A-la-hán như vậy. Uttara thân mến, hãy đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy tìm hiểu Sa-môn Gotama, có phải là Tôn giả Gotama như tiếng đã đồn, hay là không phải, hay là Tôn giả Gotama như thế này, hay là không phải như thế này. Chính nhờ Ông mà chúng ta sẽ biết về Tôn giả Gotama.
-- Thưa Tôn giả, làm sao tôi biết Tôn giả Gotama có phải là Tôn giả Gotama như tiếng đã đồn, hay là không phải, hay là Tôn giả Gotama như thế này, hay là không phải như thế này?
-- Này Uttara thân mến, theo Thánh điển của chúng ta được truyền lại về ba mươi hai Ðại nhân tướng, những ai có ba mươi hai tướng ấy sẽ chọn một trong hai con đường, không có con đường nào khác: nếu là tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương chinh phục mọi quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu này là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Và vị này có hơn một ngàn con trai, là những vị anh hùng, oai phong lẫm liệt, chiến thắng ngoại quân. Vị này sống thống lãnh quả đất cùng tận cho đến đại dương, và trị vì với Chánh pháp, không dùng gậy, không dùng đao. Nếu vị này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị này sẽ chứng quả A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác quét sạch mê lầm ở đời. Này Uttara thân mến, ta đã cho con chú thuật, con đã nhận những chú thuật ấy.
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Thanh niên Uttara vâng đáp Bà-la-môn Brahmayu, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Bà-la-môn Brahmayu, giữ thân hướng về phía hữu, rồi ra đi du hành đến Thế Tôn ở Videha, tuần tự du hành đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Uttara tìm xem ba mươi hai Ðại nhân tướng trên thân Thế Tôn. Thanh niên Uttara thấy trên thân Thế Tôn phần lớn ba mươi hai Ðại nhân tướng, trừ hai tướng. Ðối với hai Ðại nhân tướng ấy, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.
Rồi Thế Tôn nghĩ rằng: "Thanh niên Uttara này thấy ở nơi Ta phần lớn ba mươi hai Ðại nhân tướng, trừ hai tướng. Ðối với hai Ðại nhân tướng ấy, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài".
Thế Tôn liền dùng thần thông khiến thanh niên Uttara thấy được tướng mã âm tàng của Thế Tôn. Và Thế Tôn le lưỡi, rờ đến, liếm đến hai lỗ tai; rờ đến, liếm đến hai lỗ mũi, và dùng lưỡi che khắp cả vùng trán.
Rồi thanh niên Uttara suy nghĩ: "Sa-môn Gotama có đầy đủ ba mươi hai Ðại nhân tướng. Vậy ta hãy theo sát Sa-môn Gotama để dò xem các uy nghi (của Ngài)". Rồi thanh niên Uttara trong bảy tháng theo sát Thế Tôn như bóng không bao giờ rời hình.
Rồi thanh niên Uttara, sau bảy tháng, khởi hành đi đến Mithila ở Videha, tuần tự du hành đi đến Mithila, rồi đi đến Bà-la-môn Brahmayu, sau khi đến, đảnh lễ Bà-la-môn Brahmayu rồi ngồi xuống một bên. Bà-la-môn Brahmayu nói với thanh niên Uttara đang ngồi một bên:
-- Này Uttara thân mến, có phải tiếng đồn về Tôn giả Gotama là đúng như vậy, không phải khác, có phải Tôn giả Gotama là như vậy, không phải khác ?
-- Tiếng đồn về Tôn giả Gotama là đúng như vậy, không phải khác, Tôn giả Gotama là như vậy, không phải khác. Và Tôn giả Gotama ấy có đầy đủ ba mươi hai Ðại nhân tướng. Tôn giả Gotama có lòng bàn chân bằng phẳng. Ðây là Ðại nhân tướng của Ðại nhân Tôn giả Gotama. Dưới hai bàn chân Tôn giả Gotama, có hiện ra hình bánh xe, với ngàn tăm xe, với trục xe vành xe, với các bộ phận hoàn toàn đầy đủ. Tôn giả Gotama có gót chân thon dài. Tôn giả Gotama có ngón tay, ngón chân dài. Tôn giả Gotama có tay chân mềm mại. Tôn giả Gotama tay chân có màn da lưới. Tôn giả Gotama có mắt cá tròn như con sò. Tôn giả Gotama có ống chân to như con dê rừng. Tôn giả Gotama đứng thẳng, không cong lưng xuống có thể rờ đầu gối với hai bàn tay. Tôn giả Gotama có tướng mã âm tàng. Tôn giả Gotama có màu da như đồng, màu sắc như vàng. Tôn giả Gotama có da trơn mướt khiến bụi không có thể bám dính vào. Tôn giả Gotama có lông da mọc từng lỗ lông một, mỗi lỗ chân lông có một lông. Tôn giả Gotama có lông mọc xoáy tròn thẳng lên, mỗi sợi lông đều vậy, màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ, và xoáy về hướng mặt. Tôn giả Gotama có thân hình cao thẳng. Tôn giả Gotama có bảy chỗ tròn đầy. Tôn giả Gotama có nửa thân trước như thân con sư tử. Tôn giả Gotama không có lõm khuyết xuống giữa hai vai. Tôn giả Gotama có thân thể cân đối như cây bàng. Bề cao thân ngang bằng bề dài hai tay sải rộng, bề dài hai tay sải rộng ngang bằng bề cao của thân. Tôn giả Gotama có bán thân trên vuông tròn. Tôn giả Gotama có vị giác hết sức sắc bén. Tôn giả Gotama có quai hàm như con sư tử. Tôn giả Gotama có bốn mươi răng. Tôn giả Gotama có răng đều đặn. Tôn giả Gotama có răng không khuyết hở. Tôn giả Gotama có răng cửa trơn láng. Tôn giả Gotama có tướng lưỡi rộng dài. Tôn giả Gotama có giọng nói tuyệt diệu như tiếng chim ca-lăng- tần-già (karavika). Tôn giả Gotama có hai mắt màu xanh đậm. Tôn giả Gotama có lông mi con bò cái. Tôn giả Gotama, giữa hai lông mày, có sợi lông trắng mọc lên mịn màng như bông nhẹ. Tôn giả Gotama có nhục kế trên đầu. Ðây là Ðại nhân tướng của Ðại nhân Tôn giả Gotama.
Khi Tôn giả Gotama đi, Ngài bước chân mặt trước, không đặt chân xuống quá xa, không rút chân lên quá gần, không bước quá mau, không bước quá chậm, khi đi đầu gối không va chạm đầu gối, khi đi mắt cá không va chạm mắt cá; Ngài đi không co bắp vế lên, không duỗi bắp vế xuống, không đưa bắp vế vào trong, không đưa bắp vế ra ngoài. Khi đi Tôn giả Gotama chỉ di động phần thân ở dưới, và không dùng toàn thân lực. Khi ngó quanh, Tôn giả Gotama ngó quanh với toàn thân. Khi đi không có ngưỡng mặt lên, không cúi mặt xuống, không có ngó quanh, và chỉ ngó xuống khoảng một tầm (yugamattam, bề dài một cái cày). Xa hơn, tri kiến được mở rộng (anavatam: không bị che đậy).
Khi đi vào nhà, (Tôn giả Gotama) không ngửa thân về phía sau, không cúi thân về phía trước, không đưa thân về phía trong, không đưa thân về phía ngoài; vị ấy quay lưng không quá xa ghế ngồi, không quá gần ghế ngồi; ngồi trên ghế, không nắm chặt thành ghế, không gieo thân ngồi xuống ghế.
Khi ngồi trong nhà. Ngài không rung tay, không rung chân, không ngồi tréo đầu gối với nhau, tréo mắt cá với nhau, không ngồi tay chống cằm. Khi ngồi trong nhà, không có sợ hãi, không có run rẩy, không có dao động, không có hoảng hốt. Như vậy Tôn giả Gotama ngồi, không sợ hãi, không run sợ, không dao động, không hoảng hốt, lông tóc không dựng ngược, Thiền tịnh độc cư.
Khi nhận nước để rửa bát, không chúc bình bát lên, không chúc bình bát xuống, không xoay bình bát vào phía trong, không xoay bình bát ra phía ngoài, nhận nước không quá ít, không quá nhiều. Ngài rửa bát, không sanh tiếng động, rửa bát không xoay tròn bình bát, không đặt bình bát xuống đất rồi rửa tay, khi hai tay rửa xong, bát cũng rửa xong, khi bát rửa xong, tay cũng rửa xong. Ngài đổ nước bình bát không quá xa, không quá gần, và không vẩy nước cùng khắp.
Khi Ngài nhận cơm, không chúc bình bát lên, không chúc bình bát xuống, không xoay bình bát vào phía trong, không xoay bình bát ra phía ngoài, nhận cơm không quá ít, không quá nhiều. Ngài ăn đồ ăn vừa phải (với cơm), không có bỏ miếng cơm, chỉ lựa miếng thức ăn. Tôn giả Gotama đưa miếng cơm quanh miệng hai ba lần rồi mới nuốt, không hột cơm nào được vào trong thân không bị nghiến nát, và không một hột cơm nào còn lại trong miệng trước khi ăn miếng cơm khác. Tôn giả Gotama không thưởng thức vị ăn khi ăn đồ ăn, không thưởng thức lòng tham vị. Tôn giả Gotama ăn đồ ăn có đầy đủ tám đức tánh, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, Ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và Ta sẽ không lỗi lầm, sống được an ổn".
Ngài ăn xong lấy nước rửa bát, không chúc bình bát lên, không chúc bình bát xuống, không xoay bình bát vào phía trong, không xoay bình bát ra phía ngoài, nhận nước không quá ít, không quá nhiều. Ngài rửa bát không sanh tiếng động, rửa bát không xoay tròn bình bát, không có đặt bình bát xuống đất rồi rửa tay, khi hai tay rửa xong, bình bát cũng rửa xong, khi bình bát rửa xong, hai tay cũng rửa xong. Ngài đổ nước bình bát, không quá xa, không quá gần, không vẩy nước cùng khắp.
Khi ăn xong, Ngài đặt bình bát xuống đất, không quá xa, không quá gần, không phải không nghĩ đến bình bát, cũng không quá lo cho bình bát.
Khi ăn xong, Ngài ngồi im lặng một lát nhưng không để quá thì giờ nói lời tùy hỷ (công đức). Ngài nói lời tùy hỷ (công đức), không chỉ trích bữa ăn ấy, không mong bữa ăn khác; trái lại, Ngài với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Ngài sau khi với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Ngài đi không quá mau, không quá chậm. Ngài đi không phải (như muốn) lánh xa hội chúng ấy.
Tôn giả Gotama đắp y không kéo lên quá cao trên thân, không kéo xuống quá thấp, không dính sát vào thân, không có lơi ra khỏi thân, gió thổi không thoát y khỏi thân Tôn giả Gotama; bụi nhớp không dính trên thân Tôn giả Gotama.
Ði đến tu viện, Ngài ngồi trên ghế đã soạn sẵn, sau khi ngồi liền rửa chân, và Tôn giả Gotama không sống chú tâm vào công việc làm đẹp hai chân. Ngài ngồi kiết già, lưng thẳng, và đặt niệm trước mặt. Ngài không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai. Tôn giả Gotama ngồi, tâm hướng đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thế giới.
Ði đến tu viện, Ngài thuyết pháp cho hội chúng, không tán dương hội chúng ấy, không chỉ trích hội chúng ấy, trái lại với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Tiếng nói thoát ra từ miệng Tôn giả Gotama có tám đức tánh; lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động. Khi Tôn giả Gotama giải thích cho hội chúng với tiếng nói của mình, tiếng nói không vượt ra khỏi hội chúng. Hội chúng sau khi được Tôn giả Gotama khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho thích thú, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi vẫn quay nhìn lại, không muốn rời bỏ.
Chúng con thấy Tôn giả Gotama đi. Chúng con thấy (Tôn giả) đứng. Chúng con thấy (Tôn giả) ngồi im lặng trong nhà. Chúng con thấy (Tôn giả) ăn trong nhà. Chúng con thấy (Tôn giả) sau khi ăn xong, ngồi im lặng. Chúng con thấy (Tôn giả) sau khi ăn xong, nói lời tùy hỷ (công đức). Chúng con thấy (Tôn giả) đi trở về tu viện. Chúng con thấy (Tôn giả) đi đến tu viện ngồi im lặng. Chúng con thấy (Tôn giả) đi đến tu viện thuyết pháp cho hội chúng. Như vậy, và như vậy là Tôn giả Gotama ấy và lại còn nhiều hơn như vậy nữa.
Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Brahmayu từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn, và ba lần nói lời cảm hứng sau đây:
-- Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác! Có thể tại một chỗ nào, thời gian nào, chúng tôi sẽ đi đến gặp Tôn giả Gotama ấy. Có lẽ sẽ có một cuộc nói chuyện.
Rồi Thế Tôn, tuần tự du hành ở Videha và đi đến Mithila. Ở đấy, Thế Tôn trú tại rừng xoài Makhadeva ở Mithila. Các Bà-la-môn, Gia chủ ở Mithila nghe nói: "Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, đang du hành ở Videha, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị đã đến Mithila và hiện trú ở rừng xoài Makhadeva, tại Mithila. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: "Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya (Thích-ca) đang du hành ở Videha, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị". Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời và loài Người. Khi đã chứng ngộ, Ngài còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa đầy đủ, Ngài tuyên dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, trong sạch. Tốt đẹp thay sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!".
Rồi các Bà-la-môn, Gia chủ ở Mithila đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, một số đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên những lời chào đón hỏi thăm Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên; một số chắp tay hướng vái Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số xưng danh họ rồi ngồi xuống một bên; một số im lặng rồi ngồi xuống một bên.
Bà-la-môn Brahmayu nghe như sau: "Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, đã đến Mithila và trú ở Mithila tại rừng xoài Makhadeva". Rồi Bà-la-môn Brahmayu đi đến rừng xoài Makhadeva cùng với một số đông thanh niên Bà-la-môn. Khi đến không xa rừng xoài bao nhiêu, Bà-la-môn Brahmayu khởi lên ý nghĩ: "Thật không thích đáng cho ta đến yết kiến Sa-môn Gotama mà không báo trước". Rồi Bà-la-môn Brahmayu bảo một người thanh niên:
-- Này Thanh niên, hãy đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy nhân danh ta hỏi thăm Sa-môn Gotama có ít bệnh, ít não, khinh an, có mạnh khỏe, lạc trú: "Thưa Tôn giả Gotama, Bà-la-môn Brahmayu hỏi thăm Tôn giả Gotama có ít bệnh, ít não, khinh an, có mạnh khỏe, lạc trú và thưa như sau: "Thưa Tôn giả Gotama, Bà-la-môn Brahmayu già yếu, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã gần mãn cuộc đời, tuổi đã đến một trăm hai mươi, một vị đọc tụng Thánh điển, chấp trì chú thuật, tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Ðại nhân tướng. Thưa Tôn giả, đối với các Bà-la-môn, Gia chủ sống tại Mithila, Bà-la-môn Brahmayu được xem là tối thượng về phương diện tài sản, Bà-la-môn Brahmayu được xem là tối thượng về phương diện chú thuật (manta), Bà-la-môn Brahmayu được xem là tối thượng về phương diện tuổi tác và danh vọng. Vị ấy muốn yết kiến Tôn giả Gotama".
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Thanh niên ấy vâng đáp Bà-la-môn Brahmayu, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền đứng một bên. Ðứng một bên, thanh niên ấy bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, Bà-la-môn Brahmayu hỏi thăm Tôn giả Gotama có ít bệnh, ít não, khinh an, có mạnh khỏe, lạc trú: "Thưa Tôn giả Gotama, Bà-la-môn Brahmayu già yếu... và Ðại nhân tướng. Thưa Tôn giả, đối với các Bà-la-môn, Gia chủ sống ở Mithila, Bà-la-môn Brahmayu được xem là tối thượng về phương diện tài sản, Bà-la-môn Brahmayu được xem là tối thượng về phương diện chú thuật (manta), Bà-la-môn Brahmayu được xem là tối thượng về phương diện tuổi tác và danh vọng. Vị ấy muốn yết kiến Tôn giả Gotama".
-- Này Thanh niên, nay Bà-la-môn Brahmayu hãy làm những gì vị ấy nghĩ là hợp thời.
Rồi vị thanh niên ấy đi đến Bà-la-môn Brahmayu, sau khi đến, liền thưa với Bà-la-môn Brahmayu:
-- Tôn giả đã được Sa-môn Gotama chấp nhận. Nay Tôn giả hãy làm những gì Tôn giả nghĩ là hợp thời.
Rồi Bà-la-môn Brahmayu đi đến Thế Tôn. Hội chúng ấy thấy Bà-la-môn Brahmayu từ xa đi đến, sau khi thấy liền tránh chỗ hai bên vì vị này được nhiều người biết đến và có danh vọng. Bà-la-môn Brahmayu nói với hội chúng ấy:
-- Thôi vừa rồi, các Tôn giả, hãy ngồi trên chỗ ngồi của mình. Ở đây, tôi sẽ ngồi gần Sa-môn Gotama.
Rồi Bà-la-môn Brahmayu đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Brahmayu tìm xem ba mươi hai Ðại nhân tướng trên thân Thế Tôn. Bà-la-môn Brahmayu thấy phần lớn ba mươi hai Ðại nhân tướng trên thân Thế Tôn, trừ hai tướng, đối với hai Ðại nhân tướng ấy, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài. Rồi Bà-la-môn Brahmayu nói với Thế Tôn những bài kệ sau đây:
Tôn giả Gotama!
Ba hai Ðại nhân tướng,
Con được nghe nói đến,
Hai tướng con không thấy
Trên thân của Tôn giả,
Tôn giả, mã âm tàng,
Bậc tối thượng loài Người,
Ngài có hay không có?
Hay là tướng nữ nhân?
Hay lưỡi Ngài quá ngắn?
Hay lưỡi Ngài rộng dài?
Ðể con như thật biết.
Hãy đưa lưỡi Ngài ra,
Mong bậc Ðại Tiên Nhân,
Trừ nghi cho chúng con,
Vì an lạc hiện tại,
Vì hạnh phúc tương lai,
Chúng con xin được phép,
Hỏi điều muốn được biết.
Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Bà-la-môn Brahmayu này thấy trên thân Ta phần lớn ba mươi hai Ðại nhân tướng, trừ hai tướng, đối với hai Ðại nhân tướng ấy, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là mã tướng âm tàng và tướng lưỡi rộng dài". Thế Tôn liền dùng thần thông khiến Bà-la-môn Brahmayu thấy được tướng mã âm tàng của Thế Tôn, và Thế Tôn le lưỡi, rờ đến, liếm đến hai lỗ tai; rờ đến liếm đến hai lỗ mũi, và dùng lưỡi che khắp cả vùng trán.
Rồi Thế Tôn trả lời Bà-la-môn Brahmayu với bài kệ:
Ba hai Ðại nhân tướng,
Ông đã được nghe đến,
Ðều có trên thân Ta,
Hiền giả, chớ có nghi !

Ðiều cần biết, đã biết,
Ðiều cần tu, đã tu,
Ðiều cần trừ, đã trừ,
Do vậy, Ta là Phật.
(Này Bà-la-môn ! )

Vì an lạc hiện tại,
Vì hạnh phúc tương lai,
Ông được phép vấn hỏi,
Những điều Ông muốn biết.
Rồi Bà-la-môn Brahmayu suy nghĩ như sau: "Nay Sa-môn Gotama đã cho phép ta. Vậy ta nên hỏi Sa-môn Gotama về mục đích hiện tại hay tương lai". Rồi Bà-la-môn Brahmayu suy nghĩ: "Ta đã thiện xảo về mục đích hiện tại và các người khác hỏi ta về mục đích hiện tại. Vậy ta hãy hỏi Sa-môn Gotama về mục đích tương lai". Rồi Bà-la-môn Brahmayu dùng bài kệ thưa Thế Tôn:
Thế nào (là) Bà-la-môn?
Thế nào thông Vệ-đà?
Thế nào là ba minh?
Thế nào gọi cát tường?
Thế nào là ứng cúng?
Thế nào bậc Viên mãn?
Thế nào bậc Mâu-ni?
Thế nào gọi Phật-đà?
Rồi Thế Tôn dùng bài kệ trả lời Bà-la-môn Brahmayu:
Ai biết được đời trước,
Thấy thiện thú, ác thú,
Ðoạn tận được tái sanh,
Thắng trí được viên thành,
Vị ấy gọi Mâu-ni.

Ai biết tâm thanh tịnh,
Giải thoát gọi tham dục,
Sanh tử đều đoạn tận,
Phạm hạnh được viên thành,
Thông đạt nhứt thiết pháp,
Vị ấy xưng Phật-đà.
Khi được nghe vậy, Bà-la-môn Brahmayu từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, cúi đầu xuống dưới chân Thế Tôn, dùng miệng hôn xung quanh chân Thế Tôn, lấy tay rờ xung quanh và tự xưng danh:
-- Thưa Tôn giả Gotama, con là Bà-la-môn Brahmayu.
Và hội chúng ấy tâm tư trở thành kinh dị, vi diệu: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay, đại uy lực, đại thần lực của vị Sa-môn đã khiến cho Bà-la-môn Brahmayu này, với danh tiếng, danh vọng như vậy, lại hạ mình tối đa như vậy". Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Brahmayu:
-- Thôi vừa rồi, Bà-la-môn, hãy đứng dậy. Ông hãy ngồi trên ghế của Ông vì tâm của Ông đã hoan hỷ đối với Ta.
Rồi Bà-la-môn Brahmayu, sau khi đứng dậy, liền ngồi trên ghế của mình. Rồi Thế Tôn thứ lớp thuyết pháp cho Bà-la-môn Brahmayu, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi Trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của dục lạc và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tâm của Bà-la-môn Brahmayu đã sẵn sàng, đã nhu thuận, không còn chướng ngại, được phấn khởi, được tín thành, liền thuyết pháp mà chư Phật đã đề cao, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Cũng như tấm vải thuần bạch, được gột rửa các vết đen, sẽ rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy, chính tại chỗ ngồi này, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên trong tâm Bà-la-môn Brahmayu: "Phàm pháp gì được tập khởi lên đều bị tiêu diệt". Bà-la-môn Brahmayu thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tin, không y cứ nơi người khác đối với đạo pháp của đức Bổn sư. Bà-la-môn Brahmayu liền bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng! Mong Tôn giả Gotama ngày mai nhận lời mời của con đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo!
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Bà-la-môn Brahmayu khi được biết Thế Tôn đã nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Bà-la-môn Brahmayu sau khi đêm ấy đã mãn, sau khi đã sửa soạn tại trú xá của mình các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm, liền báo thì giờ cho Thế Tôn: "Tôn giả Gotama, nay đã đến giờ, cơm đã sẵn sàng". Rồi Thế Tôn buổi sáng đắp y, lấy y bát, đi đến trú xá của Bà-la-môn Brahmayu, sau khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn với chúng Tỷ-kheo. Bà-la-môn Brahmayu tự tay làm cho chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, thỏa mãn bằng những món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm.
Rồi Thế Tôn sau bảy ngày liền khởi sự du hành ở Videha. Sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, Bà-la-môn Brahmayu mệnh chung. Một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bà-la-môn Brahmayu đã mệnh chung. Sanh thú của vị ấy là gì, tương lai tái sanh thế nào?
-- Này các Tỷ-kheo, Bà-la-môn Brahmayu là bậc hiền triết. Vị ấy theo Pháp đúng với Chánh pháp, không có phiền nhiễu Ta với những kiện cáo về Chánh pháp (Dhammadhikaranam). Này các Tỷ-kheo, Bà-la-môn Brahmayu sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ chỗ ấy nhập Niết-bàn, không có trở lui đời này nữa.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.1/10/2015.

Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

90. Kinh Kannakatthala
(Kannakatthala sutta).


Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú tại Ujunna, gần vườn Lộc Uyển ở Kannakatthala.
Lúc bấy giờ vua Pasenadi nước Kosala đi đến Ujunna có công việc. Rồi vua Pasenadi nước Kosala bảo một người:
-- Ðến đây, này Người kia. Hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, có mạnh khỏe, lạc trú và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, vua Pasenadi nước Kosala cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, có mạnh khỏe, lạc trú không và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, hôm nay vua Pasenadi nước Kosala, sau buổi ăn sáng, sẽ đến yết kiến Thế Tôn".
-- Thưa vâng, tâu Ðại vương.
Người ấy vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, vua Pasenadi nước Kosala cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, có mạnh khỏe, lạc trú không và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, hôm nay vua Pasenadi nước Kosala, sau buổi ăn sáng, sẽ đến yết kiến Thế Tôn".
Hai chị em Soma và Sakula được nghe: "Hôm nay vua Pasenadi nước Kosala sau buổi ăn sáng, sẽ đến yết kiến Thế Tôn". Rồi hai chị em Soma và Sakula đi đến vua Pasenadi nước Kosala tại phòng ăn, và thưa như sau:
-- Tâu Ðại vương, hãy nhân danh chúng thiếp cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có được ít bệnh, ít não, khinh an, có mạnh khỏe, lạc trú không và thưa giúp: "Bạch Thế Tôn, chị em Soma và Sakula cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có được ít bệnh, ít não, khinh an, có mạnh khỏe, lạc trú không".
Rồi vua Pasenadi nước Kosala sau buổi ăn sáng đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi, ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, hai chị em Soma và Sakula cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm Thế Tôn có được ít bệnh, ít não, khinh an, có mạnh khỏe, lạc trú không.
-- Thưa Ðại vương, vì sao hai chị em Soma và Sakula lại không có thể nhờ một vị đưa tin khác?
-- Bạch Thế Tôn, hai chị em Soma và Sakula có nghe: "Hôm nay vua Pasenadi nước Kosala sau buổi ăn sáng, sẽ yết kiến Thế Tôn". Rồi hai chị em Soma và Sakula đi đến con tại phòng ăn và thưa như sau: "Tâu Ðại vương, hãy nhân danh chúng thiếp cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có được ít bệnh, ít não, khinh an, có mạnh khỏe, lạc trú không và thưa: "Bạch Thế Tôn, hai chị Soma và Sakula cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm Thế Tôn có được ít bệnh, ít não, khinh an, có mạnh khỏe, lạc trú không".
-- Thưa Ðại vương, mong rằng hai chị em Soma và Sakula được hạnh phúc!
Rồi vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con có nghe như sau: "Sa-môn Gotama có nói: "Không có một Sa-môn hay một Bà-la-môn nào toàn tri, toàn kiến, có thể tự cho là chứng được tri kiến viên mãn; sự tình như vậy không thể xảy ra". Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: "Sa-môn Gotama có nói: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào toàn tri, toàn kiến có thể cho là chứng được tri kiến viên mãn; sự tình như vậy không thể xảy ra", bạch Thế Tôn, có phải những vị ấy nói lời Thế Tôn nói, họ không xuyên tạc Thế Tôn, không đúng như thật; họ giải thích pháp đúng pháp và những ai nói hợp pháp, đúng pháp sẽ không có cơ hội để chỉ trích hay không?
-- Thưa Ðại vương, những ai nói như sau: "Sa-môn Gotama có nói: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào toàn tri, toàn kiến, có thể cho là chứng được tri kiến viên mãn; sự tình như vậy không thể xảy ra", những vị nói như vậy không nói đúng lời Ta nói, và họ xuyên tạc Ta một cách hư ngụy, không đúng sự thật.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với tướng quân Vidudabha:
-- Này Tướng quân, ai đã đem vấn đề này vào trong nội cung?
-- Tâu Ðại vương, Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala cho gọi một người:
-- Ðến đây, này Người kia, hãy nhân danh ta, bảo với Bà-la-môn Sanjaya thuộc dòng họ Akasa: "Thưa Tôn giả, vua Pasenadi nước Kosala cho gọi Tôn giả".
-- Thưa vâng, tâu Ðại vương.
Người ấy vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, đi đến Bà-la-môn Sanjaya thuộc dòng họ Akasa, sau khi đến, liền thưa với Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa: "Thưa Tôn giả, vua Pasenadi nước Kosala cho gọi Tôn giả".
Rồi vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, rất có thể những điều Thế Tôn nói về một vấn đề khác, được người ta gán vào một vấn đề khác. Bạch Thế Tôn, liên hệ vấn đề gì Thế Tôn tự xem là nói những lời nói ấy?
-- Thưa Ðại vương, Ta tự xem là đã nói những lời như sau: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể trong một lúc, biết hoàn toàn và thấy hoàn toàn, không thể có sự tình như vậy".
-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuyết có nhân duyên (heturupam). Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuyết liên hệ đến nhân duyên (saheturupam) và nói như sau: "Không có một Sa-môn nào hay Bà-la-môn nào có thể trong một lúc, biết hoàn toàn và thấy hoàn toàn, không thể có sự tình như vậy". Bạch Thế Tôn, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá và Thủ-đà. Bạch Thế Tôn, giữa bốn giai cấp này có những khác biệt nào, sai biệt nào?
-- Thưa Ðại vương, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá và Thủ-đà. Thưa Ðại vương, giữa bốn giai cấp này, hai giai cấp Sát-đế-lị và Bà-la-môn được xem là tối thượng về xưng hô; hai giai cấp kia từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay và giúp đỡ họ các công việc.
-- Bạch Thế Tôn, con không hỏi về hiện tại. Bạch Thế Tôn, con hỏi về tương lai. Bạch Thế Tôn, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá và Thủ-đà. Bạch Thế Tôn, trong bốn giai cấp này, có những khác biệt nào, sai biệt nào?
-- Thưa Ðại vương, có năm tinh cần chi này. Thế nào là năm? Ở đây, thưa Ðại vương, Tỷ-kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình, hợp với tinh tấn. Vị ấy không gian trá, không xảo trá, nêu rõ tự mình như chơn đối với bậc Ðạo sư, đối với các vị sáng suốt hay đối với các đồng Phạm hạnh. Vị ấy sống siêng năng, tinh tấn, từ bỏ các ác pháp, thành tựu các thiện pháp, kiên cố, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Vị ấy có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, với sự thể nhập của các bậc Thánh, đưa đến chơn chánh đoạn diệt các khổ đau".
Thưa Ðại vương có bốn giai cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà. Và nếu các giai cấp này thành tựu năm tinh cần chi này, như vậy sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc lâu dài cho họ.
-- Bạch Thế Tôn, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà. Nếu những vị này thành tựu năm tinh cần chi này, bạch Thế Tôn, ở đây có sự khác biệt gì, có sự sai biệt gì?
-- Thưa Ðại vương, ở đây, Ta nói đến sự sai biệt trong tinh cần. Ví như, thưa Ðại vương, giữa những con voi đáng được điều phục, hay những con ngựa đáng được điều phục, hay những con bò đáng được điều phục, có hai con voi, hai con ngựa, hay hai con bò được khéo điều phục, được khéo huấn luyện, và có hai con voi, hai con ngựa, hay hai con bò không được khéo điều phục, không được khéo huấn luyện. Thưa Ðại Vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Hai con voi, hai con ngựa, hay hai con bò được khéo điều phục, được khéo huấn luyện, có phải chúng được điều phục, đạt được khả năng điều phục (dantakaranam), chúng được điều phục, đạt được vị trí điều phục (dantabhumi)?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Còn hai con voi, hai con ngựa, hay hai con bò không được khéo điều phục kia, không được khéo huấn luyện kia, không được điều phục mà chúng đạt được khả năng điều phục, không được điều phục mà chúng đạt được vị trí điều phục như hai con voi, hai con ngựa, hay hai con bò được khéo điều phục kia, được khéo huấn luyện kia?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, thưa Ðại vương, những gì đạt được do lòng tin, do ít bệnh tật, do không gian trá, không dối trá, do tinh cần tinh tấn, do trí tuệ, cũng sẽ do bất tín, do nhiều bệnh tật, do xảo trá, do dối trá đạt được, sự tình như vậy không thể xảy ra.
-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuyết có nhân duyên (heturupam), Thế Tôn thuyết liên hệ đến nhân duyên. Bạch Thế Tôn, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà. Và nếu các vị này thành tựu năm tinh cần chi này, nếu họ chân chánh tinh cần, thì bạch Thế Tôn, có thể có sự khác biệt nào, có thể có sự sai biệt nào giữa các vị này không?
-- Thưa Ðại vương, ta nói không có sự khác biệt gì về phương diện giải thoát đối với giải thoát. Ví như, thưa Ðại vương, một người đem củi khô từ cây sala lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra. Và một người khác đem củi khô từ cây sala lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra. Rồi có một người khác đem củi khô từ cây xoài lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra. Rồi có một người khác đem củi khô từ cây udumbara   lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra. Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Vì rằng các loại củi dùng để nhen lửa sai khác, vậy có những sai khác gì, giữa ngọn lửa với ngọn lửa, giữa màu sắc với màu sắc, giữa ánh sáng với ánh sáng?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, thưa Ðại vương, với sức nóng do tinh tấn tạo nên, do tinh cần nhen nhúm lên, ở đây, Ta nói không có một sự sai biệt gì về giải thoát đối với giải thoát.
-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuyết có nhân duyên, Thế Tôn thuyết liên hệ đến nhân duyên. Bạch Thế Tôn, nhưng có chư Thiên không?
-- Thưa Ðại vương, sao Ðại vương có thể nói: "Bạch Thế Tôn, nhưng có chư Thiên không?"
-- Bạch Thế Tôn, không biết chư Thiên ấy có sanh lại tại đây không hay không sanh lại tại đây?
-- Thưa Ðại vương, chư Thiên nào có não hại tâm, sanh lại tại đây; chư Thiên nào không có não hại tâm, không sanh lại tại đây.
Khi được nghe nói vậy, tướng quân Vidudabha bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, chư Thiên có não hại tâm, sanh lại tại đây có thể đánh đuổi hay trục xuất chư Thiên không có não hại tâm, không sanh lại tại đây không?
Tôn giả Ananda khởi lên ý nghĩ như sau: "Tướng quân Vidudabha này là con vua Pasenadi nước Kosala, ta là con Thế Tôn. Nay đã đến thời người con nói chuyện với người con". Rồi Tôn giả Ananda nói với tướng quân Vidudabha:
-- Này Tướng quân, nay ở đây, tôi sẽ hỏi lại Tướng quân vấn đề này. Nếu có thể được, Tướng quân hãy trả lời. Này Tướng quân, Tướng quân nghĩ thế nào? Xa rộng cho đến lãnh thổ của vua Pasenadi nước Kosala, và tại chỗ của vua Pasenadi nước Kosala ngự trị, trị vì; tại chỗ ấy, vua Pasenadi nước Kosala có thể đánh đuổi hay trục xuất vị Sa-môn hay Bà-la-môn có công đức tu hành hay không có công đức tu hành, có sống Phạm hạnh hay không sống Phạm hạnh ra khỏi chỗ ấy không?
-- Thưa Tôn giả, xa rộng cho đến lãnh thổ của vua Pasenadi nước Kosala và chỗ nào vua Pasenadi nước Kosala ngự trị, trị vì; tại chỗ ấy, vua Pasenadi nước Kosala có thể đánh đuổi hay trục xuất vị Sa-môn hay Bà-la-môn có công đức tu hành, hay không có công đức tu hành, có sống Phạm hạnh hay không sống Phạm hạnh ra khỏi chỗ ấy.
-- Thưa Tướng quân, Tướng quân nghĩ thế nào? Xa rộng ra ngoài lãnh thổ của vua Pasenadi nước Kosala, và tại chỗ của vua Pasenadi nước Kosala không ngự trị, không trị vì; tại chỗ ấy, vua Pasenadi nước Kosala có thể đánh đuổi hay trục xuất vị Sa-môn hay Bà-la-môn có công đức tu hành hay không có công đức tu hành, có sống Phạm hạnh hay không sống Phạm hạnh ra khỏi chỗ ấy không?
-- Thưa Tôn giả, xa rộng ra ngoài lãnh thổ của vua Pasenadi nước Kosala, và tại chỗ của vua Pasenadi nước Kosala không ngự trị, không trị vì; tại chỗ ấy, vua Pasenadi nước Kosala không có thể đánh đuổi... ra khỏi chỗ ấy.
-- Thưa Tướng quân, Tướng quân có nghe nói đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba không?
-- Thưa vâng, Tôn giả. Chúng tôi có nghe nói đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Và ở đây, vua Pasenadi nước Kosala cũng nghe có nói đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba.
-- Này Tướng quân, Ông nghĩ thế nào? Vua Pasenadi nước Kosala có thể đánh đuổi hay trục xuất chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba ra khỏi chỗ ấy được không?
-- Thưa Tôn giả, vua Pasenadi nước Kosala không thể thấy chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba, làm sao vua lại có thể đánh đuổi hay trục xuất chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba ra khỏi chỗ ấy?
-- Cũng vậy, này Tướng quân, chư Thiên có não hại tâm, sanh lại tại đây, không có thể thấy được chư Thiên không có não hại tâm, không sanh lại tại đây, làm sao lại có thể đánh đuổi hay tẩn xuất chư Thiên không có não hại tâm, không sanh lại tại đây ra khỏi chỗ ấy được?
Rồi vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo ấy tên gọi là gì?
-- Thưa Ðại vương, tên là Ananda!
-- Thật hân hoan thay! Thật hoan hỷ thay! Tôn giả Ananda thuyết có nhân duyên, Ananda thuyết liên hệ đến nhân duyên. Bạch Thế Tôn, có Phạm thiên không?
-- Thưa Ðại vương, sao Ðại vương có thể nói như vậy: "Bạch Thế Tôn, có Phạm thiên không?".
-- Bạch Thế Tôn, Phạm thiên có sanh lại tại đây hay không sanh lại tại đây?
-- Thưa Ðại vương, nếu Phạm thiên có não hại tâm thì Phạm thiên ấy có sanh lại tại đây. Nếu không có não hại tâm, thời Phạm thiên ấy không sanh lại tại đây.
Rồi một người khác tâu với vua Pasenadi nước Kosala:
-- Tâu Ðại vương, Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa đã đến.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa:
-- Này Bà-la-môn, ai phổ biến câu chuyện này trong nội cung?
-- Tâu Ðại vương, tướng quân Vidudabha.
Tướng quân Vidudabha lại nói:
-- Tâu Ðại vương, chính Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa.
Rồi có một người tâu với vua Pasenadi nước Kosala:
-- Tâu Ðại vương, nay đã đến thời dùng xe.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, chúng con đã hỏi Thế Tôn về nhất thiết trí. Thế Tôn đã trả lời về nhất thiết trí. Câu trả lời ấy làm cho chúng con thoải mái, được chúng con chấp nhận, nên chúng con hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, chúng con đã hỏi Thế Tôn về sự thanh tịnh của bốn giai cấp. Thế Tôn đã trả lời cho chúng con về sự thanh tịnh của bốn giai cấp. Câu trả lời ấy làm cho chúng con thoải mái, được chúng con chấp nhận, nên chúng con hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, chúng con hỏi Thế Tôn về chư Thiên (Adhideve) và Thế Tôn đã trả lời về chư Thiên. Câu trả lời ấy làm cho chúng con thoải mái, được chúng con chấp nhận nên chúng con hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, chúng con hỏi Thế Tôn về Phạm thiên và Thế Tôn đã trả lời về Phạm thiên. Câu trả lời ấy làm cho chúng con thoải mái, được chúng con chấp nhận nên làm chúng con hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, và những điều gì chúng con hỏi Thế Tôn, vấn đề ấy Thế Tôn đã trả lời, và câu trả lời ấy làm cho chúng con thoải mái, được chúng con chấp nhận nên chúng con hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, nay chúng con phải đi. Chúng con có nhiều công việc, có nhiều phận sự phải làm.
-- Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.1/10/2015.